Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền xã góp phần quản lý phát triển xã hội
Thứ hai, 21 Tháng 12 2015 10:52
10996 Lượt xem

Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền xã góp phần quản lý phát triển xã hội

(LLCT) - Xã là cấp cơ sở, có tầm quan trọng đặc biệt, là nơi tiếp nhận và trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện đến từng người dân mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời là nơi kiểm nghiệm tính đúng đắn của chủ trương, đường lối, chính sách đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cấp xã là gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”(1).
 
Thời gian qua, việc tiến hành cải cách bộ máy hành chính nhà nước đã làm cho chính quyền xã có những chuyển biến tích cực, phù hợp với các điều kiện mới. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề nổi cộm như: người dân chưa thực sự đóng vai trò làm chủ, thành quả dân chủ trong quan hệ giữa chính quyền địa phương và người dân chưa rõ ràng; tính tự chủ, chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền xã còn hạn chế... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân thuộc về tổ chức và hoạt động của chính quyền xã. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền xã góp phần nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội.

1. Chức năng của chính quyền xã ở Việt Nam

Chính quyền xã bao gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND), là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước ở cơ sở. HĐND và UBND là 2 cơ quan có vị trí và tính chất khác nhau, nhưng được tổ chức và hoạt động trên cùng một địa bàn, một cấp hành chính. HĐND giữ vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND và UBND xã có sự gắn kết chặt chẽ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền xã. Điều 112 Hiến pháp năm 2013 quy định chính quyền địa phương có 2 nhiệm vụ được phân biệt với nhau đó là: tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương và quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Vì vậy, chức năng của chính quyền xã thể hiện trên hai phương diện:

Một là, chức năng công quyền: thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong việc thực thi chính sách, pháp luật của tổ chức và công dân trong phát triển các lĩnh vực trên địa bàn xã, bảo đảm cho sự phát triển xã hội đúng mục tiêu, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với điều kiện cụ thể của xã. Chính quyền xã trực tiếp xây dựng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển xã hội của xã trên từng ngành, từng lĩnh vực; đồng thời, quyết định, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và giám sát, thanh tra, kiểm tra tình hình, kết quả việc thực thi chiến lược, kế hoạch, chính sách, pháp luật về phát triển xã hội trên địa bàn xã.

Hai là, chức năng dịch vụ công: chính quyền xã trực tiếp tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trong phát triển xã hội trên địa bàn xã. Bộ máy chính quyền xã vừa đóng vai trò là trung tâm điều phối các hoạt động xã hội do các tổ chức và công dân tham gia, vừa là chủ thể cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của người dân.

2. Vai trò của chính quyền xã trong quản lý phát triển xã hội

Quản lý phát triển xã hội ở cấp xã là hoạt động tác động của chủ thể quản lý xã hội (quản lý nhà nước, quản lý của tổ chức, cộng đồng và người dân) tới đối tượng quản lý xã hội (là các quá trình, các thể chế phát triển xã hội) nhằm huy động tối đa các nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển xã hội của xã. Nội dung quản lý phát triển xã hội ở cấp xã là quản lý toàn diện. Một là, quản lý tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội: hoạch định chính sách kinh tế, điều tiết kinh tế; bảo đảm các dịch vụ công, các vấn đề an sinh xã hội; công bằng và bình đẳng xã hội… tạo lập môi trường thể chế lành mạnh. Hai là, quản lý tất cả các tổ chức của hệ thống chính trị ở xã, bao gồm: tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân. Ba là, quản lý tất cả các khâudiễn ra trong hoạt động quản lý từ: xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chính trị...

Năng lực và hiệu quả hoạt động của chính quyền xã tác động trực tiếp đến việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm cho khối đại đoàn kết toàn dân được thiết lập ngay từ cơ sở. Vai trò của chính quyền cấp xã trong quản lý phát triển xã hội được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, chính quyền xã bảo đảm sự hài hòa lợi ích nhà nước và lợi ích của người dân tại cơ sở. Chính quyền xã có vai trò trong việc quản lý và tổ chức mọi mặt hoạt động đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội ở cơ sở. Vì vậy, mọi vấn đề của xã đều liên quan chặt chẽ với nhau và cần được giải quyết trên cơ sở hài hòa các lợi ích nhà nước với nhân dân và giữa nhân dân với nhau. Chính quyền xã trực tiếp tổ chức, chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi hàng ngày của nhân dân địa phương, đáp ứng và giải quyết các nhu cầu phát sinh từ cơ sở.

Thứ hai, chính quyền xã là nơi tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Để chủ trương, đường lối, chính sách đi vào cuộc sống, chính quyền xã phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để người dân hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền về tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội…

Thứ ba, chính quyền xã là nơi đề xuất, thực thi các biện pháp tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở xã. Chính quyền xã là cấp trực tiếp tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của nhân dân, kịp thời phản ánh nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu đó lên các cơ quan cấp trên, đồng thời, đề xuất những giải pháp trong việc giải quyết vướng mắc, thoả mãn nhu cầu, mong muốn của nhân dân. Vì vậy, nếu chính quyền xã không giải quyết một cách thấu đáo những vướng mắc của nhân dân, sẽ xảy ra những phản ứng tiêu cực của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thứ tư, chính quyền cấp xã là điểm nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đơn vị hành chính xã thường có tính độc lập cao hơn so với các đơn vị hành chính cùng cấp khác (như phường, thị trấn). Bởi lẽ, trong phạm vi xã thường có các cộng đồng dân cư nhỏ hơn cố kết như làng, xóm, thôn, bản...  Đây là những cộng đồng dân cư tồn tại lâu đời, có sự gắn bó chặt chẽ với nhau về kinh tế, văn hóa - xã hội, huyết thống, phong tục, tập quán...

Trong phạm vi mỗi xã, các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư thường được điều chỉnh bằng nhiều quy định và thiết chế chính thức hoặc phi chính thức do chính những thành viên trong cộng đồng lập ra. Do các mối quan hệ cộng đồng gắn bó chặt chẽ, đan xen như vậy nên việc tổ chức và hoạt động của cơ quan chính quyền xã ở nước ta rất phức tạp. Cán bộ đại diện cho chính quyền xã là người gắn bó với dân, cùng chung sống hàng ngày với dân, am hiểu những phong tục, tập quán, truyền thống của địa phương. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, cán bộ xã cần mềm dẻo, linh hoạt khi tiếp xúc, làm việc với dân, quan tâm hoàn cảnh, cuộc sống của người dân, đồng thời phải thực hiện đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

3. Biện pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền xã nhằm nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội ở cơ sở

Để đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của chính quyền xã trong quản lý phát triển xã hội

Hiện nay, nhận thức về vị trí, vai trò, tính chất của hệ thống chính trị ở xã nói chung, chính quyền nói riêng và việc thực hiện nhiệm vụ tự quản của thôn, xóm còn khác nhau. Vì vậy, cần tuyên truyền sâu rộng về vai trò của chính quyền xã trong thực thi chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng tự quản trong cộng đồng xã hội để bảo đảm quyền dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân.

Nhận thức này cần được quán triệt trước hết đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt đối với đội ngũ đảng viên ở nông thôn. Đồng thời phải được thể hiện trong nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở.

Hai là, tổng kết việc thực hiện“Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”(2)

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém trong thực hiện, đòi hỏi cần có sự tổng kết để phát hiện những khiếm khuyết, bất hợp lý, đề xuất các giải pháp khắc phục. Đây là giải pháp cơ bản và lâu dài để đảm bảo dân chủ và phát huy quyền làm chủ của người dân.

Ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền xã

Sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng đối với chính quyền xã thực chất là sự lãnh đạo của đảng bộ cơ sở, hoặc chi bộ cơ sở đối với HĐND và UBND xã. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng: Tăng thẩm quyền và ràng buộc trách nhiệm của chính quyền và cán bộ trong bộ máy chính quyền, nhất là chủ tịch xã; Nâng cao vị thế và đổi mới cơ cấu, số lượng, thành phần HĐND. Có cơ chế lựa chọn những đại biểu thật xứng đáng với sự ủy quyền của nhân dân. Cần nhận thức rõ đại biểu của dân là đại biểu cho hành động, cho tính chủ động, sáng kiến, cho văn hóa, kinh nghiệm, có đạo đức...; Thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của UBND; Quy định và thực hiện chế độ tiếp dân.

Bốn là, tăng cường vị thế, vai trò, thẩm quyền, chức trách và trách nhiệm của UBND xã, nhất là Chủ tịch UBND xã

Cần bảo đảm chế độ, thời gian làm việc trong ngày, trong tuần của Chủ tịch UBND tại trụ sở UBND. Đồng thời, đầu tư kinh phí cần thiết cho trụ sở làm việc và các hoạt động của Ủy ban nhân dân xã. Chấn chỉnh những lệch lạc, vi phạm pháp luật của hương ước và việc thực hiện hương ước.

Năm là, xây dựng cơ chế phối hợp và quan hệ trách nhiệm giữa xã và thôn

Cần có sự phân định rõ quan hệ trách nhiệm và phối hợp giữa xã và thôn, giữa giao quyền, ủy nhiệm với thực hiện quyền được ủy nhiệm, giữa UBND xã với trưởng thôn, ban đại diện thôn, ban công tác mặt trận thôn. Nâng cao năng lực và trách nhiệm hòa giải dân sự trong cộng đồng làng xã. Biện pháp này có tác dụng giữ ổn định trật tự tại địa bàn dân cư, khắc phục những lệch lạc, những hiện tượng vi phạm dân chủ, pháp luật.

Sáu là,xây dựng mô hình tự quản ở thôn, xây dựng quy chế hoạt động của thôn và trưởng thôn

Trong điều kiện hiện nay, cần tiếp tục củng cố tổ chức tự quản. Điều này phù hợp với tiến trình đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Những vấn đề cụ thể liên quan đến cuộc sống dân sinh trên địa bàn được giải quyết theo hình thức dân chủ trực tiếp qua cơ chế sinh hoạt của các thôn, xóm tự quản.

Xây dựng quy chế hoạt động của thôn và trưởng thôn, trong đó xác định rõ chức trách, thẩm quyền của trưởng thôn, giới hạn ủy nhiệm, ủy quyền, những hoạt động quản lý và tự quản trên quy mô xã và phạm vi từng thôn. Quy chế thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm trong quản lý và phát triển xã hội.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2015 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.371.

(2) Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007.

 

TS Nguyễn Thị Tuyết Mai

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền