Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Sự tiếp nối chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Thứ hai, 21 Tháng 12 2015 11:02
26511 Lượt xem

Sự tiếp nối chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

(LLCT) - Từ năm 1945 đến năm 1976, do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Việt Nam, nên đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý và kế thừa chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bài viết phân tích về lịch sử quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong giai đoạn 1945-1976, góp phần sáng tỏ hơn một số luận điểm chứng minh quá trình thực thi chủ quyền liên tục, hòa bình, tuân theo những quy định của luật pháp quốc tế của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

1. Những bằng chứng không thể tranh cãi về sự liên tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (1945-1976)

Chính quyền Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã quản lý một cách hòa bình và liên tục hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII tới nay. Đầu thế kỷ XIX, bằng những thủ tục hành chính thích hợp, nhà Nguyễn củng cố chủ quyền trên các quần đảo. Từ năm 1884, với quy chế bảo hộ Việt Nam, Pháp đã kế thừa nhà Nguyễn, tiếp tục hành xử chủ quyền đối với các quần đảo theo đúng luật pháp quốc tế cho tới năm 1945. Trung Quốc đã chính thức công nhận chủ quyền nêu trên của Pháp thông qua việc ký Hiệp ước Pháp - Thanh vào năm 1887 và Điều khoản bổ sung của Hiệp ước này vào năm 1895. Như vậy, sự liên tục của chủ quyền Việt Nam ít nhất từ đầu thế kỷ XVII cho tới đầu năm 1945 đã được xác định qua các tài liệu lịch sử hiện đang lưu trữ tại Việt Nam và trên thế giới.

Việt Nam liên tục thực hiện chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được thể hiện qua các chứng cứ và sự kiện:

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Ngày 6-1-1946, VNDCCH tiến hành bầu cử Quốc hội và thông qua Hiến pháp vào ngày 9-11-1946. Căn cứ vào Hiến pháp năm 1946, VNDCCH là một nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tuyên bố chủ quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngày 6-3-1946, Chính phủ VNDCCH ký với Pháp bản Hiệp định Sơ bộ. Theo Hiệp định này, Chính phủ Pháp công nhận nước VNDCCH là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương, nằm trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Đồng thời, Pháp sẽ rút hết quân khỏi Việt Nam trong thời hạn 5 năm. Sau đó, hai Chính phủ ký Tạm ước Việt - Pháp vào ngày 14-9-1946, với mục đích tạm thời cụ thể hóa Hiệp định Sơ bộ. Do Pháp không thực hiện những thỏa thuận trong Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước Việt - Pháp, cố tình gây chiến tranh để tái xác lập chế độ thực dân trên lãnh thổ Việt Nam, chiến tranh giữa VNDCCH và Pháp cùng các lực lượng thân Pháp đã xảy ra vào cuối năm 1946 và kéo dài tới giữa năm 1954, khi Hiệp định Giơnevơ về hòa bình ở Đông Dương được ký kết.

Căn cứ vào Hiệp định Sơ bộ, vì VNDCCH nằm trong khối Liên hiệp Pháp, theo luật pháp quốc tế, trong thời gian từ đầu năm 1946 tới đầu năm 1949 Pháp đã thực thi quyền đại diện để bảo vệ chủ quyền của VNDCCH tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 10-1946, lợi dụng thời điểm VNDCCH đang chuẩn bị toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới danh nghĩa giải giáp quân Nhật, Trung Hoa Dân quốc đã đưa quân tới chiếm đóng trái phép đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tháng 12-1946,  Trung Hoa Dân quốc lại chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Hoa Dân quốc đã chiếm đóng hai đảo Phú Lâm và Ba Bình cho tới năm 1950.

Từ cuối năm 1946, cùng với sử dụng vũ trang để tiêu diệt Chính phủ VNDCCH, Pháp đã chủ trương thành lập một chính phủ không cộng sản trên đất Việt Nam. Sau rất nhiều thủ tục trung gian, ngày 8-3-1949, Hiệp định Hạ Long được ký kết và Quốc gia Việt Nam (QGVN) thuộc Liên hiệp Pháp được thành lập (theo một số nguồn tư liệu, đến đầu năm 1950 đã có 35 quốc gia công nhận QGVN). Với việc thành lập quốc gia này, Pháp coi như đã chính thức trao quyền quản lý toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho QGVN. Do vậy, vào tháng 4-1949, Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ QGVN tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 14-10-1950, dưới sự chủ trì của Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo, việc quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được Chính phủ Pháp chính thức bàn giao cho QGVN.

Năm 1949, Pháp đã gửi đơn xin đăng ký ba trạm khí tượng do Pháp xây dựng tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Tổ chức Khí tượng Thế giới và đã được chấp nhận. Các trạm khí tượng này là Trạm Phú Lâm với số hiệu 48859; Trạm Hoàng Sa với số hiệu 48860; Trạm Ba Bình với số hiệu 48419.

Năm 1951, QGVN đã được mời tham dự Hội nghị San Francisco về chấm dứt chiến tranh tại châu Á - Thái Bình Dương và lập quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến. Hội nghị có 51 nước tham gia. Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Liên Xô đã đề nghị trao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Đề nghị này đã bị Hội nghị bác bỏ với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận. 

Tại Hội nghị, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của QGVN Trần Văn Hữu tuyên bố: “Việt Nam rất là hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo dựng hòa bình này. Và cũng vì vậy cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”(1). Tuyên bố này của Thủ tướng Trần Văn Hữu không bị quốc gia nào phản đối hay bảo lưu.

Trong Hoà ước giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày 28-4-1952, Trung Quốc ghi nhận việc Nhật Bản từ bỏ mọi quyền đối với hai quần đảo như nội dung đã được ghi trong văn kiện Hội nghị San Francisco mà không hề yêu cầu Nhật Bản trả lại cho Trung Quốc hai quần đảo. Việc này là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã gián tiếp thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo tại Hội nghị San Francisco.

Như vậy, trong thời gian từ năm 1945 tới năm 1954, Việt Nam có hai chính phủ và hai chính phủ này đều có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. VNDCCH là một thành viên thuộc khối Liên hiệp Pháp, được Pháp đại diện để thực thi chủ quyền; QGVN cũng là một thành viên thuộc khối Liên hiệp Pháp, được Pháp chuyển giao chủ quyền và đã khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo. Tuyên bố của QGVN tại Hội nghị San Francisco không có nước nào phản đối và bảo lưu đã là một bằng chứng rất rõ ràng chứng minh rằng Việt Nam đã khẳng định chủ quyền rõ ràng và minh bạch và đã tiếp nhận hai quần đảo này từ Nhật Bản.

Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Theo Hiệp định, lãnh thổ nước Việt Nam bị tạm chia thành hai miền: miền Bắc do VNDCCH quản lý, miền Nam do Liên hiệp Pháp và các lực lượng thân Pháp, trong đó có QGVN quản lý. Ranh giới tạm thời giữa hai vùng là vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải). Theo Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước được tiến hành vào năm 1956.

Năm 1955, sau kết quả trưng cầu dân ý riêng rẽ, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và lên làm Quốc trưởng của QGVN. Sau đó, QGVN tổ chức bầu cử Quốc hội và ban hành hiến pháp, đổi tên QGVN thành Việt Nam Cộng hòa (VNCH) do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống.

Bằng cách ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954, VNDCCH đã chính thức thừa nhận chỉ quản lý lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở về Bắc và thực hiện thống nhất đất nước thông qua tổng tuyển cử ở hai miền Bắc và Nam. Tuy QGVN không ký Hiệp định Giơnevơ, nhưng thông qua việc ký kết Hiệp định, VNDCCH đã gián tiếp công nhận QGVN thay mặt Pháp quản lý lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở về Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ 1954 đến 1976, QGVN, sau đó là VNCH, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quản lý một cách hòa bình, liên tục và hiệu quả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng quy định trong luật pháp quốc tế thông qua các sự kiện dưới đây(2):

Tháng 4-1956, Hải quân VNCH tiếp quản nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa từ Pháp.

Ngày 1-6-1956, Ngoại trưởng VNCH Vũ Văn Mẫu tuyên bố tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 22-8-1956, Hải quân VNCH đổ bộ quân tiếp quản một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, dựng cờ và bia chủ quyền.

Ngày 22-10-1956, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm đã ký Sắc lệnh số 143-NV về việc đổi tên các tỉnh thành miền Nam Việt Nam, quy định Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy.

Ngày 21-2-1959, 82 lính Trung Quốc đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng và Quang Hòa, đã bị lực lượng VNCH đóng trên các đảo bắt giữ. Ngoài ra, lực lượng VNCH còn bắt giữ 5 tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc. Số lính và tàu này sau đó được trao trả cho Trung Quốc.

Ngày 13-7-1961, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 174-NV sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào xã Định Hải, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1963, VNCH đã tiến hành dựng bia chủ quyền trên các đảo Trường Sa (19-5), An Bang (20-5), Thị Tứ - Loại Ta (22-5) và Song Tử Đông - Song Tử Tây (24-5).

Ngày 21-10-1969, Thủ tướng VNCH Trần Thiện Khiêm đã ký Nghị định số 709-BNV/HCĐP “Sáp nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận”(3).

Ngày 13-7-1971, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH Trần Văn Lắm đã khẳng định lại về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa tại Hội nghị ASPEC Manila.

Ngày 6-9-1973, VNCH ban hành Nghị định số 420-BNV/HCĐP/26 quy định các đảo của quần đảo Trường Sa thuộc xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Từ ngày 17-1 đến ngày 20-1-1974, lợi dụng thời điểm chính quyền VNCH rệu rã, suy sụp, Trung Quốc đã tấn công lực lượng hải quân của VNCH và chiếm đóng trái phép phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20-1-1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra bản tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc. Ngày 14-2-1974, VNCH đã ra tuyên bố phản đối rất mạnh mẽ hành động chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc, khẳng định quần đảo Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam; các lực lượng của VNCH sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh và bằng mọi phương tiện giành lại phần lãnh thổ bị chiếm đóng tại quần đảo Hoàng Sa.

Trong tháng 2 và tháng 3-1974, VNCH liên tục tái khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên các diễn đàn quốc tế và theo các kênh ngoại giao. Đầu năm 1975, Bộ Ngoại giao VNCH công bố sách trắng về những chứng cớ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tái phản đối sự xâm chiếm bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Từ ngày 14 đến 28-4-1975, lực lượng hải quân của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thay thế lực lượng hải quân của VNCH trên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa. Ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được chuyển giao cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quản lý.

Ngày 2-7-1976, thông qua Tổng tuyển cử, hai quốc gia VNDCCH và Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thống nhất thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó đến nay, với tư cách kế thừa quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước, Nhà nước ta tiếp tục duy trì và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

2. Những luận cứ khoa học bác bỏ các luận cứ về chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Theo Công ước về kế thừa quốc gia đối với điều ước quốc tế năm 1978(4), có 3 trường hợp làm phát sinh kế thừa quốc gia: kế thừa khi thuộc địa trở thành quốc gia mới độc lập, kế thừa khi có sự sáp nhập hoặc tách rời quốc gia và kế thừa khi chuyển giao một bộ phận lãnh thổ từ quốc gia này sang quốc gia khác. Vì Việt Nam có những thay đổi về chính quyền cũng như tách rời, sáp nhập quốc gia trong giai đoạn 1945 - 1976, cần phải xem xét tới khái niệm quốc gia và xác định những quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn này.

Theo Công ước Montevideo 1933(5) về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia “một quốc gia là một chủ thể của luật quốc tế, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về: có dân cư ổn định, có lãnh thổ xác định, có chính phủ và có khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế” và “sự tồn tại về chính trị của các quốc gia độc lập với sự công nhận của các quốc gia khác”.

Trước năm 1954, trên lãnh thổ Việt Nam có hai chính quyền cùng tồn tại là VNDCCH và QGVN. Cả hai chính quyền này đều tự tuyên bố là chính phủ hợp pháp của Việt Nam và có chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (7-1954), hai chính quyền thực hiện việc quản lý hai miền Nam - Bắc đất nước Việt Nam. Trên thực tế, cả hai chính quyền đều là hai thực thể chính trị, thỏa mãn các điều kiện để được công nhận là quốc gia: có dân cư ổn định, có lãnh thổ xác định, có chính phủ và có khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế. Như vậy, có thể nói rằng trong khoảng từ năm 1954 đến năm 1975, trên lãnh thổ Việt Nam đã tồn tại hai quốc gia, VNDCCH và VNCH. Cả hai quốc gia này đều tuyên bố về toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và khẳng định mong muốn thống nhất Việt Nam nhưng hành xử của hai quốc gia này khác nhau. VNDCCH luôn tuyên bố nguyện vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng luôn cho rằng việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là quyền tự quyết của nhân dân hai miền Nam, Bắc và thống nhất đất nước phải được thực hiện thông qua hiệp thương tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước.

Trong toàn bộ thời gian tồn tại, cả VNDCCH và VNCH được nhiều nước công nhận, nhưng không có quốc gia nào công nhận đồng thời cả hai quốc gia này. Tuy nhiên, trong lịch sử tồn tại của mình, hai quốc gia VNDCCH và VNCH đã từng được một số quốc gia đề nghị công nhận đồng thời. Ví dụ, tháng 1-1957, Liên Xô đề nghị Liên Hợp quốc công nhận cả hai nước VNDCCH và VNCH làm thành viên. Tuy nhiên, VNDCCH phản đối đề nghị của Liên Xô(6). Ngoài ra, Liên Xô đã hai lần phản đối VNCH gia nhập Liên Hợp quốc vào các năm 1957 và 1958(7). Tháng 8-1975, VNDCCH và Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều nộp đơn xin gia nhập Liên Hợp quốc và được 123 nước thuộc Đại hội đồng Liên Hợp quốc bỏ phiếu thuận, không nước nào bỏ phiếu chống, nhưng bị Mỹ phủ quyết. Trung Quốc phản đối Mỹ và tuyên bố rằng hành động của Mỹ là “sự vi phạm toàn diện các quy định rõ rệt của Hiến chương Liên Hợp quốc và các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng”. Như vậy, các hành động của Trung Quốc trong giai đoạn 1954 - 1976 đã chứng tỏ rằng Trung Quốc thừa nhận rằng trong giai đoạn này trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại hai nhà nước riêng biệt(8).

Như vậy, xét theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, mặc dù Hiệp định Giơnevơ chỉ quy định tạm thời chia cắt Việt Nam thành hai miền trong thời gian 2 năm, nhưng thực tế trên lãnh thổ Việt Nam đã tồn tại hai quốc gia, có thể được xem là độc lập, đó là VNDCCH và VNCH. Hai quốc gia này đã thực thi chủ quyền trên các vùng khác nhau của lãnh thổ Việt Nam. VNDCCH thực thi chủ quyền đối với lãnh thổ đất liền và các đảo nằm ở phía Bắc vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải), trong khi VNCH thực thi chủ quyền đối với lãnh thổ đất liền và các đảo, quần đảo nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17. Như vậy, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của VNCH.

Hiệp định Giơnevơ quy định Tổng tuyển cử thống nhất đất nước sẽ được thực hiện vào năm 1956, nhưng Chính quyền VNCH đã không tuân thủ Hiệp định. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được chính thức thành lập ngày 20-12-1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên), tỉnh Tây Ninh. Lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ ngày 6 đến ngày 8-6-1969, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là nòng cốt, cùng với Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch, lập ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Từ tháng 6-1969 tới năm 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được hơn 50 nước công nhận và lập quan hệ ngoại giao. Ngay sau khi thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng là một bên cùng với VNDCCH và VNCH, Mỹ tham gia vào quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Pari về lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.

Ngày 30-4-1975, sau khi tiếp nhận sự đầu hàng của Chính phủ VNCH, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố: “Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hiện nay thực hiện chủ quyền trên toàn vẹn lãnh thổ của mình trên toàn bộ miền Nam Việt Nam, là người đại diện chân chính và hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam, có đầy đủ quyền hành giải quyết những vấn đề quốc tế của miền Nam Việt Nam”(9).

Thông qua tuyên bố này và việc tiếp nhận sự đầu hàng của Chính phủ VNCH, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã khẳng định Cộng hòa miền Nam Việt Nam chính thức thực hiện quyền kế thừa quốc gia đối với VNCH, đặc biệt là kế thừa chủ quyền của VNCH đối với lãnh thổ miền Nam Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế, sau năm 1975, Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã kế thừa lãnh thổ, các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tư cách thành viên tại các tổ chức quốc tế. Tất cả những kế thừa này của Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều được thực hiện theo đúng tập quán quốc tế và Công ước về kế thừa quốc gia đối với Điều ước quốc tế năm 1978.

Sau Tổng tuyển cử thống nhất đất nước năm 1976, Cộng hòa XHCN Việt Nam đã kế thừa một cách hợp pháp toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng Công ước về kế thừa quốc gia đối với Điều ước quốc tế năm 1978.

Những lập luận trên đây cho thấy rõ ràng rằng, mặc dù không phải Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã tạo ra hai quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam như nhận xét của tác giả Giebel(10), nhưng sự tồn tại của hai quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn 1954 - 1976 là một thực tế lịch sử. Vì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc phần lãnh thổ do VNCH quản lý, các hoạt động của VNDCCH trong giai đoạn này không ảnh hưởng tới chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thực tế này cũng giúp giải quyết những băn khoăn của một số nhà nghiên cứu(11) về sự liên tục của chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo.

Từ những bằng chứng lịch sử và pháp lý, có thể rút ra một số kết luận:

Một là, trong khoảng từ năm 1945 tới năm 1954 đã có sự tồn tại của hai thực thể chính trị với tư cách nhà nước trên lãnh thổ Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ năm 1954 tới khi thống nhất đất nước vào năm 1976, các thực thể chính trị này đã quản lý hai phần riêng biệt của lãnh thổ Việt Nam và có thể được coi là hai quốc gia độc lập, có chủ quyền đối với phần lãnh thổ quản lý.

Hai là, vì VNDCCH không phải là quốc gia có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn 1945 - 1976, các hoạt động của VNDCCH trong giai đoạn này không ảnh hưởng tới sự liên tục của chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo này.

Ba là, việc kế thừa quốc gia đối với chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn 1945 - 1976 được thực hiện theo đúng luật pháp và tập quán quốc tế.

Bốn là, việc Trung Quốc chiếm đóng trái phép phần phía Đông quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956, dùng vũ lực chiếm đóng trái phép phần phía Tây Hoàng Sa vào năm 1974 và một số thực thể trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào các năm 1988 và 1995 là trái với luật pháp quốc tế và không mang lại danh nghĩa chủ quyền cho Trung Quốc. Vì vậy, những tuyên bố của Trung Quốc về bằng chứng Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong hồ sơ mà Trung Quốc trình lên Liên Hợp quốc ngày 9-6-2014(12) là không có giá trị.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2015

(1) Xem http://vi.wikipedia.org/wiki.

(2) Xem Gendreau M. C.: Chủ quyền trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998; Nguyễn Nhã: Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 2003.

(3)Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh.

(4) Xem: http:// legal.un.org/ilc/texts/instruments/English/ conventions/3-2-1978.pdf.

(5) Xem: Công ước Montevideo 1933 về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia. Bản dịch Tiếng Việt.

(6), (7) Xem: Thái Văn Cầu:  Công hàm 1958 và hai Nhà nước Việt Namhttp:// www.bbc.co.uk/vietnamese/ forum/2013/05/130508_cong_ham_hai_nuoc.shtml, năm 2014.

(8) Xem: Thái Văn Cầu: “Hai Nhà nước Việt Nam và Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa”, năm 2014.

(9) Xem: Hà Nội Mới, Số 2246, 2-5-1975.

(10) https://www.danluan.org/tin-tuc/20140616/hiep-dinh-geneve-1954-va-hai-quoc-gia-tren-lanh-tho-viet-nam comment-123865, 2014.

(11) Xem: Dương Danh Huy: Đôi gót chân Achilles của chủ quyền. BBC, 2014.

(12) Xem:   Letter dated 9 June 2014 from the Chargé d’affaires a.i. of the Permanent Mission of China to the United Nations addressed to the Secretary-General http:// www.un.org/ga/search/view_doc.

 

PGS,TS VŨ THANH CA

Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo,

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền