Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Một số vấn đề về sở hữu tư liệu sản xuất ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới
Thứ hai, 21 Tháng 12 2015 11:07
9742 Lượt xem

Một số vấn đề về sở hữu tư liệu sản xuất ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới

(LLCT) - Vấn đề sở hữu có một vị trí cực kỳ quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, xét cho cùng nó là động lực trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế và là vấn đề có tính bản chất của sự hình thành chế độ xã hội mới. C.Mác viết: “Tất cả các cuộc cách mạng gọi là những cuộc cách mạng chính trị, từ cuộc cách mạng đầu tiên đến cuộc cách mạng cuối cùng, đều được tiến hành để bảo vệ sở hữu

thuộc một loại nào đó”(1).

 

1. Nhận thức về vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất

Về vị trí, hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta liên tục có bước tiến mới trong nhận thức về vị trí quan trọng của vấn đề sở hữu và sự đa dạng hóa các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII xác định sở hữu và quan hệ sản xuất là bộ phận cấu thành của hình thái kinh tế - xã hội. Như vậy, việc xác lập quyền làm chủ về tư liệu sản xuất là nền tảng, mục tiêu, phương tiện để xây dựng xã hội mới.

Trong xây dựng mô hình kinh tế thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”(2). Theo Đại hội XI, ở nước ta có các hình thức sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân và sở hữu hỗn hợp. Đa dạng hóa các hình thức sở hữu trong nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng cho sự hình thành và phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp, phát huy tối ưu các tiềm năng, thế mạnh của các chủ sở hữu và nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực phát triển. Do đó, tạo nên sự cạnh tranh trong nền kinh tế và đó là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Về bản chất của quan hệ sở hữu

Sở hữu là quan hệ giữa người với người về sự chiếm hữu của cải xã hội, là hình thức xã hội của hành vi chiếm hữu trong các loại hình kinh tế - xã hội nhất định. Nội hàm của quan hệ này không chỉ xác định chủ sở hữu tư liệu sản xuất mà còn xác định người sử dụng, quyền tổ chức quản lý, điều hành và phân phối lợi ích giữa các chủ thể kinh tế có liên quan. Tất cả các vấn đề đó đều phải được thực hiện theo quan hệ kinh tế và quan hệ pháp lý.

Các quan hệ kinh tế khi được điều chỉnh bởi pháp luật sẽ trở thành quan hệ pháp lý, tức là được Nhà nước chính thức thừa nhận các quyền sở hữu, quyền sử dụng và các lợi ích kinh tế của các chủ thể về tư liệu sản xuất, các kết quả lao động được tạo ra. Việc xác lập nội dung pháp lý của sở hữu tạo nên nền tảng vững chắc, làm căn cứ cho các quan hệ sở hữu nói riêng và quan hệ kinh tế - xã hội nói chung. Đó là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong xã hội.

Thể chế hóa quan hệ sở hữu tạo nên quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt, quyền điều tiết, quyền thực hiện lợi ích kinh tế... Hai nhóm quyền cơ bản nhất là quyền sở hữu và quyền sử dụng. Trong thời kỳ đổi mới, hai nhóm quyền này có thể tách biệt tương đối ở các chủ thể kinh tế khác nhau. Vấn đề này được đề cập tại Đại hội VII của Đảng: “Sửa đổi và bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng, quan hệ giữa Nhà nước và xí nghiệp quốc doanh”(3). Sự tách biệt quyền sở hữu và quyền sử dụng là thể hiện nhận thức sâu hơn về bản chất của quan hệ sở hữu.

2. Sự chuyển biến về sở hữu trong nền kinh tế thời kỳ đổi mới

Quá trình đa dạng hoá hình thức sở hữu tư liệu sản xuất

Đa dạng hóa hình thức sở hữu tư liệu sản xuất là tư tưởng nhất quán trong suốt gần 30 năm đổi mới. Từ các hình thức sở hữu cơ bản: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân đến nay, hình thành 4 thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đã tạo nên sự phong phú các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh, mang đến sức sống mới cho nền kinh tế. Quá trình đa dạng hóa hình thức sở hữu tư liệu sản xuất đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất. Tốc độ tăng trưởng GDP trong gần 30 năm qua tương đối cao và ổn định: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 5,6%/năm (1986-1990); 7,5%/năm (1991 - 2000); 7,26%/năm (2001 - 2010); 5,61%/ năm (2011 - 2013). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 86 USD (1988) lên 2.050 USD (2014)(4). Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước nghèo, thu nhập thấp và được xếp vào các nước có thu nhập trung bình. Cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hiện đại (cơ cấu kinh tế của nước công nghiệp) đang dần dần được hình thành: tỷ trọng nông nghiệp từ 40,6% (1990) giảm xuống 18,12% (2014); công nghiệp và xây dựng 22,6% (1990) tăng lên 38,50% (2014); dịch vụ từ 38,6% (1990) tăng lên 43,38% (2014)(5).

Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 53% (1993) xuống 8,2% (2014)(6); hàng năm, có thêm 1,2 triệu việc làm mới, chất lượng cuộc sống của nhân dân không ngừng được nâng cao; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và tính năng động xã hội được nâng lên đáng kể.

Sở hữu tư liệu sản xuất trong doanh nghiệp nhà nước 

Trong thời kỳ đổi mới, sở hữu trong doanh nghiệp nhà nước có sự chuyển biến lớn do những sự thay đổi về cơ chế, chính sách, tổ chức sắp xếp, quản lý, phân phối trong doanh nghiệp nhà nước. Việc tách quyền quản lý của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu các tài sản của doanh nghiệp và quyền sử dụng các tài sản đó để sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, thích ứng với cơ chế thị trường. Tổ chức, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước theo hướng đa dạng hóa các mô hình sản xuất - kinh doanh với cơ cấu và quy mô hợp lý: cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tổ chức, củng cố, phát triển các tổng công ty nhà nước; sáp nhập, giải thể và phá sản các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, thua lỗ kéo dài.  

Đại hội VII xác định: “Sắp xếp lại và củng cố các đơn vị kinh tế. Khẩn trương sắp xếp lại và đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh... Tập trung lực lượng củng cố và phát triển những cơ sở trọng điểm, những cơ sở làm ăn có hiệu quả và có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế quốc dân. Cho thuê, chuyển hình thức sở hữu hoặc giải thể các cơ sở thua lỗ kéo dài và không có khả năng vươn lên. Sắp xếp lại các liên hiệp xí nghiệp, tổng công ty phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường”(7). Sau Đại hội VII, những vấn đề về sở hữu tư liệu sản xuất được thể hiện khá đầy đủ trong Luật Doanh nghiệp nhà nước (1995).

Qua các đợt sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, vấn đề sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước đã thay đổi căn bản: làm tăng quá trình tích lũy và tập trung vốn; tập trung các nguồn lực của nhà nước vào các ngành then chốt mà kinh tế nhà nước cần chi phối; huy động thêm vốn để tạo tiềm lực phát triển; sử dụng có hiệu quả hơn các tài sản của Nhà nước.

Về sở hữu đất đai 

Nghị quyết Đại hội VII và các Nghị quyết Trung ương 2 khóa VII (1991), Nghị quyết Trung ương 5 khóa VII (1993) xác định rõ quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai: Đất đai là thuộc sở hữu toàn dân, giao cho Nhà nước thống nhất quản lý; người nông dân được quyền sử dụng ruộng đất lâu dài. Quyền sử dụng của hộ nông dân được thể hiện ở 5 quyền cơ bản: Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, kế thừa, thế chấp theo quy định của pháp luật. Quy định 5 quyền này của người nông dân là bước quan trọng cho quan hệ ruộng đất vận động theo những quy luật kinh tế khách quan, làm cho ruộng đất từ vị trí là tư liệu sản xuất của nền kinh tế tự cung, tự cấp sang trạng thái hàng hóa, được “mua, bán” quyền sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa VIII, Nghị quyết 06 NQ/TW của Bộ Chính trị về một số vấn đề về phát triển nông nghiệp và nông thôn đã cụ thể hóa một số vấn đề về sở hữu như: đẩy mạnh việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài cho nông dân; quy định giá đất khi chuyển nhượng, đền bù, thế chấp vay vốn; khuyến khích và giúp đỡ các hộ nông dân đổi đất cho nhau để khắc phục tình trạng ruộng đất quá phân tán và manh mún. Những người không phải là nông dân được phép thuê quyền sử dụng đất trống, đồi núi trọc, đất bồi ven biển, đất hoang hóa để đầu tư phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo quy định của luật pháp. Đây là chủ trương đúng đắn giúp tận dụng được nguồn lực quốc gia, phát triển kinh tế đất nước và tạo cơ hội cho các chủ thể tiếp cận tư liệu sản xuất quan trọng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Trong quá trình đổi mới nội dung quyền sở hữu đất đai ngày càng cụ thể hóa ba quyền của chủ sở hữu (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt). Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đất đai được toàn quyền trong việc thực hiện ba quyền đó, được quyết định mọi vấn đề quan trọng nhằm bảo đảm đất đai được sử dụng hợp lý và tiết kiệm. Đồng thời, Nhà nước thực hiện quyền sở hữu của mình bằng việc giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng; nhà nước kiểm soát, chi phối mọi hoạt động của người sử dụng theo khuôn khổ của luật pháp với quan điểm “làm cho quyền sử dụng đất chuyển thành hàng hóa một cách thuận lợi… Giá bất động sản được hình thành theo nguyên tắc thị trường. Nhà nước tác động đến giá đất trên bằng các chính sách kinh tế vĩ mô trên cơ sở quan hệ cung - cầu về đất đai”. Như vậy, quan điểm này đã làm cơ sở để xây dựng các chính sách về quyền sử dụng đất như hàng hóa trên thị trường để giảm thiểu sự lãng phí, đầu cơ làm cho thị trường bất động nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước.

Tuy nhiên, vấn đề tồn tại trong việc sở hữu đất đai hiện nay là: sự bất cập về chế độ sở hữu và sử dụng đất đai. Trên thực tế giải quyết “quyền sử dụng đất” và “quyền sở hữu đất” chưa rõ ràng, còn có sự “lấn lướt” lẫn nhau. Nguyên nhân và cũng là tồn tại lớn thứ hai trong vấn đề sở hữu đất đai là quản lý nhà nước về đất đai còn yếu kém: Quy hoạch sử dụng đất luôn bị phá vỡ; vấn đề lấn chiếm, tham nhũng, đầu cơ đất đai gia tăng r

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2015

(1) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.173.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.73.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr.67.

(4), (5), (6) www.gos.gov.vn, Tình hình kinh tế - xã hội năm 2014,ngày 27-12-2014.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc trong thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.332.

 

PGS,TS Nguyễn Thị Như Hà

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền