Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Ảnh hưởng của Nho giáo đến kế sách ngoại giao, quân sự thời phong kiến và ý nghĩa đối với hiện nay
Thứ hai, 11 Tháng 4 2016 10:45
3629 Lượt xem

Ảnh hưởng của Nho giáo đến kế sách ngoại giao, quân sự thời phong kiến và ý nghĩa đối với hiện nay

(LLCT) - Qua nhiều thế kỷ hiện diện ở Việt Nam, Nho giáo đã từng có được vị trí nhất định trong hệ tư tưởng chính trị - xã hội thời phong kiến, những giáo huấn của nó đã ăn sâu, trở thành triết lý sống, lối tư duy của người dân Việt nhiều thế hệ và cả hiện nay. Bài viết trao đổi về những ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong chính sách ngoại giao, quân sự của các triều đại phong kiến Việt Nam và ý nghĩa của nó trong thời kỳ hiện nay.

 

Nho giáo vào Việt Nam đã được người Việt (kể cả tầng lớp trên, giới trí thức và người dân thâu hóa và vận dụng một cách uyển chuyển trên quan điểm dân tộc và vì dân tộc, nên nội dung của nó không khuôn sáo, cứng nhắc như Nho giáo Khổng - Mạnh và Nho giáo thời Đổng Trọng Thư. Chẳng hạn, Người Việt cũng theo tinh thần trung quâncủa Nho giáo, uy quyền của vua là rất lớn nhưng vẫn có tập quán “phép vua thua lệ làng”. Người Việt cũng tuân thủ hiếu đễ, nhân nghĩacủa Nho giáo nhưng người Việt coi con hơn cha là nhà có phúc,... Giáo lý hay đạo học của Nho có thể vượt ra khỏi bình diện của sự phê phán kim - cổ vì tuỳ thờivànhu cầu thời đại mà ứng chếlinh hoạt.Thí dụ,Khổng Tử chủ trương “cầu hiền tài”, tức là, bậc đế vương dùng người nên theo nguyên tắc trọng đức, trọng tài. Thiết nghĩ, đây là mộtthuật chính trị bất biến, nhưng giải pháp nào để cầu được hiền tài thì tùy thời mà ứng biến (có thể bằng phép đề cử,thi cử, hoặc đầu phiếu). Khổng Tử đã tính đến cái họa của nạn“hoạn bất quân”,“bất hoạn quả nhi hoạn bất quân”, tức là, không lo ít của, chỉ lochia không đều- đây cũng chính là mối lo của sự bất bình đẳng và công bằng xã hội hiện nay.

Ngoại giao là một hoạt động hết sức quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước của mỗi quốc gia.Với Việt Nam, kế sách ngoại giao càng có ý nghĩa quan trọng hơn bởi vị trí địa - chính trị - văn hóa của Việt Nam là ở gần một nước lớn, nước lớn đó lại luôn coi mình là “thiên tử” và thiên - hạ đâu đâu cũng là của “trẫm”. Trong lịch sử dân tộc và chính trị của Việt Nam từ xưa cho đến nay, các triều đại luôn phải đảm trách hai nhiệm vụ chính trị quan trọng: vừa dựng nước vừa phải giữ nước.

Nho giáo với những phạm trù Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tínlà những tiêu chí đòi hỏi thực thi đạo làm người, trong đó, phạm trù Nhânlà phạm trù cơ bản và đứng đầu, nhờ có nhânmà con người giữ được tâm thiện, không vị kỷ, nóng giận, thù ghét. Nhâncũng là hòa (dĩ hòa vi quý, hòa nhi bất đồng/hòa mà không đồng), nhâncũng là hiếu (Nhân chi thực sự thân thị dã, chỗ thực sự của điều Nhân là hiếu thảo với cha mẹ), nhâncũng có nghĩa là nhu(khiêm tốn, vị tha), v.v.. Người Việt hiểu sâu sắc những triết lý đó và đã hình thành một lối sống trọng tình, hòa thuận, vị tha, độ lượng.Dân tộc Việt Nam cũng được xem là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, biết lấy khiêm nhu làm hậu thuẫn với chính sách “dùng đại nghĩa để thắng hung tàn”, “lấy chí nhân để thay cường bạo”, khoan thư sức dân, không đầy ải và giết hại công thần.

Với vị trí địa - chính trị như hiện có, trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam vừa có cơ hội và hoàn cảnh tiếp xúc với một đế chế Trung Hoa hùng mạnh, nên các triều đại phong kiến Việt Nam có xu hướng chấp thuận sự ngoại giao “thần phục” để tránh nạn binh đao, bảo vệ được chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Đi liền với kế sách ngoại giao thần phục ấy là chiến lược quân sự Tâm công và Hòa đàm (Mưu phạt tâm công, bất chiến tự khuất), tức là đánh vào lòng người không chiến trận mà ta vẫn thắng. Chiến lược ngoại giao và quân sự ấy được thể hiện rõ nét trong thời kỳ kháng chiến chống quân Minh của nhà Lê. Lúc đó, kế sách quân sự, ngoại giao cơ bản “đánh vào lòng người”, đã góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

Tâm công và Hòa đàmlà một đường lối quân sự, ngoại giao sáng tạo hiếm thấy trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước khác. Song, thực tế thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống quân Minh đã nâng nghệ thuật quân sự và ngoại giao lên một bước và để lại bài học kinh nghiệm là: việc chống một nước lớn là khó khăn, do đó, chính sách ngoại giao cần mềm mỏng và uyển chuyển. Trong tình thế không cân sức giữa ta và địch thì tâm công và hòa hoãn là một nghệ thuật tạo lực, tạo thế, tranh thời, dụng mưu bởi “biết người biết mình, yếu thay mạnh, trong rèn chiến cụ, ngoài giả hòa thân”(1) và “Đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế” nhỏ đánh lớn phải “Dĩ nhu xử cương” bởi “Hai hòn đá cùng chọi nhau thì hai hòn cùng vỡ, hai cái cứng cùng chọi nhau thì hai cái cùng vỡ. Phải một cái cứng một cái mềm thì khi chọi nhau, một cái mới còn”(2).

Tâm côngcòn có nghĩa là đánh bại ý chí xâm lược của địch bằng cách chỉ cho địch thấy những yếu thế của chúng, phân tích các lẽ phải trái, được thua, từ đó có thể uy hiếp, cô lập, phân hóa, dụ hàng và lôi kéo binh sĩ về phía ta. Làm được việc đó, ta không đánh mà coi như đã thắng một nửa.

Tâm côngcòn có nghĩa là đối xử nhân đạo với đối phương, mở ra lối thoát cho địch và khoan hồng đối với tù binh sau thắng lợi. Sử sách chép lại rằng: sau khi kết thúc chiến tranh, Lê Lợi đã thả tù binh kèm theo cả khí giới, lương ăn, thuyền bè và ngựa cho mấy vạn quân Minh về nước. Trước ngày lên đường, chủ tướng quân Minh đến dinh Bồ Đề nơi Lê Lợi và Nguyễn Trãi đặt bản doanh lạy tạ mà về...  vừa cảm ơn vừa xấu hổ đến chảy nước mắt(3). Nhân đạo và khoan dung là tư tưởng cơ bản và quán xuyến trong các cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta từ trước cho đến nay, đó cũng chính là kế sách giữ cho nước nhà trường tồn, “Nghĩ kế lâu dài của nhà nước, tha kẻ hàng binh, sửa hòa hiếu cho hai nước, tắt muôn đời chiến tranh”(4), tạo nên mối quan hệ bang giao hữu hảo sau chiến tranh.

Tâm côngkhông chỉ là một chiến lược quân sự, ngoại giao mà còn là một đường lối đối nội, một kế sách trị nước. Trên một khía cạnh khác, Tâm côngcòn là sự “vỗ về” trăm họ. Theo Nho giáo, dân là gốc của nước, gốc có bền nước mới vững. Nguyên nhân suy vong của các triều đại là để mất lòng dân, không biết vỗ về trăm họ, tham lam và bóc lột dân chúng, đẩy người dân đến chỗ căm phẫn, tất yếu họ sẽ vùng dậy.

Như vậy, với một tầm nhìn bao quát, một số triều đại phong kiến ở Việt Nam đã định ra một phương châm cứu quốc và kiến quốc - đó là lấy dân làm gốc, phải biết dựa vào sức mạnh từ dân “Mến người có nhân là dân, chở thuyền, lật thuyền cũng là dân”(5). Nên, muốn trị quốc là phải quan tâm đến dân, không thờ ơ với đời sống của dân, không lừa dối dân, không tham của dân, phải nuôi dân, chăm dân, đánh giặc ngoại xâm cũng vì an dân, có an dân thì triều đại mới được củng cố và vững bền, chăm lo cho dân chính là bồi đắp cho xã tắc muôn đời vững chắc về sau “...phàm những phép giữ nước cầm quân, những phương giữ mình trị nước, thi hành nên cố sức, chăm chỉ chớ ham vui. hòa thuận tôn thân, nhớ giữ một lòng hữu ái, thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân” và xét đến cùng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”(6).

Có thể nói, phạm trù nhân nghĩa từ trong Nho giáo đã “bước ra” và được cha ông ta tùy thời mà vận với nhiều ý nghĩa và nội hàm sâu sắc. Nhân nghĩa không dừng lại ở ý nghĩa nhân luân(mối quan hệ người - người và trách nhiệm đạo đức của con người trong các mối quan hệ đó), mà còn là nhân trị, là chiến lược ngoại giao nhân hòa, là sách lược quân sự nhân tâm.

Người Việt đã thẩm thấu những triết lý của Nho giáo về nhân nghĩa, khoan dung, hiền hòa và hình thành nên một nét văn hóa ứng xử và đường lối quân sự, ngoại giao là yêu chuộng hòa bình, không cổ vũ chiến tranh, chia rẽ, xung đột. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử liên tục có giặc ngoại xâm,triết lý sống ấy của cả dân tộc đã hun đúc nên lý tưởnghiệp tâm, hiệp lực, nhất trí cùng bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc khi có giặc. Lý tưởng vững chắcđó cũng đãtạo nên ý chí quật cường,quyết tâm chống lại kẻ thù;dù cho chúng có thể mạnh hơn ta gấp trămvạnlần cũng không thể tiêu diệt hay đồng hoá nổi một dân tộc nhỏ bé.

Những sách lược và chiến lược ngoại giao, chính trị của cha ông thể hiện truyền thống đối nội, đối ngoại hòa bình và nhân văn của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó phải được củng cố và phát triển trong thời đại ngày nay, bởi quan hệ đối ngoại giữa các nước bao giờ cũng tồn tại một thứ quan hệ bất bình đẳng theo cách “cá lớn nuốt cá bé”, quan hệ đối ngoại của chúng ta với các nước không tránh khỏi thông lệ đó. Do vậy, một dân tộc nhỏ bé muốn có được độc lập, muốn xây dựng một xã hội phát triển phải thực thi một kế sách vừa mềm dẻo vừa cứng rắn. Mềm dẻo để giữ được hòa khí, cứng rắn để hạn chế những thái độ trịnh thượng và ngăn chặn mưu đồ xâm lược của nước lớn.

Sách sử chép rằng, vào thế kỷ XVII, khi sứ thần của ta sang Trung Quốc, vua Minh với thái độ ngạo nghễ không thay đổi của nước lớn, đã ra một vế đối: “Đồng trụ chí kim tồn cổ lục” (đồng trụ tới nay rêu xanh chưa hết, ý nhắc lại tích cột trụ đồng Mã Viện thời Hán dựng lên khi đánh chiếm nước ta tới nay vẫn còn). Sứ thần nước ta đáp lại: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Bạch Đằng tự xưa máu đỏ vẫn còn, ý nhắc rằng, sông Bạch Đằng từ xưa đến nay vẫn còn đỏ máu giặc xâm lược). Cảnh cáo cho đối phương biết đừng có mưu đồ xâm lược nước ta mà thất bại(7) .

Đánh - Hòa - Đàm(nếu nước lớn mang quân sang đánh, ta sẽ đánh lại, nhưng thắng xong sẽ cầu hòa), thắng mà không kiêu căng, tạo thế bang giao hữu hảo, đó là nghệ thuật ôn nhu khôn khéo của một nước nhỏ, là kế sách để giữ nước nhà trường tồn của cha ông ta.

Ngày nay, quan hệ ngoại giao của Việt Nam đã được mở rộng và phức tạp hơn rất nhiều. Việt Nam đang ở vào một thời điểm đặc biệt trong lịch sử, đất nước thống nhất, điều kiện kinh tế và chính trị đủ để chúng ta có thể khẳng định đường lối chính trị, ngoại giao của mình đối với quốc tế và khu vực là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

Tuy nhiên, tình hình thế giới với các cuộc chiến tranh, xung đột dân tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố, đặc biệt là việc gia tăng “ý thức dân tộc”, “chủ nghĩa dân tộc”, “tình cảm dân tộc” đang là những thách thức và báo động về một giai đoạn biến động mới.

Tư tưởng, sách lược và nhiều kinh nghiệm đối nội, đối ngoại của cha ông để lại cho chúng ta là vô cùng quý giá, nhưng tính tham chiếu cho hiện nay có thể có nhiều điểm không phù hợp. Việc không còn phù hợp đó, không phải vì những tư tưởng ấy đã trở nên sai lầm, mà bởi những biến đổi của đời sống chính trị - xã hội đương đại và an ninh phi truyền thống: khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; an ninh mạng; biến đổi khí hậu; dịch bệnh; an ninh lương thực; an ninh năng lượng; an ninh tiền tệ và an ninh biển...

Để có những bước đi vững chắc trong chiến lược đối nội, đối ngoại phù hợp với bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ, chúng ta có thể tham chiếu những trụ cột quan trọng trong kế sách đối nội, đối ngoại của cha ông trên một số điểm sau:

Thứ nhất, cầu Hiền - Tài: hiền - tài là nguyên khí quốc gia, thời đại nào cũng cần có một ban lãnh đạo là những con người ưu thời mẫn thế, có tâm và tầm quản lý và lãnh đạo đất nước;

Thứ hai, chú trọngdân sinh, dân trí, dân khí(8). Dân sinh là khoan thư sức dân, làm thế nào để người dân được sống trong một xã hội công bằng, bình đẳng và ổn định. Dân trí là công cụ giúp xã hội biết cách để có được khối tài sản cung cấp cho dân sinh. Dân khí là an dân, là làm thế nào để quyền lực nhà nước không nhân danh chính trị độc chiếm toàn bộ lợi ích kinh tế và tài chính như chủ nghĩa tư bản đã từng làm trong lịch sử. Là xây dựng, tạo lập một môi trường chính trị - xã hội: bình đẳng, dân chủ, đoàn kết, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt về ý thức hệ, về văn hóa, về tâm thức: Chính sự cốt chuộng ở khoan dung, khiến cho nhân dân đều được yên vui (Khúc Hạo); Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức... Tùy thời tạo thế, có được đội quân như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy (Trần Quốc Tuấn); Đạo trị quốc, trước hết, phải lấy việc nhân hòa làm đầu, dân là gốc của nước, có dân tâm, sĩ khí, ắt thay đổi được thời cuộc. Việc chính trị sắp xếp phải an hoà, tạo nên sức cọp trăm người không địch, một người theo thì nghìn kẻ đều theo (Nguyễn Trường Tộ); Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn, dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều thuộc dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên, ta phải khoan hồng, đại độ... Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ... (Hồ Chí Minh).

Thứ ba,đi liền với hai trụ cột cơ bản trên, cần có chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế, tranh thủ cộng đồng thế giới, tranh thủ ngoại lực trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Lịch sử cho thấy, một trong những nguyên nhân thất bại của nhà Nguyễn trước kẻ thù mới đến từ phương Tây là bởi chủ trương “đóng cửa” của triều đình;bế quan tỏa cảng không những không là thượng sách đểphòng bị người phương Tây nhòm ngó, mà còn là nguyên nhân đưa đến thất bại. Phạm Phú Thứ, một trong những nhà tư tưởng canh tân thời kỳ đó, đã cảnh báo: “Ngày nay vô luận là quan lại hay trí thức, nhiều người vẫn lấy việc văn minh và dã man để chia rẽ, đóng cửa cự khách, thành kiến đóng chặt lấy lòng, chỉ biết có mình, không biết rằng trong trời đất rộng lớn như vậy, ở nơi chân lý làm được, ở nơi mọi rợ cũng làm được... Nước Trung Quốc có địa lợi tốt, các nước đua nhau kéo đến, kẻ cường di dù có kỹ thuật giỏi rút cục thấy Trung Quốc được nhiều người giúp đỡ, cũng không giám dở trò càn dỡ thái quá. Ngày nay, nước ta với Pháp cũng là thù. Thế lực khác nhau. Ta thì một mình, ở trong cái giỏ, co duỗi không được tự ý mình, nên chúng mới thi thố được những ngón giảo quyệt, mình mưu diệt nó không xong thì lại nóng nảy tức giận muốn cho sớm tối thành công ngay”(9).

Muốn tranh thủ ngoại lực trong bối cảnh đa phương hóa thì cần theo đuổi một chính sách tôn trọng sự đa dạng và khác biệt về ý thức hệ, về văn hóa, về tâm thức. Lòng tự tôn, tự hào dân tộc, khẳng định bản sắc dân tộc và chủ quyền lãnh thổ của mình là một quyền hợp pháp. Song, “chỉ biết có mình không cần biết đến ai, ở trong cái giỏ tự co duỗi” không phải là căn tính ưu trội thời nay, ngược lại, sẽ trở nên cô lập với thế giới. Chính trị cũng là một nghệ thuật, nghệ thuật đó phải làm sao biết dung hòa và hóa giải mọi khác biệt đối nghịch, tạo nên thế “hòa” để phát triển. Nói tóm lại, người xưa đã dạy: các bậc “Đế vương” muốn hoàn thành được nghiệp lớn, đều phải dựa vào ba yếu tố “Thiên, Địa, Nhân”, tức là “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”. Thiên thờichẳng qua là nhận thức quy luật phát triển của xã hội, đặc điểm biến đổi của thời đại và nắm chắc được thời cơ, vận hội. Địa lợilà nhận thức và nắm bắt hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh tự nhiên để lựa chọn phương pháp, tận dụng ưu thế địa lý. Cònnhân hòa, xét cho cùng là sự công bằng, hài hòa lợi ích để mọi người đồng tâm, đồng lòng hiệp sức cùng thực hiện nghiệp nước. Nhân hòa còn là phương pháp để nhận biết con người và cách thu phục, sử dụng nhân tài. Nước nào, dân tộc nào có chiến lược Nhân hòa tốt, chắc chắn sẽ là dân tộc phát triển tốt và bền vững. Người có nhân hòa nhất thiết phải là người có cách nhìn và ứng xử khoan dung, độ lượng, vị tha chứ không thể là kẻ gian ngoan, xảo trá, tàn bạo và độc đoán, có như vậy, mới thu phục được nhân tâm, quy tụ được lòng người, đoàn kết được cộng đồng. Mạnh Tử cho rằng: Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa, tức là, thuận cơ trời không bằng địa lợi, được địa lợi không bằng được lòng người. Vấn đề đoàn kết vẫn là thuận lòng dân, mà muốn thuận lòng dân phải có thái độ khoan dung, độ lượng với dân.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2015

(1), (4), (5), (6) Nguyễn Trãi: Toàn tập,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1969, tr.72, 73, 141, 141.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.55.

(3) Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 10, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.47.

(7) Dẫn theo Nguyễn Lương Bích: Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996, tr.175.

(8) Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh là tư tưởng của Phan Châu Trinh.

(9) Phạm Phú Thứ: “Phúc tâu về việc đối phó với giặc Tây năm 1868”, Đông Dương thi văn tuyển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.

 

TS PHẠM THANH HẰNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền