Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Đổi mới bộ máy của Đảng và bộ máy của Nhà nước trong điều kiện mới
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 09:21
3218 Lượt xem

Đổi mới bộ máy của Đảng và bộ máy của Nhà nước trong điều kiện mới

(LLCT) - Quá trình đổi mới bộ máy đảng, bộ máy nhà nước đã gắn liền với sự nghiệp đổi mới gần 30 năm qua. Thành tựu và những vấn đề đặt ra của quá trình này và những yêu cầu tiếp tục đổi mới bộ máy để đáp ứng tình hình mới là những lý do thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu vấn đề này trong điều kiện mới. Cũng từ đây cần phải khẳng định một số quan điểm mang tính nguyên tắc.

Thứ nhất, đổi mới bộ máy đảng, bộ máy nhà nước là sứ mệnh chính trị, là nhiệm vụ căn cốt xuất phát từ chính vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với quá trình phát triển của đất nước

Với tư cách là đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo quá trình phát triển của dân tộc thì việc xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị nói chung và bộ máy của Đảng, bộ máy của Nhà nước nói riêng là nhiệm vụ cơ bản, cốt yếu của Đảng. Đổi mới bộ máy của Đảng theo đó là hành động chủ động và thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nhằm hoàn thiện bộ máy của Đảng từ Trung ương đến cơ sở và các mối quan hệ bên trong hệ thống để phù hợp với yêu cầu, điều kiện mới của cách mạng. Cương lĩnh của Đảng trong thời kỳ đổi mới, từ Cương lĩnh năm 1991 đến Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, đều khẳng định: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo”. Tự đổi mới, tự chỉnh đốn là vì, công việc tổ chức bộ máy là công việc của Đảng, không ai có thể làm thay. Đó là sự tự giác, tự ý thức về những bất cập của tổ chức bộ máy trước yêu cầu của tình hình mới. Theo đó, mỗi chủ trương đổi mới bộ máy của Đảng đều là hành động chủ động, có mục tiêu, nguyên tắc, phương hướng và thao tác (thường được hướng dẫn cụ thể trong các nghị quyết chuyên đề của Đảng về tổ chức, bộ máy).

Mặt khác, đổi mới bộ máy cũng là hoạt động phản ánh sự nhạy bén, linh hoạt về vấn đề tổ chức của đảng cầm quyền. Để phù hợp với những thay đổi của nhiệm vụ mới và bối cảnh mới, bộ máy của Đảng phải được thường xuyên đổi mới. “Việc tự đổi mới, tự chỉnh đốn phải thường xuyên lâu dài là do công cuộc đổi mới đất nước càng được đẩy mạnh, nhiều vấn đề mới lại được đặt ra, càng đòi hỏi Đảng phải vượt lên phía trước để không rơi vào tình trạng bất cập, hơn nữa còn phải ngăn chặn những suy thoái biến chất đã và đang xảy ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Phải thường xuyên lâu dài còn do việc đổi mới chỉnh đốn là việc hết sức khó khăn”(1). Là đảng cầm quyền, Đảng còn phải thường xuyên phòng chống các nguy cơ xuất hiện trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền. Đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, độc đoán chuyên quyền, xa dân, mất dân chủ với nhân dân. Đây là những nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ XHCN. Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn cả về chính trị - tư tưởng và tổ chức đã trở thành quy luật tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngay từ đầu quá trình đổi mới, vấn đề đổi mới bộ máy của Đảng và của Nhà nước đã được đặt ra trong hệ thống các vấn đề của đổi mới chính trị. Đảng ta ý thức rõ rằng đổi mới cơ chế kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế không thể không đổi mới chính trị và bộ máy cùng thể chế hoạt động của bộ máy của Đảng và Nhà nước. Hiệu quả của lãnh đạo và quản lý đất nước cũng chịu sự quy định trực tiếp từ hoạt động và hiệu quả của các bộ máy này. Theo đó, những vấn đề căn bản trong quá trình đổi mới bộ máy như phương hướng, nội dung, nguyên tắc, lộ trình…đã được Đảng ta xác định khá rõ ràng. Những mối quan hệ lớn như đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, đổi mới bộ máy Đảng và đổi mới bộ máy nhà nước, đổi mới thiết chế và hoàn thiện thể chế…đều đã được nghiên cứu và thường xuyên đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn.

Những kết quả của đổi mới hệ thống chính trị, từ đổi mới tư duy, chính sách, pháp luật đến tổ chức và hoạt động của bộ máy đảng và nhà nước ta đã tạo nền tảng vững chắc cho đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Thành quả ấy đã khẳng định trên thực tế việc đổi mới bộ máy đảng, bộ máy nhà nước là đúng đắn và cần thiết.

Tuy vậy, vẫn còn những biểu hiện cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới tổ chức, hoạt động của Nhà nước. Vẫn còn có tình trạng vừa buông lỏng lãnh đạo vừa bao biện, chồng chéo nên chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực điều hành của Nhà nước. Tổ chức bộ máy nhà nước còn nặng nề, sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp còn có những điểm chưa rõ về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ phân cấp trung ương - địa phương còn một số mặt chưa khoa học, cụ thể khiến cho tình trạng tập trung quan liêu và phân tán, cục bộ chậm được khắc phục. Bộ máy nhà nước hiện còn mắc nhiều bệnh tật từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp;  từ những  bất cập trong quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; từ những căn bệnh “mãn tính” của nhà nước như quan liêu, tham nhũng, lãng phí…

Từ thực tế của quá trình đổi mới bộ máy nhà nước cũng có thể thấy đôi khi vấn đề này mới chỉ được nhìn nhận và giải quyết có tính chất “tình thế”, thiếu sự bao quát, có chủ đích, có trách nhiệm của Đảng. Đặc biệt trong những đổi mới chuyển đổi về tổ chức bộ máy, thể chế vận hành, đội ngũ nhân sự... trong bộ máy của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Có cả khuynh hướng là việc tổ chức thực hiện đổi mới những bộ máy này thường được trao cho Quốc hội và Chính phủ trực tiếp chủ trì. Vai trò của bộ phận lãnh đạo của Đảng, bộ phận tham mưu của Đảng dường như bị khuôn gọn và chỉ tập trung trong đổi mới bộ máy Đảng, các  đoàn thể chính trị xã hội. Rõ ràng ở đây là dấu hiệu của sự buông lỏng vai trò lãnh đạo, quyết định trực tiếp của Đảng đối với công việc hàng đầu là đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước. 

Chính vì vậy, phải khẳng định rõ đổi mới bộ máy của Đảng và đặc biệt là đổi mới bộ máy của Nhà nước là nhiệm vụ căn cốt, là sứ mệnh chính trị của Đảng chứ không phải chỉ là nhiệm vụ tự thân của Nhà nước. Đảng phải coi đó là vấn đề cốt lõi, trọng tâm xuyên suốt trong hoạt động lãnh đạo của mình. Vấn đề đổi mới bộ máy nhà nước phải được nghiên cứu, tổng kết một cách hệ thống. Trên cơ sở đó, Đảng phải là người lãnh đạo và có quyết định trực tiếp đến những chuyển đổi quan trọng (thành lập mới, giải thể, tách ra, nhập lại hay thay đổi nhân sự trọng yếu...) trong đổi mới bộ máy của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp.       

Cương lĩnh 2011 khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đảng phải lãnh đạo các quá trình tái cấu trúc của các phân hệ trong hệ thống chính trị như cải cách hành chính và kiểm soát quyền lực nhà nước; ngoài ra còn hỗ trợ cho đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội... Với tư cách là chủ thể hàng đầu của sự nghiệp đổi mới, Đảng là tổ chức quyết định đường lối, chủ trương và các giải pháp lớn về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Theo đó, mỗi thay đổi của bộ máy nhà nước có tác động trực tiếp đến hiệu quả lãnh đạo của Đảng và liên quan đến sự nghiệp chung. Ngược lại, sự bất hợp lý của bộ máy này cũng mang lại những hậu quả tiêu cực với năng lực lãnh đạo, tổ chức và làm suy giảm tính chiến đấu, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Thực tế trên khách quan đặt ra đối với Đảng sự tự quán triệt sứ mệnh chính trị của mình trong đổi mới hệ thống chính trị và đổi mới bộ máy đảng, bộ máy nhà nước.

Thứ hai, quá trình đổi mới bộ máy đảng, bộ máy nhà nước có mục tiêu tối cao là vì sự phát triển vững bền trong bối cảnh mới, do vậy cần theo “đúng quy luật, thuận lòng dân, hợp thời đại” (Hồ Chí Minh)

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay, với tư cách là lực lượng chính trị duy nhất khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, thì đổi mới bộ máy của Đảng và bộ máy của Nhà nước, xét đến cùng, không có mục đích tự thân mà nó phải phục vụ cho quá trình phát triển mới của đất nước.

Đổi mới bộ máy của Đảng là công việc nội vụ của Đảng nhưng không bao giờ được quên rằng, công việc ấy nằm trong tổng thể sứ mệnh của Đảng với quốc gia - dân tộc với nhân dân. Lợi ích của quốc gia - dân tộc và của giai cấp là trên hết, trước hết đối với đảng cầm quyền. Nhận thức này định hướng tổng thể cho quá trình đổi mới bộ máy của Đảng ta. Đảng cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với dân tộc và giai cấp công nhân để tự đổi mới. Theo đó vừa phải chấp nhận vị thế tiền phong, gương mẫu, vừa phải chấp nhận sự hy sinh và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đổi mới bộ máy của Đảng là để làm tròn sứ mệnh lịch sử của Đảng với dân tộc và giai cấp trong điều kiện mới!                

Nội dung chủ yếu sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình đổi mới Nhà nước hiện nay là đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đảng cũng phải nêu tấm gương về tuân thủ pháp luật, tự đặt mình vào khuôn khổ của pháp luật.  

 Trong điều kiện hiện nay, Đổi mới bộ máy đảng và bộ máy nhà nước cần bám sát, cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm của Cương lĩnh 2011, Hiến pháp 2013 và các văn kiện của Đảng về công tác tổ chức, đổi mới bộ máy…Yêu cầu cụ thể là giữ vững ổn định chính trị, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Đổi mới bộ máy là một biện pháp quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Quan điểm của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền được nhận thức, đổi mới và phát triển từ lý luận về nhà nước pháp quyền và từ sự vận dụng vào thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Đó là quá trình chủ động, tự giác đổi mới bộ máy nhà nước ta từ cơ chế hành chính, tập trung quan liêu sang một bộ máy quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật nhằm mục tiêu xây dựng một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Quá trình đó có những yêu cầu cụ thể như sau: (1) Yêu cầu đảm bảo tính pháp quyền của bản thân các thiết chế - bộ máy nhà nước. Pháp luật không chỉ ghi nhận vị trí, giới hạn thẩm quyền của các cơ quan nhà nước mà còn có hiệu lực ràng buộc các cơ quan đó phải hoạt động trong khuôn khổ và trên cơ sở các thẩm quyền luật định. (2) Yêu cầu về tổ chức quyền lực nhà nước một cách khoa học và dân chủ trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, thể hiện ở nguyên tắc phân công quyền lực: giữa các phạm vi quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp; giữa các cấp: trung ương với địa phương; (3) Yêu cầu về tính dân chủ, minh bạch của pháp luật và tính hệ thống thứ bậc, hiệu lực chặt chẽ của các văn bản pháp luật.

Những nội dung đó cần được quán triệt sâu sắc trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo đổi mới bộ máy nhà nước.

Thứ ba, đổi mới bộ máy của Đảng và bộ máy của Nhà nước là để Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vững mạnh và xứng đáng vị thế duy nhất cầm quyền phải được xem là tiền đề, cơ sở xuất phát, nguyên tắc và mục tiêu của quá trình đổi mới bộ máy 

Đổi mới bộ máy của Đảng, Nhà nước là để giữ vững và tăng cường quyền lực, vị thế lãnh đạo - cầm quyền, vai trò hạt nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam với hệ thống chính trị và toàn thể xã hội trong quá trình phát triển theo định hướng  XHCN. Giữ vững vai trò lãnh đạo - cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước, giữ vững mục tiêu cầm quyền vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích quốc gia dân tộc là yếu tố định tính và định hướng cho quá trình đổi mới bộ máy của Đảng, Nhà nước. 

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chịu trách nhiệm về những quyết định của mình trước nhân dân, dân tộc.

Là đảng cầm quyền bằng Nhà nước pháp quyền XHCN, cho nên phương thức lãnh đạo của Đảng với cả xã hội chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Đảng lãnh đạo quá trình đổi mới bộ máy nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Quá trình đổi mới bộ máy đảng, bộ máy nhà nước trước hết phải tuân thủ các nguyên tắc đó. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là tất yếu khách quan, là tiền đề và điều kiện để quá trình đổi mới - cải cách hành chính nhà nước giữ vững tính chất XHCN, bản chất của dân, do dân, vì dân của mình.

Kinh nghiệm chính trị hiện đại cũng cho thấy, buông lỏng, xa rời sự lãnh đạo, chia sẻ sự cầm quyền của Đảng hoặc vi phạm những nguyên tắc tổ chức của Đảng Cộng sản… đều là khởi đầu cho những bất ổn định chính trị. Xa rời những nguyên tắc tổ chức của Đảng trong cải tổ chính trị đã khiến cho Đảng Cộng sản Liên Xô mất dần quyền lực và cuối cùng bị phản bội, bị gạt ra khỏi vũ đài chính trị. Các thế lực và nhân sự cơ hội, phản bội trong Nhà nước Liên Xô đương thời đã lợi dụng cải tổ - đặc biệt là cải tổ về chính trị để chiếm quyền lãnh đạo của Đảng. Cải tổ ở Liên Xô đã bị phản bội vì mất nguyên tắc!

Về phương diện công nghệ chính trị, Đảng với vị thế là người lãnh đạo - cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng liên quan mật thiết đến hiệu quả cầm quyền. Đổi mới bộ máy của Đảng là kiện toàn bộ máy Đảng trong quan hệ với đổi mới bộ máy của Nhà nước từ trung ương đến cơ sở, thông qua đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Hướng đổi mới bộ máy của Đảng là tinh giản, hợp lý hóa và làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, lề lối làm việc thông qua đổi mới phương thức lãnh đạo để tăng hiệu lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vừa phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, vừa tránh bao biện, làm thay, vừa tránh buông lỏng của các tổ chức đảng đối với cơ quan này.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn là đổi mới phương thức lãnh đạo bộ máy nhà nước theo hướng bảo đảm sự lãnh đạo thông suốt, linh hoạt, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, tản mạn và rất có thể là, có nơi, có lúc bị “vô hiệu hóa” quyền năng do hiện trạng bất cập. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong thời gian qua đã mang lại những thành tựu bước đầu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới đất nước. Tuy vậy, thực tế đang chỉ ra rằng những hạn chế trong phương thức cầm quyền của Đảng đang tạo nên những khoảng trống buông lỏng lãnh đạo ở mặt này nhưng lại ôm đồm, chồng lấn với quản lý nhà nước ở mặt khác… Vì thế, chưa tạo điều kiện cho Nhà nước phát huy đầy đủ chức năng quản lý. Trạng thái này làm suy yếu cả chức năng lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước. Nó gây tình trạng chồng lấn chức năng, có khi dẫn tới rối loạn chức năng của cả hệ thống lãnh đạo - quản lý.

Thứ tư, đổi mới bộ máy đảng, bộ máy nhà nước cần rất thận trọng, tỷ mỷ, đồng bộ, nhất quán với quyết tâm chính trị cao

Thận trọng, tỷ mỷ vì đổi mới bộ máy không đơn giản chỉ là xắp sếp lại, thêm bớt một cách cơ học mà là công việc tái cấu trúc cả một hệ thống quyền lực. Bên cạnh tư duy khoa học về tổ chức, rất cần tới sự thận trọng vì ở phương diện hành động, đây còn là một cuộc “giải phẫu” lớn liên quan tới trung tâm quyền lực chính trị. Thận trọng là phải xác định được những bước đi, biện pháp thích hợp trong từng bước và tổng thể lộ trình, điểm và diện. Thận trọng, tỷ mỷ còn là yêu cầu của thao tác trong khi giải quyết các  mối quan hệ như: đổi mới và ổn định, phát triển, chuẩn bị tư tưởng và tổ chức “từ trên xuống” và “từ dưới lên”.

Đổi mới bộ máy đồng bộ cũng là yêu cầu tự nhiên giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đổi mới bộ máy đảng, bộ máy nhà nước cũng sẽ liên quan một cách tất yếu đến đổi mới các tổ chức chính trị - xã hội khác; với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế quản lý nhà nước với tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong khi hành động, người ta vẫn chấp nhận các thao tác thử nghiệm, đột phá nhưng không bao giờ được quên tính hệ thống, đồng bộ trong quá trình đổi mới bộ máy.  

Cần có quyết tâm chính trị cao. Quá trình phát triển của bộ máy đảng và nhà nước vài chục năm gần đây là quá trình liên tục kiện toàn, hoàn thiện cả về cơ chế, nội dung, phương thức hành động và tổ chức bộ máy từ cơ sở đến Trung ương. Trạng thái vận hành ấy cũng dễ khiến nảy sinh tâm trạng mỏi mệt, trì trệ và tắc trách với quan niệm rằng quá trình đổi mới bộ máy lần này cũng giống như trước đây.

Thêm vào đó, tinh tế hơn một chút, có thể nhận thấy rằng đổi mới bộ máy luôn liên quan tới dịch chuyển, thay đổi quyền lực và đi liền với nó là lợi ích. Những điểm nhạy cảm này có thể vì nó mà người ta tán thành hay phản đối một chủ trương với những lý do khá đầy đủ. Vì sự gia tăng hay giảm bớt quyền năng của một tổ chức hoặc cá nhân, người ta có thể hy sinh hoặc đặt xuống dưới lợi ích của tổng thể và thay vào đó là những tính toán cá nhân. Người ta chấp nhận cả việc tạo ra một “cơ chế mới” nào đó để bảo toàn quyền lực và quyền lợi…

Vì vậy, nếu không có quyết tâm chính trị cao và thống nhất ý chí, đổi mới bộ máy sẽ rất khó để đạt được mục đích.      

Thứ  năm, đề cao quan điểm vì sự nghiệp chung, biết “đứng lên trên, lùi ra xa” để đổi mới bộ máy đảng, bộ máy nhà nước

Do đặc tính quyền lực của bộ máy đảng, nhà nước ta và đổi mới bộ máy trước tiên cũng liên quan tới vấn đề quyền lực cho nên, trong quá trình đổi mới khó tránh khỏi những tính toán “đời thường”, những tác động tiêu cực của nhóm lợi ích hay chủ nghĩa cá nhân. Đây tuy là những yếu tố chủ quan và bên trong nhưng biết nhìn nhận nó như một hiện tượng vừa tự nhiên, vừa khách quan sẽ chủ động hơn để hóa giải những bất cập, thách thức nảy sinh chính từ quá trình đổi mới bộ máy.

Kinh nghiệm của gần 30 năm đổi mới cho thấy, quá trình đổi mới bộ máy đã từng gặp nhiều trường hợp mà sự chi phối của nhóm lợi ích, những tính toán thiển cận của một số cá nhân… Một số trường hợp, khi đổi mới bộ máy của một vài cơ quan, tách rồi lại nhập, luận cứ nào cũng có lý, cho dù hai luận cứ cho hai hướng hoàn toàn trái ngược nhau. Phải chăng trong những quá trình đó, người ta chưa vượt - thoát được tư duy thiển cận, toan tính “đời thường”.

Mặt khác, công tác tổng kết quá trình đổi mới bộ máy thời gian qua dường như còn né tránh yếu tố con người - ở đây là những hạn chế, thiếu sót, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ở việc tách hay nhập, thêm hay bớt vị thế của tổ chức bộ máy. Chính những lối tư duy ấy đã làm sai lệch, hư hỏng khá nhiều quá trình đổi mới bộ máy. Cần phải nhìn thẳng vào thực tế trên để sửa đổi.

Bởi vậy, rất cần đề cao quan điểm vì sự nghiệp chung, biết “đứng lên trên, lùi ra xa” để đổi mới bộ máy đảng, bộ máy nhà nước. Cần quán triệt quan điểm này trên 3 phương diện sau: (1) Đổi mới tổ chức bộ máy trước hết là vì sự nghiệp chung của Đảng, vì tiền đồ tương lai của đất nước. Đổi mới bộ máy là để nâng cao hiệu quả quản lý vĩ mô. Phải thực sự công tâm khi đánh giá mặt được và chưa được của quá trình đổi mới bộ máy đảng và bộ máy nhà nước.

Tiếp cận vấn đề quyền lực trước tiên là khía cạnh sở hữu: “quyền lực của ai, vì ai?” và khía cạnh sử dụng: quyền lực đó được “vận hành như thế nào?”. Về lý luận, quyền lực là của nhân dân, từ nhân dân, vì nhân dân. Nhân dân là chủ thể sở hữu tối cao của quyền lực công cộng. Trên thực tế, thành quả của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN ở Việt Nam là đã xác lập được chủ thể sở hữu quyền lực cao nhất là nhân dân. Bàn về đổi mới bộ máy của Đảng và của Nhà nước là bàn về những tổ chức được nhân dân ủy quyền và đang sử dụng cái quyền ấy như thế nào. (2) Đổi mới bộ máy không thể không động chạm tới vấn đề nhân sự - cán bộ, liên quan tới vấn đề đó là thăng giáng, thuyên chuyển, thêm bớt… Trong đổi mới bộ máy cần nêu cao tinh thần gương mẫu, ý thức chấp hành tổ chức, hy sinh vì lợi ích chung của người đảng viên. Cần một nhãn quan, tâm thế thật sự vì cái chung để tiếp cận đầy đủ và chính xác các vấn đề trong  bộ máy của chúng ta. Không có được và chưa tạo được một tâm thế, một tầm nhìn như vậy thì việc đổi mới bộ máy rất dễ rơi vào cải lương, nửa vời. (3) Đổi mới bộ máy không thể không cải cách thể chế vận hành, nhưng việc xây dựng thể chế mới cho hai bộ máy và mối quan hệ giữa chúng cũng sẽ phải gặp các vấn đề xuất hiện từ bên trong và từ bên trên. Khi có những điều chỉnh về thể chế liên quan tới nhiệm vụ - chức năng, thẩm quyền… quyền lực và các tổ chức quyền lực sẽ bị điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn cho hệ thống, nhưng về phương diện nào đó sẽ động chạm tới vị thế, lợi ích của một số bộ phận hoặc một vài cá nhân. Do vậy, khi xây dựng thể chế mới cần những con người công tâm, những nguyên tắc khách quan, công minh, “dĩ công vi thượng” và cả những biện pháp mang tính đột phá, vượt lên kiểu tư duy “dĩ hòa vi quý”.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2015

(1) GS.TS Nguyễn Phú Trọng: Đổi mới và phát triển ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 348 

GS,TS Nguyễn Đăng Thành

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền