Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm của V.I.Lênin về phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 15:54
5985 Lượt xem

Quan điểm của V.I.Lênin về phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền

(LLCT) - C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, trong cuộc đấu tranh của mình, giai cấp công nhân muốn giành được thắng lợi và "thủ tiêu các giai cấp nói chung”(1) thì nhất thiết phải thành lập chính đảng là Đảng Cộng sản, đội ngũ tiên phong đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đảng Cộng sản là bộ phận lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo nhà nước và xã hội bằng việc đề ra chủ trương, đường lối, cương lĩnh, chiến lược, sách lược trên nền tảng của chủ nghĩa Mác; bằng công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận và chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị. Về mặt lý luận và thực tiễn, yêu cầu giải quyết những vấn đề có liên quan đến Đảng Cộng sản cầm quyền xuất hiện ngay từ khi Đảng bắt đầu lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau và vào thời điểm đó giai cấp công nhân chưa giành được chính quyền để xây dựng hệ thống chính trị XHCN, cho nên Mác - Ăngghen chưa có điều kiện để bàn nhiều và cụ thể về vấn đề Đảng Cộng sản cầm quyền cũng như phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền.

Kế thừa những quan điểm của Mác và Ăngghen, bằng thực tiễn của cách mạng Nga, Lênin cho rằng khi trở thành đảng cầm quyền, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng Cộng sản sẽ thay đổi về cơ bản, đó là xây dựng đất nước về kinh tế. Bởi, khi đó, chủ nghĩa cộng sản không còn là một cương lĩnh, không còn là một học thuyết, mà đã trở thành nhiệm vụ xây dựng kinh tế hàng ngày. Thắng lợi trên lĩnh vực kinh tế không thể đạt được bằng những cuộc tấn công của các lực lượng xích vệ, mà phải bằng tổ chức được tiến hành một cách khoa học. Người xem đó là vũ khí duy nhất để giai cấp công nhân, nhân dân lao động tiến tới mục tiêu căn bản của mình: xây dựng thành công CNXH và tiến lên chủ nghĩa cộng sản; mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò tổ chức - quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế được xem là trọng tâm của thời kỳ đảng cầm quyền. Vì vậy, việc hình thành phương thức lãnh đạo hiệu quả của Đảng đối với chính quyền nhà nước là một trong những nhân tố bảo đảm thắng lợi việc xây dựng chế độ mới.

Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Đảng Cộng sản (B) Nga đã lãnh đạo Chính quyền Xô viết thực hiện công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH. Vấn đề phân định nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng với nhiệm vụ quản lý của Nhà nước đã được Lênin đề cập một cách cụ thể hơn. Song, trên thực tế, trong quá trình xây dựng chính quyền Xô Viết ở Nga, ngay từ năm 1922, chính Lênin đã phát hiện “những quan hệ không đúng” giữa vai trò của Đảng Cộng sản và các cơ quan Xô viết - Tức là giữa sự lãnh đạo của đảng với cách quản lý của nhà nước, và thừa nhận việc “sữa chữa được hiện tượng đó là việc rất khó”, vì “ở nước Nga chỉ có một Đảng cầm quyền duy nhất đang lãnh đạo”. Người đề nghị Trung ương Đảng “cần phân định một cách rõ ràng hơn nữa những nhiệm vụ của Đảng (và của Ban Chấp hành Trung ương của nó) với nhiệm vụ của chính quyền Xô viết; tăng thêm trách nhiệm và tính chủ động cho các cán bộ Xô viết và các cơ quan Xô viết;… còn về Đảng thì dành quyền lãnh đạo chung công tác của tất cả các cơ quan nhà nước gộp chung lại, mà không can thiệp một cách quá thường xuyên, không chính quy và thường là nhỏ nhặt, như hiện nay”(2), phải chấm dứt cả tình trạng là tất cả mọi vấn đề vụn vặt cũng đều đưa ra trước Ban Chấp hành Trung ương, mà phải nâng cao uy quyền của Hội đồng dân ủy... Bởi, chừng nào mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng và toàn Đảng còn tiếp tục làm công tác quản lý hành chính, nghĩa là quản lý nhà nước, thì Đảng không thể gọi là người lãnh đạo được. Vì vậy, theo Lênin:

-  Một mặt cần phải khẳng định trách nhiệm và quyền hạn của Đảng trong việc xây dựng bộ máy nhà nước “Với tư cách là một đảng chiếm đa số tại Đại hội II toàn Nga các Xôviết, chúng ta có quyền và có nhiệm vụ trước nhân dân thành lập chính phủ”(3), nhưng mặt khác Lênin lưu ý rằng, không phải Đảng trực tiếp đứng ra xây dựng tổ chức bộ máy đó. Mà là Đảng lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước bằng việc đề ra cương lĩnh, nguyên tắc cho tổ chức bộ máy nhà nước, Người nhấn mạnh: "Việc nói rõ đặc điểm của kiểu nhà nước mới phải chiếm một địa vị quan trọng trong cương lĩnh của chúng ta”(4).

- Trên lĩnh vực công tác của cán bộ nhà nước, đặc biệt là những chức vụ chủ chốt, Lênin nhấn mạnh quyền quyết định của Đảng, Người viết: “Chừng nào một đảng cầm quyền còn quản lý, chừng nào đảng ấy còn phải giải quyết tất cả mọi vấn đề về những sự bổ nhiệm khác nhau, thì anh không thể để có tình trạng là việc bổ nhiệm các chức vụ nhà nước quan trọng nhất lại do một đảng không lãnh đạo tiến hành”(5).

-  Giải quyết mối quan hệ giữa vai trò, chức năng lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và chức năng quản lý của Nhà nước sao cho Đảng thực sự là cơ quan lãnh đạo ở tầm chiến lược và Nhà nước là cơ quan quyền lực của nhân dân, có thực quyền, đủ sức mạnh để điều hành mọi hoạt động quản lý. Vấn đề này đã được Lênin nêu ra từ trước khi Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga giành được chính quyền, cụ thể là trong tác phẩm Những nhiệm vụ của chúng ta và Xô viết đại biểu công nhân viết tháng 11 - 1905, Lênin đã viết: “Xô viết đại biểu công nhân hay là Đảng? Theo tôi, không thể đặt vấn đề như vậy, và giải quyết vấn đề đó nhất thiết chỉ có thể là: vừa cần có Xô viết đại biểu công nhân, vừa cần có Đảng. Vấn đề - và là vấn đề hết sức quan trọng - chỉ là ở chỗ làm thế nào phân rõ và kết hợp những nhiệm vụ của Xô viết và những nhiệm vụ của Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga”(6).

Từ việc phân định rõ mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, theo Lênin, để bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành công CNXH, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền đối với Nhà nước và toàn thể xã hội phải được thể hiện như sau:

Thứ nhất, Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cương lĩnh, chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng

Lênin cho rằng, ở vị trí đảng cầm quyền, trọng trách của Đảng là lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội trên mọi phương diện, trong mọi lĩnh vực của đời sống. Những vấn đề thuộc về đường lối, quan điểm chính trị và nguyên tắc tổ chức liên quan tới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hoá, giáo dục và truyền bá hệ tư tưởng cũng như đào tạo cán bộ, xây dựng bộ máy nhà nước thuộc về trách nhiệm của Đảng. Song, không phải Đảng trực tiếp thực hiện những công việc đó, đồng thời cũng không phải lãnh đạo bằng các mệnh lệnh từ trên ban xuống, mà Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cương lĩnh, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Lênin chỉ rõ: “trong nước cộng hoà của chúng ta, không có một vấn đề chính trị hay tổ chức quan trọng nào do một cơ quan nhà nước giải quyết mà lại không có chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”(7). Khi thực hiện chính sách kinh tế mới, một vấn đề đặt ra là Đảng có trực tiếp bắt tay vào giải quyết những vấn đề về kinh tế thuần tuý không, hay Đảng, Đại hội của Đảng chỉ đề ra đường lối, nguyên tắc về vấn đề phát triển kinh tế? Về câu hỏi này, Lênin trả lời rằng: “Nếu tưởng rằng đại hội này có thể giải quyết được vấn đề thì lầm mất. Những quy định về pháp luật của chúng ta sẽ giải quyết vấn đề ấy; nhiệm vụ của chúng ta chỉ là định đường lối nguyên tắc và nêu ra khẩu hiệu. Đảng ta là một đảng cầm quyền và những quyết định do Đại hội của Đảng thông qua là những điều mà toàn nước Cộng hoà phải tuân theo; cho nên, ở đây, chúng ta cần phải giải quyết vấn đề ấy về nguyên tắc”(8).

Thứ hai, Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong bộ máy nhà nước

Người cán bộ, đảng viên đại diện cho Đảng trong bộ máy nhà nước, vừa phải có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ của Đảng; vừa có nhiệm vụ thực thi quyền lực nhà nước do quần chúng uỷ nhiệm.

Cơ sở của quan điểm này được Lênin chỉ ra thông qua nguyên tắc hoạt động của Nhà nước Xô viết: trong hoạt động của mình, Nhà nước Xô viết phải dựa vào đường lối, cương lĩnh của Đảng, đường lối đó đã được rút ra từ toàn bộ cuộc đấu tranh của Đảng, nó thể hiện bản chất cách mạng của chủ nghĩa Bônsêvích và lại được Ban Chấp hành Trung ương phê chuẩn, đó là đường lối mà tất cả đảng viên của Đảng phải tuyệt đối tuân theo. Bởi vậy, những cán bộ, đảng viên của Đảng trong bộ máy nhà nước - những người đã được “hàng triệu công dân, binh sĩ và nông dân, trao chính quyền ấy cho đại biểu của Đảng”(9) - phải chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, phải tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối đó trong hệ thống tổ chức bộ máy của Nhà nước.

Về nhiệm vụ của những cán bộ, đảng viên của Đảng trong bộ máy nhà nước, tại Đại hội XI của Đảng Cộng sản Nga (27-3-1922), Lênin đã chỉ rõ: “các đồng chí là những người cộng sản, các đồng chí là công nhân, các đồng chí là bộ phận giác ngộ của giai cấp vô sản, các đồng chí là những người đảm nhiệm việc lãnh đạo Nhà nước, các đồng chí hãy làm thế nào cho Nhà nước mà các đồng chí nắm trong tay phải hoạt động như các đồng chí mong muốn”(10).

Theo Lênin, những cán bộ, đảng viên của Đảng hoạt động trong bộ máy nhà nước có hai tư cách với hai nhiệm vụ tương ứng: với tư cách là cán bộ, đảng viên đại diện cho Đảng trong bộ máy nhà nước, họ có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ của Đảng; với tư cách là đại biểu của dân, được nhân dân ủy quyền tham gia quản lý nhà nước, họ có nhiệm vụ của người đại biểu cho quần chúng nhân dân để thực thi quyền lực nhà nước. Vì vậy, “người cán bộ ấy phải nhớ rằng anh ta không những là người tuyên truyền bằng lời nói, không những phải giúp đỡ những tầng lớp nhân dân mê muội nhất, đó là nhiệm vụ chủ yếu của anh ta và không làm như vậy anh ta sẽ không còn là người cán bộ của Đảng, không làm như vậy anh ta không thể tự coi mình là người cộng sản được. Nhưng ngoài ra, anh ta phải là người đại diện chính quyền Xô viết (…). Anh ta không được là người kiểm tra theo ý nghĩa là kiểm soát và thanh tra nhưng anh ta là người đại diện cho Đảng nắm chính quyền hiện đang thông qua bộ phận giai cấp vô sản mà điều khiển toàn bộ nước Nga”(11).

Thứ ba, Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng công tác kiểm tra, nhờ đó Nhà nước sẽ chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm minh nếu biểu hiện hoặc có sai phạm trong quá trình quản lý

Lênin cho rằng, Đảng còn phải nhận thức rõ và thi hành đúng vấn đề mấu chốt, vấn đề trung tâm của toàn bộ công tác của đảng cầm quyền, đó là công tác kiểm tra, kiểm soát đối với tổ chức, con người và công việc. Buông lỏng kiểm tra cũng có nghĩa là buông lỏng lãnh đạo và quản lý “không kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Mọi sự buông lỏng này đều dẫn tới sự suy yếu tổ chức và bộ máy, sự hư hỏng và thoái hóa của không ít cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh: điểm trung tâm của công tác tổ chức là việc chọn người, giao việc và kiểm tra hiệu quả chấp hành. Người chỉ thị: hãy dành thời gian để tiến hành kiểm tra công việc. Kiểm tra công tác, xoáy vào thực chất của vấn đề, ra chỉ thị, giáo dục, thưởng phạt nghiêm minh, lựa chọn những công nhân thành thạo. “Kiểm tra nhân viên công tác và kiểm tra việc chấp hành thực tế công tác mấu chốt của toàn bộ công tác, của toàn bộ chính sách hiện nay là ở đấy, vẫn ở đấy và chỉ có ở đấy”(12).

Lênin cho rằng phải đi từ công tác kiểm tra để, một mặt,tác động tới bộ máy Nhà nước, coi đây là điểm xuất phát và khâu trung tâm của phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan nhà nước; mặt khác,thông qua công tác kiểm tra mà xem lại tính đúng đắn, tính phù hợp của các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng so với thực tiễn, từ đó có những sửa đổi, bổ sung, phát triển sáng tạo các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” (tháng 3 - 1923), Lênin đã viết: “Phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố hàng giờ, quyết định hàng phút, rồi từng giây chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của những chủ trương đó”(13). Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra mà Đảng phát hiện, sáng tạo ra cái mới, cái tốt hơn, tìm ra phương thức lãnh đạo phù hợp với thực tiễn hơn.

Thứ tư, Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia quản lý nhà nước. Nhà nước phải xây dựng cơ chế phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân tham gia quản lý xã hội

Theo Lênin, đây là một hình thức hết sức quan trọng, không thể thiếu trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Bởi vì, cách mạng XHCN phụ thuộc vào lòng tin và khả năng vận động, tập hợp, giáo dục, thuyết phục quần chúng nhân dân đi theo Đảng và tiến hành các hành động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. “Chỉ có người nào tin tưởng vào nhân dân, dấn mình vào nguồn sáng tạo sinh động của nhân dân, mới là người chiến thắng và giữ được chính quyền”(14).

Từ sự khẳng định vị trí, vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng Nhà nước XHCN, Lênin chỉ rõ rằng, Đảng phải giáo dục, thuyết phục và tổ chức cho quần chúng nhân dân tham gia quản lý nhà nước. Nếu không có sự tham gia giám sát và quản lý nhà nước của quần chúng, thì Đảng không những không lãnh đạo được Nhà nước, mà bản thân bộ máy của Đảng và Nhà nước cũng sẽ tiêu tan. Bởi vì, như Lênin đã khẳng định: “trong quần chúng nhân dân, chúng ta chỉ tựa như một giọt nước trong đại dương, và chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện của nhân dân, thì chúng ta mới quản lý nhà nước được. Nếu không, Đảng Cộng sản sẽ không lãnh đạo được giai cấp vô sản, giai cấp vô sản sẽ không lôi cuốn được quần chúng theo mình, và tất cả bộ máy sẽ tan rã”(15)

Mặc dù những quan điểm về phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền đã được Lênin đề cập tới cách nay gần một trăm năm. Nhưng đó vẫn là những quan điểm hết sức giá trị đối với tất cả các Đảng Cộng sản cầm quyền trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.

____________________

(1) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, tập 4, Nxb.Chính trị quốc gia, H, 1995, tr.628.

(2) (10) (12) (13) (15) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 45, Nxb.Chính trị quốc gia, H, 2006, tr.75, 103, 19, 443, 134

(3) (9) (14) V.I.Lênin: Toàn tập, tập 35, Nxb.Chính trị quốc gia, H, 2006, tr.83, tr.53, 68-69

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 36, sđd, tr.69.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.42, sđd, tr.204-205.

(6)V.I.Lênin: Toàn tập, t. 12, sđd, tr.73-74.

(7) (11) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 41, sđd, tr.38, 181

(8)V.I.Lênin: Toàn tập, t. 43, sđd, tr.74.

ThS Lê Thị Hằng

Khoa Chính trị học, Học viện Chính trị khu vực IV

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền