Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng của Ph.Ăngghen về vai trò của lý luận và ý nghĩa trong công tác phát triển lý luận của Đảng hiện nay
Thứ sáu, 25 Tháng 11 2016 17:09
4117 Lượt xem

Tư tưởng của Ph.Ăngghen về vai trò của lý luận và ý nghĩa trong công tác phát triển lý luận của Đảng hiện nay

(LLCT) - Ph.Ăngghen là nhà lý luận lỗi lạc trên hầu hết các lĩnh vực của chủ nghĩa Mác, ông đã có những chỉ dẫn sâu sắc về vai trò của lý luận và phát triển lý luận đối với phong trào công nhân nói chung và đối với chính đảng cộng sản nói riêng. Từ tư tưởng của Ph.Ăngghen thấy rằng, muốn phát triển lý luận trước hết cần có tư duy phê phán và sáng tạo, dám đổi mới vượt qua những rào cản của tư duy lối mòn, cũ kỹ; đổi mới tư duy lý luận phải trên cơ sở những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác; phải đẩy mạnh hơn nữa công việc nghiên cứu lý luận một cách hệ thống, bài bản.

C.Mác-Ph.Ăngghen sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, phát hiện ra những quy luậtphổ biến,khách quan của sự phát triển xã hộivà đã phát hiện, khẳng định vai trò, sứ mệnhlịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản. Theo V.I.Lênin, Ph.Ăngghen là người đầu tiên đã nhìn thấy và vạch rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản - giai cấp mà “chính địa vị kinh tế nhục nhã” trong chế độ tư bản “đã thúc đẩy một cách không gì ngăn cản nổi, nó tiến lên và buộc nó phải đấu tranh cho sự giải phóng cuối cùng của nó” và do đó,còn thực hiện sứ mệnh giải phóng cho cả nhân loại, là giai cấp mà “không có lối thoát nào khác hơn là chủ nghĩa xã hội”(1).

Ph.Ăngghen có những chỉ dẫn rất sâu sắc về vai trò của lý luận và phát triển lý luận đối với phong trào công nhân nói chung và đối với chính đảng cộng sản nói riêng.

1. Lý luận và vai trò của lý luận

Lý luận là kết quả và là sản phẩm của tư duy con người ở tầm lý luận. Điểm xuất phát của tư duy lý luận chính là những kinh nghiệm được con người tích lũy thường xuyên trong cuộc sống và hoạt động thực tiễn của mình. Những kinh nghiệm được tích lũy đến một giai đoạn nhất định sẽ nảy sinh nhu cầu cần phải được hệ thống hóa và đòi hỏi phải chỉ ra được bản chất và tính quy luật, mối liên hệ nội tại của chúng. Khi thực hiện những đòi hỏi đó thì cũng chính là quá trình “nâng cấp” tư duy từ giai đoạn kinh nghiệm chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn về chất, chính là tư duy lý luận. Ph.Ăngghen đã chỉ rõ quá trình chuyển biến này: “Khoa học tự nhiên kinh nghiệm đã tích lũy được một khối lượng tài liệu chính diện to lớn đến nỗi ngày nay tuyệt đối bức thiết phải sắp xếp những tài liệu ấy lại một cách có hệ thống và dựa vào mối liên hệ nội tại của chúng trong lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt. Người ta cũng thấy không kém cần thiết phải sắp xếp những lĩnh vực khác nhau của tri thức theo liên hệ đúng đắn giữa lĩnh vực nọ với lĩnh vực kia. Nhưng làm thế thì khoa học tự nhiên đã chuyển sang lĩnh vực lý luận và trong lĩnh vực này những phương pháp kinh nghiệm trở nên bất lực, chỉ có tư duy lý luận mới có thể giúp ích được”(2).

Do có tính chất hệ thống và trừu tượng hóa cao độ, nên chỉ có lý luận với tư cách là sản phẩm của tư duy lý luận mới có thể giúp con người vượt qua được giới hạn “chật hẹp” của nhận thức kinh nghiệm, đi sâu vào bản chất của sự vật hiện tượng. Bởi lẽ, theo Ph.Ăngghen, “dù người ta tỏ ý khinh thường mọi tư duy lý luận như thế nào đi nữa, nhưng không có tư duy lý luận thì người ta cũng không thể liên hệ hai sự kiện trong giới tự nhiên với nhau được, hay không thể hiểu được mối liên hệ giữa hai sự kiện đó”(3).

Vạch rõ bản chất của tư duy lý luận cũng như con đường làm thế nào để có được nó, Ph.Ăngghen nhấn mạnh: “Nhưng tư duy lý luận chỉ là một đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của người ta mà có thôi. Năng lực ấy cần phải được phát triển hoàn thiện, và muốn hoàn thiện nó thì cho tới nay, không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước”(4). Để hiểu được đầy đủ ý nghĩa của lời chỉ dẫn đó của Ph.Ăngghen, trước hết cần phải thấy rằng, việc nghiên cứu lịch sử triết học cho phép chúng ta sử dụng đúng đắn các khái niệm cơ bản, chung nhất với tư cách là sản phẩm, là kết quả của sự phát triển triết học và chúng thực sự góp phần vào việc phát triển tư duy lý luận. Và theo Ph.Ăngghen, tư duy lý luận có một vai trò đặc biệt quan trọng, vì một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận. Đồng thời, trong khi nhấn mạnh tới vai trò của nó, Ph.Ăngghen cũng lưu ý ngay rằng: “Tư duy lý luận của mỗi một thời đại, cũng có nghĩa là cả thời đại chúng ta, là một sản phẩm lịch sử mang những hình thức rất khác nhau trong những thời đại khác nhau và do đó có một nội dung rất khác nhau. Thế cho nên cũng như bất kỳ khoa học nào khác, khoa học về tư duy là một khoa học lịch sử, là khoa học về sự phát triển lịch sử của tư duy con người”(5).

Không chỉ thế, Ph.Ăngghen còn cho thấy những hệ lụy to lớn nào nảy sinh một khi người ta coi thường lý luận hoặc rơi vào bệnh kinh nghiệm, vì “rõ ràng là sự khinh thường lý luận là con đường chắc chắn nhất đưa chúng ta đến chỗ suy nghĩ theo lối tự nhiên chủ nghĩa, tức là suy nghĩ sai”(6) và trong thực tế, khinh miệt phép biện chứng thì không thể không bị trừng phạt.

2. Về vai trò của lý luận đối với chính đảng cộng sản

Với tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ vĩ đại,trên cơ sở phân tíchcặn kẽtình hìnhkinh tế -xã hội đương thờicũng như triển vọng của cuộc cách mạng vô sản, Ph.Ăngghen cho rằng đã đến lúc chính đảng của giai cấp vô sản phải thực hiện “sứ mệnh nắm lấy việc quản lý đất nước vào tay mình”vàđiều kiện cần thiết cho việc xây dựng chế độ xã hội mới trước hếtlà ở việc tạo ra những con người “có đủ sức mạnh và ý chí để xây dựng xã hội mới,tốt đẹp hơn ấy”(7).

Ph.Ăngghen dành nhiều công sức, thời gian để bảo vệ tư tưởng của C.Mác trước sự tấn công, xuyên tạc của các lực lượng thù địch. Đồng thời, ông cũng kiên quyết lên án khuynh hướng và những mưu toan biến học thuyết do C.Mác và ông sáng lập ra trở thành những công thức giáo điều, bất biến, hoặc tuyệt đối hóa những luận điểm của học thuyết này.Đây phải được coi là một công tác quan trọng của đảng cộng sản trong lĩnh vực đấu tranh tư tưởng.

Ph.Ăngghen nhấn mạnh: “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời...”(8); và cũng dũng cảm thừa nhận: “Lịch sử đã chứng minh rằng chúng tôi và tất cả những ai nghĩ giống như chúng tôi đều sai lầm. Lịch sử đã chỉ rõ rằng trạng thái phát triển kinh tế trên lục địa lúc bấy giờ còn rất lâu mới chín muồi để xoá bỏ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”(9). Ph.Ăngghen không bao giờ xa rời công việc nghiên cứu khoa học và phát triển lý luận cách mạng của mình. Theo Ph.Ăngghen, khi tình hình thay đổi và cuộc sống đặt ra những vấn đề mới, những người cộng sản phải có dũng khí sẵn sàng xem xét lại ngay cả những quan điểm lý luận của chính bản thân mình. Chẳng hạn như trong “Lời nói đầu” tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Pháptừ 1848 đến 1850 của C.Mác, ông thẳng thắn thừa nhận sai lầm của ông và C.Máckhiviết: “Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng chúng tôi cũng đã phạm sai lầm, lịch sử đã vạch ra rằng quan điểm của chúng tôi lúc bấy giờ là một ảo tưởng. Lịch sử lại còn đi xa hơn thế nữa: lịch sử không những đã đánh tan sai lầm hồi bấy giờ của chúng tôi mà còn hoàn toàn đảo lộn những điều kiện trong đó giai cấp vô sản đang phải chiến đấu. Ngày nay, phương pháp đấu tranh trong thời kỳ 1848 đã bị lỗi thời về mọi phương diện, và đó là một điểm đáng được nghiên cứu tỷmỷhơn nữa”(10).

Những chiến lược, sách lược cho các chính đảng vô sản các nước mà ông đưa ra trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời hoạt động lý luận và thực tiễn cách mạng của ông là một cống hiến lớn vào kho tàng chủ nghĩa xã hội khoa họcvà vào lý luận xây dựng, phát triển đảng.

Sau khi C.Mác qua đời, Ph.Ăngghen đã nhìn nhận về triển vọng của cuộc cách mạng vô sản thế giới và vạch ra những nhiệm vụ đặt trước chính đảng của giai cấp vô sản sau khi giành được chính quyền, cả trong thời kỳ quá độ lẫn khi chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực. Ph.Ăngghen nhấn mạnh rằng, sau khi giành đuợc chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đảng cộng sản tiếp tục lãnh đạo nhân dân và sử dụng vị thế thống trị của mình từng bước thủ tiêu chế độ tư hữu, đi liền với việc xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu - nền tảng của chế độ xã hội mới. Tuy nhiên, ông cũng đã lường trước và cảnh báo rằng, không thể xóa bỏ, thủ tiêu ngay lập tức được chế độ tư hữu. Điều này thể hiện rất rõ trong Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, khi trả lời câu hỏi thứ 17: Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không, Ph.Ăngghen trả lời dứt khoát: “Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu. Cho nên, cuộc cách mạng của giai cấp vô sản đang có tất cả những triệu chứng là sắp nổ ra, sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần, và chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”(11). Lưu ý này của Ph.Ăngghen là hết sức quan trọng, nó cảnh báo khả năng xuất hiện tinh thần chủ quan, nóng vội, duy ý chí và lạc quan thái quá có thể xuất hiện ở trong đầu óc của những người cộng sản và trong sách lược hay cương lĩnh của đảng cộng sản mà vẫn chưa có đủ điều kiện chín muồi.

Về sách lược, đảng cộng sản cần tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của các phong trào có tính cách mạng của các đảng phái khác. Thái độ của người cộng sản đối với các chính đảng khác ở các nước sẽ khác nhau. Ph.Ăngghen lấy ví dụ: “Ở Anh, Pháp và Bỉ là nơi mà giai cấp tư sản thống trị thì tạm thời người cộng sản còn có những quyền lợi chung với các đảng phái dân chủ. Hơn nữa, những người dân chủ càng đi đến gần mục đích của người cộng sản trong những biện pháp xã hội chủ nghĩa mà hiện nay những người dân chủ ở khắp nơi đều bênh vực, tức là họ càng bênh vực quyền lợi của giai cấp vô sản một cách rõ ràng và dứt khoát, càng dựa vào giai cấp vô sản thì quyền lợi chung nói trên càng lớn”(12). Đối với những người xã hội chủ nghĩa dân chủ cũng vậy: những người cộng sản trong lúc hoạt động sẽ liên hiệp với những người xã hội chủ nghĩa dân chủ và nói chung, trong thời gian đó, phải cố sức duy trì một chính sách chung với họ, chỉ cần là họ không phục vụ giai cấp tư sản thống trị và không tấn công những người cộng sản. Cố nhiên việc hoạt động chung không gạt bỏ việc tranh luận về những ý kiến bất đồng giữa họ với người cộng sản.

Ph.Ăngghen đã luận giải, tiếp tục cụ thể hóa hơn một bước những nhiệm vụ cụ thể, những biện pháp cụ thể mà đảng cộng sản sẽ phải tiến hành, trước hết, “giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”(13) và sau khi giành được chính quyền thì sẽ dùng quyền lực thống trị của mình để “tước đoạt lại bọn đi tước đoạt”, tức là: “Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất(14).

Như vậy, cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã xây dựng nên cơ sở và phương pháp luận biện chứng cho quan điểm mácxít về chính trị và đóng vai trò nền tảng cho lý luận về đảng cộng sản. Từ hoạt động thực tiễn và lý luận mà C.Mác và Ph.Ăngghen ngày càng thấy rõ hơn về vị trí và tầm quan trọng của vấn đề dân chủ trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản và toàn bộ chế độ tư bản. Ph.Ăngghen cho rằng đó chính là quá trình xây dựng một chế độ dân chủ mới. Bởi vì, “trước hết, nó tạo ra một chế độ dân chủ và nhờ đó mà trực tiếp hay gián tiếp tạo ra quyền thống trị của giai cấp vô sản”. Từ đó, Ph.Ăngghen đã xác định những vấn đề có tính nguyên tắc về dân chủ trong chính đảng của giai cấp vô sản. Trong các nguyên tắc ấy có nguyên tắc bảo đảm dân chủ và tập trung dân chủ trong quá trình xây dựng tổ chức chính đảng của giai cấp vô sản. Tập trung dân chủ trở thành một trong những nguyên tắc có tầm quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng chính đảng nhằm tập hợp, đoàn kết giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản.

Cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen không chỉ quan tâm đến lý luận về chính đảng vô sản, mà còn có những đóng góp to lớn vào công tác xây dựng đảng với tư cách là đội tiên phong của giai cấp công nhân, tập hợp đội ngũ những người có ý thức giác ngộ và kiên định lý tưởng cách mạng. Có thể thấy, ngay từ những ngày đầu lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh tới vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng. Sau khi C.Mác mất, Ph.Ăngghen tiếp tục vận dụng những tư tưởng của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại ấy vào trong thực tiễn đấu tranh, xây dựng chính đảng trong phong trào công nhân. Theo Ph.Ăngghen, phải biến mỗi chi bộ thành trung tâm hạt nhân của các hiệp hội của công nhân. Tổ chức cơ sở đảng trong xã hội lúc đó được C.Mác và Ph.Ăngghen gọi là “chi bộ” với nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện nghị quyết của liên đoàn và quản lý hội viên. Sau này, V.I.Lênin đã kế thừa và phát triển tư tưởng đó và tiến hành xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân.

3. Ý nghĩa đối với công tác phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, từ những tư tưởng của Ph.Ăngghen, chúng ta thấy rằng, muốn phát triển lý luận thì trước hết cần phải có tư duy phê phán và sáng tạo, dám đổi mới vượt qua những rào cản của tư duy lối mòn, cũ kỹ, cản trở sự phát triển của lý luận và thực tiễn.

Bản thân Ph.Ăngghen cũng như C.Mác luôn quán triệt tinh thần đó và là những tấm gương mẫu mực trong việc tự phê phán, tự thay đổi, bổ sung lý luận một khi tình hình thực tiễn đã thay đổi. Sự bổ sung, làm mới lý luận không phải là “chuyển hướng”, thay đổi mục tiêu mà để tiệm cận đến chân lý, sát thực với thực tiễn hơn. Chẳng hạn, trong 21 năm, kể từ sau Công xã Pari 1872 đến năm 1893, các ông đã viết 7 lần Lời tựamỗi khi tái bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Các ông khẳng định rằng, nếu được viết lại thì chắc chắn nhiều vấn đề cụ thể sẽ được thay đổi vì thực tiễn đã khác. Nhưng các ông chỉ bổ sung các luận điểm mới, chính xác hóa thêm vào các Lời tựamà không thay đổi nội dung của tác phẩm đó nữa, vì coi nó là một văn kiện có tính chất lịch sử.

Thứ hai, đổi mới tư duy và lý luận là nhu cầu cấp thiết, nhưng phải trên cơ sở những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác. Như Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: cần tránh hai thái cực, hoặc đổi mới nhưng không kiên định lập trường, đổi mới vô nguyên tắc hoặc biến học thuyết của các ông trở thành giáo điều, tín điều bất di bất dịch, coi đó chỉ là những chân lý có sẵn. Đặc biệt là những lưu ý, cảnh báo của Ph.Ăngghen về tinh thần chủ quan, nóng vội, duy ý chí, muốn xóa bỏ ngay chế độ tư hữu, muốn có ngay CNXH vẫn là tư tưởng còn nguyên giá trị thời đại.

Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử thì trong hệ thống các nước XHCN trước đây đã có những nhận thức sai lầm, máy móc, giáo điều khi vận dụng các quan điểm Mác - Lênin. Sai lầm, yếu kém đã diễn ra khá lâu nhưng không được phát hiện, sửa chữa, điều chỉnh kịp thời, cộng thêm sự xét lại và phản bội trắng trợn tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng, sụp đổ ở các nước XHCN, nhất là ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu.

Thứ ba, từ chỉ dẫn, phân tích của Ph.Ăngghen về thái độ của đảng cộng sản đối với các đảng phái khác, nhất là đối với các đảng dân chủ xã hội, có thể nói, muốn phát triển lý luận, làm tốt công tác lý luận, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công việc nghiên cứu lý luận một cách có hệ thống, bài bản lý luận của các trào lưu mácxít phương Tây, tổng kết những đóng góp và những hạn chế của họ trong việc tìm tòi con đường xây dựng CNXH dân chủ ở phương Tây. Song song với việc tiến hành giao lưu, trao đổi thường xuyên về lý luận, trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo với các đảng phái chính trị mácxít thuộc trào lưu dân chủ xã hội, cũng cần tổng kết, “chắt lọc” về lý luận, kế thừa những giá trị của họ, nhưng đó phải là sự kế thừa có phê phán, có nguyên tắc.

Không chỉ tư tưởng của Ph.Ăngghen mà chính là toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, tinh thần hy sinh cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị và tư duy lý luận trác việt của ông mãi là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại tiến bộ nói chung và cho sự nghiệp xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở Việt Nam hiện nay.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2016

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.2, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1981, tr. 7-8.

(2), (3), (4), (5), (6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1994, tr. 487, 508, 487,487, 508.

(7), (9), (10) C.Mác vàPh.Ăngghen:Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.659, 761, 758.

(8) C.Mác vàPh.Ăngghen:Toàn tập, t.18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 128.

(11), (12), (13), (14) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 469, 478- 479 , 626, 626 - 627.

 

PGS, TS Đoàn Minh Huấn

Ủy viên dự khuyết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực I

TS Nguyễn Chí Hiếu

Học viện Chính trị Khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền