Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tinh thần thân dân trong văn hóa chính trị phương Đông và Việt Nam truyền thống
Thứ sáu, 25 Tháng 11 2016 17:11
5883 Lượt xem

Tinh thần thân dân trong văn hóa chính trị phương Đông và Việt Nam truyền thống

(LLCT) - Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, phạm trù Dân có một ý nghĩa đặc biệt. Tư tưởng thân dân, khoan dân, yêu dân, dựa vào dân được xem là điều kiện sống còn của Nhà nước. Thực tiễn chứng minh, những cuộc chiến tranh giành độc lập hay bảo vệ đất nước chỉ khi nào huy động được sức mạnh của cả dân tộc mới làm nên chiến thắng.

1.Tinh thần thân dân - nét đặc trưng văn hóa chính trị truyền thống phương Đông

Về nền chính trị truyền thống của Khổng giáo phương Đông, nhiều người cho rằng, đó là nền chính trị có tính tập quyền cao nên chuyên chế, độc đoán. Điều này là có lý bởi suốt hàng nghìn năm phong kiến, vua được coi là “Thiên tử - Con trời”, “dân” chỉ là sở hữu, là “tài sản” của vua. Vì vậy, bổn phận cao nhất, tự nhiên nhất của dân là “tòng quân”, giống như bổn phận làm vua là thuận theo “thiên lý”, “mệnh trời”. Tính chất đó phản ánh quan niệm về vị trí, vai trò của dân trong quan hệ với vua, với nước. Từ quan niệm đó, nền chính trị Khổng giáo cũng đồng thời quy định bổn phận của vua. Trong chiều cạnh này, nền chính trị truyền thống phương Đông đã bộc lộ một số giá trị văn hóa có ý nghĩa đối với nền chính trị hiện đại.

Nho giáo cho rằng, làm vua tức là nhận lấy “mệnh Trời” nên phải thực hiện bổn phận với ý thức tự nguyện. Mệnh Trời thống nhất với ý dân, ý dân là ý Trời. Dân là gốc nước, dân là nước, vua quan là thuyền, nước có thể chở thuyền và nước cũng có thể lật thuyền. Mất lòng dân thì triều chính buộc phải đổ; công lao trong thiên hạ trước hết và bao giờ cũng là thuộc về dân: “Thiên tử có làm tròn trách nhiệm thì cũng không có công gì cả, công là của dân” (Thượng thư - Bàn Canh); “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Mạnh Tử).

Theo Khổng giáo: “Dưới trời rộng khắp, đâu cũng là đất của vua. Khắp đất đai đến tận bốn bờ bốn biển, ai cũng là tôi dân của vua” (Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ. Xuất hải chi tân mạc phi vương thần - Kinh thi). Bởi vậy, vua là người quản lý đất nước cao nhất, là cha của muôn dân, do đó phải chịu trách nhiệm về toàn bộ cuộc sống của dân. Xã hội vốn loạn, dân tình phạm tội thì vua cũng phải gánh chịu “Vận dân có lỗi là tại một mình ta, cho nên một mình ta chịu tội, không lụy gì đến dân cả” (Thượng thư - Thang cáo).

Sách Mạnh Tử dẫn lời vua Nghiêu nói rõ bổn phận của vua là phải “an cư dân, vỗ về dân, giúp đỡ dân, che chở dân, khiến dân tự biết vui về đạo” (Mạnh Tử, Đằng Văn Công - Thượng). Việc chăm lo dân, trước hết là làm cho dân no đủ. Với tư tưởng: “Thường tình của dân là kẻ nào có hằng sản rồi mới có hằng tâm”, Mạnh Tử đã thuyết giáo về chính sách chia ruộng theo phương thức “tỉnh điền” để dân cày có thể “trên đủ phụng dưỡng cha mẹ, dưới đủ nuôi nấng vợ con”. Ông chủ trương nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến đời sống thiết thực hằng ngày của nhân dân: khuyến khích tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, thu thuế và lao dịch. Ông cũng kêu gọi sự quan tâm đối với những người có hoàn cảnh riêng trong xã hội: quan, quả, độc, cô…

Một bước phát triển hơn nữa, xuất phát từ tư tưởng đề cao dân trong Nho giáo, là việc nhà nước có nhiệm vụ lớn quan trọng ngang hàng với việc làm cho nhân dân no ấm là giáo hóa nhân dân. Nho giáo vốn rất coi trọng giáo dục, coi giáo dục là rường cột của chính trị. Trong quan niệm truyền thống của văn hóa Khổng giáo, văn hóa là cách nói gọn của “văn trị giáo hóa”(1). Nội dung thực chất của “văn hóa” là phương hướng để làm cho văn sáng tỏ, để hóa thành thiên hạ, làm cho nước có văn hiến. Đó là căn bản trong đường lối trị nước của thánh nhân mà theo Nho giáo không chỉ là bậc hiền triết, nhiều trí tuệ, có đạo đức cao, mà còn là người dựa mệnh Trời, đem văn hóa để giáo hóa thiên hạ.

Nhà nước không chỉ là cơ quan quyền lực, bắt dân tôn trọng phép tắc, tiến hành thưởng phạt, mà còn là dạy dỗ cho dân trừ bỏ những điều ác, những sai lầm để trở thành thiện, tức là sống đúng đạo lý. Khi Khổng Tử khen “dân nước Vệ đông thay” và có học trò hỏi “dân đã đông thì nhà cầm quyền phải làm gì cho họ?”, Khổng Tử đáp gọn “phú chi” (giúp cho họ giàu có). Lại hỏi: “Giàu có rồi, phải làm gì cho họ nữa?”. Đáp: “giáo chi” (phải giáo hóa họ)” [Luận Ngữ - Tử Lộ 9]. Mạnh Tử nói: “Muốn được dân thì chính trị tốt không bằng giáo dục tốt, vì chính trị tốt thì dân sợ, còn giáo dục tốt thì dân yêu; chính trị tốt thì được tiền của của dân, còn giáo dục tốt thì được lòng dân” (Mạnh Tử, Tận tâm - Thượng).

Ngược lại, trong truyền thống chính trị phương Tây, đặc biệt thời trung cổ, khái niệm “dân” không có ý nghĩa gì với giai cấp thống trị. Lúc ấy “dân” phải được chăn dắt, có nghĩa là dân hoàn toàn trở thành phương tiện của quyền lực. Vua chúa và các nhà cầm quyền đều cho rằng, dân đói khổ là tại họ lười biếng, mất mùa thiên tai, chứ không phải là tại chính sách của triều đình. Ở nước Anh, tới triều Nữ hoàng Elisabét (XVI) sự cứu dân vẫn chỉ được coi là một công việc từ thiện, chứ chưa thành một nhiệm vụ của Triều đình.

2. Tư tưởng thân dân trong văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, phạm trù Dân có một ý nghĩa đặc biệt. Tư tưởng thân dân, khoan dân, yêu dân, dựa vào dân được xem là điều kiện sống còn của Nhà nước. Thực tiễn chứng minh, những cuộc chiến tranh giành độc lập hay bảo vệ đất nước chỉ khi nào huy động được sức mạnh của cả dân tộc mới làm nên chiến thắng.

Ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, ý thức trở thành chủ nhân của đất nước không phải chỉ là của một số thủ lĩnh hiểu biết và kiên cường mà là của đại đa số người dân. Ý thức đó được thể hiện trường kỳ trong lịch sử, là cơ sở để duy trì các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và càng về sau càng quyết liệt hơn. Từ đó, các triều đại Việt Nam đều biết cách dựa vào dân, huy động được sức mạnh dân tộc làm nên những chiến thắng lẫy lừng. Tình cảm và tư tưởng về dân tộc gắn liền với dân chúng được nêu lên như những nguyên tắc chính trị.

Lý Công Uẩn trong Chiếu dời đôđã viết: để mưu việc lớn, tính kế muôn đời cho con cháu thì trên kính mệnh Trời, dưới theo ý dân. Nguyện vọng đó của nhà vua cũng là nguyện vọng của nhân dân và dân tộc. Điều này đã được các quần thần khẳng định trong khi đáp lại: “Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế lâu dài để trên cho có nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của nhiều người, việc lợi như thế ai dân không theo”(2). Tiếp đến Lý Cao Tông tự thấy: “Trẫm…ở nơi cửa trùng không biết cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán giận của kẻ dưới. Dân đã oán thán thì trẫm dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa lỗi cùng dân đổi mới”(3).

Thời Trần, quan niệm về độc lập và tự chủ của dân tộc có liên hệ khăng khít nhận thức về nhân dân, xem nhân dân là lực lượng quyết định trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề không chỉ là đức độ của kẻ cầm quyền mà là phương sách cơ bản để giữ nước. Trần Quốc Tuấn cho rằng, nhân dân là cơ sở để tiến hành cuộc chiến tranh giữ nước: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc, bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước”(4). Trong quan niệm của Trần Quốc Tuấn, nhân dân chính là nơi lưu giữ tiềm lực kinh tế và quốc phòng, bảo đảm cho sự vững chắc của nền độc lập và chủ quyền dân tộc. Hơn nữa, những anh hùng mưu được nghiệp lớn là nhờ vào sự ủng hộ của quần chúng. Tư tưởng chính trị “lòng dân không chia”, “cả nước góp sức” chống giặc của Trần Quốc Tuấn là nền tảng cho việc xây dựng quân đội vững mạnh trong thời Trần. Chính ở thời này, Hội nghị Diên Hồng đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của ý chí toàn dân, về tinh thần đoàn kết thống nhất trong toàn xã hội từ trên xuống dưới, về mối quan hệ tốt đẹp giữa Triều đình và nhân dân.

Hồ Quý Ly là người tài năng, có nhiều ham muốn và nỗ lực thực hiện những cải cách lớn, xây dựng nền độc lập vững mạnh cho dân tộc. Nhưng nhà Hồ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Lý giải về điều đó, theo lời của Nguyễn Trãi là: “nhà Hồ đánh giặc một mình”, “quân họ Hồ trăm vạn người, trăm vạn lòng”(5). Cuối năm 1405 trước khi nhà Minh khởi chiến xâm lược, trong một cuộc họp bàn của triều đình để tìm cách ứng phó với giặc, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng nói: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không”(6). Hồ Nguyên Trừng hiểu rõ thời thế, nhân tâm và đã nói đúng chỗ yếu nhất của nhà Hồ khi phát động kháng chiến là họ không được toàn dân đồng tâm ủng hộ, một yếu tố gốc rễ của mọi thắng lợi.

Thời Lê Lợi - Nguyễn Trãi, tư tưởng khoan dân, lo cho dân và dựa vào dân được phát triển hơn nữa, được xem là mục đích tối cao trong việc giữ nước và dựng nước. Tổng kết những thời kỳ lịch sử đã qua và phân tích những sự biến đang diễn ra trước mắt, Nguyễn Trãi đã rút ra được các kết luận có tính quy luật của cuộc chiến tranh nhân dân.

Với ông, cứu nước và dựng nước là công việc của trăm họ. Nếu mọi người đồng lòng tất sẽ có sức mạnh, theo đó nguyên nhân tất thắng của Lê Lợi là “quân không quá mười vạn nhưng ai cũng một lòng”. Nguyễn Trãi quan niệm dân là số đông, là cơ sở xã hội, là lực lượng có vai trò quyết định sự tồn vong của một triều đại. Ông đã thể hiện tư tưởng của mình bằng cách nhắc lại câu nói của người xưa: “Mến người có nhân là dân, mà chở thuyền lật thuyền cũng là dân” (Chiếu văn bảo Thái tử), “Thuyền bị lật mới tin rằng dân như nước” (Quan hải)(7). Đường lối chính trị của Nguyễn Trãi vì thế được gọi là đường lối chính trị nhân nghĩa. Trong đó, việc đầu tiên của chính trị là việc cứu dân, nuôi dân. Mọi chủ trương, chính sách, quan hệ đối xử của triều đình đều phải căn cứ vào lòng dân. Nhân nghĩa là phương thức giữ nước, dựng nước, là sức mạnh, là cuộc sống của người dân, là bang giao hòa bình. Tư tưởng đó vừa khái quát truyền thống, vừa tạo nghiệp, vừa định hướng cho sự phát triển bền vững của dân tộc.

Ở thế kỷ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ trương thực hiện đường lối chính trị “vương đạo” đối lập với “bá đạo”. Đó là đường lối nhà nho gắn với dân chúng, lấy đức “nhân nghĩa” để trị người, cảm hóa người. Ông viết “Nếu nhà vua có bó đuốc sáng thì nên soi đến dân ở nơi nhà nát, xóm nghèo” (Cảm hứng) hoặc “xưa nay nước phải lấy dân làm gốc, nên biết rằng muốn giữ được nước, cốt phải được lòng dân” (Cảm hứng)(8). Đó là đường lối chính trị yêu nước, thương dân bề ngoài là vương đạo nhưng thực chất là nhân dân.

Thế kỷ XVIII, chiến tranh và loạn lạc là nỗi nhức nhối của các nhà tư tưởng có lương tri. Theo họ, trị loạn phải xuất phát từ thái độ của tập đoàn cai trị xã hội đối với lòng dân và ý Trời. Lê Quý Đôn nhắc lại lời xưa: “Dân là gốc nước, gốc vững thì nước mới yên. Cứu dân tức là vì nước” (Âm chất văn chú). Nguyễn Thiếp cho rằng: “Dân là gốc, gốc vững nước mới yên” (Bài biểu dâng Quang Trung bàn về dân tình xứ Nghệ). Ngô Thì Nhậm quan niệm: Lòng dân quyết định ý Trời “Trời trông, Trời nghe do ở dân. Lòng dân yên định thì ý Trời cũng xoay chuyển” hoặc “Dân hòa cảm ở dưới thì thiên hòa ứng ở trên, hiệu nghiệm được mà không hẹn mà đến” (Tờ khải trình bày về chính sự đương thời)(9).

Đến thế kỷ XIX, Nguyễn Đức Đạt, người thầy của Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Huy, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế,... quan niệm vua phải kính trọng nhân dân: “Có người hỏi: “Vua nên yêu ai?” - Ông đáp: “Yêu dân”. Lại hỏi: “Nên kính ai?” - Ông đáp: “Kính dân”. Lại hỏi: “Yêu và kính như thế nào?” - Ông đáp: “Yêu như yêu thân mình, kính như kính thân mình. Ôi! Dân là người bảo vệ cho thân mình, chẳng yêu sao được? Lại là người chủ tế của thân mình, chẳng kính sao được”(10). Quan niệm của ông đã đạt đến tầm cao tư tưởng khi xem dân là chủ nhân của đất nước, giải quyết mối quan hệ “trung vua” với “ái quốc”.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của nhân dân trong dựng nước và giữ nước các triều đại phong kiến Việt Nam đã có nhiều hoạt động và chính sách thiết thực quan tâm đến đời sống của nhân dân. Các giá trị dân sinh cũng trở  thành một đặc trưng của văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống.

Về chính sách khuyến nông, các triều đại phong kiến Việt Nam kiên trì đường lối “dĩ nông vi bản” (nông nghiệp là gốc). Đây là cơ sở cho các chính sách: “ngụ binh ư nông” (gửi binh trong nông) và “toàn dân vi binh” (mỗi người dân là một chiến sỹ). Lê Hoàn là vị vua đầu tiên tổ chức lễ cày ruộng tịch điền. Đến đời Trần, triều đình cũng tổ chức cho các vị tôn thất và quan chức đi gặt ruộng tịch điền. Luật lệ và chiếu chỉ của nhà Lý về việc giết hại trâu bò ảnh hưởng đến công việc cày cấy cần phải nghiêm trị cũng thể hiện sự quan tâm đó.

Vấn đề trị thủy, thủy lợi cũng rất được quan tâm, được ghi vào pháp luật và hương ước. Xây dựng và bảo vệ đê điều là bảo vệ lợi ích cơ bản của nông dân được coi là một chức năng quan trọng của nhà nước và là nhiệm vụ của toàn dân. Vua nhà Trần đã từng tự mình đi trông nom việc đắp đê. Hành khiển Trần Khắc Chun, nói rằng: “Lúc dân gặp nạn lụt, người làm vua phải cứu giúp ngay. Sửa sang đức chính không còn gì trọng đại hơn công việc ấy”(11). Hay tính dân sinh còn biểu hiện ở chỗ năm 1126 vua nhà Lý ra lệnh cấm không được chặt cây vào mùa Xuân, năm 1126 ra lệnh trồng cây ở mọi nơi…

Sau việc chăm lo cho dân no ấm thì việc giáo hóa dân luôn là trách nhiệm lớn lao và là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, quan trọng bậc nhất của nhà nước. Để giáo hóa dân, có hai cách:một là,người cầm quân phải nêu gương sáng; hai là,phải mở mang việc giáo dục đạo đức và nâng cao dân trí. Hầu hết các vương triều, nhất là trong thời kỳ hưng thịnh, đều rất quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức trong dân và luôn chăm lo việc học hành, thi cử.

Nhà nước mang tính giai cấp nên mâu thuẫn giai cấp ở Việt Nam luôn tồn tại, song mâu thuẫn thường xuyên là giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với những thử thách của thiên tai và địch hoạ. Mâu thuẫn giai cấp được giải quyết theo lợi ích dân tộc, theo yêu cầu giữ nước và dựng nước, chăm lo cuộc sống của dân để tạo sức mạnh dân tộc. Triều đại và người cầm quyền nào không làm được điều đó thì dân chống lại và mâu thuẫn giai cấp bùng nổ qua các cuộc khởi nghĩa nông dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là đỉnh cao của văn hóa chính trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, thể hiện ở lòng thương yêu, quý trọng và tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân. Người nói, “Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(12). Người cho rằng, không gì quý bằng dân và không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Theo đó, trong quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân thì Nhà nước chỉ là bộ máy thừa hành của nhân dân, tất thảy nhân viên nhà nước là đầy tớ của nhân dân chứ không phải là “phụ mẫu chi dân” (cha mẹ của dân). Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức nhân dân là người chủ, địa vị cao nhất là dân, Nhà nước là của dân, do dân, vì dân.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2016

(1) Lê Quý Thiêm:Văn hóa với sự phát triển của xã hội Việt Nam theo hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.7.

(2), (3), (11) Ngô Sỹ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, t.1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tr.191, 301, 301.

(4), (6) Sđd, Ngô Sỹ Liên, t.2, tr.89, 89.

(5), (7), (8), (9) Dẫn theo Nguyễn Tài Thư (Chủ biên):Lịch sử tư tưởng Việt Nam, t.1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.237, 287, 359, 418-419.

(10) Thiên Quán đạo: Nam sơn Tùng thoại, (tài liệu dịch), Viện Triết học.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. tr.161.

 

TS Lâm Quốc Tuấn

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền