Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan hệ tộc người ở Việt Nam và một số giải pháp xây dựng quan hệ tộc người tốt đẹp
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 14:39
17429 Lượt xem

Quan hệ tộc người ở Việt Nam và một số giải pháp xây dựng quan hệ tộc người tốt đẹp

(LLCT) - Ở Việt Nam hiện nay, các tộc người phát triển về mọi mặt, xu hướng cố kết cộng đồng dân tộc được phát huy, tính thống nhất hữu cơ giữa các tộc người trong quốc gia, dân tộc được củng cố, tăng cường. Tuy vậy, quan hệ tộc người đang tiềm ẩn những vấn đề xã hội; những tác động từ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Giải pháp xây dựng quan hệ tộc người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay là: nhận thức đầy đủ hơn các vấn đề lý luận liên quan về dân tộc, tộc người; xây dựng và hoàn thiện chính sách dân tộc nhằm đạt được các mục tiêu phát triển đất nước ttrong tình hình mới; thể chế hóa chính sách dân tộc của Đảng, Hiến pháp thành các quy định pháp luật; đấu tranh chống âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo nhằm “diễn biến hòa bình”.

Trong 30 năm đổi mới (1986 - 2015), dưới tác động của đường lối đổi mới và chính sách dân tộc của Đảng, quan hệ tộc người ở Việt Nam có sự phát triển, đa dạng và phong phú trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh xu hướng chung là, tích cực, có nơi, có lúc vẫn xảy ra những hiện tượng tiêu cực, thậm chí xung đột trong quan hệ tộc người. Nhận thức đầy đủ những mâu thuẫn, vấn đề đặt ra trong quan hệ tộc người giúp chúng ta có chủ trương, giải pháp để xây dựng quan hệ tộc người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

1. Các tộc người phát triển về mọi mặt, xu hướng cố kết cộng đồng dân tộc được phát huy, tính thống nhất hữu cơ giữa các tộc người trong quốc gia/dân tộc được củng cố và tăng cường

Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi của Đảng và Nhà nước được cụ thể hóa bằng các chương trình mục tiêu quốc gia(1).Thông qua các chương trình, dự án, Nhà nước đã tập trung nguồn vốn ưu tiên đầu tư cho những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, góp phần quan trọng thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững.Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, ước tính đến 31-12-2015, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn 12 tỉnh Tây Bắc đạt 128.109 tỷđồng, tăng 16,38% so với năm 2014, chiếm 2,5% tổng nguồn vốn đầu tư toàn nền kinh tế. Trong đó, tổng nguồn vốn đầu tư tại 6 tỉnh có hộ nghèo cao (Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) đạt hơn 47 nghìntỷđồng, chiếm 36,7%tổng nguồn vốn khu vực Tây Bắc, tăng 14,13% so với năm 2014(2). Nhờđó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể,cơ sở vật chất và hạ tầng miền núi đã có bước phát triển mới; kinh tế vùng dân tộc miền núi từng bước chuyển sang kinh tế hàng hóa. Nhiều vùng đã hình thành những ngành hàng nông nghiệp quymô lớn như cà phê, hồ tiêu, cao su..., góp phần nâng caokim ngạch xuất khẩucủa Việt Nam. Ngành du lịch phát triển mạnh, với trung tâm là Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Sa Pa, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và nhiều vùng miền núi, dân tộc khác trên cả nướcgắn với đặc trưng văn hóa của từng vùng.Công nghiệp các tỉnh miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên từng bước phát triển, nhất là thủy điện, chế biến nông, lâm sản, gắn kết với vùng nguyên liệu nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa. Phát triển hạ tầng nội vùng, kết nối miền núi với các địa phươngkhác trong cảnước, tạođiều kiện cho đồng bào dân tộc miềnnúi phát triển.

Về văn hóa,các giá trị văn hóa tộc người được sưu tầm, bảo tồn và giới thiệu rộng rãi ở trong nước và nước ngoài. Các di sản văn hóa thế giới như Di sản văn hóa Mỹ Sơn, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các di sản văn hóa quốc gia như: Nghi lễ Then của người Tày, Nùng và Thái, nghệ thuật xòe Thái, Tri thức và thực hành thổ canh hốc đá của các dân tộc thiểu số vùng cao nguyên đá Hà Giang, Nghệ thuật Dù Kê của người Khmer, Nghề làm gốm của người Chăm, Sử thi Tây Nguyên, Nghi lễ cấp sắc của người Dao,.. được bảo tồn và phát huy.

Giáo dục và đào tạoở vùng dân tộc và miền núi phát triển với quy mô ngày càng mở rộng, 100% số xã có trường tiểu học, trường mầm non; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường cao: ở bậc tiểu học đạt khoảng 80% và bậc trung học cơ sở là 77%(3).

Việc chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnhcho đồng bào các dân tộc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, gần 100% số xã có cán bộ y tế; 93,5% số xã có trạm y tế; hơn 95% trẻ em được tiêm chủng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Các loại bệnh dịch đã cơ bản được ngăn chặn và đẩy lùi.

Về tôn giáo, tín ngưỡng. Các tộc người có nhiềuhình thức tín ngưỡng truyền thống và đa dạng vềtôn giáo.Cộng đồng dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông với trên 1 triệu tín đồ và 433 ngôi chùa Khmer; cộng đồng người Chăm với khoảng gần 100 nghìn người theo Hồi giáo (trong đó số người theo Hồi giáo chính thống là 25.703 tín đồ, Hồi giáo không chính thống là 39.228 tín đồ, 30 nghìn người theo đạo Bàlamôn); cộng đồng các tộc người ở Tây Nguyên theo Công giáo với gần 300 nghìn người và gần 400 nghìn người theo đạo Tin lành; cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc theo Công giáo có khoảng 38 nghìn người... Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc được tôn trọng trên tinh thần đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc; được quy định rõ trong Hiến pháp, được bảo vệ bằng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 khẳng định nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Về đời sống chính trị.Là một quốc gia đa tộc người, quyền chính trị của các tộc người luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm và bảo đảm. Điều 10 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội Việt Nam ngày 15-9-1997 quy định: “Số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến theo đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm để các thành phần dân tộc thiểu số có số đại biểu thích đáng”. Thực hiện quy định này trong nhiều nhiệm kỳ qua, tỷ lệ đại biểu thuộc dân tộc thiểu số luôn cao hơn tỷ lệ dân số. Nhiệm kỳ khóa XI, số đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 17,2%; nhiệm kỳ khóa XII chiếm 17,65%; nhiệm kỳ khóa XIII, chiếm 15,6%, trong khi đó, tỷ lệ 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm 13% dân số Việt Nam(4).

Hệ thống chính trị ở các vùng dân tộc và miền núi được tăng cường, củng cố.Đội ngũ cán bộ các tộc người thiểu số được quan tâm xây dựng, phát triển với tỷ lệ ngày càng cao. Hàng vạn sinh viên các tộc người thiểu số được đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đã tạo nguồn cán bộ tham gia vào hệ thống chính trị. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú phát triển với 50 trường nội trú cấp tỉnh, gần 300 trường nội trú cấp huyện, các trường dự bị đại học dân tộc, trường đại học, trung học chuyên nghiệp ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ... là nơi đào tạo, phát triển nguồn cán bộ cho các vùng dân tộc và miền núi.

Nét nổi bật trong quan hệ tộc người ở nước ta trong thời kỳ đổi mới là xu hướng cố kết cộng đồng dân tộc được phát huy, tính thống nhất hữu cơ giữa các tộc người trong quốc gia/dân tộc được củng cố và tăng cường

Quá trình di dân và tái định cư ở vùng dân tộc và miền núi nước ta diễn ra liên tục và mạnh mẽ. Trước hết,phải kể đến là công cuộc di dân, tái định cư do yêu cầu phát triển kinh tế ở miền núi, xây dựng các khu công nghiệp, các công trình thủy điện lớn như Ialy, Sơn La, Lai Châu, với 20.340 hộ, 92.301 nhân khẩu (chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao) được tái định cư(5). Việc di dân tái định cư thể hiện sự hy sinh quyền lợi của đồng bào các tộc người vì sự phát triển của vùng miền nói riêng và của đất nước nói chung. Thứ hai, quá trình di dân theo kế hoạch từ sau ngày giải phóng năm 1975, sau đó là “làn sóng” di dân tự do của các tộc người thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắcđến Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.Sau gần 40 năm, các tỉnh Tây Nguyên tiếp nhận hơn 3 triệu người từ nơi khác đến, tạo nên hình thái cư trú đan xen với các tộc người tại chỗ. Hình thái cư trú này làm cho bức tranh quan hệ tộc người trở nên đa dạng và phức tạp. Theo số liệu thống kê, năm 1976, dân số Tây Nguyên là 1.225.000 người, gồm 18 tộc người, trong đó đồng bào các tộc người thiểu số là 853.820 người (chiếm 69,7% dân số)(6). Đến thời điểm 31-12-2014, dân số toàn vùng có 5.525.800 người, trong đó, đồng bào các tộc người thiểu số tại chỗ chiếm 25,5%; đồng bào Kinh chiếm 66,9%, các tộc người thiểu số nơi khác đến chiếm 7,6%(7).

Đến nay, hầu hết các địa phương miền núi Việt Nam trở thành địa bàn cư trú xen kẽ của nhiều tộc người. Một số tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang,... đã có trên 20 tộc người cùng sinh sống; ở Tây Nguyên hiện có cư dân của hầu hết các tộc người trong cả nước; thậm chí nhiều buôn/làng đơn tộc người trước đây nay đã trở thành buôn/làng của vài ba dân tộc(8).

Hình thái cư trú xen kẽ giữa các tộc người thể hiện tinh thần tương trợ, giúp nhau cùng phát triển.

2. Quan hệ tộc người đang tiềm ẩn những vấn đề xã hội

Trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đạt được những thành tựu nhưng chưa bền vững và tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề bức xúc xã hội chưa được giải quyết.

Giữa các tộc ngườixuất hiện mâu thuẫn, tranh chấp lợi ích trong phối hợp, chia sẻ, sử dụng các nguồn lực tự nhiên - xã hội.Công tác tổ chức tái định cư, tuy là hình thức di dân tại chỗ, nhưng do chưa chú trọng đến phong tục và tập quán canh tác giữa nơi ở cũ và nơi ở mới dẫn đến việc ổn định đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Việc giải quyết vấn đề di cư tự do đến Tây Nguyên và các tỉnh khác ở phía Nam không triệt để đã làm phức tạp hơn các mối quan hệ tộc người giữa các cộng đồng tại chỗ với các cộng đồng mới di cư đến, gây nên những vấn nạn như phá rừng, tranh chấp đất đai, gây mất ổn định xã hội, chưa được giải quyết dứt điểm. Theo thống kê về tình hình an ninh nông thôn, trong 10 năm (2001 - 2010) ở Tây Nguyên có 4 nghìn vụ khiếu kiện, trong đó có 2 nghìn vụ, chiếm 50%, có liên quan đến đồng bào các tộc người tại chỗ và 1 nghìn vụ liên quan đến tranh chấp đất đai do các cơ quan, đơn vị giao đất, cho thuê đất giải quyết chưa có hiệu quả(9).

Đời sống của đồng bào các tộc người thiểu số, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao.Ở vùng Tây Bắc tỷ lệ hộ nghèo vào thời điểm cuối năm 2009 là 34,41%, cuối năm 2014 giảm xuống còn 18,26%, bình quân giảm 3,91%/năm, giảm gần gấp đôi so với mức giảm chung toàn quốc. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc vẫn cao gấp 2,7 lần bình quân cả nước và có nguy cơ ngày càng gia tăng chênh lệch.

Bản sắc văn hóa của các tộc người có nguy cơ bị mai một,  nguy cơđánh mất bản sắc văn hóa tộc người trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều các tộc người cư trú đan xen và tác động của kinh tế thị trường. Nhiều giá trị văn hóa tộc người như phong tục, tập quán, lễ hội, kiến trúc, trang phục, một số thiết chế văn hóa truyền thống, ngôn ngữ tộc người mai một nghiêm trọng. Trong đó, đáng lo ngại nhất hiện nay là nhiều tộc người có nguy cơ bị mất tiếng mẹ đẻ.

Chất lượng giáo dục và đào tạo ở các vùng dân tộc và miền núi rất thấp.Tỷ lệ học sinh bỏ học cao: ở khu vực Tây Bắc là 6,91%, Tây Nguyên là 7,16%, vùng đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long là 12,64%, trong khi ở đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ học sinh bỏ học tính chung là 2,96%(10).

Nguồn nhân lực lao động là người dân tộc thiểu số rất thiếu và yếu, phân bố không đều, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực lao động trong độ tuổi ở một số vùng dân tộc và miền núi rất thấp, trong đó Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ lao động trong độ tuổi chưa qua đào tạo cao nhất trong cả nước (trên 90%), tỷ trọng dân số đã qua đào tạo của các nhóm tộc người thiểu số ở các bậc sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học thấp: Thái là 1,6%; Mường 2%, Khmer 1%; Mông 0,3%, các dân tộc thiểu số khác cũng chỉ đạt 1,5%(11).

Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cùng với đội ngũ cán bộ y tế vùng dân tộc và miền núi còn thiếu và yếu, chưa đảm bảo về quy mô cũng như chất lượngkhám chữa bệnh. Vì vậy, chất lượng dân số thấp, sức khỏe yếu,bệnh tật nhiều,tỷlệ tử vong cao đang đe dọa sự phát triển. Suy dinh dưỡng trẻ em còn phổ biến ở vùng đồng bào các tộc người thiểu số. Nguy cơ suy thoái giống nòi do quan hệ cận huyếtcòn phổ biến ở nhiều dân tộc, đặc biệt là một số dân tộc vùng cao, vùng sâu như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Chu Ru. Đặc biệt là các dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Rơ Mâm, Brâu (Kon Tum) là những dân tộc dưới 1 nghìn dân đang có nguy cơ suy giảm do tình trạng hôn nhân cận huyết(12).

Hệ thống chính trị vùng dân tộc,miền núihoạt động chưa hiệu quả. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng; sự tham gia của người dân ở vùng dân tộc, miền núi vào các hoạt động chính trị vẫn còn mang tính hình thức. Nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống như mê tín, các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, gieo rắc các định kiến và tâm lý thù hằn giữa các tộc người đang là những vấn đề “nóng” tại các vùng dân tộc và miền núi hiện nay.

3. Tác động tiêu cực từ âm mưu “diễn biến hòa bình”của các thế lực thù địch

Để thực hiện âm mưu chống phá sự nghiệp xây dựng CNXH của nhân dân ta, các thế lực thù địch sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong đó vấn đề dân tộc và tôn giáo được coi là quân bài chiến lược. Chúng tìm cách phát triển Tin lành “Đềga” vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Tin lành “Vàng Chứ”, Tin lành “Thìn Hùng” ở vùng người Mông, xúi giục, kích động đồng bào, gây ra những bất ổn chính trị - xã hội ở Tây Nguyên, Tây Bắc qua các vụ bạo loạn chính trị ở các tỉnh Tây Nguyên (tháng 2-2002, 4-2004) và vụ phá rối an ninh, yêu sách đòi thành lập “Vương quốc Mông” ở huyện Mường Nhé, Điện Biên (tháng 4, 5-2011). Bằng nhiều thủ đoạn, các thế lực thù địch thường lợi dụng tôn giáo và sự thiếu hiểu biết của đồng bào các tộc người thiểu số để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở. Trên địa bàn có đông người Mông sinh sống, với chiêu bài “Người Mông không có Tổ quốc”, chúng xúi giục, lôi kéo người Mông di cư trong nội bộ các tỉnh biên giới, đi Tây Nguyên, sang Lào; kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin, tụ tập, gây rối an ninh trật tự tại một số địa phương miền núi, dựng lên cái gọi là “nhà nước Đềga”, “vương quốc Mông”, làm cho tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp.

4. Một số giải pháp xây dựng quan hệ tộc người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay

Trong bối cảnh tình hình quan hệ dân tộc/tộc người trên bình diện quốc tế và thực tiễn quan hệ tộc người ở Việt Nam thời gian qua, để xây dựng quan hệ dân tộc bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển phù hợp với điều kiện mới, đòi hỏi phải tập trung nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về quan hệ tộc người để hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

- Về nhận thức lý luận.Trong bối cảnh quan hệ dân tộc/tộc người biến động phức tạp như ngày nay thì việc nhận thức lại một cách đầy đủ hơn các vấn đề lý luận liên quan đến về dân tộc/tộc người vẫn còn những vấn đề cần làm rõ như: Những đặc trưng và mối quan hệ tộc người và dân tộc; Phương thức sinh hoạt kinh tế của tộc người và của dân tộc; Vấn đề vận mệnh dân tộc/tộc người, tâm lý dân tộc/tộc người, v.v; Ngôn ngữ, văn hóa dân tộc/tộc người: tính thống nhất và sự đa dạng; Các quá trình tộc người trong thời đại ngày nay, xu hướng phân ly và liên kết các tộc người; Các vấn đề phát triển tộc người trong bối cảnh kinh tế thị trường: tác động của kinh tế thị trường đối với sự phát triển của các tộc người; Tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đối với các tộc người; Quan hệ và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc/tộc người và vấn đề bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của các tộc người; Kế thừa, phát huy các giá trị trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của các tộc người. Vì vậy, cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn, như dân tộc học, văn hóa học, tâm lý học, lịch sử, tôn giáo học,... về các tộc người thiểu số. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận về tộc người và quan hệ tộc người để dự đoán được sự phát triển của quá trình tộc người, quan hệ tộc người trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

- Về chính sách. Một là,cần đổi mới tư duy về công tác dân tộc của Đảng đối với các tộc người. Đó là nhận thức sâu sắc về truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần, của đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH, sớm đưa vùng dân tộc và miền núi nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đất nước chỉ có thể phát triển được khi các tộc người thực sự là bộ phận gắn bó hữu cơ với cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Từ đó, mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, mọi hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội phải quán triệt tinh thần làm cho sự đoàn kết, bình đẳng, giúp nhau cùng tiến bộ trở thành hiện thực trong cuộc sống hằng ngày của các tộc người thiểu số. Hai là,cần hoạch định chính sách tổng thể phát triển kinh tế - xã hội có tính chiến lược và đặc thù cho vùng các tộc người và miền núi,phù hợp với từng vùng, từng tộc người. Ba là,các chính sách phát triển cần tính đến yếu tố tâm lý, văn hóa, lịch sử truyền thống, quan hệ xã hội, kinh tế của đồng bào các tộc người (như sở hữu, sử dụng đất rừng, quản lý xã hội bằng luật tục, hay tập quán pháp). Bốn là,có cơ chế để khuyến khích đồng bào dân tộc tham gia vào quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện và hưởng thụ chính sách. Năm là,coi trọng tổng kết thực tiễn quá trình thực hiện chính sách dân tộc, nhanh chóng phát hiện những mâu thuẫn nảy sinh do những yếu tố chủ quan gây ra để có các giải pháp khắc phục kịp thời và từng bước hoàn chỉnh chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

- Về quản lý nhà nước.Việc thể chế hóa chính sách dân tộc của Đảng thành các quyđịnh pháp luật của Nhà nước, nhờ đó chúng ta đã đạt được những thành công nhất định trong việc xây dựng quan hệ tộc người bảo đảm các nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển.Điều 5, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện các nguyên tắc, chính sách dân tộc, là cơ sở pháp lý để xây dựng quan hệ tộc người lành mạnh.

Cụ thể hóa Điều 5 Hiến pháp năm 2013, cần xây dựng Bộ luật Dân tộc thiểu số quy định một cách bao quát, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý ổn định lâu dài cho việc triển khai thực hiện chính sách đối với các tộc người thiểu số. Có như vậy, các cơ quan liên quan mới thấy được trách nhiệm của mình, cũng như tạo thuận lợi cho các cơ quan của Quốc hội trong quá trình giám sát việc áp dụng chính sách, pháp luật về tộc người thiểu số.

- Về quốc phòng, an ninh. Các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Vì vậy, đấu tranh chống âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo là một nhiệm vụ thường xuyên hiện nay.Cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

(1) Cụ thể như: Nghị quyết số 22 NQ/TW ngày 20-11-1989 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”. Quyết định số 72/HĐBT ngày 13-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng “Về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi”;Chương trình 135; Nghị quyết 30a; Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMTNT; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010...).

(2), Báo Lao động, số 291, ngày 16-12-2015

(3), Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê 2014, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2015,tr., tr.733.

(4) Tổng hợp từ http//Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(5) Theo: Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, ngày 12-5-2015.

(6), (8), (9) Xem: Trương Minh Dục (Chủ nhiệm đề tài): Quan hệ tộc người ở Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến 2010), mã số IV5.2 -2011.26), tr.142, 152, 153, 297.

(7) Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê 2013, 2014, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2014, 2015.

(10), (11) Ủy ban Dân tộc - UNDP, Dự án VIE02/001 - SEDEMA & EMPCD:“Nghiên cứu thực trạng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực vùng DT& MN”(do Trần Thị Hạnh, Phạm Văn Hùng - Nguyễn Cao Thịnh - Hà Quang Khuê - Lò Giàng Páo - Đặng Văn Thuận - Trần Trung Hiếu thực hiện), Hà Nội, tháng 11-2010.

(12) Xem: “Hôn nhân cận huyết thống: Nguyên nhân làm suy giảm sức khỏe”, http://benhvienleloi.com.vn, ngày 25-03-2010.

 

PGS, TS Trương Minh Dục

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền