Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm của Đại hội XII về xây dựng con người phát triển toàn diện
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 12:26
32227 Lượt xem

Quan điểm của Đại hội XII về xây dựng con người phát triển toàn diện

(LLCT) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi con người là vốn quý nhất, là mục tiêu, động lực của cách mạng, là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, từ Đại hội VI (năm 1986) của Đảng, với sự đổi mới toàn diện và sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn trên mọi lĩnh vực, nhận thức về vị trí, vai trò của con người cũng ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, là đối tượng, mục tiêu và động lực của mọi hoạt động kinh tế- xã hội.

Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong các kỳđại hội, cũng như trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng. Đặc biệt, tại Đại hội XII, Đảng đã bổ sung, phát triển nhiều quan điểm mới về xây dựng, phát triển con người. Những quan điểm này không chỉ là sự bổ sung về mặt lý luận, mà còn được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp, định hướng cụ thể trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Một làxây dựng con người toàn diện là một trong những nhiệm vụ tổng quát 5 năm 2016-2020.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), Đảng ta đã khẳng định,một trong những đặc trưng của chế độ XHCNlà:“con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”(1).Tại Đại hội VIII, Đảng ta khẳng định: “tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình”(2). Tại Đại hội X, Đảng tatiếp tục khẳng định, một trong những đặc trưng quan trọng của xã hội XHCNmà nhân dân ta xây dựng là “con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện”(3). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011),tiếp tục khẳng định, một trong những đặc trưng quan trọng của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện(4).Đại hội XI cũng xác định, xây dựng con người Việt Nam “phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật”(5)...

Đến Đại hội XII, vấn đề “phát triển con người toàn diện” được Đảng ta xác địnhlà một trong nhữngnhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020,đó là xây dựng “con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”(6). Đây là một bước tiến quan trọng của Đảng ta khi không chỉ coi trọng vấn đề phát triển con người về mặt nhận thức, mà còn biến đó thành nhiệm vụ, thành hoạt động thực tiễn cần phải được thực hiện đồng thời với các nhiệm vụquan trọngkhác trong công cuộc phát triển đất nước.

Hai là, xây dựng con người được đề cập tại 4 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm củanhiệm kỳ Đại hội XII

Tại Đại hội XI, trong số 7 nhiệm vụ được đề ra thì chỉ có một nhiệm vụ đề cập trực tiếp đến vấn đề con người, đó là “Nâng cao chấtlượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước”(7).

Đến Đại hội XII, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong nhiệm kỳ này thì có tới 4 nhiệm vụ có đề cập tới vấn đề con người, trong đó có 2 nhiệm vụ đề cập tới phát triển năng lực cho con người. Điều đó cho thấy, vấn đề con người, xây dựng và phát triển con người đã được Đảng ta chú trọng hơn bao giờ hết. Ngay trong nhiệm vụ đầu tiên, về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đã nhấn mạnh cần phải “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(8). Ở nhiệm vụ thứ ba, Đảng tayêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, trong đó có “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...”(9). Với quan điểm coi nguồn lực con người là vốn quý và quan trọng nhất, trong nhiệm vụ thứ năm và sáu, Đảng ta đã xác định phải “Thu hút và phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”; đồng thời, phải “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh(10).

Việc cụ thể hóa những yêu cầu trong xây dựng và phát triển con người, trong đó có phát triển năng lực cho con người đã thể hiện sự nhận thức đúng đắn của Đảng trước những yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Ba làgắn mục tiêu nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa với xây dựngcon người

Đại hộiXIIgắn xây dựng, phát triển con người với xây dựng,phát triển văn hóa. Đây là một bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng vềlĩnh vực văn hóa sau 30 năm đổi mới.Tại văn kiện Đại hội VI, VII, vấn đề văn hóa vẫn còn được xếp chung với lĩnh vực giáo dục, khoa học. Đại hội VIII, IX, văn hóa đã được tách ra thành mục riêng, phương hướng phát triển văn hóa được xác định là “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đại hội X, Đảng ta xác định, “phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội”. Đại hội XI, Đảng ta nêu phương hướng cụ thể hơn, đó là “chăm lo phát triển văn hóa”. Có thể thấy, trong các kỳ đại hội trước, văn hóa là vấn đề luôn được Đảng ta quan tâm nhưng nó chưa được gắn với vấn đề con người.

Đến Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã nhấn mạnh việcgắn mục tiêu xây dựng văn hóa với xây dựng con người: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. Quan điểm này đã được Đại hội XII tiếp tục khẳng định, vớiphương hướng phát triển văn hóa là “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người”. Đó là chủ trươngphù hợp và đúng đắn cả về lý luận và thực tiễn của Đảng. Bởi vì con người vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, đồng thời là sản phẩm của chính nền văn hóa do mình sáng tạo ra.Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, nói đến văn hóa là nói đến con người, vì văn hóa là của con người, do con người, vì con người. Cho nên, việc xây dựng, phát triển văn hóa không thể tách khỏi xây dựng, phát triển con người. Qua cách diễn đạt này, Đảng ta khẳng định và nhấn mạnh vấn đềtrọng tâm, cốt lõi của xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là xây dựng con người với nhân cách và lối sống tốt đẹp.

Bốn là, vấn đề xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được đặt lên hàng đầu trong các nhiệm vụ về văn hóa

Con người là nhân tố quyết định không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà còn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính con người làm nên văn hóa, giữ gìn, phát huygiá trị của văn hóa, nhưng chính con người cũng có thể làm mất đi những giá trị và nét đẹp của văn hóa.

Đảng ta sớmcoi trọng vấn đề phát triển văn hóa,xây dựng con người mới. Đại hội VIIIcủaĐảng đã có những đổi mới về nhận thức khi đưa xây dựng con người Việt Nam vào một trong những nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa: “Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội”(11). Đại hội IX đánh dấu bước phát triển về mặt nhận thức khi hướng “mọi hoạt động của văn hóa” phải nhằm “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôntrọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội...”(12). Tại Đại hội X, vấn đề xây dựng con người đã được Đảng ta coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lĩnh vực phát triển văn hóa và được đề cập trên bình diện mới là xây dựng và hoàn thiện về nhân cách con người. Đó là: “xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam”(13).Đại hội XI yêu cầu: “Sớm có chiến lượcquốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Đoàn kết và xây dựng hệ giá trị chung của con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(14).

Sau 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu đạt được, Đảng ta nhận định:“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”; “Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng”(15),v.v..Trước tình trạng đó, Đảng ta đã có sựnhận thức toàn diện hơn về vị trí, vai trò và nhiệm vụ phải xây dựng, phát triển con người trong xây dựng, phát triển văn hóa.

Đại hội XII xác định, phải đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diệnlên hàng đầu trong các nhiệm vụ khác của văn hóa. Đồng thời, “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển(16). Đây là quan điểm mới, phù hợp vớithực tiễn phát triển văn hóa, con người trong điều kiện hội nhập quốc tếhiện nay.

Từ quan điểm đó, Đảng ta đã xác định các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam:“Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(17). Việc định hướng như vậy là hoàn toàn chuẩn xác. Phải xây dựng được hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam trong thời đại mới thì mới có căn cứ để xây dựng con người. Các hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam phải vừa phù hợp với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa phải phù hợp với những giá trị văn hóa của thời đại nhằm xây dựng con người Việt Nam với đầy đủ phẩm chất và năng lực, vừa phải mang tính dân tộc, hiện đại, nhân văn; vừa có khả năng đảm nhiệm những trọng trách mới trong quá trình CNH, HĐH,hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc XHCNtrong tình hình mới. Đó là những con người Việt Nam phát triển toàn diện về “nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”; có “hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc”; vừa biết “Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”; nhưng cũng phải biết: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người…”(18).

Như vậy, Đại hội XII đã bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới, cụ thể hơn của nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; thể hiện sự sáng tạo của Đảng trong quá trình vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng con người thời kỳ đổi mới,phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCNvà hội nhập quốc tế.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2016

(1) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, NxbSự thật, Hà Nội, 1991, tr.9.

(2), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1996, tr.113, 110-111.

(3), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.68, 106.

(4), (5), (7), (12), (14) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.70, 105, 265, 265, 223.

(6), (8), (9), (10), (15), (16), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.78, 217, 218, 219, 125, 126, 126-127.

 

ThS Ngô Thị Nụ

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền