Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Việt Nam phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo trong thời kỳ đổi mới
Thứ tư, 26 Tháng 4 2017 15:11
5814 Lượt xem

Việt Nam phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo trong thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Trong tiến trình lịch sử dân tộc, các tôn giáo có những đóng góp trên nhiều phương diện, trong đó nổi bật là văn hóa, đạo đức. Những giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Sự đóng góp của tôn giáo trong từng giai đoạn lịch sử phụ thuộc nhiều vào cách nhìn nhận, ứng xử của Nhà nước với tôn giáo và thái độ của chính bản thân các tôn giáo.

Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những tấm gương mẫu mực trong việc nhìn nhận và ứng xử với tôn giáo. Đề cao những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, với tinh thần “cầu đồng tồn dị”, Hồ Chí Minh đã tiếp thu, kế thừa và phát huy những giá trị đó để thực hiện đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử.

Tiếp tục phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 24/ NQTW ngày 16-10-1990, khẳng định: Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Trong nhiều văn kiện tiếp theo, Đảng ta chủ trương tôn trọng và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Chỉ thị 37/CT của Bộ Chính trị ngày 2-7-1998 về công tác tôn giáo trong tình hình mới đã khẳng định: “Những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy”(1).Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1999) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nêu rõ: “Khuyến khích ý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện... trong tôn giáo, đồng thời tuyên truyền giáo dục khắc phục mê tín dị đoan, chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu”(2).

Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 12-3-2003 của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX đã bổ sung phát triển quan điểm của Đảng về vấn đề tôn giáo, trong đó có quan điểm về phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo. Theo đó, Đảng ta khuyến khích các tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục...

Trong các Văn kiện Đại hội X, XI, XII, tinh thần trên vẫn tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta khẳng định. Đại hội XII nêu rõ: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”(3).

Những chủ trương trên của Đảng đã được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật. Trong Pháp lệnh số 21/PL-UBTVQH11 ngày 18-6-2004, chủ trương của Đảng về khuyến khích phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đã được cụ thể hóa trong một số điều như: Điều 24, 25, 26, 28, 29, 32, 33(4).

Sự thừa nhận, tôn trọng và chủ trương phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong các tôn giáo cùng với việc thể chế hóa các chủ trương đó trong các quy định pháp luật của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho các giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo được phát huy trong thực tiễn cuộc sống. Trong thời kỳ đổi mới, đời sống tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực:

Thứ nhất, diện mạo văn hóa tôn giáo khởi sắc, góp phần làm phong phú diện mạo văn hóa dân tộc

Số lượng các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận tăng lên cùng với sự gia tăng của đội ngũ chức sắc, nhà tu hành, tín đồ, cơ sở thờ tự và cơ sở đào tạo của các tôn giáo(5).Nhiều cơ sở thờ tự của tôn giáo đã được tu sửa khang trang, sạch đẹp hơn; hàng trăm hécta đất ở nhiều địa phương được cấp cho các tổ chức tôn giáo để xây dựng cơ sở thờ tự, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng chân chính của nhân dân. Số lượng trường, lớp đào tạo của các tôn giáo ngày càng tăng. Nhiều chức sắc, nhà tu hành đã được Nhà nước tạo điều kiện cho ra nước ngoài học tập nâng cao trình độ.

Kinh sách, ấn phẩm tôn giáo và đồ dùng việc đạo được Nhà nước quan tâm đáp ứng. Từ năm 2006 đến năm 2009, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp phép xuất bản 5.841 ấn phẩm tôn giáo, trong đó có 4.725 đầu sách với khoảng 14.500.000 bản in, 1.118 đĩa MP3, VCD, CD, DVD... với nhiều ngôn ngữ (như tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ của một số dân tộc thiểu số)(6). Hầu hết các tôn giáo đều có các ấn phẩm chuyên san, chuyên sâu (tạp chí, báo, bản tin).

Những ngày lễ hội lớn hằng năm của các tôn giáo như lễ Phật đản, lễ Vu Lan của Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và Tin lành, lễ hội Yến Diêu Trì của đạo Cao đài, lễ Khai đạo của Phật giáo Hòa Hảo... đều được tổ chức quy mô ở nhiều địa phương trên cả nước... Những ngày lễ kỷ niệm với quy mô lớn và các hội nghị quốc tế của các tôn giáo cũng được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện như Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc (2008, 2014), Hội nghị Nữ giới lần thứ XI (2009) của Phật giáo; lễ kỷ niệm 100 năm truyền giáo đến Việt Nam (2011) của Tin lành; Tổng tu nghị của các dòng tu, Hội nghị quốc tế dòng Đức Bà truyền giáo, Hội nghị thường kỳ của các tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Tên vùng Đông Á - Úc; Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X, lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, lễ kỷ niệm 350 năm thành lập Giáo phận Đàng trong và Giáo phận Đàng ngoài của Công giáo,...

Những đổi thay trong diện mạo văn hóa tôn giáo góp phần xây dựng xây dựng đời sống văn hóa, xã hội ngày càng văn minh, hiện đại.

Thứ hai, trình độ dân trí, ý thức chính trị của chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo ngày càng được nâng cao, đồng bào các tôn giáo thêm tin tưởng, phấn khởi, tích cực tham gia đời sống chính trị - xã hội

Những thập niên gần đây, các tôn giáo lớn ở Việt Nam đã xác định được đường hướng hoạt động gắn bó với dân tộc. Phật giáo Việt Nam với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”; Công giáo với phương châm “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; Đạo Tin lành với đường hướng: “Sống phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”. Đạo Cao Đài với phương châm “Nước vinh, Đạo sáng”. Phật giáo Hòa Hảo với tôn chỉ “Chấn hưng nền đạo, gắn bó với dân tộc, phù hợp với chính sách và luật pháp của Nhà nước, góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”,... Những năm qua, các chức sắc, tín đồ tôn giáo đã tích cực cụ thể hóa các phương châm hành đạo nói trên thành hành động thực tiễn trong xây dựng đạo và đời. Nhiều chức sắc tôn giáo đã gương mẫu đi đầu định hướng, dẫn dắt hoạt động của tổ chức, tín đồ theo hướng nhập thế, đồng hành với dân tộc, gắn đạo với đời, đóng góp tích cực cho xã hội.

Do sự đổi mới và ngày càng hoàn thiện chủ trương, chính sách đối với tôn giáo của Đảng, Nhà nước, trong đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm và những giá trị văn hóa, đạo đức trong các tôn giáo được thừa nhận, khuyến khích phát huy đã tạo niềm tin, sự phấn khởi và động lực lớn cho đồng bào có đạo. Tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, yêu chế độ được đông đảo chức sắc, tín đồ nhân rộng và thực hành với nhiều hình thức khác nhau, đem lại những thay đổi tích cực trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ý thức công dân, ý thức đồng thuận xã hội trong đồng bào tôn giáo ngày càng được nâng cao. Số lượng chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo tham gia vào hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng tăng, thể hiện ý thức chính trị cao đối với đất nước, với chế độ. Tại khu vực đồng bằng sông Hồng, trong vòng 8 năm (từ 2005 - 2012) các đảng bộ đã kết nạp được 2.806 quần chúng có đạo vào Đảng, trong đó có 2.801 tín đồ, 2 chức việc, 3 chức sắc; tỉnh Gia Lai có 582 đảng viên có đạo/48.732 đảng viên; tỉnh Đồng Nai có 4.053 đảng viên là người có đạo, chiếm 6,19% tổng số đảng viên trong toàn tỉnh(7).

Thứ ba, chức sắc, nhà tu hành và đồng bào tín đồ tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa

Hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước, các phong trào thi đua sống tốt đời, đẹp đạo được tổ chức sâu rộng với nhiều hình thức khác nhau trong nhiều vùng đồng bào có đạo. Thông qua các phong trào, những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo được thể hiện sống động trong đời sống thực tế.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư được đông đảo chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo vận dụng sáng tạo gắn với đặc điểm của từng tôn giáo, hình thành các phong trào như: “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến, gương mẫu”, “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”,... Các phong trào phòng chống tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới trong việc hiếu, hỉ và lễ hội, xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của thôn xóm, khu dân cư,... đều được đông đảo tín đồ tôn giáo nhiệt tình hưởng ứng.

Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được các tổ chức tôn giáo, chức sắc, nhà tu hành và đồng bào tín đồ hưởng ứng tích cực. Ở nhiều địa phương như Đồng Nai, Cà Mau, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nam, Ninh Bình,... đồng bào tôn giáo đã tự nguyện đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng trăm nghìn ngày công, hiến đất, hiến nguyên vật liệu làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao... góp phần xây dựng quê hương ngày càng khang trang sạch đẹp.

Bốn là, chức sắc, nhà tu hành và đồng bào tín đồ tôn giáo tham gia tích cực vào quá trình xã hội hóa giáo dục, y tế và các hoạt động từ thiện, xã hội

Những năm qua, quỹ khuyến học của các tổ chức tôn giáo được lập ở nhiều vùng đã và đang làm thay đổi quan niệm của người có đạo, góp phần nâng cao trình độ học vấn của tín đồ tôn giáo. Nhiều lớp học tình thương, trường, lớp mầm non, lớp xoá mù chữ do các chức sắc, nhà tu hành và các tổ chức tôn giáo thành lập đã và đang có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và ngày càng tạo được tín nhiệm trong xã hội. Nhiềuphòng khám, chữa bệnh của các tôn giáo đã và đang hoạt động hiệu quả góp phần cùng Nhà nước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Phong trào hoạt động từ thiện xã hội được đông đảo chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tích cực thực hiện dưới nhiều hình thức như hỗ trợ vốn sản xuất, mở trường, lớp tình thương, xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội, cấp học bổng, khám chữa bệnh, hỗ trợ thiên tai, hiến máu, giúp đỡ các đối tượng xã hội,...

Để những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của tôn giáo tiếp tục được phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo, thống nhất quan điểm trong toàn hệ thống chính trị và tạo hành lang pháp lý cho việc phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo

Đảng, Nhà nước cần quan tâm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về tôn giáo, đánh giá vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội. Trên cơ sở những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống của dân tộc và sự phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới cần nhận diện các giá trị và phản giá trị trong tôn giáo. Từ đó có chính sách phù hợp để phát huy những giá trị tích cực và hạn chế dần mặt tiêu cực của tôn giáo; thống nhất quan điểm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về vấn đề tôn giáo nói chung, các giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo nói riêng.

Đảng và Nhà nước ta cần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ về tôn giáo: rà soát, chỉnh sửa hoặc xóa bỏ những quy định không còn phù hợp, bổ sung các quy định mới; tạo điều kiện thuận lợi cho tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội...; tiếp tục nghiên cứu, xem xét nhu cầu thực tế của các tôn giáo, mở rộng môi trường thuận lợi để các tôn giáo đóng góp cho xã hội những giá trị văn hóa, đạo đức; phát huy vai trò của tôn giáo trong giáo dục đạo đức cho thanh, thiếu niên và có cơ chế rõ ràng, phù hợp cho sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội và tổ chức tôn giáo trong giáo dục đạo đức cho thanh, thiếu niên.

Hai là, các tổ chức chính trị - xã hội cần kết hợp chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo, hướng dẫn các hoạt động tôn giáo bảo đảm quy định của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo

Các tổ chức chính trị - xã hội cần động viên, hướng dẫn chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tham gia tích cực vào các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời đấu tranh, khắc phục những tiêu cực nảy sinh trong hoạt động tôn giáo; phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với đặc điểm tôn giáo, vùng, miền để đồng bào phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, phù hợp với truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Bên cạnh đó, cần động viên chức sắc và đồng bào tôn giáo tích cực đóng góp ý kiến trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và phương hướng xây dựng, phát triển đất nước. Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, tranh thủ chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo. Tăng cường công tác tuyên truyền, biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt là chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo trên các phương tiện thông tin đại chúng để đồng bào có đạo học tập noi theo và để toàn xã hội hiểu hơn về các tôn giáo.

Ba là, tăng cường công tác nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đã vận dụng thành công những giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo vào việc xây dựng và phát triển đất nước

Những năm gần đây, xuất phát từ vai trò thực tế của tôn giáo trong đời sống xã hội, với cái nhìn cởi mở, một số quốc gia từng có một thời rất cứng rắn trong xây dựng nhà nước thế tục phi tôn giáo với nguyên tắc tách tôn giáo khỏi nhà nước, tách chính trị khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, nay cũng có sự điều chỉnh dần trong chính sách nhằm phát huy nguồn lực của tôn giáo, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, đạo đức. Xinhgapo có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về sự đa dạng tôn giáo đã rất thành công khi thực hiện chính sách hài hòa tôn giáo, trân trọng, sử dụng giá trị văn hóa tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước và đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Lào, Thái Lan cũng khá thành công khi sử dụng những giá trị văn hóa tôn giáo phục vụ phát triển đất nước.

Mô hình chính sách hài hòa tôn giáo, đưa giáo dục tôn giáo, sử dụng, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo phục vụ phát triển xã hội của các nước trong khu vực có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về văn hóa, xã hội, là những mô hình tốt cho chúng ta vận dụng nhằm khai thác, phát huy hiệu quả hơn nữa giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo phục vụ cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2016

(1) Bộ Chính trị: Chỉ thị 37/CT ngày 2-7-1998 về công tác tôn giáo trong tình hình mới.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII(1999).

 (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr.165.

(4) Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11ngày 18-6-2004 về Tín ngưỡng, tôn giáo.

(5) Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến năm 2014, Việt Nam có 13 tôn giáo với 41 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn tu hành đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với gần 24 triệu tín đồ, 83 ngàn chức sắc, 250 ngàn chức việc, 46 cơ sở đào tạo, 25.000 cơ sở thờ tự.

(6) Theo Nguyễn Công Huyên: Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động từ thiện xã hội, Tạp chí Công tác Tôn giáosố 10/2009, tr.12-14.

(7) Lê Văn Lợi: Công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Tạp chí Lý luận chính trị, số 11-2014.

 

PGS, TS Hoàng Thị Lan

Viện Nghiên cứu Tôn giáo, tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền