(LLCT) - Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh (tháng 4-2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Nhân dân Quảng ninh nói chung, các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành nói riêng rất năng động, sáng tạo, luôn luôn suy nghĩ tìm tòi, có nhiều ý tưởng lớn, nhiều mô hình hay, chủ động đề xuất các dự án, đề án với những nghiên cứu bài bản, khoa học, bám sát quy luật khách quan và yêu cầu thực tiễn, đã chứng minh hiệu quả bước đầu...”(1). Bài viết góp phần lý giải cơ sở khoa học cho sự đột phá và bài học kinh nghiệm từ tỉnh Quảng Ninh nhằm chứng minh rõ hơn kết luận của đồng chí Tổng Bí thư.
1. Cơ sở khoa học cho lãnh đạo tư duy đột phá toàn diện
Thứ nhất, lãnh đạo học
Lãnh đạo học trang bị phương pháp luận,hệ thống tri thức và nghệ thuật, kỹ năng lãnh đạo. Khoa học lãnh đạo đã đúc rút các mô hình lãnh đạo, phẩm chất người lãnh đạo tiêu biểu. Người lãnh đạo tốt cần hội tụ đủ 6 tố chất(2), đó là: biết lắng nghe; ra quyết định kịp thời; truyền đạt để thực thi các quyết định; động viên nhân viên nâng cao trách nhiệm; chấp nhận rủi ro; tạo lập uy tín.
Người lãnh đạo là người đủ năng lực nắm bắt thời vận, biết cách chuyển chúng thành những chiến lược, chính sách và kịp thời, quyết liệt chỉ đạo triển khai hành động để đạt mục tiêu. Người lãnh đạo có uy tín sẽ truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và nhân viên để họ cùng đồng hành theo đuổi tới cùng mục tiêu đã lựa chọn, tức là năng lực tập hợp tập thể đoàn kết tạo sức mạnh thành công.
Thứ hai, khoa học tổ chức
Khoa học tổ chức lý giải tính hợp lý, hiệu lực, hiệu quả của tổ chức để đạt mục tiêu tối ưu. Những quy luật, nguyên tắc về khoa học tổ chức lý giải các mô hình tổ chức bộ máy, quy mô tối ưu, như quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế quản lý và điều hành, cân đối nguồn lực (vật lực, tài lực, nhân lực) duy trì và phát triển tổ chức bộ máy để đạt hiệu quả nhất.
Thứ ba, quản trị phát triển trên cơ sở tôn trọng tri thức bản địa
Các quá trình phát triển kinh tế - xã hội cần phải được quản trị tốt để tránh những rủi ro và bảo đảm đạt các mục tiêu một cách hiệu quả, bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội. Mỗi địa phương đều có những đặc điểm riêng về tự nhiên, địa hình, khí hậu, văn hóa, nhân chủng, năng lực sản xuất vật chất, năng lực chính trị xã hội,... Do vậy, quản trị phát triển cần tôn trọng tri thức bản địa, sử dụng hiệu quả công cụ quy hoạch phát triển để bảo đảm rằng các quá trình phát triển kinh tế - xã hội diễn ra ổn định và đúng dự kiến. Quy hoạch liên vùng, liên ngành trong không gian vật lý và không gian văn hóa, kinh tế, xã hội; việc tuân thủ quy hoạch trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết để giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm nguồn lực phát triển.
2. Những kết quả đổi mới toàn diện ở Quảng Ninh thời gian qua
Thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành
Bám sát thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh thời gian qua.
Người đứng đầu đi tiên phong, nhạy bén và kịp thời trong việc triển khai ý tưởng đổi mới trên cơ sở nghiên cứu kỹ những vấn đề thực tiễn nảy sinh từ cơ sở tới cấp tỉnh, từ các ban, ngành và doanh nghiệp; vận dụng phù hợp các nguyên lý khoa học, quy luật khách quan vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Tạo dựng môi trường lãnh đạo, quản lý đoàn kết thống nhất để biến các ý tưởng thành chương trình hành động cụ thể.
Tinh giản bộ máy, biên chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả
Thời gian qua, trên cơ sở Đề án 25, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 3-3-2015 nhằm giải quyết vấn đề đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn đặt ra.
Quảng Ninh tiến hành thí điểm sáp nhập các cơ quan, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ hay chức năng, nhiệm vụ tương đồng từ năm 2015. Nguyên tắc sáp nhập theo hướng “một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một người hay một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm”.
Kết quả bước đầu đã giảm được 2 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, 118 phòng, đơn vị, đầu mối thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương. Có 2/14 huyện đã nhất thể Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân; 33,87% xã đã nhất thể Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân; 31,83% thôn, bản, khu phố đã nhất thể Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, bản, khu phố; 71,42% cấp huyện nhất thể Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc ; 50% cấp huyện nhất thể Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra; 35,71% địa phương nhất thể Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng Phòng Nội vụ; 78,57% nhất thể Trưởng (phó) Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị(3).
Thí điểm xây dựng cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Cơ quan chuyên trách đang thí điểm tại 8/14 địa phương có đủ điều kiện, 3 địa phương đang trình đề án xin thực hiện. Các hoạt động của khối bước đầu tránh chồng chéo, bộ máy tham mưu gọn nhẹ, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra sức mạnh tổng hợp.
Qua việc tái cấu trúc một số cơ quan, đơn vị, đội ngũ biên chế có những thay đổi theo chiều hướng giảm về quy mô. Cho tới nay, Quảng Ninh đã tinh giản được 1.605 công chức, viên chức và hợp đồng lao động; giảm phụ cấp thường xuyên đối với 18.919 vị trí không chuyên trách ở cơ sở; hằng năm tiết kiệm được khoảng 300 tỷ đồng từ tinh giản bộ máy, biên chế.
Đột phá về cải cách thể chế, cơ chế, chính sách
Khâu đột phá cho phát triển của tỉnh Quảng Ninh là cải cách thể chế, cơ chế, chính sách và điều hành linh hoạt. Nhanh chóng, kịp thời nghiên cứu và đề xuất bổ sung mới, chỉnh sửa cơ chế, chính sách cấp tỉnh hiện hành để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư phát triển của khu vực tư nhân, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tỉnh ủy Quảng Ninh xin chủ trương của Bộ Chính trị (Thông báo số 108/10/2012) về 7 nhóm cơ chế, chính sách xây dựng đề án hai khu hành chính - kinh tế Vân Đồn và Móng Cái; chủ động tham mưu cho Thủ tướng ban hành Quyết định số 2428/QĐ-TTg ngày 31-12-2014 về một số cơ chế chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và khu kinh tế Vân Đồn; xây dựng mô hình đầu tiên trong cả nước - Ban Hỗ trợ và xúc tiến đầu tư (IPA) thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, theo đó thay đổi quy trình giải quyết thủ tục đầu tư “từ trên xuống thay vì từ dưới lên”, thay đổi phương thức xúc tiến đầu tư thông qua xác định nhà đầu tư chiến lược, địa bàn đầu tư chiến lược để tập trung thu hút nguồn vốn, xây dựng danh mục đầu tư ưu tiên, có cơ chế và chính sách cụ thể đối với từng dự án; sáng tạo vận dụng các hình thức PPP. Kết quả từ năm 2013 (khi ra đời IPA) đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được 7 tỷ USD với nhiều nhà đầu tư chiến lược.
Chú trọng quản trị phát triển địa phương
Công tác xây dựng các quy hoạch phát triển của tỉnh Quảng Ninh có sự tham gia tư vấn của nhiều cơ quan tư vấn quốc tế hàng đầu (Mckensey, BCG, Nikken Sekkei, Nippon Koei), tham gia ý kiến của nhân dân, các địa phương trong tỉnh và sự thẩm định của các bộ, ngành. Từ tháng 9-2014, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã hoàn thành 7 quy hoạch quan trọng.
Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của tỉnh, công tác quy hoạch phát triển đã cân nhắc tới những rủi ro, thách thức và bao quát được tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trên cơ sở đó Quảng Ninh xây dựng các chiến lược phát triển tối ưu, bảo đảm tính liên kết liên vùng, liên ngành, hội nhập quốc tế sâu rộng, hình thành các trục kinh tế. Quảng Ninh được định vị đúng vị thế của mình để tham gia vào chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế một cách hiệu quả nhất như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.
3. Bài học kinh nghiệm cho các địa phương
Thứ nhất, vai trò tiên phong của người đứng đầu và sức mạnh đoàn kết của tập thể lãnh đạo
Nhạy bén với sự biến động của hoàn cảnh địa phương và kinh tế thị trường, hội nhập; nắm bắt các quy luật khách quan, tri thức thời đại; dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm là những tố chất cần thiết của nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Người đứng đầu phải đủ năng lực và bản lĩnh chính trị trong những quyết định lãnh đạo của mình trước tập thể và nhân dân. Tập thể lãnh đạo đoàn kết nhất trí cao trong việc lựa chọn quyết sách và chương trình hành động với phương châm đặt mục tiêu chung và lợi ích của nhân dân lên trên hết. Phát huy dân chủ, đặc biệt dân chủ cơ sở, lắng nghe ý kiến của các cấp, bộ, ngành và nhân dân; phải biết tiếp thu và tranh thủ sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển.
Thứ hai, tư duy đột phá phải phù hợp quy luật khách quan và thích ứng với điều kiện thực tiễn địa phương
Nắm vững thực tế, nhìn thẳng vào sự thật, nhận biết rõ những mâu thuẫn, điểm mạnh - điểm yếu, cơ hội - thách thức; giải quyết các vấn đề phải dựa trên những cơ sở khoa học, quy luật khách quan, không duy ý chí và chủ nghĩa kinh nghiệm.
Phải luôn cầu thị, tiếp thu sáng tạo những tinh hoa nhân loại trong lãnh đạo, quản lý nhà nước hiện đại, gắn với tư duy phát triển thị trường và hội nhập. Có những bước đột phá tư duy, bám sát thực tiễn khách quan địa phương.
Thứ ba, chỉ đạo hành động quyết liệt khi đã có chủ trương đúng
Khi Đảng đưa những chủ trương phát triển đúng đắn, các nhà lãnh đạo, quản lý cần chỉ đạo thực hiện quyết liệt với những chương trình hành động cụ thể dựa trên sự đoàn kết, đồng thuận từ trên xuống dưới. Sự đoàn kết và đồng thuận trong nội bộ là động lực quyết định cho sự thành công.
Các chương trình hành động phải xuất phát từ thực tế, tìm kiếm các giải pháp phù hợp, gắn với tình hình địa phương, tránh sự giáo điều, phiến diện, áp đặt, gây xung đột lợi ích và mất đoàn kết nội bộ.
Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể gắn với các mốc thời gian để tiến hành đổi mới. Huy động cả hệ thống chính trị và các cơ quan tham mưu, đơn vị cơ sở chuyên môn tham gia vào triển khai kế hoạch.
Thứ tư, duy trì động lực đổi mới, truyền cảm hứng cho tương lai
Tỉnh ủy Quảng Ninh đã xác định phương châm hành động: “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm”. Đó chính là mục tiêu và động lực cho phát triển và đổi mới.
Mô hình đổi mới đột phá ở Quảng Ninh hội tụ nhiều điểm sáng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để khái quát thành những luận điểm khoa học cho Đảng chỉ đạo nhân rộng ra cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, ở Quảng Ninh, “các mô hình đang thực hiện là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa, vừa làm vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm để nhân rộng những cách làm tốt, làm hay. Đây là những kinh nghiệm quý mà tỉnh cần tiếp tục phát huy”(4).
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2016
(1), (4) Thông báo số 06-TB/VPTW ngày 9-5-2016 về kết quả chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại tỉnh Quảng Ninh (từ ngày 13 đến 14-4-2016).
(2) Allan Colman. Lead as boss. PDUs2Go.com
(3) Tỉnh ủy Quảng Ninh: Báo cáo kết quả triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng, hệ thống chính trịtại Hội nghị làm việc với Tổng Bí thư ngày 14-4-2016 ở Quảng Ninh.
PGS, TS VŨ THANH SƠN
Ban Tổ chức Trung ương