Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Chủ tịch Hồ Chí Minh với chuyến thăm Pháp năm 1946 và tình bạn với Raymond Aubrac
Thứ năm, 18 Tháng 5 2017 17:09
2572 Lượt xem

Chủ tịch Hồ Chí Minh với chuyến thăm Pháp năm 1946 và tình bạn với Raymond Aubrac

(LLCT) - Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, chính quyền nhân dân được thành lập, đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo toàn dân đấu tranh bảo vệ nền độc lập vừa giành được và từng bước kiến thiết đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bế con gái đỡ đầu Elizabeth. Bên cạnh là bà Lucie Aubrac, nguồn: internet

Nhưng nền độc lập vừa giành được đứng trước muôn vàn khó khăn. Nguy cơ chính là chủ nghĩa thực dân Pháp đang lăm le quay trở lại tái lập chế độ thuộc địa trên bán đảo Đông Dương. Hiệp định Sơ bộ 6-3 ký chưa ráo mực, thực dân Pháp đã có những hành động phá hoại, thiếu thiện chí như đòi quân đội ta nộp vũ khí, đánh úp quân ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, di chuyển quân đến những nơi không được phép của ta. Thời gian hòa hoãn đối với chính quyền cách mạng lúc này có ý nghĩa quan trọng và rất cần thiết để củng cố, chuẩn bị lực lượng cho cuộc đụng đầu lịch sử và khốc liệt. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm mọi cách, tranh thủ mọi cơ hội có thể để kéo dài thời gian hòa hoãn. Người xúc tiến nhiều cuộc gặp gỡ, điều đình với phía Pháp.

Ngày 24-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến với Đácgiăngliơ trên chiến hạm Êmin Béctanh ở vịnh Hạ Long. Hai bên thỏa thuận: Sẽ có những cuộc thăm chính thức ngoại giao giữa hai nước; Sẽ mở Hội nghị trù bị tại Đà Lạt (trước khi có đàm phán chính thức); Phái đoàn Chính phủ Việt Nam sẽ sang Pháp để ký hiệp ước chính thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm thượng khách của Chính phủ Pháp. Chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một xu thế ngoại giao của nước Việt Nam mới theo tư tưởng của Người: đối thoại hòa bình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của mỗi nước.

Chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Chính phủ ta trong thời kỳ 1945-1946. Cuộc hành trình đến Cộng hoà Pháp của Người phải đi qua các nước: Miến Điện (nay là Mianma), Ấn Độ,
Pakítxtan, Irắc, Ai Cập, Angiêri, rồi Biarit
(Biarritz) thủ phủ xứ Pirênê Atlăngtie (Pyrénées - Atlantiques), miền Nam nước Pháp. Ở những nơi dừng chân, Người tranh thủ mọi cơ hội bày tỏ thiện cảm của nhân dân ta đối với nước chủ nhà, làm cho họ hiểu cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa, đồng thời cũng tỏ rõ thiện chí với nước Pháp.

Trong thời gian ở Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có gần 400 cuộc tiếp xúc với hầu hết các nhân vật chính trị quan trọng thuộc các đảng phái, khuynh hướng chính trị của Pháp, đã gặp hầu như tất cả các vị bộ trưởng của Chính phủ Pháp đương thời và 14 tướng lĩnh Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tiếp xúc rộng rãi với các giới văn hóa, xã hội và báo chí Pháp, gặp nhiều nhà hoạt động chính trị - xã hội châu Âu, châu Á, châu Phi.

Thông qua những cuộc gặp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết được tình cảm và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị ở Pháp. Người làm cho họ hiểu rõ khát vọng tự do, ý chí bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Người đã để lại những ấn tượng khó phai trong tâm tưởng người Pháp bởi sự chân thành, cởi mở và giản dị của mình.

Một trong những người đó là Raymond Aubrac, cựu Ủy viên Cộng hoà ở Mácxây, Nghị sĩ Quốc hội Pháp, người mà qua chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp năm 1946 đã không chỉ trở thành bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đã gắn bó với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam trong suốt hàng chục năm sau này.

Ngày 27-7-1946, kiều bào ta ở Pháp tổ chức tiệc chiêu đãi tại Vườn Hồng Bagatelle ở Paris để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Raymond Aubrac cũng có mặt trong buổi chiêu đãi. Trò chuyện trong buổi gặp gỡ đầu tiên, “người bạn Pháp” cảm nhận và chia sẻ sự gắn kết gần gũi về lý tưởng đấu tranh cách mạng với Hồ Chí Minh. “Đó là mối quan hệ giữa cuộc kháng chiến của lực lượng yêu nước Pháp và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam”, ông Raymond Aubrac kể lại. Ngay khi đó, ông đã nảy ý định mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở tại nhà riêng của mình ở Soisy Sous Montmorency, phía Bắc Pari, dù Chính phủ Pháp dành cho Người một tầng trong ngôi nhà lớn ở gần Khải hoàn môn. Vui vẻ nhận lời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi sẽ sung sướng nếu được đến thăm vườn của ông, ông bạn thân mến ạ. Vậy tuần sau, vào giờ uống trà buổi chiều tôi đến thăm gia đình ông được chứ?”(1).Sau đó, Người chuyển về ở trong căn nhà và khu vườn nhà ông Aubrac.

Sáu tuần Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà ông Raymond Aubrac (từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9-1946) là khoảng thời gian đáng nhớ nhất với gia đình ông. Lúc đó, gia đình ông Aubrac có hai vợ chồng, hai con nhỏ, mẹ vợ và một người giúp việc. Ông Aubrac nhớ lại: “Khi Người lưu lại gia đình tôi, nhiều người bạn Pháp hỏi phải chăng Hồ Chí Minh đến ở nhà tôi để giải trí. Không phải vậy, Người ở đó để tranh thủ thời gian tìm hiểu về đời sống của người dân Pháp, hoàn cảnh nước Pháp. Chủ tịch nói chuyện với mẹ tôi, qua đó so sánh với điều kiện sống của dân Việt Nam”. Mỗi buổi sáng, người nhà ông Aubrac mang đến cho Chủ tịch Hồ Chí Minh sách báo tiếng Pháp, tiếng Anh, Đức, Nga...  và Người thường đọc báo ngay trên thảm cỏ hàng giờ liền. Cũng tại nhà ông Aubrac, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và chiêu đãi nhiều nhân vật thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau, các nhà văn, nhà báo...

Ngày 31-7-1946, nhân ngày sinh của ông Aubrac, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ông một bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm, một trí thức Việt kiều yêu nước. Bức tranh tả một bà mẹ mới sinh con, đang vươn cánh tay dài với những ngón tay mảnh dẻ vuốt đầu cháu bé. Ít lâu sau, vợ ông sinh người con gái thứ ba, Elizabeth, Người đã đến nhà hộ sinh thăm, tặng hoa và nhận là người đỡ đầu (Người gọi Êlidabét là Babét - Babette). “Đó là ngày 15-8-1946. Từ đó trở đi, cả trong thời gian chiến tranh, chúng tôi luôn nhận được một món quà hay một cử chỉ nào đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho con gái tôi”. Ông Aubrac nhớ lại. Quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất giản dị, dù chỉ là quả cầu nhỏ hay một con trâu bằng ngà, là một bức ảnh chân dung của Người hay một đồng tiền vàng có mang hình Người nhưng chứa đựng trong đó tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Người. Trong đó, món quà đặc biệt mà Babét nhận được từ người cha đỡ đầu, chính là tấm lụa vàng để may áo cưới. Những món quà tặng của người cha đỡ đầu được Babét giữ gìn như những kỷ vật, và theo Babét, đó là những “kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong đời” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho chị.

Sau 9 năm kể từ chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, ông Aubrac mới có cơ hội gặp lại Người. Năm 1955, khi công tác tại Bắc Kinh, ông Aubrac vô tình đọc được trên tờ báo Bắc Kinh bằng tiếng Anh dòng chữ rất lớn: “Chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Ngay lập tức, ông gọi điện đến Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nhờ gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh lời chào của người bạn sau 9 năm chưa gặp lại. 15 phút sau, điện thoại đổ chuông, một người nói với ông: Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông 6 giờ sáng mai đến ăn sáng. Sáng hôm sau, lái xe đón ông đến gặp Bác Hồ. Vừa gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ôm hôn ông và hỏi thăm tình hình gia đình, các con của ông Aubrac. Khi biết ông Aubrac đến Bắc Kinh để đàm phán về một hiệp định thương mại Pháp - Trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị ông giúp đỡ trong việc đàm phán hiệp định thương mại đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam: “Hồ Chủ tịch nói nếu như tôi ở Hà Nội thì có thể giúp Việt Nam được việc này vì hai phái đoàn Pháp - Việt đều biết tôi. Tôi đã trả lời rất vui nếu được giúp nối lại cuộc đàm phán này. Ngay sau đó tôi sang Hà Nội”. Và ông Aubrac đã vượt quãng đường dài 5 ngày 4 đêm từ Bắc Kinh qua cửa khẩu Lạng Sơn bằng tàu hỏa đến Việt Nam lần đầu tiên. Đến Hà Nội, ông Aubrac đã gặp ông Phạm Văn Đồng và đại diện đoàn Pháp. Trong vòng 5 phút sau khi ông Aubrac đưa ra ý kiến trọng tài về cuộc đàm phán này, hai bên đã ký Hiệp định thương mại đầu tiên. Sau đó, ông lại bắt tàu hỏa từ Lạng Sơn về Bắc Kinh, như lời ông kể lại: “Thế là tôi đi mất 10 ngày, 8 đêm chỉ để làm việc 5 phút”.

Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đang ở giai đoạn khốc liệt. Tổ chức chống chiến tranh hạt nhân gồm nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới tiến hành Hội nghị ở Paris, có bàn về vấn đề Việt Nam và nhất trí cử hai nhà khoa học Pháp làm “sứ giả” giữa Washington và Hà Nội. Mục tiêu là tiến tới sự gặp gỡ giữa người đại diện có thẩm quyền của hai Chính phủ để bàn về việc ngừng leo thang chiến tranh.

Khi đó, ông Aubrac đang làm việc cho Tổ chức Nông lương của Liên Hợp quốc (FAO) ở Rome (Italy). Ông nhận được yêu cầu trở về Pháp và cùng giáo sư người Pháp Herbert Marcovich thực hiện nhiệm vụ này. Sau khi tới Hà Nội, ông đã tới ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa gặp ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi thăm bà Lucie Aubrac và các cháu, nhất là Elisabeth. Sau câu chuyện hàn huyên, ông Aubrac nói về cuộc họp của Pugwashở Paris và nói ông có nhiệm vụ chuyển tới Chủ tịch một “bức thông điệp miệng” của Tổ chức này nhằm tìm một giải pháp cho vấn đề chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Không thể chấp nhận được, trừ khi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá Việt Nam”. Trước khi về nhà sàn nghỉ, Bác Hồ chuyển cho ông một tấm lụa và nói: “Đây là quà tôi gửi cho Elisabeth” rồi ôm hôn ông thắm thiết. Sau đó, trong vai trò sứ giả, ông Aubrac nhiều lần tiếp xúc với đại diện Mỹ và Việt Nam ở Paris. Tháng 8-1967, Nhà Trắng gửi cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công hàm bày tỏ sẵn sàng ngừng ném bom miền Bắc với điều kiện “việc làm này không bị lợi dụng và đưa đến những cuộc thảo luận có kết quả”.

Lần gặp năm 1967 là lần cuối cùng ông Aubrac gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đó không phải lần cuối cùng ông đến Việt Nam. Từ đó đến khi ông mất (4-2012) ông đã sang Việt Nam 16 lần. Vào ngày 30-4-1975, ông cũng có mặt tại Hà Nội để chứng kiến thời khắc lịch sử, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà kết thúc là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Gắn bó với Việt Nam từ năm 1946, khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris, Raymond Aubrac là người đã giúp đỡ ký kết Bản thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp (1955); trao đổi thông điệp giữa Hà Nội và Washington để xác định chấm dứt vô điều kiện việc Mỹ ném bom xuống Việt Nam (1967); kêu gọi và góp phần làm chấm dứt ném bom xuống các đê sông Hồng (1972).

Ông viết cuốn sách “Où s’ attarde la mémoire”(Những gì để nhớ), xuất bản năm 1946, trong đó kể lại những kỷ niệm gắn bó với cuộc đời của ông. Bác Hồ và Việt Nam đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng vợ chồng Raymond Aubrac. Ông bà đã trở thành những người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam r

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2016

(1) Trần Đương: Những người con đỡ đầu của Bác Hồ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.8.

 

Nguyễn Văn Công

Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền