Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Chữ Cần của Hồ Chí Minh - Từ lời nói đến hành động
Thứ hai, 24 Tháng 7 2017 17:39
11065 Lượt xem

Chữ Cần của Hồ Chí Minh - Từ lời nói đến hành động

(LLCT) - Cần cù, siêng năng là nguồn gốc của văn minh và tiến bộ xã hội. Để sinh tồn và phát triển, dân tộc nào cũng phải cần cù nhưng do điều kiện sống khó khăn, cần cù trở thành một giá trị đạo đức cơ bản của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh đưa ra một hệ thống quan điểm sâu sắc về cần: Từ khái niệm, vai trò, nội dung biểu hiện đến phương pháp tu dưỡng. Đặc biệt, Hồ Chí Minh không chỉ nói nhiều, nói hay về cần mà còn là tấm gương thực hành chữ cần một cách bền bỉ, trung thực nhất.

Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng bàn nhiều về đạo đức và bản thân Ngườilà biểu tượng cao quý của đạo đức cách mạng. Hiện nay, khi đất nước đang đứng trước yêu cầu “chấn hưng” về đạo đức, phẩm chất hàng đầu mà mỗi người cần có, người cán bộ, đảng viên càng phải cóchính là sự cần cù, siêng năng. Việc tìm hiểu tư tưởng và sự thực hành chữ cần của Hồ Chí Minh rất phù hợp với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII (15-5-2016) về việc mở rộng nội hàm học tập di sản Hồ Chí Minh: Học từ tư tưởng đến đạo đức và phong cách.

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về cần

Khi nói về đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh đề cập đến cầnnhiều nhất. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, ở mục“Tư cách một người cách mệnh”, Người đặt phẩm chất cần, kiệm lên đầu tiên. Năm 1947, trong tác phẩm Đời sống mới, Hồ Chí Minh khẳng định: Thực hiện đời sống mới chính là thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn rất cam go mà một số cán bộ mắc những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Cần Kiệm Liêm Chính, trong đó có một mục riêng bàn về chữ cần để giáo dục cán bộ. Trong Di chúc, Người cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Người còn đặt tên cho một số cán bộ gần gũi ở bên là “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”như gửi vào đó thông điệp chính trị và niềm mong mỏi.

Hồ Chí Minh đã luận giải về cầnmột cách sâu sắc và hệ thống: Người nêu định nghĩangắn gọn: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai”(1). Nói đến cầnlà nói đến thái độ nghiêm túc trong công việc và hiệu quả do cần mang lại thì vô cùng to lớn. Nếu con người ta biết cần“thì việc gì, dù khó mấy cũng làm được”(2).

Tiếp đó, Hồ Chí Minh chỉ ra nội dung biểu hiện của cần trong thực tiễn. Trong xã hội loài người, do sự phân công lao động, mỗi con người đảm đương những công việc khác nhau nhưng muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì ai ai cũng phải siêng năng, chăm chỉ.

Trước hết, con người ta phải cần cù, chăm chỉ trong lao động. Hồ Chí Minh định nghĩa: “Cần là thi đua sản xuất cho mau, cho tốt, cho nhiều”(3). Nói đến cần cù là nói đến lao động. Sinh sống trên mảnh đất hẹp, thiên nhiên khắc nghiệt, con người Việt Nam luôn ý thức rõ “tay làm, hàm nhai, tay quai miệng trễ”và từ đó, họ ý thức về chữ cần như một phẩm hạnh thiết yếu nhất của con người. Những câu tục ngữ như “Có công mài sắt, có ngày nên kim”,“Kiến tha lâu cũng đầy tổ”đã ca ngợi tinh thần lao động bền bỉ.

Với phương pháp luận duy vật lịch sử, các nhà kinh điển Mác - Lênin cũng khẳng định: “Lao động đã sáng tạo ra bản thân con người”(4). Kế thừa truyền thống cần cù, bền bỉ trong lao động của dân tộc Việt Nam và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã khẳng định giá trị phổ quát của lao động: “Xã hội có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, là nhờ lao động. Xây nên giàu có, tự do, dân chủ cũng là nhờ lao động. Trí thức mở mang cũng là nhờ lao động (lao động trí thức). Vì vậy, lao động là sức chính của sự tiến bộ loài người. Cũng là sức mạnh của sự giải phóng dân tộc”(5). Trong điều kiện nước nhà còn nghèo khó về kinh tế, Người chỉ rõ: “Nước ta còn nghèo. Muốn sung sướng thì phải có tinh thần tự lực cách sinh, cần cù lao động. Phải cố gắng sản xuất”(6). Từ nhu cầu tất yếu của tồn tại xã hội, từ đặc thù của điều kiện kinh tế và nhiệm vụ nặng nề của cách mạng Việt Nam, cần cù, siêng năng trong lao động trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi công dân Việt Nam. Để thúc đẩy tính tích cực của nhân dân trong lao động, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Trong xã hội ta, không có nghề nào là thấp kém, chỉ những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ”(7). Trước đây, do ảnh hưởng của quan điểm Nho giáo phân biệt giữa lao động trí óc và lao động chân tay, nên người xưa coi trọng cần học, cần chínhmà coi rẻ cần lao. “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”(mọi việc đều thấp hèn, chỉ có đọc sách là cao thượng) là thế. Ngày nay, trong chế độ mới, không có nghề nào là thấp kém, chỉ những kẻ lười biếng, ỷ lại, cướp công của người khác mới đáng xấu hổ. Theo Hồ Chí Minh “bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch, đều phải lao động cả, làm gì ích nước lợi dân là vẻ vang”(8).

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: cần không có nghĩa là làm cho có, cứ làm mà không quan tâm đến kết quả. Sự miệt mài một cách vô thức, không hiệu quả chưa phải là cần. Cầnphải đi đôi với kế hoạch khoa học. Mọi vấn đề như việc gì làm trước, các bước tiến hành ra sao, đặt ai vào việc gì để người lao động phát huy được hết sở trường của mình... đều phải được trù tính và phân công hợp lý. Kế hoạch tốt sẽ giúp con người lao động “không hao thì giờ, tốn lực lượng, mà việc lại mau thành”(9). Cần cù cũng phải đi liền với sáng tạođể đạt được năng suất cao. Cần mà không có trí tuệ, “lao động chân tay không có trí óc thì đó là người lao động bán thân bất toại”(10). Mặt khác, chính sự cần cù, siêng năng, chuyên tâm sẽ là mảnh đất màu mỡ để tài năng, sáng kiến trong mỗi con người nảy nở. Vì thế, theo Người, cần cù và kế hoạch, cần cù và trí tuệ, cần cù và hiệu quả là những vấn đề không thể tách rời.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam trước hết là lịch sử của các cuộc chiến tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Nếu các dân tộc khác chỉ cần siêng năng làm lụng, tích cóp làm giàu thì người Việt Nam buộc phải cần cù, siêng năng, kiên nhẫn cả trong chiến đấu. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân kiên quyết “đánh bao giờ địch bại, địch cút”(11); trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Người khẳng định ý chí sẵn sàng chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa... Khi Hồ Chí Minh tuyên bố “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”thì đó chính là tinh thần cần cù và kiên quyết trong chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc của mỗi con người Việt Nam. Đối với bộ đội, chiến sỹ - những người phải trực tiếp cầm súng chiến đấu thì sự cần cù trong luyện tập rất quan trọng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bộ đội cũng ví như con dao, cái súng, không lau chùi luôn sẽ hỏng. Chăm tập luyện sẽ tiến bộ”(12). Nguyên tắc “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đỡ đổ máu” là môi trường rèn luyện sự cần cho chiến sĩ.

Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mọi cán bộ, nhân dân phải cần cù trong học tập. Người nói: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời... Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(13). Vì thế, mỗi con người đều phải có ý thức học suốt đời, học ở mọi nơi: Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân. Trong cuộc sống, ai muốn trở thành người hiểu biết, tinh thông nghiệp vụ thì đều phải cần cù học tập nhưng đặc biệt, “người cách mạng phải học suốt đời, học lý luận, học quần chúng, học thực tế. Người không học thì như đi ban đêm không có đèn, không có gậy, dễ vấp té”(14). Tức là với người cán bộ, cần họcvà cần chínhhòa quyện làm một. Họ phải học để làm gương cho nhân dân và học để có đủ tri thức phục vụ nhân dân.

Đối tượngthực hành chữ cần trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất rộng. Xưa kia, do nền sản xuất tiểu nông mang tính riêng lẻ và manh mún, ông cha ta chỉ nhấn mạnh chữ cần trong phạm vi cá nhân. Ngày nay, Hồ Chí Minh yêu cầu “mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần”(15),bởi nếu có một người lười biếng, một địa phương lười biếng, một ngành lười biếng thì công việc chung của hàng ngàn, hàng vạn người khác đều bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu “cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”(16). Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đối tượng thực hành chữ cần là toàn dân nhưng trước hết cán bộ phải làm gương. Khi căn dặn cán bộ thực hành chữ cần, Hồ Chí Minh nói rõ: “Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi, nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”(17), là “ăn trên ngồi chốc”trên mồ hôi, nước mắt của dân, là vô cảm trước nỗi thống khổ của nhân dân.

Cùng với việc nêu rõ vai trò, nội dung, đối tượng của cần, Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương pháp thực hiện cần:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh cho rằng “cầnvà chuyênphải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày cầnmà mười ngày không cầnthì cũng vô ích”(18). Cũng như trong việc tu thân, tốt một ngày, một tháng, một năm chưa làm nên cái tốt một đời nhưng cái tốt một đời dễ dàng bị hủy diệt bởi cái không tốt trong một ngày, một tháng, một năm nếu cái không tốt đó là trầm trọng. Vì thế, nếu không “chuyên”, tức là không bền bỉ thì “chẳng khác gì một tấm vải phơi một hôm mà ngâm nước mười hôm, thì ướt hoàn ướt”(19). Để cần một cách thực sự, con người phải hết sức tránh căn bệnh “lửa rơm”.

Thứ hai, Hồ Chí Minh lưu ý “Cầnkhông phải là làm xổi”, không làm quá sức để đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Người khôn ngoan phải biết nuôi dưỡng tinh thần và sức lực để duy trì “sức bền” của mình trong suốt cuộc đời; nhà lãnh đạo thì phải biết nuôi dưỡng sức dân, không để sức dân bị cạn kiệt.

Thứ ba, khi đạo đức là kết quả của cuộc đấu tranh giữa thiệnvà ác, giữa cái caocả và cái bản năng thấp hèn thì việc tu dưỡng phẩm chất cần cù, siêng năng phải đi liền với việc chống lại căn bệnh lười biếngtrong mỗi con người. Nếu con người lười biếng thì “bờ xôi, ruộng mật”cũng thành đất chết; nếu có bàn tay siêng năng thì “sỏi đá cũng thành cơm”. Hồ Chí Minh đúc kết: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc... Người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”(20). Chống lại sự lười biếng cũng chính là rèn luyện phẩm chất cần cù trong mỗi con người.

Sự sâu sắc của Hồ Chí Minh khi bàn về chữ cần còn ở chỗ: Người đã đặt chữ Cần vào một tổng thể các phẩm chất không thể tách rời là, “Cần kiệm liêm chính” và đặt chữ Cần lên trên hết. Quả thật, cần mà không kiệmthì chẳng khác nào “gió vào nhà trống”, “nước đổ vào thùng không đáy”, rốt cuộc “không lại hoàn không”. Quả thật, có cầnmới có cái để kiệmvà có cầnmới biết kiệm; có kiệmmới có thể liêm; cóliêmmới có thể chính. Ngược lại, nếu không cầnsẽ không thấy giá trị của thành quả lao động, sẽ hoang phí, xa hoa. Mà đã xa hoa, ăn chơi hưởng lạc thì phải làm chuyện bất liêm, bất chính. Tức là trong quan điểm của Hồ Chí Minh, cầnthẩm thấu, chi phối và là tiền đề của các phẩm chất khác. Cầnchính là gốc của đạo đức. Do đó, những ai đi ngược lại chữ cầnđều dẫn đến sự băng hoại về đạo đức, nhân cách; ai muốn tu dưỡng đạo đức thì trước hết hãy bắt đầu bằng việc thực hiện chữ cần thật nghiêm túc, trung thực.

2. Hồ Chí Minh - tấm gương sáng về thực hành chữ cần

Ở Hồ Chí Minh luôn có sự gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động. Vì thế, Hồ Chí Minh nói về cần sâu sắc bao nhiêu thì Người thực hiện chữ cần bền bỉ và thiết thực bấy nhiêu.

Ngay từ nhỏ, Người đã chứng kiến những tấm gương lao động cần mẫn của người thân trong gia đình và bà con làng xóm, đã trực tiếp tham gia vào công việc nên sớm nhận thấy giá trị của lao động và biết quý trọng những người lao động.

Trong 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã “trải qua mười hai nghề vất vả”(21). Cuộc sống cần lao đã rèn luyện Người trở thành một người lao động có đầy đủ phẩm chất, tâm lý, tình cảm của giai cấp vô sản. Dù phải làm việc vất vả để kiếm sống, Người vẫn dành thời gian thích đáng để học tập. Người từng nói với sinh viên: “Hồi Bác còn đồng tuổi với các cháu ở đây thì Bác phải đi rửa bát hoặc làm nhiều công việc khác để lấy tiền mà đi học”(22).

Để có công cụ giao tiếp và tuyên truyền cách mạng, tiếp cận tri thức nhân loại, Hồ Chí Minh chăm chỉ học ngoại ngữmà trước hết là tiếng Pháp. Với vốn tiếng Pháp ít ỏi sau khi học ở trường Tiểu học Pháp - Việt, trong những ngày lênh đênh trên biển, Người tiếp tục tự học. Người vừa đi vừa học, vừa làm vừa học. Sau đó, Người sang Anh, dù phải làm các công việc khác nhau như cào tuyết, đốt lò, bồi bàn... hết sức vất vả, “hàng ngày, buổi sáng sớm và buổi chiều, anh Ba ngồi trong vườn hoa Haiđơ (Hyde), tay cầm một quyển sách và một cái bút chì. Hàng tuần vào ngày nghỉ, anh đi học tiếng Anh với một giáo sư người Ý”(23). Hồ Chí Minh quyết tâm đến nước nào phải học ngay tiếng nước đó. Với sự siêng năng hiếm có và phương pháp học tập khoa học, Người nhanh chóng thành thạo nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Người thường đọc Đíchken, Sêchxpia bằng tiếng Anh, Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa và Huygô, Dôla bằng tiếng Pháp(24)...; đọc các cuốn sách về nhà nước pháp quyền của Vônte, Rútxô, Môngtexkiơ... Chẳng vậy mà báo cáo của mật thám Pháp theo dõi Nguyến Ái Quốc trong tháng 3-1920 đã ghi rõ: “Hiện Quốc đang dịch một đoạn Tinh thần Luật phápcủa Môngtexkiơ sang quốc ngữ”(25). Người còn dịch tiêu đề “Khế ước xã hội” của Rút xô là “Dân ước”(26). Năm 1935, trong tờ khai lý lịch của đại biểu tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Người ghi: Biết các thứ tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga... Thực ra, danh mục ngoại ngữ mà Người nắm vững còn nhiều hơn thế. Tất cả là nhờ ý chí tự học và sự siêng năng.

Là một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, Hồ Chí Minh hiểu rõ tầm quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền cách mạng, Người đã quyết tâmhọc cách làm báo, viết báo. Điều đặc biệt là Người “học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc. Rồi sau mới học viết báo Việt”(27). “Vạn sự khởi đầu nan”, lúc đầu, khi từ vựng còn ít, kỹ năng viết chưa có thì Người viết ngắn, mỗi tin chỉ năm ba dòng, dần dần Người kéo dài tin thành cả cột báo. Sau khi đã viết được dài thì Người lại học cách viết rút ngắn lại sao cho thật rõ, thật gọn, thật hấp dẫn. Từ viết báo, dần dần Người chuyển sang viết truyện, viết kịch... Sau nửa thế kỷ cầm bút, nhà báo Hồ Chí Minh khẳng định: “Không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được”(28). Tức là kinh nghiệm làm báo của Hồ Chí Minh cũng không nằm ngoài chữ cần mà Người thường nói đến. Năm 1954, trả lời câu hỏi của đạo diễn người Nga Rôman Cacmen: “Chủ tịch làm việc bao nhiêu tiếng một ngày”, Hồ Chí Minh đã nói: “Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm lúc trên trời xuất hiện những vì sao”(29). Chúng ta thật ngạc nhiên khi biết bộ phận giúp việc của Người sau năm 1945 ban đầu chỉ có 8 người, sau năm 1954 cũng chỉ có hơn 10 người mà vẫn đảm đương được một khối lượng công việc khổng lồ(30). Sự gọn nhẹ và hiệu quả của bộ máy đó xuất phát từ việc Hồ Chí Minh đã đặt con người vào đúng sở trường của họ và không ngừng giáo dục cho cán bộ phẩm chất cần cù, siêng năng thông qua tấm gương lao động của chính mình.

Không chỉ chuyên tâm giải quyết những công việc “đại sự quốc gia”, phẩm chất cần cù, siêng năng của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc Người rất tích cực tăng gia sản xuất trong thời gian rảnh rỗi. Người tăng gia sản xuất vừa để cải thiện đời sống và làm gương cho cán bộ dưới quyền, vừa để thư giãn sau những giờ lao động trí óc căng thẳng. Trong 8 năm ở núi rừng Việt Bắc, để đảm bảo bí mật, đã 30 lần Hồ Chí Minh phải chuyển cơ quan(31) nhưng bất kỳ ở đâu, chỗ ở của Người cũng được lựa chọn theo tiêu chí: “Trên có núi/ Dưới có sông/ Có đất ta trồng/ Có bãi ta vui”. Hồ Chí Minh còn đúc kết nếp làm việc của mình như sau: “Việc quân, việc nước đã bàn/ Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau”. Ngay trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, Người cũng tự giải quyết lấy mọi công việc của mình và luôn nhắc nhở các đồng chí giúp việc là “không được tước đi của Người cái quyền được lao động”. Yêu lao động đến mức coi đó là quyềnchứ không chỉ là nghĩa vụ, duy trì được thói quen lao động chân tay và tự phục vụ bản thân khi đã ở đỉnh cao của quyền lực là điều dường như chỉ có ở Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh cũng là người hết sức siêng năng luyện tập thể thaovà ra sức truyền cho nhân dân tinh thần đó. Sau Cách mạng Tháng Tám, trong bộn bề công việc, Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian cho việc rèn luyện sức khỏe. Người chỉ rõ: “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được... Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”(32). Là người luôn nói đi đôi với làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh hăng say luyện tập thể thao trong mọi điều kiện thời tiết, tuổi tác. Người thích đi quyền, chơi bóng chuyền và bơi. Người đi bộ cũng rất giỏi. Theo Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh “đi bộ một ngày 50 cây số là chuyện thường”(33). Tính kỹ ra thì trong 9 năm kháng chiến, Hồ Chí Minh đã đi bộ gần 2.000km (bình quân mỗi tháng hơn 20km)(34). Từ năm 77 tuổi, nửa người bên trái và tay trái của Người không còn được linh hoạt, Người kiên nhẫn lấy quả bóng nhỏ tập ném vào cái sọt nhỏ để xa 6m để luyện mắt, luyện tay(35).

Nhờ đức tính cần cù, siêng năng, bền bỉ hiếm có trong mọi công việc, khi đã 79 tuổi, Hồ Chí Minh tự thấy “đầu óc vẫn rất sáng suốt”. Lòng yêu lao động và khát vọng cống hiến của Người vẫn tràn đầy nên trước khi ra đi, nỗi tiếc nuối duy nhất của Người vẫn chỉ là “không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Đời sống của Hồ Chủ tịch là một đời sống khắc khổ, cần lao và tranh đấu. Người lãnh tụ của một dân tộc mất nước không thể có một đời sống khác. Phải khắc khổ, cần lao và tranh đấu để mưu cầu hạnh phúc ngày mai”(36).

Bằng sự nhất quán cao độ giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm, Hồ Chí Minh đã giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cần, cổ vũ chúng ta thực hành chữ cần để từ đó, mỗi người có thể vươn tới các giá trị làm người.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

(1), (2), (9), (15), (16), (18), (19), (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.118, 118, 119, 118, 118, 119-120, 120, 120-121.

(3), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.333, 445.

(4) C. Mác - Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.641.

(5), (12), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.514, 595, 122.

(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.69, 69.

(8), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.478, 377.

(10), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tâp, t.11, Sđd, tr.400, 399.

(14) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.200.

(27), (28) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.168, 171.

(21) Vũ Khiêu: Học tập đạo đức Bác Hồ,NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.14.

(23), (24) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.36, 47.

(25) Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc ở Pari,NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.146.

(26) Xem: Nguyễn Khắc Nho: Hồ Chí Minh về văn hóa làm người, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.89.

(29) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, t.5, Sđd, tr.514.

(30), (34) Hồng Khanh: Chuyện thường ngày của Bác Hồ, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.10, 123.

(31) Bác Hồ ở Việt Bắc, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.461.

(32) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.241.

(33), (36) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.27, 29.

(35) Mười bảy năm chụp ảnh Bác Hồ,Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2009, tr.55.

 

PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền