Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay
Thứ hai, 07 Tháng 8 2017 18:05
15511 Lượt xem

Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Trong suốt quá trình lãnh đạocách mạng, Đảng ta luôn quan tâm phát huy dân chủ trong mọi tổ chức, hoạt động; đặc biệt là quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Dân chủ trở thành ngọn cờ quy tụ, tập hợp sức mạnh của giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh xoá bỏ áp bức, bóc lột, thiết lập nên chính quyền của giai cấp công nhân, đem lại quyền tự do, dân chủ cho quảng đại quần chúng nhân dân lao động.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một hình thức chính trị của nhà nước, do nhân dân lao động lập ra dựa trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.Nhân dântrên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội bằng dân chủ trực tiếp và gián tiếp; được thể chế bằng Hiến pháp, pháp luật của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Công cuộc 30 năm đổi mới đất nước đã để lại nhiều bài học quý báu về xây dựng và phát huy dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đó là bài học về không ngừng xây dựng, củng cố, hoàn thiện bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; bài học về phát huy dân chủ của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước…

Yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nayđòi hỏi phải tiếp tục phát huy dân chủ XHCN, xây dựng Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Để thực hiện phương hướng ấy, cần thực hiệntốt một số giải pháp trọng tâmsau:

Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Tổ chức bộ máy Nhà nước ta hiện nay còn cồng kềnh, “chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế,làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực nhà nước và hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, còn chống chéo, tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế”(1). Tình hình đã thúc bách chúng ta cần phải đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. Cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ trên các mặt: cải cách thể chế hành chính, tổ chức bộ máy, xây dựng kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức. Cần phải quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”(2).

Chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc cải cách lề lối làm việc, nhưng thực tiễn hoạt động quản lý cho thấy cần phải có những thay đổi có tính chất cơ bản trong việc xác định cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của bộ máy hành chính các cấp mới có thể tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Tình trạng phân tán, cục bộ cần phải được loại bỏ để đảm bảo tính thống nhất của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa và hiệu quả hoạt động của nền hành chính thống nhất, quy củ và có nền nếp. Yêu cầu cơ bản của cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước là phải: “Xây dựng một nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hoá”(3).

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Nhà nước quản lý xã hội bằng uy quyền pháp luật, bằng cả tấm gương đạo đức và tài năng của đội ngũ cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức nhà nước là do nhân dân bầu ra và nhân dân có quyền bãi miễn họ. Thước đo đức, tài của cán bộ, công chức nhà nước là ở thái độ, tình cảm và hành động cụ thể đối với nhân dân, ở việc người cán bộ đó đem lại cái gì cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên nếu không làm được việc cho dân thì không cần đến nữa”(4). Người nhấn mạnh: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(5). Người cán bộ phải làm tốt những việc “lợi cho dân”, những việc “hại đến dân” phải hết sức tránh và tích cực đấu tranh ngăn chặn. Lênin từng dạy, vấn đề quan trọng hàng đầu trong cải cách bộ máy nhà nước là vấn đề “nhân liệu”, vấn đề yêu tố con người. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến quá trình cải cách nền hành chính, đổi mới Nhà nước và tăng cường hiệu lực của nó. Bởi vì, rút cục sự vận hành của bộ máy nhà nước, điều hành quản lý xã hội vẫn là con người, là đội ngũ cán bộ, công chức. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đầy đủ đức, tài là đòi hỏi bức thiết của tình hình. Đã đến lúc cần phải thiết lập và thực thi có hiệu quả quy chế tuyển chọn và sử dụng nhân tài cho đất nước, cán bộ, công chức cho bộ máy nhà nước; tình trạng “chạy chức, chạy quyền” ở một số nơi phải kiên quyết loại trừ. Theo đó, cần phải “chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các Uỷ ban đó”(6) như Bác Hồ đã từng chỉ dạy.

Ba là, tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa,thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật.

Nền pháp chế xã hội chủ nghĩa chỉ có thể được tăng cường khi có hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất. Đảng ta chỉ rõ: “Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Phân định rõ hơn vai trò và hoàn thiện cơ chế giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường”(7). Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật là tiêu chí đánh giá sự lành mạnh của nền pháp chế nước nhà. Pháp luật đã ban hành phải được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Không tổ chức, cá nhân nào được đặt mình ra ngoài vòng pháp luật. Tăng cường pháp luật, kỷ cương gắn liền với việc mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hai quá trình này quan hệ chặt chẽ và thống nhất với nhau. Thực thi pháp luật nghiêm minh là yếu tố đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, nhân dân đòi hỏi sự công minh và nghiêm túc của những cán bộ chấp pháp. Mở rộng dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy thì càng làm cho pháp luật được tăng cường, kỷ cương xã hội được tốt hơn.

Bốn là, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Tập trung dân chủ phải được thấm nhuần, nhất quán trong mọi lĩnh vực hoạt động, mọi công việc điều hành của các cơ quan nhà nước, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội từ Trung ương đến cơ sở. Quyền lực của Nhà nước ta là tập trung thống nhất, nhưng có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đổi mới bộ máy, cải cách hành chính là nhằm thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ. Kết hợp đúng đắn giữa tập trung và dân chủ là yếu tố quyết định sức mạnh và hiệu lực của bộ máy nhà nước. Không thể có dân chủ nếu không có tập trung và tập trung sẽ biến thành quan liêu, độc đoán, chuyên quyền nếu không dựa trên dân chủ, không vì dân chủ. Sự cố kết, ràng buộc và chi phối lẫn nhau của hai yếu tố này là để đảm bảo cho tập trung dân chủ thực sự là một nguyên tắc sống động. Tăng cường sự lãnh đạo, điều hành tập trung, thống nhất của Trung ương phải gắn với phát huy trách nhiệm và tính chủ động, năng động của địa phương, cơ sở. Vấn đề đặt ra là phải phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành. Tình trạng lạm quyền, coi thường kỷ cương phép nước, tổ chức bộ máy vừa nhiều tầng, nhiều nấc, vừa phân tán cần phải sớm khắc phục.

Năm là, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tham nhũng là nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ ta, Nhà nước ta. Cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này không kém phần gay go phức tạp như cuộc chiến chống ngoại xâm, đó là cuộc chiến nhằm giữ vững chế độ. Bi quan, thờ ơ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, cho rằng không thể loại trừ được, để tham nhũng tự do hoành hành thì quả là một sai lầm nghiêm trọng. Nhưng cũng không thể nóng vội, chủ quan, mà phải kiên trì, có bước đi thích hợp, biết giành thắng lợi từng bước. Cần phải tăng cường giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước phải gắn với việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, cải cách nền hành chính, làm hạn chế “kẽ hở” mà bọn tham nhũng có thể lợi dụng.

Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta không chỉ cần có thái độ kiên quyết mà điều quan trọng còn phải biết cách đấu tranh. Cần phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng. Tai mắt của quần chúng nhân dân là hết sức khách quan và không ai có thể “che chắn” hết được. Những đơn vị, địa phương không phát huy được vai trò của nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng phải chăng đó là biểu hiện tư tưởng “sợ” nhân dân, “xa” nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh này vừa là yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng, vừa là đòi hỏi từ bản chất dân chủ của chế độ ta.

Sáu là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Đây là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Nhà nước, làm cho Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định sự ra đời, trưởng thành của Nhà nước ta, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng lãnh đạo quyết định bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước. Cải cách, đổi mới Nhà nước là phải nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng mới đảm bảo cho quá trình đổi mới Nhà nước được thực hiện đúng hướng và có hiệu quả. Đảng thông qua Nhà nước để thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với xã hội. Nhà nước, một mặt chịu sự lãnh đạo của Đảng, mặt khác là nơi thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, chính sách, kế hoạch, và tổ chức thực hiện, biến đường lối, chủ trương của Đảng thành hiện thực. Nhờ có Nhà nước mà vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội được giữ vững, đường lối của Đảng được thể chế hóa, được hiện thực hóa bằng hành động cách mạng của quần chúng nhân dân. Vì vậy, Nhà nước là trụ cột của hệ thống chính trị nước ta. Đảng lãnh đạo Nhà nước không có nghĩa là bao biện, làm thay Nhà nước. Đảng định ra đường lối, chủ trương, kiểm tra việc quán triệt, thực hiện đường lối, chủ trương. Đảng bố trí cán bộ, lựa chọn những đảng viên có đức, có tài, được nhân dân tín nhiệm đưa ra ứng cử vào Quốc hội và các cơ quan nhà nước; mọi đảng viên của Đảng gương mẫu thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bảy là, phát huy quyền dân chủ của người dân trong hoàn thiện và thực thi pháp luật, trong xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Tôn trọng, bảo vệ, thực hiện, thúc đẩy quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện hệthống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tưpháp, xây dựng đội ngũcán bộ, côngchức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệnạn xã hội vàtội phạm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷluật, kỷcương, tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý của Nhànước, nhất làquản lý kinh tế. Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm”. Coi trọng xây dựng văn hoá trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị. Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm”(8).Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đòi hỏi phải giải quyết tốt hai vấn đề trên. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước phải gắn bó chặt chẽ với việc khắc phục tình trạng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đó là đòi hỏi bức thiết của việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân ở nước ta hiện nay.

Về phía Đảng, để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, Đảng phải tăng cường lãnh đạo:

(1) Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện(9). Dân chủ trực tiếp là hình thức mọi công dân trực tiếp thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình một cách bình đẳng, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, thành phần xuất thân, địa vị xã hội; tạo cho nhân dân, với tính cách là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước, khả năng tham gia một cách tích cực và chủ động vào các hoạt động của Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Dân chủ đại diện là hình thức nhân dân thực hiện quyền dân chủ thông qua các cơ quan đại diện của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội - tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, đại diện cho nhân dân. Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện đều là hình thức của chế độ dân chủ, có quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa phải luôn đặt trong mối liên hệ và gắn liền với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội.

(2) Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra(10). Muốn để “dân biết”, điều cốt yếu đầu tiên là phải cung cấp thông tin cho nhân dân; việc cung cấp thông tin phải chân thực, kịp thời và công khai. “Dân bàn” là xu hướng tất yếu sau khi nhân dân đã được cung cấp thông tin đầy đủ, công khai. “Dân làm” cần được hiểu chủ yếu theo nghĩa “Dân làm” là hiện thân của sự chuyển hóa từ “tư tưởng đã thông suốt” thành những hành động, việc làm cụ thể của nhân dân. Thực hiện tốt cơ chế “dân kiểm tra” đòi hỏi Nhà nước phải tiếp tục xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách phù hợp để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát đối với các mặt hoạt động của chính quyền cấp xã ở tất cả các địa phương, của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã; chất vấn những cán bộ, công chức có thẩm quyền về những vấn đề người dân quan tâm và quyền nghe trả lời những chất vấn đó, đặc biệt là những vấn đề về đất đai, xây dựng, quy hoạch và quản lý đô thị, nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng,...

(3) Phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy dân chủ trong Đảng để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi vì còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên tuy có nhận thức đúng, đầy đủ về thực hành, phát huy dân chủ nhưng chỉ là trên lý thuyết, còn trên thực tế, nhận thức đó chưa biến thành hành động thực tế, nói không đi đôi với làm. Cần tiếp tục thực hiện tốt các quy định trong sinh hoạt đảng, như sinh hoạt hai chiều, lấy phiếu tín nhiệm, điều tra, thăm dò dư luận xã hội trong nhân dân - đó chính là những yếu tố cần thiết phục vụ cho công tác xây dựng Đảng hiện nay. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân”(11).

________________

(1), (7), (8), (9), (10), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.173, 176, 51, 69, 170, 170.

(2) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2000, tr.56.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2001, tr.133.

(4) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2000, tr.365.

(5) Sđd, t.5, tr. 552.

(6) Sđd, t.4, tr. 22.

 

ThS Nguyễn Công Hoan

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương

 

 

Thông tin tuyên truyền