Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Những giá trị tham chiếu từ một số mô hình chế độ chính trị trên thế giới đối với việc đổi mới phương thức cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay
Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 09:14
2226 Lượt xem

Những giá trị tham chiếu từ một số mô hình chế độ chính trị trên thế giới đối với việc đổi mới phương thức cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Trong lịch sử chính trị của loài người đã hình thành, tồn tại và hoạt động nhiều loại chế độ chính trị với các mô hình chính trị khác nhau. Nghiên cứu các mô hình chế độ chính trị trên thế giới sẽ rút ra những giá trị tham chiếu, gợi mở những điều bổ ích đối với việc đổi mới phương thức cầm quyền, phương thức lãnh đạo trong quá trình thực thi sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Chính trị là việc tổ chức, sử dụng và thực thi quyền lực chính trị nhằm đạt mục tiêu chính trị của chủ thể chính trị, đáp ứng nguyên vọng, ý chí và lợi ích của công dân trong mỗi quốc gia. Tùy vào nhận thức chính trị, quan điểm chính trị và ý chí của chủ thể chính trị (đảng chính trị, các lực lượng chủ chốt của bộ máy chính trị) mà việc tổ chức, sử dụng và thực thi quyền lực chính trị (tập trung ở quyền lực nhà nước) được tiến hành như thế nào; nghĩa là mô hình chế độ chính trị được xây dựng, được tổ chức và vận hành như thế nào.

Mô hình chế độ chính trị là cách thức tổ chức và sử dụng quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền xã hội, mà đại diện là đảng cầm quyền. Đó là tổ hợp những quy định về nội dung, hình thức, nguyên tắc có tính ràng buộc, chế định lẫn nhau về mặt chính trị của một nền chính trị.

Trong lịch sử chính trị của loài người đã từng hình thành, tồn tại và hoạt động nhiều loại chế độ chính trị với các mô hình chính trị khác nhau. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, trước hết và cơ bản nhất phụ thuộc bản chất của chính trị, của nhận thức chính trị, quan điểm chính trị, mục đích chính trị của các chủ thể chính trị; phụ thuộc vào phương pháp, cách thức tổ chức mô hình chế độ chính trị, các phương tiện để chủ thể chính trị có thể triển khai mô hình chính trị do chính các chủ thể chính trị xây dựng nên trong thực tế.

Điều đó cho thấy, chế độ chính trị, mà hiện thân của nó là mô hình chế độ chính trị được hình thành bởi một tổ hợp rộng lớn các yếu tố, từ yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, cho đến trình độ và năng lực lựa chọn mục tiêu chính trị - theo đúng nguyện vọng, ý chí, lý tưởng của công dân trong quốc gia; phụ thuộc vào các điều kiện bên trong và bền ngoài của quốc gia - dân tộc, phụ thuộc cả vào quan hệ giữa dân tộc với khu vực và quốc tế, vào bối cảnh và điều kiện hiện tại và tương lai,v.v..        

Qua nghiên cứu một số mô hình chế độ chính trị trên thế giới, như mô hình chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc, Lào, Cu Ba và Triều Tiên và ở các nước tư bản chủ nghĩa (Nhật Bản, Xinhgapo, Malaixia, Anh, Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Đức…), bước đầu rút ra những giá trị tham chiếu trong việc đổi mới phương thức cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Đó là:

Một là, tất cả các đảng cầm quyền (kể cả các đảng cộng sản và các đảng chính trị ở các nước tư sản cầm quyền) đều cầm quyền và lãnh đạo bằng cương lĩnh chính trị, đường lối, nghị quyết và các chính sách của đảng.

Thông thường, các đảng chính trị tư sản đều phải có cương lĩnh hành động của đảng làm cơ sở, nền tảng của mọi chính sách của đảng. Trong các cuộc bầu cử, các đảng muốn có cơ hội thắng cử phải chuẩn bị một bản đề cương chính sách những vấn đề mà đảng sẽ thực hiện sau khi thắng cử. Các cương lĩnh tranh cử  phải tập trung vào những vấn đề của đất nước, người dân đang phải tập trung giải quyết, gồm chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế, vấn đề lạm phát, thất nghiệp, an toàn xã hội…

Các đảng cộng sản cầm quyền phải xây dựng cương lĩnh chính trị, đường lối phát triển đất nước, được thông qua tại đại hội toàn quốc của đảng, các nghị quyết, chính sách của đảng được thông qua ở các hội nghị ban chấp hành trung ương đảng và hội nghị bộ chính trị.

Từ những điểm nêu trên, đặt ra vấn đề cần giải quyết về đổi mới phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo của Đảng ta hiện nay là phải tập trung cao độ vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng việc xây dựng cương lĩnh, đường lối chính trị, các nghị quyết và quyết sách chính trị của Đảng.

Hai là, tất cả các đảng cầm quyền đều cầm quyền bằng hiến pháp, pháp luật, đề cao pháp luật và đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật.

Vấn đề căn bản của phương thức cầm quyền của các đảng cầm quyền trên thế giới là cầm quyền bằng hiến pháp, pháp luật. Vấn đề đặt biệt quan trọng cần giải quyết là các đảng cầm quyền phải lãnh đạo việc thể chế hóa các nội dung trong cương lĩnh, đường lối, nghị quyết, quyết định của mình thành hiến pháp, pháp luật để các nội dung được xã hội thực hiện trong thực tiễn. Vì vậy, tất cả các đảng cầm quyền đều luôn quan tâm đến vấn đề này. Điều này liên quan đến cả hai ngành hành pháp và lập pháp và quan hệ giữa hai ngành này trong chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, có những điểm khác nhau, xuất phát từ sự khác nhau về bản chất của hai chế độ xã hội. Vì vậy, cách thức tiến hành việc này của đảng tư sản cầm quyền và đảng cộng sản cầm quyền có nhiều điểm khác nhau.

Điều đó đặt ra vấn đề cần giải quyết về đổi mới phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo của Đảng ta hiện nay là đổi mới, nâng cao chất lượng sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thể chế hóa, cụ thể hóa cương lĩnh, đường lối của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật và các chương trình quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh để toàn dân thực hiện.

Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền nên toàn bộ cương lĩnh, đường lối của Đảng được chuyển thành Hiến pháp, pháp luật và toàn dân thực hiện. Về nguyên tắc, một người không là đảng viên thì không thể bắt buộc họ thực hiện cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng. Song, cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng được chuyển thành Hiến pháp, pháp luật thì mọi người dân phải thực hiện.

Ba là, tất cả các đảng cầm quyền đều cầm quyền thông qua nhà nước, đề cao và phát huy vai trò của nhà nước trong quản lý mọi hoạt động của đất nước theo pháp luật.

Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong phương thức cầm quyền của các đảng cầm quyền. Vì vậy, tất cả các đảng chính trị khi ra đời và hoạt động đều đặt ra nhiệm vụ to lớn có tính quyết định sự tồn tại, phát triển của Đảng là giành chính quyền nhà nước, trở thành đảng cầm quyền có quyền lãnh đạo, điều hành hoạt động của nhà nước.

Trở thành đảng cầm quyền, các đảng chính trị đều đặc biệt quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của nhà nước, từ xây dựng tổ chức bộ máy đến xây dựng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức nhà nước.

Từ những điều nêu trên đặt ra vấn đề cần giải quyết về đổi mới phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo của Đảng ta hiện nay là tăng cường lãnh đạo xây dựng, nâng cao chất lượng các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước; cải cách hành chính; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, tất cả các đảng cầm quyền đều cầm quyền bằng công tác cán bộ, các đảng tư sản cầm quyền thường bố trí người đứng đầu tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan nhà nước do một người đảm nhiệm.

Khi trở thành đảng cầm quyền, tất cả các đảng đều bố trí đảng viên của mình nắm giữ những vị trí quan trọng của đất nước (tổng bí thư đảng đồng thời là chủ tịch nước hoặc chủ tịch đảng kiêm thủ tướng; chủ tịch đảng- chủ tịch hạ viện..). Thông qua đội ngũ cán bộ, đảng thực hiện sự cầm quyền của mình hiệu lực, hiệu quả. Để đạt được điều này, tất cả các đảng cầm quyền đều quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, từ đào tạo, bồ dưỡng đến bố trí, sử dụng, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

Các đảng tư sản cầm quyền thường bố trí người đứng đầu tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp, đơn vị do một người đảm nhiệm. hoạt động của tổ chức đảng được thể hiện thông qua hoạt động của người đứng đầu đó.

Từ những điều nêu trên, đặt ra vấn đề cần giải quyết về đổi mới phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo của Đảng ta hiện nay là đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ trên tất cả các khâu của công tác này; coi trọng đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ trong các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Năm là, tất cả các đảng cầm quyền đều cầm quyền thông qua các tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, nhất là trong các cơ quan nhà nước.

Các  đảng cộng sản, đảng tư sản đều cầm quyền bằng phương thức nêu trên. Các tổ chức đảng, đảng viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, nhất là trong các cơ quan nhà nước đều phải hành động theo đường lối, quan điểm, chính sách của đảng, phát triển uy tín chính trị của đảng trong nhân dân. Đó là cơ sở để đảng thực thi việc cầm quyền của mình.

Từ những điều nêu trên đặt ra vấn đề cần giải quyết về đổi mới phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo của Đảng ta hiện nay là tập trung cao độ nâng cao chất lượng các tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, nhất là trong các cơ quan nhà nước.

Sáu là, tất cả các đảng cầm quyền đều cầm quyền thông qua công tác tuyên truyền, thuyết phục nhân dân, tạo sự tin tưởng, ủng hộ và phát triển uy tín, vị thế cầm quyền và duy trì sự cầm quyền của đảng.

Để trở thành đảng cầm quyền và duy trì sự cầm quyền của mình, đảng phải có hệ tư tưởngđủ mạnh và tuyên truyền, giáo dục hệ tư tưởng, đường lối của đảng cho đảng viên và công chúng để thu hút lực lượng về mình và nhận được sự ủng hộ cũng như bảo vệ của các lực lượng xã hội. Qua đó, đảng nâng cao chất lượng, hiệu quả việc cầm quyền của mình, phát triển uy tín, vị thế cầm quyền và duy trì sự cầm quyền của đảng.

Từ những điều nêu trên, đặt ra vấn đề cần giải quyết về đổi mới phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo của Đảng ta hiện nay là đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, công tác dân vận của Đảng trong Đảng và trong nhân dân

Bảy là, tất cả các đảng cầm quyền đều cầm quyền bằng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra...

Đối với nhà nước ở các nước tư bản, ba bộ phận lập pháp, hành pháp và tư pháp khống chế, phản biện lẫn nhau, các đảng chính trị đối lập có thể kiểm soát, giám sát hoạt động lẫn nhau. Ở nước ta, ba bộ phận này phân công, hợp tác và hỗ trợ nhau trong quá trình đảng cầm quyền thực thi sự cầm quyền của mình. Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Ngoài việc kiểm tra, giám sát, thanh tra của chính quyền dưới sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, công tác kiểm tra, giám sát trong đảng luôn được các đảng cầm quyền coi trọng.

Phương thức cầm quyền nêu trên gợi mở những điều bổ ích trong đổi mới phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo của Đảng ta hiện nay là nghiên cứu làm sáng tỏ cơ chế phân công, phối hợp giữa ba bộ phận lập pháp, hành pháp và tư pháp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra của Nhà nước và thanh tra, giám sát của nhân dân.

Tám là, tất cả các đảng, nhất là các đảng cộng sản cầm quyền, đều quan tâm phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và nhân dân trong quá trình thực thi sự cầm quyền của mình.

Điều nêu trên, gợi mở việc xây dựng và phát huy mạnh mẽ vai trò của các  tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và nhân dân trong quá trình thực thi sự cầm quyền của Đảng. Đặc biệt, thực hiện nghiêm chỉnh quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

PGS, TS Trương Thị Thông

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền