Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quyền về thực thể tự nhiên và thực thể xã hội của con người
Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 11:23
7698 Lượt xem

Quyền về thực thể tự nhiên và thực thể xã hội của con người

(LLCT) - Con người vừa là một thực thể tự nhiên vừa là một thực thể xã hội, hai phương diện đó tồn tại trong tính thống nhất với nhau, quy định lẫn nhau, tạo thành cơ sở hiện thực cho sự tồn tại của mỗi con người với tư cách là người trong đời sống xã hội. Các nhu cầu tự nhiên, như ăn, uống, mặc, ở, đi lại, vui chơi, giới tính cũng như nhu cầu xã hội, hoạt động xã hội (lao động, nghiên cứu khoa học,...) là thống nhất trong đời sống của một con người. Tương ứng với nhu cầu tự nhiên và nhu cầu xã hội là các quyền về thực thể tự nhiên và quyền về thực thể xã hội.    

1. Quyền về thực thể tự nhiên, xã hội

Quyền về thực thể tự nhiên (ăn, uống, mặc, ở, đi lại, vui chơi, giới tính): Tiền đề vật chất đầu tiên quy định sự hình thành, tồn tại và phát triển của quyền con người (hay nhân quyền) nói chung, chính là quyền tồn tại của bản thân con người (quyền sống). Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”(1).

Theo thuyết tiến hóa của Đácuyn, con vượn tiến hóa thành con người! Vậy, đến con người, quy luật tiến hóa có tiếp diễn hay không? Tại sao không diễn ra quá trình tiếp tục phát triển về thực thể tự nhiên của con người?... Hiện nay, dưới sự tác động của sinh học, y học hiện đại và kiểu tiêu dùng hiện đại (thức ăn thừa dinh dưỡng, nhiễm hóa chất độc hại), đã có hiện tượng biến động trong tái sản sinh giới tính ở con người (song tính, đồng tính, chuyển giới,...). Thực tế này đặt ra yêu cầu phải quan sát, nghiên cứu quá trình biến đổi về thực thể tự nhiên cũng như quyền về thực thể tự nhiên của con người.

Cùng với quyền về giới tính, con người “muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa”(2). Quyền về  ăn, uống, nhà ở,... và cả quyền vui chơi là quyền về thực thể tự nhiên của con người (Liên Hợp quốc coi quyền vui chơi và quyền không bị tra tấn là hai quyền cơ bản của con người).

Các quyền về thực thể tự nhiên của con người, dĩ nhiên, đều mang thuộc tính xã hội. Vì thế, một mặt, các quyền đó phản ánh và tác động đến quá trình tiến hóa, phát triển lâu dài của “thân thể vô cơ” của con người. Mặt khác, chúng đồng thời cũng phản ánh quá trình biến đổi trong các quan hệ và hoạt động xã hội của con người, như: phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội, mâu thuẫn giai cấp,... Những biến đổi xã hội này là điều kiện, môi trường cho việc bảo đảm các quyền về thực thể tự nhiên của con người. Nếu trong xã hội nguyên thủy, dường như tồn tại sự thống nhất giữa “quyền” về thực thể tự nhiên và “quyền” về thực thể xã hội, thì từ cuối xã hội nguyên thủy, đã diễn ra quá trình phân hóa có tính mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa quyền về thực thể tự nhiên và quyền về thực thể xã hội.

Việc xem xét quyền về thực thể tự nhiên chủ yếu là xem xét môi trường trao đổi vật chất giữa con người và giới tự nhiên cũng như những biến đổi của giới tự nhiên cùng sự tác động của quy luật tự nhiên trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự tồn tại của con người, và quyền về thực thể tự nhiên của nó.

Quyền về thực thể xã hội (dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa):Xét từ giác độ nguồn gốc hình thành, quyền con người không chỉ có nguồn gốc từ sự tiến hóa, phát triển của phương diện tự nhiên mà còn có nguồn gốc xã hội của nó, trước hết và cơ bản nhất là yếu tố lao động và hoạt động sản xuất vật chất. Chính nhờ lao động mà con người có nhu cầu về quyền của mình. Xét từ giác độ tồn tại và phát triển, thì sự tồn tại của quyền con người luôn luôn bị chi phối bởi các yếu tố và các quy luật xã hội. Xã hội biến đổi thì quyền mỗi con người cũng có sự thay đổi tương ứng. Bên ngoài mối quan hệ của các quyền về thực thể xã hội thì mỗi con người chỉ tồn tại với tư cách là một thực thể sinh vật thuần túy, và do đó, không thể là “con người” với đầy đủ ý nghĩa tổng hòa các quan hệ xã hội trong đời sống hiện thực của nó.

Mối quan hệ giữa quyền về thực thể tự nhiên và quyền về thực thể xã hội: Quyền về thực thể tự nhiên là tiền đề tự nhiên tất yếu cho sự tồn tại của con người; còn quyền về thực thể xã hội là đặc trưng bản chất để khẳng định nhân phẩm của con người trong đời sống xã hội. Sự tác động qua lại của việc bảo đảm các quyền về thực thể tự nhiên và xã hội của con người thể hiện tính tổng hòa của hai phương diện quyền đó trong đời sống hiện thực của con người.

Quyền con người là sản phẩm của lịch sử xã hội loài người. Trong quá trình cải biến giới tự nhiên, con người cũng làm nên lịch sử của chính mình. Con người là sản phẩm của lịch sử, đồng thời là chủ thể sáng tạo ra lịch sử của chính bản thân mình và cả quyền của mình. Bản chất của con người và quyền của nó, không phải là một hệ thống đóng kín, mà là hệ thống mở; quyền con người vừa mang tính hiện thực trực tiếp (quyền ăn, uống,...) vừa mang tính lý tưởng. Vì vậy, để phát triển con người và quyền con người theo hướng tích cực, cần phải làm cho hoàn cảnh ngày càng mang tính người nhiều hơn. Quyền con người tiếp nhận hoàn cảnh một cách tích cực và tác động trở lại hoàn cảnh ở nhiều khía cạnh khách nhau. Đó là biện chứng của mối quan hệ giữa con người, quyền của con người và hoàn cảnh trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử xã hội loài người.

2. Quá trình biến đổi quyền về thực thể tự nhiên và xã hội trong lịch sử nhân loại

Trong xã hội nguyên thủy

Về đại thể, trong xã hội nguyên thủy, quyền con người, mặc dù chủ yếu mang tính tự phát, thô sơ, chất phát, nhưng có thuộc tính: a/ phổ biến: mọi người đều có quyền; b/ cộng đồng: việc thụ hưởng quyền gắn với cộng đồng (gia đình, cộng đồng nguyên thủy); c/ bình đẳng (không phân biệt đối xử).  Và do đó, có sự thống nhất giữa quyền về thực thể tự nhiên (ăn, uống, ở, mặc, vui chơi, giới tính) với quyền về thực thể xã hội (vị thế, uy tín, cách thức quan hệ trong xã hội nguyên thủy).

Vào cuối xã hội nguyên thủy, sự phân hóa giàu nghèo và cả phân hóa xã hội (tộc trưởng, già làng, con gái trưởng của dòng mẫu hệ) đã dẫn đến sự khác biệt giữa quyền về thực thể tự nhiên và quyền về thực thể xã hội trong các cộng đồng nguyên thủy. Tộc trưởng, già làng, người giàu có  vai trò quan trọng hơn trong các công việc chung của cộng đồng nguyên thủy, do đó, có quyền thụ hưởng tốt hơn đồ ăn, thức uống, chỗ ở,... Và có sự khác biệt trong quy ước bất thành văn và việc thụ hưởng quyền con người giữa các cộng đồng nguyên thủy thường tồn tại biệt lập.

Trong xã hội nô lệ và phong kiến

Phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội làm sâu sắc quá trình phân hóa và mâu thuẫn giữa các quyền con người, cả về thực thể tự nhiên và thực thể xã hội. Đặc biệt với sự xuất hiện của nhà nước và pháp luật, quyền con người được thể chế hóa theo cương vực lãnh thổ quốc gia; và khắc phục một bước tính rời rạc giữa các cộng đồng nguyên thủy.

Dưới chế độ nô lệ, quyền về  thực thể tự nhiên và xã hội của nô lệ bị phụ thuộc vào chủ nô. Dưới chế độ phong kiến, quyền về thực thể tự nhiên và xã hội bị phụ thuộc vào thế lực vương quyền (giai cấp phong kiến) và thế lực thần quyền (giới tăng lữ). Những thuộc tính của quyền con người trong xã hội nguyên thủy bị lu mờ hoặc bị biến đổi: a/ Tính phổ biến chuyển thành tính thiểu số; b/ Tính cộng đồng chuyển thành tính cá thể nô lệ hoặc thần dân; c/ Tính bình đẳng chuyển thành tính đẳng cấp, giai cấp.

Các quan hệ giàu nghèo, giai cấp, đẳng cấp quy định quyền về thực thể tự nhiên, và đồng thời quy định mức độ, chất lượng quyền về thực thể xã hội. Trong đó, quan hệ đẳng cấp chi phối và thường làm phức tạp mối quan hệ  giữa quyền về thực thể tự nhiên và quyền về thực thể xã hội. Thí dụ, người giàu ở đẳng cấp thấp không được thụ hưởng quyền chính trị, xã hội, văn hóa ngang bằng với quyền của người nghèo thuộc đẳng cấp cao, và ngược lại.

Trong xã hội tư bản

Công nghiệp, chế độ sở hữu tư bản tư nhân và thể chế pháp quyền tư sản đã thúc đẩy quá trình biến đổi có tính lịch sử đối với quyền con người, cả về quyền thực thể tự nhiên và cả về quyền thực thể xã hội.

Trước tiên, cách mạng tư sản nêu cao tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền, thí dụ Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền ở Pháp năm 1789, để làm tiền đề thể chế hóa quyền con người, quyền công dân và nhà nước nước pháp quyền tư sản. Nhà nước nào cũng phải thiết lập quan hệ với người dân. Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại đã xuất hiện thuật ngữ “công dân”. Nhưng chỉ từ nhà nước tư sản mới thiết lập quan hệ với người dân bằng quyền công dân.

Tiếp đó, trên cơ sở khắc phục tư tưởng thần dân và tư tưởng về quyền công dân đã được thể chế hóa từng bước, thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” được hình thành và từng bước được thể chế hóa, trong đó có quan hệ với công dân. Thuật ngữ nhà nước pháp quyền đầu tiên được Carl Theodor Welcker (1790 - 1869) và Johann Christoph Freiherr von Aretin (1772 - 1824) người Đức đề cập trong công trình xuất bản năm 1813 và năm 1824; đặc biệt được Robert von Mohl (1799 -1875) đề cập khá toàn diện trong công trình xuất bản vào năm 1829. Cả ba nhà luật học Đức cùng thừa nhận nhà nước pháp quyền là một nhà nước tôn trọng luật và tôn trọng những quyền cơ bản của người dân. Người dân phải có cơ quan đại diện và có quyền tham gia vào sinh hoạt lập pháp. Tổ chức nhà nước phải dựa trên nguyên tắc phân quyền rõ rệt, chứ không hẳn là sự phân chia thuần túy về mặt hành chính theo những chức năng chuyên biệt.

Trên cơ sở đó, xã hội tư bản xác định và thể chế hóa quyền công dân trong quá trình biến đổi của thể chế nhà nước pháp quyền và quan hệ của nhà nước với công dân: C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, những vấn đề thực tế về nhân quyền chỉ xuất hiện khi hình thành CNTB; và từ đó nhân quyền “không chỉ tồn tại trên lý luận nữa”(3). CNTB đã “quy con người, một mặt, thành thành viên của xã hội công dân, thành cá nhân vị kỷ, độc lập, và mặt khác, thành công dân của nhà nước, thành pháp nhân”(4).  

Vào đầu thế kỷ XX, trên cơ sở những quan niệm và thực tiễn về bảo đảm quyền công dân và thể chế pháp quyền, nhà luật học người Mỹ gốc Séc và Áo Hans Kelsen (1881 - 1973) đã đưa ra khái niệm nhà nước pháp quyền, gồm hệ thống các quy phạm pháp luật (hiến pháp, các luật, bộ luật, điều ước quốc tế và các nguyên tắc mang tính hiến pháp), được sắp xếp có trật tự, sao cho quyền lực nhà nước phải chịu sự giới hạn một cách khách quan, dù cho sự thay đổi bộ máy quyền lực của nhà nước có diễn ra như thế nào. Trong hệ thống quy phạm pháp luật như thế, vai trò độc lập của tư pháp là bắt buộc, có tính khách quan; và đòi hỏi sự phân chia quyền lực giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Những quy định trái với hiến pháp có thể bị xem xét bởi một cơ chế bảo hiến phù hợp với mỗi quốc gia. 

Trong thế kỷ XX, đặc biệt từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đã xuất hiện quan niệm “nhà nước toàn cầu” và “công dân toàn cầu”. “Nhà nước toàn cầu” trong khi có những đặc quyền với công dân nước mình xuất phát từ chủ quyền quốc gia thì đồng thời cũng  phải chấp nhận luật pháp quốc tế, nhất là “trách nhiệm bảo vệ” quốc tế trước những tội ác nghiêm trọng về nhân quyền. Quyền của “công dân toàn cầu”, nhìn chung, gồm ba yếu tố: 1/ Các quyền về bảo đảm tự do cá nhân (tự do về tư tưởng, tự do ngôn luận,...); 2/ Các quyền chính trị, dân sự (tham chính, an ninh con người); 3/ Các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (tự do về sở hữu, đời sống văn hóa tinh thần phong phú,...).

Nhìn chung, nhân quyền tư sản là một tiến bộ lớn trong lịch sử nhân loại. Nhưng hiện nay, một mặt, việc nâng cao đáng kể mức độ, chất lượng thụ hưởng các quyền về thực thể tự nhiên và thực thể xã hội không ngăn chặn được sự phân hóa và phân cực trong việc thụ hưởng các quyền này giữa các giai tầng xã hội. Tính đẳng cấp trong việc thụ hưởng quyền con người tuy không còn tồn tại công khai và phổ biến như trong xã hội nô lệ, phong kiến, song quá trình phân hóa, phân cực về quyền con người dường như vẫn bảo lưu sự phân tầng về quyền con người theo kiểu đẳng cấp ở mức này hay mức khác.

Mặt khác, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã tác động mạnh mẽ, phức tạp đến mối quan hệ giữa hai phương diện quyền về thực thể tự nhiên và về thực thể xã hội. Đặc biệt y học hiện đại đã can thiệp vào thiên chức của tạo hóa (thụ thai nhân tạo, chuyển đổi giới tính, cấy ghép các bộ phận thân thể,...); từ đó làm biến động quyền về giới tính nói riêng và quyền về thực thể tự nhiên nói chung. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đang kết nối máy cơ khí, điện, điện tử (công nghệ thông tin) với vật lý, sinh học, tâm lý,... Hệ quả là người máy có khả năng biểu đạt cảm xúc đang và sẽ làm biến động không chỉ quyền về giới tính, mà cả quan hệ giữa quyền về thực thể tự nhiên và quyền về thực thể xã hội; ví dụ người máy công nghiệp chiếm quyền làm việc của công nhân, thậm chí cả can dự cả vào quyền về giới tính của con người.

Hiện thực và triển vọng của quyền thực thể tự nhiên và thực thể xã hội của con người trên con đường tiến tới xã hội XHCN

Quyền con người biến đổi trong lịch sử do “sự phát triển của những lợi ích cá nhân thành lợi ích giai cấp, những quan hệ pháp luật thay đổi và có một hình thức văn minh”(5). Quyền con người, nếu xét một cách toàn diện, gồm các quyền sống, quyền lao động và quyền tự do. Chúng thể hiện ba phương diện cơ bản nhất của đời sống con người: trước  hết phải được tồn tại (quyền sống); phải được hoạt động (quyền lao động); và con người phải được khẳng định, được phát triển (quyền tự do).Bảo đảm sự kết nối theo hướng thống nhấtcác quyền sống, quyền lao động và quyền tự do là bảo đảm sự kết nối theo hướng thống nhấtcác quyền về thực thể tự nhiên và quyền về thực thể xã hội.

Mác đã phê phán quan điểm của Hêghen (1770 - 1831) về “mô hình” cá nhân - nhà nước trong xem xét quyền công dân. Phương thức hợp lý để bảo đảm quyền con người, là “mô hình” nhân quyền cá nhân - xã hội. CNXH là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, từng bước giải phóng, phát triển toàn diện con người bằng cách bảo đảm quyền cho đại đa số thành viên xã hội, về đại thể, theo các bước: a/ Trước hết thiết lập quyền chính trị cơ bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. “Giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”, “giành lấy dân chủ”, tức chủ động giành quyền chính trị cơ bản (quyền tổ chức và quản lý nhà nước), nhằm không chỉ hướng đến “xã hội công dân”, mà hướng đến xã hội loài người. b/ Trên cơ sở quyền chính trị cơ bản, phát triển, thể chế hóa và bảo đảm các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa cho đại đa số thành viên xã hội, nhằm từng bước hướng đến việc bảo đảm tính phổ biến, tính cộng đồng, tính bình đẳng trong việc bảo đảm quyền con người, nhằm kết nối hài hòa giữa quyền về thực thể tự nhiên và quyền về thực thể xã hội ở mỗi người và mọi người. Mục tiêu lý tưởng cuối cùng có thể là: quyền thống nhất với tự do trong các cộng đồng lao động tự do, để mỗi người có năng lực thụ hưởng (quyền) tự do của mình đẩy đủ, sâu sắc bao nhiêu thì cũng đồng thời tạo điều kiện cho mọi người thụ hưởng (quyền) tự do của họ đầy đủ và sâu sắc bấy nhiêu.

Bảo đảm quyền con người trên cả hai phương diện thực thể tự nhiên và thực thể xã hội, đều gắn liền với thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu về các quyền vật chất, tinh thần của nhân dân. 

Đương nhiên, quyền con người phải thông qua chế độ dân chủ mới được bảo đảm hiện thực hóa một cách thực tế, do dân chủ cơ bản là quyền chính trị của người dân, đặc biệt trong quá trình tham gia vào các công việc nhà nước. Bảo đảm quyền con người gắn với quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN và các tổ chức xã hội. Bởi vì, nhà nước pháp quyền thúc đẩy thực hiện những nguyên tắc cốt lõi của cách tiếp cận dựa trên quyền con người  (right-based approach - RBA, hoặc human right-based approach) trong quản lý nhà nước, như sự tham gia, trách nhiệm giải trình, sự minh bạch, chức trách của nhà nước, và có khả năng quản trị tốt, nhằm giải quyết hài hòa và thỏa đáng các vấn đề quyền con người trên cả hai phương diện: thực thể tự nhiên và thực thể xã hội .

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1), (2), (4) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.39, 39, 557.

(3) C.Mác - Ph.Ăngghen, Sđd, t.2, tr.187.

(5) C.Mác - Ph.Ăngghen, Sđd, t.3, tr.494.

 

PGS, TS Nguyễn Thanh Tuấn

Viện Nghiên cứu quyền con người,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền