Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Học tập và làm theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh
Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 11:26
2297 Lượt xem

Học tập và làm theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh

(LLCT) - Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”(1). Gần đây nhất, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị”(2). Như vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định là một quá trình thường xuyên, liên tục, vừa có ý nghĩa thiết thực trực tiếp vừa mang tính chất chiến lược lâu dài đối với công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên của Đảng.

Học tập và làm theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh có thể được hiểu ở những nội dung sau:

Thứ nhất, học tập và làm theo phong cách quần chúng của Hồ Chí Minh.

Phong cách quần chúng của Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng hàng đầu trong phong cách làm việc của Hồ Chí Minh, được thể hiện bằng những hành động cụ thể như: sâu sát quần chúng, chú ý tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng, quan tâm đến mọi mặt đời sống nhân dân; tin yêu và tôn trọng con người, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình; giáo dục lãnh đạo quần chúng, đồng thời không ngừng học hỏi quần chúng, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân theo tinh thần lãnh đạo là đầy tớ, nhân dân là chủ. Đặc biệt, tự mình phải mực thước để xứng đáng với sự tin cậy của quần chúng nhân dân. Do đó, Hồ Chí Minh thường yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Người nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “quan cách mạng”, “quan nhân dân”, không thấy mình là người đầy tớ, người học trò của nhân dân. Với cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người luôn sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, thấu hiểu và chia sẻ mọi niềm vui, nỗi vất vả, nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp nhân dân từ nông dân, công nhân, bộ đội, phụ nữ, thanh niên, đến các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng.

Trong 10 năm (1955 - 1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện khoảng 700 lần đi đến các hợp tác xã, các bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị bộ đội... Như vậy, mỗi năm Người đã thực hiện khoảng 70 chuyến đi cơ sở (đây là một kỷ lục khó ai có thể vượt qua, nhất là đối với một lãnh tụ ở tuổi 70). Trong mỗi chuyến đi, Người đều chủ động tìm hiểu đời sống của nhân dân, lắng nghe tiếng nói thật của nhân dân, phát hiện những vấn đề khó khăn ở cơ sở, để từ đó điều chỉnh chính sách, cách thức lãnh đạo để không trở nên giáo điều, có lợi cho nhân dân nhất.

Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc hết lòng, hết sức vì nhân dân, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của cá nhân vì lợi ích của nhân dân. Đây là một đặc điểm có tính chất đặc trưng trong phong cách quần chúng, phong cách nhân dân của Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Cả đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Theo Người, đã coi trọng nhân dân thì phải biết hy sinh vì nhân dân. Đánh giá cao nhân dân nhưng chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình, cái gì cũng cục bộ, địa phương, tự tư, tự lợi thì dân sẽ không nghe. Các nhà nghiên cứu cho rằng, phong cách quần chúng Hồ Chí Minh được thể hiện theo 3 lộ trình: Một là, phải được dân tin; Hai là, phải được dân nghe, dân theo; Ba là, dân sẵn sàng thực hiện, thực hành mọi chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước đề ra(đây là vấn đềquan trọng nhất), tức là nghe rồi, hiểu rồi bắt đầu thực hiện. Bởi, theo Hồ Chí Minh, dân thực hành trước hết là vì lợi ích của chính họ. Nói chuyện với đồng bào tại Chiến khu Việt Bắc tháng 2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi ích cho dân, đấy là một nội dung của tác phong quần chúng. Phong cách quần chúng xét đến cùng đó là phong cách dân vận, phong cách vận động quần chúng, để làm cho dân tin Đảng, tin Nhà nước và để làm cho Đảng, cho Nhà nước hiểu được những gì dân đang cần. Vì vậy, xa rời quần chúng, người cán bộ, đảng viên sẽ giống như cá bị tách khỏi nước, mất hết khả năng và sức sống.

Thấu triệt tinh thần trên, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII xác định rõ: “Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”(3). Đây là nhiệm vụ sống còn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta hiện nay.

Thứ hai, học tập và làm theo phong cách tập thể - dân chủ Hồ Chí Minh.

Gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể luôn thấm sâu trong suy nghĩ và hành động của Hồ Chí Minh. Người thường nói: không một người nào có thể hiểu được mọi thứ, làm hết được mọi việc. Ngay đến anh hùng, lãnh tụ cũng vậy, “Đem so với công việc của cả loài người trong thế giới, thì những người đại anh hùng xưa nay cũng chẳng qua làm tròn một bổn phận mà thôi”(4). Phong cách tập thể - dân chủ Hồ Chí Minh là thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ, tập trung; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Người chỉ rõ: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”(5). Đồng thời, Người luôn tôn trọng dân chủ, coi dân chủ như là một giá trị của sự phát triển xã hội, con người. Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: dân chủ là của quý của nhân dân, thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Như vậy, phong cách tập thể - dân chủ Hồ Chí Minh trước hết bắt đầu từ nhận thức một cách thấu đáo, toàn diện dân chủ với tư cách là một giá trị xã hội, một giá trị của con người và một giá trị để làm người. Để kiến thiết một xã hội trên nền tảng dân chủ thì phải đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng về dân chủ, có phương pháp dân chủ và có phong cách làm việc tập thể - dân chủ.

Với phong cách tập thể - dân chủ, Hồ Chí Minh luôn thực hiện và phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng cũng như đối với quần chúng, phát huy tinh thần làm chủ tập thể của mọi người. Chẳng hạn, khi bàn cách làm và xuất bản sách Người tốt, việc tốt, Người nói: “Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa”(6).

Người phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ, dẫn đến tình trạng người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau, không còn sáng kiến, không còn hăng hái trong khi làm việc. Do đó, Người chỉ rõ: “Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng”(7); hay Người khái quát về dân chủ bằng một mệnh đề giản đơn nhưng hết sức sâu sắc: “dân chủ là làm sao cho dân mở mồm ra”.

Người đòi hỏi phải có phong cách làm việc tập thể - dân chủ thực sự chứ không phải giả tạo, hình thức để che lấp ý đồ xấu của cá nhân. Trong thực tế, dù ở cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, có uy tín lớn trong Đảng và trong nhân dân, Hồ Chí Minh luôn giữ phong cách tập thể - dân chủ với Bộ Chính trị, với các cơ quan đảng và nhà nước, chú ý lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Phong cách làm việc tập thể - dân chủ Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng, trong xã hội để có thể tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của nhân dân, phát huy trí tuệ, sáng tạo của nhân dân, và học cách làm của nhân dân. Đồng thời, trong thực hành dân chủ rộng rãi như vậy thì bao giờ cũng nêu cao trách nhiệm của cá nhân. Khi bàn bạc, xem xét giải quyết một vấn đề thì tận dụng đến mức tối đa ý kiến của mọi người, kể cả ý kiến phản biện, phản đối. Nghĩa là trong bàn bạc để đưa ra các chủ trương, chính sách, phải quyết tâm lấy bằng hết các ý kiến của mọi người. Tuy nhiên, trong những thời điểm then chốt liên quan đến sự thành bại của địa phương, cơ quan, đơn vị, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khác hẳn những hiện tượng coi thường tập thể, hoặc dựa dẫm, ỷ lại tập thể, không quyết đoán, không nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân. Người nhấn mạnh: “Không phải vấn đề gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người vẫn có thể giải quyết được, cũng cứ đưa ra bàn - mới là tập thể lãnh đạo... Những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết đi. Những việc quan trọng mới cần tập thể quyết định”(8). Hơn nữa, trong phong cách tập thể - dân chủ của Hồ Chí Minh là dân chủ bao giờ cũng gắn với kỷ cương, pháp luật, kỷ luật, phép nước. Ở Hồ Chí Minh, càng dân chủ rộng rãi thì kỷ luật, kỷ cương, pháp luật càng phải nghiêm túc, nghiêm minh. Kỷ cương, kỷ luật, pháp luật, nghiêm túc, nghiêm minh là tạo ra môi trường xã hội thuận lợi để thực hành dân chủ tốt hơn.

Trong quan điểm chỉ đạo ở Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng xác định: “...thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”(9). Theo đó, việc học tập và làm theo phong cách tập thể - dân chủ Hồ Chí Minh là một trong những giải pháp có hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Do đó, việc học tập và làm theo phong cách tập thể - dân chủ Hồ Chí Minh, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đi sâu đi sát thực tiễn, gần gũi, gắn bó với nhân dân, tôn trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Cũng như “Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”(10). Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trước hết phải xuất phát từ thực tiễn, “từ nguyện vọng chính đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”(11); mỗi cán bộ, đảng viên phải đau với nỗi đau của nhân dân, không được có thái độ thờ ơ, vô cảm lạnh lùng đối với người dân.

Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và từng tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên”(12). Làm tốt được vấn đề này, chính là chúng ta đã có được sự giám sát chặt chẽ của nhân dân; nhân dân sẽ là những chủ thể tích cực giám sát công tác xây dựng Đảng, sẽ chỉ ra được đích danh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, vô cảm với nhân dân.

Thứ ba, học tập và làm theo phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh.

Sinh ra ở một đất nước có nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp lạc hậu, nhưng Hồ Chí Minh đã sớm tự xây dựng cho mình một phong cách làm việc khoa học thực thụ. Điều này được thể hiện rất rõ ở việc biết quý trọng thời gian và sắp xếp công việc hàng ngày để dành thời gian cho việc tự học của Người trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau này khi đã trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, Người đã định hình một phong cách khoa học trong công tác, trong lãnh đạo.

Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi khi xem xét và quyết định mọi việc đều phải điều tra, nghiên cứu, phân tích toàn diện, phải tôn trọng quy trình ra quyết định, tranh thủ ý kiến của tập thể lãnh đạo và quần chúng. Người chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: vì sao có vấn đề này? xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”(13). Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận rồi mới quyết định và thực hiện đến nơi, đến chốn. Đặc biệt, đối với những vấn đề mới, phức tạp có ảnh hưởng lớn tới tổ chức đảng, đơn vị, bộ đội và nhân dân, cần phải làm thử, làm điểm trước khi quyết định. Tuyệt đối không ra quyết định khi chưa có thông tin đầy đủ, chưa có phương án tính toán hiệu quả. Tránh chủ quan duy ý chí, che giấu khuyết điểm để chạy theo thành tích.

Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh thể hiện ở việc làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung; chương trình, kế hoạch đặt ra phải sát hợp. Người dạy cán bộ, đảng viên: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”. Theo đó, kế hoạch phải sát thực; kế hoạch đặt ra để mình làm và mọi người thực hiện chứ không phải để chiêm ngưỡng. Người phê phán một số cán bộ lãnh đạo: “Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực. Đặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì cũng không triệt để”(14). Vì vậy, Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Kế hoạch một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi, muốn lãnh đạo đúng thì “phải tổ chức sự thi hành đúng”(15). Nếu chương trình kế hoạch có hay đến mấy, nhưng tổ chức thi hành không đúng, thiếu biện pháp thích hợp, bản thân mình thiếu quyết tâm, hoặc không biến quyết tâm của lãnh đạo thành quyết tâm của quần chúng, thì mọi chương trình, kế hoạch đều không trở thành hiện thực.

Đức tính giản dị, khiêm tốn, gần gũi với quần chúng của Hồ Chí Minh luôn được thể hiện trong lời nói, việc làm; ở nếp sống, cách sinh hoạt; trong giải quyết các công việc, luôn thể hiện thái độ cầu thị, khiêm nhường, không cầu kỳ, quan cách, phô trương hình thức, kịp thời giải quyết các nguyện vọng, đáp ứng các quyền lợi chính đáng của quần chúng. Ở khía cạnh nêu gương và làm gương trước quần chúng, ngay từ những năm 1924 trong “Thư gửi đồng chí Pê Tơ Rốp, Tổng thư ký ban phương Đông”, Hồ Chí Minh đã gửi tới những người cộng sản một thông điệp: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(16). Sau này, trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng: “Trước mặt quần chúng, không phải cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”. Theo đó, sự mẫu mực về đạo đức, lối sống là phẩm chất quan trọng hàng đầu trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu về mọi mặt, nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; trong cuộc sống không thu vén lợi ích cá nhân, không lấy của công làm của tư, luôn chăm lo lợi ích cho quần chúng nhân dân.

Trong điều kiện hiện nay, học tập và làm theo phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh chính là nêu cao tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đây cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ ra: “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”(17).

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.202.

(2), (3), (9), (10), (11), (12), (17)  ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.37, 34-35, 35, 47, 47, 47, 38.

(4), (5), (7), (8), (13), (14), (15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.256, 620, 280, 505, 239, 463, 285, 263.

(6) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, sđd, t.10, tr.191.

 

TS Hà Đức Long

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền