Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Những chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác -Lênin về kinh tế kế hoạch, kinh tế hàng hóa trong Chủ nghĩa xã hội
Thứ hai, 23 Tháng 10 2017 08:34
4044 Lượt xem

Những chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác -Lênin về kinh tế kế hoạch, kinh tế hàng hóa trong Chủ nghĩa xã hội

(LLCT) - Kế thừa quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã vận dụng trong thực tiễn nước Nga sau Cách mạng tháng Mười, thông qua Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến. Tuy nhiên, từ thực tiễn cụ thể của đất nước và thế giới, Lênin đã bổ sung, phát triển nhiều quan niệm mới thông qua Chính sách kinh tế mới (NEP). Đây thực chất là quan niệm về chính sách kinh tế hàng hóa sau này.

Bước chuyển đổi quan trọng từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang “phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” (được bắt đầu từ Đại hội VI) và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (Đại hội XII) trải qua cả một quá trình từ lý luận đến thực tiễn và ngược lại. Quan điểm của chủ nghĩa Mác -Lênin về kinh tế kế hoạch, kinh tế hàng hóa đã và đang được bổ sung, phát triển cho phù hợp với tình hình thế giới và đất nước.

1. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, khi đánh giá về vai trò của giai cấp tư sản, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, giai cấp tư sản đã tạo ra lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại(1). Đây là kết quả của sự tập trung thống nhất về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội trong tay giai cấp tư sản, thông qua việc hình thành một dân tộc thống nhất, có một chính phủ thống nhất, một luật pháp thống nhất, một lợi ích dân tộc thống nhất mang tính giai cấp và một hàng rào thuế quan thống nhất. Chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản thực hiện chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Việc tự do cạnh tranh trong xã hội tư sản cũng làm xuất hiện những mặt trái của nền sản xuất, như sản xuất thừa, sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng,…

Chủ nghĩa xã hội, với tư cách là một xã hội kế tiếp, tiến bộ, ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản phải khắc phục các khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, các ông nêu 10 biện pháp cần thực hiện sau khi giai cấp vô sản giành được chính quyền, giành được dân chủ ở các nước tiên tiến: 1) Tước đoạt sở hữu ruộng đất và trao nộp địa tô vào quỹ chi tiêu của nhà nước; 2) Áp dụng thuế lũy tiến cao; 3) Xóa bỏ quyền thừa kế; 4) Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ phiến loạn; 5) Tập trung tín dụng vào tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn; 6) Tập trung tất cả các phương tiện vận tải vào trong tay nhà nước; 7) Tăng thêm số công xưởng nhà nước và công cụ sản xuất; khai khẩn đất đai để cầy cấy và cải tạo ruộng đất theo một kế hoạch chung; 8) Thực hành nghĩa vụ lao động với tất cả mọi người, tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt là cho nông nghiệp; 9) Kết hợp nông nghiệp với công nghiệp, thi hành những biện pháp nhằm làm mất dần sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn; 10) Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xóa bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các công xưởng. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất...(2). Như vậy, tính tập trung về kinh tế, kế hoạch trong sản xuất, đã được nhấn mạnh.

2. Là người kế thừa C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã vận dụng các quan điểm trên trong thực tiễn nước Nga sau Cách mạng tháng Mười Nga thông qua Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến. Tuy nhiên, từ thực tiễn cụ thể nước Nga và thế giới, ông đã có những nhìn nhận và đánh giá lại nhiều biện pháp của C.Mác và Ph.Ăngghen, đồng thời bổ sung, phát triển nhiều quan niệm mới thông qua Chính sách kinh tế mới (NEP). Đây thực chất là quan niệm về chính sách kinh tế hàng hóa sau này, thể hiện ở các điểm sau:

Thứ nhất, chuyển từ Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến sang NEP với đặc trưng theo thị trường và coi trọng vai trò của nông nghiệp

“Chính sách cộng sản thời chiến” (thực hiện từ năm 1918 đến đầu năm 1921) thực chất là một biện pháp tình thế, khi Nhà nước Xô viết phải đương đầu với thù trong, giặc ngoài. Để huy động nguồn lực cho những nhu cầu cấp thiết, các biện pháp mệnh lệnh hành chính thiên về việc sử dụng quyền lực nhà nước để trưng thu lương thực, thực phẩm và các tư liệu sản xuất, kiểm soát việc sản xuất và phân phối sản phẩm đã được ban bố và thực hiện. Tính tập trung, hướng đích luôn được đề cao. Đây là giai đoạn đặc biệt của cách mạng, nhằm tước đoạt quyền lực từ tay giai cấp thống trị vào tay giai cấp vô sản trong khi các thế lực thù địch còn mạnh và còn chống đối liên tục đối với Nhà nước Xô viết non trẻ.

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, phương pháp mệnh lệnh hành chính đã bộc lộ bất cập. Tình trạng trì trệ đã xuất hiện, thậm chí đã có cả những phản ứng gay gắt của xã hội, như “vụ nổi loạn Cronxtat”.Điều này không những làm cho Nhà nước Xô viết gặp nhiều khó khăn mà ngay cả cơ sở xã hội của nhà nước - nông dân, công nhân,… cũng khó khăn, thiếu thốn.

Khoan thư sức dân trong một quốc gia tiền tư bản, một nước tiểu nông còn lạc hậu là yêu cầu cấp thiết và thu mua lương thực thừa, một biện pháp cấp tốc và cương quyết, vừa bảo đảm được nhu cầu của nhân dân trên cơ sở quan hệ hàng hóa - tiền tệ, vừa kích thích kinh tế nông nghiệp phát triển. Việc trao đổi hàng hóa trên cơ sở của nguyên tắc thị trường được thừa nhận và thực hiện, quan hệ hàng - tiền là “đòn bẩy” kinh tế, là hình thức cơ bản của các mối liên hệ giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa thành thị với nông thôn.

NEP đã thừa nhận quan hệ trao đổi hàng hóa - tiền tệ, thừa nhận sự trao đổi mang tính thị trường. Việc thực hiện thu mua lương thực thừa trong nông dân vừa giúp nông dân có điều kiện trong các trao đổi hàng hóa - tiền tệ khác, vừa giải phóng lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, qua đó tạo các nguồn lực quốc gia. Đây thực chất là nâng cao sức dân trong một quốc gia nông nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân, bằng cách nâng cao năng lực sản xuất của chính họ(3). Đây chính là chính sách then chốt để “cải thiện được đời sống của công nhân, tăng cường được liên minh công nông, củng cố được chuyên chính vô sản”(4).

Thứ hai, chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó coi trọng việc sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước

NEP trước hết tập trung vào nông nghiệp, giải quyết tình trạng thiếu lương thực, mà điều quan trọng là phục hồi kinh tế và bảo đảm đời sống của nhân dân. Đi cùng với phát triển nông nghiệp, NEP cũng nhấn mạnh phải phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát triển “chủ nghĩa tư bản nhà nước” cũng là một biện pháp quá độ, một mắt xích “trung gian quan trọng để xây dựng chủ nghĩa xã hội”. V.I.Lênin cho rằng, chủ nghĩa tư bản nhà nước chỉ là sản phẩm của đấu tranh chính trị, sự nhượng bộ của giai cấp vô sản và nhân dân lao động đối với giai cấp tư sản thông qua việc sử dụng các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật và quản lý sản xuất, được trả thù lao như là những học phí đào tạo cho chính giai cấp vô sản và nhà nước của nó. Lênin cũng cho rằng, với đặc thù nước Nga, thì cần tận dụng những thành tựu sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, song cần hướng nó theo sự phát triển của chủ nghĩa tư bản nhà nước, qua quá trình xây dựng và phát triển sẽ hướng chủ nghĩa tư bản nhà nước sang chủ nghĩa xã hội. Người nhấn mạnh, “liệu có thể kết hợp, liên hợp, phối hợp Nhà nước Xôviết, nền chuyên chính vô sản, với chủ nghĩa tư bản nhà nước được không? Tất nhiên là được”(5), và “kinh tế nông dân, với tư cách là một nền kinh tế tiểu nông, không thể đứng vững được, nếu không có một sự tự do trao đổi nào đó, và không có những quan hệ tư bản chủ nghĩa gắn liền với tự do trao đổi đó”(6). Do vậy, “chúng ta phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản (nhất là bằng cách hướng nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước) làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng cường lực lượng sản xuất lên”(7).

Cách thức sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước có nhiều cách, như: Tô nhượng, chế độ hợp tác, chế độ đại lý, cho thuê… Đây là những cách thức giao kèo, liên kết, liên minh giữa chính quyền nhà nước vô sản với chủ nghĩa tư bản nhà nước và nó có giá trị kép. Một mặt, sự giao kèo, liên kết, liên minh trên sẽ hạn chế tối đa sự phát triển tự phát của tư bản, tư hữu; song mặt khác, hệ quả của nó là giúp cho nhà nước vô sản non trẻ phát triển được lực lượng sản xuất, học tập được kinh nghiệm quản lý, sản xuất và kinh doanh, cũng như nâng cao năng suất lao động, gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm cho xã hội. Theo V.I.Lênin, “Khi “du nhập” chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới hình thức tô nhượng, chính quyền Xôviết tăng cường được nền đại sản xuất đối lập với nền tiểu sản xuất, nền sản xuất tiên tiến đối lập với nền sản xuất lạc hậu, nền sản xuất cơ khí hóa đối lập với nền sản xuất thủ công, nó tăng thêm số sản phẩm mà nó thu được của đại công nghiệp (phần chia cho nó), nó củng cố được những quan hệ kinh tế do nhà nước điều chỉnh đối lập với những quan hệ tiểu tư sản vô chính phủ. Áp dụng một cách có chừng mực và thận trọng, chính sách tô nhượng nhất định sẽ giúp chúng ta cải thiện được nhanh chóng (đến một mức độ nào đó không cao lắm) tình trạng sản xuất, đời sống công nhân và nông dân”(8).

Như vậy, với NEP, nước Nga đã xuất hiện và tồn tại những thành phần kinh tế:  “1. Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một phần lớn có tính chất tự nhiên; 2. Sản xuất hàng hoá nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán lúa mỳ); 3. Chủ nghĩa tư bản tư nhân; 4. Chủ nghĩa tư bản nhà nước; 5. Chủ nghĩa xã hội”(9). Theo V.I.Lênin, cho dù chủ nghĩa tư bản nhà nước về kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế ở Nga giai đoạn đó, song nó không đáng sợ đối với chính quyền Xôviết, do chính quyền đó là chính quyền của công nhân và nông dân nghèo đã được bảo đảm(10).

Thứ ba, cần học tập chủ nghĩa tư bản trên nhiều phương diện

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản là quá trình lịch sử tự nhiên, là nấc thang phát triển trước khi có chủ nghĩa xã hội, do vậy, nền tảng để phát triển chủ nghĩa xã hội phải dựa vào các nền tảng từ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Theo V.I.Lênin, chủ nghĩa tư bản là tốt so với thời trung cổ, với nền tiểu sản xuất, với chủ nghĩa quan liêu(11), nên học tập từ chủ nghĩa tư bản cần phải nhiều hơn nữa(12). Đối với một nước lạc hậu như nước Nga thì giải pháp hiện thực để có được kinh nghiệm, tri thức quản lý hiện đại là học hỏi bằng việc thuê và trả lương cao cho chuyên gia tư sản; học tập, sử dụng các hình thức kinh tế của tư bản, học tập cách thức chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm tổ chức quản lý... 

Tuy nhiên, theo V.I.Lênin, học tập chủ nghĩa tư bản cũng có mặt trái, nhất là sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước. Nếu như phát triển tiểu thủ công nghiệp sẽ hàng ngày hàng giờ tạo ra tư hữu, tạo ra chủ nghĩa tư bản; thì sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước trong điều kiện chủ nghĩa xã hội không làm thay đổi bản chất chế độ tư bản chủ nghĩa trong hình thức này, nên cho dù tính xã hội hóa lực lượng sản xuất ngày càng cao nhưng vẫn không thoát khỏi những hạn chế cố hữu của nó. Do vậy, để sử dụng được các hình thức này, nhà nước vô sản cần kiểm kê, kiểm tra, kiểm soát thông qua các công cụ quản lý nhà nước, định hướng chúng đi vào con đường chủ nghĩa xã hội.  

3. Quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin về kinh tế kế hoạch và kinh tế hàng hóa trong chủ nghĩa xã hội là các bước phát triển khác nhau trong nhận thức từ lý luận và thực tiễn. Mỗi quan niệm, tùy theo từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể có những giá trị nhất định. Song, việc thực hiện thái quá một quan niệm, mô hình nào đều có những bất cập nhất định. Điều này đã được lịch sử chứng minh.

Về kinh tế kế hoạch: trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể mô hình kinh tế kế hoạch đã phát huy hiệu quả. Nước Nga (sau đó là Liên bang Xôviết), với việc thực hiện kinh tế kế hoạch tập trung đã phát triển mạnh mẽ, huy động được nguồn lực to lớn cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đủ sức tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, đưa nền kinh tế, quân sự Xôviết vượt lên trở thành siêu cường.

Ở nước ta, việc thực hiện nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã tạo nên sức mạnh đưa đến sự thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Về kinh tế hàng hóa:    

Thứ nhất, kinh tế hàng hóa là thành tựu sự phát triển của xã hội loài người, được chủ nghĩa tư bản phát triển trên một tầm cao mới, đó là lý thuyết nền kinh tế nhiều thành phần, là việc phát triển các quan hệ hàng hóa - tiền tệ, là sự quan tâm đến lợi ích cá nhân trong mối quan hệ quốc gia dân tộc. Việc nhà nước vô sản thực hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần là một bước quá độ về kinh tế trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là bản chất của thời kỳ quá độ, với tính chất đan xen, phức tạp và lâu dài.

Thứ hai, những luận điểm về sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước và việc thực hiện ở Nga qua các hình thức tô nhượng, hợp tác, đại lý hay cho thuê… đã cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc cho các quốc gia đang và kém phát triển xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều hình thức; trong phát triển kinh tế tư bản nhà nước; liên kết phát triển kinh tế tư bản tư nhân và quan hệ với tư bản nước ngoài.

Thứ ba, phát triển kinh tế thị trường là tuân theo quy luật khách quan. Song, phát triển như thế nào, cũng như giảm thiểu những mặt trái từ sự phát triển này đang cản trở sự hình thành các nhân tố xã hội chủ nghĩa là một thách thức. Thực hiện chính sách cộng sản thời chiến ở Nga cho thấy, việc thực hiện những sách lược linh hoạt, mềm dẻo, năng động và sáng tạo.

Thứ tư, trong NEP, ngoài những chỉ dẫn trong việc thực hiện nền kinh tế đa thành phần, trong cách thức sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước, thì chỉ dẫn về coi trọng lợi ích kinh tế quốc gia, tập thể và lợi ích kinh tế cá nhân, cũng như sự kết hợp đan xen giữa các lợi ích này là một chỉ dẫn quý báu. Tùy thuộc tình hình cụ thể, vấn đề coi trọng lợi ích của nhóm chủ thể nào cần được ưu tiên hơn, nhưng về tổng thể thì vẫn cần phải bảo đảm hài hòa giữa các lợi ích này.

Thứ năm, nước ta đã và đang xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp, thực hiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những yêu cầu từ thị trường được đề cao, các thành phần kinh tế được mở rộng với những hình thức sở hữu khác nhau, do đó các hình thức phân phối cũng được thực hiện đa dạng. Tuy nhiên, cũng cần có những chiến lược, kế hoạch cụ thể để ổn định nền kinh tế quốc gia và trước mắt cần xây dựng những định hướng lớn cụ thể trong phát triển đối với từng ngành, từng lĩnh vực, tránh chạy theo thị trường một cách thái quá.

__________________

(1), (2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.603, 627-628.

(3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12) V.I.Lê nin: Toàn tập, t.43, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 263, 263, 268, 376, 276, 270, 248, 252, 276, 281.

TS Nguyễn Dương Hùng

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền