Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Chủ trương của Đảng về giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức nghề nghiệp ngành y
Thứ hai, 23 Tháng 10 2017 09:12
2153 Lượt xem

Chủ trương của Đảng về giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức nghề nghiệp ngành y

(LLCT) - Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đặc biệt quan tâm, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức nghề nghiệp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từ đó nâng cao y đức đội ngũ cán bộ y tế.

Tại Đại hội VI, Đảng ta chủ trương: “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám và chữa bệnh. Tăng cường giáo dục cán bộ nhân viên y tế về thái độ, tinh thần phục vụ... Cố gắng đầu tư thêm cho công tác y tế và chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, văn hóa của đội ngũ cán bộ y tế”(1), “Các chính sách bảo đảm quyền lợi cho cán bộ y tế ở các tuyến, nhất là ở xã, phải được sửa đổi, bổ sung để anh chị em yên tâm làm việc và nâng cao ý thức phục vụ người bệnh”(2).

Mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức trong y tế được Đảng ta xác định là mối quan hệ tác động hai chiều. Kinh tế được chú ý đúng mức sẽ tạo điều kiện cho người cán bộ yên tâm công tác, phát huy tài năng và giữ vững y đức. Ngược lại, y đức được củng cố sẽ thúc đẩy ngành y tế hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa VII (năm 1993), Đảng ta ban hành Nghị quyết số 04 - NQ/HNTW: “Về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”, trong đó khẳng định: “Đào tạo một đội ngũ cán bộ có cơ cấu đồng bộ, thích hợp với từng giai đoạn phát triển của hệ thống y tế, giáo dục y đức và tinh thần phục vụ, truyền thống “thầy thuốc như mẹ hiền”, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng phù hợp với nhiệm vụ được giao. Coi trọng việc trang bị kiến thức phòng bệnh cho cán bộ y tế. Chăm lo đời sống cán bộ y tế. Xây dựng chính sách tiền lương tương xứng với những đặc thù nghề nghiệp. Ngăn chặn và khắc phục mọi hành vi tiêu cực trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân”(3).

Bước vào giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, mối quan hệ lợi ích và y đức của người thầy thuốc được Đảng nhận thức sâu sắc hơn: “Có chính sách đãi ngộ để sử dụng tốt cán bộ y tế, nhất là ở nơi khó khăn. Chấn chỉnh việc thu và sử dụng viện phí. Chống tiêu cực trong các dịch vụ y dược. Đề cao y đức “thầy thuốc như mẹ hiền”(4). Lần đầu tiên Đảng ta đề cập tới việc “đổi mới cơ chế, chính sách viện phí”(5), tạo nguồn lực tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ y tế nhằm hạn chế các tiêu cực trong y đức. 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành y tế trong phát triển bền vững đất nước, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW (2005) “Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, trong đó ghi nhận những kết quả đạt được của ngành y tế trong việc an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; đồng thời cũng chỉ ra những bất cập, yếu kém còn tồn tại như: “Hệ thống y tế chậm đổi mới, chưa thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật; chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân;... Những việc làm vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ y tế chậm được khắc phục”(6). Nghị quyết cũng chỉ ra nguyên nhân của những yếu kém trên là do đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu và yếu, cơ cấu chưa hợp lý, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Do đó, bên cạnh những giải pháp định hướng về chuyên môn, Bộ Chính trị quan tâm “xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo... Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế, chấn chỉnh và khắc phục những biểu hiện tiêu cực tại các cơ sở y tế”(7).

Tại Đại hội X, Đảng ta đưa ra quan điểm mới về chế độ viện phí, tạo cơ sở quan trọng để Nhà nước và ngành y nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vừa tăng nguồn thu cho các bệnh viện để tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo ổn định đời sống cho cán bộ y tế, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách nhà nước đối với ngành mà vẫn giữ được tính định hướng XHCN: “Sửa đổi chế độ viện phí theo nguyên tắc xác định đầy đủ chi phí khám, chữa bệnh và chia sẻ hợp lý trách nhiệm chi trả giữa Nhà nước, xã hội và người bệnh; Nhà nước trợ giúp một phần hoặc toàn bộ viện phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách thông qua bảo hiểm y tế; thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi”(8). Đảng ta chủ trương “đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tài chính của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch... Tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế”(9); thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở y tế, tạo động lực cho người thầy thuốc phát huy chuyên môn và hạn chế các tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp. Đây là bước tiến trong tư duy lý luận của Đảng nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế hoạt động của các đơn vị y tế.

Việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo đúng quy luật sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành y, trong đó nhân tố kinh tế được bảo đảm góp phần tạo ra các giá trị đạo đức và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người thầy thuốc. Ngược lại, những giá trị và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mới được hình thành sẽ tạo động lực, giúp đội ngũ người thầy thuốc hoàn thành tốt nhiệm vụ, gián tiếp hình thành cộng đồng xã hội khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần, góp phần thúc đẩy kinh tế  - xã hội phát triển.

Việc xác định giá dịch vụ y tế sẽ được đổi mới, điều chỉnh theo lộ trình, tính đúng, tính đủ và bảo đảm công khai, minh bạch(10). Việc tính đúng, tính đủ dịch vụ y tế gắn với chất lượng dịch vụ sẽ tạo nguồn lực tài chính cần thiết, bảo đảm thu nhập tương xứng với lao động trí tuệ cho cán bộ y tế, tạo tâm lý yên tâm công tác và cống hiến theo mục đích, tôn chỉ nghề nghiệp của cán bộ y tế.

Như vậy, tư duy của Đảng về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực y tếlà kết quả của quá trình nhận thức, không ngừng được bổ sung, hoàn thiện qua các nhiệm kỳ Đại hội, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ ngành y.

Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách chung và cụ thể để giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế của các thành phần tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là mối quan hệ giữa người cán bộ y tế và bệnh nhân. Điều này thể hiện ở việc Nhà nước không xem nhẹ hoặc lảng tránh lợi ích kinh tế chính đáng của người cán bộ y tế mà việc giải quyết mối quan hệ trên được định hình dần theo cơ chế thị trường.

Với vai trò là chủ thể quản lý, Nhà nước chú trọng tăng mức đầu tư cho y tế, nâng cao tỷ trọng các nguồn tài chính công trong tổng chi tiêu y tế quốc gia, trong đó nguồn tài chính từ ngân sách giữ vai trò chủ đạo. Ngân sách nhà nước cấp cho ngành y tế liên tục tăng trong những năm gần đây, làm diện mạo ngành y tế có sự thay đổi tích cực: Năm 1996, ngân sách chi cho ngành y tế là 3.610 tỷ đồng, năm 2000 là 5.098,7 tỷ đồng. Năm 2014 là 53.803 tỷ đồng(11); toàn ngành đã xây dựng được 13.725 cơ sở y tế các cấp với 291.942 giường bệnh(12); 430.496 cán bộ y tế ở các lĩnh vực khác nhau(13); 99,4% số xã có trạm y tế với 78,5% số trạm có bác sĩ(14),v.v..  Nhà nước đẩy mạnh cải cách, đổi mới cơ chế tài chính ngành y tế, thể hiện ở việc tính đúng, đủ chi phí dịch vụ y tế, chuyển ngân sách nhà nước cho các bệnh viện sang hỗ trợ nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực y tế. Nhiều chế độ phụ cấp, ưu đãi cho cán bộ y tế được sửa đổi, bổ sung và ban hành. Ngoài 6 loại phụ cấp theo quy định chung như các ngành khác, ngành y tế có thêm 9 loại phụ cấp ưu đãi như: chế độ phụ cấp độc hại; chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản; chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề..., đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ y tế, giúp họ yên tâm lao động và cống hiến.

Trong thời gian qua, hơn 430 nghìn cán bộ y tế ở các cấp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi đảm nhiệm khối lượng công việc lớn từ công tác quản lý, y tế dự phòng đến hoạt động trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân. Số lần khám chữa bệnh tăng từ 15 - 20%  qua các năm (chỉ tính riêng năm 2014, ngành y tế đã khám cho 201.662.941 lượt bệnh nhân, 14.729.014 lượt điều trị nội trú, 33.741.864 lượt điều trị ngoại trú, phẫu thuật cho hơn 2.252.445 lượt bệnh nhân)(15), v.v..

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế vào đạo đức ngành y còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như:

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước ở các cấp về y tế còn thiếu kiên quyết, chưa thực sự làm rõ sự cần thiết phải phát triển kinh tế trong y tế phải luôn đi đôi với nâng cao y đức. Các nghị quyết chuyên đề về y tế đề cập nhiều đến đối tượng thụ hưởng mà chưa chú ý đến đối tượng cung cấp dịch vụ. “Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể”(16), dẫn đến lúng túng trong triển khai, tổ chức thực hiện.

Trong xây dựng chính sách đãi ngộ về tiền lương và phụ cấp đối với nghề y còn nhiều điểm chưa phù hợp. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện còn chung chung, thiếu cụ thể nên khó vận dụng. Có những văn bản liệt kê chi tiết song vẫn chưa bao phủ hết đối tượng cần hưởng lợi. Định mức phụ cấp nói chung còn thấp, chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với lao động đặc thù của ngành(17). Chế độ tiền lương, phụ cấp, bồi dưỡng cho thầy thuốc còn thấp, không tương xứng với trách nhiệm nghề nghiệp đặt trên vai của họ. “Lương và phụ cấp cho cán bộ y tế quá thấp, đứng thứ 17 trong tổng số 18 bộ, ngành. Giá dịch vụ thấp, và không được điều chỉnh trong thời gian dài (17 năm), hiện nay dù đã điều chỉnh 3/7 yếu tố cấu thành giá nhưng vẫn chưa được tính đúng, tính đủ...”(18).

Một số cơ sở y tế lạm dụng chính sách xã hội hóa y tế hoặc quá chú trọng đến việc mở các loại hình dịch vụ tự nguyện trong khám chữa bệnh dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử giữa bệnh nhân khám bảo hiểm y tế, bệnh nhân nghèo, bệnh nhân là người dân tộc thiểu số với bệnh nhân khám tự nguyện. Mặt khác, lãnh đạo một số cơ sở y tế mới chỉ chú trọng đến việc thực hành, giữ vững y đức chưa thực sự tìm ra những giải pháp tích cực nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động một cách chính đáng, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” ở các cơ sở y tế công lập.

Việc ban hành những văn bản về y đức mặc dù đã được xây dựng, đổi mới nhưng nhiều nội dung còn chưa phù hợp, chưa kịp thời bổ sung những điểm mới cho phù hợp với thực tiễn đất nước và quy tắc về y đức của một số tổ chức y tế trên thế giới, v.v.. Công tác quản lý hoạt động chuyên môn còn nhiều yếu kém, có tình trạng buông lỏng trong quản lý dẫn đến bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân về y đức.

Để góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn và y đức của đội ngũ cán bộ y tế hiện nay, cả xã hội và ngành y tế cần:

Một là, nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế

Cần đổi mới nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ sở y tế trong việc nâng cao y đức. Yếu tố kinh tế, lợi ích luôn gắn liền với các chủ thể là các cán bộ y tế. Yếu tố lợi ích đóng vai trò là khâu trung gian trong việc chuyển hóa những nhân tố khách quan bên ngoài (hoàn cảnh, môi trường, nhiệm vụ đơn vị, v.v..) thành động lực bên trong để người cán bộ y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kinh tế là cơ sở, nền tảng của đạo đức; khi lợi ích của cán bộ y tế được bảo đảm sẽ tạo điều kiện cho y đức được giữ vững. Ngược lại,y đức tiến bộ sẽ trở thành động lực phát triển ngành y vững mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hai là, xây dựng hệ thống chính sách kinh tế y tế hướng đến đảm bảo lợi ích thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ y tế

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế theo hướng xây dựng phương thức chi trả các loại dịch vụ y tế (theo định suất, trường hợp bệnh) hợp lý; bảo đảm những dịch vụ kỹ thuật cần thiết tối thiểu đối với mọi đối tượng khám bệnh; thực hiện triệt để Nghị định số 85/2012/NĐ-CP (2012) của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; Nghị quyết số 93/NQ-CP (2014) về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế.

Bên cạnh đó cần tích cực đổi mới chế độ chính sách đãi ngộ người lao động, tạo cơ sở vật chất để nâng cao y đức cho cán bộ ngành y tế. Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng y đức cho người cán bộ y tế cần thiết phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần như: tiền lương, thưởng; phụ cấp chức vụ, khu vực, làm thêm giờ, trợ cấp khó khăn; phúc lợi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà công vụ và các dịch vụ xã hội được bao cấp một phần hoặc toàn bộ; lương hưu, nghỉ ốm, nghỉ đẻ, nghỉ phép hàng năm, tham quan du lịch; sự tôn vinh qua các danh hiệu của cơ quan, ngành và Nhà nước trao tặng.

Ba là, hoàn thiện hệ thống văn bản về y đức, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, vi phạm y đức đi đôi với tăng cường giáo dục, rèn luyện nâng cao y đức của cán bộ y tế

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện những văn bản trong ngành y tế về y đức, đưa y đức vào tiêu chuẩn để đánh giá thi đua của cá nhân, tập thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chống quan liêu, tham nhũng trong ngành y tế. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chuyên môn, giao tiếp và thực hiện y đức trong các cơ sở y tế. Kết hợp tốt giữa giáo dục và thi đua. Đối với các vi phạm liên quan đến chuyên môn y tế và y đức, phải khẩn trương giải quyết trên tinh thần công khai, minh bạch theo đúng thẩm quyền được giao.

Để trở thành người thầy thuốc “sáng y đức, vững chuyên môn”, người cán bộ y tế phải gắn quá trình giáo dục của tập thể, tổ chức với quá trình tự giáo dục của bản thân. Chỉ có tự giác rèn luyện mới chuyển hóa một cách tự giác hệ giá trị y đức chung thành hệ giá trị y đức cá nhân mỗi cán bộ y tế, hoàn thiện nhân cách, hoàn thành tốt công việc mà Đảng và Nhà nước giao phó.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1), (2), (4), (5), (8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.72, 147, 361, 353, 706, 768.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.55, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.521-529.

(6), (7) ĐCSVN: Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, 2005.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.302.

(11), (12), (13), (14), (15) Bộ Y tế: Niên giám thống kê y tế năm 2014, Nxb Y học, Hà Nội, tr.40, 46, 54, 94, 107.

(16) ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI), Hà Nội.

(17)Vũ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thế Hùng: “Phân tích thực trạng và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chế độ chính sách phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong các cơ sở y tế công lập”, Tạp chí Chính sách y tế, số 8/2011, tr.21.

(18) Nguyễn Thị Kim Tiến (2016): Xây dựng nền y tế Việt Nam hướng tới công bằng, chất lượng, hiệu quả và phát triển,htttp://www.nhandan.com.vn.

ThS Chu Tuấn Anh

ThS Đỗ Thị Nhường

Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền