Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chi bộ Đảng nông thôn
Thứ năm, 23 Tháng 11 2017 17:34
3195 Lượt xem

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chi bộ Đảng nông thôn

(LLCT) - Chi bộ Đảng là hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện các mặt công tác trên địa bàn, có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Muốn đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, trước hết phải tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng của chi bộ đảng ở nông thôn. Do vậy, cần quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng chi bộ Đảng nói chung và chi bộ đảng ở nông thôn nói riêng.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạng là do chi bộ tốt”(1). Bởi vậy, theo Người, trong tiến trình lãnh đạo, “Đối với Đảng ta, xây dựng chi bộ cho tốt là một việc vô cùng quan trọng”(2).

Hồ Chí Minh sớm quan tâm đến vấn đề xây dựng chi bộ của Đảng Cộng sản. Từ năm 1923, trong một bài báo nhan đề “Nhật Bản”, lần đầu tiên Người đã sử dụng khái niệm chi bộ. Và từ chi bộ đã được Người nhắc tới lần cuối trong Di chúc (1969). Theo thống kê, trong bộ Hồ Chí Minh Toàn tập (15 tập), có 128 tài liệu Hồ Chí Minh sử dụng từ chi bộ và Người đã viết 5 bài riêng về chi bộ, trong đó có 3 bài nói riêng cho chi bộ nông thôn. Trong 10 tài liệu nói trực tiếp về xây dựng chi bộ, có tới 6 tài liệu được viết trong thời kỳ năm 1965-1969. Từ đó cho thấy, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng chi bộ của Đảng.

Bàn về vị trí của chi bộ trong cấu trúc tổ chức của Đảng, Người chỉ rõ: “chi bộ là nền móng của Đảng”(3), “chi bộ là nền tảng của Đảng, của cách mạng ở xã”(4), “chi bộ là gốc rễ của Đảng ở nông thôn”(5), “là đồn luỹ chiến đấu của Đảng chiến đấu ở trong lòng quần chúng”(6)...

Người chỉ rõ “tác dụng của chi bộ cực kỳ quan trọng vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”(7), vì nó là “hạt nhân” lãnh đạo, “là lực lượng điều khiển xung phong”(8) các phong trào ái quốc và xây dựng đất nước của nhân dân.

Với vị trí “nền móng”, “nền tảng”, “gốc rễ”, nên theo Người: “Đảng mạnh là do mỗi chi bộ mạnh”(9).

Khẳng định vị trí là “hạt nhân” lãnh đạo nhân dân ở cơ sở, là “đồn lũy chiến đấu” và là “sợi dây chuyền liên hệ Đảng với quần chúng”, vì vậy, theo Hồ Chí Minh, “chi bộ mạnh hay yếu, công tác của chi bộ tốt hay xấu, ảnh hưởng rất lớn đến việc cải tạo nông thôn”(10), “chi bộ tốt thì chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng”(11), “chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”(12)...

Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh:

- Xét về kết cấu tổ chức: chi bộ là nền móng, gốc rễ của Đảng.

- Xét về thực hiện nhiệm vụ của Đảng: chi bộ là nơi trực tiếp đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và sự thành công của đường lối, chủ trương của Đảng phụ thuộc vào việc thực hiện nhiệm vụ của chi bộ.

- Xét về quan hệ với nhân dân: chi bộ là hạt nhân lãnh đạo, là sợi dây chuyền liên hệ Đảng với nhân dân.

Ba vấn đề trên cho cho thấy, trong toàn bộ cấu trúc tổ chức và thực hiện nhiệm vụ cũng như sức mạnh và uy tín của Đảng đều xuất phát từ chi bộ. Điều đó một lần nữa khẳng định quan điểm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của chi bộ: chi bộ mạnh thì Đảng mạnh, chi bộ mạnh thì mọi việc đều tốt và ngược lại.

Theo Hồ Chí Minh, chi bộ mạnh, chi bộ tốt phải đáp ứng các tiêu chí sau:

“- Luôn tuyên truyền cho nhân dân và tổ chức nhân dân, để thực hiện khẩu hiệu và chính sách của Đảng.

- Luôn chú ý đến tư tưởng và nhu cầu của nhân dân và kịp thời báo cho cấp trên biết rõ.

- Luôn luôn quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá của nhân dân đồng thời giáo dục nhân dân, tổ chức nhân dân để giải quyết các vấn đề cho nhân dân.

Có làm đầy đủ những công việc ấy thì đảng mới liên hệ chặt chẽ với quần chúng.

- Chọn lọc đảng viên mới cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Chi bộ cần thường xuyên giáo dục quần chúng, bồi dưỡng những phần tử hăng hái, nâng cao trình độ giác ngộ của họ đến tiêu chuẩn đảng viên. Khi giới thiệu vào Đảng phải hết sức cẩn thận.

- Chi bộ phải hiểu rõ lý lịch mặt mũi chính trị, trình độ giác ngộ, ưu và khuyết điểm của mỗi đảng viên cũ. Phải đôn đốc họ học tập và tham gia công tác của Đảng.

Đối với những phần tử xấu chui vào Đảng, chi bộ phải điều tra nghiên cứu cẩn thận, cùng với chính quyền và quần chúng tẩy chay. Trách nhiệm của chi bộ là chấp hành kỷ luật Đảng(13).

Như vậy, nhiệm vụ tổng quát của Chi bộ gồm hai vấn đề căn bản: (1) liên hệ chặt chẽ với nhân dân; (2) tuyên truyền vận động nhân dân; (3) xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trên cơ sở đó, tiêu chuẩn một chi bộ mạnh, tốt là phải thực hiện đúng những nhiệm vụ trên. Theo Hồ Chí Minh: “Tóm tắt là: đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì củng cố và phát triển tốt”(14).

Trong nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng, Hồ Chí Minh cho rằng quan trọng nhất là chỉnh đốn chi bộ vì chi bộ là nền tảng của Đảng. Người viết: “Chúng ta cũng phải phê bình nghiêm khắc những chi bộ yếu kém. Ở những chi bộ ấy có những đảng viên không gương mẫu, nội bộ thiếu đoàn kết, xa rời quần chúng. Chẳng những không làm đúng mà còn có nơi, có lúc còn làm trái ngược đường lối, chính sách của Đảng”(15).

“Muốn chỉnh đốn chi bộ tốt thì những phần tử xấu phải xử trí đúng mức: cần đuổi ra khỏi Đảng thì đuổi ra, cần cách chức thì phải cách chức, cần hạ tầng công tác thì hạ tầng công tác, có thể giáo dục thì giáo dục”(16).

Hồ Chí Minh cho rằng, nội dung xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chi bộ đều phải tiến hành trên cả ba mặt: tư tưởng, chính trị, tổ chức, trong đó “Phải luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn(17).

2. Nghiên cứu những vấn đề trên cho thấy, trước hết, cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của chi bộ và nội dung của công tác xây dựng chi bộ trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng theo quan điểm Hồ Chí Minh. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể vận dụng vào thực tiễn hiện nay. Nhận thức không đầy đủ, xác định không sát đúng nội dung xây dựng chi bộ đều dẫn tới không thể xây dựng chi bộ vững mạnh.

Những vấn đề nêu trên tưởng chừng như dễ thấy, dễ làm, nhưng thực tế lại là vấn đề phức tạp mà hiện nay chúng ta đang tập trung giải quyết. Thực tiễn chio thấy, trong những năm qua, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến mất an ninh chính trị hoặc hệ thống chính trị có những phức tạp, có nguyên nhân cơ bản là nhận thức chưa đúng về vai trò và nhiệm vụ của chi bộ. Bởi vậy, cần quán triệt đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn chi bộ, nhất là ở nông thôn, trong điều kiện của cơ chế thị trường. Cần nhấn mạnh những vấn đề sau đây:    

Một là, chi ủy và đảng viên phải quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Trung ương, nâng cao nhận thức về vị trí đặc biệt quan trọng của chi bộ để làm tốt công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng. Phải tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng của các chi bộ, tổ đảng và các đoàn thể ở thôn, bản vững mạnh. Đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.

Hai là, chi ủy chi bộ phải quán triệt và thực hiện đúng đắn quan điểm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; vận dụng cụ thể hơn các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng cho phù họp đặc điểm, tình hình của mỗi địa phương; phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo và không ngừng nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ba là, đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng làng bản văn hóa; kịp thời giải quyết những vướng mắc trong nội bộ nhân dân, không để những mâu thuẫn nhỏ tích tụ, trở thành điểm nóng.

Bốn là, phải thường xuyên chăm lo việc đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ chi ủy chi bộ vững mạnh, có phẩm chất, năng lực; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, củng cố tổ chức chi bộ với các tổ chức mặt trận và đoàn thể vững mạnh, đủ sức xử lý, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở thôn, bản. Thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức về văn hóa, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ đảng viên nhất là ở những nơi có nhiều khó khăn.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chi bộ là nền móng của Đảng, không chỉ có ý nghĩa đối với kết cấu tổ chức, đối với việc thực hiện mục tiêu chung của Đảng mà còn thể hiện vai trò và uy tín lãnh đạo với nhân dân và toàn xã hội. Bởi vậy, việc quán triệt các quan điểm của Người về xây dựng chi bộ ở nông thôn là rất quan trọng đối với tình hình  hiện nay. 

____________

(1), (2), (3), (12), (14), (15), (16), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 92, 77, 211, 211, 77, 78, 467, 235.

(4), (10), (13) Sđd,t.7, tr. 467, 570, 243.

(5), (6), (7) Sđd,t.8, tr. 317, 570, 243.

(8) Sđd,t.9, tr. 14.

(9), (11) Sđd,t.11, tr. 22, 161.

PGS,TS Phạm Hồng Chương

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Tô Hoàng Linh

Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền