Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vận dụng lý luận của V.I.Lênin về sự kết hợp các mặt đối lập để giải quyết các mối quan hệ lớn hiện nay
Thứ sáu, 22 Tháng 12 2017 11:38
22296 Lượt xem

Vận dụng lý luận của V.I.Lênin về sự kết hợp các mặt đối lập để giải quyết các mối quan hệ lớn hiện nay

(LLCT) - Đại hội XII của Đảng (2016) khẳng định: “Tiếp tục quán triệt và xử lý tốt các quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”(1).

Các mối quan hệ này đã được đề cập trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và được Đại hội XII tiếp tục bổ sung, có những mối quan hệ có mâu thuẫn, trong đó các mặt đối lập đều có tính tất yếu tồn tại và có vai trò nhất định trong sự phát triển của xã hội XHCN. Do vậy, việc  tiếp cận và giải quyết chúng đòi hỏi phải có cơ sở lý luận khoa học. Đó chính là lý luận của V.I.Lênin về sự kết hợp các mặt đối lập.

1. Lý luận của V.I.Lênin về sự kết hợp các mặt đối lập

Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) thành công, V.I.Lênin tuy bận rộn với công việc quản lý đất nước, đối phó với thù trong giặc ngoài, nhưng Người cũng dành thời gian để nghiên cứu, phát triển một số vấn đề lý luận, trong đó có phép biện chứng và lôgíc học. Trong lý luận biện chứng về mâu thuẫn, V.I.Lênin đưa ra tư tưởng về “sự kết hợp các mặt đối lập”. V.I.Lênin viết: “Nhưng dù sao chúng ta cũng đã học được ít nhiều chủ nghĩa Mác, đã học được rằng làm thế nào và khi nào có thể và cần phải kết hợp các mặt đối lập, và điều chủ yếu là trong thời gian ba năm rưỡi của cuộc cách mạng của chúng ta, trong thực tiễn chúng ta đã nhiều lần kết hợp các mặt đối lập”(2).

Lý luận về sự kết hợp các mặt đối lập được V.I.Lênin vận dụng để giải quyết các mâu thuẫn xã hội, nhất là trong thực hiện “Chính sách kinh tế mới”. Sự kết hợp các mặt đối lậpkhông phải là xóa bỏ mâu thuẫn,cũng không phải là điều hòa mâu thuẫn một cách vô nguyên tắc, mà đó là sự mềm dẻo trong chính sách của Nhà nước Xôviết trong việc tìm bạn đồng minh để đấu tranh chống kẻ thù chung, trong việc sử dụng một loạt những nhân tố tích cực của cái cũ phục vụ cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới, trong việc giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình xây dựng CNXH, như kết hợp chính sách dàn đều với chính sách có trọng điểm, nhiệt tình cộng sản với hạch toán kinh tế, dân chủ với tập trung, thuyết phục với cưỡng bức, động viên tư tưởng với khuyến khích vật chất... bằng cách không phải thủ tiêu một trong hai mặt đối lập, mà kết hợp chúng lại trong một thể thống nhất biện chứng, vừa đấu tranh với nhau, vừa thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển.

Giải quyết mâu thuẫn không phải lúc nào cũng đồng nhất với việc xóa bỏ mâu thuẫn, lại càng không phải là xóa bỏ một mặtđể mặt kia trở thành cái tuyệt đối. C. Mác đã từng phê phán sai lầm của Pruđông(3) trong cách tiếp cận đối với các mâu thuẫn kinh tế. Pruđông lúc nào cũng thấy có một mặt tốt và một mặt xấu, từ đó ông chủ trương xóa bỏ mặt xấu để lại mặt tốt. Trong tác phẩm Sự khốn cùng của triết học, trả lời cuốn Triết học về sự khốn cùng(4) của Pruđông, C. Mác viết: “Cái cấu thành bản chất của sự vận động biện chứng, chính là sự cùng nhau tồn tại của hai mặt mâu thuẫn, sự đấu tranh giữa hai mặt ấy và sự dung hợp của hai mặt ấy thành một phạm trù mới. Chỉ với việc tự đề ra cho mình vấn đề loại bỏ mặt xấu, người ta cũng đã chặn đứng sự vận động biện chứng rồi”(5)

Thật ra, mâu thuẫn biện chứng không phải lúc nào cũng có thể quy về sự tồn tại của hai mặt tốt - xấu, tích cực - tiêu cực, mà trong đa số trường hợp, cả hai mặt đều có lý do tồn tại và tính tất yếu như nhau. Do đó, nếu loại bỏ một mặt thì mặt còn lại sẽ biến dạng và trở thành tồi tệ hơn. Chẳng hạn, trong mâu thuẫn giữa vô sản và tư sản, nếu coi tư sản và chế độ tư hữu là mặt xấu và loại bỏ nó thì sự nghèo đói của vô sản chẳng những không mất đi mà còn trầm trọng hơn. Đấy chính là lý do mà C. Mác đã dùng cụm từ “Sự khốn cùng của triết học” để mỉa mai “sự nghèo nàn” trong tư tưởng triết học của Pruđông khi Pruđông chủ trương xóa bỏ tư hữu để xóa bỏ sự khốn cùng của giai cấp vô sản. 

Kết hợp các mặt đối lập là một phương pháp giải quyết mâu thuẫn, xuất phát từ thực tế là các mặt đối lập đang tồn tại một cách tất yếu khách quan, mâu thuẫn chưa phát triển đến đỉnh điểm để có thể bị xóa bỏ. Khi mâu thuẫn phát triển đến độ chín muồi và được giải quyết một cách hợp quy luật thì cả hai mặt đều mất đi hoặc chuyển sang một hình thức mâu thuẫn mới. Ví dụ, trong CNXH, giai cấp tư sản và giai cấp vô sản đều mất đi vì họ đã trở thành những người lao động chân chính và không còn “bị tha hóa” nữa. Mâu thuẫn giữa họ không còn là mâu thuẫn giữa bóc lột và bị bóc lột, mà chỉ là mối quan hệ giữa người quản lý và người chịu sự quản lý. Trong điều kiện mâu thuẫn vẫn còn tồn tại một cách khách quan thì việc giải quyết mâu thuẫn không phải là xóa bỏ mâu thuẫn mà là tạo ra sự thống nhất, hài hòa của các mặt đối lập, bảo đảm cho sự đấu tranh của các mặt đối lập diễn ra một cách hợp quy luật, làm cho mâu thuẫn trở thành động lực cho sự phát triển xã hội.

Ta có thể lấy một ví dụ khác sau đây: tự do cá nhân và sự quản lý của nhà nước là hai mặt đối lập, bởi vì chúng cùng tồn tại trong một thể thống nhất làm tiền đề, điều kiện cho nhau, nhưng chúng có sự vận động trái chiều nhau, có khuynh hướng phủ định lẫn nhau. Càng tự do cá nhân bao nhiêu thì sự quản lý của nhà nước càng khó khăn và ngược lại nếu sự quản lý của nhà nước càng chặt chẽ thì tự do cá nhân càng giảm đi. Nhưng nếu ta loại bỏ một mặt, chẳng hạn, tự do cá nhân, thì mục đích của CNXH sẽ còn là gì? (vì tự do, hạnh phúc là mục đích cao nhất của CNXH); còn nếu loại bỏ sự quản lý của nhà nước thì tự do cá nhân sẽ biến thành tự do của một số ít kẻ mạnh, còn đại đa số nhân dân sẽ mất tự do. Chỉ đến khi nào mọi cá nhân đều tự giác trong nhận thức và hành động thì vai trò quản lý của nhà nước mới có thể giảm thiểu được. Tuy nhiên, mâu thuẫn này khó có thể mất đi, vì con người ngoài bản chất xã hội của mình, còn có bản tính tự nhiên không thể loại bỏ được, như tham lam, cá nhân, ích kỷ, hám lợi, v.v..

Lý luận của V.I.Lênin về sự kết hợp các mặt đối lập được các nhà khoa học ở Liên Xô trước đây và ở nước ta coi là một trong những phương pháp giải quyết mâu thuẫn trong thời kỳ quá độ và trong công cuộc xây dựng CNXH.

2. Vấn đề kết hợp các mặt đối lập trong việc giải quyết một số mối quan hệ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta

Đại hội XII đã nêu những mối quan hệ lớn cần phải được quán triệt và xử lý. Chúng ta hiểu quán triệt nghĩa là hiểu thấu vai trò, lý do tồn tại của từng mặt và mối quan hệ tác động, bổ sung lẫn nhau, làm tiền đề cho nhau giữa chúng. Xử lý nghĩa là tìm ra phương pháp tối ưu để giải quyết mâu thuẫn giữa chúng, bởi vì trong các mối quan hệ, có những mặt không chỉ có tác động cùng chiều, bổ sung, thúc đẩy lẫn nhau, mà còn có tác động ngược chiều, nghĩa là mâu thuẫn với nhau. Trong trường hợp những mặt có mâu thuẫn với nhau thì vấn đề không phải là xóa bỏ một mặt, giữ lại mặt kia mà là phải biết “kết hợp các mặt đối lập”.

Ở đây, xin đề cập hai trong số các mối quan hệ lớn:

Một là, mối quan hệ “giữa việc tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa”

Đây là sự cụ thể hóa mối quan hệ có mâu thuẫn giữa kinh tế với chính trị - xã hộitrong điều kiện xây dựng CNXH. Kinh tế và quan hệ sản xuất là lĩnh vực vật chấtcủa xã hội - nó chỉ quan tâm đến “năng suất, chất lượng, hiệu quả”, vấn đề tình cảm, lương tâm trở thành thứ yếu. Còn mối quan tâm của lĩnh vực chính trị và xã hội lại là lợi ích cộng đồng, trong đó sự giúp đỡ những người nghèo, bệnh tật, người già cô đơn không nơi nương tựa... lại rất được coi trọng. Do vậy, tư tưởng cho rằng chỉ cần có kinh tế thị trường, kinh tế thị trường phải được hoàn toàn tự do là rất phiến diện.     

Nền kinh tế nước ta đang xây dựng là một nền kinh tế thị trường, điều này đã được xác định từ khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Các quy luật của kinh tế thị trường mà chúng ta phải tuân theo, đó là: quy luật giá tri và giá trị thặng dư, quy luật cung cầu, cạnh tranh tự do và bình đẳng giữa các doanh nghiệp và thành phần kinh tế; ngoài ra còn một số tiêu chí khác nữa... Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền kinh tế thị trường hoạt động theo đúng các quy luật và tiêu chí của nó để được các nước trên thế giới công nhận.

Một nền kinh tế thị trường không chỉ đem lại lợi ích cho đất nước trong quan hệ kinh tế với các nước khác, mà chủ yếu là vai tròđộng lựccủa nó cho sự phát triển mọi mặt của đất nước. Ở bất cứ nước nào, thời kỳ đầu, kinh tế thị trường cũng không tránh khỏi tình trạng tiêu cực nhiều hơn tích cực, do vậy nhiều người có thái độ phủ định đối với kinh tế thị trường, nhưng khi phát triển lên trình độ cao, kinh tế thị trường sẽ dần dần khắc phục những hạn chế, tiêu cực của nó và phát huy ngày càng nhiều hơn các yếu tố tích cực. Ở trình độ thấpcủa kinh tế thị trường thì làm ăn bất chính thường có lợi hơn làm ăn chân chính, nhưng trong nền kinh tế thị trường trình độ caonhư ở các nước tiên tiến hiện nay, người tiêu dùng đòi hỏi khắt khe về chất lượng hàng hóa và dịch vụ, vì thế “chữ tín” là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp, còn các hiện tượng làm hàng giả, gian lận thương mại sẽ không còn chỗ đứng nữa.     

Tại Đại hội XII, khái niệm “thị trường” được luận giải khá rõ, nhưng “định hướng xã hội chủ nghĩa” mới chỉ được giải thích ở mục đích của nền kinh tế thị trường là nhằm phục vụ “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hiện nay, “định hướng xã hội” đang được nhiều nước áp dụng trong một số lĩnh vực khác nhau. Không chỉ các đảng xã hội chủ nghĩa (socialist party) và đảng cộng sản (communist party) ở các nước, mà cả các đảng theo khuynh hướng “tự do xã hội” (social liberalism) và “dân chủ xã hội” (social democracy), kể các một số đảng theo chủ nghĩa bảo thủ (conservatism) cũng chủ trương kết hợp kinh tế thị trường tự do với việc bảo đảm thực hiện các chính sách xã hội, trong đó có các vấn đề như giải quyết việc làm và bảo đảm thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện về nhà ở, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế toàn dân, phổ cập giáo dục, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, v.v.. Nhiều nhà nước tiên tiến đã đưa ra những quy định về tiền công tối thiểu (theo giờ lao động) để hạn chế tình trạng bóc lột của người thuê mướn lao động. Thí dụ, ở Canada, Nhà nước liên bang và tiểu bang quy định mức chi trả tiền công tối thiểu cho người lao động làm thuê là 10,85 CAD/1giờ (ở British Columbia), 11,4 CAD/1giờ (ở Ontario),  13 CAD/1giờ (ở Nuvavut)(6)...;  ở Mỹ, nhiều tiểu bang cũng có quy định về tiền công tối thiểu cho 1 giờ lao động, như ở New York là 9,75 USD, ở Washington là 11 USD, ở California là 10,5 USD(7). Một số đảng dân chủ - xã hội ở Bắc Âu còn chủ trương đánh thuế thu nhập cao để hỗ trợ người nghèo, trợ cấp người già. Ở Canada, Nhà nước trợ cấp người thất nghiệp hay chuyển đổi nghề nghiệp để học nghề tìm việc làm, trợ cấp người nhập cư, giúp họ học tiếng Anh để hòa nhập cộng đồng...

Ở nước ta, còn không ít người hiểu không đúng về “định hướng xã hội chủ nghĩa”, thậm chí hiểu sai theo nghĩa “định hướng chủ quan”. Có người đặt vấn đề: Ví như dây bầu, dây bí,  tự nó có khả năng định hướng vươn tới nơi có nhiều ánh sáng nhất, nhưng nếu ta định hướng cho nó phát triển về phía bóng tối, liệu như vậy có đúng không? Sự lo lắng này xuất phát từ thực tế trước đây, Nhà nước định hướng “làm ăn tập thể” cho nông nghiệp và các ngành nghề thủ công khác, nhưng đã không mang lại hiệu quả... cả về lý thuyết và thực tế, định hướng là hết sức cần thiết, vấn đề là định hướng đúng hay sai. Không có người làm vườn nào có trình độ hiểu biết và kinh nghiệm lại định hướng cho cây trồng phát triển về phía bóng tối. Người làm vườn giỏi phải biết định hướng cho cây trồng phát triển một cách tối ưu và có lợi nhất. Người lãnh đạo kinh tế cũng vậy, phải biết định hướng cho sự phát triển kinh tế một cách tối ưu nhất, đem lại hiệu quả cao nhất và phục vụ tốt nhất cho xã hội. 

Nền kinh tế thị trường vận động theo quy luật khách quan, cho nên nếu để nó phát triển một cách tự do thì chỉ có kẻ mạnh mới tồn tại và phát triển được. Do đó, vai trò định hướng của Đảng và Nhà nước là hết sức cần thiết, nhằm khắc phục một phần những khuyết tật của cơ chế thị trường, sử dụng nó phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng. Định hướng XHCN không phải là việc làm chủ quan, tùy tiện mà phải có cơ sở khoa học. Cần khắc phục quan niệm sai lầm cho rằng, nước ta là một nước XHCN nên kinh tế thị trường ở nước ta phải khác với các nước tư bản và vì vậy định hướng XHCN phải khác với chính sách xã hội ở các nước tư bản. Mà định hướng XHCN ở nước ta cần tham khảo những giá trị tiến bộ của định hướng xã hội ở các nước phát triển.

Như vậy, chúng ta cần có cách nhìn nhận mới đối với mâu thuẫn, không nên chỉ thừa nhận một mặt và phủ nhận mặt kia, thí dụ khi thừa nhận kinh tế thị trường thì phủ nhận vai trò của định hướng xã hội, khi thừa nhận tự do trong sản xuất kinh doanh thì phủ nhận vai trò quản lý của nhà nước. Phương pháp giải quyết mâu thuẫn không phải là loại bỏ mâu thuẫn hay loại bỏ một mặt, mà là kết hợp hài hòa các mặt đối lập trong một thể thống nhất.     

Hai là, mối quan hệ giữa “Nhà nước và thị trường”

Đây là mối quan hệ chủ quan và khách quan giữa vai trò quản lý của Nhà nước XHCN với  bảo đảm  tự do trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường.

Kinh tế thị trường là một nền kinh tế mở, tự do. Nếu không có tự do trong sản xuất kinh doanh thì không thể có kinh tế thị trường. Nhà kinh doanh sản xuất cái gì, số lượng bao nhiêu, tổ chức dịch vụ gì, đặt cơ sở sản xuất và dịch vụ ở đâu, đầu tư bao nhiêu vốn, thuê bao nhiêu nhân công là do họ hoàn toàn quyết định theo quy luật thị trường. Như vậy, tự do là điều kiện không thể thiếu của thị trường.

Tuy nhiên, không thể để nhà doanh nghiệp tiến hành sản xuất, kinh doanh một cách hoàn toàn tự do, không có sự kiểm soát. Bởi nếu không có sự quản lý của nhà nước hoặc quản lý lỏng lẻo, có thể dẫn đến tình trạng các nhà máy xả nước thải công nghiệp chưa xử lý ra môi trường, nạn chặt cây, phá rừng làm tổn hại môi trường sinh thái... Một hiện tượng khá phổ biến ở nước ta hiện nay là người sản xuất và cung cấp dịch vụ chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến lợi ích cộng đồng, nên đã sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, thậm chí còn tổ chức tiêu thụ thực phẩm bẩn, v.v.. Do vậy, nếu không có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước thì người ta sẵn sàng cung cấp những dịch vụ độc hại, đồi bại cho người có nhu cầu, làm băng hoại đạo lý của xã hội.

Ngay cả ở các nước tiên tiến, các hiện tượng tiêu cực như gian lận thương mại, trốn thuế, rửa tiền, v.v.. vẫn không thể trừ bỏ hết được. Vụ “Hồ sơ Panama” bị tiết lộ thời gian qua đã chứng minh điều này. Cho nên, dù xã hội có trình độ văn minh đến đâu vẫn rất cần vai trò quản lý của nhà nước.

Như vậy, mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và thị trường tự do là mối quan hệ giữa hai mặt đối lập cần phải được kết hợp sao cho hai mặt này nằm trong một thể thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau. Quản lý của nhà nước sẽ góp phần đấu tranh, hạn chế những hiện tượng tiêu cực trong thị trường tự do, giúp cho thị trường phát triển một cách lành mạnh, phục vụ ngày càng tốt hơn cho lợi ích cộng đồng. Ngược lại, khi thị trường phát triển tốt thì nền kinh tế của đất nước sẽ thịnh vượng, Nhà nước sẽ có nguồn thu lớn hơn để đầu tư nhiều hơn vào các công trình công cộng.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2017

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.80.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.259.

(3) Pierre Joseph Proudhon (1809-1865), nhà chính trị, nhà triết học xã hội chủ nghĩa Pháp.

(4) “La philosophie de la misère” (Triết học về sự khốn cùng) là tên tác phẩm của Pruđông, trong đó Pruđông đưa ra triết lý về nguyên nhân và con đường xóa bỏ sự cùng khổcủa giai cấp vô sản. C.Mác đảo ngược cụm từ trên để đặt tên cho tác phẩm của mình, với dụng ý ám chỉ sự nghèo nàntrong triết lý của Pruđông.

(5)C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.191.

(6), (7) Minimum wage in Canada,  en.wikipedia.org.

 

PGS, TS Nguyễn Tấn Hùng

Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng

ThS Dương Thị Phượng

Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Việt Hàn, Đà Nẵng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền