Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Triết học Hồ Chí Minh là triết học của giải phóng và phát triển
Chủ nhật, 16 Tháng 6 2013 00:16
7485 Lượt xem

Triết học Hồ Chí Minh là triết học của giải phóng và phát triển

(LLCT)-Triết học trước Mác là triết học thiên về nhận thức và giải thích thế giới. Còn triết học Mác là triết học không chỉ giải thích thế giới mà chủ yếu còn cải tạo thế giới. Là một nhà biện chứng mácxít, Hồ Chí Minh đã tìm cho mình một hướng tiếp cận mới: Giải phóng thế giới trên cơ sở cải tạo thế giới, cải tạo thế giới chính là để nhận thức thế giới. Nói triết học Hồ Chí Minh là triết học hành động, vì triết học đó lấy thực tế Việt Nam làm điểm xuất phát, lấy cải tạo, biến đổi xã hội Việt Nam làm mục tiêu cho hành động cách mạng của cả cuộc đời mình.

Từ thực tế Việt Nam, Hồ Chí Minh quyết định lựa chọn hướng đi và con đường cứu nước, cứu dân vào năm 1911. Lúc này các phong trào cách mạng Việt Nam đang trong thời kỳ bế tắc, hầu như không có lối ra. Phong trào chống Pháp vẫn tiếp diễn hết lần này đến lần khác ngay từ lúc đế quốc Pháp nổ súng xâm chiếm nước ta. Nhưng, từ các cuộc khởi nghĩa Bình Tây ở Lục Tỉnh, từ phong trào Cần Vương, Văn Thân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân của Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Phan Chu Trinh, v.v.. đến cuộc nổi dậy của Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế và các cuộc khởi nghĩa sau đó đều lần lượt bị thất bại và bị đàn áp dã man. Thực tế đó buộc Hồ Chí Minh phải suy nghĩ và hành động. Tư duy triết học Hồ Chí Minh là tư duy triết học thực tiễn, triết học hành động, vượt qua lối mòn, vượt qua hướng đi của những bậc tiền bối. Với tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo, Hồ Chí Minh quyết định chọn cho mình một hướng đi khác, một con đường cứu nước, cứu dân, tìm được lối ra và cách giải quyết. Tư duy triết học hành động của Người thường nung nấu, trăn trở bởi câu hỏi: làm thế nào để giành được độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, và hạnh phúc cho đồng bào? Đó cũng là mục tiêu mà tư duy triết học thực tiễn của Hồ Chí Minh luôn suy nghĩ và tìm ra lời giải. Đương nhiên, chỉ bằng tư duy đơn thuần thì không thể tìm được đáp án. Người đã trải qua 10 năm lăn lộn khắp bốn châu lục, khảo sát thực tế nhiều nước thuộc địa, nghiên cứu kỹ các cuộc cách mạng tư sản Mỹ, Anh, Pháp, tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng, nhiều học thuyết để bổ sung và làm giàu thêm quá trình tư duy triết học, tìm lời giải cho mục đích chính trị của mình.

Tư duy triết học Hồ Chí Minh đã dẫn đến lôgích tất yếu là gặp chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư duy ấy không gặp gỡ, nhập cuộc với một học thuyết nào khác, mà tất yếu tiếp cận, gắn kết với chủ nghĩa Mác - Lênin -là bởi như Người nói đó là học thuyết cách mạng nhất, chắc chắn nhất, chân chính nhất, có khả năng vạch đường chỉ lối cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Nhưng, đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người không chủ trương học theo lối “dùi mài kinh sử”, thuộc lòng từng câu chữ, từng luận điểm, nguyên lý, mà nắm lấy cái cốt, cái hồn, như Người đã nói là nắm lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, rút ra những gì cần cho cách mạng Việt Nam. Tư duy triết học hành động ấy cho phép Người nghiên cứu, phân tích, làm rõ cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác để rồi đưa ra những luận điểm đầy sáng tạo.

Năm 1924, trong Báo cáo Bắc Kỳ, TrungKỳ và Nam Kỳ, Hồ Chí Minh đề nghị cần xem xét lại lý luận về đấu tranh giai cấp. Người cho rằng Ấn Độ hay Trung Quốc về mặt cấu trúc kinh tế không giống các xã hội phương Tây thời trung cổ cũng như thời cận đại, cho nên đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây. Quan điểm này khác với quan điểm của Xtalin cho rằng, CNXH càng tiến lên thì đấu tranh giai cấp càng gay gắt hơn. Người cũng thừa nhận rằng lý luận về đấu tranh giai cấp sẽ còn đúng cả ở phương Tây và phương Đông.

Người còn đưa một loạt luận điểm cơ bản rất mới mẻ trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Người nói: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.465). Rõ ràng, nếu không từ quan điểm lịch sử cụ thể để phân tích lịch sử và hiện tại, không dựa vào hiện tại để nhận thức và lý giải chủ nghĩa Mác thì không thể nói đến kế thừa, phát triển học thuyết Mác.

Người còn nói: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại” (Sđd, tr.465). Hồ Chí Minh đòi hỏi chủ nghĩa Mác phải được bổ sung cơ sở lịch sử của toàn nhân loại, chứ không phải chỉ ở châu Âu. Bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng đặc thù dân tộc phương Đông, theo Người, đó là chủ nghĩa dân tộc. Chìa khóa mà Người phát hiện để mở cửa cho các dân tộc phương Đông chính là: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước” (Sđd, tr.466). Từ nhận định đó, Hồ Chí Minh đưa ra một dự báo táo bạo, nhưng rất khoa học. Người nói: “Giờ đây, người ta sẽ không làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ. Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì đã lâu lắm rồi, phần lớn thế giới sẽ xôviết hóa và lúc đó, nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế. Trong khi chờ đợi, chủ nghĩa dân tộc sẽ quấy rối chủ nghĩa đế quốc Pháp và bằng việc làm này, Quốc tế Cộng sản sẽ được lợi trực tiếp” (Sđd, tr.467). Điều đó cũng có nghĩa là nhân dân Việt Nam sẽ nắm được động lực vĩ đại của mình - chủ nghĩa dân tộc, đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc để tiến công vào chủ nghĩa đế quốc; và sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam sẽ là đóm lửa đốt cháy chủ nghĩa đế quốc - thực dân. Lời tiên đoán của Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực vào những năm 50, 60 và 70 của thế kỷ XX - phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam đã lan rộng ra phạm vi thế giới và trở thành phong trào giải phóng dân tộc của thế giới thứ ba.

Có thể nói, con đường Hồ Chí Minh đã đi là con đường từ Việt Nam đi ra thế giới để rồi lại trở về Việt Nam, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin để rồi trở về cứu dân cứu nước, từ người đi tìm đường trở thành người dẫn đường cho cả dân tộc đi tới thắng lợi của sự nghiệp giải phóng, độc lập dân tộc và CNXH. Nếu thách thức lần đầu là thách thức của 10 năm tìm đường, đã trải qua nhiều trăn trở, vật lộn với các dòng tư tưởng, các loại chủ nghĩa, các thứ học thuyết để đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, thì thách thức tiếp theo là thách thức về tư duy chính trị thực tiễn, tư duy triết học hành động, thách thức về xác định đường lối chiến lược và sách lược cách mạng mà Người đã tìm mọi cách vượt qua. Đây không phải là sự tình cờ ngẫu nhiên mà là một hành trình lịch sử tất yếu, một cuộc gặp gỡ có tính quy luật của cục diện thế giới đầy biến động với tình hình Việt Nam đang sục sôi cách mạng, chuẩn bị cho một cao trào cứu nước, giải phóng dân tộc chưa từng thấy. Từ đó, Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đưa cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại.

Sau Cách mạng Tháng Tám, trong vòng 30 năm dân tộc ta phải trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, giành lại nền độc lập trọn vẹn cho Tổ quốc vào năm 1975. Trong suốt 30 năm ấy, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảngta đã đề ra được đường lối chiến lược đúng đắn, khoa học và sáng tạo ra biết bao phương pháp cách mạng có thể trở thành kinh nghiệm phong phú cho phong trào giải phóng dân tộc, đưa đến thắng lợi có ý nghĩa thời đại, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ và mở đầu sự thất bại của chủ nghĩa thực dân mới trên phạm vi thế giới.

Trong mấy mươi năm lãnh đạo dân tộc ta đánh thắng hai đế quốc to, Hồ Chí Minh đã có những cống hiến đặc sắc về lý luận cũng như về tư tưởng triết học để cải tạo và biến đổi hiện thực Việt Nam. Tư tưởng chính trị triết học nổi bật nhất mà Người để lại cho đời là tư tưởng gắn liền độc lập dân tộc với CNXH. Xuất phát từ mối quan hệ biện chứng ấy, Người đã thống nhất được sức mạnh của CNXH với chủ nghĩa yêu nước, do đó có thể đánh bại được chủ nghĩa thực dân cả cũ và mới. Khi cả nước đồng thời làm hai nhiệm vụ chiến lược thì mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH càng gắn kết và thâm nhập vào nhau. Trên cơ sở đó, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và CNXH lại càng được kết hợp chặt chẽ và có bước phát triển mới về chất mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử dân tộc. Và khi độc lập dân tộc đã gắn liền với CNXH, thì yêu nước gắn liền với yêu CNXH trở thành tất yếu khách quan. Sức mạnh của cả dân tộc sẽ được nhân lên gấp bội trên cơ sở biện chứng của mối quan hệ hữu cơ đó. Đó thực chất là phép biện chứng của tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc và CNXH.

Nhưng, phép biện chứng của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề gắn liền độc lập dân tộc và CNXH không chỉ có thế, mà xét riêng từng miền lại có sự biểu hiện đặc thù khác nhau. Miền Bắc đánh Mỹ bằng sức mạnh của độc lập dân tộc và của CNXH. Còn sức mạnh của miền Nam là tổng hợp sức mạnh của độc lập dân tộc và CNXH. Miền Nam chiến đấu không chỉ để giải phóng miền Nam, mà còn để bảo vệ miền Bắc XHCN, thực hiện thống nhất nước nhà và tiến lên CNXH. Sức mạnh của miền Nam vừa là sức mạnh tự thân, vừa là sức mạnh bắt nguồn từ hậu phương lớn miền Bắc XHCN, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Ở đây, sức mạnh của cả nước gắn bó với CNXH nên nó có tác dụng động viên, tập hợp một cách rộng rãi nhất mọi lực lượng của dân tộc vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Khi nói đến gắn liền độc lập dân tộc với CNXH, tư tưởng Hồ Chí Minh bao giờ cũng nhấn mạnh đến tác dụng to lớn củacon người Việt Nam. Hồ Chí Minh luôn xem con người là yếu tố cơ bản để giành thắng lợi trong chiến tranh. Con người có giác ngộ cao về mục đích chiến đấu của mình thì mới phát huy đầy đủ khả năng đánh thắng kẻ địch. Thái độ của con người đối với một cuộc chiến tranh luôn luôn gắn liền với mục đích chính trị của cuộc chiến tranh đó, với chế độ xã hội mà cuộc chiến tranh đó hướng tới xây dựng nên sau chiến thắng. Tính năng động của con người Việt Nam bắt nguồn từ đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, từ bản chất cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh, từ sức mạnh tổng hợp của chế độ xã hội mới. Chỉ có những nhân tố ấy mới tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn để đánh thắng kẻ thù trong điều kiện lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít đánh nhiều. Chỉ có Hồ Chí Minh và Đảngta mới đủ tài năng và trí tuệ tập hợp quần chúng lại thành một hệ thống tổ chức cách mạng rộng lớn, mạnh mẽ, hoạt động tích cực, tự giác, với nhận thức rõ ràng về mục đích chiến đấu của mình và được giáo dục theo tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do.

Mặt khác, khi nói đến gắn liền độc lập dân tộc với CNXH trong triết lý Hồ Chí Minh, cần phải nói đến việc gắn chặt sức mạnh của dân tộc ta với sức mạnh của thời đại. Hồ Chí Minh luôn nhận rõ cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta là biểu hiện cụ thể, sinh động sự kết hợp chặt chẽ các mục tiêu cơ bản của thời đại: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhờ đứng trên thế chiến lược thuận lợi của cách mạng thế giới, lại biết khai thác và tận dụng sức mạnh to lớn của các trào lưu cách mạng thế giới, Đảngta dưới sự hướng dẫn của tư tưởng Hồ Chí Minh đã tạo ra sức mạnh nói trên. Ngược lại, bản thân cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta lại tăng cường thêm sức mạnh cho các trào lưu cách mạng thế giới, và góp phần củng cố hệ thống XHCN. Do đó, nó lại góp phần cùng với các trào lưu cách mạng ấy làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng của CNTB, tạo thêm thế tiến công của lực lượng cách mạng, làm cho khả năng giữ gìn hòa bình thế giới càng phát triển mạnh mẽ.

Trên ý nghĩa đó, cách mạng Việt Nam không phải chỉ hoàn thành tốt nghĩa vụ đối với dân tộc mình, mà còn làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả; không chỉ vì lợi ích của bản thân mình, mà còn vì lợi ích chung của phong trào cách mạng các nước. Hồ Chí Minh đã nói: “Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lợi ích của phe xã hội chủ nghĩa, của các dân tộc bị áp bức và của cả loài người tiến bộ, chúng ta đang chiến đấu và chiến thắng một kẻ thù hung ác nhất trên thế giới” (Sđd, t.12, tr.373). Chính trên tinh thần ấy, với tình cảm chân thành, sâu sắc, đồng chí Phiđen Caxtờrô đã nói: “Bằng cuộc đấu tranh anh hùng của mình, nhân dân Việt Nam đã cột chặt nanh vuốt của chủ nghĩa đế quốc và đã ngăn không cho chúng gây tội ác ở những nơi khác trên thế giới”(1).

Trong vấn đề kết hợp độc lập dân tộc với CNXH, Hồ Chí Minh luôn giải quyết đúng đắn lợi ích chân chính của dân tộc mình với lợi ích chung của cách mạng thế giới. Trong khi chăm lo tình hình và lợi ích cách mạng nước ta, Hồ Chí Minh vẫn không xao nhãng nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình. Chấp nhận cuộc đụng đầu lịch sử với chủ nghĩa đế quốc ở Việt Nam, chúng ta chẳng những vì nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng ở các nước khác có thời cơ củng cố, tăng cường thực lực, chuẩn bị tiến công đế quốc trên các hướng khác nhau. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho phong trào cách mạng thế giới, mà còn mang lại cho chính cách mạng nước ta một sự ủng hộ vô giá về tình đoàn kết chiến đấu nhằm cô lập và phân hóa cao độ đế quốc Mỹ xâm lược.

Nếu việc kết hợp giữa lợi ích cách mạng Việt Nam với lợi ích cách mạng thế giới là một nguyên tắc chiến lược của tư duy biện chứng Hồ Chí Minh, thì việc kết hợp giữa sức mạnh của dân tộc Việt Nam với sức mạnh của thời đại cũng là một quy luật tất yếu trong hệ thống quan điểm triết học của Người. Chính trên ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh luôn chủ trương tranh thủ mọi lực lượng, mọi khả năng chống Mỹ, dù lớn, dù nhỏ, lâu dài hay tạm thời, để triệt để cô lập đế quốc Mỹ và bọn tay sai, tập trung mũi nhọn đánh bại chúng hoàn toàn. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, trong tình thế ra sao, Hồ Chí Minh đều cố gắng tận dụng mọi khả năng, dù nhỏ nhất, để tạo ra cho cách mạng nước ta có được bạn đồng minh đông đảo nhất, luôn tăng thế mạnh cho cách mạng.

Tóm lại, triết lý giải phóng và phát triển của Hồ Chí Minh là triết lý xuyên suốt tư tưởng cách mạng không ngừng: từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phát triển thành cách mạng XHCN. Trong điều kiện Việt Nam, muốn tiến hành cuộc cách mạng sau tất yếu phải hoàn thành cuộc cách mạng trước. Chỉ có hoàn thành giải phóng dân tộc tiến lên CNXH, thì mới tiến hành thuận lợi cuộc giải phóng xã hội, giải phóng con người. Triết lý giải phóng và phát triển của Hồ Chí Minh mang đầy đủ tư tưởng biện chứng sâu sắc, toàn diện và triệt để.

 

(1) Xem: Bài nói của Chủ tịch Phiđen Caxtờrô tại cuộc mít tinh ngày 27-3-1974 ở Lahabana, hoan nghênh đoàn đại biểuĐảngvà Chính phủ ta, do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu, sang thăm Cuba.

 

                                                                                         GS Trần Nhâm

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền