Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tiếp cận hệ thống trong quản lý xã hội nông thôn Việt Nam hiện nay
Thứ tư, 24 Tháng 1 2018 16:41
2460 Lượt xem

Tiếp cận hệ thống trong quản lý xã hội nông thôn Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Tiếp cận hệ thống tổng quát bao gồm 3 yếu tố: khái niệm hệ thống, lý thuyết hệ thống và phương pháp hệ thống. Tiếp cận hệ thống xã hội có đặc trưng kép: vừa là tiếp cận hệ thống tổng quát được đặc thù hóa vào khu vực xã hội, vừa có đặc thù riêng của xã hội với tư cách là hệ thống đặc thù. Từ góc nhìn hệ thống xã hội nói chung, hệ thống xã hội nông thôn nói riêng, xem xét tình trạng thống nhất mâu thuẫn biện chứng giữa 2 hệ thống quản lý xã hội: Nhà nước quản lý xã hội nông thôn và cộng đồng làng xã tự quản đề xuất kiến nghị quan điểm định hướng và giải pháp phát triển lành mạnh (tức là phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững) đối với quản lý xã hội trong tiến trình xây dựng nông thôn mới gắn với kiến tạo đô thị mới ở Việt Nam hiện nay.

Khái niệm “hệ thống” -“system” ngày nay được sử dụng khá rộng rãi, song lại có nhiều định nghĩa khác nhau(1). Hệ thống, một cách sơ bộ có thể hiểu là một chỉnh thể thống nhất bên trong giữa các bộ phận hợp thành. Thí dụ như, một nguyên tử, một phân tử, một tế bào, một cơ thể, một gia đình, một cộng đồng làng, một công ty, một trường học, một bệnh viện, một quốc gia, v.v.. đều là hệ thống. Tổng - tích hợp hạt nhân hợp lý của các định nghĩa khác nhau, có thể đưa ra định nghĩa khái quát nhất về hệ thống như sau: “Hệ thống là tập hợp các yếu tố (hay phần tử) tương tác với nhau, và tương tác với môi trường”.

Từ hướng tiếp cận hệ thống nói chung, tiếp cận hệ thống xã hội nói riêng, có thể xem xét tình trạng thống nhất mâu thuẫn biện chứng giữa hai hệ thống quản lý xã hội, tức là giữa nhà nước quản lý xã hội và cộng đồng làng xã tự quản ở khu vực nông thôn. Quản lý xã hội là thuật ngữ ghép từ hai thuật ngữ “quản lý” và “xã hội”. Quản lý (management)(2) là một dạng hoạt động của chủ thể (cá nhân, tập thể, cộng đồng, tổ chức) tác động vào khách thể/đối tượng nhất định trong tự nhiên, xã hội, tư duy nhằm đạt được mục tiêu duy trì hoặc/và phát triển bền vững hệ thống. Quản lý cũng là một loại quan hệ giữa chủ thể (cá nhân, hoặc tập thể) và khách thể/đối tượng nhất định trong tự nhiên, xã hội, tư duy) mà thực chất là mối quan hệ chức năng giữa chủ thể (đóng vai trò điều khiển, khống chế, giám sát, kiểm soát, chỉ đạo, lãnh đạo, tạo điều kiện,...) và khách thể/đối tượng (đóng vai trò bị/được điều khiển, bị/được khống chế, bị/được giám sát, bị/được kiểm soát, bị/được chỉ đạo, bị/được lãnh đạo, bị/được tạo điều kiện,... bởi chủ thể).

Mối quan hệ quản lý là mối quan hệ qua lại, tức là mối quan hệ tương tác giữa chủ thể quản lý và đối tượng bị/được quản lý. Từ góc nhìn hệ thống, quản lý là một loại hệ thống đặc thù, bao gồm hai thành tố cơ bản, một là chủ thể quản lý, hai là khách thể/đối tượng quản lý, và mối quan hệ, tương quan và tương tác giữa chủ thể và khách thể/đối tượng quản lý. Ngoài ra, còn có môi trường (bao gồm những điều kiện tự nhiên, và bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội) quản lý(3). Thuật ngữ “xã hội” (society) ở đây có hàm ý là “xã hội loài người” (human
society), đó là một loại hệ thống đặc thù bao gồm những con người với tư cách là yếu tố của hệ thống xã hội, những hoạt động và những quan hệ giữa người và người cũng như những quan hệ giữa con người với môi trường sinh thái nói riêng, môi trường tự nhiên nói chung. Từ góc nhìn hệ thống, xã hội tổng thể bao gồm 4 lĩnh vực cơ bản: (1)- lĩnh vực kinh tế, (2)- lĩnh vực chính trị, (3)- lĩnh vực văn hóa, (4)- lĩnh vực xã hội; do đó lĩnh vực xã hội (Social Sphere) hay hệ thống xã hội theo nghĩa hẹp (Social System) chỉ là bộ phận hợp thành của hệ thống xã hội tổng thể, toàn thể (Societal System). Từ đây, khi đề cập vấn đề quản lý xã hội, phải lưu ý là theo nghĩa nào: theo nghĩa quản lý lĩnh vực xã hội (social management)(4) hay là theo nghĩa quản lý xã hội tổng thể (societal management)(5)? Quản lý xã hội ở khu vực xã hội nông thôn có đặc trưng kép: một mặt, có tính đặc thù hóa quản lý xã hội nói chung vào Khu xã nông thôn; mặt khác, có tính đặc thù riêng của quản lý xã hội nông thôn. 

Ở Việt Nam hiện nay, khi nói tới quản lý xã hội nói chung và ở khu vực nông thôn nói riêng thì trước hết người ta nghĩ ngay đến nhà nước quản lý xã hội trong cơ chế tổng quát Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tuy nhiên, ở khu vực xã hội nông thôn luôn có sự va chạm giữa quản lý nhà nước và tự quản cộng đồng làng xã(6). Từ hướng tiếp cận hệ thống, và dưới ánh sáng của quan điểm lý thuyết khinh - trọng(7) ta có thể thấu hiểu và hóa giải tình trạng song đề quản lý (managerial dilemma) này như sau: Hoặc là nhà nước quản lý xã hội, hoặc là cộng đồng làng xã tự quản; - vừa là nhà nước quản lý xã hội, vừa là cộng đồng làng xã tự quản; - vấn đề không phải thế, mà là lựa chọn khinh - trọng. Xét về nguyên tắc, có ít nhất 5 khung mẫu khinh - trọng khi lựa chọn giữa nhà nước quản lý xã hội hoặc/và cộng đồng làng xã tự quản. Đó là:

Trong đó, có 2 khung mẫu khinh - trọng thái quá, tạo nên đối cực, đối kháng: một bên chỉ có nhà nước cai trị, thống trị, còn bên kia chỉ có cộng đồng làng tự trị. Ngoài ra, có 2 khung mẫu khinh - trọng có mức độ vừa phải, tạo nên đối trọng (tức là vừa cạnh tranh, vừa hợp tác), một bên là sự hỗn hợp giữa nhà nước quản lý xã hội và cộng đồng làng xã tự quản, nhưng đề cao nhà nước quản lý hơn là cộng đồng làng xã tự quản; còn bên kia là sự hỗn hợp giữa cộng đồng làng xã tự quản và nhà nước quản lý xã hội, nhưng đề cao cộng đồng làng xã tự quản hơn là nhà nước quản lý xã hội.

Cuối cùng, còn một loại khung mẫu đặc biệt, bất phân khinh - trọng giữa nhà nước quản lý xã hội và cộng đồng làng xã tự quản, bao gồm một số khung mẫu đặc trưng, như khung mẫu cân bằng, khung mẫu nhị nguyên, khung mẫu dung hòa, khung mẫu dung hợp bất phân khinh - trọng giữa nhà nước quản lý xã hội và cộng đồng làng xã tự quản.

Điều quan trọng cần lưu ý là sự lựa chọn theo khung mẫu khinh - trọng không nhất thành bất biến mà trái lại, luôn có sự điều chỉnh hoặc thay đổi khinh - trọng sao cho phù hợp với những điều kiện khách quan và cả nguyện vọng chủ quan của chủ thể quản lý. Như đã biết, do tổ chức làng có trước thể chế nhà nước, cho nên trong lịch sử đã từng có thời kỳ cộng đồng làng tự trị; tuy nhiên từ khi xuất hiện nhà nước thống nhất quốc gia thì cộng động làng đã mất quyền tự trị, trừ khi nổi loạn với tâm thức cổ truyền “phép vua thua lệ làng”! Thực ra thì các nhà nước trong truyền thống lịch sử Việt (kể từ nhà nước phương thức sản xuất châu Á, nhà nước phong kiến) và cả nhà nước thực dân nửa phong kiến thời kỳ thuộc địa Pháp đều sử dụng mô thức quản lý xã hội nông thôn dựa trên cộng đồng làng xã(8), do đó cộng đồng làng xã vẫn được tự quản một phần, theo khung mẫu hỗn hợp coi trọng nhà nước quản lý xã hội hơn cộng đồng làng xã tự quản trị.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và cả Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay đã kế thừa hạt nhân hợp lý của khung mẫu hỗn hợp đề cao nhà nước quản lý xã hội hơn cộng đồng làng xã tự quản để quản trị xã hội nông thôn trong phát triển và hội nhập quốc tế.

Vấn đề đặt ra là, ở nông thôn Việt Nam hiện nay khi mà cả nước đang tích cực thực hiện chiến lược quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với kiến tạo đô thị mới thì nên lựa chọn mô hình quản lý xã hội nào là hợp lý, hợp tình nhất? Từ hướng tiếp cận hệ thống xã hội và dưới ánh sáng của quan điểm lý thuyết khinh - trọng cho thấy, cần phải đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống quản lý xã hội nói chung, và ở khu vực xã hội nông thôn nói riêng. Muốn thế cần phải tuân theo tính quy luật chuyển đổi kép: vừa tiếp tục chuyển đổi từ truyền thống đến hiện đại, vừa chuyển đổi từ mô hình hiện đại hóa kiểu cũ sang mô hình hiện đại hóa kiểu mới. Trong tiến trình chuyển đổi kép này, cần phải thực hiện chiến lược tam hóa hệ thống quản lý xã hội, bảm đảm nguyên tắc tam hợp, và hướng tới lý tưởng tam hòa.

Chiến lược tam hóa hệ thống quản lý xã hội bao gồm: (1) Hiện đại hóa (Modernization), (2) Việt Nam hóa (Vietnamization), và (3) Lành mạnh hóa (Healthilization) hệ thống quản lý xã hội nói chung, ở nông thôn nói riêng.

Với góc nhìn hệ thống rộng lớn hơn, đó sẽ là chiến lược tam hóa kép, bao gồm: (1) Hiện đại hóa (Modernization), (2) Việt Nam hóa (Vietnamization), (3) Lành mạnh hóa (Healthilization) hệ thống quản lý xã hội, được đặt trong bối cảnh gia tăng mạnh mẽ: (4) Đa dạng hóa (Diversitization), (5)- Quốc tế hóa (Intrnationalization) và (6) Toàn cầu hóa (Globalization) hệ thống quản lý xã hội. Cụ thể là:

1)- Hiện đại hóa hệ thống quản lý xã hội là quá trình chuyển đổi hệ thống quản lý xã hội từ truyền thống đến hiện đại. Hiện đại hóa nói chung là phạm trù đa nghĩa, tùy thuộc vào sự lựa chọn khinh - trọng mà người ta có điểm nhấn khác nhau như: hiện đại hóa tức là công nghiệp hóa (Industrialization), hiện đại hóa tức là hợp lý hóa (Rationalization), hiện đại hóa tức là dân chủ hóa (Democratization), hiện đại hóa tức là thế tục hóa (Secularization), hiện đại hóa tức là phương Tây hóa (Westernization),... Có thể bổ sung thêm một ý nghĩa quan trọng, theo đó thì hiện đại hóa tức là kế thừa, phát huy, phát triển tinh hoa truyền thống quản lý xã hội ngang tầm thời hiện đại. Ở Việt Nam nói chung, nông thôn Việt Nam hiện nay nói riêng, cần phải kế thừa, phát huy, và phát triển tinh hoa truyền thống lịch sử tự quản cộng đồng làng xã (thể hiện tập trung trong lệ làng hay hương ước) và tinh hoa truyền thống cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thể hiện tập trung ở Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Hiến pháp 1946 tôn trọng quyền phúc quyết của toàn dân về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia (Điều 21).

2)- Việt Nam hóa thường được hiểu là quá trình tiếp thu, cải biên và bản địa hóa tinh hoa du nhập từ bên ngoài thành yếu tố bên trong của Việt Nam. Việt Nam hóa hệ thống quản lý xã hội nói chung, ở nông thôn nói riêng trước tiên cần tiếp thu, cải biên và đồng hóa tinh hoa du nhập từ các nước phát triển, bao gồm mô hình quản trị dân chủ tham gia (participatory democratic goverment) của nhà nước dân chủ cộng hòa (democratic republic state), thực chất là nhà nước dân chủ cộng hòa tôn trọng và hợp tác với xã hội dân sự, và mô hình tự quản chia sẻ (shared self-governance) hay tự quản hợp tác (cooperative self-governance) của xã hội dân sự với nhà nước dân chủ cộng hòa. Đối với nhà nước dân chủ cộng hòa thì mô hình tam quyền nguyên - phân - hợp (lập pháp, hành pháp, tư pháp) là mô hình quản trị dân chủ tham gia (participatory democratic government). Cấu trúc của mô hình quản trị dân chủ tham gia bao gồm sự lồng ghép hay kết hợp 2 trục tương quan và tương tác biện chứng chủ yếu, một trục là giữa dân chủ thông qua đại diện và dân chủ trực tiếp; trục thứ hai là giữa dân chủ hình thức và dân chủ thực tế. Đối với cộng đồng nói chung, cộng đồng làng xã nói riêng thì mô hình tam quyền nguyên - phân - hợp (lập pháp, hành pháp, tư pháp) là mô hình tự quản chia sẻ (shared self-governance) hay tự quản hợp tác (cooperative self-governance) với nhà nước dân chủ cộng hòa. Cấu trúc của mô hình tự quản hợp tác sẽ bao gồm sự lồng ghép hay kết hợp 2 trục tương quan và tương tác biện chứng chủ yếu, một trục là giữa phân quyền và uỷ quyền; trục thứ hai là giữa chính thức và phi chính thức. Hai mô hình quản trị dân chủ tham gia và tự quản hợp tác là hai mô hình đối trọng với nhau. Tương quan này khác hẳn với tình trạng đối cực giữa hai mô hình nhà nước thống trị và mô hình cộng đồng tự trị đã từng có trong lịch sử và cả trong thực tế ngày nay. Mô hình tự quản hợp tác và mô hình quản trị dân chủ tham gia thực chất là cùng một cơ sở lý thuyết phát triển lành mạnh (tức là phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững) kinh tế - xã hội. Hai mô hình này đều có một số nguyên tắc chung, đó là (1) Tăng cường và mở rộng sự tham gia của người dân; thúc đẩy hòa nhập xã hội, (2) Tạo quyền năng cho các thành viên tham gia, (3) Bảo đảm sự hợp lý trong phân quyền và uỷ quyền, (4) Bảo đảm công bằng trong phân phối lợi ích, (5) Cùng chia sẻ một hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa. Vấn đề còn lại là sự lựa chọn khinh - trọng khác nhau. Mô hình quản trị dân chủ tham gia dựa trên sự quản lý của nhà nước, do đó thiên trọng về tổ chức, thiết chế quan phương, chính thức và hệ thống dân chủ thông qua đại diện. Mô hình tự quản hợp tác với Nhà nước Dân chủ Cộng hòa dựa trên sự tự quản cộng đồng nói chung, cộng đồng làng xã nói riêng; do đó thiên trọng về tổ chức, thiết chế phi quan phương, phi chính thức và quy chế dân chủ trực tiếp.

Như vậy, quan điểm để quản trị nông thôn theo mô thức hợp tác sẽ là : (i)- Kết hợp dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, (ii)- Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, (iii)- dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng, (iv)- Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư, cùng xây dựng, cùng phát triển, (v)- Phối hợp nhiều “bàn tay”: Bàn tay vô hình của thị trường, bàn tay pháp lý của nhà nước, bàn tay liên đới của xã hội dân sự, (vi)- Liên kết nhiều “Nhà”: Nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà truyền thông, nhà công tác xã hội,...

Ngoài ra, trong bối cảnh gia tăng hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa toàn diện kinh tế - xã hội, cần phải tiến hành Việt Nam hóa quản lý xã hội theo nghĩa tích cực truyền bá, quảng bá tinh hoa quản lý xã hội tích lũy hàng ngàn năm văn hiến qua tự quản cộng đồng làng xã Việt không chỉ trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà còn trường tồn trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt.

3)- Lành mạnh hóa quản lý xã hội nói chung, ở nông thôn nói riêng bao gồm 3 giải pháp từ thấp đến cao: Trước hết là cải tiến hệ thống quản lý xã hội nông thôn, bằng giải pháp tăng ưu điểm đồng thời giảm khuyết điểm trong quản lý xã hội nông thôn; chủ yếu tiến hành 3 giảm, bao gồm: (1)- Giảm bất cập hệ thống quản lý xã hội, tức là giảm các khuyết tật cấu trúc vừa thừa vừa thiếu của Hệ thống quản lý xã hội; (2)- Giảm lệch chuẩn hệ thống quản lý xã hội, tức là giảm tình trạng rối loạn chức năng của hệ thống quản lý xã hội; (3)- Giảm xung đột hệ thống quản lý xã hội, tức là giảm nguy cơ giải thể hệ thống quản lý xã hội lành mạnh; và 3 tăng, bao gồm: (i)- Tăng dân chủ hóa (democratization), (ii)- Tăng xã hội hóa (socialization), (iii)- Tăng chuyên nghiệp hóa (professionalization) hệ thống quản lý xã hội.

Mức độ cao hơn là cải cách hệ thống quản lý xã hội nông thôn, tập trung vào 3 chống, bao gồm: a)- Chống quan liêu, b)- Chống lãng phí, c)- Chống tham nhũng và 3 xây, bao gồm: (1) Xây dựng tổ chức lành mạnh, (2) Xây dựng thể chế hợp lý, (3) Xây dựng chính sách thiết thực.

Mức độ cao hơn nữa là cách mạng hệ thống quản lý xã hội nông thôn, trước hết là tiến hành chuyển đổi khung mẫu (paradigm) tư duy quản lý xã hội từ đối trọng khung mẫu giữa khung mẫu hỗn hợp đề cao nhà nước quản lý dân chủ tham gia và khung mẫu hỗn hợp đề cao cộng đồng làng xã tự quản sang hòa hợp khung mẫu giữa khung mẫu nhà nước quản lý dân chủ tham gia và khung mẫu cộng đồng làng xã tự quản, đó sẽ là hệ thống quản lý dân chủ toàn vẹn.

Muốn cho chiến lược tam hóa hệ thống quản lý xã hội nêu trên thực hiện được thành công thì, theo chúng tôi, cần phải bảo đảm nguyên tắc tam hợp, tức là (1)- Hợp lý (bao hàm: hợp pháp lý, hợp luân lý, hợp chân lý), (2)- Hợp tình (bao hàm: hợp tình thương, hợp tình yêu, hợp tình nghĩa), và (3)- Hợp đạo (bao hàm: hợp thiên đạo, hợp địa đạo, hợp nhân đạo).

Muốn cho Chiến lược tam hòa và Nguyên tắc tam hợp được trọn vẹn thì phải hướng tới Lý tưởng tam hòa, tức là: (i)- Hòa bình (bao hàm: hòa bình thế giới, hòa bình khu vực, hòa bình quốc gia dân tộc), (ii)- Hòa thuận (bao hàm: hòa thuận gia đình, hòa thuận cộng đồng, hòa thuận xã hội), (iii)- Hòa hợp (bao hàm hòa hợp nhân cách, hòa hợp dân tộc, hòa hợp nhân loại).          

Bài học kinh nghiệm, khái quát lý luận và khoa học về hệ thống quản lý xã hội nói chung, ở khu vực hội nông thôn nói riêng, từ các nước phát triển và đang phát triển ngày càng khẳng định sự đúng đắn, tính hiện đại và tính thiết thực của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và hoàn thiện nhà nước dân chủ cộng hòa, thực chất là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đó là nhà nước biết kết hợp tốt đẹp 2 truyền thống dân chủ: dân chủ thông qua đại diện và dân chủ trực tiếp; kết hợp hài hòa 2 hệ thống tổ chức, thiết chế quan phương (chính thức của nhà nước) và phi quan phương (phi chính thức của cộng đồng, xã hội dân sự); xét về thực chất, đó là nguyên tắc quản lý nhà nước có sự chủ động tham gia tích cực của công dân; lôi cuốn mọi người dân hòa nhập vào tiến trình phát triển lành mạnh (tức là phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững) kinh tế - xã hội.

Bài học kinh nghiệm, lý luận và khoa học sau hơn 30 năm đổi mới ở Việt Nam (1986-2016) cho thấy rõ, nơi nào biết quán triệt và vận dụng sáng tạo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” một cách hài hòa, biết tăng cường sự chủ động tham gia tích cực của người dân theo quy chế dân chủ ở cơ sở xã/phường/thị trấn với khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng thành quả đổi mới” thì ở đó năng lực tự quản cộng đồng càng được củng cố và phát huy, thành tích đổi mới ngày càng được tích luỹ; các mâu thuẫn, xung đột nảy sinh dễ được giải quyết ổn thoả theo truyền thống tình làng, nghĩa xóm, bảo đảm sự đồng thuận xã hội cao, hướng tới một xã hội hài hòa, lành mạnh: vừa ý Đảng hợp lòng dân, và vừa ý dân hợp lòng Đảng. Do vậy, mô hình hệ thống quản lý xã hội nông thôn thích hợp với bản sắc nông thôn Việt Nam là mô hình hệ thống quản lý xã hội hợp tác dựa trên sự phân quyền và ủy quyền hợp lý/hợp tình giữa Nhà nước dân chủ cộng hòa và cộng đồng làng xã, giữa Nhà nước dân chủ cộng hòa và xã hội dân sự hiện đại, tiên tiến.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

 

GS, TS Tô Duy Hợp

Trung tâm Khoa học Tư duy (CTS),

Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền