Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Thứ hai, 26 Tháng 2 2018 16:49
3313 Lượt xem

Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

(LLCT) - Kiểm soát quyền lực nhà nước là vấn đề trọng tâm trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở tất cả các quốc gia. Mục đích của việc kiểm soát quyền lực nhà nước là để ngăn chặn sự tha hóa quyền lực, chuyên quyền, độc đoán trong việc thực thi quyền lực nhà nước, bảo đảm mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng một nhà nước kiểu mới thật sự của dân, do dân, vì dân, bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân.

Những quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua bầu cử; thông qua việc phê bình, đóng góp ý kiến, khiếu nại, tố cáo; thông qua thực hiện quyền phúc quyết và quyền bãi miễn các đại biểu... đến nay vẫn còn nguyên giá trị, định hướng cho việc hoàn thiện cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay.

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực nhà nước

- Sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực

Thứ nhất, kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân

Theo Hồ Chí Minh, dân chủ được hiểu là mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, xuất phát từ nhân dân. Quyền lực củaNhà nước là do nhân dân ủy thác, giao phó: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”(1). Vì vậy, các hoạt động của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không được đặc quyền, đặc lợi. Sự đam mê quyền lực thường dẫn đến tha hóa quyền lực, đề cao chủ nghĩa cá nhân, bè phái, độc quyền, độc đoán khiến bộ máy nhà nước không làm tròn sự ủy thác của nhân dân. “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại cho dân phải hết sức tránh”(2). Cơ sở để kiểm soát quyền lực, theo Hồ Chí Minh, đó là luật pháp. Người chủ trươngxây dựng hệ thống pháp luật đểbảo đảmquyền lựcthực sự là của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân, và do vậy phải do nhân dân xây dựng nên. Người viết:“Đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi thì chính quyền phải dùng phép luật. Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”(3).

Thứ hai, kiểm soát quyền lực để khắc phục sự tha hóa quyền lực, trừng trị và xử lý nghiêm khắc tình trạng lạm dụng quyền lực của cán bộ và cơ quan nhà nước

Hồ Chí Minh thấy rõ nguy cơ của quyền lực làm tha hóa những ngườinắm quyền, biến quyền lực của dân thành quyền lực của một số ít người. Người viết: “Dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh nên khi nắm được chính quyền trong tay vẫn hay lạm dụng...”(4).

Do đó, Hồ Chí Minh đề cao vai trò của việc kiểm soát quyền lực nhà nước, coi đólà phương thức hữu hiệu để bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự là của nhân dân. Người cho rằng: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(5).

Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực. Công tác kiểm soátvừa giúp cho việc lãnh đạo đúng đắn, vừa ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực của cán bộ trong cơ quan Đảng và Nhà nước. Mặt khác, Người cho rằng phải kiên quyết trừng trị những kẻ lạm dụng quyền lực, lợi dụng quyền lực nhân dân trao cho rồi cậy quyền, cậy thế ức hiếp dân chúng, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân.

Nội dung kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân         

Theo Hồ Chí Minh, các phương thức cơ bản để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước là:“Khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các ủy ban, các hội đồng, v.v.; đó là những cách quần chúng kiểm soát những người lãnh đạo”(6).

Thứ nhất, nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua bầu cử

Trong các hình thức nhân dân kiểm soát quyền lực thì bầu cử có vai trò quan trọng, là một hình thứccơ bản để nhân dân thực hiện quyền kiểm soát của mìnhđối với Nhà nước. Theo Hồ Chí Minh, để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nướcthuộc về nhân dân, quan trọng nhấtlà cơ quan quyền lực nhà nướcphải được nhân dân bầu ra một cách dân chủ và tiến bộ.

Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Ngườiđã đề nghị Chính phủ lâm thời cần sớm tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu và xây dựng Hiến pháp. Người cho rằng: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”(7).

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành nhiều sắc lệnh quy định những vấn đề cơ bản nhất của thể chế bầu cử, như: Sắc lệnh số 14, ngày 8-9-1945, trong đó nêu rõ: tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường. Sắc lệnh số 51, ngày 17-10-1945, quy định Tổng tuyển cử tiến hành theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nhờ đó, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta diễn ra thành công tốt đẹp, bầu ra 333 đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri cả nước.

Nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của bầu cử, Người nêu rõ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”(8), rằng: “Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri...”, “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà”(9). Từ đó, Người khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”, “Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”(10).

Bầu cử còn là phương thức để nhân dân chống lại kẻ thù nguy hiểm, Người viết: “Về mặt trận quân sự các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức mạnh như một viên đạn”(11). Đến năm 1953, trong các bài viết về Thường thức chính trị đăng trên báo Cứu Quốc, Hồ Chí Minh tiếp tục bàn về quyền bầu cử của nhân dân. Người viết: “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”(12).

Thứ hai, nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc sử dụng “quyền bãi miễn” các đại biểu

Ngoài hình thức bầu cử, nhân dân còn kiểm soátquyền lực nhà nướcthông qua việc sử dụng “quyền bãi miễn” đại biểu mà mình đã bầu ra nhưng không làm tròn trách nhiệm được giao. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân”(13). “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(14), “Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”(15).

Quan điểm của Hồ Chí Minh đã được cụ thể hóa tại Điều 20, Hiến pháp 1946: “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra”(16). Trong Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy đảm bảo quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”(17).

Thứ ba, nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc sử dụng “quyền phúc quyết”

Theo Hồ Chí Minh, việc nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước còn được thực hiện thông qua quyền phúc quyết đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước. Hiến pháp 1946 đã hiến định quyền phúc quyết để bảo đảm nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực nhà nước.

Điều 32, Hiến pháp 1946 quy định: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viện đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định”. Điều 70 quy định về việc sửa đổi Hiến pháp: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu; b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi; c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”(18).

Hiến pháp 1946 là một mẫu mực trong việc quy định về quyền làm chủ của nhân dân. Ngày nay, quyền phúc quyết được thể hiện ở việc trưng cầu ý dân, một hình thức dân chủ trực tiếp quan trọng để nhân dân tham gia bàn bạc và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời thể hiện việc kiểm soát của nhân dân đối với các quyết sách của Nhà nước, là quyền con người cơ bản đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, đề ra và tổ chức thực hiện rất sớm ở nước ta.

Thứ tư, nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc góp ý, phê bình, bày tỏ ý kiến hay khiếu nại, tố cáo...

Cùng với các hình thức kiểm soát trên, việc góp ý, phê bình, bày tỏ ý kiến hay khiếu nại, tố cáo... của nhân dân đối với cán bộ trong bộ máy nhà nước cũng là những hình thức quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước. Người chỉ rõ: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”(19), và với “...hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”(20).

Hồ Chí Minh cho rằng,phê bình và bày tỏ ý kiến là những cách quần chúng kiểm soát những người lãnh đạo, đồng thời phải dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta. Người khẳng định: “Để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng. Đồng thời, do sự dùi mài của dân chúng, cán bộ và dân chúng đều tiến bộ, lại do đó, cán bộ và dân chúng đoàn kết chặt chẽ thêm”(21).Do đó, “Trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng. Những cán bộ (hoặc cơ quan, đoàn thể) được phê bình cần phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa”(22).

Theo Hồ Chí Minh, quyền khiếu nại, tố cáo liên hệ chặt chẽ với các quyền và nghĩa vụ cơ bản khác của công dân và có vị trí quan trọng trong hệ thống quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo sẽ là phương tiện để nhân dân trực tiếp tham gia vào việc kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước, kiểm soát hành vi của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Trong thư gửi đồng bào Liên khu IV, Người khẳng định “Nước ta là một nước dân chủ, mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm. Khắp nơi có đoàn thể nhân dân như Hội đồng nhân dân, Mặt trận, Công đoàn, Hội nông dân cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc... Những đoàn thể đó là tổ chức của dân, phấn đấu cho dân, bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết với nhân dân, với Chính phủ. Khi ai có gì oan ức, thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả công dân Việt Nam, đồng bào cần hiểu và khéo dùng quyền ấy”(23).

2. Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh vào xây dựng cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước nói riêng, cho đến nay vẫn mang tính thời sự, có giá trị thiết thực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở nước ta hiện nay. Trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Theo đó, có thể bổ sung, làm rõ thêm một số giải pháp chủ yếu để hoàn thiện cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay:

Thứ nhất, đổi mới, hoàn thiện thể chế bầu cử theo hướng dân chủ, tiến bộ

Thể chế bầu cử ở nước ta hiện nay về cơ bản đã từng bước được chú trọng xây dựng khá đồng bộ, quyền bầu cử, các nguyên tắc bầu cử và trình tự, thủ tục bầu cử có sự tiếp cận tới chuẩn mực chung của thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: bầu cử nặng về cơ cấu, tỷ lệ người tự ứng cử còn thấp; hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn còn mang tính hình thức, chưa phát huy được vai trò đại diện cho nhân dân trong việc tham gia bầu cử; ý thức về quyền và nghĩa vụ trong bầu cử của nhân dân chưa cao... Để nhân dân có thể phát huy được quyền làm chủ và quyền kiểm soát của mình thông qua bầu cử, cần hoàn thiện pháp luật bầu cử nước ta theo hướng:

- Đổi mới công tác bầu cử bảo đảm nguyên tắc nhân dân ủy quyền có điều kiện và có thời hạn, tạo điều kiện để nhân dân nắm bắt thông tin, có ý thức trách nhiệm và thực sự làm chủ trong quá trình lựa chọn và bầu ra những người đại diện cho mình.

- Kết hợp hài hòa giữa định hướng, cơ cấu với quyền tự ứng cử, quyền đề cử của công dân và các thể chế xã hội, nâng cao tỷ lệ tự ứng cử nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

- Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu ứng cử viên và giám sát bầu cử. Hoạt động hiệp thương cần có sự đổi mới về mặt thủ tục, đi vào thực chất, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân để lựa chọn và giới thiệu được những đại biểu ưu tú, thật sự xứng đáng tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước.

- Xây dựng và thực hiện cơ chế vận động tranh cử dân chủ, tạo điều kiện để các ứng cử viên tham gia vận động tranh cử, tiếp xúc cử tri, trình bày kế hoạch hành động khi trúng cử. Qua hoạt động tranh cử, cử tri sẽ có thông tin về các ứng cử viên, trên cơ sở đó thực hiện quyền bầu cử của mình một cách thực chất.

- Các phương tiện thông tin đại chúng cần phát huyvai trò trong công tác tuyên truyền về bầu cử, cung cấpthông tin đầyđủ về các ứng cử viên, giúp cử tri có cái nhìn khách quan, toàn diện về các ứng viên, từ đó cósự lựa chọn đúng đắn. Cần cócơ chế đưa tin và bình luận vừa bảo đảm tính dân chủ, vừa bảo đảm tính khách quan, trung thực.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về việc thực hiện bãi miễn đại biểu của nhân dân

Để nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân cần tiếp tục cụ thể hóa các quy định về quyền bãi miễn của cử tri đối với các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Hiện nay,vấn đề bãi miễn đại biểu dân cử mới chỉ đượcquy định một cách khái quátở Hiến pháp2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân2015, Luật Tổ chức Quốc hội2014, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015.Để đảm bảo quyền bãi miễn của nhân dân được thực thi trên thực tế, cần xây dựng luật về bãi miễn đại biểu dân cử của cử tri, trong đó quy định rõ ràng về cơ chế, quy trình cử tri bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện quyền bãi miễn đại biểu của các cử tri, có cơ chế để nhân dân thông qua các tổ chức của mình thể hiện ý chí, kiểm soát và bãi miễn các đại biểu khi cần thiết.

Thứ ba, hoàn thiện các chế định pháp lý để phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội

Tư tưởng Hồ Chí Minh đề cập đến các quyền của nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc góp ý, phê bình, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo... Ngày nay, các quyền đó được thể hiện ở quyền của công dân tham gia thảo luận các công việc chung của đất nước trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong phạm vi cả nước và trong từng địa phương; quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước về xây dựng bộ máy nhà nước và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội...

Để phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội, thực hiện vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước, cần mở rộng quy chế dân chủ cơ sở, có cơ chế để nhân dân có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Việc mở rộng quy chế dân chủ cơ sở sẽ là điều kiện quan trọng để nhân dân tham gia ngày càng thực chất vào các công việc của địa phương, kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước và các quan chức ở địa phương.

Có cơ chế để phát huy và tiếp nhận ý kiến của nhân dân một cách chính xác; phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân trong việc tổ chức, tập hợp nhân dân tham gia vào các hoạt động chung của đất nước; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các luật liên quan như: Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Bầu cử...

Thứ tư, hoàn thiện và triển khai thực hiện trên thực tế Luật Trưng cầu ý dân

Trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ trực tiếp điển hình, thể hiện rõ nhất quyền quyết định cuối cùng thuộc về nhân dân đối với các vấn đề hệ trọng của quốc gia. Quyền này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng và được hiến định trong Hiến pháp 1946 với quy định về quyền phúc quyết.

Ở nước ta hiện nay, trưng cầu ý dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và được cụ thể hóa trong Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, tuy nhiên, trên thực tế do các điều kiện chủ quan và khách quan, việc tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến và triển khai Luật trưng cầu dân ý trong thực tế.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2017

(1), (9), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trịquốc gia, Hà Nội, 2012, tr.263, 565, 375.

(2), (4), (7), (8), (10), (11) Sđd, t.4, tr.51, 51, 7, 153, 153, 166.

(3), (13) Sđd,t.9, tr.259, 263.

(5), (6), (14), (21) Sđd, t.5, tr.327, 328, 75, 336.

(12) Sđd,t.8, tr.263.

(15) Sđd,t.7, tr.269.

(16), (18) http://moj.gov.vn.

(19), (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trịquốc gia, Hà Nội, 2012, tr.81, 419.

(22) Sđd, t.10, tr.414.

(23) Sđd, t.6, tr.397.

 

TS HỒ XUÂN QUANG

Trường Đại học Quy Nhơn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền