Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Nhà nước kiến tạo phát triển - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
Thứ hai, 26 Tháng 2 2018 16:52
4600 Lượt xem

Nhà nước kiến tạo phát triển - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

(LLCT) - Nhà nước kiến tạo phát triển là một khái niệm để chỉ nhà nước có vai trò to lớn trong việc dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế ở tốc độ cao hơn các nhà nước truyền thống và hiện được nhiều quốc gia vận dụng. Từ cách tiếp cận nhà nước của triết học Mác - Lênin thì nhà nước kiến tạo phát triển là một hình thức nhà nước, và nó cũng có thể vận dụng vào các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Lý luận và thực tiễn nhà nước kiến tạo phát triển thế giới có ý nghĩa tham khảo đối với quá trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

1. Khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển

Khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển (NNKTPT) (Developmental State - DS) xuất hiện từ năm1982 trong cuốn sách MITT and the Japanese Miracle của Chalmers Johnson. Khái niệm NNKTPTđược đưa ra nhằm phân biệt với hai kiểunhà nước phổ biến thời bấy giờ là “nhà nước chỉ huy”, tức nhà nước thực hiện kế hoạch hóa tập trung ở các nước XHCNvà “nhà nước điều chỉnh” theo chủ thuyết thị trường tự doở các nước TBCN.

Johnson nghiên cứu mô hình Nhà nước Nhật Bản trong giai đoạn1925 -1975và nhận thấy: Nhà nước Nhật Bản bằng cách chủ động can dự một cách hiệu quả vào thị trường, đồng thời giữ vai trò dẫn dắt, định hướng đã thúc đẩy kinh tế Nhật Bản phát triển trong nhiều năm ở một tốc độ cao mà“nhà nước chỉ huy” và “nhà nước điều chỉnh” chưa làm được. Ông gọi đó là mô hình thứ ba - NNKTPT.

Theo Johnson, một nhà nước muốn thực hiện được mô hình NNKTPT như ở Nhật Bản cần có bốn yếu tố sau: một là, đội ngũ công chức nhà nước không cần quy mô lớn (để quỹ lương không quá lớn)nhưngcầntinh anh, đủ tài năng quản lý; hai là, thể chế chính trị phải bảođảm cho đội ngũ công chức đủ không gian chính trị để thực thi hiệu quả các chính sách của nhà nước; ba là, nhà nước cần đưa ra được sự can thiệp kinh tế thuận ứng với thị trường; bốn là, phải có một tổ chức dẫn dắt, định hướng phát triển kinh tế tương tự như “tổ chức hoa tiêu” thuộc Bộ Công thương Nhật Bản(1).

Đến nay,khái niệm NNKTPTđãđược dùng để nói đến mô hình nhà nước ở nhữngquốc gia chủ động can dự vào thị trường đểđạt được sự phát triển vượt bậc trong nhiềunăm như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thụy Điển, Đan Mạch... Tiêu chí để xem xét một NNKTPTlàmức tăng trưởng GDP trong khoảngthời giandài.

NNKTPT là nhà nước phát huy được mặt tích cực, khắc phục được mặt hạn chế của mô hình“nhà nước chỉ huy” và “nhà nước điều chỉnh”. Nhà nước này không đứng ngoài thị trường nhưng cũng không làm thay thị trường, mà chủ động can dự vào thị trường ở mức độ hợp lý để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu đề ra(2). Đối với các chủ thể tham gia thị trường, NNKTPT không chỉ đề ra khung khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia mà còn định hướng, tạo điều kiện phát triển cho các chủ thể đó trên lĩnh vực kinh tế.

Quá trình phát triển của NNKTPT gồm ba giai đoạn: Giai đoạn đầu từ những năm 20 đến những năm 80 thế kỷ XX- NNKTPT phiên bản 1.0; Giai đoạn thứ hai từ những năm 90 thế kỷ XX- NNKTPT phiên bản 2.0; Giai đoạn thứ ba từ năm 2000 đến nay - NNKTPT phiên bản 3.0(3).

2. Tiếp cận nhà nước kiến tạo phát triển từ góc độ chủ nghĩa Mác - Lênin

Theo Mác và Ăngghen, nhà nước có chức năng giai cấp và chức năng xã hội. Chức năng giai cấp thể hiện ở việcbảo vệ lợi ích và địa vị thống trị của giai cấp cầm quyền. Chức năng xã hội thực hiệnđảm bảo cho xã hội ổn định và phát triển, đáp ứng nhu cầu của các thành viên trong xã hội, mà trước hết là nhu cầu phát triển kinh tế, thể hiện ở việc: Một là, nhà nước phải chăm lo những công việc chung của toàn xã hội, tất cả các thành phần, giai cấp trong xã hội đều được hưởng lợi khi nhà nước thực hiện công việc đó. Hai là, nhà nước phải đáp ứng mọi nhu cầu, lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức trong xã hội không thuộc giai cấp cầm quyền, mà trước hết là nhu cầu, lợi ích kinh tế.

Như vậy, NNKTPTlà nhà nước nghiêng về thực hiện chức năng xã hội, tức là tăng cường hiệu quả, chất lượng chức năng xã hội. Chức năng của NNKTPTkhác “nhà nước chỉ huy” và “nhà nước điều chỉnh”ở chỗ là phải đạt hiệu quả trong việc dẫn dắt, thúc đẩy và duy trì kinh tế phát triển ở tốc độ cao hơn.

Chức năng giai cấp và chức năng xã hội có mối quan hệ chặt chẽ, trong đó “chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào còn thực hiện chức năng xã hội”(4). Nhà nước thực hiện tốt chức năng xã hội là thúc đẩy xã hội phát triển, khi đó lợi ích giai cấp cầm quyền cũng được thực hiện, tức chức năng giai cấp được thực hiện một cách tốt nhất. Do đó, NNKTPT góp phần to lớn trong việc thực hiện chức năng giai cấp, lợi ích giai cấp cầm quyền.

Theo chủ nghĩa Mác -Lênin, kiểu nhà nước tương ứng với các hình thái kinh tế - xã hội và bị quy định bởi phương thức sản xuất. Lịch sử phát triển của xã hội loài người trải qua 5 hình thái kinh tế - xã hội: chiếm hữu nô lệ, phong kiến,tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Tương ứng với đó là các kiểu nhà nước: chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư sản và xã hội chủ nghĩa. Hình thức nhà nước là cách thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Hình thức nhà nước rất đa dạng, tùy theo cách tiếp cận mà có những hình thức khác nhau. Tiếp cận theo chính thể sẽ có chính thể quân chủ, chính thể cộng hòa. Tiếp cận theo cấu trúc nhà nước sẽ có nhà nước đơn nhất, nhà nước liên bang...Mỗi quốc gia,tùy theo điều kiện lịch sử cụ thể mà có thể lựa chọn hình thức nhà nước này hay hình thức nhà nước khác.

Hình thức nhà nước có thể ảnh hưởng tới việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước nhưng không làm thay đổi bản chất nhà nước, tức không làm thay đổi kiểu nhà nước. Một hình thức nhà nước có thể tương thích với nhiều kiểu nhà nước. Ví dụ hình thức cộng hòa dân chủ có thể được sử dụng trong kiểu nhà nước chiếm hữu nô lệ, nhà nước tư sản và cả nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước cho thấy, NNKTPT không phải là một kiểu nhà nước màlà một mô hình nhà nước, bởi mô hình nhà nước đó đã đưa ra cách thức tổ chức và thực thi quyền lực tương đối mới, đặc biệt là trong việc can dự vào thị trường.

Khái niệm NNKTPT đầu tiên được đưa ra từ nghiên cứu một nước tư bản chủ nghĩa là Nhật Bản, mặc dù Nhà nước Nhật Bản được gọi là NNKTPT, nhưng về bản chất vẫn là nhà nước tư sản - nhà nước dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất chủ yếu. Tuy nhiên, đến nay khái niệm NNKTPT không còn là khái niệm độc quyền của chủ nghĩa tư bản nữa mà đã sử dụng rộng rãi trong những quốc gia đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. NNKTPT Trung Quốc được xem là một minh chứng điển hình. Từ sau cải cách mở cửa, Nhà nước Trung Quốc can dự thị trường một cách hợp lý nên đã tạo ra những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế. Năm 1980, nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ 13, nhưng đến năm 2010, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có nền kinh tế đứngthứ haitrênthế giới.Dự báo, khoảng 20 năm nữa Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Sự thành công của Trung Quốc trong việc chuyển hướng từ nhà nước chỉ huy sang NNKTPT đã được các học giả phương Tây nghiên cứu và có những đánh giá tích cực.

Như vậy, NNKTPT là một mô hìnhnhà nước nên có thể thích ứng với các kiểu nhà nước. Một quốc gia cho dù theo kiểu nhà nước nào, tư sản hay vô sản đều có thể lựa chọn mô hình NNKTPT. NNKTPTlà sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, nhưng đồng thời cũng là tinh hoa, giá trị của nhân loại được tạo ra, nên các nước xã hội chủ nghĩa có thể kế thừa trong quá trình phát triển. Việt Nam hiện nayđang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có thể xây dựng thành công NNKTPT.

3. Một số phương hướng xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam

Trong bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam cần“xây dựng một chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”.Điềunày hoàn toàn phù hợp yêu cầu thực tiễn đất nước và nhận được sự đồng tình của toàn Đảng, toàn dân. Xây dựng NNKTPT đang là vấn đề thời sự cấp bách ở nước ta hiện nay. Để góp phần xây dựng thành công mô hìnhNNKTPT,xin đề xuấtmột số phương hướng sau:

Một là, kết hợp chặt chẽ xây dựng NNKTPT với quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Xây dựng NNKTPT phải được thực hiện ngay trong quá trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN. NNKTPT và nhà nước pháp quyền XHCNlà hai hình thức nhà nướctương thích, bổ sung, hoàn thiện lẫn nhau. Ở Việt Nam hiện nay,hai hình thức này thống nhất về mục tiêu và phương pháp: Về mục tiêu, đều hướng tới  thực hiện“dân giàu, nước mạnh, dân chủ,công bằng,văn minh”.Để đạt được mục tiêu đó phải tạo ra sự dân chủ, phát triển trong lĩnh vực kinh tế. NNKTPT kiến tạo cho kinh tế phát triển nhanh, bền vững; ngược lại, hoàn thiện nhà nước pháp quyền giúpkiến tạo sự phát triển nhanh về kinh tế;Về phương pháp, để hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCNphải hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách.Việc hoàn thiện các thể chế nàynhằm kiến tạo sự phát triển kinh tế cũng chính là cách thức xây dựng NNKTPT.

Hai là, xây dựng NNKTPTphải đồng bộ trên ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp

Để xây dựng NNKTPT,trách nhiệm trước hết là ở Chính phủ. Tuy nhiên,trong mô hình nhà nước ở Việt Nam, quyền lực là thống nhất và có sự phân công, phân nhiệm giữa ba cơ quan quyền lực là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Do đó,xây dựng NNKTPTkhông chỉ là trách nhiệm của cơ quan hành pháp, tức của Chính phủ, mà đòi hỏi có sự vào cuộc đồng bộ của cả cơ quan hành pháp và tư pháp. Lập pháp phải xây dựng được hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp với thực tiễnxã hội nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Tư pháp phải giải quyết những công việc thuộc lĩnh vực như tài phán, giải quyết tranh chấp, xét xử... một cách công tâm, minh bạch, nhanh gọn nhằm đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho xã hộivận hành, phát triển ổn định và bền vững.

Ba là, xây dựng NNKTPT gắn với quá trình tinh gọn bộ máy nhà nước

NNKTPT Nhật Bản cũng như các mô hình NNKTPT trên thế giới hiện nay đã chứng minh rằng, NNKTPT phải có bộ máy tinh gọn để quỹ lương không trở thành gánh nặng cho ngân sách, đội ngũ công chức gọn,tinh anh và hoạt động hiệu quả. Hiện nay, thực tế Nhà nước Việt Nam cho thấy,“Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn chồng chéo và chưa đủ cụ thể, chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Thực hiện tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu. Chi lương và phụ cấp chiếm phần lớn trong tổng kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị”(5). Thực trạng này không tương thích với một NNKTPT. Do đó, cần phải tiếp tục tinh gọn bộ máy nhà nước trong quá trình xây dựng NNKTPT ở Việt Nam.

Bốn là, nâng cao hiệu quả điều chỉnh dẫn dắt thị trường của bộ máy nhà nước

Trong nền kinh tế thị trường,vai trò của nhà nước rấtquan trọng. Hiệu lực,hiệu quả của nhà nước thể hiện thông qua việc can dự, điều chỉnh, dẫn dắt thị trường. Mô hình NNKTPT đòi hỏisự can dự, điều chỉnh, dẫn dắt thị trườngcủa nhà nướcở mức độ hợp lý nhất để thúc đẩy thị trường vận hành và phát triển thuận lợi. Trong những năm qua,Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong điều tiết thị trường, tuy nhiên hiệu quả, hiệu lực còn khiêm tốn.Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước, không đạt mục tiêu đề ra; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, chưa có cơ chế đột phá để thúc đẩy phát triển”(6). Do đó,nâng cao hiệu quả điều chỉnh, dẫn dắt thị trường của Nhà nước là yêu cầucấp thiết trong quá trình xây dựng NNKTPT ở Việt Nam hiện nay.

Năm là, nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện chức năng xã hội trong trong lĩnh vực kinh tế

Đểnâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng xã hội trong lĩnh vực kinh tếcủa NNKTPT đòi hỏi Nhà nước phải tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, thuận lợi để phát huy năng lực mọi thành phần kinh tế, đặc biệt làkhu vực kinh tế tư nhân.Đại hội XII khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”(7). Đây làsự kiến tạo phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân về chủ trương,đường lối. Do vậy,Nhà nướcphải hiện thực hóa điều đótrong từng cơ chế,chính sách cụ thể để thúc đẩy lĩnh vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ,tạo động lực quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước.

Sáu là, xây dựng NNKTPTcần kế thừa có chọn lọc giá trị đương đại của các mô hình NNKTPT trên thế giới

Hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình NNKTPT, như mô hình NNKTPT ở  Đông Á gồm các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc; mô hình NNKTPT Scandinavia gồm các nước như Thụy Điển, Đan Mạch.... Mỗi mô hình ngoài những đặc điểm chung của NNKTPT còn có những đặc điểm riêng tùy theo điều kiện hoàn cảnh cụ thể mỗi nước. Các mô hình NNKTPT không phải “nhất thành bất biến”, mà có sự vận động và phát triển.NNKTPT ở mỗi nước trong từng giai đoạn khác nhau cũng có những đặc điểm khác nhau. Do đó kinh nghiệm và bài học về xây dựng NNKTPT tương đối đa dạng. Là một nước nước đi sau trong việc xây dựng NNKTPT, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của các nước đi trước trên tinh thần kế thừa có chọn lọc trong xây dựng NNKTPT phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2017

 (1) Chalmers Johnson: MITI and the Japanese Miracle: The Growth of Industrial Plicy. 1925-1975, Stanford University Press, 1982, tr 18-19.

 (2) Xem Nguyễn Sĩ Dũng:“Nhà nước kiến tạo phát triển”, Báo Nhân dân hằng tháng.

(3) Hoàng Tông Hạo(黄宗昊): “Lý luận về nhà nước kiến tạo phát triển và mô hình Trung Quốc”, Tạp chí Thế giới đương đại và chủ nghĩa xã hội (tiếng Trung), Trung Quốc, số 4 năm 2016, tr.173.

(4) Mác - Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.253.

(5), (6), (7)ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 29, 60, 174.

 

TS Đinh Văn Thụy

Viện Triết học,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền