Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới hiện nay
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 08:57
1959 Lượt xem

Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới hiện nay

(LLCT) - Xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của hệ thống chính trị, trong đó công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, mở đường về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với những quan điểm sâu sắc và rất thiết thực của Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền, việc vận dụng trong xây dựng Nông thôn mới hiện nay là rất cần thiết, thể hiện rõ ở các khâu: nghiên cứu đối tượng, chuẩn bị tốt nội dung, xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền, sử dụng phương pháp tuyên truyền hiệu quả.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trong công tác tuyên truyền và  chính Người là một tấm gương mẫu mực trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng. Người đã có những chỉ dẫn hết sức ngắn gọn, thiết thực về công tác tuyên truyền: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”(1).

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, muốn công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra, cần thực hiện tốt các nội dung sau:

Thứ nhất, phải nghiên cứu kỹ đối tượng. Việc nghiên cứu kỹ về đối tượng tuyên truyền là việc đầu tiên hết sức quan trọng của người cán bộ làm công tác tuyên truyền. Người căn dặn cán bộ tuyên truyền trước khi nói, viết về một vấn đề nào đó hãy đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”(2) . Nếu “người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”(3).

Trong tuyên truyền nhân dân xây dựng Nông thôn mới hiện nay, đối tượng được tuyên truyền là toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, cho nên để tuyên truyền giáo dục có hiệu quả cao nhất, chủ thể tuyên truyền phải nghiên cứu nắm chắc đặc điểm của đối tượng về độ tuổi, giới tính, thành phần dân tộc, tâm lý, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần nghề nghiệp. Bởi vì, như Chủ tịch  Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “dân chúng không nhất loạt như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiền tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu”(4). Do vậy, tuyên truyền đối tượng nào thì người tuyên truyền phải hiểu về đối tượng đó, hơn nữa cần phải nắm vững quan điểm của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với bộ phận dân cư đó như thế nào? từ đó có cách thức tuyên truyền cho phù hợp? Ví dụ, tuyên truyền xây dựng Nông thôn mới cho đối tượng là nông dân thì ngoài việc nắm bắt đặc điểm tâm lý của người dân ở từng vùng miền, cần nắm được những biến đổi của giai cấp nông dân Việt Nam hiện nay, về số lượng, chất lượng, cơ cấu,... Khi đối tượng tuyên truyền khác nhau thì không thể nhất loạt một nội dung, một phương pháp giống nhau. Đối tượng là cán bộ, đảng viên hay bộ phận nhân dân có trình độ nhận thức cao thì có thể dễ dàng tiếp nhận nội dung mà chủ thể muốn truyền đạt nhưng đối với nhóm cư dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hoặc biên giới, hải đảo, trình độ dân trí còn thấp thì đòi hỏi cán bộ tuyên truyền phải vận dụng linh hoạt nhiều phương thức đa dạng, với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu.

Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, nếu nơi nào cán bộ lãnh đạo, cán bộ tuyên truyền, vận động, hiểu tâm tư nguyện vọng và đặc điểm cư dân, biết cách tuyên truyềnphù hợp thì nơi ấy nhân dân đồng tình ủng hộ. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh cho thấy, nhờ các địa phương trong tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nên trong 5 năm (2011 - 2015), tỉnh đã huy động được3.359 tỷ đồng từ nhân dân đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, không phải nơi nào, lúc nào nhân dân cũng đồng tình ủng hộ. Có những đối tượng cố tình chống đối, kích động người dân không ủng hộ chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới. Với những đối tượng này, cán bộ tuyên truyền phải kiên trì, có thái độ hòa nhã, tăng cường gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi, lắng nghe và giải thích; phải nắm bắt thông tin, đặc điểm, trình độ, các mối quan hệ của đối tượng để lựa chọn thời điểm, nắm bắm thời cơ để thuyết phục thành công. Cán bộ tuyên truyền phải có kiến thức lý luận và thực tiễn phong phú. Trong trường hợp kênh tuyên truyền khó khăn thì có thể khai thác vận dụng kênh tình cảm hoặc các kênh khác.

Thứ hai, phải chuẩn bị tốt nội dung tuyên truyền. Để nội dung tuyên truyền có tính thuyết phục cao, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ tuyên truyền: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”(5), khi “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”(6).

Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới hiện nay, có rất nhiều nội dung với lượng thôn tin lớn cần truyền tải đến cán bộ và nhân dân. Từ các chỉ tiêu của bộ tiêu chí Nông thôn mới, đến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra trong xây dựng Nông thôn mới, hay những thuận lợi, khó khăn của địa phương, gia đình,... Khi lựa chọn và chuẩn bị nội dung tuyên truyền, người cán bộ làm công tác truyên truyền phải quán triệt những chỉ dẫn sâu sắc, thiết thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung tuyên truyền sao cho phản ánh đúng nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Thứ ba, về lực lượng làm công tác tuyên truyền. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng nào làm cách mạng thì phải tuyên truyền cách mạng. Hay nói cách khác, chủ thể tuyên truyền chính là chủ thể cách mạng. Đối với sự nghiệp xây dựng Nông thôn mới, được xác định từ Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Đó cũng chính là lực lượng làm công tác tuyên truyền trong xây dựng Nông thôn mới. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chẳng những các người phụ trách tuyên truyền, những người viết báo, viết sách, những người nghệ sĩ là người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, tất cả đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng”(7). Như vậy, chủ thể tuyên truyền là lực lượng rộng rãi, không chỉ cán bộ, đảng viên, cán bộ tư tưởng mới làm công tác tuyên truyền mà tất cả những ai được tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ đều có thể đi tuyên truyền người khác.

Về phẩm chất của cán bộ tuyên truyền ở cơ sở, Người đòi hỏi mỗi cán bộ tuyên truyền phải có ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động trong công việc “phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm”(8) “không phải Trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm”(9). Theo Người, muốn đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ phải tìm hiểu để có kiến thức, hiểu phong tục, tập quán của địa phương, nghĩa là phải nắm vững đối tượng, nắm chắc thực tiễn: “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm. Chớ tưởng rằng: Đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ mà có kết quả”(10).

Trong hoạt động tuyên truyền, nhất là tuyên truyền xây dựng Nông thôn mới hiện nay, cán bộ là khâu quyết định thành công, nhưng điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ tuyên truyền là phải có phẩm chất đạo đức, có nhiệt tình cách mạng, trong mỗi việc làm không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn trách nhiệm, mà còn cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện”(11) và chỉ khi hết lòng yêu thương nhân dân, cán bộ tuyên truyền là một phần của quần chúng nhân dân, mới hiểu nhân dân cần gì để báo cáo lại với Đảng, Nhà nước tìm các biện pháp giúp đỡ nhân dân. 

Thứ tư, về phương pháp, chủ thể tuyên truyền phải đảm bảo được các yêu cầu sau:

Một là, phải biết cách nói. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được”(12).

Người còn phê phán một số người thích dùng những danh từ lạ, từ ngoại quốc ít người hiểu làm cho nhân dân chúng khó tiếp nhận. Chúng ta biết rằng, lực lượng trực tiếp xây dựng và làm chủ Nông thôn mới hiện nay chủ yếu là những cư dân ở nông thôn, trong đó đa số là nông dân với trình độ hạn chế hơn so với những giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội, do vậy, cán bộ tuyên truyền phải ghi nhớ những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để dùng từ ngữ một cách phù hợp nhất trong các bài nói, bài viết tuyên truyền của mình. Phải học cách nói của quần chúng để “nói lọt tai quần chúng”(13) cũng là một kỹ năng cán bộ tuyên truyền cần học hỏi.

Hai là, cần lựa chọn hình thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ thực hiện. Tính dễ hiểu theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem”(14).

Với mục đích cao nhất là diễn đạt nội dung tuyên truyền một cách thực sự dễ hiểu, dễ thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng linh hoạt, uyển chuyển, đa đạng, phong phú các hình thức tuyên truyền. Chẳng hạn, khi sử dụng phương pháp tuyên truyền bằng lời nói trực tiếp, Người đã dùng những hình thức như: lên lớp, diễn giảng, giải thích, nói chuyện, kể chuyện, hướng dẫn, mạn đàm, trao đổi, thảo luận... Khi sử dụng phương pháp tuyên truyền bằng ngôn ngữ viết, Người dùng các hình thức như: viết truyện, viết ký, viết văn chính luận, viết tiểu phẩm, viết kịch, làm thơ, viết thư khen, thư thăm hỏi và lời kêu gọi... tất cả đều mang lại hiệu quả thiết thực.  

Vận dụng các phương pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng Nông thôn mới hiện nay, cán bộ các cấp, các ngành và đoàn thể nhân dân đã sử dụng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả như: tuyên truyền miệng thông qua các buổi họp dân, hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tập huấn, loa phát thanh thôn, xã,...; tuyên truyền cổ động trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, tranh, ảnh, cờ, phướn, panô, áp phích,...; tuyên truyền thông qua các buổi văn nghệ, chiếu phim, các cuộc thi viết, sáng tác về chủ đề xây dựng Nông thôn mới,... tất cả đều mang lại hiệu quả thiết thực và tạo được sự đồng thuận trong toàn thể nhân dân.

Ba là, đề cao yếu tố nêu gương, giáo dục bằng việc làm, hướng dẫn cụ thể. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính việc lấy gương tốt trong cán bộ, đảng viên, quần chúng, những nhân tố tích cực ở cơ sở để giáo dục là phương pháp tuyên truyền, giáo dục sinh động, có sức thuyết phục; là cách thực hành tốt nhất đường lối quần chúng, biết dựa vào dân trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Phương pháp nêu gương, giới thiệu điển hình đã và đang là một trong những phương pháp tuyên truyền mang lại hiệu quả cao trong xây dựng Nông thôn mới. Từ khi triển khai và thực hiện xây dựng Nông thôn mới đến nay, tất các tiêu chí đều đã có mô hình, điển hình tiêu biểu. Việc giới thiệu và nhân rộng những tấm gương điển hình tạo ra một phong trào thi đua sôi nổi trong nhân dân, cùng nhau học tập, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

 Không chỉ coi trọng tuyên truyền những tấm gương điển hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu bản thân người làm công tác tuyên truyền, giáo dục cũng phải là một tấm gương sáng. Người lý giải rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(15), muốn hướng dẫn nhân dân thì tự mình phải mực thước để người ta bắt chước. Đây là phương pháp tuyên truyền không thông qua nói và viết mà bằng việc làm, bằng hành động cụ thể. Hiện nay, nhiều cán bộ ở cơ sở chính là những nhân tố tiên phong đi đầu trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, họ là chủ của những mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt có doanh thu cao và ổn định. Họ là những người cán bộ thực sự "nói đi đôi với làm", là tấm gương thôi thúc người dân học tập và làm theo.

Bốn là, bàn bạc dân chủ và trao đổi thông tin hai chiều. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nguyên tắc cho cán bộ tuyên truyền: “1. Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng. 2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(16). Trong xây dựng Nông thôn mới hiện nay, rất cần coi trọng việc trao đổi thông tin hai chiều, không chỉ cán bộ nói cho dân nghe mà còn phải nghe dân nói, mọi nội dung người dân đều được thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, người dân chính là chủ chủ thể của quá trình xây dựng Nông thôn mới. Mọi tâm tư nguyện vọng, đặc điểm tình hình trong dân, các phản hồi của dân đối với chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước, cán bộ đều phải nắm bắt kịp thời để nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, giải quyết các vấn đề đặt ra.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, nghe dân, học dân, trao đổi thảo luận với dân nhưng không phải nhân dân nói gì cũng nhắm mắt làm theo, mà phải: “đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có cái ý kiến đó. Tìm ra mối mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai”(17). Luận điểm này rất đúng trong những tình huống thực tiễn tuyên truyền xây dựng Nông thôn mới khi gặp những đối tượng có ý chống đối hoặc chưa đồng lòng với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Quan điểm và phương pháp tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những bài học, kinh nghiệm quý báu cả về lý luận và thực tiễn cho công tác tuyên truyền xây dựng Nông thôn mới hiện nay, đòi hỏi đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị cơ sở cần quán triệt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương để nâng cao hiệu quả tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

_____________________

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (10), (13), (16), (17)  CD room - Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.191, 340, 340, 336, 345, 346, 341, 192, 341, 337, 337.

(8), (9), (11) CD room - Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.159.

(12) CD room - Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.14,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 169.

(14)CD room - Hồ Chí Minh:Toàntập, t.8,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.207.

(15)CD room - Hồ Chí Minh: Toàntập, t.1,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.284.

 

                ThS Trần Thị Thúy Hường 

ThS Nguyễn Thị Lam

Trường Chính trị Trần Phú, Hà Tĩnh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền