Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Giá trị và hạn chế của chủ nghĩa Mác về vấn đề tôn giáo dưới góc nhìn tôn giáo học
Thứ hai, 28 Tháng 5 2018 11:05
10129 Lượt xem

Giá trị và hạn chế của chủ nghĩa Mác về vấn đề tôn giáo dưới góc nhìn tôn giáo học

(LLCT) - Khi đề cập đến triết học duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học, C.Mác và Ph.Ăngghen đã bàn luận khá sâu sắc về vấn đề tôn giáo. Nhiều phát hiện của C.Mác và Ph.Ăngghen về vấn đề tôn giáo theo quan điểm duy vật lịch sử và trên lập trường giai cấp vô sản cách mạng đến nay vẫn còn nguyên giá trị khoa học, nhưng không tránh khỏi giới hạn của lịch sử. Bài viết góp phần làm sáng tỏ những giá trị và hạn chế của chủ nghĩa Mác về vấn đề tôn giáo ở ba phương diện: nguồn gốc và bản chất của tôn giáo, quy luật phát triển của tôn giáo, và tương lai.

 

Vấn đề tôn giáo trong chủ nghĩa Mác là một bộ phận của triết học duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học, cũng như chiến lược và sách lược đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân. Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về tôn giáo gắnchặtvới tình huống lịch sử đương thời, cũng nhưnhiệm vụ của hai ông trong sự nghiệp sáng tạo lý luận và đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, cho dù tìm hiểu nhất định về Do Thái giáo (Judaism) và Islam giáo ở các nước ven Địa Trung Hải và Đông Âu, nhưng nhận định của hai ông về tôn giáo vẫn chủ yếu dựa trên nghiên cứu tường tận Kitô giáo (Christianity)(1) và diễn biến của Kitô giáo ở châu Âu, đặc biệt là ở nước Đức thế kỷ XIX. Trên cơ sở đó, C.Mác và Ph.Ăngghen phác họa những nét chính yếu của tôn giáo đương thời,tiên đoán sự tiêu vong của tôn giáo trong tương lai. Nhữngphác họa đó có giá trị khoa học nhất định, nhưng không tránh khỏi giới hạn lịch sử. Bởi vì,sinh thời, hai ông chưa thể có thông tinđa dạng vàsống động về sự phát triển tôn giáo trong thế kỷ XX, càng không thể có kinh nghiệm thực tế công cuộc xây dựng CNXH và sự tồn tại của tôn giáo trong điều kiện CNXH hiện thực. Do đó, tiên đoán của hai ông về tồn tại và xu thế của tôn giáo trong thế kỷ XX,nhất là trong điều kiện CNXH, cần được bổ sung và phát triển trên cơ sở thực tiễn mới.

1. Một số giá trị của chủ nghĩa Mác về vấn đề tôn giáo 

a. Bản chất và nguồn gốc của tôn giáo

Một thời kỳ rất dài trong lịch sử, tôn giáo có vai trò rất lớn, chi phối mọi hoạt động vật chất và tinh thần của đời sống con người và xã hội. Khi ấy, theo quan điểm của nhiều tôn giáo, Thượng đế (Thiên Chúa/ Chúa Trời) tạo ra con người và vũ trụ vạn vật. Mãi đến đầu thế kỷ XIX, với mục đích phê phán tôn giáo, một số nhà triết học Đức, đặc biệt là L.Phơ bách (Ludwig Feuerbach, 1804-1872) đã phủ nhận quan điểm tôn giáo sáng tạo ra con người (thuyết Thượng đế tạo vật). Theo họ, con người sáng tạo ra tôn giáo. Đây là một bước ngoặt nhận thức vô cùng quan trọng về nguồn gốc và bản chất của tôn giáo. Mặc dù vậy, nhược điểm lớn nhất của các nhà triết học Đức là nói đến con người một cách chung chung và tĩnh tại. Có nghĩa, họ xem xét con người một cách cô lập, tách khỏi những quan hệ xã hội, coi con người là một cái gì trừu tượng ở đâu đó bên ngoài thế giới.

Tán đồng căn bản quan điểm con người sáng tạo ra tôn giáo của L.Phơ bách và các nhà triết học thuộc trường phái Hê ghen (Hegel) trẻ, nhưng C.Mác đã hoàn thiện luận điểm nêu trên bằng việc nhấn mạnh, con người chính là thế giới những con người, là nhà nước, là xã hội. “Nhà nước ấy, xã hội ấy đã sản sinh tôn giáo”. Theo C.Mác, cái xã hội sản sinh ra tôn giáo không phải là một xã hội trừu tượng, mà là một xã hội cụ thể thuộc về một hình thái nhất định trong lịch sử.

Từ giữa thập niên 40 của thế kỷ XIX, vấn đề nguồn gốc và bản chất của tôn giáo được C.Mác và Ph.Ăngghen đề cập tản mạn ở phương diện vai trò xã hội của tôn giáo hoặc một vài đặc điểm của tôn giáo trong “Lời nói đầu” cuốn Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen.Tuy nhiên, phải đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XIX, trong tác phẩm Chống Đuy rinh, vấn đề nguồn gốc và bản chất của tôn giáo mới được Ph.Ăngghen nêu ra một cách hệ thống: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hằng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”(2).

Quan điểm về nguồn gốc và bản chất của tôn giáo của chủ nghĩa Mác rất có giá trị trong nghiên cứu tôn giáo ở các giai đoạn sau này. Từ luận điểm “nhà nước ấy, xã hội ấy đã sản sinh tôn giáo”, các nhà tôn giáo học đã chứng minh, do cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội có những điểm khác biệt nhau, nên biểu hiện tôn giáo của một số khu vực trên thế giới (thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa) căn bản không giống nhau.Những nơi cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi đại gia súc sẽ sinh ra chế độ chiếm nô, từ đó nảy ra ý niệm độc thần (tin tưởng và tôn thờ một vị thần tối cao). Trong khi đó, những nơi cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, nhất là trồng lúa nước, chỉ có thể sinh ra chế độ cống nạp, từ đó nảy ra ý niệm phiếm thần (tin tưởng và tôn thờ nhiều vị thần khác nhau). Cụ thể, tâm thức tôn giáo của phương Tây chủ yếu là độc thần, hướng về thiên thần; còn ở phương Đông chủ yếu là phiếm thần, hướng về nhiên thần và nhân thần(3).

b.Quy luật phát triển của tôn giáo

Từ góc độ chủ nghĩa duy vật lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, hình thức và hình thái của tôn giáo đều do hình thái của xã hội quyết định và biến đổi theo sự biến đổi của hình thái xã hội. Trên cơ sở nguyên lý đó, Ph.Ăngghen đề ra ba sơ đồ phát sinh và phát triển của tôn giáo, mà một trong ba sơ đồ này thể hiện rõ ràng và cụ thể trong tác phẩm Chống Đuy rinh: “Trong những thời kỳ đầu của lịch sử, chính những lực lượng thiên nhiên là những cái trước tiên được phản ánh như thế, và trong quá trình phát triển hơn nữa thì ở những dân tộc khác nhau, những lực lượng thiên nhiên ấy đã được nhân hóa một cách hết sức nhiều vẻ và hết sức hỗn tạp. Nhờ bộ môn thần thoại học so sánh, người ta đã theo dõi cái quá trình đầu tiên ấy - ít ra là đối với các dân tộc Ấn Âu - đến tận nguồn gốc của nó trong Kinh Vệ Đàcủa Ấn Độ; rồi trong quá trình tiếp diễn sau đó của nó, nó đã được nghiên cứu một cách chi tiết ở các dân tộc Ấn Độ, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Giécmanh, và trong chừng mực có đầy đủ tài liệu thì cả ở các dân tộc Kentơ, Lítva và Xlavơ. Nhưng chẳng bao lâu, bên cạnh những lực lượng thiên nhiên, lại còn có cả những lực lượng xã hội tác động - những lực lượng này đối lập với con người, một cách cũng xa lạ lúc đầu cũng không thể hiểu được đối với họ, và cũng thống trị họ với cái vẻ tất yếu bề ngoài giống như bản thân những lực lượng tự nhiên vậy. Những nhân vật ảo tưởng, lúc đầu chỉ phản ánh những sức mạnh huyền bí của các lực lượng tự nhiên, thì nay lại vì thế, có cả những thuộc tính xã hội và trở thành những đại biểu cho các lực lượng lịch sử. Đến một giai đoạn tiến hóa cao hơn nữa, thì toàn bộ những thuộc tính tự nhiên và thuộc tính xã hội của nhiều vị thần được chuyển sang cho một vị thần vạn năng duy nhất, bản thân vị thần này cũng lại chỉ là phản ánh của con người trừu tượng. Như vậy nhất thần giáo xuất hiện”(4).

Cách diễn giải của Ph.Ăngghen cho thấy, quá trình phát triển của tôn giáo trải qua ba giai đoạn: tôn giáo tự nhiên - tôn giáo đa thần - tôn giáo nhất thần(5). Thực ra, đây không phải là phát hiện mới của Ph.Ăngghen. Nhiều nhà khoa học như Baron Holbach (1723-1789), Immanuel Kant (1724-1804), L.Phơ bách, Max Muller (1823-1900), Edward Tylor (1832-1917) đã nêu ra quá trình phát triển của tôn giáo tương tự như sơ đồ này. Công lao của Ph.Ăngghen ở chỗ ông thuyết minh sơ đồ này bằng quan điểm duy vật lịch sử. Có nghĩa, ông thuyết minh sự phát triển của các hình thức tôn giáo dựa trên so sánh sự phát triển hiện thực của những điều kiện lịch sử xã hội. Nói cách khác, ở đây, Ph.Ăngghen đã xuất phát từ nguyên lý sự biến đổi của hình thái xã hội quyết định sự biến đổi của hình thức tôn giáo để giải thích quá trình phát triển của tôn giáo trong lịch sử nhân loại(6).

c. Tương lai của tôn giáo

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, tôn giáo không phải là một hiện tượng tồn tại mãi với thời gian. Trong tương lai, tôn giáo sẽ suy tàn và mất đi. Nhưng sự suy tàn và mất đi của tôn giáo không diễn ra một cách tự động và tức thời; càng không đơn thuần là kết quả của sự phê phán về mặt lý luận cũng như sự tiến bộ về mặt nhận thức. Tôn giáo chỉ thực sự mất đi khi cơ sở vật chất của nó không còn nữa, khi thế giới trần tục sản sinh ra tôn giáo được cải tạo triệt để bằng con đường cách mạng. Trong tác phẩm Chống Đuy rinh, Ph.Ăngghen diễn đạt cụ thể điều này như sau: “Chỉ riêng sự nhận thức, dù cho nó có rộng hơn và sâu hơn sự nhận thức của khoa kinh tế chính trị tư sản chăng nữa, cũng không đủ để bắt các sức mạnh xã hội phải phục tùng sự chi phối của xã hội. Muốn thế thì trước hết cần phải có một hành động xã hội. Và khi nào hành động đó được thực hiện, khi nào thông qua việc nắm toàn bộ các tư liệu sản xuất và sử dụng được những tư liệu ấy một cách có kế hoạch xã hội tự giải phóng cho mình và giải phóng tất cả mọi thành viên trong xã hội khỏi tình trạng bị nô dịch, trong đó hiện nay họ đang bị giam cầm bởi những tư liệu sản xuất do chính tay họ đã làm ra nhưng lại đối lập với họ như một sức mạnh xa lạ không sao khắc phục nổi; do đó khi nào con người không chỉ mưu sự, mà lại còn làm cho thành sự nữa, thì chỉ khi đó, cái sức mạnh xa lạ cuối cùng hiện nay vẫn còn đang phản ánh vào tôn giáo mới sẽ mất đi, và cùng với nó bản thân sự phản ánh có tính chất tôn giáo cũng sẽ mất đi, vì khi đó sẽ không có gì để phản ánh nữa”(7).

Ph.Ăngghen phán đoán về sự mất đi của tôn giáo trong xã hội tương lai căn cứ vào sự phân tích nguồn gốc và xu thế phát triển của tôn giáo trong xã hội tư bản đương thời. Ông đề cập đến ba điều kiện tiêu vong của tôn giáo: Một là,xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và thực hiện chế độ chiếm hữu xã hội về tư liệu sản xuất. Hai là,xã hội sử dụng tư liệu sản xuất một cách có kế hoạch. Ba là,mưu sự tại nhân, thành sự tại nhân. Trong ba điều kiện đó, điều kiện thứ nhất rõ ràng và cụ thể, còn hai điều kiện sau chưa thật cụ thể, nên có thể giải thích một cách co giãn. Vả lại, hai điều kiện sau không đồng đều với điều kiện thứ nhất, vì dù có thực hiện được điều kiện thứ nhất, tức cải biến chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa thành chế độ sở hữu XHCN, cũng không thể tự động xuất hiện ngay việc sử dụng tư liệu sản xuất một cách có kế hoạch, càng không có nghĩa là thực hiện được việc mưu sự tại nhân và thành sự tại nhân.

Ở đây, Ph.Ăngghen chỉ rõ, lực lượng chi phối con người do chế độ tư hữu tạo ra không phải là lực lượng tha hóa duy nhất trong xã hội, do đó cũng không phải là nguồn gốc duy nhất cho sự ra đời và tồn tại của tôn giáo. Sau khi xóa bỏ được chủ nghĩa tư bản và cải tạo chế độ tư hữu thành chế độ sở hữu XHCN, nếu xã hội vẫn chưa thể sử dụng tư liệu sản xuất một cách có kế hoạch, chưa xóa bỏ được những lực lượng tha hóa chi phối sinh hoạt hằng ngày của con người, làm cho con người trở thành chủ nhân của đời mình, thì nguồn gốc của sự phản ánh tôn giáo vẫn còn tồn tại.

Tóm lại, ý kiến của Ph.Ăngghen về tương lai tôn giáo trong tác phẩm Chống Đuy rinh, tương tự như ý kiến của C.Mác trong bộ Tư bản(8), chứng tỏ hai ông ý thức được tính phức tạp của vấn đề này. Đối với hai ông, chế độ tư hữu chỉ là một trong những nguồn gốc của tôn giáo. Nếu quan hệ giữa con người với con người cũng như quan hệ giữa con người với tự nhiên không rõ ràng và không hợp lý, cơ sở vật chất của xã hội không đầy đủ, xã hội chưa sử dụng được tư liệu sản xuất một cách có kế hoạch, con người chưa đạt tới độ mưu sự tại nhân và thành sự tại nhân, thì tất cả những cái đó còn tạo ra nguồn gốc của tôn giáo.

2. Một số hạn chế khách quan của chủ nghĩa Mác về vấn đề tôn giáo

Một là, chưa thấy hết tính phức tạp trong sự ra đời của tôn giáo

Như đề cập, chủ nghĩa Mác tiếp cận tôn giáo chủ yếu dưới góc độ triết học. Nhưng nếu xem xét tôn giáo trên bình diện hình thái quan niệm của tôn giáo, hoặc chỉ nhìn tôn giáo từ góc độ là một hình thái ý thức, thì mới chỉ nắm được một khía cạnh cơ bản của tôn giáo. Bởi vì, tôn giáo không chỉ là một hình thái ý thức hoặc một hình thái quan niệm, mà còn là một hiện tượng xã hội, một lực lượng xã hội, một thực thể xã hội. Nói cách khác, tôn giáo tồn tại trong xã hội như một thực thể khách quan. Điều này được nhiều nhà tôn giáo học trên thế giới cũng như ở Việt Nam thừa nhận trong vài thập kỷ gần đây(9).

Theo đó, các hiện tượng tôn giáo thể hiện sự sống động và tiến hóa không ngừng như mọi hiện tượng xã hội khác. Thực thể tôn giáo thể hiện qua hai chiều kích: chiều thời gian (lịch sử tôn giáo như hệ thống: thiêng liêng - thần thoại - niềm tin - nghi lễ - cộng đồng) và chiều không gian (các thuộc tính của thực thể như tính lịch sử, tính tập thể, tính biểu tượng, tính tài liệu, tính kinh nghiệm và tính nhạy cảm). Cốt lõi của thực thể tôn giáo là niềm tin tôn giáo, thực hành nghi lễ và cộng đồng luân lý. Thực thể tôn giáo tồn tại được là nhờ quy phạm hóa thành thiết chế cá nhân, thiết chế cộng đồng, thiết chế siêu cá nhân và cộng đồng (xã hội, nhà nước). Xét theo chuỗi chủ thể - mục đích - phương thức - hiệu quả, thiết chế cá nhân gồm định hướng lẽ sống, điều tiết hành vi, truyền bá và giáo dục (chân lý, luân lý, thẩm mỹ, ý thức hệ) và an ninh tinh thần. Thiết chế cộng đồng gồm định hướng lối sống, điều tiết ứng xử, truyền bá và giáo dục giá trị cộng đồng, an ninh tinh thần cộng đồng. Thiết chế siêu cá nhân và cộng đồng gồm thể chế nhà nước, luật pháp và không gian công cộng(10).

Rõ ràng, nếu chỉ xem xét tôn giáo là “sự phản ánh hư ảo” thì không đủ. Dĩ nhiên, cái bản chất nhất và cỗi lõi nhất trong quan niệm về tôn giáo là quan niệm về Thượng đế và thần linh. Thượng đế và thần linh không tồn tại một cách thực tế, nên tất nhiên đó là sự phản ánh hư ảo. Nhưng quan niệm về Thượng đế và thần linh muốn trở thành đối tượng để con người tin thờ, thì không thể chỉ giới hạn ở trong ảo tưởng chủ quan của con người, mà nó cần phải biểu hiện thành vật cảm tính mà tín đồ các tôn giáo có thể cảm nhận được. Do đó, các tôn giáo đều khách quan hóa thần linh thành một hệ thống tượng trưng dưới hình thức cảm tính, tức hệ thống tượng thần. Cho nên, mỗi tôn giáo cần có thần điện để bài trí đối tượng thờ; cần có nơi thờ tự cho chức sắc và tín đồ lễ bái và hoạt động tôn giáo.

Như vậy, thần linh trong ảo tưởng của con người đã có hình thức của sự tồn tại vật chất. Hơn nữa, các tôn giáo đều có những hành vi và nghi lễ được quy phạm hóa, được tiến hành có tổ chức và có tính xã hội rõ ràng. Tính xã hội của tôn giáo biểu hiện ở tính cộng đồng của nó, đặc biệt ở sự thành lập những hình thái cộng đồng ấy. Tóm lại, tôn giáo là một thực thể khách quan của xã hội có kết cấu phức tạp, trong đó quan niệm về Thượng Đế, thần linh và lực lượng siêu trần thế chỉ là một khía cạnh cơ bản của nó.

Trong tác phẩm Chống Đuy rinh,Ph.Ăngghen nói tới sự phản ánh hư ảo những lực lượng ở bên ngoài chi phối đời sống hằng ngày của con người mang hình thức những lực lượng siêu trần thế. Như vậy, ông mới chỉ vạch rõ bản chất quan niệm về Thượng Đế và thần linh, chứ không đề cập đến các yếu tố khác của tôn giáo; chỉ là định nghĩa về Thượng đế và thần linh, chứ chưa phải là định nghĩa về tôn giáo với tư cách là một hiện tượng xã hội có hình thức của sự tồn tại vật chất(11)

Hai là, những khái quát của chủ nghĩa Mác chưa thấy hết được sự biến đổi rất đa dạng của tôn giáo ngày nay

Khi thuyết minh sự tiến hóa của tôn giáo từ tôn giáo tự nhiên đến tôn giáo đa thần, rồi đến tôn giáo nhất thần, Ph.Ăngghen làm sáng tỏ nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội của tôn giáo, đồng thời chỉ rõ sự biến đổi của các biểu tượng thần linh và các hình thức tôn giáo phụ thuộc vào sự biến đổi của xã hội. Những nhận định của Ph.Ăngghen về sự biến đổi của tôn giáo rất có giá trị. Nhưng đó là những nhận định khái quát chưa được chứng minh bằng thực tiễn lịch sử ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới, nhất là ở vùng Viễn Đông.

Tình hình tôn giáo trên thế giới trong hơn một trăm năm qua chứng tỏ hình thức và biến đổi tôn giáo ở các dân tộc rất đa dạng, không thể quy vào một sơ đồ đơn nhất. Một số tộc người, quốc gia về đại thể phát triển theo trình tự: tôn giáo tự nhiên - tôn giáo đa thần - tôn giáo nhất thần. Tuy nhiên, nhiều tộc người, quốc gia tồn tại tôn giáo nhất thần. Nhưng ngày nay, ở các tộc người và quốc gia này, bên cạnh tôn giáo nhất thần lại xuất hiện những tôn giáo mới là tôn giáo phiếm thần hoặc tôn giáo đa thần. Tiêu biểu cho xu hướng này là sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo (Buddhism), Ấn Độ giáo (Hinduism), cũng như nhiều tôn giáo và các dạng thức thờ cúng của phương Đông ở các nước Âu - Mỹ từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay. Trong khi đó, nhiều tộc người, quốc gia đã tồn tại lâu đời các tôn giáo đa thần, tôn giáo phiếm thần. Nhưng ngày nay, bên cạnh tôn giáo đa thần và tôn giáo phiếm thần, lại xuất hiện những tôn giáo nhất thần. Tiêu biểu cho xu hướng nêu trên là sự phát triển mạnh mẽ của Công giáo, đạo Tin Lành, Islam giáo ở nhiều nước châu Á và châu Phi trong khoảng 100 năm gần đây. Điều đó chứng tỏ sơ đồ về sự phát triển của tôn giáo không phải là duy nhất.

Ba là, những dự đoán của chủ nghĩa Mác chưa thấy được sự tồn tại và phát triển lâu dài của tôn giáo

Kiến giải của C.Mác và Ph.Ăngghen về tương lai tôn giáo là đúng đắn và có căn cứ khoa học, vì nó dựa trên cơ sở nhận thức một cách khoa học quy luật phát triển của xã hội đương thời. Nhưng vào lúc sinh thời của C.Mác và Ph.Ăngghen, CNXH chưa xuất hiện và những điều kiện cần thiết cho sự tiêu vong của tôn giáo cũng chưa có. Cho nên, hai ông chỉ có thể đưa ra kiến giải tổng quát, vĩ mô về tương lai của tôn giáo và cơ sở xã hội cho sự tiêu vong của tôn giáo, chưa thể giải đáp một cách cụ thể, rõ ràng về tương lai của tôn giáo trong những tình huống phức tạp và đa dạng của CNXH hiện thực trong thế kỷ XX.

Ngày nay, chúng ta không thể đòi hỏi ở C.Mác và Ph.Ăngghen một sự giải đáp cụ thể về vấn đề tiêu vong của tôn giáo. Nhiệm vụ của những nhà lý luận mác xít là cụ thể hóa những kiến giải của hai ông về tương lai của tôn giáo, nhất là sự tồn tại của tôn giáo dưới chế độ XHCN hiện thực, căn cứ vào sự phát triển thực tế của tình hình xã hội và tôn giáo từ cuối thế kỷ XIX, nhất là sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Thực tiễn thế giới từ giữa thế kỷ XX đến nay cho thấy, con người vẫn chưa xử lý chính xác và thỏa đáng mối quan hệ đối lập giữa: chủ quan và khách quan, lý tưởng và hiện thực, tất nhiên và ngẫu nhiên, hữu hạn và vô hạn, đau khổ và vui sướng, tình cảm và lý trí, mục đích và kết quả,v.v.. Con người vẫn không tránh khỏi những bất công, bất hạnh, những cảm giác trống rỗng, thiếu hụt và mất cân bằng về tâm lý trước bệnh tật hiểm nghèo và cái chết của bản thân và người thân. Thêm nữa, dù xã hội có phát triển cao thì sự khác biệt giữa con người về phương thức lao động, thu nhập, phương thức sinh hoạt và cả về mặt lợi ích vẫn còn tồn tại lâu dài. Tất cả những yếu tố này là điều kiện thuận lợi để tôn giáo tiếp tục tồn tại.

Mặt khác, các cá nhân và tổ chức tôn giáo trên thế giới hiện nay đang thích ứng mạnh mẽ với sự phát triển của xã hội thế tục, đặc biệt với những hoạt động nhập thế tích cực giải quyết nhiều vấn nạn xã hội với kết quả đáng kể, được ghi nhận là một nguồn lực xã hội. Thêm nữa, nhiều người hiện nay đến với tôn giáo không chỉ ở hình thức cầu cúng các lực lượng siêu nhiên phù hộ cho những nhu cầu trần tục, mà còn ở sự sâu sắc và khoa học trong giáo lý tôn giáo cũng như các phương pháp tu tập nâng cao sức khỏe. Bên cạnh đó, tôn giáo là một căn tính của con người. Tính tôn giáo trong mỗi người chỉ đợi hoàn cảnh và điều kiện thuận lợi để biểu hiện ra bên ngoài qua niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà tôn giáo học trên thế giới và ở Việt Nam khá thống nhất khi cho rằng, tôn giáo ra đời cùng với loài người và sẽ chết đi với loài người(12). Đảng và Nhà nước ta nêu rõ: Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài; Tôn giáo tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; Đạo đức tôn giáo còn nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta(13).           

Những phát hiện của C.Mác và Ph.Ăngghen về vấn đề tôn giáo theo quan điểm duy vật lịch sử và trên lập trường giai cấp vô sản cách mạng đến nay vẫn còn nguyên giá trị khoa học. Giớinghiên cứu tôn giáo cần lĩnh hội được giá trị khoa học của những nguyên lý đó, nhưng cũng cần thấy rõ, những nguyên lý đó được đề xuất từ góc độ triết học, chính trị và đấu tranh giai cấp để phục vụ cho phong trào cách mạng của giai cấp vô sản. Nhưng tôn giáo là một hiện tượng xã hội, một thực thể xã hội cực kỳ phức tạp,luôn vận động biến đổi không ngừng cùng với sự biến đổi của xã hội thế tục. Cho nên, nếu chỉ xem xét tôn giáo là một hình thái ý thức, một hệ tư tưởng, một công cụ của các giai cấp và các tập đoàn xã hội trong cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt và quyết liệt, thì dễ nhấn mạnh quá mức vào tính giai cấp của tôn giáo và ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa duy tâm tôn giáo, mà không thấy hết nhu cầu tôn giáo trong đời sống tinh thần của một bộ phận nhân dân, không thấy hết vai trò của tôn giáo trong hoạt động văn hóa, hoạt động xã hội, hoạt động kinh tế của loài người, từ đó tạo ra sự đối lập không đáng có giữa duy tâm và duy vật, giữa hữu thần và vô thần, giữa tín đồ tôn giáo và người không theo tôn giáo. Đó là điềumà chúng tacầnđặc biệt lưu tâmkhắc phục để bảo đảm cho sự đoàn kết toàn dân,thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2 -2018

(1) Kitô giáo là tôn giáo thờ Chúa Giêsu Kitô (Jesus Christ), người sáng lập ra tôn giáo này. Trong quá trình phát triển, Kitô giáo phân chia thành 4 nhánh: Chính thống giáo (Orthodox), Công giáo (Catholicism), đạo Tin lành (Protestantism) và Anh giáo (Anglicanism). 

(2), (4), (7) C.Mác và Ph.Ăngghen:Toàn tập, t. 20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.437, 437-438, 438-439.

(3) Xem thêm: Đặng Nghiêm Vạn: Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

(5) Trong tác phẩm Brunô Bauơ và đạo Kitô khởi thủy (1882), Ph.Ăngghen đưa sơ đồ quá trình phát triển tôn giáo thứ hai: tôn giáo tự phát - tôn giáo nhân tạo. Cũng trong tác phẩm Brunô Bauơ và đạo Kitô khởi thủy (1882) và tác phẩm Lút vích Phơ bách và sự cáo chung của nền triết học cổ điển Đức (1886), Ph.Ăng ghen còn đưa ra sơ đồ quá trình phát triển tôn giáo thứ ba: tôn giáo bộ lạc - tôn giáo dân tộc - tôn giáo thế giới. Xem: Nguyễn Đức Sự chủ biên (1999), C.Mác - Ph.Ăngghen về vấn đề tôn giáo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.52-56.

(6) Nguyễn Đức Sự (chủ biên): C.Mác - Ph.Ăngghen về vấn đề tôn giáo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999, tr.49.

(8) Trong bộ Tư bản, bàn về tương lai của tôn giáo, C.Mác viết: “Nói chung sự phản ánh có tính chất tôn giáo của thế giới thực tại chỉ có thể mất đi khi nào mà những quan hệ trong đời sống thực tiễn hằng ngày của con người được biểu hiện bằng những mối liên hệ rõ ràng và hợp lý giữa người ta với nhau và với thiên nhiên. Hình dáng của quá trình sinh hoạt xã hội tức là hình dáng của quá trình sản xuất vật chất chỉ có thoát khỏi đám mây mù thần bí che đậy nó, khi nào nó trở thành sản phẩm của những con người tự do thành lập xã hội và được đặt dưới sự kiểm soát tự giác và có kế hoạch của những con người đó. Nhưng điều đó đòi hỏi một cơ sở vật chất nhất định của xã hội hoặc một loạt những điều kiện tồn tại vật chất nhất định, nhưng bản thân những điều kiện này cũng lại là sản phẩm tự nhiên của một quá trình phát triển lâu dài và đau khổ”. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.126.

(9) Xem thêm: Trác Tân Bình (Trần Nghĩa Phương dịch, 2007), Lý giải tôn giáo, Nxb Hà Nội; Đỗ Quang Hưng (2014), Chính sách tôn giáo và Nhà nước pháp quyền, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội,v.v...

(10) Xem thêm Nguyễn Quốc Tuấn: “Triển khai lý thuyết thực thể tôn giáo”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 10, 2014.

(11) Việc coi quan niệm về Thượng Đế và thần linh là định nghĩa về tôn giáo là do vào thập niên 40 của thế kỷ XIX, lý luận về tôn giáo của phái Hê ghen trẻ và Phơ bách đều dừng lại ở giải thích bản chất của Thượng Đế. Họ coi tôn giáo và Thượng Đế là sự sáng tạo của con người, sự tự tha hóa của bản chất con người. Họ cho rằng, chỉ cần vạch rõ điểm đó, tức là vạch rõ bản chất của tôn giáo. C.Mác và Ph.Ăngghen nhận thấy, kết luận sự phê phán tôn giáo như vậy của triết học Đức đương thời nói chung đáp ứng được yêu cầu vạch trần bản chất của tôn giáo. C.Mác nhấn mạnh, vấn đề đặt ra là phải từ sự phê phán tôn giáo chuyển sang sự phê phán thế giới trần tục sản sinh ra tôn giáo. Hơn nữa, vào các thập niên 70 - 80 của thế kỷ XIX, tôn giáo học so sánh cận đại có những bước phát triển nổi bật với tên tuổi F.M. Muller và E.B. Tylor, hai nhà tôn giáo học đạt được thành tựu đáng kể trong việc nghiên cứu tôn giáo một cách sâu rộng và cụ thể, nhưng chủ yếu vẫn xoay quanh việc làm sáng tỏ bản chất và nguồn gốc của quan niệm về Thượng Đế. Trong bối cảnh văn hóa và tư tưởng như thế, dĩ nhiên Ph. Ăng ghen không tránh khỏi xem bản chất quan niệm về Thượng Đế cũng là bản chất của tôn giáo, xem định nghĩa về Thượng Đế cũng là định nghĩa về tôn giáo. Xem thêm: Nguyễn Đức Sự chủ biên, C.Mác - Ph.Ăngghen về vấn đề tôn giáo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999, tr.47-48.

(12) Đặng Nghiêm Vạn: Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

(13) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam: 25 năm nhìn lại, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016.

 

TS Lê Tâm Đắc

Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PGS Nguyễn Đức Sự

Viện Nghiên cứu tôn giáo,

 Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền