Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Các lời tựa của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và ý nghĩa phương pháp luận khoa học
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 14:59
2560 Lượt xem

Các lời tựa của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và ý nghĩa phương pháp luận khoa học

(LLCT) - Qua 7 Lời tựa mà C.Mác và Ph.Ăngghen viết cho các lần xuất bản khác nhau của Tuyên ngôn chúng ta thấy: Một là, các ông khẳng định những nguyên lý cơ bản được trình bày trong Tuyên ngôn vẫn hoàn toàn đúng, ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần xem lại. Hai là, Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử, đã đáp ứng yêu cầu lịch sử. Ba là, Ph.Ăngghen là một người khiêm tốn, luôn khẳng định luận điểm hạt nhân, tư tưởng cốt lõi của tác phẩm thuộc về C.Mác. Bốn là, có bổ sung một số luận điểm mới cho phù hợp tình hình thực tiễn mới. Năm là, Tuyên ngôn là cương lĩnh chính trị mang tính quốc tế của giai cấp công nhân hiện đại.Sự ra đời của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph. Ăngghen soạn thảo là một tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phong trào công nhân. Kể từ khi ra đời, tháng 2-1848 đến nay, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã tròn 170 năm. 

170 năm đã trôi qua, thực tiễn đã có nhiều đổi thay, phong trào công nhân cũng đã có nhiều biến động, CNXH đã trở thành hiện thực, trải qua những thăng trầm lịch sử nhưng vẫn tồn tại và đang trên đà phát triển. Tuy vậy, linh hồn sống của Tuyên ngôn vẫn giữ nguyên ý nghĩa. Có điều, sẽ có những điểm riêng biệt của Tuyên ngôn cần được bổ sung, phát triển cho phù hợp với sự đổi thay của thực tiễn. Điều này cũng là tất yếu, bởi bản thân chủ nghĩa Mác bao gồm cả Tuyên ngôn luôn là một hệ thống mở. Hơn nữa, ngay từ khi Tuyên ngôn đã được xuất bản thì mỗi lần tái bản C.Mác và Ph.Ăngghen lại viết Lời tựa nhằm bổ sung ít nhiều luận điểm nào đó cho phù hợp tình hình thực tiễn mới.

Khi C.Mác và Ph.Ăngghen còn sống, đã có 7 Lời tựa viết cho 7 lần tái bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Đó là Lời tựa viết cho bản tiếng Đức, xuất bản năm 1872; Lời tựa cho lần xuất bản thứ hai bằng tiếng Nga, năm 1882; Lời tựa viết cho bản tiếng Đức, xuất bản năm 1883; Lời tựa viết cho bản tiếng Anh, xuất bản năm 1888; Lời tựa viết cho bản tiếng Đức, xuất bản năm 1890; Lời tựa viết cho bản tiếng Ba Lan, xuất bản năm 1892 và Lời tựa viết cho bản tiếng Italia, xuất bản năm 1893. Trong 7 Lời tựa ấy, có 2 Lời tựa C.Mác và Ph.Ăngghen viết chung vào năm 1872 và 1882, 5 Lời tựa còn lại do Ph.Ăngghen viết, vì khi ấy C.Mác đã yên nghỉ tại nghĩa trang Haighết, Luân Đôn.

Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức, xuất bản năm 1872, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định rất rõ: “Mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi lăm năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong “Tuyên ngôn” này vẫn còn hoàn toàn đúng. Ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần phải xem lại. Chính ngay “Tuyên ngôn” cũng đã giải thích rõ ràng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt, cũng phải viết khác đi. Vì đại công nghiệp đã có bước tiến hết sức lớn trong hai mươi lăm năm qua và giai cấp công nhân cũng đạt được những tiến bộ song song trong việc tự tổ chức thành chính đảng, do có những kinh nghiệm thực tiễn, trước hết là của cách mạng tháng Hai, sau nữa và nhất là của Công xã Pa-ri lần đầu tiên đã đem chính quyền lại cho giai cấp vô sản trong hai tháng, cho nên hiện nay, cương lĩnh này có một số điểm đã cũ. Nhất là Công xã đã chứng minh rằng “giai cấp công nhân không chỉ nắm lấy bộ máy nhà nước sẵn có và bắt nó hoạt động phục vụ mình”(1). Như vậy là, tổng kết Công xã Pa-ri, khái quát những thành tựu của đại công nghiệp và sự giác ngộ, trưởng thành của giai cấp vô sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra những chi tiết cần bổ sung cho cương lĩnh. Ngoài ra, C.Mác và Ph.Ăngghen nói tới việc phê phán những văn phẩm xã hội chủ nghĩa chưa được đầy đủ, hay thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập vì “lịch sử đã làm tiêu tan phần lớn những đảng được kể ra trong đó”. Trong Lời tựa này, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng khẳng định rằng Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà các ông không có quyền sửa lại, có lẽ là trong một lần xuất bản sẽ có lời tựa để bổ sung(2).

Trong Lời tựa viết cho lần xuất bản thứ hai bằng tiếng Nga, năm 1882, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu lên rằng vào thời kỳ 1847-1848, trong Tuyên ngôn không đề cập đến các đảng đối lập ở Nga và Mỹ. Khi ấy, cả Nga và Mỹ đều là nước cung cấp nguyên liệu cho châu Âu và đồng thời là thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của châu Âu. “Cho nên, lúc đó cả hai nước ấy, đều được dùng làm thành trì cho chế độ xã hội ở châu Âu”(3). Nhưng vào năm 1882, tình hình đã thay đổi, sự di dân của châu Âu đã tạo ra sự phát triển phi thường về nông nghiệp ở Bắc Mỹ, sự phát triển công nghiệp của Mỹ ảnh hưởng đến độc quyền công nghiệp ở Tây Âu. Còn “nước Nga đang là đội quân tiên phong của phong trào cách mạng ở châu Âu”(4). Hơn nữa, ở Nga “quá nửa số ruộng đất là sở hữu công xã của nông dân”. Xuất phát từ tình hình ấy, C.Mác và Ph.Ăngghen đã rút ra kết luận: “nếu cách mạng Nga là tín hiệu của cuộc cách mạng vô sản ở phương Tây và nếu cả hai cuộc cách mạng ấy bổ sung cho nhau thì chế độ sở hữu công xã về ruộng đất ở Nga hiện nay có thể là điểm xuất phát của một sự tiến triển cộng sản chủ nghĩa”(5).

Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức, xuất bản năm 1883, Ph.Ăngghen thể hiện nỗi buồn khi lần này chỉ mình ông ký tên dưới Lời tựa này vì C.Mác đã yên nghỉ ở nghĩa trang Haighết. Điều quan trọng trong Lời tựa này là sau khi phân tích tình hình đấu tranh của giai cấp vô sản hiện đại, Ph.Ăngghen khẳng định rằng “hiện nay đã đến một giai đoạn mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức (tức là giai cấp vô sản) không còn có thể tự giải phóng khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức mình (tức là giai cấp tư sản) được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức và khỏi cuộc đấu tranh giai cấp, tư tưởng cơ bản ấy hoàn toàn và tuyệt đối là của Mác”(6).

Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Anh, xuất bản năm 1888, Ph.Ăngghen đã chỉ ra rất đúng rằng “lịch sử của “Tuyên ngôn” phản ánh khá rõ lịch sử của phong trào công nhân đương thời; hiện nay, hiển nhiên đó là tác phẩm phổ biến hơn cả, có tính chất quốc tế hơn cả trong tất cả các văn phẩm xã hội chủ nghĩa, đó là cương lĩnh được thừa nhận bởi hàng triệu công nhân từ Xi-bia đến Ca-li-phoóc-nia”(7). Trong Lời tựa này, Ph.Ăngghen đã lý giải, vào năm 1847 khi viết Tuyên ngôn, các ông vẫn không thể gọi nó là Tuyên ngôn xã hội chủ nghĩa được, vì khi đó, người ta thường dùng từ xã hội chủ nghĩa, một mặt để gọi những người theo các hệ thống không tưởng như O-oen ở Anh, Phuriê ở Pháp; mặt khác để gọi những tên lang băm xã hội đủ các cỡ, chúng đã hứa không làm hại gì đến tư bản và lợi nhuận mà vẫn chữa được đủ mọi loại tệ nạn xã hội bằng các biện pháp vá víu(8). Hơn nữa, “Năm 1847, chủ nghĩa xã hội có nghĩa là một phong trào tư sản, còn chủ nghĩa cộng sản là một phong trào công nhân”(9). Cũng trong Lời tựa này, Ph.Ăngghen đã khẳng định lại, mặc dầu Tuyên ngôn là tác phẩm viết chung của C.Mác và Ph.Ăngghen nhưng luận điểm hạt nhân, tư tưởng cốt lõi của tác phẩm là thuộc về C.Mác. “Luận điểm đó chỉ ra rằng, trong mỗi thời đại lịch sử, phương thức chủ yếu của sản xuất kinh tế và trao đổi, cùng với cơ cấu xã hội do phương thức đó quyết định, đã cấu thành cơ sở cho lịch sử chính trị của thời đại và lịch sử của sự phát triển trí tuệ của thời đại, cái cơ sở mà chỉ có xuất phát từ đó mới cắt nghĩa được lịch sử đó; rằng do đó, toàn bộ lịch sử của nhân loại (từ thời kỳ tan rã của xã hội thị tộc nguyên thủy với chế độ sở hữu ruộng đất công cộng của nó) là lịch sử của đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa những giai cấp đi bóc lột và bị bóc lột, giai cấp thống trị và giai cấp bị áp bức; rằng lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp đó hiện nay đã phát triển tới giai đoạn trong đó giai cấp bị bóc lột và bị áp bức, tức là giai cấp vô sản, không còn có thể tự giải phóng khỏi ách của giai cấp bóc lột và áp bức mình, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn xã hội khỏi ách bóc lột, áp bức, khỏi tình trạng phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp”(10). Sau đó, Ph.Ăngghen trích dẫn lại đoạn mà C.Mác và Ph.Ăngghen viết chung trong Lời tựa cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1872 để khẳng định lại lần nữa rằng, mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều, nhưng xét về đại thể những nguyên lý cơ bản được trình bày trong Tuyên ngôn vẫn hoàn toàn đúng, ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần xem lại. Đồng thời, Ph.Ăngghen nhắc lại rằng: “Tuy nhiên, “Tuyên ngôn” là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại”(11).

Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức, xuất bản năm 1890, Ph.Ăngghen đã trích lại toàn văn Lời tựa cho lần xuất bản lần thứ hai bằng tiếng Nga, năm 1882 do C.Mác và Ph.Ăngghen cùng viết cũng như một phần nội dung Lời tựa viết cho bản tiếng Anh, xuất bản năm 1888. Đồng thời, Ph.Ăngghen chỉ ra rằng tình hình giai cấp công nhân hiện tại đã rất khác so với trước đây. Hiện nay, “giai cấp vô sản châu Âu và châu Mỹ đang điểm lại lực lượng chiến đấu của mình, lực lượng lần đầu tiên được huy động thành một đạo quân duy nhất, dưới cùng một ngọn cờ và nhằm cùng một mục đích trước mắt là đòi pháp luật quy định ngày làm việc bình thường là tám giờ,...Cảnh tượng ngày hôm nay sẽ chỉ cho bọn tư sản và bọn địa chủ tất cả các nước thấy rằng những người vô sản tất cả các nước đã thực sự đoàn kết với nhau”(12).

Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Ba Lan, xuất bản năm 1892, Ph.Ăngghen phân tích tình hình phát triển công nghiệp ở Ba Lan cũng như sự phát triển của giai cấp vô sản Ba Lan. Điều đó đã làm cho tư tưởng XHCN trong công nhân Ba Lan phổ biến nhanh chóng và yêu cầu ngày càng tăng về Tuyên ngôn. Điều quan trọng là từ thực tế chưa độc lập của Ba Lan, Ph.Ăngghen  cho rằng: “Chỉ có thể có được sự hợp tác quốc tế thành thực giữa các dân tộc châu Âu, khi nào mỗi dân tộc đó là người chủ tuyệt đối trong nhà mình”(13). Đồng thời, qua phân tích tình hình thực tế Ba Lan,  Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Chỉ có giai cấp vô sản Ba Lan trẻ tuổi mới có thể giành được nền độc lập đó, và nằm trong tay họ, nền độc lập đó sẽ bảo vệ chắc chắn. Vì đối với công nhân các nước khác ở châu Âu, nền độc lập của Ba Lan cũng cần thiết như đối với bản thân công nhân Ba Lan”(14).

Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Italia, xuất bản năm 1893, Ph.Ăngghen  đã khẳng định lại những luận điểm cơ bản mà Tuyên ngôn đã nêu ra qua minh chứng bằng phong trào công nhân Italia hiện thời. Ph.Ăngghen khẳng định rằng, cách mạng 1848 đã dọn đường, chuẩn bị địa bàn cho cách mạng XHCN. Đại công nghiệp đã tạo ra ở khắp nơi “một giai cấp vô sản đông đảo, đoàn kết chặt chẽ và mạnh; do đó, nó đã sinh ra, như Tuyên ngôn đã nói, những người đào huyệt chôn nó. Không khôi phục lại độc lập và thống nhất cho từng dân tộc thì về phương diện quốc tế, không thể thực hiện được sự đoàn kết của giai cấp vô sản và sự hợp tác hòa bình và sự tự giác giữa các dân tộc đó để đạt tới những mục đích chung”(15). Trong Lời tựa này, Ph.Ăngghen nhắc lại một lần nữa “Tuyên ngôn” hoàn toàn thừa nhận vai trò cách mạng mà chủ nghĩa tư bản đã đóng trong quá khứ”(16) và ông mong muốn Italia sẽ cung cấp cho phong trào công nhân một “Đan-tơ mới”.

Qua 7 Lời tựa mà C.Mác và Ph.Ăngghen viết cho các lần xuất bản khác nhau của Tuyên ngôn cho chúng ta ý nghĩa phương pháp luận khoa học sâu sắc. Điều này thể hiện ở chỗ:

Một là, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhiều lần khẳng định bản chất khoa học, cách mạng của Tuyên ngôn. Các ông cho rằng mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều, nhưng xét về đại thể những nguyên lý cơ bản được trình bày trong Tuyên ngôn vẫn hoàn toàn đúng, ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần xem lại. Điều này cho thấy, C.Mác và Ph.Ăngghen không bao giờ coi Tuyên ngôn là cái gì bất biến, khép kín mà cần phải được bổ sung những chi tiết do điều kiện thực tiễn đã đổi thay so với thời điểm các ông viết Tuyên ngôn năm 1847-1848. Đây là thái độ khoa học nghiêm túc của C.Mác và Ph.Ăngghen và là bài học cho chúng ta trong việc tiếp thu, kế thừa di sản lý luận mà các ông để lại. Hơn nữa, chính ngay trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã căn dặn trong những nước khác nhau, những biện pháp củng cố quyền lực của giai cấp vô sản, xây dựng xã hội mới dĩ nhiên sẽ khác nhau rất nhiều(17).

Hai là, Ph.Ăngghen cũng không dưới một lần khẳng định Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà các ông không có quyền sửa lại. Điều này cho thấy, một mặt, thực tiễn đổi thay đòi hỏi phải tổng kết để bổ sung cho Tuyên ngôn. Để làm điều này, mỗi lần xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, các ông đã viết Lời tựa để bổ sung. Nhưng mặt khác, C.Mác và Ph.Ăngghen tôn trọng tính lịch sử của Tuyên ngôn. Do vậy, nếu cần thì phải viết một Tuyên ngôn mới, vì bản thân Tuyên ngôn viết năm 1847-1848 đã đáp ứng yêu cầu lịch sử khi đó. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm khoa học cho chúng ta ngày hôm nay. Đó là phải tôn trọng tính lịch sử - cụ thể của những luận điểm lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen. Chúng ta không thể đòi hỏi các ông phải trả lời cho các câu hỏi mà thực tiễn thời đại ngày nay đặt ra mà ở thời đại các ông sống chưa đặt ra.

Ba là, các Lời tựa cho chúng ta thấy, Ph.Ăngghen là một người khiêm tốn, luôn khẳng định rằng mặc dầu Tuyên ngôn được viết chung bởi hai ông, nhưng luận điểm hạt nhân, tư tưởng cốt lõi của tác phẩm là thuộc về C.Mác. Đồng thời, Ph.Ăngghen không dưới một lần chỉ ra luận điểm hạt nhân đó. Đó chính là sự phát triển của kinh tế dẫn đến sự ra đời giai cấp, đấu tranh giai cấp và cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản không còn có thể tự giải phóng  mình, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn xã hội khỏi ách bóc lột, áp bức, khỏi tình trạng phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp.

Bốn là, trong các Lời tựa thì Ph.Ăngghen đã bổ sung một số luận điểm mới cho phù hợp tình hình thực tiễn mới. Đó là luận điểm, Công xã đã chứng minh rằng “giai cấp công nhân không chỉ nắm lấy bộ máy nhà nước sẵn có và bắt nó hoạt động phục vụ mình”. Luận điểm này sau được C.Mác bổ sung trong tác phẩm Nội chiến ở Pháp(18). Luận điểm thứ hai là luận điểm về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với hợp tác quốc tế. Trong Lời tựa viết cho lần xuất bản bằng tiếng Ba Lan, năm 1892, Ph.Ăngghen đã bổ sung “Chỉ có thể có được sự hợp tác quốc tế thành thực giữa các dân tộc châu Âu, khi nào mỗi dân tộc đó là người chủ tuyệt đối trong nhà mình”. Rõ ràng là khi mỗi dân tộc được độc lập thực sự thì sự hợp tác giữa các dân tộc mới trở thành thực sự. Hay, “Chỉ có giai cấp vô sản Ba Lan trẻ tuổi mới có thể giành được nền độc lập đó, và nằm trong tay họ, nền độc lập đó sẽ bảo vệ chắc chắn. Vì đối với công nhân các nước khác ở châu Âu, nền độc lập của Ba Lan cũng cần thiết như đối với bản thân công nhân Ba Lan”. Điều này cũng chứng tỏ, độc lập cho Ba Lan không chỉ cần cho giai cấp công nhân Ba Lan mà còn cần cho giai cấp công nhân châu Âu nói chung. Luận điểm này sau đó được Ph.Ăngghen nhắc lại trong Lời tựa viết cho bản tiếng Italia, xuất bản năm 1893: “Không khôi phục lại độc lập và thống nhất cho từng dân tộc thì về phương diện quốc tế, không thể thực hiện được sự đoàn kết của giai cấp vô sản và sự hợp tác hòa bình và sự tự giác giữa các dân tộc đó để đạt tới những mục đích chung”.

Năm là, trong các Lời tựa, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khách quan phân tích sự thăng trầm của Tuyên ngôn gắn với lịch sử thăng trầm của phong trào công nhân, nhưng khẳng định nó là cương lĩnh chính trị mang tính quốc tế được thừa nhận bởi hàng triệu công nhân trên thế giới. Ban đầu, Tuyên ngôn là cương lĩnh của Liên đoàn những người cộng sản, một hiệp hội công nhân, lúc đầu hoàn toàn là một tổ chức bí mật của người Đức; sau đó trở thành một tổ chức quốc tế. Sau khi ra đời, Tuyên ngôn được dịch để xuất bản và tái bản nhiều lần ở Thụy sỹ, Anh, Mỹ, Nga, Đan Mạch, Ba Lan, Italia, Tây Ban Nha,v.v.. và theo Ph.Ăngghen “hiển nhiên đó là tác phẩm phổ biến hơn cả, có tính chất quốc tế hơn cả trong tất cả các văn phẩm xã hội chủ nghĩa, đó là cương lĩnh được thừa nhận bởi hàng triệu công nhân từ Xi-bia đến Ca-li-phoóc-nia”. Qua đây, Ph.Ăngghen muốn khẳng định giá trị khoa học, cách mạng, tính quốc tế của Tuyên ngôn. Như vậy, qua mỗi Lời tựa, C.Mác và Ph.Ăngghen lại thêm một lần khẳng định giá trị trường tồn, tính khoa học đúng đắn của Tuyên ngôn.

Như vậy, xem xét Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản từ các Lời tựa, chúng ta thấy rất rõ rằng, các tác giả của Tuyên ngôn - C.Mác và Ph.Ăngghen - là những nhà khoa học luôn có thái độ khoa học với Tuyên ngôn. Các ông luôn khẳng định sức sống, giá trị trường tồn của những nguyên lý cơ bản của Tuyên ngôn, nhưng đồng thời các ông cũng khẳng định cần bổ sung những chi tiết cụ thể do thực tiễn đã có nhiều thay đổi. Những bổ sung chi tiết này được các ông bổ sung qua các lời tựa. Điều này là hợp lý, khoa học vì vừa giữ được tính lịch sử của Tuyên ngôn mà lại vừa cập nhật được tinh thần thực tiễn mới. Cách tiếp cận này của C.Mác và Ph.Ăngghen là mẫu mực cho chúng ta noi theo. Cũng từ cách tiếp cận này đòi hỏi chúng ta ngày hôm nay phải biết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và dám khẳng định giá trị trường tồn, tính đúng đắn khoa học của Tuyên ngôn. Đồng thời, chúng ta phải biết bổ sung những điểm mới từ tổng kết thực tiễn mới cho Tuyên ngôn. Đây là cách bảo vệ tốt nhất di sản lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen nói chung, di sản lý luận của Tuyên ngôn nói riêng.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018

(1), (2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995; tr.128, 128.

(3), (4), (5) Sđd, t.19, tr.432-433, 433, 434.

(6), (7), (8), (9), (10), (11) Sđd, t.21, tr.11-12, 522, 522, 522- 523, 523, 524- 25.

(12), (13), (14), (15), (16) Sđd, t.22, tr.99, 415, 416, 544, 545.

(17) Sđd, t.4, tr.627.

(18) Sđd, t.17, tr.445.

 

GS, TS Trần Văn Phòng

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền