Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vấn đề sở hữu trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và vận dụng trong thời đại ngày nay
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 15:02
2159 Lượt xem

Vấn đề sở hữu trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và vận dụng trong thời đại ngày nay

(LLCT) - Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ mục đích cao cả của Đảng Cộng sản là lãnh đạo giai cấp công nhân xây dựng CNCS, phác họa bước tiến trong cải cách xã hội từ CNTB lên CNCS. Cơ sở của bước tiến đó là cải tạo quan hệ sản xuất TBCN thành quan hệ sản xuất XHCN, trong đó nhiệm vụ xóa bỏ chế độ tư hữu TBCN và xây dựng chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất là hạt nhân. Ngày nay, các nước lựa chọn định hướng XHCN phải biết cách thực tiễn hóa quan điểm của Tuyên ngôn trong điều kiện cụ thể của mình sao cho quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế và tạo dư địa lớn nhất cho sự phát triển tiến bộ xã hội. 

1. Tư tưởng về sở hữu trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

Cách đây 170 năm, tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời đã không chỉ tuyên bố cho toàn thế giới biết tôn chỉ, mục đích, cương lĩnh hành động của Đảng Cộng sản, tổ chức đại diện cho lợi ích giai cấp vô sản toàn thế giới, mà còn là một công trình khoa học vĩ đại, bất hủ, trong đó những thành tựu đạt được về mặt triết học, kinh tế học và xã hội học của C.Mác và Ph.Ăngghen được trình bày một cách rõ ràng và có sức thuyết phục, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn  lâu dài cho đến ngày nay.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định hai luận điểm quan trọng:

Thứ nhất, lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất; phương thức sản xuất quyết định các hình thái chính trị, văn hóa, tư tưởng gắn với nó...

Thứ hai, “Lịch sử của tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”(1).

Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, xuất bản năm 1883, Ph.Ăngghen đã trình bày rõ lập trường của hai ông: “Tư tưởng cơ bản và chủ đạo của “Tuyên ngôn” là: trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra, - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy; do đó (từ khi chế độ công hữu ruộng đất nguyên thủy tan rã), toàn bộ lịch sử là lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa những giai cấp bị bóc lột và những giai cấp đi bóc lột, giữa những giai cấp bị trị và những giai cấp thống trị, qua các giai đoạn của sự phát triển xã hội của họ; nhưng cuộc đấu tranh ấy hiện nay đã đến một giai đoạn mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức (tức là giai cấp vô sản) không còn có thể tự giải phóng khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức mình (tức là giai cấp tư sản) được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức và khỏi cuộc đấu tranh giai cấp”(2).

Trong logich các lập luận để chứng minh cho tính tất yếu của cách mạng vô sản, luận điểm thứ nhất được sử dụng để minh chứng cho động lực của vận động lịch sử; luận điểm thứ hai được sử dụng để phân tích các hình thái biểu hiện về mặt xã hội - chính trị của vận động lịch sử. Phạm trù cơ bản được sử dụng cho những lập luận đó là chế độ sở hữu tư liệu sản xuất.

Tuyên ngôn đã chỉ rõ bước thứ nhất của cách mạng vô sản là “tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”(3). Trong cuộc cách mạng đó, đảng cộng sản chủ trương cải tạo quan hệ sản xuất TBCN, thiết lập quan hệ sản xuất XHCN, trong đó xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Tuyên ngôn khẳng định: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ sở hữu nói chung, mà xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản. Nhưng chế độ tư hữu tư sản hiện thời, lại là biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia. Theo ý nghĩa đó, những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”(4). Nói cách khác, theo hai ông, nếu như quan hệ sản xuất TBCN thống trị thì tự nó đã, hoặc tiêu diệt, hoặc cải biến các quan hệ sản xuất khác phù hợp với nó, thì cách mạng vô sản nổ ra ở một nước tư bản phát triển chỉ còn làm việc cuối cùng là xóa bỏ quan hệ sản xuất TBCN, xác lập quan hệ sản xuất cộng sản chủ nghĩa. Các ông cũng xác nhận rõ rằng, những người cộng sản không chủ trương xóa bỏ sở hữu cá nhân đối với sản phẩm làm ra phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của họ. “Tư hữu” mà những người cộng sản muốn xóa bỏ là một chế độ sở hữu tư liệu sản xuất tạo điều kiện tái sản xuất ra quan hệ bóc lột giá trị thặng dư, trong đó tư liệu sản xuất do người lao động làm ra lại trở thành tài sản thuộc sở hữu tư nhân của nhà tư bản, nhờ đó người này có quyền đối xử với người lao động theo tiêu chuẩn bóc lột của họ. Tuyên ngôn đã chỉ rõ: “Trở thành nhà tư bản có nghĩa là không những chỉ chiếm một địa vị thuần túy cá nhân, mà còn chiếm địa vị xã hội trong sản xuất. Tư bản là một sản phẩm tập thể và nó chỉ có thể vận động được là nhờ sự hoạt động chung của nhiều thành viên trong xã hội, xét đến cùng, là nhờ sự hoạt động chung của tất cả các thành viên trong xã hội”(5). Ở đây có hai khía cạnh cần chú ý: Thứ nhất, tư liệu sản xuất, với tư cách sản phẩm thặng dư đã được xã hội tích lũy lại trong toàn bộ lịch sử đến thời điểm xem xét, đã được các chế độ sở hữu hiện tồn quy định thuộc về giai cấp thống trị, trong xã hội tư bản là giai cấp tư sản; Thứ hai, chế độ chính trị hiện tồn, trong đó nhà nước là cơ quan bảo vệ chế độ chính trị đó, không tự nguyện nhường đặc quyền của giai cấp tư sản cho giai cấp vô sản (số đông người lao động). Muốn giành được quyền đó, giai cấp vô sản phải làm cách mạng lật đổ chính quyền tư sản, thiết lập chính quyền vô sản. Những mô tả như vậy trong Tuyên ngôn không chỉ hàm ý chỉ ra quy luật chế định sự vận động lịch sử loài người diễn ra trong lòng xã hội tư bản tất yếu dẫn đến cách mạng vô sản, mà còn chứa đựng những phán đoán logich diễn ra từ quá trình đó để khuyến nghị các giải pháp cải tạo xã hội khi cách mạng vô sản đã thành công, đó là:

- “Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị, và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất(6). Giải pháp này được đưa ra dựa trên quy luật phủ định của phủ định. Nếu như chế độ tư hữu tư sản là chế độ tư hữu cao nhất, cuối cùng, phủ định các chế độ tư hữu từng tồn tại trước đó, thì phủ định chế độ tư hữu tư sản ắt hẳn là chế độ sở hữu xã hội (chung cho mọi người lao động). Hai ông hy vọng và tin tưởng rằng, trong chế độ sở hữu xã hội, mọi người sẽ bình đẳng với nhau trong sử dụng tư liệu sản xuất để nuôi sống mình, do đó sẽ không còn sự phân chia xã hội thành giai cấp.  “Khi những đối kháng giai cấp đã mất đi trong tiến trình của sự phát triển và toàn bộ sản xuất đã tập trung trong tay những cá nhân đã liên hợp lại với nhau thì quyền lực công cộng cũng mất tính chất chính trị của nó. Quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác. Nếu giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, nhất định phải tự tổ chức thành giai cấp, nếu giai cấp vô sản thông qua con đường cách mạng mà trở thành giai cấp thống trị và với tư cách là giai cấp thống trị, nó dùng bạo lực tiêu diệt những quan hệ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt những quan hệ sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện tồn tại của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt những giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính nó với tư cách là một giai cấp.

Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(7).

- Sau khi giành được chính quyền, đối với những nước tiên tiến nhất cần áp những biện pháp cải tạo quan hệ sản xuất cũ như sau:

“1. Tước đoạt sở hữu ruộng đất và trao nộp địa tô vào quỹ chi tiêu của nhà nước.

2. Áp dụng thuế luỹ tiến cao.

3. Xóa bỏ quyền thừa kế

4. Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ phiến loạn

5. Tập trung tín dụng vào tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn.

6. Tập trung tất cả các phương tiện vận tải vào trong tay nhà nước.

7. Tăng thêm số công xưởng nhà nước và công cụ sản xuất; khai khẩn đất đai để cầy cấy và cải tạo ruộng đất trong một kế hoạch chung.

8. Thực hành nghĩa vụ lao động đối với tất cả mọi người, tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt là cho nông nghiệp.

9. Kết hợp nông nghiệp với công nghiệp, thi hành những biện pháp nhằm làm mất dần sự khác biệt thành thị và nông thôn.

10. Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xóa bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các khu công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất,...”(8).

Cơ sở của các giải pháp này là xác lập chế độ sở hữu xã hội (chung cho mọi người). Các ông tin rằng, chế độ sở hữu chung sẽ đưa người lao động trở lại vai trò làm chủ, là vai trò người lao động vốn có, nhưng bị các xã hội dựa trên chế độ tư hữu tước mất. Chế độ sở hữu chung được phác họa sơ lược như sau:

+ Tư liệu sản xuất quan trọng nhất dĩ nhiên là đất đai và lợi ích nó có được là địa tô phải được xã hội đã tổ chức dưới hình thức nhà nước vô sản quản lý để chi tiêu chung.

+ Các tư liệu sản xuất nhân tạo đã tích lũy được của xã hội trong công nghiệp, tài chính, giao thông vận tải...cũng phải được sử dụng chung một cách có tổ chức theo kế hoạch của cơ quan quản lý sản xuất là nhà nước vô sản.

Để đảm bảo cho tư hữu về tư liệu sản xuất không thể tái sinh, Tuyên ngôn chỉ rõ: áp dụng thuế lũy tiến cao để giảm bất bình đẳng trong phân phối của cải và xóa bỏ quyền thừa kế để đảm bảo cho mọi trẻ em có cơ hội phát triển như nhau trong xã hội.

Mục tiêu của xã hội hóa tư liệu sản xuất được Tuyên ngôn kỳ vọng là: “để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”.

Trên cơ sở chế độ sở hữu chung, Tuyên ngôn tiếp tục phác họa các nghĩa vụ và phúc lợi xã hội mà công dân được hưởng là:

- Về nghĩa vụ, mọi người đều phải lao động, có trách nhiệm tự quản (liên kết của những người tự chủ), xã hội không dung thứ bóc lột, tức không lao động mà có thu nhập.

- Về phúc lợi xã hội: sẽ thực hiện giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xóa bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các khu công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất, nông nghiệp với công nghiệp, làm mất dần sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn.

 Tóm lại, “Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với những quan hệ sở hữu kế thừa của quá khứ; không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng kế thừa của quá khứ”(9)

2. Vận dụng tư tưởng về sở hữu của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Cách mạng vô sản đề cập trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ứng với các nước công nghiệp phát triển, trong đó phần đông người lao động là công nhân, những người không có tài sản, làm việc tập trung trong các xí nghiệp tư bản. Khi đó, lực lượng sản xuất đã sẵn sàng cho quan hệ sản xuất mới XHCN, mặc dù vẫn còn giai đoạn quá độ (lâu dài) để cải tạo xã hội tư bản thành xã hội XHCN. Ngay cả ở các nước này, biện pháp, hình thức thực hiện phải linh hoạt, song, những tư tưởng sau đây của Tuyên ngôn không thay đổi:

Thứ nhất, CNXH tất yếu sẽ thay thế CNTB thông qua cách mạng vô sản. Mục tiêu cuối cùng của cách mạng vô sản là xóa bỏ chế độ tư hữu và đi cùng nó là xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ tính chất áp bức giai cấp của nhà nước, “sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.

Thứ hai, trong từng bước đi, từng giai đoạn, biện pháp thực hiện có thể khác nhau, nhưng vấn đề có tính nguyên tắc là quan hệ sản xuất phải phù hợp với lực lượng sản xuất, nền kinh tế phải phát triển cùng chiều với tiến bộ xã hội, trong đó giải phóng năng lực sản xuất là động lực của sự phát triển.

Thứ ba, bước đầu tiên là giai cấp vô sản phải nắm chính quyền và sử dụng quyền lực chính trị đó từng bước tạo điều kiện cho quan hệ sản xuất XHCN ra đời, đứng vững và phát triển.

Việt Nam thực hiện cách mạng vô sản trong điều kiện một nước tiểu nông, những lực lượng sản xuất của xã hội tư bản vẫn chưa phát triển đầy đủ. Tình huống lịch sử đó đòi hỏi nền chuyên chính vô sản phải tiến hành giai đoạn quá độ lâu dài hơn, khó khăn hơn, nhất là trong điều kiện các nước tư bản phát triển còn có ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới. Bối cảnh đó đòi hỏi Việt Nam phải có bước đi, giải pháp đặc thù:

Một là, Việt Nam phải kiến tạo được quy mô và chất lượng lực lượng sản xuất ngang bằng với các nước tư bản hiện đại. Không có nước tư bản nào mong muốn các nước khác (nhất là những nước có chế độ chính trị XHCN) phát triển ngang bằng và vượt họ. Vì thế, Việt Nam phải nỗ lực tìm các giải pháp phát triển, tạo mọi điều kiện thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, để nhanh chóng đuổi kịp các nước phát triển hơn. Cần quán triệt chỉ dẫn quý báu của C. Mác: quan hệ sản xuất cũ không mất đi khi trong lòng nó còn dư địa cho lực lượng sản xuất phát triển; quan hệ sản xuất mới không thể ra đời khi các điều kiện của nó chưa hình thành đầy đủ. Hiện thực hóa luận điểm này là duy trì đa sở hữu với thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Hai là, nhất quán lập trường giai cấp công nhân. Lập trường giai cấp công nhân có nghĩa là sản xuất hợp tác, chuyên môn hóa ngày càng sâu sắc dựa trên động lực cải tiến công nghệ dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất không xa rời yêu cầu giữ vững chuyên chính vô sản. Bất kể trong tình huống nào thì sự lơi lỏng chuyên chính vô sản cũng sẽ là sự trở lại của chính quyền tư sản. Song, nếu nhà nước chuyên chính vô sản không đủ sức tạo ra dư địa cho lực lượng sản xuất phát triển nhanh hơn nhà nước tư bản thì nguy cơ phản cách mạng để quay trở lại CNTB là rất lớn. Chính vì vậy, lập trường giai cấp công nhân phải được bảo đảm bởi khả năng tổ chức tối ưu của nhà nước XHCN thể hiện ở năng suất lao động cao hơn.

Ba là, bảo vệ lợi ích của đông đảo người lao động, từng bước hạn chế tình trạng người bóc lột người. C.Mác đã nhiều lần khẳng định rằng, nguyên tắc ngang giá trong trao đổi hàng hóa, về bản chất, vẫn là pháp quyền tư sản. Thoát thai từ CNTB, trong giai đoạn đầu của CNXH không thể loại bỏ hoàn toàn pháp quyền tư sản, nhất là khi còn phải dựa vào kinh tế thị trường để duy trì động lực lao động tự giác của mỗi người, khi lực lượng sản xuất còn kém phát triển, của cải làm ra chưa đủ thỏa mãn mọi nhu cầu của con người, thì cạnh tranh còn là cần thiết để mọi người nỗ lực khắc phục khó khăn, khuyến khích lao động sáng tạo. Song, kinh tế thị trường luôn song hành với phân hóa giàu nghèo. Nếu để quy luật phân phối trong kinh tế thị trường hoạt động một cách tự phát thì tất yếu sẽ tập trung tư liệu sản xuất vào tay một thiểu số người, xã hội sẽ quay trở lại sự thống trị của tư hữu TBCN. Nếu nhà nước can thiệp để duy trì chế độ phân phối bình quân, thì sẽ triệt tiêu động lực lao động tích cực. Bởi vậy, đi đôi với duy trì và phát triển kinh tế thị trường, nhà nước XHCN phải bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động thông qua cơ chế phân phối mà đa số người lao động hài lòng. Tìm kiếm cách thức điều tiết phân phối một cách tối ưu là nhiệm vụ mà nhà nước XHCN phải hoàn thành.

Bốn là, phát triển lý luận về thời kỳ quá độ của C.Mác trong điều kiện cách mạng vô sản chưa diễn ra ở các nước tư bản phát triển nhất, mà lại thành công ở các nước lạc hậu hơn. Ở đây, giải pháp khôn khéo để cùng tồn tại và cạnh tranh một cách hòa bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Yêu cầu này đòi hỏi các đảng cộng sản phải lãnh đạo nhà nước XHCN xác lập được chính sách hội nhập tối ưu, vừa cho phép tận dụng được động lực của hợp tác hóa quốc tế vừa giữ được độc lập về lựa chọn chế độ chính trị. Tận dụng các diễn đàn quốc tế, tranh thủ tối đa các lực lượng tiến bộ ở ngay các nước TBCN, khôn khéo trong đường lối đối ngoại, tăng cường năng lực nội sinh... là những biện pháp mà các nước lựa chọn con đường XHCN phải thực hiện.

Sự sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới cho thấy, lịch sử phát triển của nhân loại tiến lên bằng những con đường quanh co và không thể có CNXH một cách trực tiếp, nhanh chóng bằng cuộc cách mạng bạo lực giành chính quyền về tay quần chúng lao động và sử dụng chính quyền đó tước đoạt giai cấp có của. CNXH ra đời là tất yếu nhưng phải dựa trên những bước đi phù hợp với trình độ phát triển lực lượng sản xuất ở quy mô quốc gia trong tương quan với quốc tế. Phải hiểu và thực thi đúng luận điểm: quan hệ sản xuất phải phù hợp với lực lượng sản xuất chứ không phải hiểu và làm ngược lại: quan hệ sản xuất mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển.  Sự nóng vội cũng gây ra những tác hại không kém sự trì trệ. Trên tinh thần đó, cần hiểu đúng và làm đúng tuyên bố trong Tuyên ngôn: “xóa bỏ chế độ tư hữu”. Chủ nghĩa cộng sản với ý nghĩa cái đích cần phấn đấu đạt tới khác biệt với xã hội thực tại mà các nhà nước XHCN đang xây dựng và quản lý. Để từng bước tiến tới mục tiêu cuối cùng đó, các bước đi phải phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó lập trường đứng về phía lợi ích của người lao động phải được quán triệt trong mọi chính sách và ở mọi thời kỳ. Đó cũng là nguyên tắc, dấu hiệu chứng tỏ đảng cầm quyền là đảng cộng sản chân chính.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018

(1), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.596, 615, 615, 616, 626, 628, 627-628, 626.

(2) Sđd,  t.21, tr.11-12.

PGS, TS Trần Thị Minh Châu

Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền