Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tác động của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" đối với cách mạng ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 15:05
1338 Lượt xem

Tác động của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" đối với cách mạng ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

(LLCT) - Tôi rất vinh dự được thay mặt cho Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào đến dự Hội thảo khoa học với chủ đề: “Lý luận và giá trị thực tiễn trong thời đại ngày nay - Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, là Hội thảo có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng Cộng sản và những người cộng sản để khẳng định lại quan điểm, lập trường của những đảng kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng như nguyên lý tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnlàm nền tảng lý luận và kim chỉ nam cho hành động của đảng. Hội thảo lần này sẽ làm phong phú thêm kho tàng lý luận và thực tiễn cho các Đảng Cộng sản nói chung, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nói riêng.

1. Những nội dung cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

 

Bước vào giai đoạn giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở châu Âu đã đạt được những bước phát triển quan trọng, cách mạng khoa học công nghiệp đã hoàn thành về cơ bản ở nước Anh, đang được đẩy mạnh ở nước Pháp và cũng bắt đầu diễn ra ở một số nước khác làm cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ. Điều này đánh dấu một bước phát triển của lịch sử nhân loại, đó là sự xuất hiện và lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản; đồng thời giai cấp công nhân hiện đại cũng đã xuất hiện và đã bước lên vũ đài chính trị đấu tranh với giai cấp tư sản. Nổi bật nhất là các phong trào của công nhân dệt ở thành phố Lion (Pháp) năm 1831, vùng Xiledi (Đức) năm 1844 và phong trào đấu tranh lan rộng khắp nước Anh từ năm 1838-1848.

Cuối tháng 11 đầu tháng 12-1847, Đại hội lần thứ II của Liên đoàn những người cộng sản đã trao cho C.Mác và Ph.Ăngghen viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnvới tư cách là một cương lĩnh chung cho phong trào cộng sản đang phát triển ở châu Âu và thế giới. Đến tháng 2-1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnđã được xuất bản lần đầu tiên ở Luân Đôn, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Nội dung Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảngồm bốn chương: Chương thứ nhấtkhái quát lại quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người là đấu tranh giai cấp. Lịch sử phát triển của xã hội loài người từ khi chế độ cộng sản nguyên thủy tan rã cho tới nay là lịch sử đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa giai cấp bị áp bức, bóc lột và giai cấp bóc lột. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng: “Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả phường hội và thợ bạn, nói tóm lại những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau”(1). Tuyên ngôn đã khẳng định rằng, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản đó, thắng lợi cuối cùng sẽ là của giai cấp vô sản, sự diệt vong tất yếu của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản. Chương thứ hai, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phân rõ tính tiên phong của Đảng Cộng sản, mối quan hệ giữa giai cấp vô sản và những người cộng sản, những nguyên lý cơ bản của CNXH khoa học, một số nguyên lý chiến lược, sách lược cách mạng. Trong đó, đã khẳng định rằng: “Họ tuyệt nhiên không có lợi ích nào tách khỏi lợi ích của giai cấp vô sản”(2). Mục đích của Đảng là mục đích của giai cấp, Đảng là đại diện cho lợi ích của tất cả phong trào vô sản. Nhiệm vụ trước mắt của Đảng là: “Tổ chức vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”(3). Chương thứ ba, Tuyên ngônđã phê phán các trào lưu tư tưởng đi ngược lại với quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, như: CNXH phản động, lạc hậu và bảo thủ mà mặc áo của CNXH. Tất cả các trào lưu CNXH phi vô sản đều trở ngại cho việc ra đời của chính đảng, Tuyên ngôn phê phán các trào lưu đó nhằm bảo đảm thắng lợi cho việc truyền bá học thuyết của CNXH khoa học và phong trào công nhân. Chương thứ tưkhẳng định lập trường kiên quyết của Đảng Cộng sản về các vấn đề chiến lược và sách lược mềm của Đảng. Nguyên tắc có ý nghĩa về mặt chiến lược của những người cộng sản: “Những người cộng sản đấu tranh vì lợi ích và mục đích trước mắt của giai cấp công nhân, đồng thời trong phong trào hoạt động hiện nay, họ cũng là người bảo vệ và đại điện cho tương lai của phong trào”. Tuyên ngônđã đề ra phương hướng, chiến lược hoạt động của những người cộng sản và đã kêu gọi: “Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại”.

2. Tác động của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Lào

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm kinh điển cơ bản của CNXH khoa học. Trải qua 170 năm, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải giải quyết, nhưng chủ nghĩa Mác không bao giờ lạc hậu. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã xây dựng nền tảng tư tưởng cho công tác Đảng và xây dựng Đảng, có ý nghĩa thiết thực trong việc dựng Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Nhìn lại lịch sử 80 năm qua, từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào truyền bá ở Đông Dương và lãnh đạo thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào ngày 3-2-1930, sau đó vào ngày 22-3-1955 kế thừa sự nghiệp của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được thành lập do Chủ tịch Cay xỏn Phôn vi hản là hạt nhân lãnh đạo. Kể từ đó, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lãnh đạo cách mạng Lào từ cuộc cách mạng giải phóng đất nước, giành lại độc lập dân tộc cho đến bước vào giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước và đang thực hiện công cuộc đổi mới theo mục tiêu tiến lên CNXH. Mục tiêu của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào phù hợp với tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đó là: “Làm cho đất nước giàu mạnh, dân giàu hạnh phúc, xã hội đoàn kết hài hòa, dân chủ, công bằng và văn minh”(4).

Trong suốt thời gian qua, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã lấy nội dung cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnlàm kim chỉ nam cho hành động của Đảng, thể hiện rõ như sau:

Đối với Đảng và bản chất của Đảng thể hiện rõ trong Điều lệ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, khóa X: “Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là đội tiên phong có tổ chức, là tổ chức chính trị cao nhất của giai cấp công nhân và của chế độ dân chủ nhân dân Lào, là đại diện trung thành xuyên suốt về quyền và lợi ích của toàn thể giai cấp công nhân Lào, nhân dân lao động Lào và dân tộc Lào”(5). Chính vì vậy, Đảng phải nắm vững và đảm bảo cho những điều kiện về sự lãnh đạo của Đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Trước hết là: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng  Cayxỏn Phônvihản và truyền thống tốt đẹp của Đảng làm nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, làm kim chỉ nam cho việc tổ chức và hành động của Đảng”(6).

Đảng Nhân dân Cách mạng Lào bao gồm những người giác ngộ, hăng hái cách mạng, ưu tú nhất và được tin tưởng nhất trong giai cấp công nhân, nông dân, trí thức cách mạng và tầng lớp lao động khác trong các bộ tộc, mà đã qua thử thách trong quá trình bảo vệ và phát triển đất nước, tự nguyện tham gia vào cơ quan tổ chức Đảng, nhằm phấn đấu thực hiện mục đích và sự nghiệp của Đảng. Mục đích của Đảng là lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, có nguyên tắc của Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân đạt tới mục tiêu CNXH, xây dựng đất nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng. Những nội dung trên đều phù hợp với nguyên lý tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Vận dụng nguyên lý chiến lược và sách lược mà Tuyên ngônđã đưa ra, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã vận dụng sáng tạo vào thực tế đất nước, từ một nước nhỏ chậm phát triển, tiến thẳng lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Vào những năm 80 các nước XHCN rơi vào khủng hoảng, đầu những năm 90 hệ thống XHCN trên thế giới bị tan vỡ. Tuy nhiên, CHDCND Lào đã vượt qua được khủng hoảng và đang thực hiện sự nghiệp đổi mới, giữ vững mục tiêu CNXH cho đến ngày nay. Đó là do Đảng đã có chiến lược đúng đắn và sách lược phù hợp, biết vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin.

Việc khởi xướng đường lối đổi mới của Đảng bắt đầu từ Đại hội IV (1986), thể hiện rõ trong Hội nghị Trung ương 8, khóa IV (1990), Đảng đưa ra 6 nguyên tắc đổi mới: “Một là, kiên định mục tiêu CNXH, nắm vững tính chất cách mạng trong thời kỳ mới; Hai là, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng; Ba là, sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi của cách mạng Lào; Bốn là, củng cố và phát huy dân chủ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy dân làm gốc dưới sự lãnh đạo của Đảng; Năm là, tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chuyên chính dân chủ nhân dân; Sáu là, phối hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản và quốc tế xã hội chủ nghĩa, phối hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại”(7). Trên cơ sở đó, sau hơn 30 năm tiến hành đổi mới đất nước, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã kiên định và vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin cũng như nguyên lý cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng cộng sảnvào điều kiện thực tiễn của đất nước, thể hiện rõ trong nội dung Đại hội X của Đảng:

1) Phải kiên định đường lối đổi mới toàn diện và có nguyên tắc của Đảng, tiếp tục phát huy sáng tạo trên cơ sở duy trì mục tiêu CNXH và độc lập dân tộc, vận dụng và phát triển lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Cayxỏn Phômvihản, tiếp tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc phối hợp với việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

2) Trong quá trình phát triển phải lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm gắn chặt với phát triển xã hội, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và giữ gìn môi trường theo hướng bền vững; khai thác và sử dụng sức mạnh của mọi thành phần kinh tế vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước theo cơ chế kinh tế thị trường dưới sự quản lý và điều tiết của Nhà nước; phối hợp nhuần nhuyễn giữa phát triển kinh tế với an ninh - quốc phòng, thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh tế gắn liền với việc xóa đói giảm nghèo của nhân dân và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân các bộ tộc.

3) Xây dựng cơ sở chính trị và phát triển nông thôn toàn diện một cách mạnh mẽ, liên tục, trên tinh thần 4 nội dụng, 4 yêu cầu làm tiêu chí chiến lược lâu dài nhằm đổi mới tạo sức mạnh cho hệ thống chính trị cơ sở; tập trung giải quyết công tác xóa đói giảm nghèo cho nhân dân bằng cách khuyến khích sản xuất hàng hóa gắn liền với tạo việc làm và định canh định cư nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

4) Tăng cường đoàn kết toàn dân vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng là truyền thống, sức mạnh thắng lợi và yếu tố cơ bản cho việc xây dựng và giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, bảo đảm việc giữ vững ổn định thành quả cách mạng và toàn vẹn lãnh thổ đất nước cũng như việc xây dựng phát triển đất nước đạt được mục tiêu đề ra.

5) Để bảo đảm sự phát triển đúng hướng, rất cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh các cấp ủy Đảng, làm cho các cấp ủy Đảng có năng lực lãnh đạo - chỉ đạo trong việc tổ chức triển khai, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, đúng đắn và kịp thời, vừa phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng địa phương, đi song song với việc phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị các cấp, của các thành phần kinh tế và truyền thống dân tộc, các tầng lớp tham gia tổ chức thực hiện.

6) Nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng, đi đôi với việc nâng cao tinh thần đấu tranh gương mẫu của đội ngũ đảng viên, kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong tổ chức Đảng, Nhà nước cũng như đội ngũ đảng viên, cán bộ một cách kịp thời, bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh.

7) Kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác thường xuyên liên tục; chủ động và tích cực hội nhập khu vực và quốc tế, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước láng giềng cũng như các nước ASEAN, các nước hữu nghị trên thế giới và các tổ chức quốc tế; đặc biệt phải phát huy mối quan hệ truyền thống, đoàn kết với các nước bạn chiến lược cùng chung một lý tưởng XHCN, đây là yếu tố cần thiết và không thể thiếu để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp bảo vệ, giữ gìn và phát triển đất nước.

3. Phát huy giá trị Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là bước ngoặt quan trọng cơ bản cho phong trào cách mạng, lãnh đạo giai cấp công nhân bước vào diễn đàn chính trị với tư cách là lực lượng xã hội độc lập, đấu tranh giải phóng mình, giải phóng nhân loại toàn thế giới. Trong lịch sử nhân loại, hiếm có tác phẩm nào tác động sâu sắc đến quá trình phát triển của cách mạng thế giới cũng như cách mạng Lào như thế. Tuyên ngônvẫn còn tiếp tục phát huy giá trị trong nhiều phương diện như:

Giá trị về chính trị: Thời đại ngày nay, mặc dù có nhiều vấn đề phức tạp, nảy sinh nhiều tư tưởng mới nhưng mục tiêu tiến lên CNXH của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào không bao giờ đổi thay. Đảng tiếp tục kiên định với giá trị của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản,kiên định với lý luận của những người cộng sản theo hướng: “Kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, nắm vững tính cách mạng ở Lào trong thời kỳ mới; lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng đất nước; thực hiện nguyên tắc lãnh đạo của Đảng làm điều kiện quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng của nhân dân; củng cố và phát huy dân chủ trên cơ sở nguyên tắc dân chủ nhân dân; tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chuyên chính dân chủ nhân dân và phối hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản và quốc tế xã hội chủ nghĩa, phối hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại”(8).

Giá trị lý luận và thực tiễn: Trong quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn của Đảng, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tập trung vào vấn đề liên quan đến cơ sở lý luận về đường lối và tiến trình hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng các yếu tố từng bước tiến lên CNXH. Đồng thời, Đảng đã nghiên cứu vấn đề lý luận bổ sung cho đường lối, chủ trương của Đảng trong việc giữ vững bản chất giai cấp, phát huy tính tiên phong và tinh thần phục vụ đất nước, phục vụ lợi ích của nhân dân trong điều kiện Đảng cầm quyền và thực hiện cơ chế thị trường. Do vậy, Đảng đã tiến hành sắp xếp lại chương trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn; giáo dục, nghiên cứu và phổ biến Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảncho toàn xã hội.

Chủ nghĩa Mác là hệ thống lý luận không ngừng được mở rộng và phát triển cùng với sự phát triển của thời đại. Không thể nhìn nhận chủ nghĩa Mác bằng thái độ của chủ nghĩa giáo điều, cũng không thể nhìn nhận chủ nghĩa Mác bằng thái độ của chủ nghĩa thực dụng. Nếu không xem xét sự thay đổi của điều kiện lịch sử và tình hình thực tế, nắm vững quá khứ, hiện tại và dự kiến cho tương lai trên cơ sở khoa học thì chúng ta sẽ sai lầm trong việc đề ra đường lối của Đảng. Trong khi bối cảnh thế giới có sự thay đổi, vị thế và vai trò của Đảng Cộng sản có sự thay đổi, chúng ta cần phải tiếp tục kiên trì vận dụng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnvào tình hình thực tế của đất nước một cách sáng tạo, tiếp tục nghiên cứu thêm cái gì nên tìm hiểu lại, cái gì nên cải tạo và cái gì vẫn còn là chân lý không thay đổi.

Tóm lại, vận dụng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnvào sự nghiệp cách mạng cũng như việc xây dựng CNXH ở mỗi nước nói chung, ở CHDCND Lào nói riêng là cấp thiết, sinh động và có chân lý. Chỉ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo Tuyên ngônvào điều kiện thực tế của mỗi nước một cách phù hợp trong từng giai đoạn mới có thể làm cho chế độ XHCN trở thành hiện thực, đạt tới mục tiêu đất nước giàu mạnh, dân giàu hạnh phúc, xã hội đoàn kết hài hòa, dân chủ, công bằng và văn minh.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018

(1), (2), (3) C.Mác và Ph.Ăngghen (Tiếng Lào): Tác phẩm tuyển tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.731, 750, 751.

 (4) Văn kiện Đại hội của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ X, năm 2016, tr. 108.

(5), (6) Điều lệ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, khóa X, năm 2016, tr.1, 2.

(7) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa IV, năm 1990, tr.23-29.

(8) Văn kiện Đại hội IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, năm 1986.

 

PGS, TS Thongsalith Mangnomek

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào,

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền