Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vận dụng một số giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đội ngũ đảng viên và thanh đảng trong xây dựng Đảng hiện nay
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 16:20
2910 Lượt xem

Vận dụng một số giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đội ngũ đảng viên và thanh đảng trong xây dựng Đảng hiện nay

(LLCT) - Trong lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên và thanh đảng là hai vấn đề rất quan trọng được Đảng ta nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo, góp phần đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa, hội nhập hiện nay, trước những vấn đề mới nảy sinh, cần tiếp tục hoàn chỉnh các nội dung về tư cách đảng viên của Đảng; tăng cường dựa vào dân để tiến hành công tác xây dựng Đảng, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống.

1.  Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đội ngũ đảng viên và vấn đề thanh đảng của Đảng Cộng sản

- Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đội ngũ đảng viên

Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu về xây dựng Đảng được C.Mác và Ph.Ăngghen đặc biệt quan tâm là xây dựng đội ngũ đảng viên, những phần tử tạo thành Đảng, tạo nên bản chất, chất lượng của Đảng, bảo đảm tính vững chắc, tính kiên định, tính trong sạch của Đảng. Trong tác phẩm “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản”, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, và tác phẩm “Nội chiến ở Pháp”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã xác định những nội dung (đặc trưng) của tư cách đảng viên cộng sản để phân biệt đảng viên cộng sản với quần chúng, nhất là với những quần chúng tích cực ngoài Đảng. Những đặc trưng ấy, ổn định trong thời gian dài trong quá trình đấu tranh xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột và xây dựng xã hội mới, XHCN. 

Kế thừa và phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, V.I.Lênin đã chỉ ra những đặc trưng của người đảng viên cộng sản ổn định trong giai đoạn Đảng lãnh đạo giành chính quyền và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội để phân biệt đảng viên với quần chúng, nhất là phân biệt với quần chúng tích cực ngoài Đảng. Những đặc trưng ấy được Người gọi là “tư cách đảng viên cộng sản”, hay còn gọi là “danh hiệu đảng viên cộng sản”.

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về “tư cách đảng viên cộng sản”  khi Đảng Cộng sản đầu tiên trên thế giới chuẩn bị ra đời, câu hỏi rất quan trọng đặt ra cần trả lời là, ai có thể là đảng viên của Đảng Cộng sản? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên trong Điều 2, “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản”, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Mục đích của Liên đoàn là lật đổ giai cấp tư sản, lập nền thống trị của giai cấp vô sản, tiêu diệt xã hội tư sản cũ dựa trên sự đối kháng giai cấp và xây dựng xã hội mới không có giai cấp và không có chế độ tư hữu”(1). Các ông cũng xác định tiêu chuẩn cụ thể của đảng viên cộng sản, đó là: “a) lối sống và hoạt động phù hợp với mục đích ấy; b) nghị lực cách mạng và lòng nhiệt thành trong công tác tuyên truyền; c) thừa nhận chủ nghĩa cộng sản; d) không tham gia vào mọi tổ chức - tổ chức chính trị hoặc tổ chức dân tộc - chống cộng sản, và có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan lãnh đạo hữu quan về việc mình tham gia vào một tổ chức nào đó; e) phục tùng các nghị quyết của Liên đoàn; f) giữ bí mật mọi công việc của Liên đoàn; g) được một chi bộ nhất trí kết nạp. Ai không còn đủ những điều kiện ấy sẽ bị khai trừ”(2)

Trong những tiêu chuẩn nêu trên có những tiêu chuẩn ổn định trong thời gian dài, đó là tư cách đảng viên.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác, Ph.Ăngghen đã chỉ ra những đặc trưng (nội dung) cơ bản của tư cách đảng viên. “Những người cộng sản chỉ khác với các đảng vô sản khác trên hai điểm: Một là, trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản; Hai là, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào.

Vậy là về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở các nước, là bộ phận tiên tiến nhất cổ vũ tất cả những bộ phận khác; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”(3).

Trong tác phẩm “Nội chiến ở Pháp”, C.Mác đã chỉ ra những đặc trưng cơ bản nhất, phong phú, sinh động của tư cách đảng viên cộng sản. C.Mác đã trích lại câu của một nhà văn Pháp khi nói về người đảng viên cộng sản - các chiến sĩ Công xã Pari: “Những ủy viên của Ủy ban trung ương cũng như phần lớn ủy viên Công xã, đều là những đầu óc tích cực nhất, sáng suốt nhất, và cương quyết nhất của Hội Liên hiệp công nhân quốc tế... Đó là những nhân vật vô cùng trung thực, chân thực, thông minh, tận tụy, trong sạch và cuồng tín hiểu theo nghĩa tốt nhất của chữ đó”(4).

Kế thừa, phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen,V.I.Lênin nhiều lần bàn về tư cách đảng viên. Trong tác phẩm “Một bước tiến hai bước lùi”, trả lời câu hỏi ai có thể là đảng viên của Đảng Cộng sản, V.I.Lênin viết: “Tất cả những người nào thừa nhận cương lĩnh của Đảng, ủng hộ Đảng bằng những phương tiện vật chất và tự mình tham gia một trong những tổ chức của Đảng”(5). Những đặc trưng này có vai trò đặc biệt quan trọng để hình thành một đảng tiên phong, có kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh, đề cao tính tổ chức, kỷ luật, sự gắn bó chặt chẽ giữa đảng viên với tổ chức đảng.

Bàn về tư cách đảng viên trong điều kiện đảng cầm quyền, V.I.Lênin nhiều lần chỉ rõ: “Chỉ có những người chân thành đi theo chủ nghĩa cộng sản, chỉ những ai thành tâm, trung thành với nhà nước công nhân, chỉ có những người lao động trung thực, chỉ có những đại biểu thật sự của quần chúng bị áp bức dưới thời chủ nghĩa tư bản, mới vào đảng được”(6). “Chỉ có những người thực sự trung thành với sự nghiệp giải phóng của nhân dân lao động, mới có thể vào đảng được”(7).

Từ luận điểm của V.I.Lênin, có thể khái quát tư cách đảng viên, gồm những nội dung: đảng viên cộng sản phải là người giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; có trình độ văn hóa và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao; có ý thức tổ chức kỷ luật cao; gắn bó mật thiết với quần chúng, giáo dục, tổ chức quần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng, là tấm gương mẫu mực cho quần chúng noi theo; đảng viên cộng sản phải tiên tiến hơn quần chúng và khác về chất so với đảng viên của các đảng khác, các phần tử cơ hội.  

Từ phân tích trên, có thể xác định giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đội ngũ đảng viên là tư cách đảng viên.

Công tác đảng viên là toàn bộ hoạt động của Đảng với sự tham gia của các tổ chức, lực lượng để đội ngũ đảng viên có chất lượng tốt, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng,tức là bảo đảm và nâng cao tư cách đảng viên. V.I.Lênin chỉ rõ:“Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ tính vững chắc, tính kiên định, tính trong sạch của Đảng. Chúng ta phải cố gắng làm cho danh hiệu và ý nghĩa của đảng viên ngày càng cao hơn lên mãi”(8).

- Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề thanh đảng

C.Mác và Ph.Ăngghen đã đấu tranh quyết liệt và loại trừ những kẻ cơ hội, suy thoái ra khỏi Đảng. Đặc biệt, yêu cầu cao của việc bảo vệ thành quả cách mạng, thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP), xây dựng CNXH, V.I.Lênin đã tiến hành cuộc thanh Đảng. Cuộc thanh đảng do V.I.Lênin và Đảng Cộng sản (b) Nga tiến hành trong hoàn cảnh:

Ngay từ ngày thành lập (1903), Đảng Cộng sản (b) Nga đã phân chia thành hai phái Bônsêvích và Mensêvích. Phái Mensêvích đã cấu kết với phái Kinh tế thành một lực lượng có đường lối riêng chống lại Đảng và V.I.Lênin, trước hết là về những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng.

Sau Cách mạng Tháng Mười, trong Đảng nổ ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt giữa những người Bônsêvích và phái Mensêvích xung quanh những vấn đề về Hòa ước Bret-slitop, Chính sách thời chiến, Chính sách kinh tế mới, công đoàn, nhà nước, chuyên chính vô sản...

Trải qua cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và nội chiến, giai cấp công nhân Nga có biến động lớn: nhiều công nhân ưu tú ra mặt trận hoặc đi kiếm sống tự do; nhiều phần tử xuất thân từ các tầng lớp dân cư đã vào làm việc trong các xí nghiệp, hầm mỏ, trong đó có những kẻ trốn nghĩa vụ quân sự và những tên vô sản lưu manh.

Trở thành đảng cầm quyền, có sức hấp dẫn rất lớn, những người cơ hội đã tìm cách vào Đảng. Những phần tử cơ hội cũ còn ở trong Đảng và những người cơ hội mới đã thực sự trở thành lực lượng đáng kể ở trong Đảng làm giảm sức mạnh, uy tín của Đảng. Trong khi đó, Đảng lãnh đạo  bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng CNXH, trong điều kiện muôn vàn khó khăn. Nếu để bọn cơ hội ở trong Đảng thì Đảng không thể là một khối thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức, sẽ không có sức mạnh và không thể hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa, số lượng đảng viên trong thời kỳ đó tăng nhanh, nên khó tránh khỏi những sai sót trong giáo dục, rèn luyện, thử thách, kết nạp đảng viên mới và trong giáo dục, rèn luyện những đảng viên hiện có, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội ngũ đảng viên.

Trong năm 1919 - 1920, Đảng Cộng sản (b) Nga đã có biện pháp đưa những kẻ cơ hội ra khỏi Đảng, như cấp lại thẻ đảng, đem lại kết quả thiết thực, nhưng chưa đủ làm chuyển biến về chất của Đảng. Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng, V.I.Lênin nhận thấy, sự tồn tại của bọn cơ hội, thoái hóa, biến chất, các phe nhóm trong Đảng là một nguy cơ lớn đối với Đảng, chế độ và Chính sách kinh tế mới. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra là làm trong sạch Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Người đã đề xuất và dự thảo nghị quyết về vấn đề thanh đảng, được Đại hội X của Đảng thông qua và triển khai thực hiện vào cuối năm 1921.

Kết quả là: 159.355 người bị khai trừ khỏi Đảng (chưa kể người bị ra khỏi Đảng ở tỉnh Brianxcơ, Axtơrakhan, Tuốckixtan), chiếm 24,1% tổng số đảng viên(9[1]). Nhờ đó, Đảng được xây dựng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là thực hiện thắng lợi Chính sách kinh tế mới (NEP).

Từ hoạt động đuổi bọn cơ hội ra khỏi Đảng của C.Mác, Ph.Ăngghen và cuộc thanh đảng của V.I.Lênin, có thể thấy, giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề thanh đảng là: thanh đảng được tiến hành bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với tình hình từng Đảng, với yêu cầu nhiệm vụ Đảng lãnh đạo thực hiện và phải dựa vào những ý kiến của nhân dân lao động ngoài Đảng.

Cuộc thanh đảng của V.I.Lênin được thực hiện dưới các hình thức, như: đăng ký lại đảng; động viên ra mặt trận; tham gia lao động cộng sản chủ nghĩa; các biện pháp quyết liệt như: thanh trừ bằng khủng bố, xử lý ngay tại chỗ; hành hình ngay tức khắc...

Tiến hành thanh đảng, V.I.Lênin rất coi trọng dựa vào ý kiến của quần chúng lao động ngoài Đảng. Người chỉ rõ: “...đối với việc đánh giá người, và gạt bỏ những kẻ “chui vào đảng”, bọn “làm quan”, bọn đã bị “quan liêu hóa”, thì những lời chỉ dẫn của quần chúng vô sản ngoài đảng và trong nhiều trường hợp thì cả những lời chỉ dẫn của quần chúng nông dân ngoài đảng nữa, rất là quý báu”(10).  

2. Vận dụng giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đội ngũ đảng viên và vấn đề thanh đảng trong thực tiễn xây dựng Đảng ta

- Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin về tư cách đảng viên trong thực tiễn xây dựng Đảng ta

Trong quá trình sáng lập, giáo dục, rèn luyện Đảng ta và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm tư cách đảng viên của Đảng. Trong thời gian chuẩn bị thành lập Đảng, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người đã xác định tư cách một người cách mệnh: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói đi đôi với làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”(11).

Những nội dung nêu trên của tư cách đảng viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung, phát triển ngày càng sâu sắc: Một là, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin; kiên trì phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và của nhân loại; kết hợp tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc với CNXH, chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Hai là, vừa có đức, vừa có tài, đức là gốc; tích cực rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Ba là, gắn bó mật thiết với nhân dân; luôn lấy dân làm gốc; vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân; thống nhất lời nói với việc làm; thực hiện “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Bốn là, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Năm là, kiên quyết đấu tranh chống các tư tưởng và hành động sai trái, phản động, trước hết là chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội, bệnh giáo điều, chủ nghĩa cá nhân. Sáu là, chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc và luôn coi trọng vận dụng giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đội ngũ đảng viên và vấn đề thanh đảng trong thực tiễn xây dựng Đảng.

Trong Điều lệ vắn tắt, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin về tư cách đảng viên để xây dựng những nội dung chủ yếu của tư cách đảng viên của Đảng ta: “LỆ VÀO ĐẢNG: Ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình đảng và Quốc tế Cộng sản, hăng hái đấu tranh và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận đảng thời được vào Đảng”(12). Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương tiếp tục nhấn mạnh những nội dung này: “đảng viên: hễ ai thừa nhận chương trình và Điều lệ của Q.T.C.S và của Đảng và gia vào một chi bộ của Đảng mà làm việc và phục tùng hết thảy Án nghị quyết của Q.T.C.S và của Đảng và nộp đảng phí thì được vào Đảng”(13).

Trong Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội IV, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh về tư cách đảng viên. Đảng chỉ rõ: “Trong vấn đề đảng viên, vấn đề quan trọng trước hết là phải xác định đúng đắn và bảo đảm chặt chẽ tư cách đảng viên, khắc phục những biểu hiện lệch lạc khi hữu, khi “tả” mà chủ yếu là những lệch lạc hữu thường bắt nguồn từ những nhận thức không đầy đủ về tư cách đảng viên”(14). Đồng thời, Đảng cũng đưa ra khái niệm tư cách đảng viên: “Tư cách đảng viên là những điều kiện cơ bản mà đảng viên cần có và là những điều cơ bản làm cơ sở để phân rõ ranh giới giữa đảng viên và quần chúng tích cực ngoài Đảng”(15).

Đảng ta đã khái quát nội dung cơ bản của tư cách đảng viên của Đảng ta trong bốn thời kỳ lớn của cách mạng nước ta (thời kỳ đấu tranh giành chính quyền; thời kỳ chống thực dân, đế quốc xâm lược hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước từ năm 1930 đến năm 1975; thời kỳ cả nước xây dựng CNXH theo cơ chế hành chính, tập trung, bao cấp và bảo vệ thành quả cách mạng từ năm 1976 đến năm 1985 và thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay) để thấy rõ kết quả việc vận dụng tư cách đảng viên của chủ nghĩa Mác - Lênin trong xây dựng Đảng ta.

Tư cách đảng viên thời kỳ 1930 - 1975: Một là, từ yêu nước thiết tha đến với chủ nghĩa cộng sản; căm thù giặc sâu sắc, quyết tâm giành độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì lợi ích chung của đất nước và CNXH. Hai là, tính đảng cao và tình đồng chí sâu sắc. Ba là, đạo đức cách mạng trong sáng. Bốn là, năng lực tư duy sáng tạo. Năm là, luôn liên hệ mật thiết với quần chúng.

Tư cách đảng viên thời kỳ 1976 - 1985:Một là, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định về lập trường, quan điểm trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới. Hai là, tích cực tìm tòi, thử nghiệm những hình thức, bước đi, biện pháp xây dựng CNXH phù hợp với quy luật, đặc điểm của đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Ba là, trung thành với Đảng, hiếu với dân, chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tư cách đảng viên thời kỳ 1986 đến nayMột là, vững vàng trước những biến động, những khó khăn, thách thức rất lớn của tình hình trong nước và trên thế giới, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu và con đường đi lên CNXH. Hai là, hăng hái đi đầu trong công cuộc đổi mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ba là, giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trong sạch, lành mạnh, cần, kiệm, liêm, chính. Ba là, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm nhiều cách làm mới, đạt hiệu quả cao, được quần chúng tin yêu, ca ngợi. Bốn là, ý thức tổ chức kỷ luật cao, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, Điều lệ của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin về hình thức, biện pháp thanh đảng và dựa vào nhân dân để tiến hành thanh đảng 

Trong giai đoạn Đảng lãnh đạo giành chính quyền, Đảng đã tiến hành các đợt tự phê bình, phê bình, “tự chỉ trích”, nhất là Đảng phát động và thực hiện phong trào “vô sản hóa” để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, qua đó đưa những người vi phạm nghiêm trọng tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng đã tiến hành các cuộc chỉnh huấn trước khi lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ mới to lớn, nặng nề hơn. Đặc biệt, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược chuẩn bị bước vào thời kỳ tổng phản công, Đảng đã tiến hành cuộc chỉnh Đảng vào đầu năm 1952, đạt kết quả to lớn. Những người vi phạm nghiêm trọng tư cách đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng, nhờ đó chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng cao, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, giải phóng miền Bắc, tiến hành xây dựng CNXH. Từ năm 1954 đến 1975, Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong thời kỳ này, Đảng đã thường xuyên tiến hành các hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đưa những người không xứng đáng ra khỏi Đảng, như: động viên những đảng viên ưu tú tham gia quân đội, ra mặt trận chiến đấu ở chiến trường miền Nam,  tham gia các lực lượng thanh niên xung phong, dân quân tự vệ... Đồng thời, Đảng tiến hành cuộc vận động lớn “nâng cao chất lượng đảng viên, kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh”... Nhờ đó, Đảng đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi, hoàn thành mục tiêu cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, đất nước thống nhất, đi lên CNXH.

Trong giai đoạn cả nước xây dựng CNXH, bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề công tác xây dựng Đảng như: Nghị quyết Trung ương ba khóa VII “về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Trung sáu (lần 2) khóa VIII “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương bốn khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương bốn khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Nhờ đó đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng; xử lý được nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, trong đó có cả những cán bộ cấp cao.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, truy tố theo pháp luật những đảng viên là cán bộ vi phạm nghiêm trọng pháp luật, tham nhũng, lãng phí gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.

Như vậy, Đảng đã vận dụng giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về hình thức, biện pháp thanh đảng và dựa vào nhân dân để tiến hành thanh đảng trong thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta với các hình thức phong phú, đa dạng. Đảng cũng sử dụng những biện pháp mạnh, thanh trừ theo pháp luật đối với cán bộ sai phạm nghiêm trọng, tham nhũng, quan liêu, suy thoái về đạo đức, lối sống, kể cả cán bộ cấp cao, đạt kết quả bước đầu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình.

Đối với Đảng ta hiện nay, không nên sử dụng và nói nhiều cụm từ “thanh đảng”, sẽ làm cho nhiều người chưa có điều kiện nghiên cứu sâu sắc, toàn diện, chưa nắm chắc cuộc thanh đảng của V.I.Lênin tiến hành trước đây, dễ đi đến thái độ cực đoan.

Ở nước ta hiện nay, có những vấn đề mới nảy sinh cần vận dụng, phát triển giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đội ngũ  đảng viên và vấn đề thanh đảng trong công tác xây dựng Đảng.

Thứ nhất, tiếp tục vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về tư cách đảng viên để hoàn chỉnh các nội dung tư cách đảng viên của Đảng ta trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa, hội nhập quốc tế.

C.Mác, Ph.Ăngghen chưa có điều kiện để luận bàn về tư cách đảng viên của Đảng Cộng sản khi Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền lãnh đạo xây dựng CNXH. V.I.Lênin đã luận bàn sâu sắc và chỉ ra nội dung tư cách đảng viên của Đảng Cộng sản khi Đảng Cộng sản (b) Nga bước vào lãnh đạo xây dựng CNXH, thực hiện Chính sách Kinh tế mới ở nước Nga.

Hiện nay, Đảng ta đang lãnh đạo thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa, hội nhập quốc tế. Để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công cuộc đổi mới hiện nay, cần tăng cường vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về tư cách đảng viên để tiếp tục hoàn chỉnh nội dung tư cách đảng viên của Đảng ta.

Thứ hai, tiếp tục làm sáng tỏ và sâu sắc hơn vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để có nhiều đảng viên là chủ doanh nghiệp tư bản.

Đảng đã có chủ trương về vấn đề nêu trên và có hướng dẫn cụ thể, song trên thực tế chưa có nhiều đảng viên làm kinh tế tư nhân, nhất là với vai trò chủ doanh nghiệp tư bản. Cần tiếp tục vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về tư cách đảng viên, hoàn thiện nội dung tư cách đảng viên của Đảng ta trong điều kiện hiện nay, cụ thể hóa tư cách ấy đối với đảng viên làm kinh tế tư nhân đến mức là chủ doanh nghiệp tư bản; tạo thuận lợi trong thực hiện.

Thứ ba,vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng và hoạt động của Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng để tiến hành có hiệu quả việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đưa người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

Sau khi tiến hành cuộc thanh đảng đạt kết quả to lớn, Đảng Cộng sản (b) Nga được xây dựng, củng cố vững mạnh, chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên, Đảng Cộng sản (b) lãnh đạo xây dựng CNXH đạt thành tựu to lớn. Một trong những nhân tố quyết định để sau cuộc thanh đảng, Đảng Cộng sản (b) Nga ổn định và phát triển là do V.I. Lênin đã đề xuất và thực hiện việc hợp nhất Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng với Bộ Dân ủy thanh tra công nông (tương đương với Thanh tra Chính phủ ở nước ta hiện nay) và đổi mới hoạt động của cơ quan này. Cần nghiên cứu, vận dụng tư tưởng V.I. Lênin về vấn đề nêu trên, để nâng cao tư cách đảng viên và đưa những người suy thoái ra khỏi Đảng.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018

(1), (2), (3) C.Mác, Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t.1, Nxb  Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.493, 493, 557.

(4) C.Mác, Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t.4, Nxb  Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.125-126.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.8, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tr.268.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tr.257.

(7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.40, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva 1977, tr.326.

(8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.7, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tr.354.

(9), (10) V.I.Lênin: Toàn tập, t.44, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tr.666-667, 152.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.260.

(12), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.7, 118.

(14), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 878, 881.

 

PGS, TS Đỗ Ngọc Ninh 

PGS, TS Đinh Ngọc Giang

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền