Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước và những vấn đề cần tiếp tục làm sáng tỏ
Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 16:33
35197 Lượt xem

Lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước và những vấn đề cần tiếp tục làm sáng tỏ

(LLCT) - Trong học thuyết Mác - Lênin, lý luận về nhà nước có một vị trí rất quan trọng. Nhiều luận điểm của các ông cho đến nay còn nguyên giá trị, trở thành những chỉ dẫn khoa học và cách mạng cho các Đảng cộng sản khi giành được chính quyền bắt tay vào xây dựng nhà nước kiểu mới, trong sạch vững mạnh của mình. Tuy nhiên, một số luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng cần được tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ để bổ sung, phát triển cho phù hợp với bối cảnh mới hiện nay. Đây cũng chính là phương pháp luận khoa học mà các nhà kinh điển luôn đòi hỏi hậu thế phải quán triệt để vận dụng một cách sáng tạo và phù hợp vào điều kiện cụ thể của mỗi nước khi xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

1. Những giá trị lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước

Trong học thuyết Mác - Lênin, vấn đề nhà nước được các ông đặc biệt quan tâm nghiên cứu vì đó là một trong những vấn đề cốt tử khẳng định vị trí thống trị của giai cấp cầm quyền, đồng thời là trụ cột trong hệ thống chính trị.

Bàn về vấn đề nhà nước, chủ nghĩa Mác - Lênin đã luận giải một cách khoa học trên những lát cắt cụ thể sau:

Một là, làm rõ nguồn gốc và bản chất của nhà nước

Bằng phương pháp duy vật lịch sử, học thuyết Mác - Lênin đã khẳng định, nhà nước là một phạm trù lịch sử, nó luôn mang dấu ấn của một quốc gia cụ thể(1), và sự ra đời, biến đổi của các hình thái nhà nước khác nhau là do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định. Ph.Ăngghen viết: “Nhà nước tồn tại không phải là mãi mãi từ ngàn xưa. Đã từng có những xã hội không cần đến nhà nước, không có một khái niệm nào về nhà nước và chính quyền nhà nước cả. Đến một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định, giai đoạn tất nhiên phải gắn liền với sự phân chia xã hội thành giai cấp thì sự phân chia đó làm cho nhà nước trở thành một tất yếu”(2).

Nhà nước mang bản chất giai cấp, nó được thiết lập, xây dựng trước hết để bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Song, không phải giai cấp nào cũng có thể nắm được chính quyền nhà nước, sứ mệnh đó chỉ thuộc về giai cấp nào thống trị về mặt kinh tế, do đó là giai cấp được xã hội “thừa nhận là đại biểu chung của xã hội”(3).

Hai là, làm rõ các chức năng cơ bản của nhà nước

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, nhà nước trước hết có chức năng giai cấp (sau này V.I.Lênin gọi là chức năng trấn áp). Chức năng này có nguồn gốc ra đời của nó là nhằm kiềm chế những đối kháng giai cấp, giữ cho những xung đột giai cấp trong vòng trật tự và là công cụ bảo vệ quyền lợi, lợi ích cho giai cấp thống trị. Ph.Ăngghen viết: “Vì nhà nước nảy sinh ra từ những nhu cầu phải kiềm chế những đối lập giai cấp, vì nhà nước đồng thời cũng nảy sinh ra giữa cuộc xung đột của các giai cấp, cho nên theo lệ thường, nhà nước là của giai cấp có thế lực nhất, của các giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có nhà nước mà cũng trở thành giai cấp thống trị về chính trị...”(4).

Song, chủ nghĩa Mác cũng chỉ ra rằng, một nhà nước muốn tồn tại và phát triển thì nó không chỉ phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị mà còn phải chú ý đến lợi ích của các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. Yêu cầu này đặt ra xuất phát từ vai trò của nhà nước là trụ cột để tổ chức, quản lý các công việc chung của toàn xã hội trong vòng trật tự, đồng thời cũng chính là để bảo vệ lợi ích chính trị của giai cấp thống trị. Do vậy, nhà nước có chức năng xã hội. “Ở khắp nơi, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện chức năng xã hội đó của nó”(5). Tuy nhiên, chức năng xã hội của nhà nước sẽ biến đổi trong từng giai đoạn lịch sử, chủ yếu do trình độ phát triển kinh tế quy định.

Phát triển tư tưởng trên của C.Mác và Ph.Ăngghen, trong thời kỳ giai cấp công nhân đã giành được chính quyền, V.I.Lênin chỉ rõ phải xây dựng một nhà nước kiểu mới - nhà nước chuyên chính vô sản với 2 chức năng cơ bản là trấn áp và tổ chức xây dựng xã hội mới. Chức năng trấn áp phải được đảm bảo nhằm đè bẹp sự phản kháng của giai cấp bóc lột đã bị lật đổ và chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động bên trong và bên ngoài nhằm bảo vệ những thành quả cách mạng. Chức năng tổ chức xây dựng được thực hiện để cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới – xã hội XHCN. Tư tưởng này được V.I.Lênin chỉ rõ: “Bây giờ chúng ta sẽ xây dựng, trên một miếng đất đã dọn sạch những di vật đổ nát của lịch sử, tòa lâu đài xã hội xã hội chủ nghĩa, đồ sộ và rực rỡ; sẽ thiết lập nên một nhà nước kiểu mới chưa từng có trong lịch sử, một nhà nước thể theo ý chí của cách mạng mà có nhiệm vụ quét sạch khỏi mặt đất mọi sự bóc lột, mọi bạo lực, mọi sự nô dịch”(6).

Các chức năng của nhà nước sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng thời điểm lịch sử cụ thể, trong đó, chức năng xã hội sẽ ngày càng trở nên chính yếu, đa dạng và là chức năng cơ bản nhất.

Ba là, phác thảo và đặt ra yêu cầu một tổ chức nhà nước trong sạch, hiệu quả

Để nhà nước thực sự có sức sống, không bị “đông cứng” bởi bệnh quan liêu, hành chính hóa thì việc tiếp thêm sinh lực mới cho bộ máy nhà nước là điều vô cùng quan trọng. Đấu tranh ngăn chặn bệnh quan liêu trong nhà nước chính là để loại bỏ những phần tử cơ hội đục nước béo cò, tham nhũng vơ vét. V.I. Lênin viết: “những phần tử quan liêu đáng yêu của chúng ta cố ý làm lây sang chúng ta với hy vọng là có nhiều dịp buông câu trong đám nước đục”(7). Từ đó, Lênin đòi hỏi xây dựng nhà nước phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản sau:

(1) Nhà nước phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo vì nhà nước chỉ là công cụ, thiết chế để thực thi đường lối chính trị của Đảng cầm quyền thông qua việc thể chế hóa đường lối chính trị và tổ chức thực hiện. Có như vậy, mọi hoạt động của nhà nước mới đảm bảo theo đúng quỹ đạo của CNXH và nhằm phục vụ lợi ích tối cao của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. V.I.Lênin viết: “Nếu không có sự thống trị của giai cấp vô sản trong nhà nước thì cũng không thể nói đến chủ nghĩa xã hội được”(8).

(2) Xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, tinh giản, tổ chức khoa học, hoạt động hiệu quả và tiết kiệm theo nguyên tắc “thà ít mà tốt”(9) - tức là coi trọng chất lượng, không chạy đua theo số lượng; cán bộ, công chức phải có năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng; phải phấn đấu đạt “chất lượng kiểu mẫu thật sự”(10).

(3) Cải cách nhà nước phải thể hiện tính cơ bản, tính hệ thống chặt chẽ, chính quy về các nguyên tắc và về tổ chức, không được nóng vội, trên cơ sở đó phát huy tính năng động, sáng tạo của bộ máy nhà nước và của viên chức nhà nước trong thực tiễn.

Để xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, hiệu quả, theo V.I .Lênin, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau: coi trọng việc học, “học tập, học tập và học tập mãi”; phát triển giáo dục, soạn thảo chương trình, giáo khoa để đào tạo nhân viên kiểu mẫu, vừa tài giỏi, vừa có phẩm chất tốt; cử cán bộ có tài, tâm huyết đi học tập ở nước ngoài(11). Đồng thời, việc tuyển chọn cán bộ vào bộ máy nhà nước phải đảm bảo những điều kiện sau: được nhiều đảng viên giới thiệu (có uy tín cao); qua sát hạch để kiểm tra trình độ lý luận về nhà nước; có khả năng phối hợp cao trong công tác; rà soát, kiểm tra lại các cơ quan nhà nước theo yêu cầu phải hoạt động phù hợp với trình độ khoa học hiện đại; sáp nhập, tinh giản bộ máy(12).

Tóm lại, xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu quả là một trong những vấn đề cốt tử của cách mạng, do vậy, các Đảng cộng sản không được phép xem nhẹ. Những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước đến nay về cơ bản còn nguyên giá trị và là phương pháp luận quan trọng mà chúng ta cần quán triệt để trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo, phù hợp vào xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay.

2. Một số quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước cần được tiếp tục trao đổi, nghiên cứu

Một là, quan điểm về “thủ tiêu nhà nước”, “nhà nước tiêu vong”

Trong lý luận về nhà nước của chủ nghĩa Mác - Lênin, vấn đề “thủ tiêu nhà nước” và “nhà nước tiêu vong” đã được Ph.Ăngghen và sau này là V.I.Lênin đề cập. Trong “Thư gửi A.Bê-ben” (3-1875), Ph.Ăngghen có giải thích: Nhà nước chỉ cần thiết khi nó được sử dụng như một công cụ, “một thiết chế tạm thời” của giai cấp này “để trấn áp kẻ địch của mình”(13). Khi mâu thuẫn đối kháng giai cấp không còn nữa, sự khác biệt giai cấp đã được thủ tiêu - nói cách khác, tình trạng áp bức giai cấp đã bị loại trừ thì “khi đó một lực lượng đặc biệt để đàn áp tức là nhà nước, cũng sẽ không còn cần thiết nữa”(14). Theo đó, khi cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại sự áp bức bóc lột của giai cấp tư sản đã giành được thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, giai cấp công nhân cùng nhân dân lao động bắt tay vào xây dựng một nhà nước kiểu mới để tiến tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản - khi đó nguyên tắc phân phối “làm hết năng lực, hưởng theo nhu cầu”(15) sẽ trở thành hiện thực. Đó cũng chính là cơ sở kinh tế để xóa bỏ sự khác biệt giai cấp, sự áp bức giai cấp. “...Giai cấp tiêu vong thì nhà nước cũng tiêu vong. Xã hội sẽ tổ chức lại nền sản xuất trên cơ sở liên hiệp tự do và bình đẳng giữa những người sản xuất, sẽ đem toàn thể bộ máy nhà nước xếp vào cái vị trí thật sự của nó lúc bấy giờ: vào viện bảo tàng đồ cổ, bên cạnh cái xa kéo sợi và cái rìu bằng đồng”(16). (Quan điểm này được Ph.Ăngghen nhắc lại vào năm 1890 trong “Lời nói đầu viết cho tác phẩm Nội chiến ở Pháp của C.Mác (17)). Như vậy, những phân tích này của Ph.Ăngghen đề cập chủ yếu đến chức năng giai cấp - tức là chức năng trấn áp của nhà nướcsẽ bị triệt tiêu khi trong xã hội không còn tình trạng áp bức giai cấp, tình cảnh người bóc lột người.

Phát triển những quan điểm trên của Ph.Ăngghen, V.I.Lênin nhiều lần đề cập đến vấn đề “thủ tiêu nhà nước” với nghĩa là thủ tiêu mọi chế độ còn áp bức, bóc lột, còn bạo lực đối với con người. V.I.Lênin viết: “Mục đích cuối cùng mà chúng ta theo đuổi, là thủ tiêu nhà nước, nghĩa là thủ tiêu mọi bạo lực có tổ chức và có hệ thống, mọi bạo lực, nói chung, đối với con người”(18).

Nói cách khác, tư tưởng “thủ tiêu nhà nước”, hay “nhà nước tiêu vong” được các ông sử dụng chủ yếu với nghĩa là: đến chủ nghĩa cộng sản, khi trong xã hội không còn tình trạng người bóc lột người thì chức năng giai cấp (chức năng trấn áp bạo lực) của nhà nước sẽ mất đi, nó sẽ trở nên “vô dụng”, không cần đến nữa. Giải thích rõ điều này, V.I.Lênin viết: “... khi nào trên quả đất không còn có khả năng bóc lột người khác nữa, không còn có chủ đất, chủ công xưởng, không còn có một bên là những người no kềnh bụng và một bên là những người đói lả nữa, - chỉ khi nào không thể có tình trạng đó nữa, thì chúng ta mới vứt bỏ được bộ máy ấy vào đống sắt vụn. Khi ấy, sẽ không có nhà nước, không có bóc lột. Đó là quan điểm của Đảng cộng sản chúng ta”(19).

Đồng thời, khi bàn đến vấn đề “nhà nước tiêu vong”, V.I.Lênin cũng chỉ rõ, “cơ sở kinh tế làm cho nhà nước tiêu vong hoàn toàn là chủ nghĩa cộng sản đạt tới một trình độ phát triển cao khiến mọi sự đối lập giữa lao động trí óc và lao động chân tay không còn nữa, và do đó, cũng không còn một trong những nguồn gốc chủ yếu của sự bất bình đẳng xã hộihiện nay”, “nhà nước sẽ có thể tiêu vong hoàn toàn khi xã hội đã thực hiện được nguyên tắc: “làm hết năng lực, hưởng theo nhu cầu”, nghĩa là khi người ta đã rất quen tôn trọng những quy tắc cơ bản của đời sống chung trong xã hội, và năng suất lao động của người ta đã lên cao đến mức người ta sẽ tự nguyện làm hết năng lực”(20).

Như vậy, nhà nước có hai chức năng cơ bản: chức năng giai cấp (chức năng trấn áp, bạo lực) và chức năng tổ chức xây dựng. Khi chức năng trấn áp đã mất đi thì có thể hiểu thuật ngữ mà các ông dùng “nhà nước nửa nhà nước” là theo nghĩa này.

Vậy liệu “nhà nước có tiêu vong” không cho dù giả định rằng xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản? Để trả lời cho câu hỏi này cần trở về với quan điểm của C.Mác.

Trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gôta(1875), C.Mác đã sử dụng thuật ngữ “nhà nước tiêu vong”chỉ khinói đến sự tiêu vong của các nhà nước tư sản cụ thể vì nó tất yếu bị sự chuyên chính cách mạng của giai cấp công nhân lật đổ khi cuộc cách mạng XHCN giành thắng lợi. C.Mác viết: “...Mặc dầu có vô vàn hình thức khác nhau, nhưng những nhà nước khác nhau trong những nước văn minh khác nhau đều có một điểm chung là được xây dựng trên miếng đất của xã hội tư sản hiện đại, chỉ có điều là phát triển ít hay nhiều theo phương thức tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, những nhà nước ấy cũng đều có chung một số tính chất căn bản. Theo ý nghĩa đó, người ta có thể nói đến “chế độ nhà nước hiện nay”, ngược lại với tương lai, khi gốc rễ hiện nay của nó, tức là xã hội tư sản, bị tiêu vong”(21).

Khi nhà nước tư sản đã “tiêu vong” (tức là đã bị lật đổ) thì thay thế vào đó là nhà nước chuyên chính vô sản. C.Mác viết: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”(22). Mặc dù vậy, không có nghĩa là mọi thành quả mà nhà nước tư sản đã đạt được, nhất là về mặt cấu trúc và những kinh nghiệm trong tổ chức quản lý của nó đều bị phủ nhận sạch trơn. Trái lại, trong tiến trình xây dựng nhà nước vô sản (nhà nước xã hội chủ nghĩa) vẫn cần đến “nhà nước kiểu tư sản” nhưng không có giai cấp tư sản(23), nghĩa là vẫn phải kế thừa những thành tựu, những giá trị của nhà nước tư sản để xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đây là chỉ dẫn mang tính phương pháp luận rất quan trọng mà những người cộng sản ở mỗi nước khi xây dựng CNXH và xây dựng nhà nước XHCN của mình không thể bỏ qua. 

Điều này càng rõ hơn trong quan điểm của C.Mác. Khi đưa ra dự báo về sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, C.Mác đã phác thảo những đặc trưng căn bản trong hai giai đoạn của hình thái này. Theo đó, C.Mác vẫn khẳng định, đến giai đoạn cao (xã hội cộng sản chủ nghĩa), nhà nước không hề bị tiêu vong, nó vẫn tồn tại để thực hiện những chức năng xã hội của nó. Tuy nhiên, các chức năng xã hội sẽ có những thay đổi rất lớn và trở nên đa dạng hơn nhiều. Thậm chí, C.Mác còn phê phán những người soạn thảo Cương lĩnh Gôta rằng trong cương lĩnh của họ, vấn đề nhà nước trong xã hội cộng sản chủ nghĩa đã không được đề cập đến. C.Mác viết: “Thế mà Cương lĩnh không đả động gì đến vấn đề chuyên chính vô sản, cũng chẳng nói gì đến chế độ nhà nước tương lai trong xã hội cộng sản chủ nghĩa”(24). Tuy nhiên, với sự thận trọng khoa học và phương pháp luận biện chứng, C.Mác khẳng định rằng: trong xã hội cộng sản chủ nghĩa, nhà nước chắc chắn còn tồn tại song chủ yếu để thực hiện chức năng xã hội của nó và những chức năng xã hội đó sẽ có những thay đổi rất lớn so với “chế độ nhà nước hiện nay”(25) (thuật ngữ Mác dùng để chỉ nhà nước tư sản ở thế kỷ XIX - thời C.Mác nghiên cứu). C.Mác viết: “Chế độ nhà nước sẽ biến đổi như thế nào trong một xã hội cộng sản chủ nghĩa? Nói một cách khác, lúc bấy giờ sẽ còn lại những chức năng xã hội nào giống như những chức năng xã hội hiện nay của nhà nước? Chỉ có thể giải đáp câu hỏi đó một cách khoa học mà thôi”26. Đây là một dự đoán thận trọng mang tính khoa học, thể hiện đúng tinh thần biện chứng duy vật lịch sử trong học thuyết Mác.

Hai là, “đập tan” bộ máy nhà nước cũ, nhưng vẫn cần “nhà nước kiểu tư sản” trong giai đoạn đầu xây dựng xã hội XHCN

Theo V.I.Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, giai cấp công nhân tiến hành một cuộc cách mạng “phá hủy nhà nước”, giành lấy chính quyền, thiết lập chuyên chính vô sản và bắt tay vào xây dựng chế độ xã hội mới – xã hội XHCN. V.I.Lênin viết: “Cách mạng không phải ở chỗ giai cấp mới dùng bộ máy nhà nước cũđể chỉ huy và quản lý, mà ở chỗ khi đã đập tanbộ máy ấy đi rồi thì giai cấp mới sẽ dùng một bộ máymớiđể chỉ huy và quản lý”(27).

Song, V.I.Lênin cũng chỉ ra rằng, việc đập tan bộ máy nhà nước tư sản cũ không có nghĩa là không tiếp thu, kế thừa những thành tựu đã đạt được của nhà nước tư sản, thậm chí “trong giai đoạn đầu, trong nấc thang thứ nhất”, xây dựng CNXH vẫn cần đến nhà nước tư sản với tư cách là tiếp thu, kế thừa những cách thức tổ chức, quản lý của nhà nước pháp quyền tư sản. V.I. Lênin viết: “...Trong một thời gian nhất định, dưới chế độ cộng sản, không những vẫn còn pháp quyền tư sản, mà vẫn còn cả nhà nước kiểu tư sản nhưng không có giai cấp tư sản!”(28). Đây cũng chính là tư tưởng của C.Mác đã được trình bày từ năm 1875 trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gôta.

Ba là, quan điểm của V.I.Lênin về chính quyền nhà nước không bị hạn chế bởi luật pháp

Trong bài viết Bàn về lịch sử vấn đề chuyên chính, V.I.Lênin có đưa ra luận điểm: “Khái niệm khoa học về chuyên chính không phải cái gì khác hơn là một chính quyền không bị cái gì hạn chế cả, không bị bất cứ luật pháp nào hạn chế, hoàn toàn không bị một quy tắc nào hạn chế cả, và trực tiếp dựa vào bạo lực”(29).

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ngày nay ở Việt Nam, luận điểm này đã không còn phù hợp. Nhà nước bao gồm ba trụ cột: cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Với vai trò lập pháp, nhà nước tổ chức xây dựng một hệ thống pháp luật khoa học để quản lý xã hội, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân và bảo đảm quyền làm chủ của dân, trong đó, pháp luật được xem là tối thượng - mọi thành viên, mọi tổ chức trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật, vì vậy, nhà nước cũng chịu sự chi phối của pháp luật và mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhà nước và công chức nhà nước đều phải theo đúng Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Nhắc lại những chỉ dẫn này của chủ nghĩa Mác - Lênin giúp cho chúng ta càng thêm tự tin để bắt tay vào xây dựng nhà nước kiểu mới trên cơ sở kế thừa những giá trị về nhà nước pháp quyền tư sản để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay một cách sáng tạo và phù hợp với điều kiện của đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2018

(1), (13), (21), (22), (24), (25), (26) C.Mác và Ph.Ăngghen:  Toàn tập,t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.46, 15, 46-47,47, 47, 47.

(2), (4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.257-258, 255.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen:Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.585.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật,  Hà Nội, 1994, tr.253.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập,t.35, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.384.

(7), (9), (10), (11), (12) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.453, 445, 446, 444-449, 447-448.

(8) V.I.Lênin: Toàn tập,t.36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.368.

(14), (17) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Sự Thật,  Hà Nội, 1994, tr.389, 291.

(15), (18), (20), (23), (27), (28) V.I.Lênin: Toàn tập,t.33, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.118, 102, 118, 121, 141, 121.

(16) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1994, tr.257-258.

(19) V.I.Lênin: Toàn tập,t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.96.

(29) V.I.Lênin: Toàn tập,t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.96.

 

PGS, TS Bùi Thị Ngọc Lan

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

                                             

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền