Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    C.Mác - Nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại
Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 16:44
6379 Lượt xem

C.Mác - Nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại

(LLCT) - C.Mác là nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại, đã có những phát kiến khoa học làm thay đổi cả thế giới, trong đó đặc biệt là quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết về giá trị thặng dư. Khoa học đối với C.Mác là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng, góp phần vào việc lật đổ xã hội tư bản, giải phóng giai cấp vô sản hiện đại. Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh là người đầu tiên tiếp thu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác lên tầm cao mới phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, từ đó đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

C.Mác (5-5-1818 - 14-3-1883) là nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại, là người đầu tiên đặt cơ sở khoa học cho CNXH và phong trào công nhân hiện đại. Trong số rất nhiều những phát kiến quan trọng ghi tên ông vào lịch sử khoa học phải kể đến hai phát minh vĩ đại làm thay đổi cả thế giới, đó là quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết về giá trị thặng dư, mà theo Ph.Ăngghen, đời người chỉ cần một trong hai phát minh đó đã là hạnh phúc lắm rồi.

V.I.Lênin cho rằng, chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Khoa học đối với C.Mác là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng, bởi vì trước hết, C.Mác là một nhà cách mạng; bằng cách này hay cách khác, ông tham gia vào việc lật đổ xã hội tư bản và các thiết chế nhà nước do nó dựng nên, tham gia vào sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản hiện đại mà ông là người đầu tiên đã đem lại cho giai cấp đó một ý thức về địa vị của bản thân mình, về điều kiện để giải phóng mình, - đó thật sự là một sứ mệnh thiết thân của ông. Đấu tranh là hành động tự nhiên của C.Mác, và C.Mác đã đấu tranh một cách say sưa, kiên trì và có kết quả, trên đời không mấy người được như vậy. Sự xuất hiện Hội liên hiệp công nhân quốc tế với tư cách là vòng hoa vinh quang của toàn bộ sự nghiệp đó. Đó là lý do vì sao mà C.Mác là người bị giai cấp tư sản căm ghét nhiều nhất và bị vu khống nhiều nhất trong thời đại ông; các chính phủ thi nhau trục xuất ông, bọn tư sản thi nhau nguyền rủa ông. Đúng là cường quyền không bẻ cong được ngòi bút của ông. Ph.Ăngghen cho rằng: C.Mác có thể có nhiều kẻ đối địch, nhưng, chưa chắc ông đã có một kẻ thù riêng nào.

Trong Lễ an táng C.Mác, Ph.Ăngghen đã đọc điếu văn bằng tiếng Anh, trong đó có đoạn viết rằng, giống như Đácuyn đã tìm ra quy luật tiến hóa của các loài, C.Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người: cái sự thật giản đơn đã bị những tầng tầng lớp lớp tư tưởng phủ kín cho đến ngày nay là: con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo v.v. được; vì vậy, việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và chính, mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta, cho nên phải xuất phát từ cơ sở đó mà giải thích những cái này, chứ không phải ngược lại, như từ trước đến nay người ta vẫn làm.

Theo C.Mác, người ta không thể lấy bản thân những quan hệ pháp quyền cũng như những hình thái nhà nước, hay lấy cái gọi là sự phát triển chung của tinh thần của con người để giải thích những quan hệ và hình thái đó, mà trái lại, phải thấy rằng những quan hệ và hình thái đó đều bắt nguồn từ những điều kiện sinh hoạt vật chất... Nếu ta không thể nhận định về một người căn cứ vào ý kiến của chính người đó đối với bản thân mình, thì ta cũng không thể nhận định về một thời đại đảo lộn như thế căn cứ vào ý thức của thời đại đó. Trái lại, phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất và những quan hệ sản xuất. C.Mác đã phát hiện ra, trong xã hội, cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng; đời sống vật chất thay đổi thì sớm muộn đời sống tinh thần cũng phải thay đổi theo.

Không chỉ quan niệm duy vật về lịch sử, C.Mác còn phát hiện ra học thuyết về giá trị thặng dư. Với học thuyết về giá trị thặng dư, C.Mác còn tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất TBCN hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra. Với việc phát hiện ra giá trị thặng dư trong lĩnh vực này thì lập tức một ánh sáng đã hiện ra trong khi tất cả các công trình nghiên cứu trước đây của các nhà kinh tế học tư sản cũng như của các nhà phê bình XHCN vẫn đều mò mẫm trong bóng tối. Học thuyết giá trị thặng dư đã làm tròn nhiệm vụ: một mặt, giải thích tính tất yếu của sự ra đời của phương thức sản xuất TBCN trong mối liên hệ lịch sử của nó và tính tất yếu của nó đối với một thời kỳ lịch sử nhất định, và do đó tính tất yếu của sự tiêu vong của nó; mặt khác, vạch trần tính chất bên trong còn chưa phát hiện được của phương thức sản xuất ấy. Học thuyết giá trị thặng dư đã bóc trần những bí mật của CNTB, bản chất bóc lột tinh vi của giai cấp tư sản đối với giai cấp công nhân; vạch ra động cơ, mục đích và kết quả vận động của tư bản mà trước đó chưa từng có ai làm được.

Trong Lời tựa cuốn Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, C.Mác nói rõ, các quan điểm của ông, dù bị người ta xét đoán như thế nào đi nữa, và dù cho những quan điểm đó không phù hợp với những thiên kiến tự tư tự lợi của các giai cấp thống trị đi nữa, - thì vẫn là kết quả của những sự nghiên cứu lâu dài và cẩn thận. Để hoàn thành Bộ Tư bản, C.Mác đã đọc gần bốn vạn cuốn sách ở thư viện Luân Đôn. Trong Lời tựa viết cho Quyển 1 Bộ Tư bản, C.Mác cũng nói rằng: ông sẽ sung sướng đón chờ mọi nhận xét xuất phát từ sự phê phán khoa học. Còn đối với những thiên kiến của cái mà người ta gọi là công luận, mà ông không bao giờ nhượng bộ, thì cũng như trước đây, phương châm của ông vẫn là những lời sau đây của nhà thơ vĩ đại thành phố Fơlorenxơ: Đường ta ta cứ đi, mặc chi thiên hạ nói.

C.Mác đã phân tích xã hội trên cơ sở phương pháp hết sức khoa học. C.Mác cho rằng nghiên cứu một cơ thể đã phát triển thì dễ hơn là nghiên cứu tế bào của cơ thể đó. Vậy, tế bào của xã hội tư bản là gi? Ông cho rằng hình thái hàng hóa của sản phẩm hay hình thái giá trị của hàng hóa là hình thái tế bào kinh tế của xã hội tư sản. Theo C.Mác, đối với người không am hiểu thì việc phân tích hình thái đó hình như chỉ là một sự suy luận hão xoay quanh những điều nhỏ nhặt. Và đó quả thật là những điều nhỏ nhặt, nhưng lại là những điều nhỏ nhặt, thuộc loại mà khoa vi giải phẫu chẳng hạn, phải đụng đến. Đây chính là phương phápmà sau này V.I.Lênin đã khái quát là phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể của C.Mác. Như vậy, C.Mác đã phân tích xã hội trên cơ sở phương pháp hết sức khoa học.

Ngoài ra, khi phân tích các hình thái kinh tế, theo C.Mác, người ta không thể dùng kính hiển vi hay những phản ứng hóa học được. Sức trừu tượng hóa phải thay thế cho cả hai cái đó. Không chỉ chỉ ra nét đặc thù giữa nghiên cứu khoa học tự nhiên với nghiên cứu khoa học xã hội; mà ông còn chỉ ra sự khác nhau giữa phương pháp nghiên cứu và phương pháp trình bày. Theo ông, nghiên cứu thì phải nắm lấy với tất cả những chi tiết của nó, phải phân tích các hình thái phát triển khác nhau của nó và tìm ra được mối liên hệ bên trong của những hình thái đó. Chỉ sau khi hoàn thành công việc đó rồi mới có thể mô tả sự vận động thực tế một cách thích đáng được. Đặc biệt, ông nêu lên tính đặc thù của môn kinh tế chính trị thể hiện ở chỗ những tư liệu mà chính trị kinh tế học nghiên cứu đã làm cho những tình cảnh điên cuồng nhất, hèn hạ nhất và ghê tởm nhất của lòng người, - tức những cơn thịnh nộ của lợi ích tư nhân - xông ra chống lại sự nghiên cứu tự do và khoa học ấy. Chẳng hạn, Giáo hội nước Anh sẽ dễ dàng tha thứ cho việc công kích 38 trong số 39 tín điều của nó, hơn là tha thứ việc xâm phạm vào 1/39 số thu nhập bằng tiền của nó.

Trong nghiên cứu, C.Mác đã tiến hành chọn ra những mẫu điển hình để tiến hành phân tích, giống như một nhà tự nhiên nghiên cứu tự nhiên. C.Mác cho rằng nhà vật lý học hoặc giả quan sát các quá trình tự nhiên ở những nơi nào mà các quá trình ấy thể hiện ra dưới một hình thức nổi bật và ít bị che mờ nhất bởi những ảnh hưởng gây nhiễu loạn, hoặc giả nếu như có thể thì tiến hành thực nghiệm trong những điều kiện đảm bảo cho quá trình diễn biến dưới một dạng thuần túy. Trong tác phẩm này (tức trong Tư bản, Quyển 1), đối tượng nghiên cứu của C.Mác là phương thức sản xuất TBCN và những quan hệ sản xuất và trao đổi thích ứng với phương thức ấy. Bởi vậy, theo C.Mác, nước Anh vẫn là nước điển hình của phương thức sản xuất này. Đó là nguyên nhân vì sao nước đó lại được dùng làm minh họa chủ yếu cho sự trình bày lý luận của ông. Nước phát triển hơn về công nghiệp chỉ nêu lên cho nước kém phát triển cái hình ảnh tương lai của bản thân nước này thôi.

Qua đó ta thấy C.Mác nghiên cứu xã hội giống như một nhà tự nhiên nghiên cứu tự nhiên.C.Mác nói chuyện với người con rể P.Laphácgơ rằng: khoa học chỉ đạt được hoàn thiện khi nó sử dụng toán học. Trong bộ Tư bản, chúng ta bắt gặp khá nhiều công thức toán học. Từ đó, V.I. Lênin cho rằng tính chất lôgíc đặc sắc và sự cố kết chặt chẽ của những tư tưởng của C.Mác - những đặc tính này, chính kẻ thù của Mác cũng phải thừa nhận - những tư tưởng mà toàn bộ hợp thành chủ nghĩa duy vật hiện đại và CNXH khoa học hiện đại, được coi là lý luận và cương lĩnh của phong trào công nhân ở tất cả các nước văn minh.

Trong Lời tựa viết cho lần xuất bản thứ nhất bộ Tư bản. Phê phán khoa kinh tế chính trị, tập thứ nhất, Quyển I, C.Mác có viết: “Trong tất cả các lĩnh vực khác thì cũng giống như các nước khác ở lục địa Tây Âu, chúng ta(nước Đức)đau khổ không những vì sự phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, mà còn đau khổ vì nó phát triển chưa đầy đủ. Ngoài những tai họa của thời hiện nay ra, chúng ta còn phải chịu đựng cả một loạt những tai họa kế thừa do chỗ các phương thức sản xuất cổ xưa, lỗi thời vẫn tiếp tục sống dai dẳng với những quan hệ chính trị và xã hội trái mùa do chúng đẻ ra. Chúng ta đau khổ không những vì những người đang sống, mà còn vì những người đã chết nữa. Le mort saisit le vif! (người chết nắm lấy người sống!)”(1).

Trước kia, những nước tiền tư bản tiến lên CNXH thường quá nhấn mạnh vào khía cạnh thứ nhất, tức chúng ta đau khổ vì CNTB; mà ít để ý tới khía cạnh thứ hai, tức đau khổ vì thiếu nó; tức thiếu tất cả những cái mà CNTB đã tích lũy được trong vòng ba trăm năm như khoa học công nghệ, ý thức pháp luật, khoa học và kỹ năng, quản lý kinh tế,... Những nước XHCN ở ­phương Đông do xuất phát điểm chưa trải qua giai đoạn phát triển TBCN, nên về mặt kinh tế cũng nằm trong tình trạng như vậy; và do đó, hiện nay, những nước này không chỉ thấm thía vế thứ hai mà C.Mác đã nói, tức đau khổ vì nó phát triển chưa đầy đủ, đau khổ vì thiếu nó, mà còn thấm thía cả việc những tai họa do việc kế thừa các phương thức sản xuất cổ xưa, lỗi thời vẫn tiếp tục sống dai dẳng với những quan hệ chính trị và xã hội trái mùa do chúng đẻ ra. Điều này đúng như  những gì đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay.

Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh là người đầu tiên tiếp thu, truyền bá chủ nghĩa Mác; đồng thời cũng là người đầu tiên vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác lên tầm cao mới trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, từ đó, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

1. Trước hết, về thời điểm (cơ hội, điều kiện) tiến hành cách mạng XHCN, trên bình diện lý luận, ở Hồ Chí Minh đã có những vận dụng sáng tạo, phát triển lên một tầm cao mới, hết sức độc đáo đối với chủ nghĩa Mác và được thực tiễn chứng minh.

2. Cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng XHCN, “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(2) là tư tưởng sáng tạo độc đáo, phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện cụ thể của Việt Nam khi đó ở Hồ Chí Minh.

3. Trong quá trình tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên làm cuộc cách mạng XHCN, đứng trên góc độ của người phương Đông, Hồ Chí Minh cũng có những tư tưởng sáng tạo vô cùng độc đáo về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc; về chủ nghĩa dân tộc của người An Nam; về cấu trúc xã hội của những nước phương Đông; về việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác; ...và đã được thực tiễn chứng minh. Người nói: “Xã hội Ấn Độ - China - và tôi có thể nói: Ấn Độ hay Trung Quốc về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây”(3). Đi sâu nghiên cứu phương Đông, Hồ Chí Minh đã đặt ra một vấn đề hết sức chính xác: “Mác cho ta biết rằng sự tiến triển của các xã hội trải qua ba giai đoạn: Chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản; và trong mỗi giai đoạn ấy, đấu tranh giai cấp có khác nhau. Chúng ta phải coi chừng! Các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không?”(4). Hồ Chí Minh viết: không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không có được. Người đề xuất: “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(5). Tại sao lại như vậy? Theo Người, “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà lịch sử châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(6). Ở đây, Hồ Chí Minh đã phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện cụ thể của các nước phương Đông và đặc biệt là ở Việt Nam chứ không phải là xét lại chủ nghĩa Mác.

Nghiên cứu tình hình cụ thể các nước phương Đông, Hồ Chí Minh cho rằng, với “những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn là ở châu Âu”(7). Phát hiện mang tính chất dự đoán thiên tài này của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1921 đến nay vẫn tỏ rõ sức sống, đứng vững và được thực tế chứng minh.

Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã chỉ rõ bài học đầu tiên trong năm bài học của công cuộc đổi mới là trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam. Hiện nay, bên cạnh việc vận dụng sáng tạo thì việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rộng khắp. Chúng ta cần xem trong chủ nghĩa Mác, cái gì vẫn còn đúng và vẫn còn có giá trị lâu dài; cái gì trước kia chúng ta hiểu không đúng nay phải điều chỉnh lại cho đúng; cái gì ngay từ thời các nhà kinh điển đã thừa nhận là không đúng; cái gì đã bị thực tiễn vượt qua, cần bổ sung, phát triển. Để tiến hành công việc này một cách có hiệu quả, đưa Việt Nam tiến nhanh, vững chắc lên CNXH, chúng ta cần học tập phong cách, phương pháp, quan điểm phát triển chủ nghĩa Mác của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2018

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1993, tr.19-20.

(2)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30.

(3), (4), (5), (6) Sđd, t.1, tr. 509, 510, 510, 509-510.

(7) Sđd, t.1, tr.47.

 

GS, TS Nguyễn Hùng Hậu

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền