Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng chuyên chính vô sản của C.Mác và sự vận dụng sáng tạo ở Việt Nam trong Đổi mới
Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 16:46
13520 Lượt xem

Tư tưởng chuyên chính vô sản của C.Mác và sự vận dụng sáng tạo ở Việt Nam trong Đổi mới

(LLCT) - Chuyên chính vô sản là một trong những tư tưởng cốt yếu nhất của chủ nghĩa Mác. Sức sống của tư tưởng đó đòi hỏi trong nhận thức và vận dụng phải nắm vững tinh thần khoa học của nó, đồng thời phải có sự phát triển và vận dụng sáng tạo trên cơ sở thực tiễn mới. Chủ trương đổi mới Nhà nước theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển nền kinh tế thị trường XHCN làm nền tảng kinh tế cho nó là sự vận dụng tư tưởng chuyên chính vô sản của C.Mác một cách sáng tạo trong đổi mới ở Việt Nam.

 

1. Tư tưởng chuyên chính vô sản của C.Mác

Nghiên cứu làm rõ nguồn gốc và bản chất của nhà nước, đặc biệt làm rõ bản chất của nhà nước tư sản là cơ sở khoa học cho việc hình thành, phát triển tư tưởng về một nhà nước kiểu mới, tư tưởng chuyên chính vô sản. Tư tưởng chuyên chính vô sản là một tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa Mác. Nói về vị trí của tư tưởng đó trong lý luận của chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: cái chủ yếu trong học thuyết của C.Mác không phải là đấu tranh giai cấp mà là chuyên chính vô sản, do đó, thừa nhận hay không thừa nhận chuyên chính vô sản là “hòn đá thử vàng” để phân biệt ai là người “hiểu biết thực sự và thừa nhận thực sự chủ nghĩa Mác”(1).

Ý tưởng manh nha về nhà nước kiểu mới đã được C.Mác đề cập tới trong Hệ tư tưởng Đức.Đó là tư tưởng giai cấp vô sản phải nắm chính quyền(2). Những ý tưởng đó đã được phát triển thành một luận điểm trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”(3). Đó là kết quả của sự nghiên cứu, phân tích, mổ xẻ nền kinh tế hiện đại, sự trưởng thành và vai trò lịch sử của giai cấp vô sản trong nền công nghiệp hiện đại. Và dựa trên quy luật lịch sử: giai cấp nắm chính quyền nhà nước trong một thời đại, phải là giai cấp đại diện cho toàn thể xã hội trong thời đại của nó(4).

Đến tác phẩm Ngày mười tám tháng Sương mù của Lu-i Bô-na-pác-tơ, C.Mác đã tổng kết cuộc cách mạng tư sản năm 1848 - 1851, phát triển tư tưởng chuyên chính vô sản lên một bước mới: tất cả những cuộc cách mạng trước kia đã làm cho bộ máy nhà nước thêm hoàn bị, nhưng điều cần làm là phải phá hủy, phải đập tan nó đi(5). Nhắc lại luận điểm đó, trong thư gửi cho I. Cughenman, C.Mác viết: “Nếu anh liếc đọc chương cuối cùng trong quyển Ngày 18 tháng Sương mùcủa tôi anh sẽ thấy tôi tuyên bố rằng cố gắng tiếp theo của cách mạng Pháp không phải là việc chuyển bộ máy quân phiệt - quan liêu từ tay nhóm người này sang tay tay nhóm người khác, như vẫn xảy ra từ trước tới nay, mà là đập tan bộ máy đó, và đó chính là điều kiện tiên quyết của mọi cuộc cách mạng nhân dân thật sự ở lục địa”(6). Như vậy, tư tưởng chuyên chính vô sản đã được phát triển một bước cụ thể hơn: “Trong cách mạng vô sản giai cấp công nhân không thể chỉ đơn giản chiếm lấy bộ máy nhà nước có sẵn mà phải “đập tan” nó đi”.  Cùng vào những năm này, trong thư gửi cho Vai-đê-mai-ơ ngày 5-3-1852 lần đầu tiên C.Mác sử dụng thuật ngữ “chuyên chính vô sản”(7).

Tư tưởng chuyên chính vô sản của C.Mác tiếp tục được phát triển cùng với việc tổng kết kinh nghiệm Công xã Pari năm 1871 trong tác phẩm Nội chiến ở Pháp. Trong đó, khi phân tích một cách rất chăm chú về Công xã Pari, C.Mác viết: “Công xã dẫn đến rất nhiều cách giải thích... Bí quyết thật sự của Công xã là ở chỗ: về thực chất nó là chính phủ của giai cấp công nhân..., là hình thức chính trị rốt cuộc đã tìm ra được khiến cho có thể thực hiện được việc giải phóng lao động về mặt kinh tế”(8).

Khi nói về thực chất, sức mạnh của nhà nước kiểu mới, của chuyên chính vô sản, C.Mác, Ph.Ăngghen cho rằng đó là dân chủ. Trong tác phẩm Nội chiến ở Pháp, C.Mác đã khẳng định: “sự cai quản nhân dân do chính nhân dân đảm nhiệm” là một xu hướng tất yếu dưới CNXH(9). Tuy vậy, các ông vẫn lưu ý rằng mặt chuyên chính là điều không tránh khỏi. Năm 1875, trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gô-ta, C.Mác đã phê phán quan điểm của phái Lát-san - một phái trong Đảng Dân chủ - xã hội Đức thời bấy giờ. Phái này đề xuất mô hình nhà nước trong thời kỳ quá độ là “nhà nước tự do”(10), một kiểu nhà nước dân chủ, phi chuyên chính. C.Mác đã vạch trần tính chất ảo tưởng tiểu tư sản của quan điểm đó. Nhấn mạnh lại điều đó, trong thư viết cho A.Bê-ben, Ph.Ăngghen viết: “Vì nhà nước, xét đến cùng, chỉ là một thiết chế tạm thời mà người ta phải dùng đến trong đấu tranh, trong cách mạng để đàn áp kẻ địch của mình bằng bạo lực, nên nói đến một nhà nước nhân dân tự do là hoàn toàn vô nghĩa; chừng nào mà giai cấp vô sản còn cần đến nhà nước, thì như thế tuyệt nhiên không phải vì tự do, mà để trấn áp kẻ địch của mình; và ngày nào có thể nói đến tự do sẽ không còn là nhà nước nữa”(11).

Đề xuất lý luận về nhà nước kiểu mới, nhà nước chưa xuất hiện trong lịch sử là vấn đề phức tạp, nhạy cảm nên C.Mác hết sức thận trọng. Đó là quá trình phát triển tư tưởng không phải trên cơ sở duy tâm, tư biện, chủ quan, mà là thông qua tổng kết thực tiễn, khái quát từ những biến đổi và phát triển của thực tiễn trong vòng 40 năm. Mỗi kết luận mà C.Mác rút ra, như V.I.Lênin đã viết: “Không phải là những suy luận lô gic, mà là sự phát triển thực tế của những sự biến, kinh nghiệm sống...”(12). Còn đối với những gì mà chưa có cơ sở thực tiễn vững chắc thì “không muốn rơi vào không tưởng, C.Mác chờ kinh nghiệm của phong trào quần chúng để giải đáp vấn đề”(13). Tính khoa học và giá trị những luận điểm của chủ nghĩa Mác chính là ở chỗ đó, ở chỗ luôn đứng vững trên nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.

2. Sự vận dụng sáng tạo trong Đổi mới ở Việt Nam

Trong quá trình Đổi mới, một mặt Đảng đã phát hiện và khắc phục những lệch lạc do sự nhận thức và vận dụng cực đoan, giáo điều một số tư tưởng của C.Mác về nhà nước. Đó là đối lập một cách trừu tượng giữa nhà nước vô sản với nhà nước tư sản; hiểu tính giai cấp của nhà nước một cách hẹp hòi v.v..  Những lệch lạc đó là một trong những nguyên nhân khiến cho nhà nước XHCN có nhiều khuyết tật, chẳng những hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, mà còn rơi vào tình trạng thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Tình trạng đó không chỉ bị kẻ thù của CNXH chế giễu, mà còn làm cho nhân dân lao động thất vọng, giảm sút lòng tin vào chế độ, vào Đảng và Nhà nước. Trong Đổi mới, Đảng ta đã ý thức được những lệch lạc đó và dần dần khắc phục. Chủ trương xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ”; “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”; “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; thực hiện “đại đoàn kết toàn dân tộc”...(14) trong đổi mới thể hiện rõ điều đó. Cụ thể:

Một là, chủ trương đổi mới nhà nước theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Trong quá trình đổi mới Nhà nước, Đảng ta không sử dụng thuật ngữ chuyên chính vô sản (chuyển từ “hệ thống chuyên chính vô sản”, sang “hệ thống chính trị”; từ “nhà nước chuyên chính vô sản” sang “nhà nước XHCN”, cuối cùng là “nhà nước pháp quyền XHCN”). Nhưng từ đây đã xuất hiện những nhận thức cực đoan: một là, băn khoăn, lo ngại xa rời quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác. Một cực đoan khác cho rằng tư tưởng Mác về chuyên chính vô sản đã bị vượt qua. Những thái cực đó, nếu không vì mục đích chính trị nào đó thì về thực chất vẫn chưa thoát khỏi những giáo điều, máy móc; hoặc chưa hiểu thực sự tinh thần tư tưởng chuyên chính vô sản của C.Mác.

Nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác về nhà nước kiểu mới, như đã nêu trên đây, là “đập tan nhà nước tư sản”, “biến giai cấp vô sản thành giai cấp thống trị”, “giành lấy dân chủ” và “bí quyết thực sự là chính phủ của giai cấp công nhân”. Vậy, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo không hề xa rời, phủ nhận, mà là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng chuyên chính vô sản của C.Mác. Bởi lẽ, thứ nhất,nhà nước pháp quyền mà nhân dân ta xây dựng là nhà nước pháp quyền XHCN chứ không phải là nhà nước pháp quyền tư sản. Hai kiểu nhà nước này có những điểm tương đồng nhất định về hình thức, nhưng cái quyết định bản chất của nhà nước - như chúng ta đã biết - không phải là hình thức nhà nước. Thứ hai, về bản chất đó vẫn là nhà nước “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”, hay nói cách khác là sự thống trị chính trị của giai cấp công nhân trên nền tảng chính trị - xã hội của CNXH. Thứ ba, dân chủ là sức sống, sức mạnh của nhà nước kiểu mới, mà nhà nước pháp quyền - như kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn trong những thập kỷ qua cho thấy - là hình thức nhà nước có khẳng năng thực hiện dân chủ tốt nhất hiện nay.

Việc “giành lấy dân chủ” và thực hiện thống trị chính trị trên nền tảng dân chủ là là nội dung rất cốt lõi của tư tưởng chuyên chính vô sản, là vấn đề chủ nghĩa Mác rất quan tâm, nhưng vẫn chưa có điều kiện phác họa, dự báo, gợi mở thực hiện dưới những hình thức chính trị như thế nào để thống trị chính trị một cách thực sự dân chủ. Nghiên cứu một cách kỹ càng, phân tích một cách chăm chú Công xã Pari - nhà nước vô sản đầu tiên và cũng là nhà nước vô sản cuối cùng mà C.Mác và Ph.Ăngghen được chứng kiến, hai ông đã cảnh báo về quan liêu, thiếu dân chủ.  Lênin trong quá trình lãnh đạo xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước vô sản đầu tiên đã phải đối mặt với tình trạng quan liêu đang hoành hành trong chính quyền Xôviết. Ông đã có những quyết tâm cao độ trong việc cải tổ chính quyền Xôviết với phương châm: “Phát triển dân chủ đến cùng, tìm ra những hình thứccủa sự phát triển ấy, đem thí nghiệm những hình thức ấy trong thực tiễn, v.v.”(15) nhất là trong những năm tháng thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP, 1921). Nhưng do phải đối mặt với quá nhiều khó khăn của chiến tranh, nội chiến, suy thoái kinh tế, khó khăn, hơn nữa đây là vấn đề quá mới mẻ đối một chính quyền còn non trẻ, ngoài ra thời gian vật chất của ông cũng rất ít ỏi nên cũng chưa khẳng định được trên thực tế một hình thức chính trị như thế nào để thực hiện sự thống trị chính trị một cách thực sự dân chủ. Sau khi V.I.Lênin qua đời, dưới sự lãnh đạo của Xtalin, vào những năm 30 của thế kỷ này, Liên xô đã thiết lập mô hình XHCN  đầu tiên trên thế giới. Mô hình đó sau này được áp đặt cho các nước đi lên CNXH (trong đó có nước ta). Về mặt chính trị thực chất đấy là một hệ thống quan liêu, mệnh lệnh hành chính thiếu dân chủ. Thiếu dân chủ, dân chủ hình thức, hạn chế là một trong những nguyên nhân buộc thế giới XHCN buộc phải cải tổ, cải cách, đổi mới.

Bước vào đổi mới cùng với quyết tâm xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, Đảng ta đã chủ trương đổi mới Nhà nước, đổi mới một cách căn bản tổ chức và phương thức hoạt động của nhà nước. Sau hơn 5 năm tìm tòi, khảo nghiệm với một tinh thần đổi mới tư duy, Đảng đã chủ trương đổi mới Nhà nước theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền - một hình thức nhà nước có khả năng thực hiện dân chủ tốt nhất hiện nay. Như vậy, chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN nhà nước của dân, do dân và vì dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo là một đột phá trong đổi mới tư duy, là sự vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác về nhà nước đánh dấu một mốc quan trọng trong xây dựng nhà nước XHCN ở nước ta. Sau 30 năm đổi mới, nhà nước pháp quyền XHCN đã hình thành, từng bước hoàn thiện và trên thực tế đã có những tác dụng tích cực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, phát huy quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, xây dựng nhà nước pháp quyền đối với nước ta là vấn đề mới mẻ, vả lại đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm vì vậy cho đến hiện nay, “xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”(16) vẫn là nhiệm vụ trước mắt đối với nước ta.

Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN - cơ sở kinh tế cho nhà nước pháp quyền XHCN.

Theo nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, kinh tế quyết định chính trị, bản chất nhà nước do cơ sở kinh tế trên đó nhà nước tồn tại quy định. Vậy cơ sở kinh tế nào để nhà nước kiểu mới vừa là sự thống trị chính trị của giai cấp công nhân, vừa phát huy được quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác - Ph.Ăngghen chủ trương xóa bỏ chế độ tư hữu và thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất(17). Tuy nhiên C.Mác - Ph.Ăngghen đề xuất cơ sở kinh tế đó là gợi ý cho những nước tư bản phát triển cao đi lên chủ nghĩa xã xã hội. Nhưng sau Công xã Pari những nước đi lên CNXH đều có xuất phát điểm thấp, ngay Nga cũng chỉ là nước tư bản trung bình, thậm chí, như V.I.Lênin đã chỉ ra, còn lạc hậu hơn nhiều nước tư bản láng giềng khác. Quá trình lãnh đạo cách mạng Nga xây dựng nhà nước kiểu mới (chính quyền Xôviết) sau những khó khăn và tổn thất do phải vận dụng chính sách cộng sản thời chiến, V.I.Lênin đã đề xuất cơ sở kinh tế cho phù hợp với nước Nga là nền kinh tế nhiều thành phần (chính sách kinh tế mới - NEP, 1921), nhưng sau khi V.I.Lênin mất, chính sách đó bị phủ nhận. Dưới sự lãnh đạo của Xtalin, vào những năm 30 của thế kỷ XX, Liên Xô đã thiết lập mô hình xã hội XHCN đầu tiên trên thế giới, mô hình dựa trên nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung thuần nhất XHCN. Mô hình đó lại được coi là mô hình duy nhất của CNXH áp đặt một cách phổ biến cho các nước đi lên CNXH.

Thực tế lịch sử đã chỉ ra rằng nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp “thuần nhất XHCN” được áp đặt một cách giáo điều, cứng nhắc, chủ quan duy ý chí đó không phải là cơ sở của dân chủ XHCN như có thời kỳ đã lầm tưởng.  Nhà nước tồn tại trên cơ sở kinh tế đó về thực chất là một hệ thống quan liêu, mệnh lệnh hành chính thiếu dân chủ.  Trong nền kinh tế này tính chủ động sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh của người lao động bị hạn chế nghiêm trọng, làm triệt tiêu động lực phát triển kinh tế. Quyền làm chủ của người lao động về tư liệu sản xuất, về tổ chức quản lý và phân phối chỉ là trên danh nghĩa. Nền kinh tế đó không những làm cho kinh tế trì trệ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát huy quyền dân chủ, quyền làm chủ, tính độc lập sáng tạo, tính tích cực xã hội của nhân dân, của các tổ chức, đoàn thể nhân dân.

Trong Đổi mới, trải qua quá trình đổi mới tư duy, quá trình suy tư trăn trở, tìm tòi khảo nghiệm với một tinh thần cầu thị, bám sát thực tiễn của thế giới đương đại và thực tiễn đổi mới của đất nước, Đảng ta đã sáng tạo ra mô hình kinh tế làm cơ sở cho Nhà nước trong thời kỳ quá độ. Đó là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(18).

Nền kinh tế thị trường là cơ sở, nền tảng của chế độ dân chủ đầu tiên trong lịch sử  - chế độ dân chủ tư sản. Nói về điều đó V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: “như bộ “Tư bản” đã vạch rõ, miếng đất đã làm mọc lên những tư tưởng về tự do và bình đẳng chính là nền sản xuất hàng hóa”(19); rằng nền kinh tế đó “đẻ ra những nguyện vọng dân chủ trong quần chúng,... làm cho quần chúng khát khao dân chủ”(20). Tuy nhiên, như thực tế đương đại đã chỉ ra, chế độ dân chủ dựa trên nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đang gặp phải những mâu thuẫn nan giải, những mâu thuẫn không thể giải quyết được trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản. Nền kinh tế thị trường mà chúng ta lựa chọn không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, cũng chưa phải là kinh tế thị trường XHCN, mà là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một sự sáng tạo của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, đó là một mô hình kinh tế có sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc có nội dung cụ thể.

Trải qua 30 năm Đổi mới, mô hình kinh tế đó càng ngày càng phát huy tác dụng tích cực trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước XHCN ở nước ta. Tuy nhiên kinh tế thị trường định hướng XHCN là vấn đề mới mẻ. Để nền kinh tế đó làm cơ sở vững chắc cho nhà nước pháp quyền XHCN, vấn đề hết sức khó khăn và nhạy cảm đã và đang đặt ra đối với đất nước ta hiện nay là định hướng XHCN sự phát triển của nền kinh tế đó. Việc định hướng XHCN sự phát triển nền kinh tế chúng ta đã từng bước khẳng định được một cách có hiệu quả, tuy nhiên đổi mới càng đi vào chiều sâu, hội nhập quốc tế càng ngày càng được đẩy mạnh, càng nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Vì vậy, cùng với sự sáng tạo mô hình kinh tế đó phải tiếp tục phát huy vai trò của nhân tố chủ quan của Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp và nhân dân mới hiện thực hóa một cách có hiệu quả.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2018

(1), (6), (12), (13), (15) V.I.Lênin: Toàn tập, t.33, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.42, 280, 38, 50, 97.

(2), (4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.304, 584-585.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.626.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.263.

trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1997, tr.280.

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.26, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1996, tr. 662.

(8), (9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.17, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội,  tr.454, 461.

(10), (11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.46, 15.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70, 85, 86.

(16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.171.

(17) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.616, 626.

(18) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.86.

(19) V.I.Lênin: Toàn tập, t.1, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr.594.

(20) V.I.Lênin: Toàn tập, t.30, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.92.

GS, TS Trần Thành

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền