Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Di sản tư tưởng của C.Mác sống mãi với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động
Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 16:47
2555 Lượt xem

Di sản tư tưởng của C.Mác sống mãi với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động

(LLCT) - C.Mác là nhà cách mạng, nhà lý luận thiên tài, sáng tạo học thuyết lý luận soi sáng cho con đường đấu tranh của giai cấp vô sản, của các dân tộc đi tới xây dựng một xã hội tốt đẹp, thật sự vì con người. Từ khi học thuyết lý luận của C.Mác ra đời, CNTB, đế quốc tìm mọi cách tấn công vào chủ nghĩa Mác, phá hoại phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, nhưng cho đến nay, học thuyết Mác vẫn đứng vững, tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân thế giới và Việt Nam.

C.Mác sinh ngày 5-5-1818, tại thành phố Tơria, tỉnh Ranh, nước Phổ (Đức). Ông tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Berlin và ngày 14-4-1841 nhận bằng tiến sĩ triết học.

Trong suốt sự nghiệp sáng tạo lý luận cách mạng, C.Mác đã có nhiều tác phẩm mà bất cứ người nào nghiên cứu học thuyết Mác không thể không đọc, tiêu biểu như: Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel (1843-1844); Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844; Sự khốn cùng của triết học (1846-1847); Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (2- 1848), viết chung với Ph.Ăngghen; Bài nói về mậu dịch tự do (1848); Tổng kết cuộc cách mạng tư sản Pháp, C.Mác viết Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850 (viết năm 1850); Ngày mười tám tháng sương mù của Louis Bonaparte (1851-1852); Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (1859); Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác. Bộ Tư bản mà C.Mác đã bỏ ra bốn mươi năm của cuộc đời mình để biên soạn, tập thứ nhất, quyển I, xuất bản năm 1867; sau này Ph.Ăngghen tiếp tục hoàn thành những phần mà C.Mác chưa kịp làm. Năm 1875, C.Mác viết tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gô-Ta đặt ra nhận thức về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH. C.Mác viết tác phẩm Nội chiến ở Pháp - tổng kết quan trọng sự kiện Công xã Paris (18-3-1871).

Các tác phẩm lý luận của C.Mác cùng với những tác phẩm viết chung với Ph.Ăngghen và các tác phẩm của Ph.Ăngghen đã trở thành học thuyết lý luận của chủ nghĩa cộng sản. Lần đầu tiên C.Mác đề ra học thuyết của mình năm 1844. Năm 1848, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen “đã trình bày học thuyết đó một cách đầy đủ và có hệ thống”(1). Theo V.I.Lênin, học thuyết của C.Mác có ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành.

C.Mác đã kế thừa và phát triển triết học cổ điển Đức của Hegel và Feuerbach. Triết học của chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa duy vật với thành quả chủ yếu là Phép biện chứng “tức là học thuyết về sự phát triển dưới hình thức hoàn bị nhất, sâu sắc nhất và không phiến diện, học thuyết về tính tương đối của nhận thức của con người, nhận thức này phản ánh vật chất luôn luôn phát triển không ngừng”. “Trong khi nghiên cứu sâu và phát triển chủ nghĩa duy vật triết học, C. Mác đã đưa học thuyết đó tới chỗ hoàn bị và mở rộng học thuyết ấy từ chỗ nhận thức giới tự nhiên đến chỗ nhận thức xã hội loài người. Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”(2).

Khoa kinh tế chính trị cổ điển trước Mác hình thành ở nước Anh (nước TBCN phát triển nhất lúc đó) với các đại biểu Adam Smith và Ricardo. C.Mác đã phát triển lý luận đó và “Học thuyết giá trị thặng dư là viên đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác”(3).

Cùng với Ph.Ăngghen, C.Mác đã phát triển lý luận CNXH, từ CNXH không tưởng (Utopian Socialism) của Saint-Simon, Fourier và Owen đến CNXH khoa học (Scientific Socialism). Muốn cho CNXH trở thành một khoa học phải đặt nó trên cơ sở hiện thực.

“Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”(4).

Học thuyết của Mác là vũ khí tư tưởng, lý luận, thức tỉnh, giác ngộ và tổ chức sự nghiệp đấu tranh của giai cấp vô sản - giai cấp có sứ mệnh lịch sử xóa bỏ sự bóc lột, bất công và tàn bạo của CNTB. “Trong khi tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp, giai cấp vô sản tự giáo dục và bồi dưỡng; họ thoát khỏi những thiên kiến của xã hội tư sản và đoàn kết với nhau ngày càng chặt chẽ hơn, họ biết đánh giá những thành tích của họ, họ tôi luyện lực lượng của mình và lớn dần lên không gì ngăn nổi”(5).

C.Mác không chỉ là nhà lý luận thiên tài mà còn là nhà cách mạng vĩ đại. Ông thấy rõ sự cần thiết phải tổ chức sự nghiệp đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản và những người lao động bị áp bức, bóc lột, đánh đổ CNTB, giành lấy chính quyền, xây dựng xã hội mới. Muốn làm được điều đó, giai cấp vô sản phải xây dựng tổ chức Đảng tiền phong của mình là Đảng Cộng sản. Năm 1847, khi mới 29 tuổi, C.Mác cùng với Ph.Ăngghen đã lập ra Liên đoàn những người cộng sản tại London (Anh). Tháng 2-1848, hai ông xuất bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản để hướng dẫn lý luận và hành động cách mạng cho giai cấp vô sản. C.Mác chú trọng tổng kết các cuộc cách mạng tư sản ở Pháp (1848), ở Đức (1849), giúp giai cấp vô sản nhận thức rõ bản chất của giai cấp tư sản, nêu rõ những kinh nghiệm cần thiết để thúc đẩy phong trào của giai cấp vô sản. Ngày 29-9-1864, tại London (Anh), C.Mác công bố Tuyên ngôn thành lập Hội liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế I) để lãnh đạo phong trào công nhân tiến hành sự nghiệp đấu tranh. Khi nổ ra Công xã Paris (18-3-1871), C.Mác cổ vũ công nhân Pháp vô cùng anh dũng Xông lên đoạt trời. Đồng thời, ông cũng kịp thời làm rõ những bài học của Công xã và cho rằng một kiểu nhà nước mới của giai cấp vô sản rốt cuộc đã tìm thấy. Có thể thấy rõ, C.Mác không chỉ uyên bác về lý luận, khoa học mà còn đặc biệt chú trọng tổ chức và hành động, phát triển nhận thức lý luận từ thực tiễn đấu tranh.

Ngày 14-3-1883, buổi chiều, vào lúc 2 giờ 45 phút, “nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong số những nhà tư tưởng hiện đại đã ngừng suy nghĩ”. Trong lễ an táng C.Mác, Ph.Ăngghen đã đọc điếu văn, trong đó khẳng định: “Giống như Đác-uyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người”. “Mác cũng tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra. Với việc phát hiện ra giá trị thặng dư trong lĩnh vực này thì lập tức một ánh sáng đã hiện ra trong khi tất cả các công trình nghiên cứu trước đây của các nhà kinh tế học tư sản cũng như của các nhà phê bình xã hội chủ nghĩa vẫn đều mò mẫm trong bóng tối”(6)

“Hai phát minh như vậy đối với một đời người cũng là đủ rồi. Người nào mà có được một phát minh như vậy thì hẳn là đã hạnh phúc lắm rồi”(7). Ph.Ăngghen nhấn mạnh: “Khoa học đối với Mác là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng”. “Bởi vì Mác thực sự là một người cách mạng, như chính ông đã tự nhận. Cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân làm thuê khỏi xiềng xích của hệ thống sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại là sự nghiệp chân chính của ông. Và từ trước tới nay chưa hề có một chiến sĩ nào đấu tranh tích cực hơn ông”(8).

Cần nhấn mạnh rằng, học thuyết của C.Mác không phải là sản phẩm trực tiếp của giai cấp công nhân và phong trào công nhân. Nó trước hết là sản phẩm trí tuệ của những trí thức hàng đầu như C.Mác, Ph.Ăngghen và sau này V.I.Lênin tiếp tục phát triển. Các ông đã tổng kết lịch sử xã hội loài người tìm ra quy luật của sự phát triển; nghiên cứu, tổng kết phương thức sản xuất và xã hội tư sản, thấy rõ bản chất kinh tế và chính trị của chế độ tư bản; phát hiện những mâu thuẫn xã hội và vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - giai cấp vô sản cách mạng.

“Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(9).

Học thuyết lý luận của C.Mác được truyền bá vào giai cấp công nhân, phong trào công nhân, giáo dục và giác ngộ, cách mạng hóa giai cấp công nhân, hướng dẫn họ thực hiện sự nghiệp cách mạng lớn lao và vẻ vang. C.Mác và Ph.Ăngghen gắn kết đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc: “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”. “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”(10).

Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân đã hướng theo lời kêu gọi của C.Mác và Ph.Ăngghen: Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, CNTB, đế quốc đẩy mạnh chiến tranh xâm lược chiếm các thuộc địa, mở rộng thị trường, thực hành chủ nghĩa thực dân. Cùng với đấu tranh giai cấp trong các nước tư bản, cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức phát triển mạnh mẽ. V.I.Lênin đã phát triển học thuyết C.Mác trong thời kỳ chủ nghĩa đế quốc. Khẩu hiệu đấu tranh mới là: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại. Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917) do V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích lãnh đạo đã thắng lợi, mở ra thời đại mới của nhân loại - thời đại quá độ lên CNXH, hiện thực hóa tư tưởng XHCN của C.Mác. Sau chiến tranh thế giới thứ II, cùng với Liên Xô, nhiều nước tiến theo con đường XHCN và từ những năm 50, 60 đã trở thành hệ thống XHCN thế giới hùng mạnh, đối trọng với CNTB. Đó là thành quả đấu tranh và phát triển của giai cấp công nhân, các dân tộc bị áp bức ở nhiều nước theo tư tưởng khoa học và cách mạng của học thuyết C.Mác.

Cuối thế kỷ XIX, Việt Nam là nước phong kiến lạc hậu, bị thực dân Pháp xâm lược và áp đặt chế độ thuộc địa. Nhiều phong trào đấu tranh đòi độc lập liên tiếp nổ ra kéo dài đến đầu thế kỷ XX nhưng đều thất bại do thiếu lý luận và đường lối lãnh đạo đúng đắn. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đi tìm con đường cứu nước và đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người truyền bá lý luận đó vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, cách mạng hóa giai cấp công nhân và toàn dân tộc, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc và phát triển đất nước theo con đường XHCN. Nhờ lý luận khoa học và đường lối đúng đắn, giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Trong suốt tiến trình cách mạng, giai cấp công nhân có vai trò to lớn, thực hiện vai trò lãnh đạo thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam “là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”(11). Sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng và khối liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Cần thấy rõ một sự thật lịch sử, từ khi học thuyết lý luận của C.Mác ra đời, CNTB, đế quốc tìm mọi cách để phá hoại phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, xuyên tạc và tiến công vào chủ nghĩa Mác-Lênin; chúng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” từ những năm 60, 70, 80 của thế kỷ XX. Do mất cảnh giác, sai lầm về chính trị, rời bỏ lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và cả sự phản bội, một số lãnh đạo các Đảng đã đẩy CNXH lâm vào khủng hoảng và sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô.

“Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, nhưng một số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng, tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, tiếp tục phát triển; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những bước hồi phục”(12). “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội(13).

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã dự báo sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đại công nghiệp, thị trường thế giới lớn lên không ngừng “thì những sự cách biệt dân tộc và những sự đối lập giữa nhân dân các nước cũng ngày càng mất đi... sự thống trị của giai cấp vô sản sẽ càng làm cho những sự cách biệt và những sự đối lập ấy mất đi nhanh hơn”. Đó là tiền đề để đi tới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.

Loài người đang ở những thập niên đầu của thế kỷ XXI, với sự phát triển chưa từng có của trí tuệ con người với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năng suất lao động tăng nhanh, của cải vật chất ngày càng dồi dào. Thực tế đó có thể phần nào che lấp sự bần cùng hóa. Nhưng còn có một sự thật khác mà các nước tư bản phát triển cũng phải thừa nhận là hiện nay 99% của cải vật chất thuộc sở hữu của 1% cư dân (những ông chủ tư bản), 1% tài sản còn lại thuộc sở hữu của 99% cư dân. CNTB tăng cường bóc lột, chiếm đoạt giá trị thặng dư để có lợi nhuận khổng lồ. Ngay ở các nước tư bản phát triển, tình trạng đói nghèo, thất nghiệp, người vô gia cư vẫn tồn tại. Thế giới vẫn còn hơn một tỷ người đói nghèo cùng cực. Do vậy, nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp công nhân các nước tư bản hiện nay vẫn phải bảo vệ lợi ích, cuộc sống của mình vì công bằng xã hội. Người ta đang nói sự phát triển trí tuệ nhân tạo, máy móc tự động thay thế con người, RÔBỐT là bạn của chủ tư bản nhưng là kẻ thù của người công nhân lao động làm thuê trước nguy cơ mất việc làm.

Hiện nay, ở các nước đi theo con đường CNXH, giai cấp công nhân cùng với các giai cấp, tầng lớp khác đã trở thành người làm chủ đất nước và xã hội, phấn đấu xây dựng thành công CNXH phù hợp với đặc điểm hoàn cảnh mỗi nước. Ở Việt Nam, giai cấp công nhân là lực lượng chủ lực, tiên phong thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hiện thực hóa mô hình CNXH mà Cương lĩnh của Đảng đã đề ra. Sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam trước đây cũng như hiện nay gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng tiên phong. Đảng thường xuyên chú trọng xây dựng và phát triển giai cấp công nhân, củng cố liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội XII của Đảng (1-2016) nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ:

“Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân”(14).

Di sản tư tưởng của C.Mác sống mãi với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân hiện nay. Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng vĩ đại của C.Mác trong sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH hiện nay.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2018

(1), (2), (3), (4), (5) V.I.Lênin:Toàn tập, t.23, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.1, 53, 55, 50, 58.

(6), (7), (8) C.Mác và Ph.Ăngghen:Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.499-500, 500, 497.

(9), (10)C.Mác và Ph.Ăngghen:Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.610, 623-624.

(11), (12), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.88, 68, 69.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.160.

 

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền