Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng của C.Mác về đặc trưng của sở hữu xã hội chủ nghĩa
Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 16:48
3472 Lượt xem

Tư tưởng của C.Mác về đặc trưng của sở hữu xã hội chủ nghĩa

(LLCT) - Từ nhiều năm nay, vấn đề sở hữu trong CNXH chưa được giải quyết một cách cơ bản, thấu đáo ngay trong lý luận, cho nên việc triển khai trong thực tiễn còn nhiều lúng túng. Sự biến dạng của các quan hệ sở hữu trong hiện thực là một trong những nguyên nhân làm cho hệ thống XHCN lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Do vậy, cần phải nghiên cứu, xem xét vấn đề sở hữu một cách nghiêm túc, làm rõ những đặc trưng của sở hữu XHCN; tiếp tục đổi mới sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể để mang lại hiệu quả thực sự trong thực tế. 

1. Trong công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta, cũng như ở các nước đang xây dựng CNXH hiện nay, vấn đề các quan hệ sở hữu - gọi tắt là vấn đề sở hữu - được đặt lên hàng đầu, bởi càng đi sâu vào cải cách kinh tế, chúng ta càng nhận thấy rõ hơn những trở lực đối với phát triển kinh tế XHCN không chỉ là cơ chế quản lý kinh tế, mà còn ở vấn đề cơ bản hơn, sâu xa hơn, đó là các quan hệ sở hữu.

Trước đổi mới, chúng ta quan niệm xây dựng CNXH ở nước ta phải tiến hành theo một số bước sau: Bước thứ nhất, sau khi cách mạng thành công, giành được chính quyền, chỉ cần xóa bỏ chế độ tư hữu, xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là xong về cơ bản. Bước thứ hai, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho CNXH, đó là nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo nông nghiệp và toàn bộ nền kinh tế quốc dân, đem lại năng suất lao động cao. Bước thứ ba, cải cách cơ chế quản lý, xây dựng một nền kinh tế kế hoạch hóa cao độ... Với quan niệm như thế, chúng ta đã vi phạm quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, xuất hiện xu hướng tả khuynh, quan niệm đơn giản về các thành phần kinh tế và các hình thức sở hữu, muốn xóa bỏ ngay lập tức sở hữu tư bản tư nhân và sở hữu cá nhân của những người sản xuất hàng hóa nhỏ. Từ đó, dẫn đến khuynh hướng đồng nhất cải tạo các thành phần kinh tế và các hình thức sở hữu phi XHCN với việc xóa bỏ chúng. Với cách làm như vậy, chúng ta đã xóa bỏ lợi ích tư nhân, cá nhân, một trong những động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - lợi ích thiết thân đã thúc đẩy con người hành động. Khi những lợi ích đó bị vi phạm, có nghĩa là động cơ hành động của họ bị triệt tiêu, lợi ích xã hội cũng sẽ không còn, thì nền kinh tế - xã hội sẽ mất động lực để phát triển. Để giải quyết tốt vấn đề lợi ích kinh tế tạo thành đòn bẩy phát triển kinh tế, buộc chúng ta phải có cách nhìn mới về vấn đề sở hữu.

Một xu hướng nữa dẫn đến việc đòi hỏi phải xem xét lại vấn đề sở hữu, đó là việc tiến hành cải cách cơ chế quản lý kinh tế đặt ra. Mới đầu nhiều người tưởng rằng, chỉ cần cải tổ về căn bản phương thức quản lý kinh tế mà nội dung cơ bản là chuyển từ phương pháp quản lý chỉ huy, mệnh lệnh theo lối tập trung hóa sang những phương pháp kiểu kinh tế thị trường là đủ để xoay chuyển tình hình kinh tế trì trệ và bế tắc do mô hình kinh tế cũ của CNXH tạo nên. Hàng loạt các biện pháp đã được áp dụng nhằm tháo gỡ những ràng buộc cứng nhắc, duy ý chí trước đây và trao quyền tự chủ ngày càng rộng rãi cho các cơ sở sản xuất và các địa phương. Những biện pháp ấy đã mang lại một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung vẫn không đủ sức xoay chuyển tình thế một cách căn bản, những giải pháp mới đã được đưa ra mà thực chất là chuyển hẳn sang cơ chế thị trường. Nhưng chính nền kinh tế thị trường lại đòi hỏi phải có những chủ thể sản xuất và trao đổi của nó. Những chủ thể thật sự cụ thể, không phải là những chủ thể trừu tượng, chung chung và để có được những chủ thể thật sự đó thì phải có những người sở hữu thật sự, không có chủ sở hữu thật sự sẽ không có các quan hệ sản xuất và trao đổi thật sự, không thể có kinh doanh thật sự, nghĩa là không có kinh tế thị trường đúng nghĩa của nó. Như thế, công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế cuối cùng cũng dẫn đến đòi hỏi phải xem xét vấn đề cội nguồn là sở hữu. Có thể nói, chính sự vận động của mô hình CNXH đã đặt ra việc xem xét vấn đề sở hữu một cách gay gắt.

Thực tiễn xây dựng CNXH ở một số nước XHCN trước đây cũng đã chứng tỏ rằng, lúc đầu chế độ công hữu cũng có những vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế của các nước XHCN. Thí dụ: chỉ trong vòng 40 năm, Liên Xô từ một nước yếu kém về kinh tế đã vươn lên đuổi kịp, thậm chí vượt Mỹ trên một số lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực chinh phục khoảng không vũ trụ... Ngay trong CNTB, do yêu cầu của lực lượng sản xuất đã xuất hiện những hình thức sở hữu mới như sở hữu tập thể... và đã đem lại những thành tựu lớn cho sự phát triển của CNTB. Ở một số nước, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, mạnh hơn các thành phần kinh tế khác, như ở Ấn Độ chẳng hạn. Nhưng gần đây, tình hình chung là các đơn vị kinh tế thuộc khu vực sở hữu nhà nước ở các nước TBCN, cũng như ở các nước XHCN hoạt động kém hiệu quả hơn so với các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể. Trước tình hình ấy, CNTB đã kịp thời điều chỉnh bằng cách tư hữu hóa các đơn vị kinh tế thuộc sở hữu nhà nước, còn chúng ta vẫn chưa có được những thay đổi phù hợp. Ở một số nước XHCN, như Trung Quốc cũng đang diễn ra quá trình điều chỉnh các hình thức sở hữu, hình thành nhiều loại sở hữu khác nhau. Rõ ràng, thực tiễn trên thế giới buộc chúng ta phải xem xét vấn đề sở hữu nói chung, cũng như sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể nói riêng.

Thực tiễn nước ta cũng cho thấy, lúc đầu chế độ công hữu cũng có những tác dụng lớn. Phong trào hợp tác hóa 1958-1960 đã thu được những kết quả to lớn trong nông nghiệp (cải tạo đồng ruộng, khai hoang phục hóa, làm thủy lợi...). Chế độ công hữu đã là cơ sở để đoàn kết toàn dân, tổ chức động viên mọi lực lượng đóng góp sức người, sức của cho cuộc đấu tranh để chiến thắng đế quốc Mỹ. Nhưng ngay sau đó, chế độ công hữu đã bắt đầu bộc lộ những nhược điểm: người lao động không hăng hái sản xuất, năng suất lao động thấp, hiệu quả lao động giảm sút... Gần đây, chúng ta đã có những điều chỉnh, xong vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ.

Bản thân những vấn đề lý luận nền tảng của học thuyết về CNXH và xây dựng CNXH, một thời gian dài đã bị hiểu một cách giáo điều, đơn giản, siêu hình. Các quan hệ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu cá nhân... các quá trình xã hội hóa đều chưa được nghiên cứu một cách sâu sắc, giữa lý luận và thực tiễn còn có một khoảng cách rất xa, dẫn đến những sai lầm, như: nhà nước hóa các hợp tác xã, tuyệt đội hóa sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, có khuynh hướng xóa bỏ các loại sở hữu khác, hậu quả là tư liệu sản xuất, tài nguyên bị vô chủ, không kết hợp được tối ưu người lao động với tư liệu sản xuất, kìm hãm sự phát triển sáng tạo, làm gia tăng chủ nghĩa bình quân, xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực, làm cho kinh tế chậm phát triển.

Từ các vấn đề lý luận và thực tiễn trên đây đòi hỏi phải nghiên cứu, xem xét lại vấn đề sở hữu một cách nghiêm túc, phải vạch ra được đặc trưng của sở hữu XHCN, tiếp tục đổi mới sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể để đem lại hiệu quả thực sự trong thực tế.

Qua thực tiễn hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã từng bước đổi mới chế độ công hữu, tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết. Sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể vẫn chưa có chủ thể đích thực, dường như vẫn vô chủ, làm ăn kém hiệu quả. Đó là những vấn đề bức xúc đang được đặt ra cả về phương điện lý luận và thực tiễn.

2. Trong sự nghiệp đổi mới của CNXH, sở hữu là một trong những vấn đề quan trọng nhất được xem xét và thay đổi không chỉ trong lý luận mà cả trong thực tiễn. Từ nhiều năm nay, vấn đề sở hữu trong CNXH chưa được giải quyết cơ bản, thấu đáo ngay trong lý luận, cho nên việc triển khai trong thực tiễn còn nhiều lúng túng. Sự biến dạng của các quan hệ sở hữu trong hiện thực là một trong những nguyên nhân sâu xa làm cho hệ thống XHCN lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng.

Để làm sáng tỏ đặc trưng của sở hữu XHCN, cần nghiên cứu một cách sâu sắc hơn nữa lý luận của C.Mác về sở hữu.

Chúng ta đều biết, trên cơ sở kế thừa tư tưởng biện chứng trong lịch sử triết học, nổi bật là phép biện chứng của Hê ghen, C.Mác đã xây dựng nên phép biện chứng duy vật mácxít. Theo quy luật phủ định của phủ định trong phép biện chứng duy vật, chế độ công hữu cộng sản nguyên thủy bị chế độ tư hữu phủ định, nhưng rồi chế độ tư hữu đến lượt nó sẽ lại bị phủ định và trở thành mặt đối lập với nó chính là chế độ công hữu. Như vậy, đến hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa thì xã hội loài người sẽ quay trở lại chế độ công hữu, tuy nhiên sẽ dựa trên trình độ cao hơn rất nhiều. Trước đây, nhiều người đã hiểu sai rằng, chế độ công hữu dưới CNXH cũng giống như chế độ công hữu thời cộng sản nguyên thủy, cho rằng dưới CNXH tất cả tài sản đều phải gộp chung lại. Bên cạnh đó, nhiều người hiểu sai cụm từ “chủ nghĩa cộng sản” là dấu cộng của mọi tài sản, từ đó dẫn đến nhận thức sai lầm ấu trĩ tả khuynh trong xây dựng mô hình CNXH tập trung kiểu cũ trong hệ thống XHCN. Theo C.Mác, hình thức sở hữu tư nhân TBCN là hình thức tư hữu cao nhất trong các loại hình sở hữu tư nhân và sở hữu tư nhân TBCN không thể là hình thức sở hữu cuối cùng trong lịch sử phát triển của nhân loại, theo quy luật nhất định nó sẽ bị thay thế bằng hình thức sở hữu mới ở trình độ cao hơn, đó là chế độ công hữu. Tuy nhiên, hiểu cho đúng thế nào là công hữu vẫn đang là bài toán chưa có lời giải một cách rõ ràng. C.Mác mới chỉ nêu khái quát rằng đến hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa thì nhất định loài người sẽ chuyển lên chế độ công hữu, nhưng bản thân công hữu được hiểu như thế nào thì C.Mác cũng chưa thể trình bày một cách rõ ràng, bởi từ thực tiễn cách đây hàng trăm năm, không thể mô tả chi tiết được về xã hội tương lai sau này. V.I.Lênin sau này cũng viết rằng nếu chúng ta cố vẽ chi tiết mô hình xã hội tương lai thì chỉ làm cho chúng ta dễ rơi và ảo tưởng mà thôi. Điều đó làm cho nhiệm vụ của những người cộng sản thuộc các thế hệ sau này trở nên hết sức khó khăn trong hoạch định đường lối cho thời kỳ quá độ lên CNXH. Đó cũng là lý do cho thấy trong Cương lĩnh 1991, Đảng ta nêu 6 đặc trưng của CNXH ở Việt nam, nhưng đến Đại hội X lại nêu 8 đặc trưng (trong đó có những quan niệm khác nhau về chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu). Nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục nghiên cứu lại các tư tưởng của C.Mác và bổ sung, hoàn thiện trong điều kiện mới.

Để làm rõ bản chất của chế độ công hữu, trước hết cần nghiên cứu thực tiễn ở các nước TBCN, bởi về lý luận không có cái gì ra đời từ hư vô, mà đều ra đời từ trên mảnh đất hiện thực.

Trong thời đại của C.Mác, trong lòng CNTB đã bắt đầu xuất hiện loại hình sở hữu tập thể, và hiện nay hình thức sở hữu tập thể xuất hiện ngày càng nhiều trong CNTB hiện đại. Để trả lời câu hỏi, về bản chất của những quan hệ xã hội được hình thành trên cơ sở chế độ sở hữu tập thể lao động trong các nước TBCN, chúng ta cần trở lại với những quan điểm của C.Mác trong bộ Tư bản. Trong tập thứ ba của bộ Tư bản (Chương 27) về vai trò của tín dụng trong nền sản xuất TBCN, khi so sánh các hợp tác xã lao động đương thời (các nhà máy hợp tác của công nhân) với những xí nghiệp cổ phần thế hệ thứ nhất đã xuất hiện lúc đó, C.Mác chú ý đến một việc là: cả các hợp tác xã lao động, cả các xí nghiệp cổ phần, dù ở mức độ khác nhau, đều là “điểm quá độ” dẫn đến việc chuyển tư bản thành sở hữu của những người sản xuất nhưng không phải với tư cách là sở hữu tư nhân của những người sản xuất riêng lẻ nữa, mà với tư cách là sở hữu của những người sản xuất liên hiệp, thành sở hữu xã hội trực tiếp(1).

Theo C.Mác, nếu các hình thức liên hiệp cổ phần là “điểm quá độ” tất yếu để tư bản trở thành chế độ công hữu trực tiếp, thì các hợp tác xã (những nhà máy hợp tác của công nhân) không chỉ là “điểm quá độ” mà còn là “lỗ thủng đầu tiên” trong phương thức sản xuất TBCN. Những hợp tác xã lao động theo sự tóm tắt của Mác, “cho thấy rằng đến một giai đoạn phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất và của những hình thái sản xuất xã hội tương ứng với những lực lượng sản xuất ấy, thì tất nhiên là một phương thức sản xuất mới phải nảy sinh và phát triển trên cơ sở một phương thức sản xuất cũ”(2).

Thời đại ngày nay đã chứng minh tính đúng đắn cho những kết luận mà C.Mác đã đưa ra. Không thể coi những quan hệ xã hội được hình thành trên cơ sở chế độ sở hữu tập thể lao động là những quan hệ TBCN trong hình thức cổ điển của chúng. Song những quan hệ đó cũng chưa thể hiện được đầy đủ tính chất của quan hệ sản xuất XHCN. Bởi vì chế độ sở hữu tập thể lao động ra đời trong lòng chế độ TBCN, do đó sự hoạt động và phát triển của nó vẫn bị phụ thuộc vào các quy luật của thị trường TBCN. Vì vậy, có thể nói, quan hệ sản xuất XHCN nếu xét với tính cách là một sự vật mới về chất thì nó không ra đời trong lòng CNTB, nhưng nó đã có những tiền đề, mầm mống từ trong lòng CNTB, đó là các xí nghiệp cổ phần, xí nghiệp hợp tác. Nó chỉ có thể phát triển mở rộng dưới chính quyền của nhân lao động do chính Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.

Trong cuốn Bàn về chế độ hợp tác, V.I.Lênin viết: “Thật vậy, chính quyền nhà nước chi phối những tư liệu sản xuất chủ yếu, giai cấp vô sản nắm chính quyền, giai cấp vô sản đó liên minh với hàng triệu tiểu nông và tiểu tiểu nông, giai cấp vô sản nắm vững quyền lãnh đạo nông dân, v.v. phải chăng đó không phải là tất cả những điều cần thiết để xây dựng một xã hội XHCN toàn vẹn hay sao? Đó chưa phải là xây dựng xã hội XHCN, nhưng đó là tất cả những cái cần thiết và đầy đủ để tiến hành công việc xây dựng đó”(3).

Qua đó ta thấy, điều kiện để các hợp tác xã trở thành hình thức quản lý kinh tế mang tính chất XHCN là: chính quyền nhà nước phải thuộc về tay giai cấp công nhân; chính quyền nhà nước phải chi phối những tư liệu sản xuất chủ yếu; giai cấp công nhân phải thiết lập được một liên minh chặt chẽ với nông dân và lãnh đạo nông dân. Nêu lại những tư tưởng này của V.I.Lênin giúp chúng ta hiểu rõ hơn tính chất của các hình thức sở hữu tập thể ở các nước tư bản hiện nay.

Xuất phát từ thực tiễn các nước TBCN, thực tiễn xây dựng CNXH trước đây, từ những chỉ dẫn của C.Mác, V.I.Lênin, chúng ta có thể nhận định: sở hữu XHCN đó là sở hữu xã hội và sở hữu xã hội là sự liên hiệp của sở hữu của những người lao động thành sở hữu xã hội trực tiếp.

Qua các tác phẩm kinh điển của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, đặc biệt là các tác phẩm: Chống Đuy rinh, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Bộ Tư bản và qua thực tiễn ở các nước tư bản phát triển, các nước XHCN trong thời gian qua, chúng ta có thể thấy sở hữu XHCN có một số đặc trưng cơ bản sau:

-  Sở hữu XHCN phủ định sở hữu tư sản, đó là tính tất yếu của quá trình phát triển tự nhiên.

Tư tưởng cho rằng, sở hữu XHCN là sự phủ định đối với sở hữu tư sản đã được C.Mác, Ph.Ăngghen nêu từ rất sớm trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848). Các ông viết: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là chế độ sở hữu tư sản”(4). Tuy nhiên, đến tập III của bộ Tư bản thì C.Mác nêu rõ hơn: “sở hữu XHCN là sự phủ định đối với sở hữu tư sản, đó là quá trình phát triển tất yếu khách quan”(5).

-Sở hữu XHCN hình thành trên cơ sở sự hợp tác và sự chiếm hữu công cộng đối với ruộng đất và những tư liệu sản xuất khác.

Xét trên toàn bộ chiều dài thời gian và chiều rộng không gian của lịch sử loài người, chế độ sở hữu công xã nguyên thủy bị chế độ tư hữu phủ định, và đến lượt nó, chế độ tư hữu lại bị chế độ sở hữu XHCN phủ định. Như vậy, cùng với tính chất xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất và theo quy luật phủ định của phủ định, đến CNXH thì sở hữu XHCN có nhiều nét tương đồng với sở hữu công xã nguyên thủy, cho nên đặc trưng cơ bản của sở hữu XHCN là hình thành “trên cơ sở sự hợp tác và sự chiếm hữu công cộng đối với ruộng đất và những tư liệu sản xuất do chính lao động làm ra”. Tuy nhiên, C.Mác có lưu ý rằng: “Tất cả các hình thức công xã thị tộc có trước sự xuất hiện của nền sản xuất hàng hóa và sự trao đổi tư nhân chỉ giống với xã hội XHCN tương lai ở mỗi một điểm là: một số vật dụng nhất định, những tư liệu sản xuất, là thuộc quyền sở hữu chung và sử dụng chung của một số nhóm nhất định. Nhưng nét giống nhau đó không làm cho hình thức xã hội thấp đó có khả năng tạo ra được từ chính bản thân nó cái xã hội XHCN tương lai, sản phẩm đặc biệt và cuối cùng do CNTB sinh ra”(6).

-Sở hữu XHCN có đặc trưng là “khôi phục lại chế độ sở hữu cá nhân”.

Theo C.Mác, chế độ tư hữu cá nhân dựa trên lao động của bản thân bị chế độ tư hữu TBCN phủ định, nhưng rồi với sự phát triển tất yếu của nền sản xuất TBCN thì nó lại đẻ ra sự phủ định bản thân nó. Sự phủ định cái phủ định này không khôi phục lại chế độ tư hữu, mà khôi phục lại chế độ sở hữu cá nhân. Thực tiễn của sự phát triển các hình thức sở hữu ở các nước tư bản phát triển hiện nay đã chứng minh cho luận điểm này của các nhà kinh điển. Cho nên, đặc trưng của sở hữu XHCN là phải dựa trên cơ sở “khôi phục lại chế độ sở hữu cá nhân”. Sở hữu XHCN là sự thống nhất hữu cơ giữa chủ sở hữu và người lao động. Thực chất của sở hữu XHCN là ở chỗ chủ thể của nó và người điều hành nó là người lao động; nhân dân tạo ra, tái tạo và phát triển sở hữu bằng lao động của mình. Đây là một đặc trưng cơ bản của sở hữu XHCN. Từ đó, ta có thể rút ra nhận xét: sở hữu XHCN hình thành một cách khách quan như tất cả các hình thức sở hữu đã hình thành trong lịch sử, nhưng vì nó mang tính lao động, nên nó phải là hình thức do quần chúng tổ chức nên. Vì thế, chính V.I.Lênin khi nêu vấn đề phát triển hợp tác xã trong Chính sách kinh tế mới (NEP), đã đề ra một nguyên tắc rất cơ bản của hợp tác xã là nguyên tắc tự nguyện.

- Sở hữu XHCN phải được xây dựng “trên cơ sở những thành tựu của thời đại TBCN”.

Đây là một đặc trưng rất cơ bản phân biệt sở hữu XHCN với sở hữu công xã nguyên thủy và với các hình thức sở hữu khác đã có trong lịch sử. Sự khác biệt chính là sở hữu XHCN được xây dựng trên nền tảng vật chất kỹ thuật phát triển cao nhất trong lịch sử nhân loại. Nhiều nhà khoa học cho rằng các hình thức sở hữu XHCN được chúng ta xây dựng trước đây chưa mang tính chất XHCN một cách đầy đủ, vì nó chưa dựa trên một nền tảng vật chất kỹ thuật cao. Trong lời tựa cuốn Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, C.Mác viết: Một chế độ xã hội mới - ở đây là chế độ sở hữu xã hội - chỉ có thể xuất hiện khi những điều kiện tồn tại của nó đã có hoặc ít ra cũng đang hình thành.

Các đặc trưng nêu trên của sở hữu XHCN quan hệ hữu cơ với nhau. Sở hữu được gọi là sở hữu XHCN chỉ trong trường hợp khi thỏa mãn đầy đủ các đặc trưng đó. Không đủ hoặc thiếu bất kỳ một đặc trưng nào trong số đó đều là bằng chứng thể hiện về tính chất chưa đầy đủ, hoặc là về những biến thái của tính XHCN của sở hữu. Từ những chỉ dẫn của C.Mác và Ph.Ăngghen, chúng ta có thể thấy rằng xây dựng CNXH chính là quá trình phủ định chế độ sở hữu tư sản, khôi phục sở hữu cá nhân trên cơ sở phát triển sở hữu cộng đồng, với một cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại.

3. Nước ta bước vào xây dựng CNXH ở giai đoạn đầu và tiền tư bản, chưa có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH, nhưng do nóng vội chủ quan, duy ý chí muốn xóa nhanh CNTB và có ngay CNXH, chúng ta đã vội vàng xóa bỏ chế độ tư hữu, xây dựng chế độ công hữu không phù hợp trình độ của lực lượng sản xuất. Mặt khác, mô hình sở hữu do chúng ta xây dựng trước đây cũng chưa thể hiện đầy đủ các đặc trưng của sở hữu XHCN như các nhà kinh điển đã nêu, chưa giải quyết được một cách đúng đắn mối quan hệ giữa các loại lợi ích, nên động lực phát triển bị triệt tiêu.

Nhìn chung cả C.Mác và Ph.Ăngghen chưa bao giờ đặt cho mình nhiệm vụ thiết kế chi tiết ngôi nhà XHCN tương lai. C.Mác chưa có ý định nghĩ ra mô hình của CNXH. Vấn đề chủ yếu mà C.Mác quan tâm lúc bấy giờ là CNTB sinh ra chủ nghĩa cộng sản như thế nào, nói cách khác, xã hội tư bản chuyển biến một cách tất yếu thành xã hội cộng sản như thế nào? Các nhà kinh điển cũng đã từng ngăn ngừa rằng không nên tìm kiếm trong các tác phẩm của các ông dù là một điều ẩn dụ nào về các ý kiến có sẵn về các công việc cụ thể trong việc tổ chức xã hội tương lai. Bản thân V.I.Lênin cũng rất khiêm tốn khi bàn về xã hội tương lai: “chúng ta không thể nhận định về CNXH được; CNXH sẽ như thế nào khi nó đạt tới những hình thức hoàn chỉnh của nó, điều đó chúng ta không biết, không thể nói lên được”(7);“Hiện nay chúng ta không thể nêu lên đặc trưng của CNXH”(8). Tuy nhiên, khi đó V.I.Lênin cũng đã nêu lên những đường nét cơ bản của thời kỳ quá độ lên CNXH, thể hiện trong Chính sách kinh tế mới (NEP). Khi bàn về thời kỳ quá độ, V.I.Lênin viết: “Danh từ quá độ có nghĩa là gì? Vận dụng vào kinh tế, có phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của CNTB và CNXH không? Bất cứ ai cũng đều thừa nhận là có”. V.I.Lênin chỉ rõ: “nước Nga rộng lớn và hỗn tạp đến mức các loại hình khác nhau của kết cấu kinh tế - xã hội đều xen kẽ với nhau ở trong nó. Đặc điểm của tình hình hiện nay chính là ở đó”(9). Như vậy, theo V.I.Lênin, đặc trưng của sở hữu trong thời kỳ quá độ là sự đan xen, hỗn hợp của nhiều loại hình sở hữu, nhiều hình thức kinh tế. Trong đó, V.I.Lênin rất chú ý đến hình thức tư bản nhà nước, hợp tác xã và coi đó là những hình thức trung gian phổ biến để quá độ lên CNXH. Rất tiếc sau khi V.I.Lênin mất, những tư tưởng của người đã không được thực hiện.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2018

(1), (2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.25, P1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1995, tr.668, 668.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.422.

(4), (6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1995, tr.615, 450.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1995, tr.1059-1060.

(7), (8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.83, 83.

(9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.43, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.248.

 

PGS, TS Vũ Hồng Sơn

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền