Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Văn hóa trong kinh tế ở Việt Nam hiện nay
Thứ tư, 28 Tháng 11 2018 17:37
12253 Lượt xem

Văn hóa trong kinh tế ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Văn hóa trong kinh tế là các giá trị văn hóa thẩm thấu, trở thành nền tảng tinh thần cho hoạt động kinh tế, là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa trong kinh tế tại Việt Nam được Đảng và Nhà nước quan tâm, thể hiện ở: triết lý phát triển kinh tế gắn với định hướng phát triển đất nước, văn hóa trở thành “vốn kinh tế”, nguồn lực con người là nhân tố quyết định việc sử dụng các nguồn lực khác và tạo dựng môi trường văn hóa trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, thực tế việc xây dựng văn hóa trong kinh tế còn nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, cần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong kinh tế; xây dựng mối quan hệ giữa văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế; xây dựng đạo đức, nhân cách của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức; xây dựng và phát triển toàn diện con người; xây dựng thể chế kinh tế khoa học, đồng bộ, hiệu quả.

Biểu hiện của văn hóa trong kinh tế là:

Thứ nhất, triết lý kinh tế

Triết lý là biểu hiện của tư tưởng phát triển, định hướng mục tiêu và hành động để đạt mục tiêu đó. Việt Nam đang tập trung phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tức là nền kinh tế vừa vận hành theo quy luật chung của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm định hướng XHCN. Đại hội XII của Đảng xác định đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(1). Các giá trị cơ bản mà nền kinh tế này hướng tới là: bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững gắn liền với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, quản lý tài nguyên và môi trường, bảo đảm tính ưu việt của chế độ XHCN; con người là trung tâm của sự phát triển. Trong đó, văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế bền vững. Đảng ta xác định: “Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”(2).

Phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa và con người, nâng cao chất lượng sống. Con người vừa là chủ thể của nền sản xuất xã hội, vừa là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Các giá trị văn hóa và con người phải trở thành điểm xuất phát và mục tiêu phấn đấu của quá trình phát triển kinh tế. Trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế, vừa phải chú ý tới hiệu quả kinh tế, vừa phải chú ý tới hiệu quả văn hóa, xã hội và môi trường. Không tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, làm tổn hại đến văn hóa, xã hội và môi trường. Đây là những quan điểm khoa học và nhân văn trong định hướng giá trị văn hóa trong kinh tế ở nước ta trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Tại Việt Nam, trong một thời gian dài, để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhiều chương trình, dự án kinh tế chưa chú ý đến bảo vệ môi trường, chưa tính toán đến hậu quả của tăng trưởng. Nhiều vùng đất, nguồn nước bị ô nhiễm gây nên những “làng ung thư”, gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế quốc dân, để lại hậu quả xã hội to lớn. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, 66.300 người Việt Nam đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến không khí ô nhiễm trong năm 2013 và Việt Nam là một trong 10 nước có chất lượng không khí tồi tệ nhất trên thế giới(3). Các vụ việc ô nhiễm môi trường, như: Công ty cổ phần thép Dana Ý và Úc (Hòa Vang - Đà Nẵng); Formosa Hà Tĩnh... là những bài học đắt giá cho chúng ta trong việc tăng trưởng kinh tế không gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Thứ hai, văn hóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nhận thức về chức năng của văn hóa ở Việt Nam thời gian qua có nhiều thay đổi. Văn hóa có chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, dự báo và kinh tế. Văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần, bồi dưỡng đời sống tâm hồn, tình cảm, trí tuệ cho xã hội mà còn là nguồn vốn, nguồn lực để làm giàu cho xã hội. Đặc biệt, khi cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và nền kinh tế tri thức phát triển, các yếu tố văn hóa, thẩm mỹ gắn liền với sự sáng tạo đa dạng của con người ngày càng gắn kết chặt chẽ với các nhân tố kinh tế, kỹ thuật và công nghệ để tạo nên những sản phẩm hàng hóa đa chức năng, phục vụ nhu cầu có tính tổng hợp của con người. Đó là sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, như: phát thanh và truyền hình, dịch vụ trò chơi điện tử, công nghệ phần mềm, điện ảnh, thời trang, quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật, ca nhạc, du lịch văn hóa, giải trí, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ... Các lĩnh vực hoạt động văn hóa này đã trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, đóng góp ngày càng nhiều vào sự tăng trưởng kinh tế thế giới.

Nói cách khác, văn hóa không phải là kết quả thụ động của kinh tế, không phải là nhân tố đứng bên ngoài quá trình phát triển kinh tế mà là nguyên nhân, là động lực và là nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các nhà nghiên cứu xã hội trên thế giới cho rằng có 4 loại vốn phục vụ cho phát triển: vốn kinh tế (Economic Capital), vốn xã hội (Social Capital), vốn văn hóa (Culcure Capital) và vốn biểu tượng (Symbolic Capital). Vốn văn hóa có sở hữu cá nhân và sở hữu cộng đồng, là “sự quy thuộc của cá nhân với môi trường văn hóa: sự biểu hiện mình, lối nói năng, ăn mặc, kiểu tóc, những cách ăn uống, sở thích âm nhạc, văn học, điện ảnh”(4). Tất cả các hoạt động văn hóa (tham quan bảo tàng, nghe hòa nhạc, đọc sách báo) và sở thích văn chương hội họa, âm nhạc gắn liền với trình độ giáo dục nhất định (được đánh giá qua văn bằng và thời gian học).

Tại Việt Nam, một số nhà nghiên cứu chia thành hai loại vốn văn hóa: vật thể (Công trình kiến trúc, di tích lịch sử) và phi vật thể (tập quán, phong tục, tín ngưỡng). Nguồn tài nguyên có thể cung cấp một luồng dịch vụ có thể thụ hưởng ngay, hoặc dùng trong sản xuất những sản phẩm và dịch vụ trong tương lai, văn hóa cũng như ngoại văn hóa. Vốn văn hóa mà cộng đồng có được là do quá trình tích lũy các sản phẩm văn hóa do cộng đồng sáng tạo nên trong lịch sử(5). Tuy nhiên, toàn bộ tài sản văn hóa của cá nhân và cộng đồng chưa phải là “vốn văn hóa”. Chỉ khi nào các tài sản này được chuyển hóa thành giá trị sử dụng (trong du lịch, trong công nghiệp văn hóa), thành các chuẩn mực định hình cho ứng xử, lối sống, lý tưởng, khát vọng của toàn thể cộng đồng và sức mạnh mềm của quốc gia (lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, nhân ái...) hoặc những giá trị mà cộng đồng quốc gia có thể chấp nhận và chia sẻ (với tư cách là phương tiện quốc gia) vì sự phát triển của quốc gia(6). Các nguồn lực và tài nguyên văn hóa của cộng đồng được cá nhân và cộng đồng sử dụng để tạo ra giá trị thặng dư mới trong quá trình sản xuất thì lúc đó vốn văn hóa mới xuất hiện. “Giá trị thặng dư” của vốn văn hóa không chỉ ở chỗ nó tạo ra tiền bạc mà còn là quảng bá các giá trị văn hóa sâu rộng trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tinh thần phong phú, đa dạng của xã hội. Ở Việt Nam hiện nay, đây vẫn là vấn đề mới mẻ.

Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đổi mới đến nay có nhiều đổi mới tư duy về văn hóa, xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển, quan tâm xây dựng, ban hành “chính sách kinh tế trong văn hóa nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính, hỗ trợ cho phát triển văn hóa, đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng cho hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”(7). Đồng thời, xây dựng ban hành “chính sách văn hóa trong kinh tế, bảo đảm cho văn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế tạo điều kiện nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển văn hóa”(8).

Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, ngày 8-9-2016, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2030, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội; phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu(9).

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, nhiều ngành công nghiệp văn hóa được chú trọng phát triển, như: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo; thủ công mỹ nghệ; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh; thời trang; du lịch văn hóa... Các ngành công nghiệp này đạt nhiều kết quả, đóng góp nhất định vào nền kinh tế quốc dân và thay đổi cơ cấu kinh tế, tỷ trọng kinh tế. Tuy nhiên, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, đóng góp cho GDP và tạo việc làm cho xã hội còn khiêm tốn; phát triển chưa đồng bộ và ứng dụng khoa học chưa cao. Về cơ bản, Việt Nam chưa xây dựng được nền công nghiệp văn hóa có khả năng cạnh tranh ngay thị trường trong nước chứ chưa nói tới thị trường quốc tế; tài sản văn hóa chưa thực sự trở thành “vốn” và chưa khai thác tốt phục vụ cho phát triển.

Thứ ba, con người có văn hóa trong nguồn lực lao động

Nguồn lực con người không tự nhiên mà có, mà là kết quả của giáo dục, đào tạo và nhiều nhân tố khác. Nguồn lực con người trong phát triển kinh tế không chỉ là trình độ, kỹ năng lao động mà còn là phẩm chất đạo đức, lối sống, ý chí và nghị lực vươn lên trong sản xuất. Max Veber đã lý giải: “Nếu tư duy duy lý kinh tế, trong sự ra đời của nó, phụ thuộc vào nền kỹ thuật thuần lý và luật pháp thuần lý, thì nó cũng phụ thuộc vào năng lực và tâm thế của con người khi họ chọn những lối sống thuần lý nào đó trong thực tế”(10). Lối sống con người lựa chọn không chỉ phụ thuộc vào thời gian được giáo dục trong nhà trường, mà còn tập nhiễm qua các hoạt động văn hóa, trong các môi trường văn hóa - xã hội (gia đình, xã hội, các truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo, các đặc điểm và truyền thống chủng tộc, tộc người) tạo nên. Sự đa dạng văn hóa tạo nên sự đa dạng của con người trong phát triển. Một trong những mục tiêu hàng đầu trong xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước mà Đảng ta đã đề ra là “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước”(11). Trong xây dựng văn hóa, “trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, có lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”(12). Để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta không chỉ xây dựng con người biết thích nghi với sự thay đổi của thị trường mà cần phải xây dựng con người chủ động tham gia vào cải tạo nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Điều này cần phải chú ý tới triết lý mới của sự phát triển bền vững dựa trên nâng cao trách nhiệm đạo đức công dân, kỹ thuật công nghệ hiện đại, pháp luật nhân văn, chính trị tiên tiến.

Thứ tư, môi trường ứng xử văn hóa trong hoạt động kinh tế

Môi trường văn hóa trong hoạt động kinh tế trước hết ở các giá trị văn hóa như cái đúng, cái tốt, cái đẹp được cộng đồng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ kinh tế chia sẻ để tạo môi trường lành mạnh, tin tưởng, đoàn kết; hợp tác có khả năng tạo cảm hứng trong lao động sáng tạo, theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Môi trường văn hóa cho quá trình phát triển kinh tế phải ổn định, thực hành dân chủ, minh bạch, công khai giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trên cơ sở đồng thuận và chia sẻ bình đẳng về lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ. Ở cấp vi mô, đó là vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, vấn đề đạo đức kinh doanh, đạo đức trong kinh tế. Trong những năm gần đây ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng khẳng định: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế, con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại, để các doanh nghiệp tham gia, xây dựng phát triển văn hóa”(13).

Tuy nhiên, trên thực tế, môi trường văn hóa kinh doanh, và xây dựng văn hóa ở doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều vấn đề bất cập, không chỉ và không thể khắc phục bằng pháp luật mà cần xuất phát từ văn hóa, đạo đức kinh doanh. Vấn nạn “ô nhiễm thực phẩm”, vi phạm nghiêm trọng những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đạo đức kinh doanh... để lại hậu quả khôn lường cho người sử dụng và nền kinh tế, ví dụ như: cà phê, hồ tiêu nhuộm pin; tôm bơm thuốc; thuốc chữa ung thư làm từ than tre, thuốc giả; thực phẩm chức năng làm từ dầu thực vật... đã làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu quốc gia và gây phẫn nộ trong nhân dân, cần được xử lý nghiêm minh.

Để phát triển văn hóa trong kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng thể chế chính trị biết xử lý hài hòa văn hóa và kinh tế. Mối quan hệ giữa văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế không phải là mối quan hệ lệ thuộc của chính trị vào kinh tế hay kinh tế lệ thuộc vào chính trị, mà giữa chúng có mối quan hệ biện chứng, gắn bó, tương tác, ảnh hưởng qua lại và hỗ trợ lẫn nhau. Văn hóa trong chính trị thể hiện quan điểm về quyền lực và sức mạnh của chính trị trong việc xác định đường lối phát triển kinh tế của quốc gia. Lý tưởng chính trị, hệ tư tưởng chính trị đóng vai trò quyết định đối với đường lối xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua việc xác lập thể chế chính trị và thể chế kinh tế, các giá trị văn hóa trong chính trị quy định chức năng, nhiệm vụ, phương hướng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đạo đức trong chính trị, trong các chủ thể chính trị khác nhau có tác động mạnh mẽ tới đạo đức trong kinh tế, có thể thúc đẩy kinh tế phát triển lành mạnh thông qua cơ chế hoạt động minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình, thực hiện dân chủ của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế.

Hai là, xây dựng đạo đức, nhân cách của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức tham gia vào thực thi đường lối, chính sách phát triển kinh tế và quản lý kinh tế. Mọi chủ trương chính sách, luật pháp, thể chế đều thông qua hoạt động thực tiễn của con người mới đi vào cuộc sống. Đạo đức công chức, công vụ lành mạnh, làm giảm các chi phí tiêu cực, kích thích sự cạnh tranh lành mạnh của nền kinh tế và ngược lại. Vì vậy, xây dựng đạo đức công chức, công vụ đóng vai trò hàng đầu trong xây dựng văn hóa trong chính trị, đồng thời có tác động tích cực tới xây dựng văn hóa trong kinh tế hiện nay.

Ba là, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và trong nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong kinh tế. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Huy động sự tham gia rộng rãi, có hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa trong kinh tế và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển thị trường văn hóa lành mạnh.

Bốn là, xây dựng và phát triển toàn diện con người làm nền tảng, mục tiêu để phát triển kinh tế. Những giá trị văn hóa cơ bản là chân, thiện, mỹ là những giá trị định hướng cơ bản trong phát triển kinh tế và con người. Trong đó, xây dựng con người, đặc biệt là xây dựng con người về tư tưởng, đạo đức, lối sống là vấn đề cốt lõi để tạo nên động cơ chính trị và động cơ kinh tế lành mạnh. Cần có chiến lược xây dựng đạo đức kinh doanh, đạo đức doanh nghiệp ngay từ trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực để đạo đức trở thành lối sống của người tìm kiếm lợi ích vật chất, tìm kiếm của cải thặng dư và sử dụng nguồn của cải đó.

Năm là, xây dựng thể chế kinh tế khoa học, nhân văn. Thể chế kinh tế do con người tạo ra là nguyên nhân căn bản của thành công (hay không thành công) về kinh tế(14). Trong đó, cần coi văn hóa và bảo đảm các yếu tố văn hóa trong kinh tế là yêu cầu bắt buộc. Có như vậy, việc triển khai mới đồng bộ, có tính chất bắt buộc và có chế tài xử lý vi phạm.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2018

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.102, 73-74.

(2), (7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.55, 73-73, 73-74.

(3) Vnexpress.net

(4) Nicolas Journet: “Văn hóa như là vốn” (Như Thành dịch), Tạp chí Văn hóa nghê thuật số 323, tháng 5-2011.

(5) Trần Hữu Dũng, “Vốn văn hóa”, Tạp chí Tia sáng tháng 12-2002.

(6) Dẫn theo Trần thị An: Mối quan hệ giữa vốn văn hóa và vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi ở cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Kỷ yếu hội thảo khoa học: Văn hóa và phát triển: Những vấn đề của Việt Nam và kinh nghiệm của thế giới, Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2017, tr.163.

(9) Chính phủ: Quyết định Số: 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

(10) Max Weber: Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang dịch), Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008, tr.30.

(11), (12), (13) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.47, 48, 48.

(14) Daron Acenmoglu và James A.Robinson: Nguồn gốc quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói. Tại sao các quốc gia thất bại? (Biên dịch: Trần Thị Kim Chi với sự hợp tác của Hoàng Thạch Quân và Hoàng Ngọc Lan), Nxb Trẻ, Hà Nội, 2016, tr.22-23.

 

PGS, TS PHẠM DUY ĐỨC

Viện Văn hóa và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền