Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Nêu gương - một trong các phương thức lãnh đạo
Thứ hai, 25 Tháng 3 2019 14:07
2278 Lượt xem

Nêu gương - một trong các phương thức lãnh đạo

(LLCT) - Nêu gương chính là thực hành lãnh đạo, để những giá trị của đạo đức và tài năng của người lãnh đạo lan tỏa, dẫn dắt, truyền cảm hứng thúc đẩy mọi hành động của nhân dân. Quán triệt Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, bài viết tập trung làm rõ cơ sở lý luận của nêu gương, các hình thức nêu gương, các giải pháp nêu gương của người lãnh đạo.

1. Lãnh đạo và nêu gương

Lãnh đạo là quá trình tương tác có định hướng giữa người lãnh đạo (cá nhân, nhóm lãnh đạo) và người bị lãnh đạo (cá nhân, nhóm) với kết quả cuối cùng là hoàn thành tốt các mục tiêu của tổ chức, thực hiện được các sứ mệnh cao cả của người lãnh đạo vì một tương lai tốt đẹp hơn của tổ chức và xã hội.

Thuật ngữ “lãnh đạo” được phiên âm từ “Hán Việt”, “lãnh” tức là nhận lấy, là được một cái gì, là “cầm đầu”, là “đứng đầu”; “đạo” tức là “đường đi”, là “quy luật”, là “cái tất yếu”. Như vậy từ ghép “lãnh đạo” tức là “nhận lấy việc dẫn đường” hay “dẫn đầu”, “đi đầu”, “định hướng”. Trong tiếng Anh thuật ngữ “lãnh đạo” được gọi “lead” có nghĩa là: chỉ huy, hướng dẫn, dẫn đường, đánh trước, khuyến dụ, điều khiển; và chữ “leader” có nghĩa là những người đứng đầu, cầm đầu có tầm quan trọng nhất, chức vụ cao nhất trong các nhóm xã hội thực hiện vai trò hướng dẫn, chỉ huy, điều khiển và chịu trách nhiệm cao nhất trong tổ chức ấy.

Các tác giả Hemphill và Coons cho rằng: “Lãnh đạo là cư xử của một cá nhân khi anh ta chỉ đạo các hoạt động của nhóm để đạt tới mục tiêu chung”(1).

Tannenhaum, Weschles và Masarik nhận định: “Lãnh đạo là sự  ảnh hưởng (tác động) mang tính tương tác, được thực hiện trong một tình huống, được chỉ đạo thông qua quá trình thông tin để đạt tới những mục tiêu cụ thể”(2).

Rauch và Behlinh lại xem: “Lãnh đạo là quá trình ảnh hưởng tới những hoạt động của nhóm có tổ chức để đạt tới mục tiêu”(3).

Các tác giả Paul Hersey và Ken Blan Chard cho rằng lãnh đạo là quá trình gây ảnh hưởng đến các hoạt động của cá nhân hay một nhóm nhằm đạt được mục đích trong những tình huống nhất định(4).

Như vậy, những định nghĩa về lãnh đạo luôn có điểm chung là nó bao hàm sự tương tác giữa hai hay nhiều người, nó bao gồm quá trình ảnh hưởng khi sự ảnh hưởng có mục đích được thực hiện bởi nhà lãnh đạo với khách thể lãnh đạo (người dưới quyền, họ vừa là chủ thể và vừa là khách thể của hoạt động lãnh đạo). Mục tiêu của hoạt động lãnh đạo hướng đến vấn đề xây dựng những giá trị cốt lõi của nhóm, tổ chức xã hội; thúc đẩy sự phát triển nhóm - tổ chức hội trong điều kiện những thách thức thường xuyên xảy ra.

Từ đó, có thể hiểu lãnh đạo là quá trình ảnh hưởng giữa chủ thể lãnh đạo và khách thể lãnh đạo nhằm định hướng mục tiêu, xây dựng niềm tin và phát triển nhóm - tổ chức xã hội.

Những nghiên cứu của Khoa học lãnh đạo đã khẳng định, bản chất của lãnh đạo là quá trình sử dụng quyền lực lãnh đạo. Khẳng định này thể hiện, quyền lực chính là công cụ cốt lõi của nhà lãnh đạo gây ảnh hưởng tới khách thể lãnh đạo (người bị lãnh đạo). Tức là, khách thể lãnh đạo chịu ảnh hưởng từ nhà lãnh đạo bởi quyền lực mà nhà lãnh đạo có. Sự thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của khách thể lãnh đạo nếu có là dưới tác động của quyền lực lãnh đạo.

Theo các nghiên cứu của Ken Blan Chart, Paul Hersey(5)..., căn cứ vào nguồn gốc hình thành thì quyền lực lãnh đạo có 2 loại cơ bản, đó là quyền lực địa vị và quyền lực cá nhân. Quyền lực địa vị biểu hiện là ảnh hưởng từ địa vị của người lãnh đạo (thông qua quyền hạn của mỗi địa vị nhất định trong hệ thống tổ chức - xã hội), còn quyền lực cá nhân được biểu hiện qua sự ảnh hưởng bằng những giá trị từ nhân cách của người lãnh đạo. Trong hai loại quyền lực cơ bản này, quyền lực địa vị không làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người bị lãnh đạo mà nó chỉ tạo nên sự phục tùng uy quyền đến từ địa vị lãnh đạo do hệ thống tổ chức quy định; còn, quyền lực cá nhân mới là cơ sở tạo nên tính tích cực, động lực, và sáng tạo từ khách thể lãnh đạo. Quyền lực địa vị và quyền lực cá nhân có quan hệ biện chứng thống nhất với nhau. Mối quan hệ này trong lãnh đạo là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Quyền lực địa vị là biểu hiện hình thức của lãnh đạo, nó quy định quyền hạn của mỗi vị trí trong hệ thống lãnh đạo, qua đó phản ánh sự phân quyền trong hệ thống tổ chức và phản ánh hình thức phối hợp trong hoạt động thực thi các sứ mệnh chung của hệ thống tổ chức xã hội. Quyền lực cá nhân chính là nội dung của lãnh đạo, thể hiện yêu cầu về nhân cách người lãnh đạo cần có để hoàn thành những giá trị của mỗi vị trí (địa vị) trong hệ thống tổ chức. Quyền lực cá nhân chính là bản chất cốt lõi của lãnh đạo. Mọi giá trị được tạo nên của lãnh đạo là bằng quyền lực cá nhân, tức là bằng đạo đức, sự thông thái và tài năng từ người lãnh đạo.

Quyền lực với ý nghĩa là công cụ cơ bản của lãnh đạo làm cho hoạt động lãnh đạo trở thành loại hình lao động đặc biệt, khác biệt với các loại hình lao động khác trong xã hội. Sự cải biến đối tượng lao động được thực hiện thông qua hệ thống quyền lực lãnh đạo. Nêu gương chính là quá trình người lãnh đạo phát huy cơ sở “quyền lực cá nhân” trong lãnh đạo. Nội dung của lãnh đạo chính là nêu gương. Người lãnh đạo phải lấy đạo đức, sự thông thái và tài năng của mình làm “công cụ” lãnh đạo. Không có nêu gương thì sẽ không có hoạt động lãnh đạo. Và, nêu gương là sự thể hiện tính đặc biệt của lao động lãnh đạo, là quá trình thường xuyên, liên tục được thể hiện trong mỗi hành vi lãnh đạo.

2. Quy định số 08 - QĐi/TW về nêu gương trong lãnh đạo của cán bộ, đảng viên

Cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay là những người đóng vai trò cá nhân lãnh đạo thuộc về hệ thống lãnh đạo đối với toàn thể Nhân dân. Nêu gương trong lãnh đạo là thể hiện hành động lấy “quyền lực cá nhân” làm công cụ lãnh đạo, vì thế mọi lời nói và hành vi của cán bộ, đảng viên đều trực tiếp hoặc gián tiếp quy định lời nói và hành động của mọi tầng lớp nhân dân.

Quy định số 08-QĐi/TW của Đảng về nêu gương, có 8 nội dung quy định về những điều cần “gương mẫu đi đầu thực hiện” và 8 nội dung cần phải “nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết tránh”  đối với “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, có thể thấy rằng các yêu cầu Đảng ta chỉ ra là yêu cầu về “cái tâm, cái tầm, cái tài” hay là “đức và tài” của người cán bộ, đảng viên mà cụ thể là những phẩm chất nhân cách người lãnh đạo. Với vai trò là người lãnh đạo mỗi cán bộ, đảng viên phải dùng những yêu cầu về “quyền lực cá nhân” làm cơ sở để xây dựng niềm tin, dẫn dắt, truyền cảm hứng tạo nên động lực, tính tích cực, sáng tạo trong hoạt động công vụ đối với cấp dưới và toàn thể Nhân dân.

Có thể thấy rằng, từ Quy định 101 - QĐ/TW ngày 7-6-2012 đến Quy định số 08-QĐi/TW là bước phát triển mới về yêu cầu nhân cách của chủ thể nêu gương. Đó là từ việc quy định yêu cầu về phẩm chất và năng lực gắn với các mối quan hệ cụ thể của người cán bộ, đảng viên trong nêu gương(6) (có 7 mối quan hệ cơ bản: về chính trị; về đạo đức, tác phong; về tự phê và phê bình; về trách nhiệm với nhân dân; về trách nhiệm trong công tác; về ý thức tổ chức kỷ luật; về đoàn kết nội bộ) đến các yêu cầu cụ thể về nhân cách cán bộ, đảng viên được thể hiện cụ thể 8 yêu cầu “gương mẫu đi đầu” và 8 yêu cầu về “nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống”(7). Sự phát triển này thể hiện sinh động mối quan hệ biện chứng giữa “xây” và “chống”, bám sát vào thực tiễn, gắn với những vấn đề mà xã hội đang quan tâm, và gắn với chủ trương xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh được thể hiện qua Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Quy định số 08-QĐi/TW là quy định của Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa 2 kỳ Đại hội, khẳng định “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Có thể thấy quy định này là quyết định của cấp lãnh đạo cao cấp nhất và đối tượng được ưu tiên xác định “trước hết” là chính mình. Lãnh đạo là một hệ thống, tổ chức và cá nhân có “quyền lực địa vị” càng cao thì tầm ảnh hưởng, lan tỏa càng lớn, do đó đòi hỏi “quyền lực cá nhân” cũng phải tương xứng để bảo đảm cho tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa đó. Như vậy, Đảng ta đã xác định cụ thể về trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”. Từ cơ sở lý luận về lãnh đạo và nêu gương thì đây là một giá trị mới thể hiện sự nhận thức và quyết định đúng đắn của Đảng ta.

Lãnh đạo là hoạt động đặc biệt được thể hiện qua nêu gương và nêu gương là quá trình thường xuyên, liên tục được thể hiện trong mỗi hành động lãnh đạo. Nhận thức về nêu gương qua Quy định số 08-QĐi/TW cần thấy được bản chất của nêu gương của cán bộ, đảng viên trong hành động lãnh đạo, như sau:

- Nêu gương, chính là làm gương về những giá trị chân chính mà Đảng và nhân dân chọn lựa. Cán bộ, đảng viên phải “tiên thiên hạ chi ưu, hậu thiên hạ chi lạc” để làm gương về sự tiên phong, dám hy sinh bản thân mình cho những giá trị chân chính; lấy việc chung làm trọng, làm cơ sở để thuyết phục, tạo dựng niềm tin của nhân dân. Cán bộ, đảng viên với vai trò của mình luôn lấy nêu gương làm công cụ. Lãnh đạo có “quyền lực địa vị” càng cao, việc thể hiện nêu gương phải càng mạnh; và cán bộ, đảng viên luôn luôn nêu gương trước Nhân dân.

- Nêu gương, chính là làm gương thấm nhuần và thực hiện nghiêm chỉnh quan điểm, chủ trương của Đảng; pháp luật và chính sách của Nhà nước. Những hành vi của cán bộ, đảng viên luôn là những mẫu mực để quần chúng soi rọi làm chuẩn mực cho những hành vi của mình. Nêu gương, cũng chính là cán bộ, đảng viên phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng điều lệ đảng và các quy định của Đảng, đề cao việc trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình trong đảm trách vai trò lãnh đạo, và trách nhiệm công khai, minh bạch về tài sản và thu nhập của cá nhân. Làm được điều này là cơ sở của việc củng cố, xây dựng và phát triển niềm tin và điểm tựa của nhân dân vào Đảng, là cơ sở để Đảng ta xứng đáng và làm tròn sứ mệnh là tổ chức lãnh đạo duy nhất đảm bảo cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

- Nêu gương là làm gương trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên là mẫu mực trong trong thể hiện “nói đi đôi với làm”, lấy hành động của mình để làm công cụ tuyên truyền, thuyết phục, cảm hóa, lôi cuốn quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(8).

- Nêu gương là làm gương trong công việc từ việc nhỏ đến việc lớn; từ việc học tập, rèn luyện, tu dưỡng cho đến việc làm trong thực tiễn, trong quan hệ với Nhân dân. Đó là sự tận tâm thực hiện những nhiệm vụ mà mình đóng vai trò là người lãnh đạo, thường xuyên “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đó là sự thận trọng, tỉ mỉ, đúng giờ trong công việc với tinh thần trách nhiệm cao.

- Nêu gương cũng là dũng cảm đấu tranh với những biểu hiện “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; là phải kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, tha hóa về quyền lực địa vị, xa rời quần chúng của chính bản thân mình.

3. Tăng cường trách nhiệm nêu gương của người lãnh đạo

Một là, cần thấy rõ hơn nữa vai trò của nêu gương trong lãnh đạo.

Về mặt nhận thức, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự bản thân mình nhận thức rõ “Nêu gương là công cụ lãnh đạo”. Nêu gương không phải là một hình thức hay phương pháp có tính chất tình huống trong lãnh đạo mà nêu gương là người lãnh đạo dùng những “tài” và “đức” của bản thân mình để gây ảnh hưởng, để lãnh đạo. Do đó, nêu gương là hiện thân của lãnh đạo. Để thể hiện vai trò là người lãnh đạo thì cán bộ, đang viên bằng hoạt động của mình phải đi trước “Đảng viên đi trước, làng nước đi sau”. Tức là người cán bộ, đảng viên phải đem những “phẩm chất mẫu”, “giá trị mẫu” từ lời nói và hành vi của mình để thực hiện vai trò dẫn dắt, thuyết phục, thúc đẩy, khai mở tâm - trí và đoàn kết các đảng viên, quần chúng, các tổ chức doanh nghiệp và người dân. Muốn vậy, phải quán triệt và thuấn nhuần Quy định số 08-QĐi/TW về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết  là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” mà cụ thể là 8 nội dung phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 8 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân kiên quyết chống của “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Hai là, người lãnh đạo thường xuyên tự đánh giá nghiêm khắc về bản thân.

Công cụ hoạt động của cán bộ, đảng viên chính là phẩm chất đạo đức và năng lực, vì thế bản thân họ cần phải biết rõ ưu điểm, hạn chế về tài năng và các phẩm cách của mình để qua đó mà học hỏi, tu dưỡng và rèn luyện để “công cụ nêu gương” luôn có sức hút, sức lan tỏa thuyết phục mạnh mẽ đến người dưới quyền và nhân dân.

Phân tích, đánh giá bản thân, tức là coi trọng phương pháp “phê bình và tự phê bình”. Đó là lấy việc tự phân tích, đánh giá bản thân mình làm trọng và thông qua sự phê bình của người khác làm điều kiện để nhận thức về bản thân. Đồng thời cũng thông qua trách nhiệm với đồng chí của mình mà phê bình, giúp họ nhận thức đúng về bản thân họ.

Phân tích và đánh giá đúng bản thân là cơ sở của việc phân tích, nắm bắt về “quyền lực cá nhân” của người cán bộ, đảng viên. Chỉ khi nắm bắt đúng về “quyền lực cá nhân” của mình thì cán bộ, đảng viên mới có thể sử dụng nó để gây ảnh hưởng đến cấp dưới, đến nhân dân nhằm thực hiện sứ mệnh lãnh đạo nhân dân xây dựng và phát triển đất nước.

Ba là, thường xuyên hoàn thiện nhân cách người lãnh đạo.

Hoàn thiện nhân cách cũng là kỹ năng của người lãnh đạo. Lãnh đạo và kiểm soát bản thân là việc cán bộ, đảng viên định hướng, dẫn dắt và xây dựng cho bản thân mình những giá trị văn hóa cao đẹp, tránh xa những thói hư, tật xấu.

Lãnh đạo và phát triển bản thân người lãnh đạo cần khiêm tốn, tự giác học hỏi, tu dưỡng và rèn luyện thường xuyên bản thân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu”(9).  Liên tục học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện nhân cách của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quan trọng, thiết thực nhằm đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Các nhà lãnh đạo học Warren Bennis và Burt Nanus khẳng định rằng: “Quá trình trở thành nhà lãnh đạo cũng giống như quá trình trở thành một con người hoàn thiện vậy”(10).

Bốn là, thực hành dân chủ, lắng nghe dư luận xã hội để điều chỉnh những giá trị nêu gương.

Đối tượng lãnh đạo của hệ thống chính trị là nhân dân. Chính nhân dân là người chịu ảnh hưởng từ những giá trị nêu gương của lãnh đạo. Để nêu gương, người cán bộ, đảng viên cần có quá trình liên tục hoàn thiện những phẩm chất và năng lực của bản thân. Chính trong quá trình này, những lời nói và hành vi từ người dân lại là tấm gương phản chiếu lời nói và hành vi lãnh đạo. Để không ngừng nâng cao giá trị nêu gương, việc thực hiện tốt các cơ chế dân chủ, lắng nghe ý kiến từ dư luận tập thể, xã hội là rất cần thiết và rất quan trọng.

_________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2019

(1), (2), (3) Nguyễn Hữu Lam: Nghệ thuật lãnh đạo, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.14.

(4), (5) Hersey P., Chard K.B: Quản trị hành vi tổ chức, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2005.

(6) Xem Quy định số 101-QĐi/TW.

(7) Xem Quy định số 08-QĐi/TW.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5,  Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.552.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.602.

(10) Warren Bennis và Burt Nanus (dịch giả: Võ Kiều Linh) (2009): Lãnh đạo - chiến lược thực thi, Nxb  Trẻ, tr.17.

 

TS Nguyễn Đình Phong

Học viện Chính trị Khu vực II

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền