Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Kết hợp đức trị và pháp trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh - biện pháp quan trọng trong công tác xây dựng đảng về đạo đức hiện nay
Thứ tư, 24 Tháng 7 2019 09:35
3547 Lượt xem

Kết hợp đức trị và pháp trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh - biện pháp quan trọng trong công tác xây dựng đảng về đạo đức hiện nay

(LLCT) - So với lý luận của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, điểm khác biệt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng nằm ở chỗ: Người chủ trương xây dựng Đảng không chỉ về tư tưởng, chính trị, tổ chức mà còn về đạo đức với mong muốn Đảng phải là “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Với tư duy biện chứng, Hồ Chí Minh cho rằng: muốn xây dựng Đảng vững mạnh thì phải dựa vào 2 trụ cột là đạo đức và pháp luật, do vậy để đạt mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức như Đại hội XII đặt ra, tăng cường kết hợp đức trị với pháp trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một giải pháp trọng yếu.

1. Kết hợp hài hòa đức trị và pháp trị - nét đặc sắc trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh

Chắt lọc những hạt nhân hợp lý trong thuyết “Đức trị” và “Pháp trị” của văn hóa phương Đông, kế thừa kinh nghiệm trị quốc, an dân của các bậc tiên liệt anh minh, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền chính trị đạo đức được đảm bảo bởi sức mạnh của luật pháp. Ngay trong định nghĩa của Người về văn hóa, rằng “vì lẽ sinh tồn và mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật”(1), Người đã coi đạo đức và luật pháp là hai thành tố độc lập  tạo ra giá trị cốt lõi của văn hóa. Tuy nhiên, giữa chúng tồn tại mối quan hệ không thể tách rời vì luật pháp luôn được xây dựng trên nền tảng đạo đức và là biện pháp hỗ trợ để các chuẩn mực đạo đức đi vào nề nếp; ngược lại, đạo đức lại giúp các quy định luật pháp được thi hành một cách tự giác, nghiêm minh. Do pháp luật được coi là “đạo đức tối thiểu”, còn đạo đức được coi là “luật pháp tối đa” nên Hồ Chí Minh vừa chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng, vừa không ngừng nâng cao vai trò của luật pháp.

Là người luôn “nói đi đôi với làm”, tư tưởng trọng đức đi đôi với trọng pháp đã được Hồ Chí Minh thể hiện một cách nhất quán trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ năm 1919, trong bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi hội nghị Vécxay, Hồ Chí Minh đã yêu cầu “cải cách nền pháp lý Đông Dương,... thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”(2). Khi cách mạng thành công, thấu hiểu rằng mỗi chế độ xã hội đều có nền đạo đức và pháp luật tương ứng, Người kiên trì giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, nhân dân và nỗ lực ban hành luật pháp mới. Trong hệ thống luật pháp của một đất nước, hiến pháp là luật gốc nên ngày 3-9-1945, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta phải có một bản hiến pháp dân chủ”(3). Công tác lập hiến, lập pháp ngay sau đó đã được tiến hành một cách khẩn trương. Để ngăn chặn sự lạm quyền của cán bộ trong bộ máy hành chính, một mặt, Hồ Chí Minh kiên trì giáo dục đạo đức cách mạng bằng một loạt bài viết như “Chính phủ là công bộc của dân”, “Sao cho được lòng dân”, mặt khác, ngày 23-11-1945, Người thành lập cơ quan giám sát quyền lực là Ban Thanh tra đặc biệt (tiền thân của Thanh tra Chính phủ hiện nay) với quyền hạn rất lớn tạo ra thể chế hiệu quả trong việc kiểm soát quyền lực. Tư tưởng đức trị kết hợp với pháp trị của Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ ngay trong Di chúc với lời dặn: “Đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu … thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”(4). Tóm lại, kết hợp hài hòa đạo đức với luật pháp là nguyên tắc nhất quán trong tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, sự kết hợp chặt chẽ 2 yếu tố đó không loại trừ việc tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của yếu tố này hay yếu tố khác. Vì nhiều lý do, sau Cách mạng Tháng Tám, so với đạo đức - một trụ cột lâu đời của văn hóa Việt Nam, văn hóa luật pháp chưa bắt rễ vào đời sống xã hội. Hiến pháp chưa có, người dân chủ yếu sống theo lệ chứ ít theo luật. Thực tế đó thúc đẩy Hồ Chí Minh dành tâm huyết cho việc kiến tạo ở Việt Nam một nền pháp lý dân chủ.

Trước hết, Hồ Chí Minh dồn sức cho công tác lập pháp. Dù phải dành hầu hết trí tuệ, tâm huyết cho hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trong 24 năm liền làm Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh vẫn đứng đầu Ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959; Người đã ký lệnh công bố 16 đạo luật, ban hành 613 sắc lệnh và hàng trăm văn bản dưới luật để điều hành và quản lý đất nước.

Để luật pháp trở thành “thần linh pháp quyền” ở nơi nhân dân chưa quen với văn hóa luật pháp, Hồ Chí Minh đề ra một loạt các biện pháp thực hiện nhưng quan trọng nhất là phải thi hành luật pháp nghiêm minh. Với Hồ Chí Minh, tính nghiêm minh của pháp luật thể hiện ở chỗ “pháp luật bất vị thân”, luật pháp phải là cán cân công lý đối với tất cả mọi người, không có trường hợp ngoại lệ. Việc thực thi pháp luật nghiêm minh đòi hỏi phải có sự thưởng - phạt công minh, khi phán xét công tội của một con người thì phải theo nguyên tắc “không vì công mà quên lỗi, không vì lỗi mà quên công”. Muốn pháp luật nghiêm minh thì trước hết, những người thi hành luật phải “thiết diện vô tư’’ tức là cương quyết, nghiêm khắc, công bằng, chính trực. Người từng căn dặn đồng chí Lê Giản: “Chú làm cái nghề này mà không thiết diện vô tư thì Bác sẽ thiết diện vô tư với chú”(5). Với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, Hồ Chí Minh xử rất nặng những tội danh như phản quốc, tham ô, hối lộ. Tháng 11-1945, Người ký sắc lệnh ấn định hình phạt cho tội đưa hối lộ và nhận hối lộ là từ 5 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Tháng 1-1946, Người ban hành Quốc lệnh mà ở đó, không chỉ tội phản quốc mà cả tội “trộm cắp của công” cũng đều bị tử hình. Đối với Hồ Chí Minh, việc cán bộ tham ô, nhận hối lộ không đơn thuần là vấn đề kinh tế mà là biểu hiện của sự suy đồi đạo đức khi đang tâm chiếm dụng của cải mà nhân dân phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, thậm chí cả máu mới có được. Vì thế, Người coi “tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội”(6), là tội ác không thể dung thứ. Nếu khoan dung, nương nhẹ với tội danh tham ô, tham nhũng  tức là tiếp tay cho tội ác, là phản bội nhân dân. Khi bác đơn xin giảm án từ hình của Trần Dụ Châu vì tội trạng tham ô, Hồ Chí Minh nói rõ: “Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân, nếu phải giết đi mà cứu được cả rừng cây, thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”(7).

2. Vận dụng tư tưởng kết hợp đức trị với pháp trị của Hồ Chí Minh vào công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay

Sau hơn 30 năm Đổi mới, những thành tựu nhất định về kinh tế đã làm đất nước “thay da, đổi thịt” nhưng sự phát triển kinh tế lại chưa song hành với việc củng cố cái “gốc” đạo đức trong Đảng và trong xã hội. Ngược lại, sự lên ngôi của đồng tiền - hệ quả của nền kinh tế thị trường sơ khai và quyền lực không kiểm soát đã làm hư hỏng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Điều này diễn ra đã lâu nên cụm từ “tình trạng suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên” được nhắc đến trong văn kiện của 3 kỳ Đại hội là Đại hội X, XI, XII với mức độ ngày càng trầm trọng.

Do tích tụ lâu ngày nên đến nay, sự suy thoái về đạo đức, nạn tham nhũng không chỉ là thách thức, nguy cơ kìm hãm sự phát triển của đất nước như nhận định của Đảng vào tháng 1-1994 mà đã trở thành mối đe dọa trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Sinh thời, Hồ Chí Minh thường nói đến sự lây nhiễm thói hư tật xấu từ ngoài xã hội vào Đảng nhưng nay có nguy cơ “trào ngược” bởi rõ ràng nhân dân không thể tham nhũng và không có điều kiện để sống xa hoa, trụy lạc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nhưng cơ bản nhất là do kỷ luật Đảng, kỷ cương, phép nước chưa nghiêm và sự thiếu ý thức tu dưỡng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chúng ta thử nhận diện một vài biểu hiện của nó.  

Nói về sự suy thoái đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra 9 biểu hiện cơ bản. Tuy nhiên, không lấy gì để đảm bảo rằng chỉ có thế và sẽ chỉ như thế vì nói như Hồ Chí Minh thì chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh “mẹ”, nó có khả năng “đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu”(8) với biểu hiện, mức độ không giới hạn, tốc độ không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, vấn đề gây búc xúc nhất hiện nay là vấn đề tham nhũng với mọi quy mô: Từ “tham nhũng khủng” đến “tham nhũng vặt”. “Tham nhũng vặt” phổ biến đến mức cả cán bộ lẫn người dân coi việc “lót tay” là chuyện đương nhiên, thậm chí dân còn vui khi “hối lộ thành công” vì biết rằng mọi việc sẽ suôn sẻ. Trước cái xấu mà người ta không còn phẫn uất nữa tức là cái xấu đang ngự trị. Điều vô lý đã thành điều tất yếu, sự thẳng thắn, trung thực trở thành sự ngờ nghệch, lỗi thời... Sự đảo lộn giá trị, đảo lộn chuẩn mực đạo đức đã thể hiện sự suy thoái đạo đức trong xã hội hiện nay.   

Sự yếu kém của hoạt động tư pháp cũng có nhiều biểu hiện. Luật pháp dù gia tăng về số lượng nhưng vẫn chưa đầy đủ. Sự thiếu vắng chế tài ràng buộc trách nhiệm, chế tài xử phạt đã tạo cơ hội để những kẻ thoái hóa, biến chất lợi dụng. Các quy định, bộ luật còn thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn với nhau nên khó thực hiện. Mức độ tiêu cực còn trầm trọng hơn ở khâu hành pháp. Nhìn chung, luật pháp nước ta chưa làm tròn chức năng phòng ngừa, răn đe mà phần lớn mới chỉ sử dụng như một công cụ để xử lý vi phạm.

Vận dụng tư tưởng kết hợp đức trị với pháp trị của Hồ Chí Minh vào công tác xây dựng Đảng về đạo đức cần tiến hành các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, phải học tập tư duy linh hoạt của Hồ Chí Minh khi kết hợp đức trị với pháp trị.

Hồ Chí Minh cho rằng, phải tùy từng trường hợp, thời điểm mà nhấn mạnh hơn vai trò của đức trị hay pháp trị; “nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ”. Có thể nói, sự suy thoái đạo đức trong một bộ phận đảng viên hiện như một căn bệnh nặng, lâu ngày và Đảng đã dùng nhiều “thuốc nhưng chưa đủ liều”. Ở những con người đã bị lợi ích cá nhân làm cho “mờ mắt”, tính tự giác, lòng tự trọng và liêm sỉ đều rất hạn chế. Lúc này nếu chỉ hô hào lương tâm, đạo đức chung chung mà không có chế tài đủ mạnh thì mục tiêu chống suy thoái không thể đạt được. Do đó, tăng cường kỷ luật nghiêm minh chính là thứ “thuốc đặc trị” để chặn đà suy thoái về đạo đức, lối sống trong nội bộ Đảng hiện nay. Nhận thức rõ yêu cầu đó nên Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội”(9).

Thứ hai, hoàn thiện, bổ sung hệ thống luật pháp, đặc biệt là các bộ luật hỗ trợ việc đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí ở nước ta hiện nay, như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Hải quan, Luật Hình sự… Cần bổ sung thêm Luật Kiểm kê tài sản vì sự minh bạch tài sản là “tấm khiên hữu hiệu” chống tham nhũng nhưng việc kê khai tài sản hiện nay chỉ mang tính hình thức.  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật pháp, Hồ Chí Minh từng nói: “Công bố đạo luật ...chưa phải đã là mọi việc đều xong, mà còn phải tuyên truyền, giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt”(10). Rõ ràng, phải kết hợp chặt chẽ việc tuyên truyền luật pháp với việc thực thi luật pháp vì nếu chưa phổ biến kỹ về luật mà đã xử phạt thì đó là thứ “pháp trị bạo ngược”;  nếu cứ tuyên truyền mà thực thi không nghiêm thì pháp luật bị “nhờn”. 

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, tạo cơ chế để nâng cao vai trò giám sát của nhân dân.

Công tác kỷ luật Đảng phải hết sức nghiêm minh, kịp thời. Cán bộ càng có trọng trách cao thì càng phải có ý thức chấp hành kỷ luật Đảng và khi vi phạm thì họ phải bị xử lý nghiêm khắc hơn những cán bộ, đảng viên thường của Đảng. Cũng phải xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra tinh anh, liêm khiết, chính trực, xứng đáng với chức năng và quyền hạn được giao. Thực hiện lời căn dặn của Hồ Chí Minh, rằng phải “dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức ta”(11), các cấp ủy phải thực hiện có nền nếp và nghiêm túc việc lấy ý kiến phê bình của quần chúng. Phải tạo cơ chế để nhân dân tích cực và yên tâm thực hiện vai trò giám sát của mình mà không sợ bị trả thù, trù úm. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm theo nguyên tắc “không có vùng cấm”. Sinh thời, Hồ Chí Minh chưa dùng từ tham nhũng mà dùng từ “tham ô, nhũng lạm”(12) và Người đặt tội tham ô ngang hàng tội phản quốc. Lợi ích nhóm - một vấn nạn được nói đến rất nhiều hiện nay đã được Hồ Chí Minh cảnh báo từ hơn 70 năm trước khi Người phê bình cán bộ “lúc tính toán công việc, thì đặt lợi ích của cá nhân mình, của nhóm mình lên trên lợi ích chung”(13). Ngày nay, muốn chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” thì cần thực thi đồng bộ nhiều giải pháp nhưng ngay trong nhận thức, Đảng phải coi đó là “giặc nội xâm” như Hồ Chí Minh từng xác định chứ không chỉ là quốc nạn.  Đây là nhiệm vụ trọng yếu nhất của ngành tư pháp hiện nay.

Thứ tư, trong khi tăng cường sức mạnh của luật pháp, Đảng vẫn phải không ngừng chăm lo cái “gốc” đạo đức.

Nói đến xây dựng Đảng về đạo đức là nói đến sự tu dưỡng đạo đức của từng cá nhân. Khi mỗi đảng viên đều là bộ phận cấu thành và thể hiện một phần diện mạo đạo đức, nhân cách của Đảng thì đạo đức đảng viên không còn là vấn đề “tư đức” mà là vấn đề “công đức”; nếu anh chưa làm được gì để phần “công đức” sáng thêm thì tuyệt đối không được làm nó tối đi. Lúc này, Đảng phải tăng cường giáo dục ý thức “tu thân, chính tâm”, giáo dục liêm sỉ cho mỗi cán bộ, đảng viên. Bằng mọi cách, Đảng phải giúp cán bộ, đảng viên nhận ra trách nhiệm và lợi ích của việc giữ vững đạo đức cách mạng cũng như những tai hại của việc làm phi pháp. Từ đó, họ sẽ vừa tự giác “giữ mình”, vừa tích cực đấu tranh với những sai trái của đồng chí mình trên tinh thần “phò chính, trừ tà”, “trị bệnh cứu người” và “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. 

Do “cán bộ nào, phong trào ấy” và sự vi phạm về đạo đức ở một cán bộ cao cấp gây tác hại gấp nhiều lần so với sai phạm tương tự ở một đảng viên thường nên nâng cao trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu được coi là giải pháp “đột phá” trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay. Lúc này, người lãnh đạo các tổ chức phải thực hiện nghiêm túc Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương mà Hội nghị Trung ương 8 khóa XII vừa ban hành. Mỗi người lãnh đạo phải nhận thức rõ vai trò thủ lĩnh của mình để làm gương cho cán bộ, cho nhân dân từ việc công cho đến việc tư, phải luôn giữ gìn hình ảnh, tránh điều thị phi. Họ còn phải chịu trách nhiệm về mọi hiện tượng tiêu cực trong đơn vị của mình. Mặt khác, muốn người đứng đầu làm tốt bổn phận thì phải cụ thể hóa các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của họ cũng như phải tăng cường sự giám sát quyền lực để tránh sự chuyên quyền, lạm quyền, lộng quyền...

Đạo đức là “gốc” của người cán bộ nên xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng Đảng từ gốc, là tạo dựng tiền đề cho việc xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức. Tuy nhiên, không thể có nền chính trị đạo đức nếu thiếu một nền tư pháp nghiêm minh và không thể xây dựng nền tư pháp nghiêm minh trên sự băng hoại về đạo đức - đó là chân lý ta rút ra được từ tư tưởng kết hợp đức trị với pháp trị của Hồ Chí Minh. Chúng ta đã nhận thấy những dấu hiệu tích cực của cuộc đấu tranh chống tham nhũng và quyết tâm rất lớn của Bộ Chính trị, của Chính phủ trong việc làm trong sạch đội ngũ nhưng kết hợp tính răn đe của luật pháp với sức mạnh thức tỉnh, cảm hóa của đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là giải pháp trọng yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.

___________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.458.

(2) Sđd, t.1, tr.469.

(3), (12) Sđd, t.4, tr.7, 192.

(4) Sđd, t.15, tr.617.

(5) Lê Giản (Hồi ký) : Những ngày sóng gió, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 174.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.141. 

(7) Xem: Chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước KX.02, Đề tài KX.02.13: Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, Bộ Tư pháp - Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, 1993, tr.214.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.90.

(9) ĐCSVN: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.176.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.301.

(11), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.338, 624.

 

PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền