Trang chủ    Nghiên cứu lý luận     Quan điểm của Quốc tế cộng sản về vấn đề dân tộc thuộc địa và ý nghĩa với cách mạng Việt Nam
Thứ tư, 24 Tháng 7 2019 09:45
13892 Lượt xem

Quan điểm của Quốc tế cộng sản về vấn đề dân tộc thuộc địa và ý nghĩa với cách mạng Việt Nam

(LLCT) - Năm 1919, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) được thành lập. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quốc tế Cộng sản là phát triển lý luận và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Quan điểm của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa là ngọn cờ lý luận và kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam, cả trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và xây dựng CNXH hiện nay.

1. Quan điểm của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa

Từ sau khi Ph.Ăngghen qua đời (8-1895), quyền lãnh đạo Quốc tế II (Quốc tế xã hội chủ nghĩa) dần rơi vào tay các phần tử cơ hội chủ nghĩa, đứng đầu là E.Becstein. Họ phủ nhận đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản và đưa ra những luận điểm có tính thỏa hiệp, cải lương về khả năng chuyển từ CNTB lên CNXH bằng con đường hòa bình.

Trong Chiến tranh thế giới thứ I (1914-1918), Quốc tế II có sự phân hóa rõ rệt khi Đảng Bônsêvích kiên quyết chủ trương chống chiến tranh đế quốc, còn các phần tử cơ hội ủng hộ giai cấp tư sản nước họ tiến hành chiến tranh. Quốc tế II đã không còn đủ sự đoàn kết, uy tín và khả năng lãnh đạo phong trào công nhân thế giới, từng bước lâm vào thoái trào.

Vấn đề thành lập một quốc tế mới của giai cấp công nhân thế giới đã được V.I.Lênin nêu ra ngay từ những năm 1914, nhưng những điều kiện cho việc thành lập tổ chức này chưa chín muồi.

Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (1917), Chiến tranh thế giới thứ I kết thúc (1918), những điều kiện cho thành lập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản) đã chín muồi.

Ngày 24 tháng Giêng năm 1918, Hội nghị đại biểu phái tả của các đảng xã hội - dân chủ họp ở Pêtơrôgrat đã nêu yêu cầu cần phải triệu tập một hội nghị quốc tế của các chiến sĩ cách mạng vô sản chân chính trên thế giới. Tháng 1-1919, tại Mátxcơva, Hội nghị đại biểu 8 đảng mác xít là Nga, Ba Lan, Hungary, Đức, Áo, Latvia, Phần Lan và Liên hiệp cách mạng Bancăng đã họp dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin. Hội nghị đã thông qua lời kêu gọi (gồm 15 điểm) trình bày đường lối cách mạng của phong trào công nhân thế giới, phê phán thái độ của những người xã hội - dân chủ (phái hữu, phái giữa) và nêu sự cần thiết thành lập Quốc tế Cộng sản để lãnh đạo phong trào công nhân trong thời kỳ mới - thời kỳ cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc.

Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản được tổ chức tại Mátxcơva từ ngày 2 đến 6 -3 -1919 với sự tham dự của đại biểu đến từ 19 đảng cộng sản, đảng công nhân, có quan sát viên đến từ 15 nước. Điều khác biệt so với các Quốc tế trước đây, là ngoài đại diện của các đảng cộng sản, đảng công nhân đến từ châu Âu, châu Mỹ, còn có đại biểu các dân tộc phương Đông, như Trung Quốc, Triều Tiên, điều này chứng minh Quốc tế III không chỉ là tổ chức của giai cấp công nhân các nước tư bản phát triển mà còn là tổ chức của quần chúng công, nông các nước thuộc địa, phụ thuộc.

Sự cần thiết phải đưa vấn đề dân tộc thuộc địa vào nội dung hoạt động của Quốc tế III. Nửa sau thế kỷ XIX, CNTB phát triển, do nhu cầu mở rộng thị trường và tìm kiếm các nguồn tài nguyên đã thực hiện xâm chiếm thuộc địa, tuy nhiên các nhà tư tưởng của giai cấp tư sản không quan tâm đến việc giải phóng các dân tộc thuộc địa. Trong bối cảnh đó, C.Mác là người đầu tiên nêu quan điểm: “Một dân tộc đi nô dịch một dân tộc khác thì bản thân nó sẽ bất hạnh như thế nào”(1). Đến những năm đầu thế kỷ XX, nhất là sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa lên cao. Đối tượng của các cuộc đấu tranh này cũng chính là chủ nghĩa đế quốc. Quốc tế Cộng sản đã nhận thấy sự cần thiết phải gắn phong trào công nhân ở các nước tư bản với phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa; việc ủng hộ cuộc cách mạng của các dân tộc thuộc địa trở thành một nội dung, nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản; lý luận giải phóng dân tộc thuộc địa trở thành một cấu phần quan trọng của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Nội dung vấn đề dân tộc thuộc địa của Quốc tế III. Đại hội II, Quốc tế Cộng sản (1920) đã thảo luận và thông qua Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Tư tưởng quan trọng nhất của bản Sơ thảo là, xuất phát từ các điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, phân biệt dân tộc bị áp bức và dân tộc đi áp bức; luận điểm “bình đẳng dân tộc” của giai cấp tư sản hoàn toàn là khẩu hiệu có tính hình thức, dối trá. Đánh giá về quyền bình đẳng dân tộc trong CNTB, Quốc tế III đã nhận ra rằng: “Chế độ dân chủ tư sản, do bản chất của nó, vốn có cái lối đặt vấn đề một cách trừu tượng hoặc hình thức về quyền bình đẳng nói chung, trong đó bao gồm cả quyền dân tộc bình đẳng”(2). Bởi: “Ý niệm bình đẳng, - bản thân nó chỉ là sự phản ánh những quan hệ sản xuất hàng hóa, đã bị giai cấp tư sản biến thành một vũ khí đấu tranh chống lại việc thủ tiêu giai cấp dưới chiêu bài của quyền bình đẳng tuyệt đối của cá nhân”(3). Không thể có quyền bình đẳng thực sự giữa các dân tộc khi một dân tộc này đi áp bức một dân tộc khác. Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, đối với giai cấp vô sản và Quốc tế Cộng sản, điểm đặc biệt quan trọng là nhận ra những hiện tượng kinh tế cụ thể, và trong khi giải quyết tất cả những vấn đề thuộc địa và dân tộc, không nên bắt đầu từ những khái niệm trừu tượng mà phải bắt đầu từ những hiện tượng thực tế cụ thể. Chiến tranh đế quốc 1914-1918, đã làm cho tất cả các dân tộc, giai cấp bị áp bức trên toàn thế giới thấy được một cách rõ ràng tính chất lừa dối của dân chủ tư sản, làm tan vỡ những ảo tưởng dân tộc tiểu tư sản về khả năng chung sống hòa bình, bình đẳng giữa các dân tộc dưới chế độ TBCN. Thực tế đó đặt ra yêu cầu khách quan, chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa là phải làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và các nước thuộc địa, phụ thuộc đoàn kết lại nhằm tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản.

Về đường lối chiến lược của cuộc cách mạng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc, phát triển lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen, Quốc tế Cộng sản nhấn mạnh: “Quốc tế Cộng sản phải xác định và chứng minh trên lý luận cho một nguyên tắc là: với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(4). Tuy nhiên, để cuộc cách mạng thành công thì “nhất thiết phải có sự giúp đỡ của các đảng cộng sản đối với phong trào giải phóng dân tộc”.

Về mối quan hệ giữa phong trào công nhân ở các nước tư bản và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, Quốc tế Cộng sản nhận định: “Nếu không có sự đoàn kết hoàn toàn và hết sức chặt chẽ trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống tư bản ở châu Âu, châu Mỹ với hàng trăm triệu người nô lệ “ở thuộc địa” bị bọn tư bản ấy áp bức, thì phong trào cách mạng ở các nước tiên tiến, trên thực tế, chỉ là một sự lừa gạt mà thôi”(5). Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ, Quốc tế Cộng sản không những phải đoàn kết phong trào công nhân mà còn thu hút được cả các dân tộc thuộc địa, khẩu hiệu mới được nêu ra: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại”(6).

 Về phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa, V.I.Lênin đã nhận ra rằng: “Quần chúng cần lao ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, chiếm đại đa số dân cư trên trái đất, đều đã thức tỉnh và tham gia sinh hoạt chính trị ngay từ đầu thế kỷ XX”(7). Đây chính là cơ sở xã hội, lực lượng chính trị hiện thực cho phong trào cách mạng tại các nước thuộc địa, nửa thuộc địa.

Qua tám năm thực hiện Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa mà Đại hội II Quốc tế Cộng sản thông qua, Đại hội đại biểu lần thứ VI Quốc tế Cộng sản (tháng 7 -1928) đã thảo luận và thông qua Luận cương “Phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa”. So với văn kiện của Đại hội II, Luận cương lần này đã có bước phát triển mang tính bước ngoặt, coi phong trào cách mạng tại các nước thuộc địa và nửa thuộc địa có vai trò quan trọng trong tiến trình cách mạng thế giới, phân tích sâu sắc mối quan hệ giữa Quốc tế Cộng sản với phong trào giải phóng dân tộc các nước thuộc địa; bản chất của phương thức sản xuất TBCN trong chính sách thực dân, đế quốc; từ đó cũng đề ra một loạt các nguyên tắc chiến lược và sách lược của Quốc tế Cộng sản đối với các nước thuộc địa, nửa thuộc địa. Cụ thể là:

Một là, về vai trò của của các nước thuộc địa, nửa thuộc thuộc địa, Luận cương cho rằng: “hệ thống thuộc địa và nửa thuộc địa rộng lớn đã trở thành cái nôi của phong trào quần chúng cách mạng không thể nào dập tắt được”(8). Vì, từ khi bị các nước thực dân xâm lược, cơ cấu kinh tế - xã hội của các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đã có nhiều thay đổi, như phát triển công nghiệp, giai cấp công nhân phát triển cả về số lượng, chất lượng, nhiều tầng lớp xã hội bị bần cùng hóa... Luận cương chỉ rõ, sau Chiến tranh thế giới thứ I, các nước đế quốc đã tăng cường thỏa hiệp với nhau nhằm thoát khỏi khủng hoảng do chiến tranh gây ra, từ đó cũng đặt ra yêu cầu phải có sự đoàn kết, thống nhất giữa phong trào công nhân với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước khác nhau. Chiến thắng của nước Nga Xô viết trong cuộc chiến tranh chống đế quốc, bảo vệ độc lập dân tộc vừa là một bài học về phương pháp dùng bạo lực cách mạng để chống chủ nghĩa đế quốc, vừa thức tỉnh quần chúng nhân dân lao động tại các nước thuộc địa, nửa thuộc địa.

Hai là, Luận cương đánh giá bản chất chính sách thực dân của chủ nghĩa đế quốc, cho rằng lịch sử thuộc địa hiện đại là một bộ phận hữu cơ của lịch sử phát triển CNTB thế giới. Do đó, nó cũng phản ánh đặc điểm phương thức chiếm đoạt “tích lũy nguyên thủy” của giai cấp tư sản đối với các dân tộc thuộc địa. Bản chất của chủ nghĩa thực dân là duy trì, mở rộng địa vị độc quyền về kinh tế, một mặt, làm cho mâu thuẫn khách quan của phương thức sản xuất tư bản tăng thêm, mở rộng phạm vi ra toàn thế giới; mặt khác, chính phương thức bóc lột của giai cấp tư sản tại các nước thuộc địa làm cho lực lượng cách mạng - giai cấp công nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng, họ ngày càng đoàn kết chặt chẽ hơn với các giai cấp, tầng lớp trong nước và giai cấp công nhân thế giới.

Ba là, Luận cương xác định tính chất của cuộc cách mạng ở các nước thuộc địa, phụ thuộc là “cách mạng dân chủ - tư sản”, nhiệm vụ trung tâm là chống đế quốc và phong kiến, chuẩn bị tiền đề cho cách mạng XHCN. Với tính chất đó, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng dân chủ - tư sản ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa là: “làm cho so sánh lực lượng chuyển biến theo hướng có lợi cho giai cấp vô sản”(9); tiến hành cách mạng ruộng đất; tăng cường vai trò của đảng cộng sản và các tổ chức công đoàn; thực hiện bình đẳng dân tộc... Luận cương cũng phân tích đặc điểm, thái độ của các giai cấp, tầng lớp trong cách mạng dân chủ tư sản tại các nước thuộc địa như: công nhân, tư sản (dân tộc, mại bản), tiểu tư sản, nông dân... Trong đó, nhấn mạnh, giai cấp công nhân ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa bị giai cấp tư sản trong nước và tư bản nước ngoài (các nước xâm lược) bóc lột tàn nhẫn nhất, họ sẽ là lực lượng lãnh đạo cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở các nước thuộc địa.

Thư tư, Luận cương xác định nhiệm vụ trước mắt của các đảng cộng sản ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và ở các nước đế quốc là phải không ngừng củng cố, xây dựng vững chắc về mặt tổ chức, khắc phục cho được tình trạng “không tương xứng giữa tình thế cách mạng khách quan và sự yếu kém của nhân tố chủ quan”(10); ngoài ra, quan tâm phát triển các tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ, nông dân... Các đảng cộng sản ở các nước chính quốc không những phải lãnh đạo giai cấp công nhân đấu tranh chống giai cấp tư sản ở nước mình; mà còn ra sức đấu tranh chống chính sách thuộc địa, ủng hộ phong trào công nhân, đảng cộng sản ở các nước thuộc địa.

Sau khi Luận cương ra đời, cao trào cách mạng thế giới nổ ra, nhiều đảng cộng sản ở các nước thuộc địa được thành lập, lãnh đạo phong trào công nhân, nhân dân lao động đấu tranh giành độc lập dân tộc.

2. Luận cương của Quốc tế Cộng sản với cách mạng Việt Nam

Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đã được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Luận cương đã giải đáp trúng những vấn đề mà Người trăn trở về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, nhận rõ lập trường của V.I.Lênin và Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc thuộc địa. Từ đó, Người đã tuyệt đối tin theo chủ nghĩa Lênin. Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ tháng 4-1931, trở thành một chi bộ của Quốc tế Cộng sản. Lịch sử vận động của cách mạng Việt Nam những năm qua đã chứng minh những luận điểm của Quốc tế III về vấn đề dân tộc và thuộc địa là hoàn toàn đúng đắn.

Một là, tính chất cuộc cách mạng Việt Nam là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mục tiêu là đánh đổ đế quốc thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc và xây dựng CNXH. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng (1930), Đảng ta “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(11). Nhiệm vụ của cuộc cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước nhà hoàn toàn độc lập.

Hai là, mục tiêu và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam là CNXH. Cách mạng Việt Nam chuyển từ cách mạng dân chủ nhân dân sang cách mạng XHCN, không qua giai đoạn phát triển TBCN. Muốn xóa bỏ chế độ người bóc lột người, muốn có tự do, bình đẳng, hạnh phúc thực sự, phải nhất thiết tiến hành hai bước: cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN. Về lực lượng cách mạng, Sách lược vắn tắt của Đảng nêu rõ: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt,v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp...Trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản Pháp”(12). Về vai trò lãnh đạo, Đảng ta khẳng định: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”(13).

Ba là, giai đoạn hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định con đường đi lên CNXH. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011), khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” vì “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(14).

Từ những sự phân tích trên cho thấy, quan điểm của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa là ngọn cờ lý luận, kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam, cả trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và xây dựng CNXH hiện nay.

____________________

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.32, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.499.

(2), (3), (4), (5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 198, 198, 295, 328.

(6) Sđd, t.42, tr. 86.

(7) Sđd, t.44, tr. 5.

(8), (9), (10) Dẫn theo: Viện nghiên cứu lịch sử phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, Lịch sử chủ nghĩa Mác, t.3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.274, 276, 277.

(11), (12), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998,  tr.2, 4-5, 4.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.69.

 

TS Nguyễn Văn Quyết

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Khuất Trọng Nam

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền