Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quán triệt quan điểm của V.I.Lênin về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và thanh lọc đảng viên
Thứ sáu, 27 Tháng 9 2019 15:19
1373 Lượt xem

Quán triệt quan điểm của V.I.Lênin về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và thanh lọc đảng viên

(LLCT) - Tư tưởng của V.I.Lênin về đảng kiểu mới, về những “điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản” và “Vấn đề thanh đảng”, vẫn còn giá trị trong quá trình thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Những kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra đang đòi hỏi tiếp tục quán triệt và  thực hiện nghiêm túc tư tưởng của V.I.Lênin. Đổi mới, chỉnh đốn Đảng, trong đó nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng theo tư tưởng của V.I.Lênin là nhiệm vụ cấp thiết của toàn Đảng hiện nay.

1. Tư tưởng của V.I.Lênin về đảng kiểu mới

Cách đây 100 năm, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) được thành lập. Tại Đại hội lần thứ 2, Quốc tế Cộng sản đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có những “Điều kiện kết nạp vào Quốc tế Cộng sản”, đó là những tiêu chuẩn căn bản của tổ chức và đảng viên gia nhập Quốc tế Cộng sản. Đại hội đã thông qua 21 điều kiện kết nạp vào Quốc tế Cộng sản thể hiện sâu sắc thêm học thuyết Mác - Lênin về đảng kiểu mới. Đây là những nguyên tắc tổ chức mang tính cách mạng của những người cộng sản quốc tế, bảo đảm sự đoàn kết, chống những phần tử hữu khuynh, trước hết là “phái giữa” chui vào Quốc tế Cộng sản để phá hoại. V.I.Lênin chỉ rõ: “Tổ chức nào muốn gia nhập Quốc tế Cộng sản phải loại trừ một cách có kế hoạch, có hệ thống những bọn cải lương và bọn ủng hộ nhóm “phái giữa” ra khỏi những cương vị dù chỉ có đôi chút trách nhiệm ở trong phong trào công nhân (...) và thay thế họ bằng những chiến sỹ cộng sản đáng tin cậy...” (...) “Các đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản phải được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ” (...); Và, “Những đảng Cộng sản mà những người cộng sản đang hoạt động công khai, phải đều kỳ tiến hành thanh đảng (đăng ký lại) trong các tổ chức đảng sao cho có thể loại trừ một cách có hệ thống ra khỏi đảng những phần tử tiểu tư sản không tránh khỏi đã chui vào Đảng...”(1).

V.I. Lênin chỉ rõ: tất cả mọi tổ chức muốn gia nhập Quốc tế Cộng sản đều phải thường xuyên loại trừ những kẻ “cải cách”, những kẻ “đứng giữa” ra khỏi các chức vụ trong phong trào lao động và thay thế bằng các đảng viên cộng sản đã được thử thách, những công nhân từ quần chúng; không lo ngại việc thay thế những kẻ cơ hội “có kinh nghiệm”. Người khẳng định: tất cả các đảng cộng sản muốn gia nhập Quốc tế Cộng sản phải hoàn toàn cắt đứt với những chủ nghĩa “cải cách” và với đường lối “đứng giữa”; phải không ngừng phát triển các hoạt động cộng sản một cách có hệ thống trong các tổ chức công đoàn, các ủy ban lao động và các ủy ban của công nhân, các hợp tác xã tiêu thụ trong các tổ chức quần chúng lao động khác; phải vạch mặt những sự dối trá, những hành vi đế quốc tại thuộc địa của chúng, ủng hộ phong trào giải phóng tại các nước thuộc địa; phải luôn luôn rà xét lại nhóm người của mình trong quốc hội, loại trừ những phần tử không thể tin tưởng được và yêu cầu tất cả các nhóm phải chịu sự lãnh đạo của đảng...

Theo V.I.Lênin, do uy tín của Quốc tế Cộng sản, đã chinh phục được cảm tình của tuyệt đại đa số công nhân giác ngộ trên thế giới, nên hiện tượng nhóm những người lãnh đạo của nhóm “phái giữa” mong muốn gia nhập Quốc tế III, coi Quốc tế III như cái “mốt”, do đó phải kiểm soát việc gia nhập Quốc tế Cộng sản đối với những tổ chức và những người đảng viên kiểu này. Vì vậy, việc quy định những điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản là rất cần thiết, định ra những nguyên tắc chính trị và tổ chức, bảo đảm sự đoàn kết nhất trí; ngăn ngừa những phần tử cơ hội chủ nghĩa, cơ hội hữu khuynh, trước hết là những phần tử phái giữa, tìm cách chui vào Quốc tế Cộng sản. Quy định đó đã góp phần quan trọng về chính trị, tư tưởng, tổ chức trong xây dựng, củng cố, kiện toàn Quốc tế Cộng sản ngay từ ngày đầu thành lập và phát huy vai trò, ảnh hưởng to lớn của Quốc tế Cộng sản đối với phong trào cách mạng thế giới.

Tại Đại hội II của Đảng Công nhân Dân chủ xã hội Nga, Đảng đã chia thành hai phái: phái đa số (Bônsêvích) do V.I.Lênin đứng đầu và thiểu số (Mensêvich). Phái Mensêvích câu kết với phái kinh tế còn lại trong Đảng thành một lực lượng có đường lối riêng chống lại Đảng và V.I.Lênin trước hết là những nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Thực tế đó đã đặt ra vấn đề lớn về xác định, chọn lựa những đảng viên chân chính của Đảng như thế nào. Đây là hoàn cảnh đặt ra phải chấn chỉnh, thanh học đảng.

V.I.Lênin đã chỉ ra yêu cầu phải thực hiện thanh đảng. Người khẳng định: “Rõ ràng là vấn đề thanh đảng đã trở thành một công tác nghiêm chỉnh và vô cùng quan trọng”(2). Người chỉ ra một cách kiên quyết: “Cần phải đuổi ra khỏi đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược...”(...) và “phải gạt bỏ ra khỏi đảng những phần tử xa rời quần chúng”(3). Mục đích của việc thanh đảng rất rõ ràng, là thanh lọc những phần tử nhu nhược, cơ hội, thoái hóa, gian giảo, đảng viên quan liêu, không trung thực... ra khỏi Đảng là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, giúp cho “đảng trở thành một đội tiền phong của giai cấp vô sản vững mạnh hơn trước nhiều; nó sẽ làm cho đảng trở thành một đội ngũ tiền phong có liên hệ vững chắc hơn với giai cấp ấy, có khả năng hơn để đưa giai cấp ấy đi đến thắng lợi, giữa vô vàn khó khăn và nguy hiểm”(4). Việc “thanh đảng” phải thực hiện thận trọng, nghiêm túc, phải dựa vào quần chúng. V.I.Lênin chỉ rõ: “Song, đối với việc đánh giá người và gạt bỏ những kẻ “chui vào đảng”, bọn “làm quan”, bọn đã bị “quan liêu hóa”, thì những lời chỉ dẫn của quần chúng vô sản ngoài đảng và trong nhiều trường hợp thì cả những lời chỉ dẫn của quần chúng nông dân ngoài đảng nữa, rất là quý báu. Với sự nhạy cảm rất tài tình, quần chúng cần lao nắm được sự khác nhau giữa những đảng viên cộng sản trung thực, tận tụy và những kẻ đang làm cho những người sinh sống bằng mồ hôi, nước mắt của mình, những người không có chút đặc quyền, đặc lợi, không có “đường thăng quan tiến chức”, phải chán ghét”(5).

Những năm 1919-1920, Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga đã tiến hành đăng ký lại đảng viên, đưa những phần tử bám lấy Đảng vì danh lợi, địa vị, không đủ tiêu chuẩn ra khỏi Đảng. Năm 1921, Đại hội X của Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga quyết định chuyển chính sách cộng sản thời chiến sang chính sách kinh tế mới (NEP). Để thực hiện chủ trương quan trọng này, vấn đề thanh đảng trở thành yêu cầu bức thiết, đặc biệt quan trọng. V.I.Lênin đề nghị công khai đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn. Đại hội đã tán thành và thực hiện việc thanh đảng. Đối tượng đảng viên cần xem xét để thanh lọc, theo V.I.Lênin, những đảng viên cần phải xem xét, điều tra, thử thách trong các đợt thanh lọc, nhằm làm trong sạch đội ngũ đảng viên gồm: cần thanh trừ những kẻ bè phái chống Đảng như bọn Mensêvích. Trong bài “Vấn đề thanh đảng”, V.I.Lênin chỉ rõ: “Tôi muốn nêu ra một nhiệm vụ đặc biệt, tức là nhiệm vụ thanh trừ những phần tử Mensêvích cũ ra khỏi đảng. Theo tôi, trong tất cả những người Mensêvích tham gia đảng từ sau thời gian đầu năm 1918, ta có thể lưu lại trong đảng, chẳng hạn, nhiều lắm là một phần trăm; và cũng còn sẽ phải thẩm tra từng người một trong số những người được lưu lại đó, ba hay bốn lần”(6). V.I.Lênin chỉ ra những đối tượng tiếp theo cần phải thẩm tra, điều tra, xem xét lại tư cách trước khi thanh lọc ra khỏi Đảng là: “(1) những người thuộc các đảng khác gia nhập đảng sau tháng Mười năm 1917; (2) những người gia nhập đảng xuất thân từ tầng lớp quan lại và viên chức đã làm việc cho các chính phủ cũ; 3, những người đã giữ những chức vụ gắn liền với những đặc quyền đặc lợi nào đó; 4, những người thuộc viên chức Xôviết - những hạng người trên phải được thẩm tra đặc biệt từng người, nhất thiết có tham khảo ý kiến của quần chúng lao động trong đảng cũng như ngoài đảng đã từng tiếp xúc với đảng viên đó của Đảng Cộng sản Nga trong công tác của anh ta”(7).

Về hình thức và biện pháp thanh lọc đảng viên, V.I.Lênin đã chỉ rõ: dựa vào quần chúng nhân dân, lấy ý kiến của nhân dân để xem xét, đánh giá đảng viên là rất cần thiết, nhưng, Người cũng cảnh báo, không theo đuôi quần chúng, phải sáng suốt tiếp thu ý kiến của họ một cách có phê phán, nhìn nhận, phân tích tình hình toàn diện để phân biệt rõ đúng, sai. Rằng “chúng ta sẽ không nghe theo tất cả những ý kiến của quần chúng, vì quần chúng đôi khi... bị lôi kéo bởi những tư tưởng không có chút gì là tiên tiến cả”(8). V.I.Lênin cũng chỉ ra việc tiến hành thanh lọc đảng viên phải thực hiện dưới nhiều hình thức, như: đăng ký lại, động viên ra mặt trận, tham gia lao động cộng sản chủ nghĩa. Ở những nơi mà “bọn đê tiện lẩn lút vào trong Đảng” thì cần có những biện pháp quyết liệt hơn. Cần được tiến hành toàn diện, từ cấp lãnh đạo tối cao đến tận cơ sở. V.I.Lênin nhấn mạnh: “Nếu chúng ta có thể thực sự tiến hành thanh đảng như thế, từ cấp lãnh đạo tối cao đến tận cơ sở, mà “không vị nể cá nhân”, thì đó sẽ là một thành quả thật sự to lớn của cách mạng”(9).

Kết quả việc thực hiện thanh đảng đã có 170.000 đảng viên, chiếm 25% đảng viên toàn Đảng bị đưa ra khỏi Đảng. Kết quả đó, đã làm thay đổi căn bản về chất lượng đảng viên, Đảng Bônsêvích Nga được củng cố vững mạnh, tinh thần kỷ luật, đoàn kết trong Đảng được tăng lên, quần chúng nhân dân tin tưởng vào Đảng.

Về việc kết nạp đảng viên mới, V.I.Lênin đã để lại những giáo huấn sâu sắc. Trong “Thư gửi P.A.Dalutxơki, A.A.Xôntxơ và các ủy viên Bộ Chính trị về vấn đề thanh đảng và những điều kiện kết nạp vào đảng”, V.I.Lênin đã nêu: “Tôi đề nghị hội nghị thông qua một nghị quyết quy định những điều kiện kết nạp đảng viên chặt chẽ hơn, đưa thời gian dự bị lên 1 năm rưỡi đối với một công nhân (...), và 3 năm đối với những người khác. Trong những trường hợp đặc biệt thời gian dự bị có thể giảm xuống một nửa, khi mà lòng trung thành với đảng và tinh thần kiên cường cộng sản chủ nghĩa đã được chứng minh đầy đủ và được chứng nhận trong các hội nghị của đảng, với một đa số 4/5 số phiếu có quyền biểu quyết”(10). Và, trong “Những nhận xét về dự thảo nghị quyết của hội nghị XI Đảng Cộng sản (b) Nga về việc thanh đảng” V.I.Lênin đã viết: “... Tôi cũng không phản đối chút nào vấn đề làm dễ dàng việc kết nạp những công nhân chân chính vào đảng, nhưng nếu như không đặt những điều kiện hết sức chặt chẽ, xác định rõ ai là người có thể được coi là công nhân đại công nghiệp, thì lập tức sẽ có vô số những phần tử xấu chui qua lỗ hổng đó”(11).

2. Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đảng kiểu mới trong quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng ta

Quán triệt tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, gần 90 năm qua, Đảng ta luôn quan tâm và tiến hành nhiều hoạt động mạnh mẽ, kiên quyết về xây dựng Đảng, luôn luôn quan tâm thực hiện nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên mới và chỉnh đốn, thanh lọc Đảng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Trung ương Đảng rất quan tâm chỉ đạo công tác phát triển đảng viên gắn với nâng cao chất lượng đảng viên. Năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị “Về chương trình thi đua xây dựng Đảng năm 1949”. Cùng với nhiều nội dung chỉ đạo, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhấn mạnh (...), “5. Phát triển mạnh số đảng viên để theo kịp các khu miền Bắc (Bắc Bộ đã tới 11 vạn đảng viên), nhưng chú ý tránh phát triển ẩu, đề phòng gián điệp của địch chui vào phá và tổ chức đến đâu phải huấn luyện đến đó”...(12). Để chuẩn bị cho giai đoạn mới của cuộc kháng chiến, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị “Về cuộc vận động phê bình và tự phê bình trong Đảng, tháng 7-1950”. Chỉ thị nêu rõ: Trung ương quyết định: mở cuộc vận động phê bình và tự phê bình trong toàn thể các chi bộ để xem xét công tác, ý thức và tinh thần của đảng viên mà đặt kế hoạch giáo dục, rèn luyện đảng tính, nâng cao trình độ chính trị, công tác của đảng viên và chấn chỉnh tổ chức cơ sở của Đảng”(13). Trước tình hình phát triển “nóng”, Ban Thường vụ Trung ương đã chỉ thị “Về tạm ngừng việc kết nạp đảng viên mới trong toàn quốc”. Chỉ thị nêu rõ: “Trung ương quyết định tạm ngừng việc kết nạp đảng viên mới trong toàn quốc để tập trung năng lực, phương tiện vào việc củng cố hàng ngũ, giáo dục đảng viên làm cho Đảng thành một đảng mạnh mẽ theo đúng tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin”(14). Chỉ thị cũng quy định những trường hợp đặc biệt, có thành tích xuất sắc do cấp có thẩm quyền quyết định việc kết nạp. Việc thực hiện tốt chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên mới đã góp phần tích cực xây dựng, củng cố Đảng vững mạnh, tạo ra sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kháng chiến thắng lợi.

Sau hòa bình lập lại, khắc phục những khuyết điểm phát triển đảng viên trong cải cách ruộng đất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị “về vấn đề chỉnh đốn chi bộ nông thôn trong CCRĐ và kiểm tra lại CCRĐ”(15). Ban Bí thư đã chỉ đạo cụ thể về xem xét, giải quyết đảng tịch của đảng viên vi phạm tiêu chuẩn đảng viên của bản thân và quan hệ gia đình. Chỉ thị đã xác định mục đích, yêu cầu rất rõ ràng “...phát triển Đảng là để mở rộng và củng cố đội ngũ của Đảng, tăng cường thành phần công nhân trong Đảng, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, đảm bảo Đảng hoàn thành được nhiệm vụ chính trị hiện nay (...), “...phát triển Đảng phải đạt được yêu cầu là: tăng thêm chất lượng của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo tính chất giai cấp công nhân và tính chất tiên phong của Đảng”(16). Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, công tác phát triển đảng viên đã đạt kết quả tốt, góp phần tăng cường đội ngũ chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược trên cả hai miền Nam, Bắc, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị “Về việc ra sức nâng cao chất lượng và tăng cường công tác phát triển đảng song song với việc củng cố đảng”. Chỉ thị đã nêu: “Những lệch lạc và thiếu sót (...) là những biểu hiện xem nhẹ chất lượng phát triển đảng, đã có ảnh hưởng không tốt đến việc củng cố đảng ở một số địa phương và sẽ gây tác hại to lớn...”(17). Ban Bí thư đã chỉ đạo: “1. Nắm vững yêu cầu, tiêu chuẩn và phương hướng tăng cường công tác phát triển đảng trong điều kiện mới, ra sức nâng cao chất lượng đảng viên, bảo đảm chất lượng là chính trong công tác phát tiển; 2. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, giáo dục đối tượng qua các phong trào; tăng cường giáo dục đảng viên dự bị, tích cực phấn đấu nâng cao chất lượng đảng viên, nắm vững phương châm củng cố đi đôi với phát triển đảng; 3. Vận dụng đúng đắn tiêu chuẩn kết nạp đảng viên ở một số vùng đặc biệt, tránh khuynh hướng lỏng lẻo trong việc vận dụng tiêu chuẩn” (...)(18). Thực hiện chủ trương quan trọng này, công tác phát triển đảng viên mới được chấn chỉnh gắn với củng cố tổ chức cơ sở, nhiều thôn, bản đã lập được chi bộ, đội ngũ đảng viên trên các mặt trận sản xuất, chiến đấu chống Mỹ, cứu nước được tăng cường.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết “Về cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh”. Bộ Chính trị xác định: “1.Về cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên... Mỗi đảng viên phải thật sự là những chiến sỹ trung thành, dũng cảm nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, thật sự là những người cách mạng ưu tú một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân (...). Đối với những đảng viên là cán bộ lãnh đạo, yêu cầu về nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực công tác càng phải cao hơn...”(19); “2. Về việc kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh... Trung ương quyết định kết nạp một lớp đảng viên mới lấy tên là Lớp Hồ Chí Minh nhằm tăng thêm sức chiến đấu của Đảng, làm cho đảng có thêm lực lượng để kế tục tốt sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh... đợt kết nạp này phải đặc biệt chú trọng bảo đảm chất lượng đảng viên, bảo đảm tính trong sạch và vững mạnh của Đảng, phải được tiến hành thật tốt để làm mẫu mực cho công tác kết nạp đảng viên từ nay về sau”(20).

Kết quả thực hiện cuộc vận động này góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng, nhiều đảng viên dũng cảm kiên cường trong chiến đấu, trong khắc phục thiên tai, lũ lụt; những đảng viên Lớp Hồ Chí Minh ở hậu phương và tiền tuyến đều thể hiện rõ tính tiên phong, gương mẫu, anh dũng, kiên cường. Bên cạnh những kết quả to lớn cũng đặt ra những vấn đề mới. Tháng 10-1971, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị “Về việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi đảng trong cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh”. Những đảng viên không đủ tư cách đã được nhận diện và xác định rõ ràng. Sự chỉ đạo chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh” có tác dụng to lớn, xiết chặt đội ngũ chiến đấu của Đảng, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, góp phần trực tiếp thúc đẩy sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi vẻ vang.

Thực hiện công cuộc đổi mới, các kỳ đại hội của Đảng tiếp tục xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, một trong những vấn đề trọng tâm là nâng cao chất lượng đảng viên, kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú và thanh lọc những đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn, vi phạm kỷ luật của Đảng, thoái hóa, biến chất. Các nhiệm kỳ Đại hội Đảng đều có nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã ban hành Nghị quyết “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”. Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã ban hành Nghị quyết “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã nhấn mạnh yêu cầu coi trọng chất lượng kết nạp đảng viên:“Việc kết nạp đảng viên phải coi trọng chất lượng, tiêu chuẩn, đặc biệt tiêu chuẩn giác ngộ lý tưởng của Đảng, đạo đức, lối sống, năng lực hoàn thành nhiệm vụ”(21). Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đánh giá nghiêm khắc về tình hình đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”(22). Từ thực tế đó, thực hiện sàng lọc đảng viên, đưa những người không còn đủ tiêu chuẩn ra khỏi Đảng là một yêu cầu cấp bách.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định: “Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI...”(23). Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” đã chỉ ra 27 biểu hiện cụ thể(24). Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nghị quyết gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã đẩy mạnh xem xét, xử lý nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, đã khởi tố, xử lý hình sự đối với cán bộ, đảng viên vi phạm nghiêm trọng, kể cả đảng viên là cán bộ cao cấp. Theo Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng “Từ năm 2014 đến giữa năm 2018, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu. Đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 cán bộ là ủy viên Trung ương, nguyên là ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị”(25).

Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh lại đặt ra những đòi hỏi mới. Ngày 21-1-2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Ban Bí thư nghiêm khắc chỉ rõ thực trạng: “công tác kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đảng viên thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác kết nạp đảng viên có biểu hiện chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng; việc kết nạp người chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, người có động cơ không đúng đắn vào Đảng còn diễn ra ở nhiều nơi... Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, đánh giá chất lượng đảng viên còn hình thức. Công tác rà soát, sàng lọc đảng viên chưa kịp thời, không quyết liệt, còn lúng túng, thiếu thống nhất giữa các tổ chức đảng. Còn một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu bản lĩnh, bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”(26). Để thực hiện tốt chủ trương quan trọng này, Ban Bí thư chỉ đạo tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp: “... 2. Chấn chỉnh công tác kết nạp đảng viên, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng; 3. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục đảng viên; 4. Thực hiện nghiêm túc công tác rà roát, sàng lọc đảng viên; kiên quyết, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng...”(27).

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2019

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.250, 253.

(2), (3), (4), (5), (6), (8), (9), (10), (11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.44, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.151, 154, 152, 152, 152-153, 152, 151, 349, 351.

(7) V.I.Lênin: Sđd, t.43, tr.432.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.191.

(13), (14) Sđd, t.11, tr.434-435, 482.

(15) Sđd, t.17, tr.126-130.

(16) Sđd, t.18, tr.41.

(17), (18) Sđd, t.27, tr.70-71, 73-80.

(19), (20)  Sđd, t.31, tr.131-132, 134-135.

(21) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.301.

(22) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.22.

(23) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.198-199.

(24) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

(25) Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 2-6-2018.

(26), (27) ĐCSVN: Chỉ thị Số 28-CT/TW “về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”, Ban Bí thư, ngày 21-1-2019.

PGS, TS An Như Hải

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền