Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam
Thứ tư, 27 Tháng 11 2019 15:25
4500 Lượt xem

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam

(LLCT) - Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, mấu chốt nhất của sự nghiệp hội nhập quốc tế nói riêng và đổi mới mọi mặt của đất nước nói chung. Bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo giải quyết đúng đắn nhất các mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập trên các lĩnh vực khác như chính trị, văn hóa, an ninh - quốc phòng. Bài viết hệ thống hóa những quan điểm chủ đạo của Đảng ta về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

 

 

1. Quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng được thể hiện qua các văn kiện của mỗi kỳ đại hội Đảng. Qua mỗi kỳ đại hội, quan điểm đó ngày càng được bổ sung hoàn thiện và làm sâu sắc hơn.

Đại hội Đảng lần thứ VI (12-1986) với chủ trương thực hiện đường lối đổi mới đã mở đường cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Những quan điểm quan trọng của Đại hội VI là bước mở đường để những tư duy mới về kinh tế được hình thành và hoàn thiện dần, trong đó có nội dung về kinh tế độc lập, tự chủ. “Đó chính là những luận điểm: (1) để có nền kinh tế thực sự vững mạnh và không ngừng phát triển phải xây dựng được chương trình hành động cụ thể, đặc biệt là phải bảo đảm cho lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng cho xã hội; (2) nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế độc lập tự chủ nhưng thông thoáng ở trong nước và mở ra bên ngoài...”(1).

Đại hội Đảng lần thứ VII (6-1991) đánh dấu bước phát triển mới về nhận thức của Đảng về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chúng ta chủ trương tăng cường sức mạnh kinh tế trên cơ sở nội lực; đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác, phá thế bị bao vây, cấm vận, tham gia tích cực vào phân công lao động quốc tế. Đại hội VII đề ra mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm là: “Vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội”(2).

Đại hội Đảng lần thứ VIII (6-1996), khái niệm “hội nhập” được chính thức đề cập cùng với chủ trương: “Giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Dựa vào nguồn lực trong nước là chính đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. Xây dựng nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước có hiệu quả...”(3). Đại hội này Đảng ta đã nhận thức được nguy cơ mất độc lập, tự chủ trên lĩnh vực kinh tế nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, trong bối cảnh hội nhập là rất lớn. Vì vậy, Đại hội đã có bước phát triển trong quan điểm của Đảng về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đó là: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế phải trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi, giữ gìn, phát huy bản sắc và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và giữ vững độc lập, chủ quyền và bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trong quan hệ kinh tế với bên ngoài.

Đại hội Đảng lần thứ IX (4-2001) nhấn mạnh: “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp của đất nước”(4). Nội dung cụ thể của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ lần đầu tiên được Đảng nêu ra: “trước hết là độc lập, tự chủ về đường lối phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa...; bảo đảm nền kinh tế đủ sức đứng vững và ứng phó được với các tình huống phức tạp, tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế”(5) . Lần đầu tiên Đảng ta đã làm rõ thuật ngữ nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa; quán triệt yêu cầu mở rộng quan hệ với các nước nhưng không để nền kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc và bị sự chi phối của bên ngoài. Với tư tưởng đó, Đảng ta đã nâng lý luận về xây dựng nền kinh tế  độc lập, tự chủ lên một tầm cao mới, soi sáng cho việc hoạch định và triển khai chính sách kinh tế trong thời kỳ mới.

Đại hội X (4-2006) trên cơ sở đường lối phát triển kinh tế đất nước đã được xác định tại Đại hội IX: “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp... phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh”(6). Đại hội X nhấn mạnh yêu cầu “đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định bền vững”(7). Đây là sự bổ sung sửa đổi thể hiện nhận thức sâu sắc của Đảng đối với vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế, coi đó là xu thế tất yếu của thời đại, để phát triển, để có thể bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thì càng phải tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, nội lực được tăng cường mới đảm bảo được độc lập, tự chủ về kinh tế và thực hiện hội nhập quốc tế thành công.

Tại Đại hội XI (1-2011) nhận thức về xây dựng nền kinh tế  độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế của Đảng đã nâng lên tầm cao mới. Chiến lược 2011 - 2020 nêu rõ: “phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh và bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”(8). Trong khi xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế không được phiến diện, cực đoan, duy ý chí. Việc xây phải được thực hiện mềm dẻo, linh hoạt theo nguyên tắc: độc lập, tự chủ là nền tảng, hội nhập quốc tế vừa bổ sung, vừa làm cho nội dung độc lập, tự chủ phát triển lên một trình độ mới.

Nhận thức về xây dựng nền kinh tế  độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế, so với Đại hội XI, Đại hội XII (1-2016) đã bổ sung, làm rõ hơn nội hàm nội dung. Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(9). Như vậy, trong thời gian tới, quá trình tái cơ cấu, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam cần tiến hành theo hướng kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế.

2. Thực trạng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam

Quán triệt quan điểm của Đảng và từng bước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta đã được Liên Hợp quốc đưa ra khỏi nhóm nước kém phát triển, đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Việt Nam là một trong số ít nước chuyển đổi thành công từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước mà vẫn giữ được sự ổn định chính trị - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo số liệu của Tổng cục thống kê về tăng trưởng GDP qua các thời kỳ(10) , thì giai đoạn 1986 - 1990 bình quân GDP chỉ đạt 4,4%/năm thì bình quân thời kỳ 1991 - 2011 đạt 7,34%/năm. Đặc biệt, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,46% (là mức cao nhất trong vòng 11 năm trước đó). Từ năm 2008 trở đi, do ảnh hưởng từ những biến động của nền kinh tế thế giới, tăng trưởng GDP có xu hướng giảm. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2013 giảm xuống còn 5,6%. Tuy nhiên, năm 2014 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã tăng cao trở lại, đạt 5,98% (cao hơn năm 2013 là 5,42%), đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc). Năm 2015, GDP của Việt Nam ước tính tăng 6,68% so với năm 2014. Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2015 cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2014, cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét. Năm 2016, GDP ước tính tăng 6,21%. Mức tăng này thấp hơn 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu đề ra là 6,7%. Tuy nhiên, nếu xét trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2016 không thuận, giá cả và thương mại toàn cầu giảm, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp, đây cũng là năm chuyển giao thế hệ lãnh đạo... thì việc đạt được mức tăng trưởng như trên là cũng là một thành công. Năm 2017, là năm đột phá của nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP ước tính đạt đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và vượt chỉ tiêu 6,7% Quốc hội đề ra hồi đầu năm.

Từ chỗ hiếm lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Từ chỗ khan hiếm hàng hóa, hiện nay trên thị trường mọi thứ hàng hóa được mua bán, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp. Tốc độ tăng xuất khẩu gần như liên tục đạt 2 chữ số. Quy mô xuất khẩu bình quân đầu người tăng mạnh Việt Nam đã có trên 20 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD và đứng thứ hạng cao trên thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ...(11).

Một trong những thắng lợi lớn của nền kinh tế, đó là sự bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư trong sản xuất nông nghiệp; đông thời phát huy tính tự chủ của các hộ nông dân, nhờ vậy mà giải phóng được sức sản xuất, tăng nhanh sản lượng hàng hóa, nhất là lương thực - thực phẩm để xóa đói, giảm nghèo và đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ mặt nông thôn Việt Nam đã được thay đổi rõ rệt nhiều mặt, tuy chưa đều giữa các vùng.

Việt Nam đã tranh thủ được môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường không ngừng được mở rộng, nguồn vốn tài trợ và đầu tư vào Việt Nam không ngừng gia tăng. Với ưu thế ổn định chính trị, lao động, vị thế địa kinh tế và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn vốn gián tiếp nước ngoài (FII).

Hội nhập kinh tế quốc tế giúp Việt Nam mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với các quốc gia, mở rộng thị trường, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu, thu hút nguồn lực quốc tế, phục vụ đắc lực phát triển và chuyển dịch cơ cấu, nâng cao tiềm lực kinh tế tạo điều kiện “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng”(12).

Hội nhập ASEAN bao gồm hai lĩnh vực lớn là hợp tác nội khối và hợp tác với các đối tác bên ngoài. Về Nội khối, từ năm 2003, Việt Nam đã chính thức tham gia AEC, thực hiện các cam kết tự do hóa trên các ngành: nông sản, ô tô, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ, điện tử, dệt may, thủy sản, vận tải hàng không, du lịch và y tế. Kết hợp với việc hài hòa cơ chế điều hành thương mại giữa các thành viên. Về ngoại khối, Việt Nam với tư cách thành viên đã tham gia các khuôn khổ FTA ASEAN+1, ASEAN+3, các Hiệp định đầu tư ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Ấn Độ. Đây là một số bước đi lớn để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Hội nhập trong ASEAN và thông qua ASEAN đã đem lại cho Việt Nam những lợi ích cụ thể như mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận được thị trường nội khối với thuế suất hầu hết ở mức 0%, vươn tới các thị trường lớn và các khu vực mà ASEAN đã thiết lập FTA. Đây cũng là con đường tối ưu để nước ta có thể tham gia vào mạng phân công lao động toàn cầu trên cơ sở sử dụng lợi thế cạnh tranh. Cho phép nước ta thu hút ngoại lực và tạo thuận lợi cho sự lưu chuyển vốn, công nghệ, nhân lực để phát triển nhanh, đi tắt, đón đầu, rút ngắn khoảng cách lạc hậu.

Sau 11 năm đàm phán, năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Sự kiện này, đánh dấu bước hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế toàn cầu, thể hiện cam kết mở cửa, hội nhập và cải cách kinh tế mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam. Việc trở thành thành viên chính thức của WTO có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam trong những năm qua; giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và tiếp cận yếu tố đầu vào như vốn, công nghệ mới với chi phí rẻ hơn; giúp người tiêu dùng hưởng lợi từ việc đa dạng hóa nguồn cung; kim ngạch xuất khẩu tăng đều đặn; cơ cấu xuất khẩu thay đổi tích cực, chuyển dịch dần từ sản phẩm thô sang công nghiệp chế biến và kể cả sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn.

Với khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Công và các tam, tứ giác phát triển tiểu vùng, qua đây Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn ODA đáng kể cho phát triển hạ tầng, giúp phát triển hệ thống giao thông, thủy điện, thủy lợi, thúc đẩy thương mại, đầu tư trong khu vực, đồng thời triển khai có hiệu quả hơn các chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế, xã hội ở các địa phương... Chỉ tính riêng lĩnh vực giao thông - vận tải, có thể kể hàng loạt dự án lớn, có vai trò quan trọng như quốc lộ 1A, quốc lộ 3, 5, 10; đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường xuyên Á TP.HCM - Mộc Bài kết nối với hệ thống đường bộ Campuchia và Thái Lan trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Công (GMS); hay hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, cầu Cần Thơ, cầu Thanh Trì, cầu Bãi Cháy, cảng Tiên Sa, Sân bay quốc tế Nội Bài... tạo nguồn lực và môi trường để tăng tiềm lực cho nền kinh tế độc lập tự chủ (13).

Bên cạnh những thành tựu quan trọng kể trên, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế cũng đang phải đối mặt với những vấn đề.

Thứ nhất, trong hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta chưa làm tốt việc đảm bảo độc lập, tự chủ, còn phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Chẳng hạn, chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo số liệu của ngành hải quan, “năm 2016, tổng giá trị kim ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc cán mức 72 tỷ USD. Còn theo công bố của Tham tán Thương mại Trung Quốc, con số này cao hơn nhiều: 87,84 tỷ USD. Theo đó, Việt Nam xuất 32,96 tỷ USD trong khi nhập từ Trung Quốc 54,88 tỷ USD, nhập siêu lên đến 22 tỷ USD... trong những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam nhập đến gần 17 tỷ USD nguyên, phụ liệu dệt may. Trong sản phẩm may mặc của Việt Nam, giá trị nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc chiếm đến 50%-65%, tùy theo mặt hàng. Còn về xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tươi sống của Việt Nam, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ lệ áp đảo với dưa hấu, chuối, sắn, cá, thịt heo...”(14).

Thứ hai, từ Trung ương đến địa phương, giữa các bộ ngành, trong giới doanh nghiệp và nhân dân nói chung còn chưa đạt được sự nhất trí cao trong nhận thức và hành động trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế. Một số có biểu hiện chủ quan, nóng vội, đơn giản trong khi một số bảo thủ, cầm chừng, lo ngại nhiều đến lợi ích cục bộ. Hội nhập quốc tế và giữ vững độc lập, tự chủ về mặt kinh tế là sự nghiệp chung của toàn xã hội, song việc triển khai mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở một số bộ, ngành ở Trung ương. Việc phối hợp giữa các bộ ngành chưa thật chặt chẽ và đồng bộ, do đó quá trình triển khai còn thiếu sự thống nhất, đôi khi còn nặng nề về coi trọng lợi ích cục bộ của bộ ngành mình, làm ảnh hưởng chung đến quá trình hội nhập. Vì vậy, thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, đôi khi lúng túng.

Thứ ba, chúng ta vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng một chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế, do đó chưa thật sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm độc lập, tự chủ trong quan hệ kinh tế thương mại. Chẳng hạn như, vẫn chưa chủ động trong xuất khẩu, khiến Việt Nam bị “thua” ngay cả ở những mặt hàng có thế mạnh như gạo, cà phê.

3. Một số giải pháp cơ bản nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam

Thứ nhất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế

Đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển sang tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu thông qua các bước đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Trước mắt, cần tập trung tháo gỡ các “nút thắt” trong phát triển kinh tế là cơ sở hạ tầng lạc hậu, nguồn nhân lực chất lượng thấp và hệ thống thể chế kinh tế  còn nhiều bất cập. Việc giải quyết nút thắt về cơ sở hạ tầng cần một lượng vốn đầu tư lớn. Việc giải quyết nguồn nhân lực và yếu kém về thể chế cần sự thay đổi tư duy và cải cách đồng bộ, mạnh dạn và triệt để; lợi thế cạnh tranh đang thay đổi theo hướng ưu thế thuộc về các yếu tố công nghệ và tri thức, vì vậy cần phải thay đổi cách nghĩ về lao động giá rẻ là lợi thế. Đồng thời, mạnh dạn táo bạo trong việc phát triển các ngành nghề mới cả trong công nghiệp và dịch vụ; trong chiến lược đầu tư phát triển các ngành kinh tế cần có sự lựa chọn và ưu tiên vào các ngành có lợi thế và tiềm năng.

Mở rộng và tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác, tạo nền tảng cho phát triển ổn định, bền vững. Đặc biệt, cần phải quan tâm các chuyển dịch cơ cấu, nhất là khuynh hướng dịch vụ hóa của nền kinh tế toàn cầu, với dịch vụ dựa trên công nghệ và tri thức cao, đã và đang tác động mạnh đến các quốc gia. Để tận dụng được các cơ hội và hóa giải thành công các thách thức trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam phải phát triển dịch vụ việc làm và dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và cần nhất là phải trở thành một mắt xích trong mạng sản xuất và phân phối của các công ty xuyên quốc gia.

Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải được thực hiện với những bước đi vững chắc, vừa tuần tự, vừa nhảy vọt, phát huy mạnh mẽ lợi thế của đất nước, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng bước, tiếp cận và ứng dụng kinh tế tri thức, hiện đại hóa về kinh doanh; phát triển công nghệ thông tin; phát huy nguồn lực trí tuệ và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam thông qua phát triển giáo dục - đào tạo; phát triển một số ngành công nghiệp then chốt, đặc biệt, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn phải luôn được coi trọng.

Thứ hai, đẩy mạnh quan hệ kinh tế đối ngoại, đảm bảo độc lập, tự chủ về kinh tế trong tình hình mới

Cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đàm phán, ký kết, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các FTA yêu cầu ở mức độ cao hơn trong hội nhập kinh tế toàn cầu. Cần nghiên cứu sâu các chính sách “mở cửa” và quá trình chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và các cam kết mang tính thể chế trong từng hiệp định như FTA/ASEAN. ASEAN +, WTO, CTTPP...) để tạo ra những cơ hội cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng tạo thêm việc làm...; giành thế chủ động trong đàm phán song phương để giảm thiểu những rủi ro, sức ép, tạo ra cơ hội thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện luật pháp trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với Hiến pháp, tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật của kinh tế thị trường và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; Nội luật hoá theo lộ trình phù hợp với những cam kết, quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ... bảo đảm tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức từ việc tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới như EVFTA và IPA được Việt Nam ký với Liên minh châu Âu ngày 30-6 vừa rồi.

Tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành và Chính phủ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế và các ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị - quốc phòng - an ninh, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế. Thí dụ như các chính sách kinh tế vĩ mô, các chính sách đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu trong hội nhập...

Phát huy vị thế quốc tế để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia khi triển khai các FTA thế hệ mới. Phát huy uy tín và vị thế quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, giữ vững độc lập, chủ quyền trong quá trình hội nhập. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngoại giao nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân trong quá trình hội nhập để phát huy tốt vai trò và thế mạnh của kênh đối ngoại...

Thứ ba, tăng cường khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tạo vị thế cho Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng

Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của đất nước. Thực hiện vấn đề này, trước hết phải luôn duy trì nền kinh tế ở mức độ tăng trưởng cao và bền vững; đồng thời, phải phát huy tối đa lợi thế so sánh nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, cần tận dụng triệt để vị trí địa kinh tế của Việt Nam để mở rộng sự ảnh hưởng của nền kinh tế nước ta trong khu vực và trên thế giới; phát huy lợi thế tài nguyên thiên nhiên để phát triển ngành kinh tế mà các nền kinh tế khác không có. Tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và tăng cường xuất khẩu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, tham gia ngày càng sâu rộng vào phân công lao động, hợp tác quốc tế. Đồng thời, chú trọng phát triển các sản phẩm truyền thống đã và đang có ưu thế trên thị trường quốc tế, như: hàng mỹ nghệ, hàng dệt may, giày da, thủy sản... Trong quan hệ với các doanh nghiệp nước ngoài, phải thực sự “biết mình, biết người”, tránh đối đầu trực tiếp với các đối thủ mạnh; đề cao đàm phán, thương lượng, biết chia sẻ cùng đối tác, tăng cường sự hợp tác để giảm áp lực cạnh tranh. Trước sự chi phối thị trường thế giới của các công ty xuyên quốc gia có thế lực, Việt Nam phải biết thâm nhập vào thị trường “ngách”, hướng tới những đối thủ còn bỏ ngỏ; phải luôn đổi mới sản phẩm (cả khi nó đang hưng thịnh), nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất; đổi mới khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, để tạo ưu thế cạnh tranh của hàng hóa.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2019

(1) Nguyễn Tất Giáp: Mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.72.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.60.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1996, tr.67-68.

(4), (5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.92, 166, 89.

(7) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.102.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.102.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.95.

(10) Xem Tổng cục thống kê, Tình hình kinh tế - xã hội, www. gso.gov.vn.

(11) Xem Bộ Công thương: Báo cáo tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP, Hà Nội, 2019.

(12) Nguyễn Viết Thảo: “Đảm bảo mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Số 5, 2010.

(13) Xem Viện kinh tế và chính trị thế giới, Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2010), Quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới của Việt Nam, Đề tài cấp Bộ năm 2010, Hà Nội.

(14) Lê Đăng Doanh, Tránh phụ thuộc một thị trường, Báo Người Lao động, 3-2017.

 

ThS Phan Thị Hồng Nhung

Trường Đại học Tân Trào

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền