Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Sự hình thành và nội dung của định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Thứ hai, 09 Tháng 12 2019 16:52
5520 Lượt xem

Sự hình thành và nội dung của định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

(LLCT) - Thuật ngữ “định hướng xã hội chủ nghĩa” và “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa” được xuất hiện lần đầu trong văn kiện Hội nghị Trung ương 9 khóa VI (8-1990), song phải đến Đại hội VII (1991) của Đảng mới được xác định rõ về nội dung và chính thức được sử dụng với ý nghĩa như một nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới của Đảng. Từ đó đến nay, Đảng ta không ngừng bổ sung, phát triển, ngày càng làm sáng tỏ hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

“Định hướng xã hội chủ nghĩa” và “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa” là những thuật ngữ được sử dụng nhiều trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam ở thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, chưa có một định nghĩa mang tính khái quát và chuẩn mực về thuật ngữ này.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 1997 (Nhà xuất bản Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học) do Hoàng Phê chủ biên thì “định hướng” có nghĩa là “xác định phương hướng”. Theo đó có thể hiểu “xã hội chủ nghĩa” trong cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” là xác định phương hướng cho các hoạt động trong hiện tại hướng đến mục tiêu xã hội chủ nghĩa trong tương lai.

Như vậy, bằng việc đưa ra khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện hai quan điểm: Một là gián tiếp xác định xã hội Việt Nam trong thời kỳ hiện tại chưa có và chưa phải là xã hội xã hội chủ nghĩa. Hai là khẳng định xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu hướng tới của cách mạng Việt Nam.

Sự hình thành quan điểm “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa” trong đường lối đổi mới của Đảng

Tìm trong các văn kiện của Đảng từ năm 1986 đến nay cho thấy, trước Đại hội VII của Đảng (năm 1991), cụm từ thường dùng để diễn đạt về các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là cụm từ “mục tiêu xã hội chủ nghĩa”. Ví dụ, trong văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (3-1989) có viết: “Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội”(1). Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (8-1989) vẫn tiếp tục sử dụng cụm từ “mục tiêu xã hội chủ nghĩa” như sau: “Để đạt được mục tiêu xã hội chủ nghĩa, về lâu dài, chúng ta phải làm cho quan hệ sở hữu xã hội chủ nghĩa chiếm ưu thế tuyệt đối trong nền kinh tế quốc dân”(2).

Đến Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (8-1990), trong quá trình thảo luận bản Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, có đề ra tư tưởng chỉ đạo giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách, trong đó có nêu: “Kiên định thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế do Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đề ra, đưa mọi hoạt động kinh tế đi vào hạch toán kinh doanh theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(3).

Đại hội lần thứ VII của Đảng (6-1991) tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó bài học kinh nghiệm đầu tiên có nội dung: “Phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới”(4). Sau đó, Đại hội VII xác định bảy phương hướng và năm định hướng lớn trên các lĩnh vực căn bản của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội với mục tiêu tổng quát là “làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh”.

Sau Đại hội VII, thuật ngữ “định hướng xã hội chủ nghĩa” và “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa” được sử dụng thường xuyên trong các văn kiện Đảng, trở thành vấn đề mang tính chiến lược và nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới của Đảng sau này.

Như vậy, có thể thấy, thuật ngữ “định hướng xã hội chủ nghĩa” và “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa” được xuất hiện lần đầu trong văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (8-1990), song phải đến Đại hội VII (1991) của Đảng, thuật ngữ đó mới được xác định rõ về nội dung và chính thức được sử dụng với ý nghĩa như một nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới của Đảng. Do đó, có thể xem Đại hội VII là Đại hội xác lập quan điểm “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa” trong đường lối đổi mới của Đảng.

Nội dung “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa” trong đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam

Trước những diễn biến phức tạp và dữ dội của tình hình thế giới cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và sự tan rã của Liên Xô, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những động thái quan trọng nhằm ứng phó với tình hình và xác định phương hướng cho con đường phát triển của Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã phân tích, đánh giá tình hình, đồng thời xác định con đường đi lên của Việt Nam trong thời kỳ quá độ đó là “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991 đã nhận định: “Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội và đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”(5). Từ nhận định quan trọng này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó thể hiện đầy đủ và toàn diện nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà cốt lõi của nó chính là “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nội dung giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được thể hiện tập trung ở ba điểm chính trong Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là: Mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ và những định hướng lớn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, Cương lĩnh năm 1991 xác định gồm sáu đặc trưng: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

Đến năm 2011, sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, tại Đại hội XII của Đảng, mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bổ sung thêm hai đặc trưng mới, đó là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự giám sát của nhân dân. Đồng thời, Cương lĩnh năm 2011 cũng có những điều chỉnh một số điểm khá quan trọng trong các đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Cương lĩnh 2011 xác định đến nay gồm tám đặc trưng: Là một xã hội dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự giám sát của nhân dân; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Đây chính là cái đích đạt tới - đích xã hội chủ nghĩa của Việt Nam theo quan niệm của Đảng trong điều kiện mô hình chủ nghĩa xã hội trước đây đã sụp đổ. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rằng để đạt tới đích này, Việt Nam phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài mà trong đó mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều phải đảm bảo hướng tới mục tiêu này.

Vì vậy, đồng thời với việc xác định mô hình xã hội hướng tới, Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra những phương hướng và định hướng cơ bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Định hướng trên lĩnh vực kinh tế được xác định: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo theo nghĩa có vai trò quyết định trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định và phát triển kinh tế, chính trị xã hội của đất nước.

Định hướng trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với giảm nghèo bền vững; “hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội”.

Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh, tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng. Chống mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, đồng thời chống việc lợi dụng tín ngưỡng để làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân.

Định hướng trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, sự ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực đế quốc, phản động phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và công an nhân dân.

Định hướng trên lĩnh vực đối ngoại: Hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên cơ sở những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình.

Định hướng trên lĩnh vực chính trị: Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, phải được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân do dân và vì dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp trong việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân và cá nhân tiêu biểu của các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Mặt trận hoạt động theo phương thức hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên theo chương trình hành động chung.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Nhận thức đúng và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong phát triển: Giữa đổi mới, ổn định và phát triển; Giữa đổi mới kinh tế - đổi mới chính trị; Kinh tế thị trường - định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển lực lượng sản xuất - xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; Tăng trưởng kinh tế - phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Xây dựng chủ nghĩa xã hội - bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; Giữa độc lập, tự chủ, - hội nhập quốc tế; Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ

Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp, làm cho Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh.

Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự xác lập, bổ sung, phát triển hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đó là việc xác lập, bổ sung và phát triển lý luận về mục tiêu của đổi mới, của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Như vậy, việc xác định và hoàn thiện hệ mục tiêu đổi mới đã rõ ràng, phù hợp với thực tiễn, với mong muốn của toàn dân và được cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ. Quan niệm về chủ nghĩa xã hội như vậy thể hiện rõ tính dân tộc và tính nhân dân, chú trọng lợi ích quốc gia - dân tộc là cốt lõi, là mục tiên hàng đầu của phát triển đất nước, phù hợp với xu hướng chung của sự phát triển thế giới. Quan niệm về chủ nghĩa xã hội như vậy vừa đúng quy luật, vừa thuận lòng dân, hợp với xu thế thời đại.

Là việc xác lập, bổ sung và phát triển lý luận về đặc trưng của xã hội chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những đặc trưng đó vừa phản ánh quan niệm tổng quát về chủ nghĩa xã hội vừa làm rõ nội dung các lĩnh vực của đời sống xã hội cần phải thực hiện, bảo đảm yêu cầu phát triển hài hòa, bền vững chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được xác định rõ về mục tiêu, mô hình, phương hướng, định hướng. Phát hiện ra 8 mối quan hệ lớn là một bước tiến mới, quan trọng về lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là 8 mối quan hệ tồn tại khách quan trong thực tiễn đổi mới, hôi nhập quốc tế để phát triển hiện đại hóa đất nước được Đảng ta khái quát hóa thành lý luận, có giá trị to lớn, gắn với 8 đặc trưng, 8 phương hướng tạo thành hệ thống quan điểm lý luận chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phản ánh tính quy luật của đổi mới - phát triển  công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong điều kiện bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, trong bối cảnh thời đại và thế giới đương đại.

__________________

(1), (2), (3), (4) PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc: Các đại hội đại biểu toàn quốc và hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2006), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.465, 473, 482, 496.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.230.

 

TS Phùng Thị Hiển

Khoa Lịch sử Đảng

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền