Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Điều kiện gia nhập Đảng trong tư tưởng của V.I.Lênin về đảng kiểu mới
Thứ năm, 23 Tháng 1 2020 22:41
2354 Lượt xem

Điều kiện gia nhập Đảng trong tư tưởng của V.I.Lênin về đảng kiểu mới

(LLCT) -  Trong lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga những năm đầu thế kỷ XX nổi lên cuộc đấu tranh lý luận hết sức gay gắt trong Đại hội II của Đảng, giữa những đảng viên kiên định các nguyên tắc cách mạng với những đảng viên cơ hội chủ nghĩa xung quanh điều kiện gia nhập đảng. Công thức của V.I.Lênin trở thành ranh giới phân biệt những người có quan điểm cách mạng và quan điểm cơ hội trong vấn đề xây dựng đảng về tổ chức; công thức ấy vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.

1. Công thức của V.I.Lênin về điều kiện gia nhập đảng và ý nghĩa đối với đảng kiểu mới của giai cấp công nhân

Trong số các tác phẩm lý luận nổi tiếng của V.I.Lênin viết trước Cách mạng Tháng mười đặt nền móng cho xây dựng chính đảng cách mạng kiểu mới của giai cấp công nhân Nga, tác phẩm “Một bước tiến, hai bước lùi” có vai trò đặc biệt quan trọng. Thông qua tác phẩm này, V.I.Lênin giải thích về những bất đồng đã xảy ra tại Đại hội II Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga (17-7 – 10-8-1903) giữa những đảng viên mác xít trung kiên, đứng đầu là V.I.Lênin, với bộ phận cơ hội chủ nghĩa trong đảng, đứng đầu là L.Mác-tốp, nhằm bảo vệ những nguyên tắc  xây dựng chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân Nga.

Công thức về điều kiện gia nhập đảng của V.I.Lênin trình bày trong Đại hội là: “Tất cả những người nào thừa nhận cương lĩnh của đảng và ủng hộ đảng bằng những phương tiện vật chất cũng như bằng cách tự mình tham gia một trong những tổ chức của đảng, thì được coi là đảng viên của đảng”(1). Theo đó, người muốn gia nhập đảng phải đáp ứng ba điều kiện: (1) thừa nhận cương lĩnh, điều lệ của Đảng; (2) đóng góp vật chất cho đảng; và (3) tự mình tham gia vào một trong những tổ chức của Đảng. Trong khi đó công thức của L.Mác-tốp lại là: “ Tất cả những người nào thừa nhận cương lĩnh của đảng, ủng hộ đảng bằng những phương tiện vật chất và tự mình giúp đỡ đảng một cách dều đặn, dưới sự chỉ đạo của một trong các tổ chức của đảng thì đều được coi là đảng viên của Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga”(2). Theo V.I.Lênin, ý thứ ba trong công thức của L.Mác-tốp là một câu rỗng tuếch. Nếu đảng viên không gắn mình vào một tổ chức cụ thể nào đó của Đảng, thì “liệu các cơ quan của đảng có thể thực sự chỉ đạo những đảng viên không gia nhập một tổ chức nào của đảng được không?”(3).

V.I.Lênin chỉ ra rằng, thực chất công thức của L.Mác-tốp về tiết 1 điều lệ Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga là nhằm mở rộng cửa cho tất cả những ai có cảm tình với đảng, gồm những giáo sư, học sinh trung học, người đi biểu tình... đều có thể tuyên bố là đảng viên của đảng, qua đó xóa nhòa ranh giới giữa người đảng viên của đảng - những chiến sỹ cách mạng trong đội tiên phong - với quần chúng ngoài đảng. Hơn nữa, khi đã dễ dãi trao danh hiệu đảng viên cho những người có cảm tình với đảng như vậy, những đảng viên này cũng không chịu sự ràng buộc của bất kỳ một tổ chức đảng nào; họ là đảng viên nhưng không thuộc về một tổ chức nào của đảng.

Phụ họa cho luận điểm của L.Mác-tốp, Ác-xen-rốt - một lãnh đạo khác của Đảng Công nhân - dân chủ Nga cũng cho rằng: trong Đảng cần có hai loại đảng viên, một loại đảng viên nằm trong tổ chức, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của một cơ quan lãnh đạo của Đảng và một loại đảng viên không chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của bất kỳ tổ chức đảng nào. Phê phán quan điểm này. V.I.Lênin viết: “người đối biện của tôi thì lại lẫn lộn, ở trong đảng, những phần tử có tổ chức với những phần tử không có tổ chức, những phần tử chịu sự lãnh đạo với những phần tử không chịu sự lãnh đạo, những phần tử tiên tiến với những kẻ lạc hậu bất trị”(4). Theo V.I.Lênin, sự lẫn lộn như vậy thật nguy hiểm cho vấn đề tổ chức của Đảng.

Trái với quan điểm của những người cơ hội chủ nghĩa, Lênin cho rằng: “đội tiền phong của giai cấp, phải hết sức có tổ chức, rằng đảng chỉ nên thu nhận những phần tử ít nhất cũng phải chấp nhận một tính tổ chức tối thiểu”(5), và rằng: “các tổ chức đảng của chúng ta bao gồm những người dân chủ - xã hội chân chính mà càng mạnh mẽ bao nhiêu, và trong nội bộ đảng càng ít có tình trạng dao động và không kiên định bao nhiêu thì ảnh hưởng của đảng đối với những người trong quần chúng công nhân chung quanh đảng và chịu sự lãnh đạo của đảng, sẽ càng rộng rãi, càng nhiều mặt, càng phong phú, càng hiệu quả bấy nhiêu. Thật vậy, không được lẫn lộn đảng, tức là đội tiền phong của giai cấp công nhân, với toàn bộ giai cấp”(6). Theo công thức của V.I.Lênin thì Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga chỉ chấp nhận đưa những người ưu tú trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động: thừa nhận cương lĩnh, điều lệ đảng; đóng góp vật chất cho Đảng và đặc biệt  là phải tự nguyện, tự giác hoạt động trong một tổ chức cụ thể của Đảng, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, giám sát của Đảng đối với đảng viên. Nếu không thực hiện những điều kiện này, thì không thể nào xây dựng được một chính đảng cách mạng, chiến đấu, có tổ chức chặt chẽ và thống nhất cho giai cấp công nhân Nga nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng vô sản đang đến gần.

Khi phê phán quan điểm cơ hội chủ nghĩa trong công thức của L.Mác-tốp về tiết 1 điều lệ đảng, V.I.Lênin cho rằng, công thức đó biến đảng thành con số cộng giản đơn những đảng viên và các tổ chức của đảng, cũng như với các tổ chức ngoài đảng lại với nhau, đảng không có hình thù rõ rệt nào; thậm chí trong đảng có cả những tổ chức không phải là tổ chức đảng.

Hệ quả tai hại của việc bất kỳ ai: (1) ủng hộ đảng bằng những phương tiện vật chất, cũng như thường xuyên giúp đỡ đảng; (2) dưới sự chỉ đạo của một trong những tổ chức của đảng đều có thể được coi là đảng viên của Đảng Dân chủ - xã hội Nga sẽ tất yếu dẫn đến: đảng không chỉ không có hình thù về tổ chức như nói ở trên, mà còn làm vô hiệu chế độ tập trung trong đảng; vô hiệu đường lối xây dựng đảng từ trên xuống. Theo V.I.Lênin, đó chính là một thứ “chủ nghĩa dân chủ” giả hiệu. Thật vậy, chế độ tập trung trong đảng phỏng có nghĩa lý gì khi đảng viên không tham gia sinh hoạt, không gắn với bất kỳ tổ chức nào của Đảng. Đường lối xây dựng đảng từ trên xuống cũng trở nên vô hiệu, bởi đường lối ấy quy định: xây dựng đảng phải bắt đầu từ đại hội đại biểu toàn quốc; đại hội bầu ra các cơ quan trung ương của đảng; các cơ quan trung ương chỉ định các tổ chức đảng địa phương; tổ chức đảng địa phương chỉ định và công nhận các tổ chức đảng bên dưới. Vậy, nếu đảng viên không bị bắt buộc hoạt động trong một tổ chức của Đảng thì làm sao có thể chỉ định và công nhận bất kỳ tổ chức bên dưới nào? Các tổ chức đảng cấp trên làm sao lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý giám sát được tổ chức đảng bên dưới và đảng viên. 

Công thức của V.I.Lênin về điều kiện gia nhập đảng hướng tới xây dựng đảng của giai cấp công nhân thành một chỉnh thể cố kết chặt chẽ, thống nhất và hết sức có kỷ luật. Đảng không phải là con số cộng giản đơn các tổ chức của Đảng, mà là một tổng hợp các tổ chức, một phức số; mỗi người đảng viên đều được đặt vào vị trí của mình để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức giao cho. Do những quy định chặt chẽ trong công thức của V.I.Lênin về tiết 1 điều lệ đảng, nên đã thúc đẩy hoạt động tổ chức mạnh mẽ trong Đảng, gắn kết các tổ chức của Đảng lại thành một khối; thực hiện được chủ trương xây dựng đảng từ trên xuống; chế độ tập trung trong Đảng được thực hiện; các cơ quan lãnh đạo cấp trên có thể chỉ định thành lập, tiến hành lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát các tổ chức bên dưới và kết nạp, khai trừ đảng viên. Khẳng định nguyên tắc tổ chức xây dựng đảng từ trên xuống, V.I.Lênin chỉ rõ: “nguyên tắc tổ chức của phái dân chủ - xã hội cách mạng thì chủ trương đi từ trên xuống dưới, nó bảo vệ chủ trương mở rộng quyền hạn và quyền lực của trung ương đối với bộ phận”(7). Nguyên tắc này hoàn toàn đối lập với nguyên tắc tổ chức của các phần tử cơ hội chủ nghĩa, nhằm xây dựng đảng đi từ dưới lên và thừa nhận quyền tự trị của một số đảng bộ địa phương.

2. Quan điểm của V.I.Lênin và Khoản 2, Điều 1, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam về điều kiện trở thành đảng viên của Đảng

Tiết 1 điều lệ đảng luôn có vị trí cực kỳ quan trọng trong điều lệ của các đảng cộng sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Quan điểm của V.I.Lênin vẫn còn nguyên giá trị đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ ngày thành lập đến nay. Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tại hội nghị thành lập Đảng ngày 3-2-1930, tại mục “3. LỆ VÀO ĐẢNG” đã ghi rõ: “Ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình đảng và Quốc tế Cộng sản, hăng hái đấu tranh và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đống kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận đảng thời được vào Đảng”(8). Ngay từ bản Điều lệ vắn tắt đầu tiên này, Đảng ta đã thể hiện sự vận dụng trung thành và phát triển sáng tạo nguyên lý Đảng kiểu mới của V.I.Lênin về điều kiện gia nhập đảng, ở đó thể hiện rõ ba điểm hết sức quan trọng: (1) Những ai thừa nhận và thực hiện mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh hành động của Đảng; (2) Đóng kinh phí cho Đảng; (3) Chịu phấn đấu trong một bộ phận đảng thời được vào Đảng. Trải gần chín mươi năm đấu tranh cách mạng kiên cường, cho đến hôm nay, những tư tưởng căn bản về điều kiện trở thành đảng viên của Đảng vẫn được gìn giữ và nghiêm túc thực hiện trong Đảng ta. Tại Điều 1, Khoản 2, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI ghi rõ: “2. Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét kết nạp vào Đảng”(9). Những quy định ở Khoản 2, Điều 1, Điều lệ Đảng ngày nay, tuy có quy định thêm những điều kiện để một quần chúng ưu tú có thể được xem xét kết nạp vào Đảng cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, song những điều kiện căn bản nhất, cực kỳ quan trọng để một quần chúng có thể gia nhập Đảng không hề thay đổi: (1) Thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên; (2) Hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng đều có thể được xem xét kết nạp Đảng.

Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, có một thực trạng là: những công nhân ở các doanh ngiệp ngoài nhà nước và người nông dân ở nông thôn, khi phấn đấu trở thành đảng viên, họ đương nhiên phải gắn với một tổ chức cơ sở đảng nhất định (theo quy định của Điều lệ Đảng). Nhưng vì mưu sinh, vì việc làm theo yêu cầu của chủ doanh nghiệp, họ gặp rất nhiều khó khăn khi giữ mối liên hệ với chi bộ và chấp hành các chế độ sinh hoạt đảng theo quy định. Một số đảng viên do không vượt qua được khó khăn trong sinh hoạt đảng, đã xin ra khỏi đảng. Với thực trạng đó, có một số tổ chức đảng đã linh hoạt: (1) Cho phép đảng viên sinh hoạt chi bộ đảng qua mạng xã hội; (2) Cho phép đảng viên đóng đảng phí một lần cho nhiều lần; (3) Hoặc cho phép sinh hoạt đảng cách quãng; (4) Và “sáng tạo” những hình thức sinh hoạt chi bộ qua các cuộc dã ngoại, kết hợp sinh hoạt chi bộ với sinh hoạt câu lạc bộ nhóm;... Từ đây xuất hiện quan điểm cho rằng: Đảng nên có quy định cho phép một số đảng viên không nhất thiết phải hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng và Đảng chỉ cần trao cho những đảng viên đó thẻ đảng để họ sinh hoạt ở một “câu lạc bộ đảng” nào đó, tổ chức trong các doanh nghiệp hoặc ở đơn vị công cộng là đủ! Như vậy, bóng dáng của những quan điểm sai trái đã từng bị V.I.Lênin phê phán trước đây về điều kiện trở thành đảng viên của đảng cộng sản đã xuất hiện manh nha ở nước ta trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội mới. Hiện tượng này cần sớm được nghiên cứu, đấu tranh, khắc phục. Phải khẳng định rằng, nếu chỉ thay đổi một trong số các điều kiện để một quần chúng ưu tú có thể được kết nạp vào Đảng, đặc biệt là điều kiện bắt buộc đảng viên phải sinh hoạt trong  một tổ chức cơ sở của Đảng, thì toàn bộ công tác xây dựng đảng sẽ thay đổi căn bản và phá hoại toàn bộ hệ thống tổ chức của Đảng. Khi ấy tất cả các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng không có ý nghĩa gì nữa. Chính cuộc đấu tranh kiên cường của V.I.Lênin chống chủ nghĩa cơ hội về mặt tổ chức ở Đại hội II của Đảng công nhân – dân chủ xã hội Nga năm 1903 đã chỉ cho chúng ta thấy ý nghĩa to lớn của việc bảo vệ những điều kiện kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng, thể hiện ở Điều 1 của Điều lệ Đảng, trong công tác xây dựng Đảng ta hôm nay.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2019

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7) V.I. Lênin: Toàn tập, t.8, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.268, 268, 269, 286, 286, 288-289, 467.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.7

(9) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.8.

PGS, TS Ngô Huy Tiếp

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền