Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tác động của biến đổi tôn giáo đối với phong tục, tập quán truyền thống Việt Nam
Thứ năm, 27 Tháng 2 2020 16:03
21169 Lượt xem

Tác động của biến đổi tôn giáo đối với phong tục, tập quán truyền thống Việt Nam

(LLCT) - Biến đổi tôn giáo ở Việt Nam có tác động lớn đến phong tục, tập quán truyền thống trên cả hai chiều hướng: tích cực và tiêu cực. Một mặt nó góp phần phục hồi nhiều phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần thay đổi lối sống, hành vi của một bộ phận người dân; mặt khác cũng làm hồi sinh nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu, làm biến dạng, phai mờ một số phong tục, tập quán truyền thống. Những tác động này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cho Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Những thập niên gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đời sống tôn giáo thế giới diễn biến đa dạng và phức tạp. Số lượng các tôn giáo trên thế giới không ngừng gia tăng; các tôn giáo lớn, có lịch sử lâu đời như Công giáo, Hồi giáo, Tin lành, Phật giáo,... đang nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra khỏi các khu vực truyền thống và tích cực thích nghi, hội nhập, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, tác động lớn tới đời sống chính trị- xã hội của nhiều quốc gia. Sự biến đổi theo khuynh hướng nhập thế nói trên đã đem lại cho đời sống tôn giáo thế giới một sự khởi sắc mới, đóng góp tích cực cho xã hội, đồng thời, tạo ra nhiều hệ lụy phức tạp cho đời sống của nhân loại.

Trong bối cảnh đó, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước đã làm cho đời sống tôn giáo ở Việt Nam có những biến chuyển đáng kể. Sự biến đổi tôn giáo ở Việt Nam diễn ra trên tất cả các phương diện từ niềm tin tôn giáo đến thực hành tôn giáo và cộng đồng tôn giáo. Nhìn chung, hầu hết các tôn giáo ở Việt Nam đều nỗ lực để mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong xã hội. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của rất nhiều hiện tượng tôn giáo mới ở khắp các vùng miền trên cả nước.

Những biến đổi trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam những năm gần đây có tác động rất lớn tới phong tục, tập quán của người dân Việt Nam trên cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.

1. Tác động tích cực

Trong bối cảnh các sinh hoạt tôn giáo được khởi sắc, nhiều phong tục, tập quán chứa đựng giá trị nhân văn của dân tộc cũng được phục hồi trở lại và được thực hành sống động trong đời sống xã hội. Các phong tục như đi lễ chùa đầu năm, ăn chay, phóng sinh gắn với những biến đổi của Phật giáo là những ví dụ điển hình.

Đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam từ ngàn xưa. Sau lễ giao thừa, người dân lên chùa cầu cho gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc, đất nước được thái hòa,... Những năm gần đây, cùng với đà phát triển của đất nước, nhiều ngôi chùa được trùng tu và xây mới khang trang ở khắp các tỉnh, thành. Người đi lễ chùa vào các ngày rằm, mùng một hằng tháng, vào dịp lễ tết ngày càng đông hơn. Sau nghi lễ giao thừa chào đón năm mới, đền, chùa và các cơ sở thờ tự của tín ngưỡng dân gian luôn nườm nượp khách dâng hương. Không khí nhộn nhịp này diễn ra từ ngày đầu năm mới đến hết tháng Giêng. 

Ăn chay (Chữ chay nguyên âm là Trai, dịch từ nguyên nghĩa chữ Phạn - Upavasatha, có nghĩa là Thanh tịnh), theo quan niệm của đại đa số tín đồ Phật giáo (Bắc tông) Việt Nam, ăn chay mang đến cho con người thân tâm thanh tịnh và lòng từ bi với chúng sinh. Ngày nay, số người theo Phật giáo và thực hành ăn chay ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu của Phật tử, nhiều chùa thường tổ chức nấu cơm chay phục vụ tín đồ đi lễ vào các ngày rằm, mùng một. Bên cạnh đó, có khá nhiều quán ăn, nhà hàng chuyên phục vụ đồ chay cho nhu cầu ăn chay ngày càng đông của người dân. Tuy nhiên, không phải 100% số người ăn chay ở Việt Nam hiện nay đều là tín đồ Phật giáo, nhưng đa phần trong đó đều có ảnh hưởng từ niềm tin Phật giáo.

Tục phóng sinh (bắt nguồn từ Phật giáo Trung Quốc) cũng mang ý nghĩa sâu xa nhằm chuyển tải thông điệp từ bi và tôn trọng sự sống muôn loài của Đức Phật. Phong tục này đã có ảnh hưởng từ lâu trong dân gian Việt Nam và những năm gần đây cũng được một số nhà tu hành Phật giáo quan tâm phục hồi trở lại.

Có thể nói, đi lễ chùa đầu năm, ăn chay, phóng sinh là những phong tục đẹp được duy trì trong sinh hoạt Phật giáo ở Việt Nam, đã góp phần giáo dục tinh thần hướng thiện cho con người Việt Nam từ xưa đến nay.

Ngoài ra, một số phong tục, tập quán khác cũng chịu tác động rất lớn từ sự biến đổi của Phật giáo. Xu hướng các bạn trẻ tìm đến nhà chùa làm lễ hằng thuận (kết hôn) để tăng tính thiêng cho nghi lễ hôn nhân đang gia tăng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cùng với đó, tang ma của một bộ phận người dân Việt Nam hiện nay (người Kinh) cũng có sự hiện diện của nhà sư làm lễ cầu siêu cho linh hồn người chết. Bên cạnh đó là các nghi lễ như lập đàn cúng 35 ngày, 49 ngày,... cũng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Những hoạt động trên nếu được tổ chức ở những chừng mực nhất định sẽ có tác dụng thỏa mãn nhu cầu tâm linh, cân bằng đời sống tinh thần cho một bộ phận người dân; đây cũng là một nét đẹp mà Phật giáo đem lại cho văn hóa truyền thống của dân tộc.

Với đạo Tin lành, sự hiện diện của tôn giáo này cùng với những giáo lý, luật lệ, lễ nghi của nó đã làm thay đổi hẳn lề lối sinh hoạt, cách sống và hành vi ứng xử trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) theo đạo. Từ niềm tin vào thế giới đa thần, một bộ phận đồng bào DTTS chuyển sang niềm tin vào thế giới độc thần với sự sáng tạo của Chúa. Sự thay đổi thế giới quan này đã kéo theo nhiều thay đổi về lối sống, nếp sống của đồng bào. Khi theo đạo, đồng bào DTTS được giải phóng khỏi những ràng buộc của các lễ nghi phiền toái, tốn kém và những kiêng cữ lạc hậu, dần dần hình thành trong cộng đồng một nếp sống mới. Thực tế tại khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên cho thấy, ở làng bản nào có đông người DTTS theo đạo Tin lành thì ở đó lối sống của đồng bào có nhiều mặt tiến bộ hơn như: ăn ở hợp vệ sinh hơn, khu vực nhà ở và nguồn nước sinh hoạt được quan tâm hơn; đường vào các làng bản được dọn dẹp sạch sẽ; các hủ tục lạc hậu giảm bớt, trai làng không uống rượu, không hút thuốc; khi ốm đau đã không còn tin vào việc cúng ma, trừ tà mà đã biết đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh; đã không còn để người chết ở lâu trong nhà gây ô nhiễm như trước; cưới xin, tang ma không tổ chức dài ngày mà tiết kiệm hơn, tang ma không phải mổ trâu, mổ bò cúng tế linh đình; việc học hành của con cái cũng được quan tâm hơn,...

Theo tác giả Nguyễn Quỳnh Trâm khảo sát tại tỉnh Lào Cai năm 2014: tiền thách cưới của người Mông theo tín ngưỡng truyền thống thường dao động từ 40-50 triệu đồng, nhưng ở bộ phận người Mông theo đạo Tin lành chỉ còn khoảng 10 triệu đồng; Chi phí cho một đám cưới của người Mông theo tín ngưỡng truyền thống khoảng 70 triệu đồng, còn người theo đạo Tin lành chỉ còn khoảng 20 triệu đồng(1). Hiện nay, đa phần người Mông theo đạo Tin lành ở khu vực Tây Bắc cho rằng, khi gia nhập đạo họ được học cách giữ gìn vệ sinh cá nhân và gia đình (73,5%); có đến 92,3% không đồng ý việc mổ trâu, bò khi có tang ma; đồng thời, cũng có rất ít người theo đạo muốn tổ chức tang ma kéo dài từ 3 đến 5 ngày (3,1%); có 68,9% số người Mông theo đạo cho rằng, khi theo đạo họ quan tâm hơn đến việc học tập của con cái(2).     

Trước đây, đời sống sinh hoạt, giao lưu của đồng bào các DTTS thường chỉ khép kín trong nội bộ dòng họ, làng bản, tộc người thì từ khi theo đạo Tin lành, quan hệ giao lưu được mở rộng ra với đồng đạo bên ngoài phạm vi dòng họ, làng bản và với cộng đồng các tộc người khác. Ngoài ra, sinh hoạt tôn giáo cũng là môi trường để các tín đồ học hỏi, tăng cường hiểu biết những kiến thức mới giúp đồng bào có thêm tri thức về chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, buôn bán và trở nên năng động hơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, đạo Tin lành đã đem đến cho một bộ phận đồng bào các DTTS lối sống mới có nhiều yếu tố tích cực.

2. Tác động tiêu cực

Bên cạnh tác động tích cực, biến đổi tôn giáo ở Việt Nam cũng có tác động tiêu cực không nhỏ tới phong tục, tập quán của người Việt Nam, để lại những hệ lụy cho văn hóa dân tộc. Cùng với sự sôi động của đời sống tôn giáo, nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu cũng có cơ hội hồi sinh mạnh mẽ.

Với Phật giáo, sự tác động của nền kinh tế thị trường cùng xu thế thế tục hóa đã làm cho nhiều phong tục, tập quán truyền thống được dung chứa trong sinh hoạt Phật giáo dần trở nên biến dạng, sai lệch.

Phong tục đi lễ chùa đầu năm, tục phóng sinh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những phong tục này đang bị thực hành một cách sai lệch, biến tướng. Rất nhiều người không còn quan tâm đến ý nghĩa thực sự của việc đi lễ chùa đầu năm, của việc phóng sinh, ăn chay,.. mà thực hành các phong tục đó theo phong trào và mang tính hình thức. Mùa lễ hội đầu năm, người người, nhà nhà đi lễ chùa để cầu đủ thứ theo nhu cầu trần tục, chen chúc, xô bồ. Nghi lễ phóng sinh hiện nay cũng được thực hiện theo phong trào, cho có lệ mà quên mất ý nghĩa thực sự của nó. Vào mỗi mùa Vu lan, nhiều người đến chùa phóng sinh chim, cá; khi phóng sinh song, chim, cá lại bị bắt trở lại và đem bán tiếp. Chính vì vậy, sau một số nghi lễ phóng sinh của nhà chùa, chim, cá không những không được cứu mạng mà còn chết hàng loạt.

Bên cạnh đó, sự biến động tôn giáo đã hình thành thị trường tôn giáo với các loại hình dịch vụ tâm linh. Điều đó có thể nhận thấy rất rõ trong hoạt động sôi động của Phật giáo. Sự huyên náo của các loại dịch vụ như vàng mã, cầu an, cầu siêu, trừ ma, trừ tà, bốc bát hương, xem hướng nhà, hướng bếp,... nở rộ ở nhiều địa phương, gây tốn kém tiền của của xã hội. Sinh hoạt Phật giáo ở một số nơi đang bị biến tướng với những hoạt động tiêu cực, có tác động rất xấu tới đời sống xã hội. Hiện tượng dâng sao, giải hạn ở một số chùa khu vực miền Bắc hay hiện tượng cúng oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng gần đây gây ra nhiều hệ lụy xấu cho Phật giáo và cho xã hội.

Các nghi lễ tang ma ở một bộ phận người dân cũng được phục hồi khá rườm rà, tốn kém với nhiều thủ tục như xem ngày, kén giờ, giải trùng tang, lập đàn cầu siêu, cúng lễ linh đình có sự trợ giúp của các nhà tu hành Phật giáo với mức chi phí không hề nhỏ. Ở thành phố Hải Phòng, gần chục năm nay đã hình thành  dịch vụ dẫn vong với sự tham dự rất cầu kỳ của Phật giáo và đã từng có đám tang nhà chùa nhận làm dịch vụ tổ chức trọn gói lên đến 150 triệu đồng(3).

Trong xu thế mới, việc thực hành đức tin của tín đồ Công giáo Việt Nam cũng có những biến đổi nhất định và cũng có những tác động tiêu cực nhất định tới đời sống của đồng bào. Theo giáo lý Kitô giáo, Đức Maria và các thánh không có quyền ban ơn mà chỉ có vai trò “cầu bầu” làm trung gian giữa Thiên Chúa và tín đồ, nhưng với người Công giáo Việt Nam, Đức mẹ Maria từ lâu đã được tôn xưng là Thánh Mẫu với lòng thành kính vô hạn. Những năm gần đây, một bộ phận người Công giáo Việt Nam cũng có chiều hướng sùng kính Đức Mẹ một cách thái quá theo chiều hướng mê tín dị đoan.

Tác động tiêu cực nhất của sự biến đổi tôn giáo đối với phong tục, tập quán truyền thống của người Việt Nam là sự phát triển và tác động của đạo Tin lành đối với phong tục tập quán truyền thống của đồng bào DTTS. Nhiều giá trị tốt đẹp trong phong tục tập quán truyền thống của đồng bào đã bị ảnh hưởng thậm chí bị loại bỏ hoàn toàn. Chẳng hạn, với người Mông, thờ cúng tổ tiên, thờ thần bản mệnh cộng đồng, dòng họ,... là một trong những tín ngưỡng truyền thống, là chất keo cố kết mọi thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng thông qua việc thực hành các nghi lễ cúng tế. Tuy nhiên, với bộ phận người Mông theo đạo Tin lành, do sự khác biệt trong đức tin nên các nghi lễ nói trên đều bị xóa bỏ và được thay thế hoàn toàn bằng các nghi lễ tôn giáo. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, chỉ có 4,4% người Mông theo đạo Tin lành ở khu vực Tây Bắc còn thực hiện nghi lễ thờ cúng tổ tiên, có tới 95,6% không thực hiện(4). Người Mông cũng có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ Tạ ơn (Thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, cha mẹ); Lễ Nào cống, Lễ Nào sồng (Lễ quy ước cùng nhau thực hiện những quy định chung của cộng đồng); Lễ hội Gầu tào (Gia chủ cầu con, cộng đồng cầu được mùa, trai gái trao duyên hẹn ước nên đôi),... Các lễ hội của người Mông còn chứa đựng khá nhiều giá trị văn hóa độc đáo, tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 6,1% người Mông theo đạo tham gia vào các lễ hội dân tộc nói trên (5).

Ở khu vực Tây Nguyên cũng đã từng xảy ra tình trạng tương tự như khu vực Tây Bắc, thời kỳ đầu, khi mới từ bỏ niềm tin truyền thống để đi theo Tin lành, đa phần đồng bào các DTTS cũng đoạn tuyệt hoàn toàn với văn hóa truyền thống, gây nên những đứt gãy văn hóa, làm phai nhạt bản sắc văn hóa tộc người, làm mất dần bản sắc Tây Nguyên(6).

Bên cạnh những tác động do sự biến đổi của các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành, một số hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện trong những thập niên gần đây cũng có tác động không nhỏ đến phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc.

Những hiện tượng tôn giáo mới liên quan đến thờ cúng Vua Hùng, thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân văn hóa của dân tộc xuất hiện ngày càng nhiều, một mặt như muốn khẳng định, tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, nhưng mặt khác những hiện tượng này cũng có tác động xấu tới văn hóa, phong tục, tập quán và đạo đức xã hội. Ở một số địa phương, tín đồ theo các hiện tượng tôn giáo mới nói trên đã dỡ bỏ bàn thờ tổ tiên, gây xung đột, mất đoàn kết trong gia đình, dòng họ.

Đặc biệt, trong trào lưu của các hiện tượng tôn giáo mới, xuất hiện những hiện tượng tôn giáo mang tính phản văn hóa, phi nhân tính có tác động cực kỳ tiêu cực đối với văn hóa, đạo đức, với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Hiện tượng giáo phái Tốc Phạ ở Thuận Châu, Sơn La hay hiện tượng Chân Không của Lưu Văn Ty một thời là những ví dụ điển hình. Hiện nay, các hiện tượng tôn giáo mới như Hà mòn, Amí sa rí ở Tây Nguyên với nhiều biểu hiện mê tín dị đoan cũng đã và đang có những tác động tiêu cực tới đời sống văn hóa xã hội của đồng bào các DTTS. Hay gần đây nhất là sự phát triển của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ tại nhiều tỉnh thành trong cả nước dấy lên hồi chuông báo động về những tác động tiêu cực của các hiện tượng tôn giáo mới đối với văn hóa, phong tục, đạo đức truyền thống của dân tộc trong thời kỳ mới. Hoặc hoạt động của nhóm người tu theo pháp môn lạ gây nên cái chết cho hai người ở Bình Dương cũng cho thấy, hiện tượng tôn giáo mới không chỉ có tác động xấu đến văn hóa, phong tục, đạo đức truyền thống mà còn có tác động xấu đến an ninh, trật tự xã hội.

Thực tế nói trên đang đặt ra nhiều vấn đề cho Đảng, Nhà nước ta, đó là làm sao để phát huy được những nét hay, nét đẹp của tôn giáo phục vụ cho quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng đồng thời cũng hạn chế được những tác động tiêu cực của nó đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019

* Bài báo là sản phẩm của đề tài: “Những vấn đề mới trong tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay”. Mã số: CTDT: 34.18/16-20.

(1) Nguyễn Quỳnh Trâm: Văn hóa của người Hmông theo Tin lành ở tỉnh Lào Cai, Luận án Nhân học - Học viện KHXHVN, 2016.

(2), (4), (5) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Báo cáo tổng quan Dự án điều tra cơ bản: Điều tra, khảo sát sự biến đổi về văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sau khi gia nhập đạo Tin lành ở Tây Bắc (Chủ nhiệm Dự án: PGS,TS Lê Văn Lợi), Hà Nội, 2017.

(3) Dịch vụ tổ chức tang lễ được khởi phát từ chùa Vẻn (đường Tô Hiệu, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng).

(6) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Khảo sát của đề tài: Những vấn đề mới trong tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay. Mã số: CTDT: 34.18/16-20, thực hiện năm 2018-2019 tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum).

PGS, TS Hoàng Thị Lan

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền