Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Giá trị bền vững của tư tưởng C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội
Thứ bảy, 18 Tháng 4 2020 15:46
9473 Lượt xem

Giá trị bền vững của tư tưởng C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội

(LLCT) - Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội phản ánh sự phát triển hợp lôgíc của lịch sử tư tưởng nhân loại, đáp ứng thực tiễn cách mạng của giai cấp công nhân. Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực lý luận khoa học về quân đội và có giá trị trong thời đại ngày nay. 

Từ khóa: tư tưởng C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội.

1. Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội

Kế thừa những hạt nhân hợp lý trong lịch sử tư tưởng về quân đội, bằng thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, C.Mác và Ph.Ăngghen đã tiếp cận và xây dựng lý luận về quân đội rất khoa học, cách mạng, phản ánh thực tiễn của thời đại trên lập trường của giai cấp vô sản. Tư tưởng của các ông về quân đội thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Về nguồn gốc ra đời của quân đội. Trong tác phẩm Quân đội, Ph.Ăngghen viết: “Quân đội là một tập đoàn người vũ trang có tổ chức, do nhà nước xây dựng nên và dùng vào cuộc chiến tranh tấn công hoặc chiến tranh phòng ngự”(1). Trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước, xuất phát từ nhận thức sâu sắc các quan hệ kinh tế - xã hội hiện thực, Ph.Ăngghen cho rằng, quân đội là một hiện tượng lịch sử, ra đời ở một giai đoạn nhất định của xã hội, gắn với sự ra đời của giai cấp, nhà nước, là tổ chức đặc biệt của nhà nước. Từ phân tích mâu thuẫn giữa các giai cấp đối kháng và các nhà nước, Ph.Ăngghen chỉ rõ, chế độ tư hữu và đối kháng giai cấp trong xã hội là nguồn gốc khách quan làm xuất hiện và tồn tại nhà nước; để bảo vệ địa vị, lợi ích của mình và đàn áp quần chúng nhân dân lao động, giai cấp thống trị tổ chức ra quân đội. Theo đó, nguồn gốc sâu xa sự ra đời và tồn tại quân đội gắn với sự ra đời và tồn tại chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; nguồn gốc trực tiếp xuất hiện và tồn tại quân đội là do xã hội có sự phân chia giai cấp và đối kháng giai cấp.

Từ thực tiễn xã hội loài người, Ph.Ăngghen chứng minh, trong xã hội cộng sản nguyên thủy “không có quân đội, hiến binh và cảnh sát, không có quý tộc, vua chúa, tổng đốc, trưởng quan và quan tòa, không có nhà tù, không có những vụ xử án, - thế mà mọi việc đều trôi chảy”(2). Đến thời kỳ cuối của công xã nguyên thủy, sự phát triển của lực lượng sản xuất đã làm tăng năng suất lao động và xuất hiện của cải dư thừa trong xã hội. Những người có chức quyền trong thị tộc, bộ lạc như tù trưởng, tộc trưởng, lãnh tụ quân sự lợi dụng quyền lực để thâu tóm hầu hết tư liệu sản xuất và của cải dư tương đối do xã hội tạo ra. Từ đây xã hội có sự phân hóa thành kẻ giàu, người nghèo, các giai cấp có địa vị kinh tế - xã hội đối lập nhau. Ph.Ăngghen khẳng định, chính sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đã “chọc lỗ thủng” đầu tiên vào chế độ thị tộc nguyên thủy, làm cho công xã nguyên thủy tan rã và đưa tới sự ra đời chế độ chiếm hữu nô lệ. Quá trình tan rã chế độ công xã nguyên thủy, tổ chức quân sự cũng dần thay đổi và mang những hình thức mới. Sự xuất hiện giới quý tộc, các thủ lĩnh bộ lạc, tù trưởng thành một tầng lớp xã hội đặc biệt và sự hình thành giai cấp thống trị bóc lột đã làm xuất hiện mầm mống quân đội. Thời kỳ đầu, đây là tổ chức của những người có vũ trang, dưới hình thức các đội vũ trang thường trực, các đội dân binh phục vụ và bảo vệ tầng lớp quý tộc, thượng lưu. Cùng với sự phân chia xã hội thành giai cấp, sự bất bình đẳng về sở hữu tài sản ngày càng trở nên sâu sắc, đội quân thường trực được tăng cường, cơ cấu tổ chức ngày càng chặt chẽ hơn. Khi chế độ chiếm hữu nô lệ và nhà nước chủ nô xuất hiện, tổ chức quân đội chính thức ra đời trong lịch sử.

Về bản chất quân đội. Theo Ph.Ăngghen, quân đội bao giờ cũng mang bản chất của giai cấp và nhà nước tổ chức ra nó và quân đội đã trở thành mục đích chủ yếu của nhà nước, trở thành một mục đích tự nó. Bản chất giai cấp của quân đội được thể hiện trong quá trình tổ chức, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ. Trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước, Ph.Ăngghen cho rằng, để làm giàu, củng cố, mở rộng, bảo vệ quyền lực của mình, giai cấp thống trị đã tổ chức cơ cấu chỉ huy chặt chẽ, huấn luyện chu đáo và trang bị vũ khí chuyên dùng cho quân đội, hợp pháp hóa bạo lực vũ trang, biến nó thành một phương tiện hữu hiệu nhất để trấn áp các lực lượng, giai cấp đối lập với mình, thực hiện bằng được các mục tiêu chính trị.

Giai cấp thống trị và nhà nước quyết định bản chất quân đội thông qua việc truyền bá hệ tư tưởng bằng hệ thống giáo dục cho binh lính, xác lập cơ cấu tổ chức, phương hướng hoạt động phù hợp với lợi ích của giai cấp đó và kiểm soát mọi hoạt động của quân đội. Bản chất giai cấp của quân đội còn biểu hiện trực tiếp ở chức năng và nhiệm vụ. Ph.Ăngghen cho rằng, bất cứ quân đội nào cũng là cơ sở bạo lực chủ yếu để nhà nước thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại. Trong lịch sử chưa có quân đội nào chiến đấu vì lợi ích chung của tất cả các giai cấp, vì nó là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, một nhà nước nhất định. Ph.Ăngghen khẳng định, quân đội là công cụ bạo lực để nhà nước thống trị, đàn áp nhân dân lao động, răn đe, buộc quần chúng nhân dân lao động phải phục tùng giai cấp thống trị và nhà nước của nó, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị trong nước; tiến hành chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của nhà nước khỏi sự xâm lược từ bên ngoài, hoặc tiến hành chiến tranh xâm lược mở rộng lãnh thổ, phục vụ lợi ích ích kỷ của giai cấp thống trị, áp đặt ách nô dịch đối với dân tộc khác. Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, do mục đích chính trị, quan điểm và phương pháp sử dụng của các giai cấp và nhà nước khác nhau, nhiệm vụ của từng kiểu quân đội có sự biến đổi theo.

Về quy luật hình thành phát triển quân đội. Ph.Ăngghen đã luận giải và chỉ ra sự vận động, phát triển của quân đội phụ thuộc vào chế độ chính trị, kinh tế, xã hội. Ph.Ăngghen phân tích, sự tan rã rộng khắp của chế độ phong kiến và sự phát triển của các thành thị đã thúc đẩy sự thay đổi thành phần của quân đội; khi quân đội phong kiến không còn tồn tại nữa, những quân đội mới được thành lập gồm đông đảo lính đánh thuê mà sự tan rã của chế độ phong kiến đem lại cho họ quyền tự do phục vụ kẻ nào trả tiền cho họ. Như thế làm nảy sinh ra một lực lượng giống quân đội thường trực; trong đó lính đánh thuê gồm những người thuộc đủ các dân tộc, khi duy trì kỷ luật trong họ và họ không được trả lương kịp thời dễ gây ra những vụ rối loạn rất lớn.

Về kiểu, loại quân đội. Trong tác phẩm “Quân đội”, Ph.Ăngghen cho rằng, cơ sở để phân biệt một kiểu quân đội là tính quy định lịch sử - cụ thể của xã hội, tính chất của các quan hệ giai cấp và điều kiện kinh tế - xã hội của sự phát triển quân đội đó. Kiểu quân đội được quy định bởi bản chất giai cấp của nó và biểu hiện ở nội dung duy trì đường lối chính trị của một giai cấp nhất định. Theo Ph.Ăngghen, việc phân loại quân đội căn cứ vào đặc trưng chính trị, xã hội chủ yếu của các quân đội để chỉ ra nội dung hoạt động cơ bản của quân đội gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Ph.Ăngghen chỉ rõ, kiểu quân đội đầu tiên trong lịch sử là quân đội của nhà nước chiếm hữu nô lệ, tuy nhiên chúng có hình thức tổ chức và phương thức xây dựng không giống nhau. Ở Ai Cập cổ đại, Átxiri, Babilon đều có quân đội đẳng cấp mà hạt nhân của nó là giới quý tộc và những người thân cận của hoàng đế. Còn ở Hy Lạp cổ đại và La Mã, lúc đầu quân đội xây dựng theo chế độ cảnh sát, binh lính được tuyển mộ từ những người của các giai cấp hữu sản và cả các công dân tự do, về sau lực lượng này trở thành quân đội đánh thuê, thường trực. Dù kiểu quân đội trên có khác nhau, song đặc điểm chủ yếu của các kiểu quân đội ấy là đều phục vụ cho giai cấp chủ nô, là công cụ bạo lực vũ trang của giai cấp ấy, là phương tiện để bảo vệ và củng cố chế độ chiếm hữu nô lệ.

Chế độ phong kiến được ra đời làm xuất hiện quân đội phong kiến - là công cụ của quyền lực nhà nước phong kiến, chỗ dựa cho giai cấp địa chủ phong kiến. Sự thay đổi loại hình quan hệ xã hội quy định sự thay đổi nội dung hoạt động của quân đội. Nhiệm vụ chủ yếu của quân đội phong kiến là đàn áp nông nô, xâm lược các vùng đất mới, mở mang lãnh thổ và áp bức các dân tộc khác. Các nước khác nhau và trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của xã hội phong kiến, quân đội có sự khác nhau về cơ cấu tổ chức, quân số, nguyên tắc tuyển mộ binh lính. Song bản chất của quân đội phong kiến vẫn là công cụ, phương tiện để nhà nước phong kiến áp bức, bóc lột trong xã hội. Khi chủ nghĩa tư bản ra đời, làm xuất hiện quân đội tư sản, là công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước tư sản để duy trì các quan hệ bóc lột và thực hiện đường lối chính trị của giai cấp tư sản. Quân đội tư sản đàn áp các phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và quần chúng nhân dân lao động, xâm chiếm lãnh thổ ngoài biên giới, củng cố chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa. Quân đội tư sản còn là công cụ chủ yếu để thực hiện chính sách của chủ nghĩa đế quốc.

Về sức mạnh chiến đấu của quân đội. Ph.Ăngghen đã đề cập đến những yếu tố cơ bản trong sức mạnh chiến đấu của quân đội. Ông đã luận giải yếu tố quân số, cơ cấu tổ chức, biên chế của quân đội khi chỉ rõ: “Tất cả những người được gọi nhập ngũ biên chế thành bộ binh trang bị nặng (quân hô-plít) để tạo thành đội chấp kích, hoặc đội hình hàng ngang có chiều sâu... bộ binh ấy ban đầu tạo thành toàn bộ lực lượng vũ trang,...”(3). Ph.Ăngghen luận giải, cơ cấu tổ chức của quân đội gồm nhiều cơ quan và được thực hiện theo những cách khác nhau ở mỗi nước. Ph.Ăngghen lấy ví dụ: “tổ chức của bộ chiến tranh Pháp. Nó gồm có 7 cơ quan quản lý hoặc cục: (1) cục nhân sự, (2) cục pháo binh, (3) cục xây dựng công trình - cứ điểm, (4) cục quân nhu, (5) cục phụ trách các vấn đề Angiêri, (6) quân vụ (phòng chiến sự, phòng đồ bản quân sự, v.v. và các phòng ban của bộ tham mưu), (7) cục tài chính quân sự”(4).

Về sự vận động, phát triển sức mạnh chiến đấu của quân đội, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận giải sự cần thiết của việc lấy vũ trang nhân dân thay thế quân đội thường trực. Từ thực tiễn Công xã Pari, các ông nhận thấy bài học có giá trị cần tiếp tục nghiên cứu và phát huy là giai cấp công nhân cần đập tan quân đội thường trực của giai cấp tư sản và thay thế bằng hình thức tổ chức quân sự mới của giai cấp vô sản. Trong các tác phẩm Nội chiến ở Pháp, Lời kêu gọi của Tổng hội đồng hội liên hiệp công nhân quốc tế năm 1871, và Gửi tất cả các hội viên của hội ở châu Âu và ở nước Mỹ, C.Mác đã khẳng định: “Pa-ri sở dĩ chống lại được chỉ là vì do bị vây hãm, nó đã loại bỏ được quân đội và thay thế bằng một đội vệ binh quốc gia gồm chủ yếu là công nhân. Hiện nay cần phải biến thực trạng đó thành một chế độ hẳn hoi. Cho nên sắc lệnh đầu tiên của công xã là bỏ quân đội thường trực và thay thế bằng nhân dân vũ trang”(5).

Theo Ph.Ăngghen, sức mạnh chiến đấu của quân đội phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của nhà nước sinh ra nó và được coi là điều kiện tiên quyết. Ph.Ăngghen luận giải: “...toàn bộ việc tổ chức và phương thức chiến đấu của quân đội, và do đó thắng lợi hay thất bại rõ ràng là phụ thuộc vào các điều kiện vật chất, nghĩa là điều kiện kinh tế”(6). Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định. Sức mạnh chiến đấu của quân đội còn phụ thuộc vào chất lượng nhân lực và vũ khí, kỹ thuật, các đội bộ binh vũ trang khác nhau. Ph.Ăngghen đã luận giải rất biện chứng về sự chuyển hóa lượng - chất trong sức mạnh chiến đấu của quân đội gắn với sự hoàn thiện trình độ tổ chức quân sự trong mối tương quan với các tiền đề kinh tế - xã hội và chính trị - xã hội.

Về sức mạnh chiến đấu của quân đội nhà nước vô sản, Ph.Ăngghen cho rằng, kinh tế trực tiếp cung cấp trang bị, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất cho quân đội và tác động tích cực đến xây dựng, phát triển các yếu tố khác, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân đội nhà nước vô sản. Ph.Ăngghen chỉ ra vai trò và những vấn đề cơ bản về kỹ thuật quân sự, nghệ thuật tác chiến của quân đội trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhà nước vô sản. Về mối quan hệ giữa con người và vũ khí, Ph.Ăngghen chỉ rõ, con người giữ vai trò quyết định, vũ khí, trang bị dù hiện đại, tối tân đến đâu cũng chỉ giữ vai trò quan trọng. Ông đánh giá cao vai trò của đội ngũ tướng lĩnh, sĩ quan trong xây dựng quân đội và tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội nhà nước vô sản. Ph.Ăngghen chỉ ra sự cần thiết phải đẩy mạnh trí tuệ hóa lực lượng vũ trang cách mạng để hiện đại hóa quân đội; chú trọng sử dụng những kỹ sư dân sự, nhằm tăng tính năng động, hiệu quả hoạt động của đội ngũ sĩ quan.

2. Giá trị lịch sử và hiện thực của tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội

Thứ nhất, về lý luận, với phương pháp tiếp cận và luận giải hết sức khoa học, tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội là một cống hiến vĩ đại, thể hiện sâu sắc tinh thần biện chứng duy vật, tạo ra bước ngoặt cách mạng hoàn toàn mới về chất trong lịch sử tư tưởng nhân loại về quân đội. Tư tưởng của các ông về quân đội đã chính thức đặt nền móng và xác lập sự ra đời của học thuyết Mác về quân đội. Đây là cơ sở khoa học “giáng đòn chí mạng” vào lý luận quân sự của giai cấp tư sản và quan điểm phản khoa học, phản động, duy tâm, siêu hình về quân đội; bác bỏ quan điểm cố tình lẩn tránh nguồn gốc kinh tế, nguồn gốc giai cấp của quân đội, phủ nhận tính lịch sử, cố chứng minh cho sự tồn tại vĩnh viễn của quân đội, coi sự ra đời của quân đội là một sản phẩm tất yếu, tự nhiên thuần túy trong lịch sử loài người để bảo đảm các hoạt động “bình thường” của xã hội.

Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội là cơ sở khoa học để V.I.Lênin bảo vệ và phát triển lý luận về quân đội trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển, làm sâu sắc thêm lý luận về quân đội, về nguồn gốc, bản chất, chức năng, sức mạnh chiến đấu của quân đội,.. đáp ứng kịp thời đòi hỏi phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lúc bấy giờ, làm cho học thuyết Mác - Lênin về quân đội trở nên hoàn bị hơn.

Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội trở thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học soi đường cho giai cấp công nhân và chính đảng cách mạng nhận thức đúng đắn nguồn gốc, bản chất của các kiểu quân đội và xác lập lý luận khoa học xây dựng quân đội của giai cấp vô sản. Theo đó, nhà nước vô sản xây dựng chính sách tổ chức, giáo dục, rèn luyện, sử dụng quân đội đúng chức năng, nhiệm vụ, thực sự là công cụ bạo lực để đấu tranh chống lại sự thống trị, xâm lược, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc, giai cấp tư sản phản động, bảo vệ địa vị, lợi ích chính đáng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và nhà nước vô sản. Những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội là cơ sở khoa học để Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp thu, bổ sung, phát triển đường lối, quan điểm về xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, về thực tiễn, tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội đã đáp ứng đòi hỏi thực tiễn đấu tranh cách mạng, giúp các đảng cộng sản hoạch định chiến lược, sách lược lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong tổ chức, xây dựng quân đội vững mạnh, đủ sức đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Đó còn là cơ sở khoa học để các đảng cộng sản và giai cấp vô sản nhận diện kịp thời và đấu tranh kiên quyết chống lại những tư tưởng, quan điểm sai trái về vấn đề quân đội, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản phát triển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.

Với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng có hiệu quả vào tổ chức, giáo dục, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay trong Chánh cương vắn tắt của Đảng đã xác định, cần tổ chức ra quân đội công nông và khẳng định Quân đội ta là quân đội kiểu mới, mang bản chất của giai cấp công nhân. Hồ Chí Minh khẳng định, Quân đội ta là quân đội công nông, là quân đội kiểu mới của dân, do dân, vì nhân dân mà chiến đấu, có sự khác biệt về bản chất so với quân đội của thực dân, đế quốc, bởi quân đội của thực dân, đế quốc là công cụ bạo lực của giai cấp thống trị bóc lột, đàn áp nhân dân, xâm lược và thống trị các dân tộc khác. Từ đó, Hồ Chí Minh đã vạch trần bản chất phản động của quân đội đế quốc xâm lược là: “Nó dùng những người vô sản da trắng để chinh phục những người vô sản các thuộc địa. Sau đó nó lại tung những người vô sản ở một thuộc địa này đi đánh những người vô sản ở một thuộc địa khác”(7).

Trên cơ sở tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, bản chất giai cấp của Quân đội ta được biểu hiện ở lý tưởng và mục tiêu chiến đấu cao cả là: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(8). Đồng thời, Hồ Chí Minh yêu cầu Quân đội ta “vừa phải đánh giặc giỏi, vừa phải ra sức giúp đỡ nhân dân và tuyên truyền vận động nhân dân. Khi cần thiết phải tích cực tham ra xây dựng kinh tế và giúp dân sản xuất”(9). Tiếp đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sức chăm lo xây dựng đảng trong Quân đội, thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp đối với Quân đội, xây dựng tổ chức đảng, đội ngũ chính ủy, chính trị viên và chỉ đạo tăng cường công tác chính trị trong Quân đội theo quan điểm chính trị trọng hơn quân sự.

Trong quá trình tổ chức xây dựng và lãnh đạo Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm nâng cao chất lượng toàn diện và sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “chúng ta phải xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hòa bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhiệm vụ đó bao gồm việc xây dựng quân đội thường trực và xây dựng lực lượng hậu bị”(10). Theo Người, yếu tố chính trị tinh thần trong quân đội rất quan trọng và được biểu hiện ra trong lúc đánh giặc, bởi vậy bộ đội phải tinh, sức chiến đấu phải mạnh; toàn quân phải ra sức học tập chính trị, quân sự và văn hóa, cán bộ quân đội phải học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu. Người yêu cầu, phải xây dựng tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ luật cho bộ đội, bởi vì: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”(11); đồng thời, quân đội nhất định phải tiến từng bước lên chính quy và hiện đại. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chăm lo, bồi dưỡng nhân tố con người trong quân đội có phẩm chất, năng lực toàn diện, có đạo đức cách mạng, tri thức quân sự, sức khỏe và trình độ văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ. Người quan niệm: “Tướng là kẻ giúp nước. Tướng giỏi (đủ cả: trí, tín, nhân, dũng, nghiêm) thì nước mạnh. Tướng xoàng thì nước hèn”(12). Vì thế, từ những ngày đầu của sự nghiệp cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử cán bộ đi học tập để chuẩn bị cho xây dựng quân đội.

Hiện nay, trước những tác động tổng hợp của các nhân tố khách quan và chủ quan, những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là vùng Biển Đông, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của quân đội đặt ra ngày càng cao. Do đó, việc vận dụng sáng tạo, phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh càng đặt ra cấp thiết. Theo đó, cần xác định đúng, trúng nội dung, phương thức củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Quân đội Việt Nam; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đủ làm “nản lòng” các lực lượng thù địch đối với sự nghiệp các mạng của nước ta; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó một số quân binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, hiện đại đáp ứng với chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 1-2020

(1), (3), (4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.11, 17, 68.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.147.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.17, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.449.

(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.241.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.266.

(8)Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.435.

(9) Trường Chinh: Mấy vấn đề quân sự trong cách mạng Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1983, tr.138.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.365.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.483.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.563.

TS Nguyễn Thanh Hải

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền