Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Cơ hội, thách thức và giải pháp của Việt Nam
Thứ tư, 13 Tháng 5 2020 10:36
3377 Lượt xem

Chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Cơ hội, thách thức và giải pháp của Việt Nam

(LLCT) - Chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp thiết nhằm khắc phục nguy cơ tụt hậu xa hơn, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững. Nhà nước kiến tạo hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư, liên doanh, liên kết giữa các chủ thể kinh tế (CTKT), tạo ra các tập đoàn KTNN và KTTN đóng vai trò những “con sếu đầu đàn” kéo các CTKT khác chủ động tham gia vào CMCN 4.0. Các chủ thể kinh tế, với nòng cốt là các doanh nghiệp, chủ động nỗ lực ứng dụng, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ tiến bộ khoa học - công nghệ, làm nền tảng, động lực của chiến lược tổng thể phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững.

Từ khóa: cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển bền vững.

1. Cơ hội và thách thức từ CMCN 4.0

CMCN 4.0 tạo ra những cơ hội giúp cho nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển nhanh, bền vững. Những cơ hội đó là:

Một là, CMCN 4.0 xóa bỏ giới hạn, khoảng cách về địa lý và không gian, thời gian, trong việc nắm bắt, tiếp thu, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ (KH - CN) hiện đại để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh (SXKD), mở rộng thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Hai là, CMCN 4.0 tạo cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam phát huy tiềm năng, lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới và nguồn nhân lực của cơ cấu “dân số vàng” để đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Thông qua hợp tác quốc tế, tham gia vào các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu, CTKT phát triển SXKD hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và lợi nhuận cho người sản xuất, cho các DN chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ba là, CMCN 4.0 thúc đẩy sự hình thành, hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng cho các CTKT nắm bắt cơ hội tiếp nhận, ứng dụng, làm chủ, phát triển sáng tạo KH-CN hiện đại trong các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội để phát triển nhanh, bền vững. Với quyết tâm chủ động đưa đất nước tham gia ngay vào cuộc CMCN 4.0, Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành và triển khai thực thi nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị nhằm thúc đẩy các CTKT tham gia tích cực vào CMCN 4.0 trong đầu tư phát triển kinh tế. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 23/NQ-TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 24/NQ-QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại thực chất ngành công nghiệp... theo hướng tập trung vào một số ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và ý nghĩa chiến lược... Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0; ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Bốn là, CMCN tạo cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực trẻ năng động, sáng tạo, giàu tiềm năng trí tuệ đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với CMCN 4.0 nhằm phát triển nhanh, bền vững.

Năm là, CMCN 4.0 tạo cơ hội cho quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH. Hiện nay, nhiều Tập đoàn và Tổng công ty nhà nước đã nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh đổi mới công nghệ và quản trị kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế, không chỉ làm chủ thị trường trong nước mà còn vươn mạnh ra thị trường khu vực và thế giới, như: Tập đoàn VNPT, Viettel, PVN, EVN... Trong đó, Tập đoàn VNPT và Tập đoàn Viettel đang đi đầu trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số và cũng đang đi đầu trong thực hiện Chiến lược “Make in Việt Nam” trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin, Tập đoàn VNPT đã khánh thành nhà máy sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang đầu tiên ở Đông Nam Á. Năm 2017, doanh thu từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn Viettel đã đạt 1,25 tỷ USD và năm 2019 đã sản xuất được thiết bị 5G.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (SXNN) công nghệ cao, Tập đoàn TH đã và đang đầu tư 1,2 tỷ USD phát triển dự án chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ tiên tiến của Israel ở trong nước và miền viễn Đông nước Nga. Tập đoàn Vingroup hợp tác với các trang trại, các hộ nông dân áp dụng công nghệ trên nền tảng số hóa, hình thành các mô hình SXNN hiện đại, đạt năng suất, chất lượng vượt trội. Trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, Tập đoàn đã thành lập Công ty Vinfast, sản xuất được hàng loạt ô tô chất lượng cao...; Tập đoàn THACO - Trường Hải, đầu tư xây dựng Trung tâm công nghiệp ô tô tầm cỡ quốc tế tại tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó còn có một số tập đoàn, tổng công ty tư nhân khác như Sungroup, FLC, FPT, Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Hiệp Phát,... đang nỗ lực vươn lên thành các doanh nghiệp mang tầm quốc gia và khu vực.

Tuy nhiên, bước vào CMCN 4.0, Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi xuất phát điểm thấp:

Thứ nhất, nội lực cả về vật chất và tinh thần của nền kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Trình độ phát triển của phần lớn các CTKT là chưa thoát khỏi hẳn ngưỡng cửa của CMCN 1.0, 2.0, 3.0 và tiềm năng mới tạo dựng được trong những trụ cột của CMCN 4.0 còn rất khiêm tốn. Cụ thể, tính đến tháng 9-2019 cả nước có 714 nghìn DN đang hoạt động, nhưng chiếm tới 98% là DNNVV, trong đó 63% là doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh, DN lớn cỡ tập đoàn, tổng công ty còn rất ít(1). Phần lớn các DNNVV của Việt Nam còn sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ, có 76% máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu thuộc thế hệ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nhưng không được đổi mới gây trở ngại rất lớn cho việc chuyển sang tự động hóa để ứng dụng công nghệ hiện đại của CMCN 4.0(2).Trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy bước đầu nông nghiệp 4.0 đã được áp dụng, nhưng phần lớn SXNN còn manh mún. Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 9 triệu nông hộ với diện tích canh tác bình quân chỉ 0,4 đến 1,2 ha/hộ, thiếu vốn, thiếu kiến thức, nên thiếu điều kiện ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Số DN đầu tư vào nông nghiệp mang tính đầu tàu, dẫn dắt còn rất ít. Văn hóa trong quản trị kinh doanh còn mang nặng tính gia đình và tư duy kinh doanh ngắn hạn của một nền kinh tế nông nghiệp. Nhận thức và đánh giá về tác động của CMCN 4.0 đối với nền kinh tế chưa sát với thực tế, thậm chí nhiều DNNVV, nhất là các DN siêu nhỏ và kinh tế nông hộ chưa hiểu biết về nội dung và tận dụng cơ hội do CMCN 4.0 tạo ra.

Theo kết quả điều tra 2.500 DNNVV trên cả nước của Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy: chỉ có 3% thực hiện đầu tư cho nghiên cứu phát triển, cải thiện vốn con người, sáng chế và đầu tư vào các DN khác. Nghĩa là phần lớn các DNNVV không giành được nhiều nguồn lực cho CMCN 4.0(3).

Thứ hai, vai trò thúc đẩy, dẫn dắt hỗ trợ của Nhà nước đối với nền kinh tế trong tiếp cận CMCN 4.0 còn hạn chế trên nhiều phương diện, dẫn đến DNNVV gặp nhiều khó khăn và thua thiệt khi tham gia cạnh tranh trên thị trường khu vực và toàn cầu.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam có 30 nghìn DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, 5 tháng đầu năm 2019, doanh thu xuất khẩu của các DN này đạt hơn 32 tỷ USD, trong đó, phần lớn doanh thu thuộc khối DN phần cứng sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại... có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như Samsung. Doanh thu của các DN phần mềm và dịch vụ thông tin của Việt Nam chỉ đạt 4,3 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu 3,5 tỷ USD. Nếu chỉ gia công phần mềm để xuất khẩu và lắp ráp thì chuỗi giá trị gia tăng rất thấp, tỷ lệ lợi nhuận chỉ đạt khoảng 10-13%(4). Sự liên kết của các DNNVV Việt Nam còn rất yếu, nhất là mối liên kết giữa DNNVV với DN lớn. Theo Báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á, hiện nay chỉ có 21% các DNNVV của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó, Thái Lan là 30% và Malaysia là 46%(5).

Thứ ba, phần lớn các DNNVV, các hộ kinh doanh cá thể và các nông hộ đang đứng ngoài cuộc CMCN 4.0.

Kết quả điều tra 2 nghìn DN là thành viên của Hiệp hội DNNVV Hà Nội, có tới 85% số DN trả lời là có quan tâm tới CMCN 4.0, nhưng 79% cho biết họ chưa có chuẩn bị gì cho CMCN 4.0. Số liệu khảo sát trên cả nước cho thấy 82% DNNVV đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% số DN bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị đầu tiên, điểm trung bình là 0,53 điểm (theo thang điểm 5). Đặc biệt, 3 ngành chủ lực của Bộ Công Thương là Cơ khí, Dệt, May và Da giầy thuộc những ngành có điểm đánh giá thấp nhất(6). Trong khi đó, các quốc gia trong ASEAN như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đều có cấu trúc và động lực sản xuất cao hơn, mức độ sẵn sàng và tiềm năng cho phát triển nền kinh tế theo CMCN 4.0 nằm trong nhóm nước dẫn đầu.

Thứ tư, các CTKT trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các nội dung trọng yếu của CMCN 4.0. Vì trên thực tế Việt Nam chưa vượt qua ngưỡng cửa CMCN 2.0 và CMCN 3.0, trình độ tự động hóa sản xuất của công nghiệp nhiều hạn chế. Hiện mới có một số ít doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ xây dựng... có những thành tựu của CMCN 4.0 như công nghệ chế tạo robot, công nghệ in 3D và một số ứng dụng trong cải cách hành chính, chữa bệnh, quản lý giao thông, giáo dục đào tạo.

Thứ năm, phần lớn các CTKT của Việt Nam, nhất là các DNNVV, các hộ KDCT và các nông hộ phải đối mặt với nhiều khó khăn về lao động và thị trường trước sự phát triển siêu tốc của CMCN 4.0. Do CMCN 4.0 tạo ra nhiều thay đổi rất mạnh mẽ cả số lượng và chất lượng trong quan hệ cung - cầu lao động trên phạm vi khu vực, thế giới và cả ở Việt Nam. Vì thế, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng khi CMCN 4.0 đưa nền kinh tế đạt trình độ tự động hóa cao và có tính sáng tạo. Trong một số lĩnh vực sản xuất, với sự ra đời và thay thế của Robot, AI, dự báo số lượng lao động sẽ chỉ cần 1/10 so với hiện nay. Trong bối cảnh thị trường lao động Việt Nam đang có tiềm năng lớn về số lượng, nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật còn nhiều hạn chế, năng suất lao động thấp, các kỹ năng mềm khác còn yếu, lợi thế về nhân công giá rẻ đang mất dần, các CTKT ngày càng tụt hậu dẫn tới nguy cơ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa và phá sản.

2. Những giải pháp cơ bản để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0

Một là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng về CMCN 4.0 cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp của hệ thống chính trị, các CTKT và toàn xã hội. Trước hết, phải làm cho các chủ thể có liên quan cả trực tiếp và gián tiếp, hiểu rõ những nội dung trọng yếu, xu hướng phát triển và những cơ hội, thách thức; chủ trương, chính sách, hành lang pháp lý của Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0 và chuyển đổi sang kinh tế số. Đặc biệt, cần tuyên truyền phổ biến sâu, rộng Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 29-9-2019 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chủ động tham gia CMCN 4.0.

Hai là, rà soát, đánh giá lại và đề xuất hoàn thiện các Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch, Chương trình, Dự án về phát triển kinh tế - xã hội dựa trên sự quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chủ động tham gia CMCN 4.0, nhất là chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và chương trình “Make in Việt Nam”. Tập trung huy động các nguồn lực tiềm tàng và tích cực triển khai đầu tư có hiệu quả vào các tập đoàn, tổng công ty kinh tế nhà nước, như: VNPT, VIETTEL, PVN..., các DN của ngành cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị điện tử; phát triển mạnh mẽ, bứt phá cơ sở hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số; giáo dục thông minh và nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho các cơ quan, các chủ thể tiếp cận dễ dàng, bình đẳng các cơ hội phát triển nội dung số. Đẩy nhanh xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh. Đặc biệt, phải ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch thông minh, đô thị thông minh.

Ba là, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm thể chế hóa, chương trình hóa, cụ thể hóa và chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, thúc đẩy các CTKT, nhất là các DNNVV chuyển đổi số, chủ động tham gia CMCN 4.0. Nhà nước và các DNNN cần tích cực phát huy vai trò hỗ trợ các DNNVV theo hướng sau:

- Nhà nước cần đặt DN (trong đó phần lớn là DNNVV) vào vị trí trung tâm của chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của đất nước và kịp thời hoàn thiện đồng bộ cơ sở pháp lý, tạo môi trường SXKD bình đẳng, thuận lợi cho các DN. Chính phủ, cần phân, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành xây dựng và ban hành chiến lược chuyển đổi; lựa chọn, xác định sản phẩm chiến lược; lựa chọn công nghệ, sản phẩm chủ lực phù hợp với xu hướng CMCN 4.0. Việc Bộ Thông tin - Tuyền thông, Tập đoàn VNPT phối hợp với VCCI đang tiến hành hỗ trợ chuyển đổi số cho cộng đồng các DN là những hành động cần thiết, đáng hoan nghênh.

- Nhà nước cần kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ các tập đoàn KTTN và DNTN tiếp cận thị trường vốn và có các chính sách hỗ trợ ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ KH – CN hiện đại để các tập đoàn KTTN và DNTN phát triển mạnh mẽ, có liên kết với hộ nông dân để tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao, uy tín quốc tế...

- Nhà nước hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp tham gia hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ doanh nhân về quản trị DN theo yêu cầu CMCN 4.0.

Bốn là, đổi mới toàn diện, đồng bộ, vừa cơ bản, vừa cấp bách nội dung, chương trình giáo dục - đào tạo, dạy nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu CMCN 4.0. Cụ thể:

- Thực hiện quyết liệt, sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả phân luồng học sinh từ trung học cơ sở theo các hướng lên trung học phổ thông, trung học nghề hoặc trung cấp nghề gắn với định hướng việc làm theo yêu cầu của các DN trong đẩy mạnh CNH, HĐH và chủ động tham gia CMCN 4.0.

- Kịp thời thể chế hóa, đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với CMCN 4.0 một cách đồng bộ, tương thích với phân luồng học sinh.

- Kịp thời hoàn thiện việc sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo của các trường thuộc khối KH - KT - CN phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với CMCN 4.0 bằng cách tiếp thu, kế thừa nội dung, chương trình, phương thức đào tạo tiên tiến của các quốc gia phát triển.

Năm là, Nhà nước kiến tạo, hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện đầu tư liên doanh, liên kết các DN, đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với CMCN 4.0 bằng cách:

- Hoàn thiện chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển DNNVV, DN khởi nghiệp sáng tạo và chuyển các hộ KDCT thành các DN, các nông hộ thành xã viên HTXNN kiểu mới. Khuyến khích hỗ trợ hình thành, phát triển các tập đoàn KTTN đa sở hữu và thu hút các DNTN, các hộ KDCT, các nông hộ góp vốn vào các tập đoàn KTNN, DNTN... Các động thái gần đây của các tập đoàn Vingroup, TH, Sungroup, THACO - Trường Hải, FPT, FLC, Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Hiệp Phát... rất đáng hoan nghênh và phát huy.

- Nhà nước cần có chế tài thúc đẩy mạnh mẽ các bộ, ngành có liên quan và các địa phương vào cuộc quyết liệt cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo vùng kinh tế chủ yếu dựa vào đổi mới sáng tạo, chủ động nắm bắt ứng dụng KH - CN hiện đại vào khai thác đất đai và lao động nông nghiệp hiệu quả.

- Thiết lập hệ thống dữ liệu thông tin cập nhật đầy đủ và công bố công khai (trừ những thông tin thuộc bí mật quốc gia) về chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch, Chương trình, Dự án phát triển của ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế,... và kinh nghiệm quốc tế cùng các thông tin khác liên quan, ảnh hưởng tới hoạt động của các DN trong đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với CMCN 4.0.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2020

(1), (2), (3), (5), (6)  Chuyên đề 18: Phát triển kinh tế tư nhân và cơ cấu lại nền kinh tế trong điều kiện CMCN 4.0, Trung tâm Thông tin tư liệu, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, 2018, tr.15, 13, 20, 12, 12.

(4) Công nghệ Make in Vietnam: Thời cơ đã đến, Báo Hà Nội Mới, ngày 24-6-2019, tr.4.

GS, TS Hoàng Ngọc Hòa

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền