Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Kết quả và kinh nghiệm bước đầu thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác tổ chức, cán bộ
Thứ hai, 18 Tháng 5 2020 14:43
1340 Lượt xem

Kết quả và kinh nghiệm bước đầu thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác tổ chức, cán bộ

(LLCT) - Hai trong sáu nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội XII của Đảng xác định về cơ bản đều là công tác tổ chức, cán bộ: (1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và (2) Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Thời gian qua, công tác tổ chức, cán bộ có sự chuyển biến rõ rệt, tạo dấu ấn quan trọng trong cả nhiệm kỳ và đem lại nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Từ khóa: công tác cán bộ, tổ chức - cán bộ, Đại hội XII.

Nét mới của nhiệm kỳ Đại hội XII là ngay sau Đại hội, các đề án để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đã được thông qua và tổ chức triển khai thực hiện. Hội nghị Trung ương 6 khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 “về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW “về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 16-5-2016 “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 205 - QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Ban Chấp hành Trung ương “về việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”.

Từ những nghị quyết kịp thời, đúng đắn đó, công tác tổ chức, cán bộ đã được các cấp ủy đảng triển khai đồng bộ, có nhiều kết quả tích cực, tạo được dấu ấn đậm nét, được cán bộ và các tầng lớp nhân dân đánh giá cao. Có thể khái quát những giải pháp và kết quả như sau:

1. Công tác tổ chức, cán bộ đã bám sát chủ trương, đường lối, nguyên tắc, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế của Đảng, vừa bảo đảm tính kế thừa vừa đổi mới, sáng tạo, chống bảo thủ, trì trệ

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hầu hết các tỉnh, thành ủy đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp ủy cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện Đề án về xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Tỉnh ủy Sóc Trăng xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức...

Về quy hoạch, giới thiệu cán bộ ứng cử và bổ nhiệm cán bộ, cấp ủy các cấp đã rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch cán bộ, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định và có nhiều đổi mới. Năm 2019, phê duyệt quy hoạch đối với hàng chục ngàn cán bộ diện cấp ủy các cấp quản lý, trong đó, có 560 lượt cán bộ các chức danh diện Trung ương quản lý và trình xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương để Bộ Chính trị phê duyệt quy hoạch chiến lược đối với 184 đồng chí. Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục nghiên cứu tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy chế bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử ở 34 ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị ở Trung ương, 8 địa phương cấp tỉnh và 1 địa phương cấp huyện, cơ bản thực hiện đúng. Tuy nhiên, có 86/128 (chiếm 67%) địa phương, cơ quan, đơn vị có một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn hoặc chưa đúng về quy trình, thủ tục(1). Cả nước có 55.697/ 2.169.908 trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn (chiếm 2,56% so với tổng số được rà soát) và 2.827/2.169.908 trường hợp sai về quy trình, thủ tục trong các khâu của công tác cán bộ (chiếm 1,3% so với tổng số được rà soát). Ban Bí thư ban hành Kết luận 48-KL/TW ngày 26-4-2019 về kết quả tự kiểm tra, rà soát thực hiện công tác cán bộ, tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác cán bộ và tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp chưa thực hiện đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và những tập thể, cá nhân vi phạm. Đồng thời, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ.

Về đánh giá cán bộ, đã đổi mới theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tỉnh ủy Bắc Giang kiểm điểm, đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý qua tham khảo bằng phiếu kín đánh giá của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan trước khi tổ chức kiểm điểm. Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức lấy phiếu nhận xét cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại nơi cư trú. Quận ủy Nam Từ Liêm - Hà Nội ban hành và áp dụng tiêu chí đánh giá và phân loại cán bộ, công chức viên chức, nhân viên hợp đồng. Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch tổ chức thí điểm kiểm tra, sát hạch công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tỉnh giai đoạn 2019 - 2020. Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện lấy ý kiến đánh giá của các bộ, ban, ngành Trung ương theo ngành dọc trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo lĩnh vực được giao...

Về bổ nhiệm cán bộ. Việc chuẩn hóa, quy chế hóa và quy trình hóa bổ nhiệm cán bộ dần đi vào nền nếp. Hầu hết cán bộ được lựa chọn bổ nhiệm đều trong quy hoạch. Tỉnh ủy Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế tổ chức thi tuyển chức danh phó giám đốc sở, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức thi tuyển chức danh vụ trưởng...

Về luân chuyển, điều động cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đến nay, Trung ương đã luân chuyển, điều động 26 đồng chí bí thư, phó bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, 2 đồng chí phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã luân chuyển 704 cán bộ từ cấp tỉnh về cấp huyện và 380 cán bộ từ cấp huyện lên cấp tỉnh; 3.608 cán bộ từ cấp huyện về cấp xã và trên 1.700 cán bộ từ cấp xã lên cấp huyện. Việc điều động, luân chuyển, phân công, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí cán bộ gắn với việc thực hiện bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương nhằm chuẩn bị một bước nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Quy định biệt phái công chức, viên chức. Tỉnh ủy Tuyên Quang sơ kết việc đưa cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, triển vọng phát triển đang công tác tại cơ quan cấp tỉnh về xã công tác giai đoạn 2017-2020.

2. Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa xây dựng với chỉnh đốn Đảng

 Nhiều cấp ủy thể hiện rõ tinh thần kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với nhiều giải pháp nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tăng thẩm quyền, trách nhiệm, tạo điều kiện cho người đứng đầu đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm chỉ đạo và đạt một số kết quả quan trọng. Tính đến ngày 30-6-2019, toàn Đảng có 54.349 tổ chức cơ sở đảng (83 đảng bộ cơ sở mà đảng ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở, 25.599 đảng bộ cơ sở, 28.567 chi bộ cơ sở), giảm 2.164 (3,8%) tổ chức cơ sở đảng so với đầu nhiệm kỳ; trực thuộc đảng ủy cơ sở có 2.408 đảng bộ bộ phận và 256.480 chi bộ với 5.097.747 đảng viên, tăng 436.679 đảng viên so với đầu nhiệm kỳ. Số lượng đảng viên  tiếp tục tăng, số tổ chức cơ sở đảng đang giảm do được kiện toàn phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước.

Chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng cao. Các cơ quan đảng, nhiều cấp ủy đã hướng dẫn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đối với từng loại hình chi bộ, ban hành tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với việc tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung sinh hoạt ở nhiều chi bộ đã từng bước đổi mới, tăng cường sinh hoạt chuyên đề, khắc phục tình trạng đơn điệu, hình thức. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hàng năm đã thực chất hơn. Tỷ lệ được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” phù hợp với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng. Năm 2018, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 19,4%, giảm 35,8% so với năm 2017; tỷ lệ đảng viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 14,9%, giảm 0,3% so với năm 2017. Công tác khen thưởng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng hơn.

Công tác phát triển đảng viên tiếp tục được quan tâm, nhất là phát triển đảng ở vùng đồng bào tôn giáo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng đạt kết quả bước đầu (đến nay đã có 9.190 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân). Từ đầu nhiệm kỳ đến 30-6-2019, đã kết nạp được 646.401 đảng viên, bình quân 186.686 đảng viên/năm, bằng 91% so với nhiệm kỳ trước. Trình độ đảng viên mới kết nạp được nâng lên (49% từ đại học trở lên, trong đó có 21.331 thạc sỹ, 1.264 tiến sỹ); cơ cấu hợp lý theo hướng trẻ hóa và tăng tỷ lệ nữ (54,98% là đoàn viên, 50,22% là nữ). Tình trạng thôn, bản chưa có tổ chức đảng, đảng viên đã cơ bản được khắc phục, tính đến 30-6-2019 còn 1.582 thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng, chiếm 1,58% tổng số thôn, tổ dân phố, giảm 810 thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng so với đầu nhiệm kỳ. Qua đó, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

3. Công tác tổ chức xây dựng đảng được tiến hành toàn diện, đồng bộ, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm và khâu đột phá

Trong lãnh đạo, chỉ đạo đã có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, cách làm chắc chắn, bài bản, khoa học, không cầu toàn, không chủ quan, nóng vội; không tự mãn với thành tích đạt được và không bi quan khi gặp khó khăn, vướng mắc.

Hai nhiệm vụ trọng tâm mà nghị quyết Đại hội XII của Đảng lựa chọn đã được triển khai thực hiện đã đem lại kết quả quan trọng chưa từng có trong gần 35 năm đổi mới, đó là:

Thứ nhất, về phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Lần đầu tiên Đảng ta đã nêu 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để mỗi đảng viên tự soi, tự sửa. Nhiều cấp ủy có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Tỉnh ủy Long An có “Phiếu nhận diện” các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phiếu nhận diện có ghi 82 biểu hiện: gồm 29 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 30 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 23 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo sát sao, có gợi ý kiểm điểm, có cam kết sửa chữa khuyết điểm sau đợt kiểm điểm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân.

Thứ hai, về tổ chức bộ máy, biên chế. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, lần đầu tiên sau suốt 20 năm thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị, tổ chức tinh gọn hơn và biên chế giảm mạnh. Toàn hệ thống chính trị đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 100 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 496 đầu mối trực thuộc cấp huyện; 7 tổng cục và tương đương; 81 cục, vụ, 73 đơn vị sự nghiệp thuộc Ban, Bộ, ngành Trung ương; hơn 2600 phòng và tương đương, gần 2 nghìn đội thuộc chi cục; giảm hơn 4.160 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm hơn 2.200 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm hơn 2.200 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm gần 15.200 cấp trưởng, cấp phó.

Sáp nhập ban tổ chức cấp ủy với cơ quan nội vụ cấp huyện (có 12/63 tỉnh, thành phố); ủy ban kiểm tra cấp ủy với cơ quan thanh tra cấp huyện (11/63 tỉnh, thành phố); hợp nhất đảng bộ khối doanh nghiệp với Đảng bộ khối các cơ quan cấp tỉnh (26/63 tỉnh, thành phố); hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và UBND cấp huyện (24/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện); trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ (cấp tỉnh có 22/63 tỉnh, thành phố; cấp huyện có 13/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện tại 100% đơn vị cấp huyện); trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (42/63 tỉnh, thành ủy đã thực hiện tại 100% cấp ủy cấp huyện); trưởng ban tổ chức cấp ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ cấp huyện (27/63 tỉnh, thành phố). Thực hiện mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông (cấp tỉnh có 51/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện; cấp huyện có 48/63 tỉnh, thành phố). Triển khai sắp xếp tổ chức, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp tỉnh (38/63 tỉnh, thành phố)...

Bên cạnh đó, tình trạng một số cấp ủy, tổ chức đảng lúng túng trong quá trình sắp xếp, đổi mới tổ chức hay cầm chừng, chờ đợi, ngại đổi mới tổ chức, tinh giản biên chế vẫn tồn tại. Bộ Nội vụ ban hành công số: 5954/BNV-TCBM ngày 5-12-2018 yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong khi 2 nghị định trên đang trong quá trình soạn thảo thì ngày 27-11-2019, Bộ Nội vụ lại có công văn số: 5898/BNV-TCBM “về việc Đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện”.

Việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã đạt kết quả rõ nét. Sau 4 năm thực hiện, nhất là 2 năm gần đây đã giảm được 236.039 người (giảm 6,58% so với biên chế thực tế tại thời điểm 30-4-2015). Biên chế khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã giảm 10,46%, chắc chắn vượt mục tiêu (đến 2021 giảm ít nhất 10%). Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính, đã giảm được số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đã giảm 25.109 người hoạt động không chuyên trách cấp xã (giảm 12,84% so với thời điểm 30-4-2015) và 100.924 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (giảm 13,88% so với thời điểm 30-4-2015).

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm khoảng 10 nghìn tỷ đồng khi bố trí ngân sách nhà nước năm 2019 cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị(2). Đồng thời, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển; năm 2018, chi thường xuyên của cả nước còn 63,3% trong tổng chi ngân sách nhà nước, giảm 1,6% so với năm 2017, tương đương trên 15 nghìn tỷ đồng (vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm) và thấp hơn kế hoạch 2016-2020 (dưới 64%), chi cho đầu tư phát triển từ 19,7% năm 2016 lên 28,8% năm 2018(3).

Thứ ba, công tác tổ chức xây dựng Đảng phải kết hợp hài hòa cả từ trên xuống và từ dưới lên, đặc biệt coi trọng sự gương mẫu của cấp trên và người đứng đầu; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; đề cao trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên với phát huy vai trò tích cực của nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 105 ngày 19-12-2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thay thế Quyết định số 67-QĐ/TW và Quyết định số 68-QĐ/TW, ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị khóa X và Quy định số 205 - QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Ban Chấp hành Trung ương “về việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”. Đây là những văn bản tạo thuận lợi cho công tác quản lý cán bộ, nhất là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, được nhân dân đồng tình cao.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, công tác phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” đã đạt được kết quả tích cực. “Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên vi phạm dần lộ diện và xử lý theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không thể hạ cánh an toàn, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng, trong đó có trên 70 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và nghỉ hưu (trong số đó có 19 ủy viên và nguyên ủy viên trung ương Đảng, 1 ủy viên Bộ Chính trị, 20 sỹ quan cấp tướng trong quân đội, công an), tạo nên sự đồng thuận cao trong Đảng, trong nhân dân.

Thứ tư, thường xuyên đổi mới công tác cán bộ và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Công tác cán bộ phải phát huy tối đa trí tuệ tập thể, đề cao vai trò người đứng đầu, tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng và hợp lý.

Việc phát huy vai trò làm gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được coi trọng đặc biệt. Các tổ chức đảng tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Đặc biệt, là Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” đã có tác động tích cực, toàn diện đến mọi hoạt động lãnh đạo và xây dựng nội bộ đảng từ cấp Trung ương đến cơ sở.

Những kết quả và kinh nghiệm nêu trên sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng để cấp ủy đảng các cấp tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm cao hơn nữa trong thời gian tới, nhất là sự chuẩn bị tích cực cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2020

(1) Các số liệu trong bài viết từ Báo cáo tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Ban Tổ chức Trung ương tháng 12-2019.

(2) Báo cáo số 229-BC/BCSĐ, ngày 30-8-2019 của Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính.

(3) Báo cáo số 11-BC/BCSĐ ngày 15-7-2019 của Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính.

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền