Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Những cống hiến của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế
Thứ ba, 19 Tháng 5 2020 09:22
2786 Lượt xem

Những cống hiến của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

(LLCT) - Là một đảng mácxít - lêninnít chân chính, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngay từ khi ra đời đã luôn kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân; luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn Việt Nam để xây dựng đường lối, chính sách đúng đắn...Nhờ đó, Đảng ta luôn làm tròn sứ mệnh lịch sử đối với dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đồng thời còn có những đóng góp to lớn đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Từ khóa: phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngay tại Hội nghị thành lập Đảng, Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã xác định cách mạng Việt Nam liên hệ mật thiết và là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới: “Trong khi khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng thời tuyên truyền và thực hành với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp thế giới”(1). Trong lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng nêu rõ: “Cách mạng An Nam không bị cô lập, trái lại nó được giai cấp vô sản thế giới nói chung và giai cấp vô sản Pháp nói riêng ủng hộ”(2).

Chính sự “kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân” đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam không những làm tròn sứ mệnh lịch sử đối với dân tộc, mà còn có những đóng góp to lớn đối với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, thể hiện cả về lý luận và thực tiễn, cụ thể như sau:

1. Đóng góp về lý luận

Xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đồng thời phát triển, bổ sung lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Có thể nêu ra một số luận điểm đã được Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển và bổ sung vào kho tàng lý luận Mác - Lênin như:

- Phát triển lý luận Mác - Lênin về con đường cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Khi nghiên cứu chủ nghĩa tư bản giai đoạn tự do cạnh tranh, C. Mác dự báo rằng, cách mạng vô sản trước hết sẽ nổ ra và giành thắng lợi ở một loạt các nước tư bản phát triển tiên tiến nhất ở châu Âu. Khi chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn độc quyền, đế quốc, V.I. Lênin cho rằng, cách mạng vô sản không nhất thiết nổ ra ở những nước tư bản phát triển nhất, mà “có thể thắng trước hết là trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa hoặc thậm chí chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa”(3). Bên cạnh đó, V.I.Lênin còn khẳng định, khi mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc trở thành một mâu thuẫn cơ bản của thời đại ngày nay, cách mạng vô sản không chỉ là cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản ở các nước tư bản, mà “đó sẽ là cuộc đấu tranh của tất cả các thuộc địa và tất cả những nước bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, của tất cả các nước phụ thuộc chống lại chủ nghĩa đế quốc quốc tế”(4). Do vậy, giai cấp vô sản ở các nước tư bản chính quốc cần phải liên minh với phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa. Từ đó, V.I.Lênin phát triển khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại” của C.Mác thành “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”.

Với góc nhìn của người dân thuộc địa, lại chứng kiến các phong trào yêu nước Việt Nam lần lượt thất bại, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước mới cho dân tộc mình sau khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin (7-1920). Tin theo V.I. Lênin vì cho rằng đây là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”(5), Người còn khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(6). Không những tin tưởng vào sự đúng đắn của lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, theo Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa sau khi hoàn thành sẽ từng bước đi tới xã hội cộng sản. Cương lĩnh của Đảng năm 1930 do Hồ Chí Minh soạn thảo đã chỉ rõ tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng rồi đi tới xã hội cộng sản(7). Thực tế cách mạng Việt Nam đã đi theo đúng tiến trình được Hồ Chí Minh vạch ra là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chống thực dân, đế quốc, phong kiến, đi thẳng lên CNXH, bỏ qua chủ nghĩa tư bản với tư cách là một chế độ chính trị - xã hội.

- Phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về mối liên hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc. Do những hạn chế của bối cảnh lịch sử, C.Mác, Ph.Ăngghen chưa bàn về cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và mối liên hệ của nó với cách mạng vô sản thế giới. V.I.Lênin là người đầu tiên đặt ra mối quan hệ hữu cơ giữa cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản thế giới với phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Tuy nhiên, V.I.Lênin cho rằng, thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa cần sự giúp đỡ của cách mạng vô sản ở các nước tư bản phát triển. Tuyên ngôn của Quốc tế Cộng sản (3-1919) cũng cho rằng, công cuộc giải phóng các dân tộc thuộc địa chỉ có thể thắng lợi khi cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở các nước chính quốc thắng lợi.

Xuất phát từ thực tiễn đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, từ tình hình cách mạng thế giới và từ kinh nghiệm hoạt động phong phú và với nhãn quan sắc bén của mình, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm mới về mối quan hệ này. Một mặt, Người xem sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản như con đỉa hai vòi, một vòi bám vào giai cấp vô sản chính quốc, vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa(8). Và do đó, trong cuộc đấu tranh của mình, cách mạng vô sản chính quốc và cách mạng giải phóng thuộc địa tất yếu có mối liên hệ gắn bó mật thiết, thúc đẩy lẫn nhau như “hai cánh của một con chim”. Mặt khác, Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa có tính độc lập, bình đẳng, không phụ thuộc hoàn toàn vào cách mạng vô sản ở chính quốc, mà thậm chí “vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa...”(9). Vì vậy, Người cho rằng, cách mạng ở thuộc địa không được thụ động, trông chờ vào cách mạng ở chính quốc mà cần tự lực cách sinh, cần tiến hành chủ động, độc lập, sáng tạo, tự đứng lên giải phóng mình và cách mạng giải phóng dân tộc có khả năng giành thắng lợi ở một nước thuộc địa, trước cách mạng vô sản ở chính quốc và qua đó góp phần thúc đẩy cách mạng vô sản ở chính quốc. Ngay trong bản Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định công cuộc giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa chỉ có thể thực hiện bằng sự nỗ lực của bản thân họ(10). Sau đó, trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” (1927), Người một lần nữa chỉ rõ: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(11). Với tư tưởng đó, trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc giải phóng và kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn coi trọng trước hết việc phát huy tinh thần độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(12). Đây thực sự là một bổ sung, phát triển có giá trị của Hồ Chí Minh đối với học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thắng lợi của cách mạng ở một số nước thuộc địa càng khẳng định sự cống hiến của Hồ Chí Minh cũng như của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. 

- Phát triển lý luận Mác - Lênin về xử lý mối quan hệ giữa giai cấp với dân tộc, giữa giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc trong công cuộc giải phóng ở các nước thuộc địa. Trong học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, vấn đề đấu tranh giai cấp và giải phóng giai cấp vô sản được đặt lên hàng đầu, coi giải phóng giai cấp là điều kiện, tiền đề cho giải phóng các dân tộc, còn vấn đề dân tộc và giải phóng dân tộc được nhìn nhận như hệ quả của giải phóng giai cấp, phụ thuộc vào kết quả của cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp vô sản. Theo C.Mác, “Hãy xóa bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng bị xóa bỏ”(13). Tuy nhiên, chính các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác cũng đã cho rằng cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản là mang tính thế giới, nhưng cuộc đấu tranh ấy lại gắn với quốc gia dân tộc cụ thể, và vì thế giai cấp vô sản phải hoàn thành sứ mệnh với dân tộc mình trước đã. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã nêu rõ: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc”(14). Do vậy, “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”(15).

Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, học thuyết Mác được xây dựng trên bối cảnh lịch sử cụ thể của châu Âu, mà châu Âu thì “chưa phải là toàn thể nhân loại”(16). Người phê phán sự máy móc, giáo điều trong nhận thức học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác “mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”(17). Hồ Chí Minh cho rằng, lý luận mácxít về đấu tranh giai cấp và mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc khi vận dụng vào các xã hội thuộc địa phương Đông cần phải được bổ sung, phát triển “bằng dân tộc học phương Đông”(18). Theo đó, Người chỉ ra sự cần thiết phải xem xét sự khác nhau cơ bản giữa phương Tây với phương Ðông về điều kiện kinh tế và kết cấu xã hội - giai cấp. Ở các nước thuộc địa, phong kiến phương Đông, giai cấp công nhân còn nhỏ yếu, mâu thuẫn giữa giai cấp giữa tư sản và vô sản chưa rõ rệt, nổi bật, trong khi mâu thuẫn chính, chủ yếu là mâu thuẫn giữa dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa thực dân, đế quốc và thế lực phong kiến tay sai bán nước. Vì vậy, nhiệm vụ trung tâm, đặt lên hàng đầu cho cách mạng ở các nước thuộc địa là giải quyết mâu thuẫn dân tộc, đó là đấu tranh chống đế quốc, thực dân xâm lược để giải phóng đất nước, giành độc lập cho dân tộc. Về vấn đề này, theo Hồ Chí Minh: “nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, giải phóng dân tộc, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi bộ phận, giai cấp đến vạn năm sau cũng không đòi lại được”(19). Tuy vậy, Người cũng nhấn mạnh, cuộc đấu tranh dân tộc đó gắn với cuộc đấu tranh giai cấp, là một bộ phận của cách mạng vô sản, dựa trên ý thức hệ của giai cấp công nhân, do đội tiên phong của nó là đảng cộng sản lãnh đạo, có sự liên hệ chặt chẽ với cách mạng vô sản thế giới, với giai cấp vô sản ở chính quốc và khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc phải phát triển thành xã hội chủ nghĩa thì cuộc cách mạng mới giành được thắng lợi hoàn toàn(20).  

- Hồ Chí Minh và Đảng ta đã bổ sung và phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin về đảng cách mạng và lực lượng cách mạng trong bối cảnh cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Bàn về quy luật ra đời của các đảng mácxít, xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của các nước tư bản châu Âu, V.I.Lênin đã khái quát công thức: Đảng cộng sản = Chủ nghĩa Mác + Phong trào công nhân. Tuy nhiên, xuất phát từ bối cảnh xã hội - giai cấp đặc thù của Việt Nam và của các nước thuộc địa phong kiến, nơi mà phân hóa giai cấp, đấu tranh giai cấp chưa rõ rệt, nơi mà giai cấp công nhân còn nhỏ bé về số lượng, non yếu về chất lượng, nơi mà chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước, Hồ Chí Minh cho rằng, việc ra đời của các Đảng Cộng sản ở các dân tộc thuộc địa vì thế phải là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước mang tính dân tộc của các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân để giải phóng đất nước. Từ đó, Hồ Chí Minh cho rằng, đảng vừa đại diện cho lợi ích giai cấp, vừa đại diện cho lợi ích nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Với cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”, và “quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một”(21). Năm 1961, một lần nữa Người khẳng định: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”(22). Những luận điểm về sự ra đời của đảng vô sản và mối quan hệ giữa đảng với dân tộc là sự bổ sung, phát triển rất đặc sắc của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam cho học thuyết về xây dựng Đảng vô sản kiểu mới ở các nước thuộc địa và phụ thuộc và đây cũng là một cống hiến về lý luận cho phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.

2. Đóng góp về thực tiễn

2.1. Có thể khẳng định rằng, cống hiến lớn đầu tiên và bao trùm của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đối với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế về mặt thực tiễn là bài học sâu sắc về phương pháp nhận thức, học tập, tiếp thu và thực hành chủ nghĩa Mác-Lênin. Đối với những người cộng sản và cách mạng chân chính, trong khi học tập và thực hành lý luận mácxít phải luôn sáng tạo, đổi mới và phát triển, không ngừng làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tránh rơi vào giáo điều xơ cứng, không rơi vào lập trường tả khuynh, hữu khuynh hay tuyệt đối hóa, thần thánh hóa C.Mác, V.I.Lênin. Việc nhận thức giáo điều, tả khuynh, thậm chí là độc quyền chân lý trong nhận thức và thực hành chủ nghĩa Mác-Lênin ở một số người cộng sản và một số đảng cộng sản là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất hòa, chia rẽ trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế những năm 50-70 thế kỷ XX. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến chủ nghĩa Mác, CNXH hiện thực trở nên xơ cứng, thiếu động lực để phát triển và hệ quả là sự sụp đổ chế độ XHCN ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Tấm gương tiếp thu và thực hành chủ nghĩa Mác-Lênin của Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là bài học lịch sử, vừa có ý nghĩa thời đại sâu sắc đối với những người cách mạng trong bối cảnh phong trào cộng sản, công nhân quốc tế hiện nay.

2.2. Một cống hiến khác về thực tiễn của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đối với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế là việc tìm ra con đường cứu nước và chỉ ra phương pháp cách mạng đúng đắn cho các dân tộc thuộc địa bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng, hiện thực hóa thành công lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào bối cảnh của một nước thuộc địa, nửa phong kiến như Việt Nam. Những thành quả vĩ đại, mang tầm vóc thời đại của cách mạng Việt Nam do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là những kinh nghiệm có ảnh hưởng lan tỏa rộng lớn và sâu sắc tới cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, góp phần thức tỉnh, khơi dậy, thúc đẩy, cổ vũ các phong trào yêu nước, cách mạng ở các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc ở Á-Phi-Mỹ Latinh đứng lên giải phóng mình, giành lấy tự do và độc lập dân tộc, dẫn tới sự tan rã và sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa mà chủ nghĩa thực dân cũ đã tồn tại hàng trăm năm, góp phần to lớn làm thay đổi sâu sắc bộ mặt thế giới trong thế kỷ XX.

2.3. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, khi phong trào cách mạng thế giới nói chung, phong trào cộng sản, công nhân quốc tế nói riêng đang tạm thời lâm vào thoái trào, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện tình đoàn kết quốc tế của mình, tiếp tục có những đóng góp cho phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Trong khi triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: “củng cố và tăng cường quan hệ đoàn kết và hợp tác với các Đảng Cộng sản và Công nhân, các đảng cánh tả, các phong trào giải phóng và độc lập dân tộc, với các phong trào cách mạng và tiến bộ trên thế giới”. Trong 4 phương châm chỉ đạo xử lý các vấn đề quốc tế thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định phương châm đầu tiên là: “Bảo đảm lợi ích dân tộc chân chính, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân”.

Trung thành với của nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt kể từ đầu thập niên 90 trở lại đây, bằng các hoạt động cụ thể của mình nhằm góp phần khôi phục phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với giai cấp công nhân và nhân dân tiến bộ trên thế giới đấu tranh thực hiện mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tuy tình hình thế giới thời kỳ sau chiến tranh lạnh diễn biến phức tạp và môi trường hoạt động của từng Đảng Cộng sản ở mỗi nước là không giống nhau, nhưng với tư cách đội tiên phong của giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản Việt Nam và các Đảng Cộng sản, Công nhân trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế luôn thể hiện sự thống nhất với nhau trong nhiều vấn đề về tư tưởng, chính trị trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên trì đấu tranh vì những mục tiêu mang tính thời đại, cùng hướng tới mục tiêu, lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, xây dựng CNXH. Chính sự thống nhất về cơ bản tư tưởng chính trị và mục tiêu chiến lược là tiền đề khách quan thuận lợi tạo nên mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản, Công nhân trong phong trào cộng sản quốc tế trước đây cũng như ngày nay, thể hiện tính tất yếu và sự trong sáng của chủ nghĩa quốc tế vô sản của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã chứng minh rằng, mỗi thắng lợi của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam chống thực dân đế quốc trước đây, trong sự nghiệp đổi mới để từng bước đưa đất nước quá độ lên CNXH hiện nay không chỉ là nguồn động viên, cổ vũ đối với các lực lượng cộng sản trên thế giới mà còn là một cống hiến quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế vì mục tiêu của thời đại.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng công cuộc đổi mới (1986) cũng là thời điểm CNXH hiện thực đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng gay gắt nhất trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, dẫn đến sự sụp đổ chế độ XHCN ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Trong điều kiện phong trào cách mạng lâm vào thoái trào, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và mục tiêu CNXH, không ngừng nâng cao vị thế và ảnh hưởng quốc tế của mình là một minh chứng sinh động về sự đóng góp của Đảng ta đối với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Việc trụ vững của Đảng Cộng sản Việt Nam và việc kiên định mục tiêu XHCN là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Không những thế, việc Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tổng kết thực tiễn, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, trước hết là lý luận Mác - Lênin, trên cơ sở đó mà xây dựng đường lối chiến lược, sách lược để từng bước quá độ lên CNXH, thích ứng với những biến đổi của tình hình thế giới sau chiến tranh lạnh và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam được xem như là bước đột phá góp phần tăng cường sức sống của CNXH, có ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.

Tuy mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, sự thể hiện chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân của Đảng ta mang những hình thức có khác nhau, nhưng về tổng thể, sự đoàn kết, hợp tác trên tinh thần đồng chí anh em với các Đảng Cộng sản trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế được xác định như một nguyên tắc cốt yếu trên mặt trận đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự hiện diện đông đảo đại biểu các Đảng Cộng sản của nhiều nước trên thế giới tại các Đại hội VII, VIII, IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, việc Đảng ta tổ chức đăng cai Hội nghị lần thứ 17 các Đảng Cộng sản và Công nhân năm 2016 cũng như sự tham dự của đoàn đại biểu Đảng ta tại các đại hội của nhiều Đảng Cộng sản trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế là một biểu hiện cụ thể chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Không những thế, trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam còn tích cực tham gia các cuộc gặp gỡ quốc tế thường niên giữa các Đảng Cộng sản, Công nhân như ở Aten (Hy Lạp), ở Síp, ở Beclin, hoặc các cuộc hội thảo khoa học, diễn đàn Sao Paolô của các lực lượng cánh tả Mỹ

Latinh và thế giới... Thông qua đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bày tỏ quan điểm, lập trường đối với nhiều vấn đề cấp bách đang đặt ra trước những người cộng sản cũng như đối với toàn bộ phong trào cộng sản, công nhân quốc tế thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Cùng với những vấn đề lý luận mang tính phố biến, việc Đảng Cộng sản Việt Nam triển khai nghiên cứu và làm sáng tỏ nhiều vấn đề đặt ra đối với cách mạng Việt Nam như về thời kỳ quá độ và con đường đi lên CNXH từ một nước có xuất phát điểm thấp như Việt Nam; về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; về kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế... đều là những kinh nghiệm quý báu mà các Đảng Cộng sản trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế có thể tham khảo và vận dụng vào điều kiện cụ thể của nước mình, đồng thời cũng là nguồn bổ sung, làm phong phú thêm kho tàng lý luận Mác - Lênin.

90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có được những thắng lợi đó, ngoài nhân tố mang tính quyết định là sức mạnh nội lực, còn có sự đóng góp quan trọng của nhân tố quốc tế - thời đại, trong đó có sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ to lớn trên tinh thần chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân của các Đảng Cộng sản trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, khi phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, với tư cách là một mácxít-lêninnít chân chính và là một đảng cầm quyền lãnh đạo cả nước quá độ lên CNXH, hơn lúc nào hết, Đảng ta cần thể hiện bản chất quốc tế của giai cấp công nhân của mình trong việc hợp tác, giúp đỡ các Đảng Cộng sản trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2020

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.5, 16.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.26, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.447.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.370.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289.

(6), (9), (16), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.9, 295, 510, 510.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.93-95.

(8) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 320.

(10) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.138.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.320.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.596.

(13), (14), (15) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 624, 611, 623-624.

(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.312.

(19) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.113.

(20) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.392.

(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.41.

(22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.275.

PGS, TS Phan Văn Rân

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền